16/06/2011 18:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 2351
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Lưu Trọng Lư (1911-2011), Hội Nhà văn Việt Nam, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và đông đảo những người yêu mến ông đã có buổi gặp mặt chân tình và ý nghĩa để cùng nhớ về một hồn thơ tài năng, một con người đức độ.


 
 
"Khó ai có thể tổng kết được cuộc đời phong phú và sôi nổi của người nghệ sĩ như Lưu Trọng Lư” là chia sẻ của PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học) khi nói về dấu ấn của con người đa tài này trên văn đàn nước Việt. Còn theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "Sẽ là bất kính, bất công nếu chúng ta chỉ biết đến Lưu Trọng Lư như một nhà thơ, mặc dù sinh thời ông đã xuất bản 4 tập thơ. Nhưng ông còn là tác giả của rất nhiều vở kịch, nhiều tác phẩm văn xuôi mà số lượng còn gấp mười lần hơn thế”. Hữu Thỉnh kể lại một kỷ niệm trong sinh hoạt quân đội, khi đọc cuốn "Đời cô Nhụy” của Lưu Trọng Lư ông đã khóc. Tuy nhiên vì đọc lén vào giờ ngủ của bộ đội bằng chiếc đèn pin tự tạo nên cuốn sách đã bị thu lại. Bất ngờ ở chỗ sau đó đúng một tuần thì tiểu đội trưởng trả lại cho Hữu Thỉnh cuốn sách và nói: "Tớ cũng khóc, cậu ạ”.
 
Với khối lượng tác phẩm văn xuôi của thi nhân không hề nhỏ (14 cuốn vừa tiểu thuyết, truyện vừa và truyện ngắn) có thể sánh ngang hoặc vượt hơn nhiều cây bút văn xuôi tiêu biểu cùng thời như Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh... Với tư cách người viết kịch bản và lãnh đạo ngành sân khấu Việt Nam (Lưu Trọng Lư từng giữ chức Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam), Lưu Trọng Lư cũng đã ghi lại dấu ấn đậm nét của mình. Ông là tác giả của những kịch bản sân khấu "vang bóng một thời” như: Nữ diễn viên miền Nam, Cây thanh trà (cải lương); Xuân Vỹ Dạ, Anh Trỗi (kịch nói); Hồng Gấm, tuổi hai mươi (kịch thơ)... Tất nhiên, vượt trội hơn cả là tài thơ của thi sĩ họ Lưu. Cùng với Thế Lữ, ông là người khai mở phong trào Thơ mới, cả bằng thơ và bằng lý luận... Trong số các tập thơ của ông thì "Tiếng thu” có lẽ nổi tiếng hơn cả. Trải qua mấy chục năm, đến nay những vần thơ này vẫn khiến bao người đọc thổn thức: "Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô?”.
 
 

Trong suốt 80 năm cuộc đời mình, những sáng tác của Lưu Trọng Lư không chỉ nhiều về số lượng mà về chất lượng cũng có những đóng góp đáng kể. Còn nhớ trong cuốn Thi nhân Việt Nam của tác giả Hoài Thanh – Hoài Chân, ngoài Xuân Diệu được chọn 15 bài thì Huy Cận và Lưu Trọng Lư "xếp thứ hai” là 11 bài. Các tác giả khác đều ở phía dưới hoặc cách rất xa con số ấy. Đặc biệt, dù là tác phẩm văn xuôi hay thơ ca, sân khấu của Lưu Trọng Lư đều mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Chẳng thế mà khi Lưu Trọng Lư qua đời, nhà thơ Tố Hữu khi đến viếng có ghi vào sổ tang 4 câu thơ: "Lưu Trọng Lư ở, biệt cõi trần/ "Tiếng thu” man mác nhạc trong ngần/ "Nửa đêm sực tỉnh” đời pha mộng/ Da diết lòng anh, một chữ Nhân”. Nói như KTS. Lưu Trọng Hải, con trai của nhà thơ thì: "Cuộc đời cha tôi khi chìm khi nổi nhưng trong lòng ông luôn đau đáu một chữ Nhân. Và chữ Nhân ấy sẽ không dừng lại ở chỗ cha tôi mà chắc chắn sẽ sống mãi trong lòng chúng tôi, trong những thế hệ sau của gia đình chúng tôi”.

Thu Hương
 

Bộ sách đồ sộ "Tác phẩm:Truyện ngắn &Tiểu thuyết” (NXB Lao động & Trung tâm ngôn ngữ Văn hóa Đông Tây, 2011) và tập thơ dày "Bài ca tự tình” (NXB Hội nhà văn, 2011) cũng được giới thiệu trong dịp này. Đây là những bài thơ & trường ca hầu như chưa hề được công bố của nhà văn Lưu Trọng Lư, sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để các nhà nghiên cứu, những người yêu văn học trong & ngoài nước tìm hiểu và nghiên cứu về sự nghiệp văn học nghệ thuật rất phong phú của thi nhân.

Nguon: http://www.baomoi.com/Home/SachBaoVanTho/daidoanket.vn/Thi-nhan-da-tai-Luu-Trong-Lu/6461051.epi

Âm lịch

Ảnh đẹp