PHẦN THỨ TƯ
TÂY TẠNG HUYỀN BÍ 1
Đức hạnh cao quí
Tổ tiên Tây Tạng
Từ Liên Hoa Sinh đến Tông Khách Ba
Nóc nhà thế giới
Đền Jokhang
ĐỨC HẠNH CAO QUÍ
"Kongpo là một tỉnh ở miền Nam Tây Tạng mà dân vùng đó có tiếng là
chỉ có tín tâm, không mấy người có trình độ hiểu biết.Trong số các tu
viện Tây Tạng thì "Jokhang" tại Lhasa là thiêng thiêng hơn cả. Trong đền
có một tượng Phật rất xưa, trình bày Phật Cồ-đàm hồi còn niên thiếu và
được mang tên là Jowo [1]Rinpoche (Đức hạnh cao quí). Tượng Phật này
được mang từ Trung quốc qua Tây Tạng cả ngàn năm trước và là phẩm vật
của một công chúa lấy một nhà vua Tây Tạng thời đó.
Ben, một
thanh niên vùng quê Kongpo, suốt đời mơ ước được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của
đền Jokhang và của tượng Phật thiêng thiêng nhất Tây Tạng. Một ngày
kia, Ben đượÏc lên đường đi Lhasa để tận mắt được chiêm bái thánh địa
này.
Sau một chuyến đi khổ nhọc, cuối cùng Ben đến kinh đô Lhasa, đi như
người bị hớp hồn trong các con đường của "thành phố chư thiên"
này...Nhìn thấy điện Potala, Ben thật xúc động, đó là nơi mà đức Quán
Thế Âm đang hiện tiền dưới dạng của vị Đạt-lai lạt-ma. Đáng xem thay,
dòng người vô tận đang đi vòng xung quanh điện Potala! Thật là tuyệt
vời, vẻ đẹp của điện Norbu Lingka, cung điện mùa hè của vị nguyên thủ
quốc gia, với bao nhiêu chạm trổ và các bảo tháp đầy tính nghệ thuật.
Cũng không được bỏ qua các tu viện đáng quí trọng nhất như Sera và
Drepung, nơi đào tạo tăng sĩ.
Ben nhủ thầm: "May mắn thay cho ta, đời ta còn có thể thấy được những
nơi này". Sau đó Ben vào đền Jokhang và kìa, tượng Jowo Rinpoche trong
thế ngồi liên hoa, to như người thật và toát ra một cảm giác tôn quí
thầm lặng mà vĩ đại. Ben quì lạy trước bức tượng ba lần, nhưng lần nào
cũng hầu như mắc kẹt với đôi ủng cũ kỹ và chiếc mũ đầy bụi của Ben cứ
rơi xuống đất.
Ben cởi ủng, cầm mũ, đặt lên lòng bức tương đang mỉm cười yên lặng và
nói: "Hỡi Jowo Rinpoche, hãy coi chừng dùm các thứ này để cho con yên
tâm tiếp tục chiêm bái". Ben đi chân không vòng quanh bức tượng vàng,
vui thích ngắm hàng chục ánh đèn dầu trên bục tượng và đủ các loại bánh
trái để bên cạnh. Ben cám ơn đức Phật toàn trí và dưới lòng từ bi tỏa
sáng của Jowo Rinpoche, Ben mạnh dạn lấy bánh, nhúng vào dầu thắp đèn và
ăn ngon lành. Đáp lại lòng từ bi của Phật, Ben hứa thành tiếng sẽ đón
Phật bất cứ lúc nào tại Kongpo. Vì làm nghề mổ heo, Ben hứa sẽ mổ con
heo mập mạp nhất, cho đủ thứ gia vị để chiêu đãi Phật. Ben đâu biết rằng
đạo Phật chủ trương không giết hại loài vật và hoàn toàn tin rằng lời
mời của mình sẽ được Phật nhận lời.
Ngay lúc đó thì cửa mở toang, vị sư già giữ đền bước vào. Vị sư đứng
sững người nhìn đôi ủng dơ bẩn và chiếc mũ rách nát trên lòng đức Phật
và nhìn thấy bột bánh đang dính vào râu của Ben.Vị sư giận giữ chụp đôi
ủng và chiếc mũ trên lòng tượng Phật, bỗng một tiếng nói huyền bí cất
lên: "Dừng tay, các thứ này của đứa học trò yêu quí của ta xứ
Kongpo!".Vị sư run bắn người, đi lui mười bước. Ông nằm dài xuống đất và
xin tượng tha thứ sơ suất của mình. Sau đó ông rút lui, để Ben ở lại
một mình trong phòng, để cho chàng thanh niên này tiếp tục nói chuyện
theo cách riêng của anh ta với vị "Đức hạnh cao quí".
Sau đó Ben về lại với gia đình tại Kongpo, nhưng tin đồn bức tượng
nói chuyện với chàng đã về đến trước. Khi có ai hỏi gì về tin đồn đó,
Ben chỉ nói lơ: "Ôi, thời buổi này chẳng biết tin nào đúng tin nào sai".
Người ta kể thêm rằng, bức tượng quả nhiên đã nhận lời mời của chàng
Ben thật thà và hiện ra trước mắt chàng trong một dòng suối gần nhà. Ben
thò tay vào nước vớt tượng lên và mang bức tượng đi được một vài bước,
nhưng cuối cùng vì tượng nặng quá nên Ben để Phật rơi xuống đất. Tượng
chìm xuống đất cả thước và mọi người đều có thể chiêm ngưỡng bức tượng
đó.Đến ngày hôm nay, dân làng Kongpo vẫn còn đi vòng quanh hố đất với
dấu tích của Jowo đang mỉm cười và lạy tượng bằng cách cúi đầu sát đất.
Đền Jokhang ở kinh đô Lhasa có thể rất xa nhưng người biết chuyện tin
rằng vị "Đức hạnh cao quí" thì ở rất gần họ" [2].
Khi dịch câu chuyện này, lòng tôi xúc động vì một lẽ: ai cũng có thể
đến với đức Phật cả, đạo Phật không có lệ tuyển sinh. Chàng Ben có thể
nhờ Phật coi chừng đôi ủng dơ bẩn và chiếc mũ đầy bụi của mình, chàng vô
tư mời Phật về nhà để chiêu đãi con heo mập mạp nhất. Phật nhận lời và
nghiêm túc giữ đồ cho chàng, vui vẻ nhận lời mời về thăm chàng, trong
lúc Ben không biết tí gì về đạo Phật, cả chủ trương cấm sát sinh cũng
không. Phật ra đời vì "nhân duyên lớn", để đến với thế gian, đến với
những người cần đến mình, không hề phân biệt ai hơn ai kém.
Ngài
đến cuộc đời không chỉ vì Xá-lợi-phất đại trí mà vì tất cả mọi ai còn
bị vô minh vây phủ. Không có sự chọn lọc ai mới được là đệ tử của Ngài,
ai cũng có quyền xem Ngài là thầy cả, ai cũng có quyền mời Ngài về nhà.
Còn sự bình đẳng nào lớn hơn ? Giáo pháp thâm sâu của Phật thì không mấy
ai hiểu ngộ, chỉ dành cho các vị đại thượng trí, còn lòng từ bi của
Ngài thì lan tỏa vô phân biệt như ánh mặt trời, đó là cảm nhận của tôi.
Tôi tìm hiểu thêm về nội dung câu chuyện hóm hỉnh này và khám phá
thêm nhiều điều mới mẻ. Nhà vua Tây Tạng lấy công chúa Trung Quốc được
kể trong truyện là một vị vua tên là Tùng-tán Cương-bố [3] , ông trị vì
khoảng từ 617 đến 649 sau công nguyên. Ông lên ngôi năm 13 tuổi và chính
là người kiến tạo kinh đô Lhasa. Các đời vua trước ông đóng đô ở lũng
Yarlung, trên bờ sông Tsangpo, cách Lhasa khoảng 90km về hướng đông nam.
Tùng-tán Cương-bố đã thiết lập nên một nước Tây Tạng hùng mạnh, trải
dài từ nam Mông Cổ đến chân Hy-mã lạp-sơn. Nhiều nhà Phật học [4] so
sánh Tùng-tán Cương-bố với A-dục-vương của Ấn Độ sống mười thế kỷ trước
đó.
Đầu tiên nhà vua Tùng-tán Cương-bố cầu hôn công chúa Nepal, con vua
Amsuvarman thời đó và được nhận lời. Nàng Bhrkuti lên đường đi Tây Tạng,
mang theo tượng Bất Động Như lai [5], đến xứ đầy tuyết lạnh vắng người,
trong đó chưa mấy ai biết đến đạo Phật. Bhrkuti được dân Tây Tạng yêu
mến, được gọi là Belsa hay Trisung, có nghĩa "bà hoàng Nepal". Sau
Bhrkuti, Tùng-tán Cương-bố lại cầu hôn một công chúa khác, đó là nàng
con gái Văn Thành của nhà vua Đường Thái Tông của Trung Quốc.
Đường
Thái Tông vốn là nhà vua mộ đạo lý, là kẻ đã tha tội vượt biên của
Huyền Trang và hỗ trợ cho ông hoàn thành công trình dịch kinh. Thái Tông
gọi người Tây Tạng là "Thổ Phiên", chê "man di", không chịu gả con, lấy
cớ đã hứa gả công chúa cho nhà vua nước Thổ Cốc Hồn [6]. Tùng-tán
Cương-bố liền đánh đuổi Thổ Cốc Hồn, đem quân đến tận Tùng Châu đe dọa
Thái Tông. Ông cho người gửi đến cho Thái Tông một phẩm vật đặc biệt, đó
là một thứ vũ khí được dát bằng vàng, yêu cầu nhà vua Trung Quốc "suy
nghĩ lại".
Cuối cùng Thái Tông đồng ý, cho Văn Thành lên đường
đi Tây Tạng, đó là năm 640. Vì việc này mà Trung Quốc rất ức Tây Tạng,
gọi biến cố đó là "Thổ Phiên nhập khấu" (Thổ Phiên vào cướp). Văn Thành
mang theo về nhà chồng một bức tượng "trình bày Phật Cồ-đàm hồi còn niên
thiếu", đó là một bức tượng của thái tử Tất-đạt-đa. Văn Thành cũng được
dân Tây Tạng yêu mến, được gọi là "bà hoàng Trung Quốc".
Tùng-tán Cương-bố và hai nàng công chúa không phải người thường. Nhà
vua được xem là hiện thân của Quán Thế Âm, đến Tây Tạng để tạo cơ duyên
cho giáo pháp. Trong thế kỷ thứ bảy, lúc tại Trung Quốc, Phật giáo ở
trong thời đại hoàng kim vào đời nhà Đường thì triều đại của Tùng-tán
Cương-bố là kỷ nguyên mở đường cho giáo pháp vào Tây Tạng. Hai "Bà
hoàng" đều là hiện thân của nữ thần Tara, vị bồ-tát được dân Tây Tạng
tin tưởng. Tara được xem được sinh ra từ "nước mắt" của Quán Thế Âm,
nàng công chúa Nepal là nữ thần Tara sắc lục, Văn Thành của Trung Quốc
là vị Tara sắc trắng. Nhờ các tượng Phật của hai nàng công chúa mang đến
mà các ngôi đền được xây dựng, đó là cơ sở vững chắc đầu tiên của đạo
Phật.
H 45: Tranh diễn tả Tùng-tán Cương-bố
và hai nàng công chúa: Nhà vua ngồi trong thế bán già (Ardhaparyanka),
tay mặt ngửa ra ngoài bắt ấn cứu độ, trên đầu mang hình A-di-đà, vị Phật
liên hệ mật thiết với Quán Thế Âm. Vì thế nhà vua được xem là "ý niệm"
của A-di-đà và là hiện thân của Quán Thế Âm. Bên mặt phía dưới là công
chúa Nepal, quấn áo sari. Bên trái là công chúa Trung Quốc, mặc áo lụa
ngắn. Cả hai cầm bình bát đựng xá-lợi Phật[7]
Dù Văn Thành là người thường hay hiện thân của bồ tát, nàng đã mang
lại cho Tây Tạng một báu vật còn được gìn giữ đến ngày nay, đó là bức
tượng Tất-đạt-đa. Bức tượng này chính là Jowo Rinpoche (Đức hạnh cao
quí), được thờ trong một ngôi đền tại Lhasa. Đền này mới đầu được gọi là
Trülnang, về sau mang tên Jokhang. Đó là ngôi đền và bức tượng được kể
trong đầu chương này.
Đền Jokhang ngày nay vẫn còn và ai cũng
được chiêm bái vị "Đức hạnh cao quí", người không phân biệt ai là vị đại
trí Xá-lợi-phất, ai là chàng Ben thật thà miền quê Kongpo, là người
nhận lời mời thọ thực của một ông đồ tể. Đức hạnh cao quí đã thể hiện
thành tâm vô phân biệt. Đó là lý do chính thôi thúc tôi tìm đường đến
Lhasa Tây Tạng để đảnh lễ Tất-đạt-đa.
TỔ TIÊN TÂY TẠNG
Nếu ngày trước Govinda hay David-Néel đi Tây Tạng rất khổ nhọc thì
ngày nay người ta đến xứ này tương đối dễ dàng, nhất là thủ đô Lhasa.
Khách có thể từ Kathmandu, thủ đô Nepal, bay đi Lhasa, mỗi tuần hai
chuyến. Nhưng cách đi hay nhất là đến Thành Đôâ, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên,
từ đây khách có thể dễ dàng đi thăm viếng Tây Tạng. Muốn đến Thành Đô ta
có thể lấy máy bay từ Bắc Kinh, Thượng Hải nhưng tiện nhất cho khách
nước ngoài là từ Bangkok. Ngày nay mỗi ngày có một chuyến bay
Bangkok-Thành Đô bằng đường bay South West Airlines của Trung Quốc, thời
gian bay khoảng gần ba tiếng đồng hồ. Thành Đô lại là kinh đô nước Thục
ngày xưa, là nơi khách có thể tham quan Nga Mi sơn, Lạc sơn, nên đến
Thành Đô, khách có thể phối hợp nhiều lộ trình tham quan hết sức thú vị
[8].
Từ Trung Quốc khách có thể đi Tây Tạng nhưng phải có giấy phép đặc
biệt. Vì thế hầu như tất cả mọi người đều phải đi trong các tour do các
văn phòng du lịch tổ chức. Thành Đô là nơi tập trung khách đi Lhasa vì
từ đó mỗi ngày có một chuyến bay với South West Airlines. Từ Bắc Kinh,
Trùng Khánh cũng có chuyến bay đi Lhasa nhưng mỗi tuần chỉ hai ba chuyến
không đáng kể.
Từ Thành Đô đi Lhasa, tôi bay từ đông sang tây. Ra khỏi Thành Đô
không bao lâu một vùng núi non bát ngát đã xuất hiện, đó là lưng dựa
hiểm yếu của nước Thục ngày xưa. Vùng núi non thỉnh thoảng được cắt bởi
những hẻm sâu vực thẳm mà một trong những hẻm núi hiểm trở đó là thượng
nguồn sông Cửu Long. Ôi, đã có một ngày tôi được bay trên đầu nguồn Cửu
Long. Từ Thành Đô ta còn có một con đường bộ đi Lhasa. Tuyệt diệu thay
nếu đời tôi được đi con đường đó, con đường băng núi bạt ngàn vượt qua
vùng Đông Tây Tạng với những trang huyền sử. Con đường đó cũng dẫn đến
suối nguồn của Cửu Long Giang mà tôi mơ ước được một ngày nếm vị ngọt
của nó.
Hôm nay tôi sẽ đến Lhasa, "thành phố của chư thiên", nằm trên độ cao
3685m. Trên độ cao này không khí đã khá loãng, tôi chịu nổi không ? Tôi
đã lên Zugspitze, đỉnh cao nhất nước Đức chưa đầy 3000m, đã đến Nga Mi
sơn cao khoảng 3100m. Thế thì Lhasa phải là chỗ cao nhất xưa nay tôi
chưa đến, độ cao của nó vượt hơn đỉnh Hoàng Liên sơn của ta khoảng nửa
cây số. Tây Tạng là một một xứ sở kỳ dị, lớn rộng như Tây Âu, độ cao
trung bình của nó khoảng 4500m. Dân của họ hết sức thưa thớt, quen sống
vùng rẻo cao, ít người xuống được bình nguyên. Nguồn gốc của họ là từ
đâu ?
Thời kỳ xa xưa của Tây Tạng chìm sâu trong bóng tối của lịch sử, như
nhà Phật học người Ý Giuseppe Tucci [9] nói, "không có bao nhiêu dữ
liệu mà phải đoán mò từ những truyền thuyết tôn giáo". Thế nhưng nhiều
nhà địa chất và khảo cổ quả quyết rằng, đất Tây Tạng ngày xưa vốn nằm
dưới đáy biển! Cách đây khoảng 40 triệu năm, bán đảo Ấn Độ di chuyển, va
chạm vào lục địa châu Á mà đội lên thành Hy-mã lạp sơn và cao nguyên
Tây Tạng ngày nay. Vì thế mà ngày nay người ta vẫn còn tìm thấy nhiều
dấu vết của động vật sống dưới biển đã hóa thạch và nhiều hồ Tây Tạng là
hồ nước mặn.
Tổ tiên người Tây Tạng, theo lời của chính họ, là một con khỉ ! Con
khỉ đó không phải tầm thường, nó là một hiện thân của Quán Thế Âm, tìm
đến một hang động lạnh lẽo trên núi cao để thiền định. Thế nhưng gần đó
có một nàng ma nữ, gặp khỉ nàng khóc lóc than thở về mối cô đơn hiu
quạnh của mình. Động lòng từ bi, khỉ chịu chung sống với ma nữ và sinh
sáu người con và đó là tổ tiên của dân tộc Tây Tạng. Ngày nay người Tây
Tạng vẫn tự thấy mình là sự tổng hợp của lòng từ bi dịu hiền của khỉ và
sự lì lợm tham lam của ma [10].
Tây Tạng có một số lượng dân cư hết sức thưa thớt. Thủ đô Lhasa ngày
xưa, trước khi Trung Quốc xâm nhập năm 1959, chỉ có khoảng 30.000 dân.
Thành phố lớn thứ hai là Shigatse với khoảng 12.000 dân, thứ ba là
Gyantse với khoảng 8000 dân. Toàn bộ dân tộc Tây Tạng chỉ gồm khoảng 5-6
triệu dân. Có lẽ không ai quan tâm đến dân tộc này và chỉ xem họ chỉ là
một chủng tộc hoang sơ sống trên rẻo cao nếu Tây Tạng không có một nền
văn hóa độc đáo.
Trong nền văn hóa vô song đó đạo Phật đóng một
vai trò chủ đạo, nhưng đạo Phật tại đó cũng không còn là Phật giáo Ấn
Độ, cũng chẳng phải là Phật giáo Trung Quốc, mặc dù mối liên hệ với hai
vùng văn hóa đó hết sức mật thiết. Từ một xứ sở tưởng chừng như hoang sơ
đó đã sinh ra và phát triển thành một trường phái Phật giáo thâm sâu,
vừa đầy tính lý luận khúc chiết vừa đầy tính mật tông ảo diệu. Đến thời
đại hiện nay Phật Giáo Tây Tạng tương đối còn sức sống trong lúc Phật
Giáo tại Ấn Độ và Trung Quốc đã suy tàn.
Máy bay hạ dần độ cao, bay ngược dòng một dòng sông có chiều dài tổng
cộng khoảng 2900km. Bên trái dưới máy bay là dòng sông Yarlung Tsangpo,
một dòng sông anh em của Trường Giang, Hoàng Hà, Cửu Long. Nguồn của nó
là dưới chân Ngân Sơn, ở miền tây Tây Tạng. Đối với Tây Tạng, Tsangpo
cũng quan trọng như Trường Giang với Trung Quốc. Nó phát nguồn từ một
mạn-đà-la vĩ đại quanh Ngân Sơn [11] , tên của nó có nghĩa "chảy từ hàm
ngựa", chảy từ đông qua tây, bọc quanh một ngọn núi tuyết cao trên 7700m
rồi thẳng đường phía nam, lúc này nó mang tên Brahmaputra, xuyên qua
Bangladesh chảy ra Ấn Độ dương.
Tsangpo chính là nơi các nhà vua Tây Tạng xây dựng cơ đồ. Theo truyền
thuyết, một ngày nọ trong năm 313 trước công nguyên, có một vương tử Ấn
Độ thất thế phải chạy ngược lên Hy-mã lạp sơn. Đó là thời kỳ hùng mạnh
của triều đại Maurya tại Ấn Độ, có lẽ vị vương tử này vì thế mà lánh nạn
chăng. Vượt tuyết sơn đến Tây Tạng thì ông gặp dân chúng sống trong
hang động, họ hỏi ông từ đâu tới. Vì bất đồng ngôn ngữ ông đành chỉ tay
lên trời. Dân chúng tưởng ông từ trên trời giáng thế nên công kênh lên
vai, tôn ông làm vua. Đó là vị vua đầu tiên, Nyatri Tsenpo. Vị vương tử
may mắn này đưa văn minh Ấn Độ vào Tây Tạng, cho xây cất nhà cửa và đặt
kinh đô bên dòng Tsanpo, thung lũng Yarlung.
Khi Nyatri Tsenpo chết thì huyền sử chép "theo một sợi dây mà lên
trời"và sáu đời vua sau ông cũng theo cách đó mà giã từ nhân thế. Thế
nhưng đến đời vua thứ tám, Drigum Tsenpo thì "dây dứt", nhà vua này được
chôn tại Yarlung và từ đó về sau lăng mộ các nhà vua Tây Tạng đều ở
Yarlung cả, ngày nay vẫn còn. Đến đời thứ 23, lúc đó là khoảng năm 371
sau công nguyên, thời nhà vua Totori Nyentsen, "trên trời bỗng rơi xuống
nóc điện nhà vua"kinh sách bằng tiếng Phạn không ai đọc được. Trong một
giấc mộng nhà vua được biết rằng, năm đời sau mới có vị vua đọc và hiểu
được kinh sách. Đó chính là vị Tùng-tán Cương-bố nói trong chương
trước.
Tùng-tán Cương-bố lên ngôi, nước Tây Tạng hưng thịnh chưa từng có và
cùng với hai nàng công chúa nước ngoài, ông không những "đọc và hiểu"
kinh sách tiếng Phạn mà còn xây đền tháp, gửi người đi tu học ở Ấn Độ,
dịch kinh sách. Căn cứ trên tư tưởng Phật Giáo, nhà vua ban bố "Thập
thiện" và "Thập lục yếu luật" để dân chúng thi hành. Nhiều học giả cho
rằng, kể từ đây nước Tây Tạng mới thoát khỏi tình trạng hoang sơ man dã.
TỪ LIÊN HOA SINH ĐẾN TÔNG-KHÁCH-BA
Sau khi Tùng-tán Cương-bố mất, nước Tây Tạng vẫn hết sức cường thịnh,
thế nhưng Phật giáo rơi vào tình trạng suy thoái. Hai đời sau Tùng-tán
Cương-bố là một nhà vua tên là Khí-lệ Tú-tán (sống khoảng đầu thế kỷ thứ
7), vị này cầu hôn được một nàng công chúa Trung Quốc tên là Kim Thành.
Kim Thành là một đệ tử Phật giáo thuần thành, mang về Tây Tạng nhiều vị
sa-môn và kinh sách. Nhưng quan trọng nhất là bà đã tặng cho dân tộc
Tây Tạng một người con trai xuất sắc, đó là Trisong Detsen [12], là vị
vua đã chính thức cho Phật giáo du nhập Tây Tạng. Thời đại của ông được
xem là thời đại Phật giáo du nhập lần thứ nhất và cũng kể từ đây, lịch
sử Tây Tạng không thể tách rời với các giai đoạn truyền bá của đạo
Phật.
Trisong Detsen lên ngôi năm 12 tuổi, thời đại của ông còn huy hoàng
hơn cả thời Tùng-tán Cương-bố. Đây là thời gian mà Tây Tạng xâm chiếm cả
Thanh Hải và Tứ Xuyên của Trung Quốc. Nhà Đường Trung Quốc cũng phải
run sợ "thổ phiên" ở Tây vực, hàng năm phải nộp triều cống cho Tây Tạng.
Thậm chí năm 735, vì Trung Quốc thiếu phẩm vật, Tây Tạng đem quân vây
cả Trường An. Thế nhưng Trisong Detsen để lại cho đời sau không phải là
những chiến tích mà là công lao du nhập Phật giáo vào Tây Tạng mà việc
đầu tiên là mời Tịch Ho [13] . Tịch Hộ là một cao tăng thuộc phái Trung
quán tông, là viện trưởng viện Phật học Siêu Giới [14]. Lúc Tịch Hộ đến
Tây Tạng là lúc nơi đây vừa bị thiên tai dịch bệnh hoành hành. Các cận
thần của nhà vua lấy cớ đó cho rằng Tịch Hộ chỉ mang tai họa cho Tây
Tạng. Nhà vua khẩn cầu Tịch Hộ hàng phục ma quái nhưng ông từ chối và
cho vua hay chỉ có một người có đủ thần thông khắc phục, đó là Liên Hoa
Sinh [15].
Tương truyền rằng Liên Hoa Sinh sinh ra trong một hoa sen tại miền
linh địa Ô-trượng-na [16] , một vùng tây bắc Kashmir. Ông là người hay
sử dụng thần thông, chú thuật để nhiếp phục ma quái. Vừa đến biên giới
Tây Tạng, Liên Hoa Sinh được đón tiếp bằng bão tuyết, mưa đá, bằng các
tai họa thiên nhiên do các lực lượng ma quái thù địch gây nên. Trong
thời kỳ đó người Tây Tạng phần lớn đều theo đạo Bon (Bổng giáo), đó là
tôn giáo thờ các vị địa thần, thần núi, thần sông, ma quái, kết bạn với
họ và cũng sử dụng họ như âm binh. Dựa trên tâm lý này, Liên Hoa Sinh
thi triển thần thông nhiếp phục các lực lượng này và thậm chí đưa các vị
thần này về với chính pháp, cho họ có một chỗ đứng trong hệ thống Phật
giáo. Liên Hoa Sinh để lại dấu ấm sâu đậm nhất trong lịch sử Tây Tạng,
ông là người sáng lập dòng Ninh-mã [17], để lại vô số bí lục [18] về các
phép tu học hành trì. Người Tây Tạng xem Liên Hoa Sinh chính là hóa
thân của Thích-ca mâu-ni.
Nhà vua Trisong Detsen, được xem là hóa thân của Văn-thù sư-lợi, tận
mắt chứng kiến khả năng phi thường của Liên Hoa Sinh và trở thành đệ tử
của ông. Theo lời Liên Hoa Sinh, nhà vua cho mời Tịch Hộ trở lại Tây
Tạng và ba vị này là những người chính thức đặt nền móng cho Phật Giáo
Tây Tạng bằng cách bắt đầu cho học tập và phiên dịch kinh điển và xây
dựng đền Tang Duyên [19] năm 775. Đền này nằm ở phía đông Lhasa, cách
khoảng 50km, đang từ từ hiện ra dưới cánh máy bay..
[20]
Lịch sử cuối đời của Liên Hoa Sinh ra sao thì không ai rõ, có người
nói ông về lại Ấn Độ sau khi xây dựng chùa Tang Duyên, có kẻ cho ông ở
lại Tây Tạng lâu hơn. Dù sao thì đời của Liên Hoa Sinh được phủ bằng một
tấm màn huyền thoại và điều đáng chú ý là người Tây Tạng vẫn xem ông
hầu như còn hiện diện đâu đó, còn thiền định trong hang động lạnh lẽo
hay đang sống dưới dạng của một con người ẩn danh.
Trong những năm cuối của thế kỷ thứ tám có một cuộc hội nghị quan
trọng, được gọi là "cuộc tranh luận tại Lhsasa", nó để lại dấu vết quan
trọng trong nền Phật Giáo Tây Tạng. Đó là cuộc tranh luận giữa Thiền
Tông Trung Quốc và Trung Quán Tông Ấn Độ mà cuối cùng phái Trung Quán
thắng thế. Đó là thời kỳ hoàng kim của thiền Trung Quốc mà vị đại diện
tại Lhasa là Đại Thừa hòa thượng. Đại Thừa hòa thượng chủ trương "đốn
ngộ trực chỉ, phóng khoáng giáo hóa, bài xích giáo nghĩa, chống diễn
dịch phân biệt" [21] .
Phía Trung Quán có một vị luận giải rất
xuất sắc, đó là Liên Hoa Giới [22] , học trò của Tịch Hộ. Cuộc tranh
luận này xảy ra năm 792 với sự có mặt của nhà vua, phe nào thắng sẽ trở
thành quan điểm chính thống của Phật Giáo Tây Tạng. Như ta có thể tự
đoán ra, Thiền Tông với chủ trương "bất lập văn tự" không thể nào tranh
cãi nổi với phái Trung Quán chuyên biện luận khúc chiết từ thời Long
Thụ. Thế là quan điểm Trung Quán thắng thế và điều đó để lại ảnh hưởng
không nhỏ đến ngày nay.
Sau Trisong Detsen hai đời là nhà vua Relbachen, trị nước từ năm 815
đến 836. Ông được xem là hiện thân của Bồ-tát Kim Cương Thủ [23] và
trong thời kỳ này, Phật giáo thịnh hành chưa từng thấy. Vô số đền đài
được xây dựng, kinh sách được biên dịch, tăng sĩ Ấn Độ được mời đến Tây
Tạng giáo hóa, tăng sĩ Tây Tạng được gửi đi nước ngoài học tập. Đây cũng
chính là hiểm họa vì triều đình quá sức ưu đãi Phật giáo làm nhân dân
oán hận. Đó chính là điều đã từng xảy ra tại Trung Quốc trong thế kỷ thứ
5, thời Đạo Vũ Đế. Cuối cùng Relbachen chết năm 836, lý do không rõ, có
thuyết cho rằng ông bị ám hại. Và cũng tương tự như thời kỳ sau Đạo Vũ
Đế tại Trung Quốc, người nối ngôi Relbachen là một nhà vua tên gọi là
Lang Darma, vị này lên ngôi liền đốt phá chùa chiền, tiêu diệt tăng sĩ.
Đây là pháp nạn lần thứ nhất tại Tây Tạng.
Bất bình trước cảnh giáo pháp bị tru diệt, một tăng sĩ Tây Tạng có
tên là Belgyi Dorje [24] giả trò biểu diễn múa võ, hạ sát nhà vua năm
842. Sau đó Tây Tạng rơi vào nội loạn, Trung Quốc chiếm lại được đất đai
đã mất nhưng rồi bản thân nhà Đường cũng bị tiêu diệt năm 905.
Khoảng cuối thế kỷ thứ 10, tại tây Tây Tạng có một vương quốc gọi là
Guge bắt đầu quan tâm lại đến Phật Giáo và cho tăng sĩ qua Ấn Độ tu học,
trong số đó có một vị đáng chú ý là Rinchen Sangpo [25] . Vị này có thể
được xem là Huyền Trang của Tây Tạng, đi Ấn Độ ba lần, tu học tại đó
tổng cộng 17 năm và đem về Tây Tạng vô số kinh sách. Nhưng nếu Huyền
Trang chỉ là nhà dịch kinh thì Rinchen Sangpo còn là người xây dựng
khoảng 108 tu viện tại miền tây Tây Tạng, trong số đó có tu viện Tholing
nổi tiếng, còn giữ được đến ngày nay. Rinchen Sangpo xuất chúng như thế
nhưng ông còn tôn một vị tăng sĩ trẻ hơn mình khoảng 25 tuổi làm thầy,
đó là A-đề-sa [26].
A-đề-sa là một tăng sĩ tiếng tăm lừng lẫy, là giảng sư tại viện
Na-lan-đà và Siêu giới. Ông đến Tây Tạng lúc đã 60 tuổi, tổng hợp giáo
pháp của Trung Quán và Duy Thức, hòa hợp quan niệm của Đại Thừa và Mật
Tông, viết bộ Bồ-đề đạo đăng luận [27] nổi tiếng. Đó là thời kỳ được xem
là lần thứ hai truyền bá đạo Phật vào Tây Tạng, lần đầu là với Liên Hoa
Sinh và Tịch Hộ. Khoảng vài trăm năm sau A-đề-sa, Phật Giáo Tây Tạng
phát triển vượt bực, đồng thời tự chia ra nhiều hệ phái.
Khoảng đầu thế kỷ 12, nước Mông Cổ sản sinh một nhân tài kiệt xuất,
đó là Thành Cát Tư Hãn. Bây giờ đến lượt Tây Tạng run sợ trước sức mạnh
của Mông Cổ và chịu lệ thuộc. May thay, người Mông Cổ cũng như Tây Tạng,
rất quí trọng nền lạt-ma giáo nên vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt bảo hộ
Tây Tạng, cử một vị lạt-ma làm đại diện cho mình tại đây. Chế độ tăng sĩ
nắm quyền bính bắt đầu từ đây và do đó mà sinh ra vô số phiền toái mà
về sau ta sẽ biết.
Trong thế kỷ thứ 14, đại sư Tông-khách-ba
[28] ra đời, nhà cải cách tôn giáo quan trọng nhất, là người xây dựng
nền Phật Giáo Tây Tạng của ngày nay. Ông là người chỉnh đốn lại giáo
luật, soát xét lại toàn bộ kinh điển và cũng là người xây dựng nhiều đền
tháp quan trọng. Ông chính là người sáng lập tông phái Cách-lỗ [29], là
tông phái của Đạt-lai lạt-ma và Ban-thiền lạt-ma còn truyền đến ngày
hôm nay. Trong các đền đài của Phật Giáo Tây Tạng, sau Thích-ca mâu-ni
ta thường gặp tượng của Liên Hoa Sinh và Tông-khách ba.
Sau Tông-khách-ba thì dòng tái sinh của Đạt-lai lạt-ma được xem là
người lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng. Các vị lạt-ma này đều được xem là
hiện thân của Quán Thế Âm, mỗi một vị là thân tái sinh của vị trước. Vị
Đạt-lai lạt-ma thứ 14 hiện nay sống tại Ấn Độ và cũng là người đại diện
quan trọng nhất của Phật Giáo thế giới. Tác phẩm của ông ngày nay tràn
ngập thế giới, luận giải của ông về Trung Quán là xuất sắc và thâm sâu
nhất không ai bằng. Tôi được gặp ông tại Bonn, đã nghe ông giảng những
điều hết sức giản dị về Phật Giáo. Tiếng nói ông có một âm vang sâu thẳm
và quen thuộc. Tiếng cười của ông sảng khoái và có chút hóm hỉnh, hầu
như hé cho tôi thấy những gì ông đang đấu tranh cho quê hương Tây Tạng
của ông chỉ là một chuyện thế tục mà ông phải làm, thật ra không hề quan
trọng.
Hôm nay tôi đến quê hương của ông, sẽ đi thăm bái điện Potala. Theo
huyền sử, tên Potala chính là trú xứ của Quán Thế Âm tại Nam Ấn Độ, thế
nên Phổ Đà sơn ngoài khơi Ninh Ba chính là tên chữ Hán của Potala để chỉ
trú xứ của Ngài tại Nam Hải Trung Quốc. Tôi đã đến Phổ Đà sơn, vài hôm
nữa sẽ đến Potala tại Tây Tạng, sẽ làm trọn một vòng đảnh lễ Quán Thế
Âm.
NÓC NHÀ THẾ GIỚI
Máy bay hạ cánh ở sân bay nằm tại thị trấn Gongkhar, cách Lhasa
khoảng 120km về phía nam. Đây hẳn là sân bay xa trung tâm thành phố nhất
mà tôi đã từng đi. Thế nhưng đó là điều may cho tôi vì Gongkhar nằm
trên bờ nam của sông Yarlung Tsangpo mà con sông này thì tôi muốn tận
mắt mình nhìn thấy.
Tôi ra khỏi cửa máy bay với tâm trạng ít
nhiều hồi hộp, dưỡng khí đâu cho tôi thở ? Thế nhưng tôi quên ngay băn
khoăn khi thấy cảnh vật hiện ra. Tôi nhìn quanh và nhận ra rằng đây là
một vùng lũng thấp của Tây Tạng, xung quanh là sườn núi thoai thoải.
Trên sườn núi những vệt nắng rõ nét làm tôi chú ý, chúng có cái gì khác
lạ. Màu nắng ban mai vào một ngày mùa hè rất tươi làm tôi vui thích,
nhưng màu nắng này cũng có cái gì không giống màu nắng mà tôi hay thấy.
Trên
cao những đám mây trắng trôi lơ lững, tôi sớm nhận ra rằng chúng gần
tôi hơn và sực nhớ mình đang ở độ cao gần 3700m. Ở độ cao này áp suất
không khí chỉ còn khoảng 68% so với áp suất tại mặt biển. Không khí
trong và loãng. Vài phút sau khi ra khỏi máy bay tôi chưa nhận ra thân
thể mình có gì khác lạ, nhưng chiều hôm đó tôi sớm biết. Và trong những
ngày sau, tôi biết thêm tại sao những vệt nắng in trên sườn núi tại gần
sân bay lại rõ nét. Dễ thôi, những đám mây trắng nằm sát với mặt đất
hơn, bóng của chúng đậm hơn và sắc nét hơn.
Ôi tôi đã lên tới một nơi mà lũng thấp của nó cao hơn các ngọn núi
của miền đồng bằng. Nhưng không phải chỉ có thế, đây là một vùng đất kỳ
lạ của một nền văn hóa độc đáo, của những thánh nhân sống đời viễn ly.
Trên sườn núi xa xa kia, có vị nào đang hành trì thiền định ?
Phi trường Lhasa này chỉ là một là một sân bay nhỏ, khách đi bộ vào
nhà lãnh hành lý, may cho tôi khỏi phải leo cầu thang. Hơi thở tôi đã
bắt đầu mệt nhọc, tôi cố thở hơi thật dài, nhớ có ai đó nói rằng hãy
nghĩ đến huyệt đan điền ở bụng dưới, hãy dẫn khí vào đó. Tôi đâu có bao
giờ tập khí công, chỉ sau vài hơi thở tôi lại quên. Tôi sớm thấy rằng
trái tim bơm máu và lá phổi lọc khí vốn ăn nhịp với nhau nay đã hoạt
động loạn xạ. Điều dễ nhận ra là tôi thấy có khi mình không mệt, nhưng
vài phút sau lại thấy tim ngực mình mỏi rã rời. May cho tôi đã lựa đúng
một ngày hè để đi Tây Tạng, nếu hôm nay mà nhiệt độ dưới không chắc tôi
không chịu nổi. Tôi cho những chiếc va-li vào xe bus và tự nhủ sẽ không
có việc gì phải làm đến lúc mình về đến khách sạn. Theo kế hoạch của ban
tổ chức tour, chiều nay chúng tôi được nghỉ.
Lên xe bus mỗi khách được nhận một tấm khăn lụa trắng choàng quanh
cổ, đúng truyền thống chào khách và chúc lành của người Tây Tạng. Một
nỗi hân hoan kỳ lạ chiếm lấy tôi khi xe chạy ngược dòng Tsangpo đi về
phía tây, bên mặt tôi là dòng sông chảy từ Ngân Sơn thiêng liêng. Từ đây
nó sẽ chảy vài ngàn cây số nữa, làm một vòng lớn ở phía tây của Tứ
Xuyên, hầu như đến chào Nga Mi sơn, trước khi trút nước xuống Bangha
Desh và phân ra vố số nhánh để chảy ra Ấn Độ dương.
Dòng chảy
của nó còn rất xa mà lạ thay, nơi đây nó êm đềm như mặt hồ. Hướng dẫn
viên do hay mùa này nước cạn, quả nhiên ở giữa lòng sông là không biết
cơ man nào là đụn đất cát, giữa dòng mà cây cối mọc xanh tươi. Màu nắng
trong và tươi đến mức kỳ lạ, cảnh quan bao la bát ngát, một bên là sông
rộng mênh mông ít nước, một bên là núi đá nằm xa xa. Tôi nghe Tây Tạng
là xứ ít cỏ cây nhưng sao đây chỉ toàn một màu xanh thuần tịnh ?
Phải rồi, tôi đang ở thung lũng của Yarlung Tsangpo, đây phải là một
nơi xanh tươi nên các nhà vua xưa của Tây Tạng đã chọn nơi đây thành lập
kinh đô. Vả lại mùa này là những ngày hè với nắng ấm hiếm hoi, cây cối
đang nứt chồi xanh, con người đang chăm lo vụ mùa lúa mì của họ. Theo
đường xe chạy, tôi bắt đầu thấy những người Tây Tạng với nhiều lớp quần
áo màu đậm truyền thống của họ, tôi nhận ra họ vẫn quen mặc áo ấm ngay
trong mùa hè. Hình như trong bóng mát, vào mùa hè gió vẫn lạnh, tôi ngồi
trong xe ngẫm nghĩ. Nhà cửa của người Tây Tạng có hình khối lập phương,
vách xây bằng đá tảng, mái bằng. Bốn góc trên nóc nhà là nơi có bốn cột
cao khoảng một mét, treo phướn cầu nguyện nhiều màu. Có nhà chỉ treo
hai cột, phải chăng có mức độ "cao thấp" giữa các nhà.
Phướn cầu nguyện là cái độc đáo của người Tây Tạng, không có nước nào
khác theo Phật giáo mà có tục lệ này. Đó là những mảnh vải lụa nhiều
màu in kinh chi chít, họ treo như những lá cờ, chúng bay phần phật trong
gió và tung rải trong không gian mọi phước lành. Tôi nhớ những lá phướn
này tại Lâm-tì-ni và Bồ-đề đạo tràng tại Ấn Độ, chúng ghi dấu những
người Tây Tạng đi hành hương rất xa. Mới nhìn qua những lá phướn bay
trong nắng ta dễ tưởng có ai phơi áo quần mới giặt.
Tôi đã thầm
trách như thế khi đến Bồ-đề đạo tràng ở Ấn Độ, ai đi phơi quần áo quanh
gốc bồ-đề, chỗ Phật thành đạo. Nhưng không, nhìn kỹ thì thấy chúng là
vải lụa mang chi chít chữ Tây Tạng, hỏi ra mới biết phần lớn là nội dung
của kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà ta hay gọi là kinh "Pháp Hoa", kinh Phật
thuyết trong những ngày cuối đời. Ngày sau khi đến Lâm-tì-ni, thấy
những lá phướn này kết thành băng treo ngang dọc, tôi hân hoan đi dưới
tiếng phất gió phần phật của chúng, lòng nghĩ không biết bao giờ mới ngộ
được nội dung Pháp Hoa.
Đi ngược dòng Yarlung Tsangpo không bao lâu, xe đổi hướng băng sông
đi lên hướng Bắc. Đây là nơi hai sông Kyi Chu và Yarlung Tsangpo gặp
nhau, xe qua cầu sắt tiến về kinh đô Tây Tạng. Ngày xưa các nhà vua Tây
Tạng bỏ lũng Yarlung Tsangpo về Lhasa vì lý do huyền bí nào không ai rõ
nhưng cảnh quan càng đến gần Lhasa càng bát ngát xanh tươi. Tôi nhớ lại
mô tả của Govinda trong "Con đường mây trắng" [30], rõ là trên cao
nguyên này màu sắc khác hẳn dưới đồng bằng. Đúng là tất cả các màu có
một độ trong sáng và rực rỡ.
Núi non có nhiều màu khác nhau,
ngọn gần thì có màu xanh lục của cây cối pha lẫn màu vàng của cát nằm
đầy trên sườn núi. Các ngọn xa hơn có màu đồng đỏ và các ngọn xa hơn nữa
có màu xanh dương. Chúng nằm xếp bên nhau trên một khung cảnh hoành
tráng của đất trời, phía dưới là nước sông trong vắt, phía trên là bầu
trời xanh màu nhung thẫm. Những màu sắc này cống hiến cho những ai tận
mắt thấy chúng, không thể mô tả bằng lời. Không gian hầu như cũng khác
so với bình nguyên, khoảng cách trong không gian không thể phỏng đoán
bằng mắt. Núi non như nổi bật trong khung trời, nó tiến sát gần với
chúng ta. Có những ngọn núi mà tôi đoán rất gần nhưng khi thấy những đàn
cừu nhỏ chi chít như đầu kim ăn cỏ trên sườn núi thì mới hay nó nằm rất
xa. Phải chăng không khí loãng tạo cho ta cảm giác như thế, tôi không
thể giải thích.
Govinda kể lại cho Sangharakshita [31] nghe về sự kinh ngạc của ông
về màu sắc trên cao nguyên Tây tạng và Sangharakshita cũng thừa nhận là
đúng như thế. Sangharakshita còn viết cả một chương sách nói về mối liên
hệ giữa màu sắc trong thiên nhiên và trong các bức họa Thangka.
Tôi nhảy xuống xe để chụp hình Thích-ca mâu ni tạc bên vách núi, chỗ
này còn cách Lhasa khoảng 18km. Bên cạnh Ngài là hình của nữ thần Tara,
sắc trắng và sắc lục. Tôi sớm biết tại Tây Tạng người ta hay khắc họa
hình tượng, thần chú, lời kinh lên vách núi để nhắc nhở và chúc lành cho
lữ khách đi đường. Tây Tạng là một xứ sở của 16.000 tu viện, là nơi mà
người dân sống liên tục trong một tâm thức tôn giáo, là một vùng cao
nguyên mênh mông mà trong nhà ngoài ngõ, trên núi dưới lũng, ở đâu cũng
hiện diện một niềm xác quyết tâm linh, rằng vũ trụ là một thể thống
nhất, con người là một phần của thiên nhiên, sống chết là một sự tương
tục miên viễn.
Xe vào địa phận Lhasa. Lòng tôi đang hân hoan bỗng chùng lại vì những
kiến trúc to lớn của người Hán hiện lên trước mắt. Tôi trở lại với thực
tế, Tây Tạng bây giờ đã khác xưa. Ngồi trên xe tôi thấy người bản xứ
đang lầm lũi đi bộ, tay họ quay bánh xe mani liên tục, hẳn họ trên đường
đi đến tham bái điện Potala. Nhưng thôi, tôi hết nhìn ngắm họ và thở
một hơi dài nhẹ nhõm khi xe đến khách sạn Tibet, nơi tôi sẽ ở nhiều
ngày.
Người làm thủ tục check-in cho tôi là người Hán, họ nói tiếng Anh hết
sức hạn chế. May thay phòng tôi ở tầng trệt, khỏi phải leo cầu thang.
Người xách va-li vào phòng cho tôi là một cô gái người Tây Tạng. Tôi mở
va-li ra và thấy chai dầu gội đầu đem từ Tứ Xuyên lên không hiểu sao
phồng lên như một cái bong bóng. Ngay sau đó tôi hiểu là áp suất không
khí ngoài chai dầu - áp suất Tây Tạng - thấp hơn áp suất Tứ Xuyên còn
nằm phía trong nên chai phồng lên. May thay nó không bể. Tôi nhìn vào
gương, bất ngờ thấy môi mình tím ngắt. Thì ra không khí loãng không đủ
dưỡng khí nuôi máu. Người ta nói chỉ cần nửa ngày là quen độ cao, tôi hy
vọng thế. Tôi ráng ngủ nhưng đầu thì nhức, tim thì đập. Hỡi "Đức hạnh
cao quí", xin hẹn ngày mai.
ĐỀN JOKHANG
Lhasa nằm trên bờ bắc của sông Kyi Chu, đó là một của vô số dòng sông
con chảy về Yarlung Tsangpo. Ngày xưa vua Tùng-tán Cương-bố dời đô từ
lũng Yarlung về đây hẳn có nhiều nguyên nhân huyền bí ta không hiểu hết.
Ngày nay người ta chỉ còn nhắc lại lời công chúa Văn Thành, nàng cho
rằng địa thế của Lhasa giống như bánh xe chính pháp của Phật, nàng là
người Hán tộc mà biết quí trọng kinh thành thiêng liêng này biết bao.
Nhưng lịch sử mỉa mai thay, ngày hôm nay, cũng những người Hán đang ngự
trị và biến Lhasa, vốn được mệnh danh là "thành phố của chư thiên",
thành một đô thị thế tục bình thường. Nhưng thôi, tôi không muốn lòng
mình bực dọc. Tôi phải chuẩn bị cho mình một tâm thức tương ứng để đến
tham bái vị "Đức hạnh cao quí" trong đền Jokhang.
Khách sạn tôi
ở cách trung tâm Lhasa chừng 4km về phía tây. Xe chạy theo đường "Bắc
Kinh đông lộ" để đến khu vực Barkhor. Barkhor không gì khác hơn là chợ
của người Tây Tạng, đó là một khu bazar với vô số hàng quán bán đồ lưu
niệm, trái cây, thức ăn, hàng tạp hóa, tranh tượng...Đến Barkhor là đến
khu vực của người Tây Tạng, đây là nơi người dân bản xứ tụ họp chuyện
trò, nghỉ chân, phơi nắng. Bakhor cũng là nơi mà khách địa phương hay
nước ngoài ai cũng đến, do công trường này nằm ngay trước đền Jokhang.
Trong ngôi đền này là bức tượng thiêng liêng nhất Tây Tạng, bức Jowo
Rinpoche mà tôi tự đặt tên là "Đức hạnh cao quí" hay "Bức tượng biết
nói", dựa trên câu chuyện tôi đã kể trong một chương trước.
Người ta dễ ngạc nhiên về vị trí của đền Jokhang. Thông thường tại
Tây Tạng, các tu viện đền đài nằm trên đồi núi cao, làng xóm ở dưới
thung lũng và thực tế là các tu viện sau này tôi đi thăm cũng như thế
thật. Thế nhưng Jokhang nằm ngay giữa chợ ! Tiếng ồn của chợ búa sẽ làm
phiền các vị giác ngộ ?
Đến chợ Barkhor khách sẽ bị kêu réo mời chào, những tiếng gọi
"cheaper, cheaper" bằng tiếng Anh đơn giản cứ đập vào tai những du khách
như tôi. Dù mặt tôi xem ra là mặt người Hán nhưng vì vai mang ba-lô,
tay xách máy hình nên ai cũng tìm cách bán tranh tượng. Nhưng không, tôi
nhất định đi thẳng vào đền, đảnh lễ Tất-đạt-đa trước khi có một hoạt
động mua bán nào. Vừa gần đến đền tôi gặp một đoàn người Tây Tạng. Tới
đây thì may thay, không ai thèm ngó ngàng gì đến tôi, những kẻ hành
hương sùng tín đó chân đi chậm rãi, tay quay mani, miệng rì rầm cầu
nguyện.
Đó là đoàn người đi đảnh lễ như tôi, họ là "tăng", bạn
hữu của tôi, là một trong tam bảo. Ôi, đáng quí trọng thay, đoàn người
cùng đi đảnh lễ Đức Thế Tôn, họ đi quanh đền theo chiều kim đồng hồ.
Vách tường bên ngoài đền đỏ thẩm, đúng màu truyền thống của tu viện. Đến
bên vách ngoài phía đông của đền mà bên trong là bức tượng Jowo, khách
quì lạy vị Đức hạnh cao quí mà chưa cần nhìn thấy bức tượng. Họ nằm dài
trên mặt đất để biểu lộ sự khiêm cung nhẫn nhục. Nhẫn nhục là một trong
sáu hạnh ba-la-mật, tôi thầm nghĩ.
Đền này do công chúa Bhrkuti xây dựng, nàng là vợ của vua Tùng-tán
Cương-bố. Tương truyền rằng chỗ xây đền ngày xưa là hồ nước mà lại là
trái tim của một ma nữ, nó là người ngăn cản không cho ai được xây dựng
bất cứ chốn thờ phụng nào. Rồi cũng lại công chúa Hán tộc Văn Thành là
người hiểu phong thủy và trấn được cuộc đất này. Nàng ném vào đó chiếc
nhẫn mình hay đeo và ra lệnh cho dê chở đất đổ vào hồ và chỉ loài dê mới
được làm công việc đó. Theo tiếng Tây Tạng, dê là "Ra", là linh vật của
thần hộ pháp Damcen, đất là "Sa".
Từ đó mà chốn này mang tên
Rasa, dần dần biến thành Lhasa, tên gọi ngày nay của kinh thành. Cho nên
ta có thể xem công trình Jokhang là gốc của Lhasa. Từ năm 642 đến năm
653 ngôi đền này được xây dựng bằng những bàn tay của nghệ nhân Nepal.
Trong ngôi đền đó, bức tượng Bất Động Như lai của Bhrkuti mang theo được
thờ. Còn nàng Văn Thành cũng xây một ngôi đền khác gần đó và thờ tượng
Jowo, đền đó ngày nay cũng còn, tên gọi là Ramoche. Chẳng bao lâu sau,
để tỏ tình đoàn kết, hai nàng đem đổi chỗ của hai bức tượng và từ đó
Jowo được thờ tại Jokhang.
Nhưng do đâu nàng Văn Thành lại có bức Jowo, đó là điều đã nằm trong
bóng tối của lịch sử. Theo một truyền thuyết thì bức tượng Jowo được vị
thiên thần Ấn Độ chủ về nghệ thuật tên gọi là Vishvakarma tự tay tạo
dựng lúc đức Phật còn sống. Bức tượng này đến Trung Quốc là do A-dục
vương biếu tặng trong quá trình ông truyền bá đạo Phật trong thế kỷ thứ 3
trước công nguyên.
Tôi vào cửa đền thì đến một cái sân vuông với vô số đèn. Những chiếc
đèn cháy bằng mỡ trâu này toát ra một cái mùi kỳ lạ. Bên cạnh dàn đèn là
một chiếc bàn thấp với khoảng mười vị lạt-ma đang tụng kinh. Gần đó là
cổng chính của đền, vào trong đó tôi sẽ thấy bức tượng Jowo mà tôi không
bao giờ ngờ mình sẽ được chiêm bái. Nhưng tôi chưa vội vào và đi theo
một đoàn người đi vòng ngôi chính điện theo chiều kim đồng hồ và quay
tất cả các mani bằng đồng.
Đền Jokhang là một tòa kiến trúc gồm có 4 tầng, mái mạ vàng, phần lớn
các tranh tượng đều ở tầng một. Tổng thể diện tích của đền khoảng trên
25000 mét vuông, được chống đỡ bằng những cột gỗ, những cột này đều từ
thế kỷ thứ bảy còn lại cho đến ngày nay. Sau khi đi ba vòng, tôi bước
vào chính điện hình vuông qua một khung cửa gỗ. Cửa này cũng là bản gốc,
có xuất xứ từ 13 thế kỷ trước. Vào đền tôi chầm chậm đi quanh theo
chiều kim đồng hồ.
Đền nóng vì các ngọn đèn, dưới chân tôi rin rít mỡ trâu. Những bức
tượng đầu tiên đầu tiên là vị hộ pháp Palden Lhamo với cặp mắt to tròn.
Ngày trước có thể đó là những vị ác thần, ma quái đã được hàng phục và
sẵn sàng hỗ trợ chính pháp. Đó chính là chủ trương của Liên Hoa Sinh và
đặc trưng của Phật Giáo Tây Tạng. Sau đó là bức tranh diễn tả cảnh dê
chở đất đổ xuống hồ, minh họa lịch sử hình thành ngôi đền. Trong một
khám thờ khác là một bức tượng tuyệt đẹp của Quán Thế Âm ngày tay ngàn
mắt mà người Tây Tạng gọi là Chenrezi. Bức tượng này thì ngay cả Trung
Quốc cũng ít nơi sánh kịp. Qua nhiều khám thờ với tranh tượng của
Milarepa, của Tùng-tán Cương-bố, tôi đến vách phía đông của đền, đứng
trước tượng Jowo, nín thở.
Tôi không biết mình đã dùng cặp mắt gì để nhìn tượng, cặp mắt tôn
giáo hay nghệ thuật hay khách quan nhìn ngắm và phân tích. Tôi không
biết và không cần biết. Đó là một bức tượng tuyệt hảo. Đức Thích-ca với
khuôn mặt vàng sáng rực, nhìn xuống, đầu đội vương miện năm trí. Có lẽ
đúng, bức tượng này do thần Vishvakarma, chủ nghệ thuật, tự tay tôn tạo.
Khám thờ Jowo "Đức hạnh cao quí" ngày nay đã được ngăn bởi một lớp song
sắt, ta đứng ngoài có thể nhìn vào nhưng không thể đụng tới. Chàng Ben
của tôi ngày xưa có thể nhờ tượng giữ mũ giữ áo nhưng ngày nay tôi chỉ
có thể nhìn ngắm. Đứng trước bức tượng này là đã bao thế hệ tu sĩ và
khách hành hương. Tôi nhìn bộ khăn quàng trên đầu tượng, nghe nói đó là
của Tông-khách-ba tự tay làm lấy. Áo choàng cho tượng là của một nhà vua
đời Minh cúng dường.
Tôi nhìn tượng bối rối. Tôi mang nhang từ ngoài vào nhưng ở đây tôi
không có chỗ cắm, lớp song sắt đã ngăn tôi với tượng. Jowo từ bi nhìn
tôi hầu như nói "không sao", tôi đành kẹp cả bó nhang vào một hốc bên
cạnh và quì lạy bức tượng trên nền nhơm nhớp mỡ trâu. Trong các đền Tây
Tạng không có thùng đựng tiền bạc bố thí mà khách chỉ việc để vương vãi
khắp nơi, đó là điều tôi thấy kỳ lạ. Tôi không biết làm sao hơn là thò
tay thật xa vào song sắt và thả xuống đất một tấm giấy bạc cúng dường.
Trong đó người ta cũng đã bố thí nhiều, có thể lấy chổi mà quét.
Rời Jowo tôi đi chiêm bái tiếp các tranh tượng khác
trong đền như của Liên Hoa Sinh nhưng lòng cứ nghĩ đến tượng. Sắp ra
khỏi đền, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ trở lại Lhasa, mỗi lần đến đây
là mỗi lần khó và có ai nói được gì về tương lai. Người Tây Tạng chẳng
hay nói, kiếp sau của bạn có thể tới trước ngày mai. Tôi quày quả đi lui
đến trước tượng Thích-ca, đảnh lễ Ngài một lần cuối. Lúc tôi vừa từ nền
đất rin rít mỡ trâu đứng dậy thì đèn trong đền vừa tắt, tôi nhanh chân
đi ra cửa gỗ, là người cuối cùng ra khỏi đền. Lúc đó là 6 giờ chiều, giờ
đóng cửa Jokhang.
[1] - Có nơi ghi là "Jobo". Từ Tây Tạng phiên âm ra tiếng la-tinh thường thường mỗi nơi mỗi khác
[2]
- Trích "The snow lions turquoise mane" của Surya Das, bản dịch "Sư tử
tuyết bờm xanh" của tác giả, Nhà xuất bản Tp Hồ Chí Minh, 1999
[3] - Tùng-tán-cương-bố. Có tài liệu cho rằng ông sinh cuối thế kỷ thứ 6 và mất năm 650, thọ 82 tuổi
[4] - Xem Lịch sử Phật giáo thế giới của Thánh Nghiêm, Nhà xuất bản Hà Nội 1995
[5] - Aksobhya
[6] - Tu-yu-hun, bộ lạc ở bắc Trung Quốc
[7 ] - Theo H.W.Schumann, Buddhistische Bilderwelt, Diederichs Munich 1986
[8 ] - Xem chương "Nhân kiệt không đời nào thiếu" trong phần thứ ba
[ 9 ] - 1894-1984
[10]
- Theo "The door of liberation" của Geshe Wangyal. Chuyện này được
Đạt-lai lạt-ma thứ 14 nhắc lại trong "The Dalai Lama at Harvard" của
Hopkins
[11] - Xem chương "Con sông thiêng" trong phần thứ nhất
[12] - Hán Việt: Ngật-lật-sang Đề-tán (khoảng 740-798)
[13] - Santaraksita (750-802)
[14] - Vikramasila
[15 ] - Padmasambhava (sống khoảng cuối thế kỷ thứ 8)
[16 ] - Uddiyana, ngày nay thuộc về Pakistan
[17 ] - Nyingmapa
[18] - Terma
[19] - Samye
[20] - Theo H.W.Schumann, Buddhistische Bilderwelt, Diederichs Munich 1986
[21] - Theo Lịch sử Phật giáo thế giới của Thánh Nghiêm, Nhà xuất bản Hà Nội 1995
[22] - Kamalasila
[23 ] - Vajrapani
[24 ] - Hán Việt: Cát Tường Kim Cương
[25 ] - 958-1055
[26] - Atisa, 982-1054
[27] - Bodhipathapradipa
[28] - Tsong-kha-pa (1357-1419)
[29] - Gelugpa, có khi được gọi là phái Hoàng mạo (mũ vàng)
[30] - Govinda, sách đã dẫn
[31] - Sangharakshita, Tibetan Buddism" của Sangharakshita, Windhorse Publication