MÙI HƯƠNG TRẦM


Nguyễn Tường Bách (Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng) Nhà Xuất Bản Trẻ TP. Hồ Chí Minh 2003
05/06/2011 15:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 9033
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT 
(Tiếp Theo)

Trường Giang tam hiệp 
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai 
Cữu Hoa Sơn 
Ngành sứ Trung Quốc và Cảnh Đức Trấn
Hàng Châu và Tế Điên Hòa Thượng 

TRƯỜNG GIANG TAM HIỆP 

Trung Quốc có bốn biểu tượng lớn, đó là Hoàng Hà, Trường Giang, Hoàng sơn và Vạn Lý trường thành. Hoàng Hà và Trường Giang có cùng một quê hương là cao nguyên Tây Tạng, đó là suối nguồn của nhiều con sông lớn khác của châu Á, trong đó có sông Cửu Long của chúng ta. Giữa Trường Giang và Hoàng Hà thì Trường Giang có lẽ quan trọng hơn trong đời sống kinh tế và xã hội, lịch sử và văn hóa của Trung Quốc. 

Trường Giang (Changjiang) cũng còn có tên là Dương Tử Giang với 6600km là con sông dài nhất châu Á, đứng hàng thứ ba (36) trên thế giới, chảy qua tám tỉnh của Trung Quốc, chia sơn hà xứ này ra hai miền nam bắc. Trường Giang quá rộng nên ngày xưa không có cầu nào bắc qua nổi, người ta chỉ đi bằng thuyền. Người vượt Dương Tử nổi tiếng nhất có lẽ là Bồ-đề Đạt-ma, ông qua sông bằng một chiếc lá con, đi từ Nam Kinh lên núi Thiếu Lâm tại Tung sơn, sau khi truyền ý chỉ cho Lương Vũ Đế không thành. Đó là thế kỷ thứ năm. Ngày nay tại Nam Kinh, Vũ Hán và Trùng Khánh đã có cầu bắc ngang sông. 

Bắt nguồn từ một độ cao 5600m, vượt qua bao thác ghềnh núi non để chảy ra biển ở Thượng Hải, sông Trường Giang dẫn nước luồn lách đi qua bao nhiêu miền linh địa kỳ dị, là kẻ chứng kiến biết bao điều đã nằm trong bóng tối của lịch sử, là nguồn cảm khái vô tận của các thi hào. Từ Trường Giang sinh ra khoảng 700 con sông con mà tới nhìn tận mắt tôi mới hay chúng chẳng nhỏ bé chút nào. Những sông hồ đó cũng rất nổi tiếng như sông Mịch La của Khuất Nguyên, Tiền Đường của nàng Kiều, Động Đình Hồ của Lý Bạch. 

Sông Trường Giang cũng là chứng nhân của các cuộc chiến đấu trong lịch sử đầy nội chiến và ngoại xâm của Trung Quốc, từ thời Tam Quốc xa xưa đến thời cận đại này. Con sông này với lưu lượng khủng khiếp đã hòa máu của bao người trong dòng chảy của nó, nó đã ghi hình ảnh đầy gió và lửa tại Xích Bích của đầu công nguyên này và với việc Trung Quốc dời đô về Trùng Khánh trên, Trường Giang không quên một nước Trung Quốc suy nhược bị Nhật chiếm cứ và xâu xé. 

Thế nhưng vượt lên tất cả những uẩn khúc của lịch sử là phong cảnh lạ lùng của Trường Giang vì dòng chảy từ tây sang đông của nó đã dẫn dòng sông uốn lượn dưới những hẻm núi hiểm trở với những vách đá hầu như dựng đứng tới mây. Đó là những vùng núi non trùng điệp của Vu sơn mà Trường Giang đã tìm đường len lỏi dưới những hẻm sâu. Những đoạn sông nằm giữa hai vách núi dựng đứng được gọi là "hiệp" và từ đó mà sinh ra "Trường Giang tam hiệp", ba hẻm sông nổi tiếng xưa nay đã thu hút hàng thế hệ đến viếng và ngày nay trên thế giới nó đã thành một điểm tụ hội của du khách, chỉ đứng sau Vạn Lý trường thành. Đi qua tam hiệp này cũng là sống lại một thời lịch sử của Trung Quốc, cũng là nơi đọc lại vài trang huyền sử và nhiều bài thơ tuyệt diệu của các thi hào bất tử. 

Muốn ngắm Trường Giang tam hiệp ta không có nào khác hơn là đi tàu dọc đường thủy, đó là khoảng giữa Phong Đô và Nghi Xương, đoạn sông dài khoảng 200km. Thế nhưng tôi lên tàu từ Trùng Khánh và về đến Kinh Châu, đoạn dài hơn 500km để được ngắm Trường Giang nhiều hơn và nhớ một thời của Tam Quốc Chí. Đây là con sông hiểm yếu của nước Thục, cả Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi đều chết trên bờ sông này cách đây 18 thế kỷ. 

Dương Tử Giang ! Con sông ghi dấu trong tôi từ thời thơ ấu là đây. Sông rộng mênh mông, hai bờ xa lắc. Nước sông chảy không mạnh như tôi tưởng, về sau tôi biết ở hạ lưu có đê đập để điều hòa dòng chảy. Màu nước đục ngầu, nước đặc quánh phù sa, nhìn như nước sông Cửu Long. Thế nhưng nếu sông Cửu Long đầy lục bình thì ở đây không có bèo củi trôi sông, chỉ nước và nước. Dọc dòng sông này là vô số chuyện cổ tích. 

Trùng Khánh là nơi hợp lưu của hai sông Dương Tử và Gia Lăng, là cảng sông quan trọng, có một lịch sử khoảng 3000 năm. Xung quanh Trùng Khánh ngày xưa có địa danh là Quỳ Châu, nơi Khổng Minh xếp đá lập Bát trận đồ, lạc vào đó thì khỏi ra. Lục Tốn, tướng nhà Ngô cũng chẳng ra được, may nhờ có nhạc phụ của Khổng Minh chỉ đường mới thoát. Ra khỏi Trùng Khánh khoảng hơn 100km ta đến Phong đô, ở đó có một ngôi đền được mệnh danh là "Quỉ thành phong đô" nằm ở bờ bắc sông Dương Tử, được xây cách đây 2000 năm. Tới đây ta sẽ thấy cầu Nại Hà, Quỉ môn quan, Aâm tào địa phủ.

Thần thoại Trung Quốc cho rằng hồn phách con người sẽ đến đây sau khi chết, đi qua cầu và tái sinh lại làm người. Sau Quỉ môn quan khoảng 100km, trên bờ bắc ta sẽ đến Thạch bảo trại. Đây là một kiến trúc được xây trong thời Vạn Lịch nhà Minh, cách đây khoảng 400 năm. Bảo trại là một đền 12 tầng xây trên núi đá, cao 56m, thờ Phật. Nơi đây từ trong một lỗ đá có gạo chảy ra liên tục để nuôi tăng ni. Từ đó mà đền được mang tên "bảo trại". Thế nhưng do tăng ni tìm cách đục đẽo cho lỗ đá rộng ra hầu có thêm gạo, từ đó gạo hết chảy ! 

Trên bờ nam sông Dương Tử ta sớm đến đền thờ Trương Phi. Đây là nơi vị đại tướng mặt đen bị ám hại năm 220. Đền của ông được xây vào đời Tống (960-1127), nằm trong rừng núi xanh tươi với vô số tranh tượng và bia đá. Xuôi dòng Dương Tử cách đó không đầy 80km nằm trên bờ bắc là Bạch Đế thành, như ta đã biết, là nơi Lưu Bị từ trần hai năm sau khi Trương Phi chết. Đó là chỗ Lưu Bị rút về chốn an toàn của nước Thục sau khi đánh Ngô thất bại.

Vì thế xuôi dòng từ Dương Tử về phía đông, thành Bạch Đế là cửa ngõ bước vào khu vực hiểm yếu của sông, vào "hiệp" thứ nhất, Cù Đường hiệp. Cù Đường hiệp là hiệp hẹp nhất và cũng là đẹp nhật, có nơi sông chỉ rộng 100m. Hai bờ núi đá có độ cao khoảng 500-700m tạo người đi trên sông trong hẻm núi một cảnh tượng vô song của thiên nhiên hùng vĩ. Trong ba hiệp thì hiệp Cù Đường ngắn nhất, chỉ dài chừng 8km, nhưng để lại ấn tượng to lớn nhất. Đỗ Phủ viết về Cù Đường hiệp: 

Cù Đường giáp khẩu khúc giang đầu, 
Vạn lý phong yên tiếp tố thu 
(Cửa Cù Đường ở đầu sông Khúc, 
Khói và gió thu liên tiếp muôn dặm)

Sau Cù Đường Hiệp, sông Dương Tử đi vào địa phận của Vu sơn. Vu sơn là một miền núi non mênh mông với 12 đỉnh núi quanh năm mây mù. Chảy dưới chân Vu sơn là Vu Hiệp, dài 46km. Đi trong hẻm núi này khách rời địa phận Tứ Xuyên để qua tỉnh Hồ Bắc. Trong cảnh mây mưa của Vu sơn đó có một chỏm đá cao 7m, đứng mãi với trời đất từ 2000 năm nay. Đó là đỉnh Thần nữ phong. Ngày nọ cáh đây cả hai ngàn năm, vua nước Sở lên Vu sơn để tìm phương án trị thủy vì con sông Dương Tử tâm tư bất thường, thường hay nổi giận dâng nước phá hoại mùa màng.

Trên đỉnh Vu sơn đó có một nàng con gái đến với vua, không ai xa lạ, nàng là con gái của Tây Vương Mẫu. "Thiếp ở phía nam Vu sơn, trên đá Cao Khâu, buổi sớm làm mây, buổi chiều làm mưa, sớm sớm chiều chiều ở chân núi Dương Đài". Tại Cao Đường trên Vu sơn, nàng chỉ cho vua cách trị thủy và hơn thế nữa, tặng vua nhiều đêm chăn gối. Ngày nay Cao Đường còn đền thờ Thần nữ nhưng nay đã tàn phế. Đi tàu dưới sông, tôi thấy được hình dáng nàng trên cao, nhỏ như ngón tay út, lòng nhớ đến cuộc tình của nàng Lý ngư. Đi thêm một đoạn, tại Vu Hiệp này ta thấy một bia đá tương truyền do Khổng Minh tự tay viết, nét chữ vô cùng mạnh mẽ. 

Sau đó, tại một nơi trong Vu Hiệp này có người quả quyết với tôi đây là chỗ trận Xích Bích đã diễn ra. Xích Bích là trận đại thắng của Chu Du, dùng kế hỏa công mà phá "hơn tám mưoi vạn" quân Tào Tháo. Ngày nay không ai biết đích xác Xích Bích nằm ở đâu trên sông Dương Tử vì có đến 4 địa danh mang tên này. Tôi nghe lòng ngẩn ngơ vì lúc đó gió cực mạnh trên bong tàu, hai bên là vách núi. Xuyên qua các "hiệp" ở đâu cũng thế, không nhất thiết chỗ này, gió mạnh đến nỗi người ta khó đứng lâu trên bong tàu được, nó thổi thốc giữa các hẻm núi dài vài chục cây số như một ống bệ khổng lồ.

Dùng kế hỏa công trong các hẻm núi cỡ này thì thật là tàn khốc nhưng cũng thật lợi hại vì chỉ cần gió đổi chiều thì đó mới là Quỉ môn quan. Đây phải là một cảnh tượng long trời lỡ đất mà tại Bạch Đế thành tôi thấy được vẽ lại hết sức sinh động. Ghê gớm thay, mưu trí của người xưa, biết kết hợp cả trời đất trong mưu đồ của mình. Ngày nay trên sông không còn khói mù, cờ lệnh, khí giới, thuyền bè...Xích Bích đã chìm trong lịch sử.  
  
 

H 38: Sơ đồ Trường Giang tam hiệp. 1) Đền thờ Trương Phi; 2) Bạch đế thành; Fengje: Quỉ thành phong đô; 3)4) Cù Đường hiệp; Wusahn: Vu sơn; 5) Thần nữ phong; 6)Vu hiệp; Zigui: Tỉ qui; 7) Khuất Nguyên môn; Xiling: Tây Lăng hiệp; 8) Binh Thư Khổng Minh; Yichang: Nghi Xương

Sau Vu Hiệp ta đến Tây Lăng hiệp, với 80km, là hiệp dài nhất trong cả ba, bắt đầu với Tỉ Qui và chấm dứt với Nghi Xương. Hiệp này có nhiều đá ngầm, nước xoáy và là hiệp nguy hiểm nhất. Nơi đây tương truyền là chỗ Khổng Minh dấu binh thư khi chưa tìm ra người kế vị xứng đáng. Đến Tỉ Qui ta nhớ đến Khuất Nguyên (37) , nhà thơ của thế kỷ thứ tư trước công nguyên mà cảm động thay, đền thờ ông ngày nay vẫn còn. Đây là quê hương của ông, người nước Sở, sống trong thời Chiến quốc. Đó là một con người có chí khí, luôn luôn bị các nịnh thần và thế lực đen tối dèm pha hãm hại, nhưng bao giờ chịu khuất phục.

Một ngày 5.5 nọ, ông quá bi phẫn nhảy xuống sông Mịch La tự tử, đó là một con sông nhỏ chảy vào Động Đình Hồ. Ngày nay bài thơ Ly Tao của Khuất Nguyên vẫn còn được truyền tụng và ngày ông chết trở thành tết Đoan Ngọ. Khoảng 250 năm sau Khuất Nguyên, Tỉ Qui lại sinh thêm một người chịu cảnh oan ức bi thảm nữa, đó là một người đẹp tên là Vương Chiêu Quân. Nàng hay giặt lụa trên bờ bắc của sông Dương Tử. Áo của nàng thơm đến mức cả cánh sông cũng thơm theo. Người đẹp như nàng dĩ nhiên là được tuyển vào cung của nhà vua Hán Nguyên Đế. Nhà vua này có quá nhiều "hậu cung", lười đi xem mặt nên truyền họa sĩ vẽ hình cung nữ dâng lên cho dễ chọn.

Trong lúc các cung nữ đua nhau đút lót cho họa sĩ để được vẽ hình đẹp thì Chiêu Quân quá nghèo không có khả năng nên bị một tên họa công Mao Viên Thọ vẽ xấu. Và nhà Hán hồi đó chỉ lo chuyện mỹ nữ nên hết sức suy nhược, bị "rợ Hồ" phía bắc uy hiếp, đòi cống nạp. Chiêu Quân vì thế mà bị hy sinh cống Hồ, trước khi đi nàng vào cung bái biệt thì nhà vua lười biếng nọ mới hay nàng có nhan sắc khuynh thành. Đó là năm 35 trước công nguyên. Chiêu Quân có tâm tư rất sầu thảm, nàng chỉ biết gửi trong tiếng đàn tì bà và cuối cùng chết ở đất Hồ. Ngày nay tại Tỉ Qui còn Chiêu quân đài tưởng nhớ đến nàng, thơ Đỗ Phủ còn nhắc đến nàng: 

Nhất khứ Tử Đài liên sóc mạc, 
Độc lưu thanh trũng hướng hoàng hôn 
(Ra đi, cung Tử Đài liền sa mạc phía bắc, 
Nay chỉ còn nấm mồ xanh trong bóng chiều)
 

Kinh Châu là trạm cuối cùng của tôi tại Trường Giang. Thị trấn đó đánh dấu thời vàng son của nhà Thục, đó là lúc nhà Thục bành trướng mạnh nhất về nước Ngô ở phía đông. Thế nhưng, như người Trung Quốc cũng nói, sự vật lúc lên tới cực điểm cũng là lúc tàn lụi. Kinh Châu là nơi Quan Công bị quân Ngô giết, cái chết đó làm Lưu Bị quên bài học chiến lược của Khổng Minh, ông đem quân báo thù và thất bại rồi chết tại Bạch Đế. Ngày nay Kinh Châu đã biến mất trên bản đồ, nó được nhập chung với hai thị trấn khác để thành Sa Thị (Shashi ). 


Nơi đây người ta cũng không còn mấy quan tâm đến Tam Quốc Chí ngày xưa mà đang xây lên một công trình vĩ đại bậc nhất của Trung Quốc, đó "Tam Hiệp công trình", xây đập ngăn sông làm thủy điện và điều hòa nước sông Trường Giang. Ghé Nghi Xương, tôi thấy một công trường khổng lồ, từ cao nhìn xuống thợ thuyền làm việc tấp nập có lẽ cũng như những ngày của Vạn Lý trường thành của 2200 năm trước. Nơi đây sẽ có một đập nước vĩ đại dài 2km, cao 185m ngăn dòng chảy của sông Dương Tử.

Toàn bộ công trình thủy điện sẽ hoàn tất năm 2009 nhưng đến năm 2003 thì Trường Giang tam hiệp đã được ngăn nước, mực nước sẽ dâng cao ít nhất 75m. Hơn hai triệu dân sẽ phải di cư, kể cả dân Tỉ Qui, số phận của họ cũng bi thảm không kém Khuất Nguyên, Chiêu Quân. Thần nữ phong, Bạch Đế thành chắc chắn không bị ngập vì nằm trên cao nhưng hầu như tất cả những phong cảnh vô song của Trường Giang tam hiệp sẽ chìm trong biển nước. Tôi là một trong những người cuối cùng được thấy tam hiệp. Sẽ không còn ai nhắc đến Xích Bích nữa, nó đã chìm trong lịch sử, nay nó sẽ chìm trong đáy nước. Vị thần nữ đứng trên núi cao nhìn xuống chắc không ngờ bài học trị thủy của mình ngày xưa nay đã được ứng dụng triệt để như thế.
 

TRÊN SÔNG KHÓI SÓNG CHO BUỒN LÒNG AI 

Từ Kinh Châu tôi đi Vũ Hán (Wuhan ) . Vũ Hán là thành phố nằm trên chỗ tụ hội của sông Trường Giang và một con sông nên thơ khác tên là Hán Thủy. Ngày xưa chưa hề có tên Vũ Hán vì thật ra Vũ Hán là do ba thị trấn hợp lại, đó là Vũ Xương, Hán Dương và Hán Khẩu. Ngày trước chúng là ba thị trấn riêng biệt, cách nhau bởi sông Trường Giang rộng mênh mông. Ngày nay chiếc cầu Trường Giang tại Vũ Hán nối chúng lại với nhau biến thành một thị trấn phồn vinh, đồng thời khai tử tên Vũ Xương, làm nhiều người yêu thơ tiếc nuối. 

Đường đi của tôi từ Kinh Châu đến Vũ Hán chính là đường xuyên qua Giang Châu, một vùng hoa gấm của thơ phú đời Đường. Giang Châu là một vùng có tên từ thời đầu công nguyên. Thời nhà Hán Tuyên Đế (năm 65), triều đình lấy một số vùng của Dương Châu, Kinh Châu mà lập ra Giang Châu, thủ phủ là Vũ Xương. Đó là một vùng xanh tươi, nhiều sông hồ, gồm Nhạc Dương, Động Đình Hồ, Lư sơn, Hán Thủy, Tầm Dương. Ngày nay tên Giang Châu đã biến mất trên bản đồ, nó đã được chia vào hai tỉnh Hồ Bắc và Giang Tây. 

Vũ Xương một thời là thủ phủ của Giang Châu, là địa danh nổi tiếng. Hơn hai ngàn năm trước ở đây có người đánh đàn hay tên là Bá Nha. Bá Nha hay đàn bài Lưu thủy cao sơn, bài này không ai biết thưởng thức chỉ trừ một người. Người đó là Chung Tử Kỳ. Lã Thị Xuân Thu kể: Ngày nọ Bá Nha gảy đàn, lòng nhớ tới núi cao, Tử Kỳ liền bảo: "Thiện tại hồ cổ cầm, Nguy nguy hồ nhược Thái sơn" (Đánh đàn hay thay, Vòi vọi như Thái sơn). Đến lúc Bá Nha nghĩ đến vực sâu, Tử Kỳ nhận ra ngay "Đăng đăng hồ nhược lưu thủy" (Cuồn cuộn như nước chảy). Đến lúc Tử kỳ chết, Bá Nha đập đàn không bao giờ gảy nữa. Tại Vũ Hán ngày nay có một cái lâu các với biển đề bốn chữ "Lưu thủy cao sơn", bên cạnh đó là một phiến đá, đó là nơi Bá Nha từng gảy đàn. 

Phía đông Vũ Hán có Đông Hồ rộng mênh mông, cũng trong thời Chiến quốc của Bá Nha Tử Kỳ có một thi hào đã đến đây, đó là Khuất Nguyên mà ta đã nhắc đến. Ngày nay nơi đây có tượng của ông và viện bảo tàng nghệ thuật nói về con người chí khí đó. 

Miền linh địa của nhạc và thơ như Vũ Xương cũng phải là chỗ lui tới của thần tiên. Tương truyền rằng có một đạo sĩ tu thành tiên tên là Phí Văn Vi (38), cỡi hạc vàng ngao du sông thủy. Tiên hay cỡi hạc. Trên núi Thanh Thành, quê hương của đạo sĩ, tiếc thay kẻ người trần mắt thịt như tôi không gặp tiên cũng chẳng thấy hạc. Nhắc lại chuyện Đông Hồ thì tiên và hạc bay ngang đây thấy một bên là Trường Giang hoành tráng, một bên là Đông Hồ kiều diễm mới nghỉ chân trên mỏm đá Hoàng Hộc. Hậu thế mới xây một lâu các ngay trên mỏm đá đó, đặt tên là Hoàng Hạc Lâu, tương truyền khoảng trong thế kỷ thứ tư sau công nguyên. Bốn trăm năm sau có một nhà thơ tên Thôi Hiệu (39) đến đây. Ông lên lầu ngắm cảnh Hán Dương bên kia sông, cảnh trời chiều trên Trường Giang và sáng tác bài thơ Hoàng Hạc Lâu bất hủ: 

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ, 
Thử địa không dư hoàng hạc lâu. 
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, 
Bạch vân thiên tải không du du. 
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ 
Phương thảo thê thê Anh vũ châu. 
Nhật mộ hương quan hà xứ thị, 
Yên ba giang thượng sử nhân sầu! 
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ? 
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ ! 
Hạc vàng đi mất từ xưa, 
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay. 
Hán Dương sông tạnh cây bày, 
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non. 
Quê hương khuất bóng hoàng hôn, 
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ? (40)

Đến Giang Châu thì làm sao tôi quên được "Giang Châu tư mã". Đó là tên được đặt cho Bạch Cư Dị, nhà thơ lớn của đời Đường. Cũng như Khuất Nguyên ngàn năm về trước, Bạch Cư Dị là kẻ làm quan nhưng đầy chí khí, đời ông bị đám quan lại bất tài vùi dập. Năm 816, lúc 44 tuổi, ông bị giáng chức đi làm tư mã (41) ở Giang Châu. Lúc này Giang Châu đã dời thủ phủ từ Vũ Xương về Tầm Dương. Tầm Dương chẳng qua là một đoạn sông của Trường Giang, địa danh đó cũng đã biến mất, ngày nay được gọi là Cửu Giang (Jiujiang ) .

Tầm Dương lại nằm sát núi Lư sơn, một thắng cảnh và núi thiêng của Phật giáo. Bạch Cư Dị về đó, "dựng một mái nhà tranh bên chùa Đông Lâm, dưới ngọn Đông Lô thuộc dãy Lư sơn, dành phần lớn thì giờ tu tiên học Phật"(42). Thế nhưng Bạch Cư Dị là người hay có lòng xót thương với phụ nữ. Mười năm trước đó, năm 806, ông đã viết bài Trường hận ca thương khóc cho người đẹp Dương Quí Phi. Đó là một bài thơ để lại cho hậu thế một tấm lòng cảm thông đầy nhân đạo với thân phận của hồng nhan bạc mệnh. Năm 816, sau khi chứng kiến cảnh trôi nổi của chính đời mình, đêm nọ, bên bến Tầm Dương hiu quạnh, ông nghe tiếng đàn tỳ bà trong một chiếc thuyền, "giọng đàn lanh lảnh có tiếng ở kinh kỳ".

Hãy nghe lời tự sự của ông: "Hỏi ra mới biết là một người xướng nữ ở Trường An thường học đàn ở hai nhà thiện tài họ Mục và họ Tào; đến khi tuổi cả sắc suy mới gởi thân làm vợ một người lái buôn. Liền bảo đặt rượu và gảy mấy khúc đàn chơi, gảy xong người ấy buồn bã, tự kể khi trẻ trung thì vui thú chừng nào, nay phải lưu lạc tiều tụy ở nơi giang hồ. Ta ra làm quan ở ngoài đã hai năm vẫn thường lẳng lặng, tự dưng đêm ấy cảm mấy lời nàng nói mời để ý nỗi mình bị giáng trích, nhân làm bài ca trường thiên để tặng. Cả bài có 616 chữ, đặt tên là Tỳ bà hành". 

Ôi, nhà thi hào cùng khóc với nàng kỹ nữ, có cảnh nào đáng cảm khái hơn ? Vì thế mà tác phẩm Tỳ bà hành vang danh muôn thuở, dưới núi Lư sơn mà sinh ra được bài thơ trác tuyệt của kiếp nhân sinh. Mới đầu là: 

Tầm Dương giang đầu hạ tống khách, 
Phong diệp, địch hoa thu sắt sắt. 
Chủ nhân há mã khách tại thuyền, 
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền 
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách, 
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu. 
Người xuống ngựa khách dừng chèo 
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty

Để rồi người nghe cảm thấy: 
Đồng thị thiên nhai truân lạc nhân, 
Tương phùng hà tất tằng tương thức 
Cùng một lứa bên trời lận đận 
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau

Và lúc chia tay: 
Tọa trung khấp hạ thùy tối đa ? 
Giang châu tư mã thanh sam thấp. 
Lệ ai chan chứa hơn người ? 
Giang châu tư mã đượm mùi áo xanh (43).

May thay cho Bạch Cư Dị, về sau ông lại được vời về kinh, nhận nhiều nhiệm sở khác nhau. Thế nhưng ông cũng đã chán ngán đường hoạn lộ, chỉ nhận những chức vụ không phải tranh giành với quan lại trong triều. Ông tránh triều đình, chủ động xin công tác ở những vùng xa nhưng tuyệt đẹp Hàng Châu, Tô Châu. Các đời vua thay thế nhau, vị nào cũng coi trọng ông nhưng ông tìm cách xa lánh, nhận những chức tước ít thế lực. Năm 836 ông về hưu với hàm Hình bộ thượng thư, kết bạn với sư Như Mãn, tự xưng là Hương sơn cư sĩ, "lòng nơi Thích Phạn, chân chốn Lão Trang". Bạch Cư Dị mất năm 845, thọ 75 tuổi. Ông để lại khoảng 2800 bài thơ, đứng ngang hàng với Lý Bạch và Đỗ Phủ nhưng nếu Lý Bạch phóng đãng giang hồ, Đỗ Phủ lăn lóc phong trần thì ông là một nhà Nho hiển đạt, địa vị nghiêm túc, nghiêng về trí tuệ. 

CỬU HOA SƠN (Jiuhuashan ) 

Cửu Hoa sơn nằm trong địa phận tỉnh An Huy, cách Vũ Hồ khoảng 160km về phía tây nam, đường đi đến đó rất khó khăn. Cửu Hoa sơn không được nhiều người biết đến, có khi trong bản đồ cũng không thấy ghi, nhưng đó là một đạo trường quan trọng của Phật giáo Trung Quốc, là trú xứ của Địa Tạng bồ-tát. 

Tôi đến Cửu Hoa bằng đường núi đi từ Hoàng sơn, xuyên những dãy núi trồng toàn trà. Trên những sườn non này người ta không còn thấy bóng dáng du khách, dân cư thưa thớt. Đây là những rẻo cao với nước sông khe suối trong vắt như ngọc, khí trời dịu mát và khắp nơi là những cụm trà tròn nhỏ, cây lá li ti nằm bên nhau ngút ngàn đón nắng. Những cụm trà này sống trên sườn non, chúng có thể sống trên độ cao tới 2000m. Chúng sẽ cho những đọt trà non, có khi người ta hái cả cành ngọn.

Trên Hoàng sơn và vùng núi Cửu Hoa, tôi thấy từng bao bố đựng trà, đó là loại trà "xanh", các cọng trà dài khoảng 1cm, nhìn qua như cỏ khô vô giá trị. Sản phẩm của trà thì không thể kể hết, nhưng tại Trung Quốc tôi biết thế nào là mùi vị trà xanh. Đó là loại trà không ướp bất cứ một loại thảo mộc, hoa cỏ gì khác, nó giữ nguyên dạng của trà, giữ nguyên mùi vị của đất trời mà nó thu nhận. 

Đi trên vùng núi rừng Chiết Giang này thì làm sao tôi quên được Lục Vũ. Ông sống trong đời Đường, là người sành pha trà, uống trà tới mức xuất thần nhập hóa, được tôn là "Trà thánh". Oâng vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi, được một vị hòa thượng tên là Trí Tích đem về chùa nuôi dưỡng. Vị hòa thượng này thực hành trà đạo nên từ nhỏ Lục Vũ đã pha trà cho sư phụ. Nhà vua Đường Đại Tông nghe danh Trí Tích sành uống trà, cho vời vào cung, sai cao thủ trà đạo pha một ấm trà để ông thưởng thức. Vị hòa thượng lắc đầu chê "không ngon".

Nhà vua ngầm gọi Lục Vũ vào kinh, bảo pha một ấm khác, đem tới cho Trí Tích. Trí Tích gật gù khen: "Lần này pha trà không dở, không thua học trò ta là Lục Vũ". Về sau, Lục Vũ rời chùa, đi du lãm vùng hạ lưu Trường Giang này, bổ sung tri thức và kinh nghiệm về trà để trước tác bộ "Trà kinh" gồm 3 quyển, 10 chương. Tập kinh này trình bày từ cách hái trà, sao trà, nấu nước đến cách pha trà, uống trà hết sức tinh vi sâu sắc. Cuối đời, Lục Vũ về Hồ Châu tại Chiết Giang ở ẩn. Phải chăng những rẻo cao trên sườn Hoàng sơn này đã lưu dấu vị trà thánh. Đất trời của 12 thế kỷ trước phải chăng vẫn còn giữ nguyên vẹn tính chất để cho những cụm trà tròn nhỏ này mùi vị của ngày xưa mà Lục Vũ đã một thời thưởng thức? 

Đất không phải chỉ cho trà mùi thơm cao quí, đất đại biểu cho sự an nhiên bất động của bồ-tát, đồng thời là chốn ẩn mật chứa bao điều sâu kín. Có một vị bồ-tát, tính chất của Ngài là "an nhẫn bất động, giống như đại địa; vắng lặng sâu kín giống như kho sâu". Vị ấy tên là Địa Tạng và tôi đang trên đường đi đến đạo trường của Ngài ở Cửu Hoa sơn. 

Địa Tạng là vị được xem là người cứu hộ cho những ai không may rơi vào địa ngục. Vì thế Ngài còn có danh hiệu là U Minh giáo chủ, người cứu vớt những kẻ nằm trong các chỗ thác sinh tối tăm, đau khổ. Địa Tạng cũng được xem là người cứu độ trẻ con yểu tử và lữ hành phương xa. Địa Tạng hay được trình bày như một tăng sĩ đầu tròn, tay cầm tích trượng có sáu vòng, đại diện cho lục đạo. Có khi tranh tượng vẽ Ngài mang vương miện, tay cầm gậy, ngồi trên lưng lân. Cũng như các vị bồ-tát khác, Địa Tạng ứng hiện vô số hình tướng để đến với những ai cần mình. Tại sao Cửu Hoa sơn được gọi là đạo trường của Địa Tạng ? 

Từ thời Tây Tấn (317-420), Cửu Hoa sơn đã nổi tiếng là một cảnh núi đẹp với một cổ am do một nhà sư người Ấn Độ tên là Bôi Độ xây năm 401. Cửu Hoa gồm chín ngọn núi mà đỉnh cao nhất là Thập vương phong, đo được 1431m. Thật ra tên Cửu Hoa có từ ngày Lý Bạch đến đây, nhà thơ lớn thấy chín ngọn núi như chín đóa hoa mới đặt tên là Cửu Hoa sơn. Cùng thời với Lý Bạch có một vị hoàng tử xứ Triều Tiên, tên là Kim Kiều Giác (44). Kiều Giác nghe danh Huyền Trang tại Trung Quốc, quyết đến xứ này để tu học.

Năm 730, đó là thời kỳ của Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi, Kiều Giác đến Trung Quốc, nghe nói đến Cửu Hoa sơn, ông đến đó và tìm thấy ngôi cổ am nọ không người săn sóc. Kiều Giác xin gặp chủ núi Hoa sơn thời đó là một vị có tên Mẫn Công, xin một miếng đất để xây cất tự viện. Mẫn Công hỏi bao nhiêu đất, Kiều Giác chỉ xin miếng đất lớn bằng tấm áo cà sa. Mẫn Công vừa gật đầu thì miếng áo cà sa tung lên đã phủ cả núi. Mẫn Công được nhiếp phục và về sau cùng con trai trở thành đệ tử của Kim Kiều Giác. Phép tung áo cà sa xin đất cúng dường thú vị và nhiều ý nghĩa này về sau được Tế Điên hòa thương lặp lại tại Hàng Châu. 

Từ đó về sau, tại Cửu Hoa sơn được xây dựng rất nhiều chùa chiền tự viện. Năm 794, lúc đó Kiều Giác 99 tuổi, nghe một tiếng gọi mơ hồ, ông biết thời điểm của mình đã tới, từ giã triệu tập đệ tử, ngồi mà nhập tịch. Ba năm sau đệ tử mở áo quan ra thì nhục thân còn tươi, các khớp xương kêu "rổn rảng nghe như tiếng xích vàng rung chuyển". Dựa trên kinh sách người ta mới biết đó chính là Địa Tạng đã ứng hiện và xây dựng "Nhục thân bảo điện". Vì có nhiều tháp xây lên trên điện, sau đó không bao lâu không còn ai được thấy nhục thân của Kiều Giác được nữa. 

Khoảng bảy tám trăm năm sau, có một cao tăng tên là Vô Hà đại sư (1497-1623, thọ 126 tuổi), từ Ngũ Đài đến Cửu Hoa đảnh lễ Địa Tạng. Lúc đó là đời nhà Minh, chùa chiền hoang phế, tăng chúng lưu lạc, Cửu Hoa không còn một bóng người. Vô Hà ẩn tu 100 năm, đói ăn rễ cây, khát uống nước suối, trích máu chép kinh Hoa Nghiêm. Ba năm sau khi chết người ta mới khám phá nhục thân của ông, cũng không bị hư hoại. Nhục thân của Vô Hà được thờ tại đây, trong Bách Tuế cung, cũng gọi là Vạn Niên tự. Người ta cho rằng Vô Hà chính là Kiều Giác tái sinh, đến đây để lưu lại cho hậu thế nhục thân của mình vì tại nhục thân của Kiều Giác không còn ai chiêm bái được nữa. 

Ngày nay Cửu Hoa sơn được phục hồi sớm nhất trong tứ đại danh sơn (45), hiện có khoảng 56 tự viện, chứa khoảng 1300 cổ vật như kinh sách, thư pháp, họa đồ. Theo phương trượng Cửu hoa sơn thì người ta dự định xây dựng một bức tượng Địa Tạng cao 99m, đó sẽ là bức tượng cao nhất Trung Quốc và thế giới. Con số 99m là để kỷ niệm 99 tuổi thọ của Kim Kiều Giác. 

Cửu Hoa sơn là một rặng núi cao, đường lên núi nằm trong một rừng cổ thông. Ở đây không có phương tiện cơ giới lên núi, ta phải leo bộ, người già phụ nữ phần lớn phải đi cáng. Đoạn cuối cùng lên đỉnh là một tầng cấp với 84 bực đá xanh. Leo lên tới đây, khi hơi thở mọi người đều đã gấp rút mệt nhọc, tôi thấy một thiếu phụ bắt đầu vừa đi vừa lạy, theo cách "nhất bộ nhất bái". Chị mặc áo quần đen làm tôi nhớ những người đánh trống mà tôi gặp tại Lâm-tì-ni, Ấn Độ. Chị lạy theo kiểu Tây Tạng, tức là chấp tay trên đầu, chấp tay trước ngực rồi mới cúi lạy. Khuôn mặt chị buồn bã nhưng nghiêm trang, dáng điệu chị uyển chuyển và cao quí. Chị cầu nguyện Ngài Địa Tạng điều gì, hỡi người thiếu phụ ? Chị có người thân vừa mất, đọa sinh địa ngục hay chị có con nhỏ trong cảnh thập tử nhất sinh. 

Tôi leo hết 84 bậc thang để đến Hóa Thành tự, đó chính là đạo trường của Địa Tạng, là chùa khai sơn của Cửu Hoa. Sơn môn có bốn cột trụ treo hai câu đối: 

Đại Thánh đạo tràng đồng nhật nguyệt, 
Thiên thu cổ sát hộ đông tây. 
Đạo tràng của bậc thánh như trời trăng, 
Ngàn năm ngôi chùa bảo hộ đông tây.

Và: 
Hoa ngạ phong tiền hương vân phiêu miễu, 
Hóa thành tự lý hoa vũ tân phân 
Trước ngọn Hoa Ngạ mây hương tỏa ngát 
Trong chùa Hóa thành mưa hoa rực rỡ.

Nơi đây là hình tượng của Địa Tạng với hai bên tượng họa Thập điện Diêm Vương mà Ngài là hóa thân. Trong Hoá Thành tự ta còn thấy được kinh xưa khắc họa trên ống tre nay còn giữ được. Đến Vạn Niên tự, tôi đảnh lễ nhục thân của Vô Hà đại sư ngồi trong lồng kính đã hơn 350 năm, sống mãi với thời gian, dù cho chùa bị một lần bị hỏa hoạn trong thời Khang Hy, hay binh biến trong thời Hàm Phong. Sau đó là Kỳ viên tự được xây trong đời nhà Minh thế kỷ thứ 16 với Đại hùng bảo điện cao 43m, trong đó có ba bức tượng tuyệt đẹp của Thích-ca, A-di-đà và Dược Sư. Trên đỉnh Thiên Thai, một ngọn núi cao 1325m của Cửu Hoa sơn người ta tìm thấy Địa Tạng thiền tự, nơi đây còn dấu chân của Địa Tạng. Cao tăng Tông Quả đời Tống từng viết: 

Đạp biến Thiên thai bất tác thanh, 
Thanh chung nhất xử vạn sơn minh 
(Dẵm nát Thiên Thai không tiếng động, 
Một chày chuông sớm khắp núi nghe)

Tôi ra khỏi các chùa thì thiếu phụ áo đen cũng vừa lên đến. Leo lên đỉnh núi này theo cách "nhất bộ nhất bái" thật là phi thường nhưng bước chân chị vẫn vững vàng, dáng điệu đảnh lễ của chị vẫn thành kính và cao quí. Mọi khách thập phương đều nhường chỗ cho chị vào chùa, sau mỗi bước chị vẫn lễ, mắt nhìn tượng Địa Tạng trên cao, Ngài từ bi im lặng nhìn xuống chị. Lòng thành kính của chị cộng với lòng đồng cảm của mọi người xung quanh hẳn phải biến thành một sức mạnh, một ánh sáng tỏa rực trên ngọn núi này, trong rừng cổ tùng này dưới ánh nắng mai. Aùnh sáng đó phải chiếu đến các từng tâm thức đen tối mà người ta gọi là "địa ngục", để thức tỉnh những ai lạc loài trong đó. 

Thập điện u minh, địa ngục hay quỉ môn quan đều là những dạng của tâm thức chúng ta. Nếu sự giận dữ có thật thì địa ngục có thật, nếu có ai đang hăm hở đem dao súng đi giết người thì kẻ đó đang mở cánh cửa quỉ môn quan. Địa ngục hay tất cả các ác đạo, nói chung là tất cả các nẻo sinh tử, kể cả thiên giới không khác gì hơn là các trạng thái tâm thức nằm chờ chúng ta trong chính mình. Chúng không hề là các nơi chốn có vị trí địa lý, đừng đào xới tìm tòi vô ích. Con người chúng ta ngày đêm đang qua lại trong sáu nẻo, đâu phải chờ đến chết mới nói mình thác sinh đi đâu. Cơn giận giữ biến thế giới này thành hỏa ngục mà ta là thành viên trong đó. Sự tham lam vô độ biến ta thành "quỉ đói". Niềm vui hỉ lạc làm môi trường xung quanh thành thiên giới. 

Hãy quan sát một người đang giận giữ hay tham lam. Nếu có ai muốn thấy ma quỉ "cho biết" thì đây là dịp tốt. Vì những lẽ đó "ma quỉ" chỉ là những khuynh hướng nội tâm mà làm người thực ra ai cũng có. Cái từ bi của đạo Phật là thấy nó chỉ là sự hiện thân của những khuynh hướng xấu ác, trừ diệt nó đi thì tâm thức có chỗ cho tâm thiện. Như bóng tối tan thì ta thấy rõ mọi vật xung quanh. Từ đó mà nói rằng Địa Tạng cứu ta ra khỏi địa ngục là điều rất dễ hiểu, đó là khi giận dữ, ta hãy thử nghĩ về Địa Tạng. Tôi tin rằng ta bớt giận được gần nửa. Ngài đã "cứu" chúng ta theo cách là ta đã tự cứu chúng ta nếu biết mình đang giận dữ và thành tâm muốn bớt giận. Thế nên cũng không nhất thiết phải nghĩ niệm đến Địa Tạng, hãy nhớ tới những hình ảnh mà ta cho là thánh thiện, làm ta thoát được sức nóng của giận dữ, như đức Chúa, như người mẹ, thậm chí một người bạn. 

Điều khó nhất của mọi chuyện là khi ở trong dạng địa ngục ta biết mình đang ở trong đó. Và nếu may mắn biết được điều đó thì ta cần chút thành tâm muốn mình bớt giận dữ, nhớ nghĩ đến Địa Tạng và ta sẽ bớt giận. Có nhiều người niệm Địa Tạng nhưng cũng có người nhớ nghĩ đến những hình ảnh khác, những phương cách khác để chế ngự tâm. Từ trong kho báu "vắng lặng sâu kín" đó ta có quyền lấy ra mọi thứ để sử dụng, không cần phải gọi tên chúng là gì. Chúng ta ai cũng đã trải qua những cơn giận dữ nhưng không mấy ai biết rằng tâm giận dữ, khuynh hướng muốn hành hạ làm khổ người khác là một trong những tâm cơ bản nhất của sinh vật, trẻ con người già đều có, đời kiếp nào cũng có, con người hay súc sinh đều có. Cũng vì thế mà tâm "sân" là một trong ba động cơ trung tâm của sự tái sinh. 


Liệu người thân của chị áo đen đó có thoát khỏi địa ngục, hay con nhỏ của chị có tai qua nạn khỏi, điều đó chỉ có Ngài Địa Tạng mới biết. Nhưng điều chắc chắn là với một tâm thức chân thành và mạnh mẽ như thế, chị sẽ có thói quen nhắc nghĩ niệm đến Địa Tạng, có khả năng thoát khỏi những cơn giận giữ dìm mình trong cõi tối tăm, có tình cảm chân thật với những ai cùng đi một con đường phước thiện như mình, dễ sinh hỉ lạc với những điều cao thượng và đó chính là cánh cửa mở ra hướng về phía thiên giới. Đáng mừng thay cho những ai có một tâm thức phước thiện kiên cố như chị.
 

NGÀNH SỨ TRUNG QUỐC VÀ CẢNH ĐỨC TRẤN 

Khoảng thế kỷ thứ 16, tại châu Aâu người ta thấy có nhiều vật dụng trang trí, tác phẩm nghệ thuật, bát đĩa, bình chứa...làm bằng một chất liệu kỳ lạ. Đó là một chất "đất" đặc biệt trắng như tuyết, nhẹ như bông, tuyệt đối không mùi vị, mang hoa văn nhiều màu, không thấm nước, dễ lau chùi. Trong các vương triều thời Trung cổ và Phục hưng xa xưa ngày trước vua chúa thường uống rượu bằng những ly tách làm bằng đồng hay bạc, sắc "kim" của nó lạnh, cầm nặng tay và thô. Vì thế khi bát đĩa làm bằng thứ đất trắng mà người Trung Quốc gọi chung là sứ, châu Aâu gọi là porcelain tràn đến châu Aâu thì lập tức nó có chỗ đứng trang trọng trong hoàng triều, trong các cung điện nhà vua. Trên tay các bà mệnh phụ là những chiếc tách trắng toát mang màu sắc thanh nhã, chúng xem ra phù hợp hơn các ly cối bằng đồng lạnh ngắt. 

Thế nhưng các bà đó không mấy ai biết cái chất đất màu trắng này mà cũng có một chiều sâu triết lý hẳn hoi. Người Trung Quốc không mấy chuộng kim loại để làm vật dụng trong nhà. Đối với họ "kim" là để chế tạo vũ khí, dụng cụ đồng áng, sắc của nó lạnh, khí của nó cứng. Còn vách nhà, mái hiên, đồ đạc thì phải bằng đất ấm áp thân tình. Nếu "thổ" mà được nung lên với "hỏa" thì càng tốt, chúng đi với nhau trong thuyết ngũ hành tương giao. Và đó là nguồn gốc triết lý của sứ, nếu ta muốn qui mọi chuyện về với triết học. May mắn cho Trung Quốc là trời sinh cho họ có nhiều đất lạ.

Trong số đó có loại đất cực mịn và rất trắng mà trong vô số ngọn núi của họ có một núi tên là Cao linh (Gaolin ) ở Giang Tây là chứa nhiều nhất. Đó là vật liệu để làm sứ. Cao linh trở thành tên chung của mọi ngôn ngữ để đặt tên cho thứ đất kỳ dị này. Ngày nay nhiều nơi trên thế giới thứ đất đó được khai thác. Việt Nam chúng ta gọi nó là "cao-lanh" và không thiếu tại các vùng Phú Thọ, Thừa Thiên, Sông Bé. 

Đồ sứ còn có một mối quan hệ mật thiết với nghệ thuật hội họa và thư pháp. Nếu trong điêu khắc hay thơ phú người ta còn có thể sửa chữa, thêm bớt trong quá trình hoàn thành thì trong hội họa và thư pháp, nghệ nhân chỉ một lần sáng tạo và sau đó không thể chữa những nét sai kém được. Đó là loại nghệ thuật nằm xa, nằm ngoài trí óc suy luận, không cho phép gò ép, trau chuốt. Đồ sứ cũng thế, nó chỉ thành hình và lên màu sau khi nghệ nhân đã nung sản phẩm của mình trong lửa.

Dĩ nhiên kinh nghiệm của nhà sản xuất được trao truyền lại bao đời con cháu để tránh rủi ro, nhưng một tác phẩm ngành sứ luôn luôn dành lại cho mình cái bí ẩn cuối cùng, ra khỏi lò nung là sản phẩm trở thành chung quyết trong đó màu sắc, hình dạng phải độc đáo và hài hòa với nhau. Do đó đồ sứ chứa một yếu tố của sự độc đáo bất ngờ nằm ngoài suy luận như của tranh họa, thư pháp mà nếu nói cho sâu xa thì gốc của nó là Thiền tông. 

Ngành sứ Trung Quốc được xem như phát sinh trong đời nhà Đường (618-907) hay đời nhà Tống (960-1279). Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc đi xa hơn, họ khám phá bên bờ Hoàng Hà nhiều mảnh gốm thời thượng cổ để kết luận 6000 năm trước công nguyên, công nghệ sành gốm đã có mặt nơi đây. Trong thời nhà Chu và Thương (đến năm 221 trước công nguyên) người ta đã khám phá nhiều mảnh cao-lanh nung tới 1000 độ C. Tại viện bảo tàng Thượng Hải, ta có thể thấy vài mảnh gốm sứ của đời nhà Thương.

Trong thời nhà Tần-Hán (đến năm 220 sau công nguyên) người ta biết tráng men, chính men là lớp phủ làm cho đồ sứ không thấm nước. Đến đời nhà Đường, ngành sứ đi vào sự điêu luyện với màu sắc và hoa văn trang trí. Qua đời Tống, ngành sứ có những chuẩn mực mà ngày nay còn truyền lại. Trong đời này nhà Tống phải dời đô về Hàng Châu lánh nạn Hung nô và đem theo nghệ nhân về Cảnh Đức Trấn (Jingdezhen ) , thuộc tỉnh Giang Tây ngày nay.

Đến thời nhà Nguyên (1271-1368), đó là lúc Trung Quốc bị Mông Cổ trị vì gần 100 năm, ngành sứ bất ngờ nhận thêm nhiều yếu tố mới lạ. Đó là loại men sứ nền trắng, hoa văn xanh mà ta hay thấy. Gốc của nó là công nghệ vùng Trung Đông. Ngoài ra trong thời nhà Nguyên, nhiều hình dạng đặc biệt như vật dụng của dân du mục, của Thành Cát Tư Hãn hay mang cũng được đưa vào trong ngành sứ. 

Đến đời nhà Minh (1368-1644) thì nghệ thuật ngành sứ lên đến tột đỉnh và Cảnh Đức Trấn trở thành trung tâm sản xuất hàng sứ cho vương triều và xuất khẩu đi các nước. Tại Cảnh Đức Trấn thời đó đã có khoảng 300 cơ sở sản xuất mà các lò sứ tốt nhất chỉ để dành cho triều đình tại Bắc Kinh. 

Thời nhà Thanh (1644-1911) là thời mà "gu" ưa màu sắc sặc sỡ của dân Mãn Châu xâm lấn vào ngành sứ. Song song, phương Tây đã biết đến đồ sứ, các bà mệnh phụ đòi phải tráng một vòng vàng hay bạc trên miệng bát đĩa. Lúc này trình độ sản xuất đồ sứ đã lên rất cao, hình dạng và màu sắc phong phú, nhưng đồng thời tính truyền thống của Trung Quốc cũng bắt đầu phai mờ. Dần dần khi đưa công nghệ cơ giới hóa vào ngành sứ, người ta có thể sản xuất hàng loạt nhưng tính độc đáo của tác phẩm cũng mất theo.

Đến thế kỷ 20, Nhật xâm chiếm Trung Quốc, phá hủy những lò nung, nghệ nhân đi tứ tán và sau đó là chủ trương quốc doanh, chính sách hủy bỏ kinh tế tư nhân làm ngành sứ Trung Quốc tàn lụi. Ngày nay, cũng như các truyền thống nghệ thuật và văn hóa khác của Trung Quốc, ngành sứ được khôi phục lại, nhưng song song với việc chạy theo số lượng và do "nghệ thuật" làm đồ giả mọc lên như nấm, ngành sứ không bao giờ trở lại thời kỳ hoàng kim cũ. 

Tôi đến thăm Cảnh Đức Trấn của thời đại vàng son năm xưa. Trước thời nhà Tống đây chỉ là một cái làng nhỏ, tên gì không rõ, nằm gần núi Cao Linh, chuyên sản xuất gốm sứ. Đến thời Tống Nhân Tông (46), tức Cảnh Đức, nhà vua cho đổi tên thị trấn này thành Cảnh Đức trấn và mọi sản phẩm ngành sứ nơi đây phải ghi nhãn hiệu là "sản xuất trong đời Cảnh Đức". Nhà vua không ở lâu trên ngôi nhưng tên tuổi đó ngàn năm vẫn còn. Trong thời nhà Minh, Cảnh Đức Trấn là một trong bốn trung tâm gốm sứ.

Ngày nay Cảnh Đức Trấn là một thị trấn giàu mạnh, là trung tâm ngành sứ của Trung Quốc còn lại với thời gian. Hơn một nửa dân cư ở đây hoạt động trong ngành sản xuất đồ sứ. Trong một vùng rộng lớn, nơi đâu ta cũng thấy la liệt sản phẩm sành sứ, hàng giả xem ra chen chúc với hàng thật. Nơi đây tôi nhận rằng bốn đặc tính của sứ cao cấp còn tồn tại với thời gian: trắng như ngọc, mỏng như giấy, trong như gương, búng tay âm thanh phát ra như tiếng khánh. Vào một gian hàng, cầm thử trên tay một sản phẩm, tôi chưng hửng vì nó quá nhẹ. Những cái chén này nhất định không phải để ăn cơm, giá của nó đề bán cũng không đắt. Về sau tại Hồng Kông tôi xem lại những chiếc chén đó thì giá tại Hồng Kông đã vọt lên gần 20 lần.
 

HÀNG CHÂU VÀ TẾ ĐIÊN HÒA THƯỢNG 

Tên Hàng Châu gây trong lòng tôi sự hâm mộ, hơn cả Bắc Kinh, Thượng Hải. "Trên có thiên đường, dưới có Tô Hàng". Thiên đường thì của Ngọc Hoàng và Tây Vương mẫu, còn Tô Châu Hàng Châu là của tất cả mọi người, vì thế ngày nay ai đến Trung Quốc là đến Tô Châu Hàng Châu, còn thiên đường thì hạ hồi phân giải. 

Ngày xưa trước công nguyên Hàng Châu có tên là Tiền Đường, đó là tên của con sông chảy qua Hàng Châu. Mãi đến năm 589 trong thời nhà Tùy, thành phố xinh đẹp này mới mang tên Hàng Châu, đó là thời kỳ xây dựng kênh đào Đại vận hà dài 1800km từ Bắc Kinh về đây. Hàng Châu là cố đô của nhiều triều đại mà phồn vinh nhất là đời Tống, lúc triều đại này lánh nạn về phía nam trong thế kỷ thứ 12. Marco Polo, người đến đây trong thế kỷ 13 cho rằng đây là thành phố "đẹp nhất thế giới" với 12.000 chiếc cầu. Đã từ xưa, Hàng Châu là một chốn đầy sông nước hồ núi. 



Đến Hàng Châu là đến Tây Hồ với núi Cô sơn, rộng gần 6 cây số vuông, ba phía là núi bao bọc. Cô sơn là một trong bốn hòn đảo của hồ, cao 38m, nơi Lâm Bô đời Tống ở ẩn, nuôi hạc và trồng mai. Ngày nay trên Cô sơn còn giống mai và nấm mồ của ông. Không chỉ Lâm Bô, Tây Hồ ghi dấu chân của biết bao nhiêu thế hệ thi nhân văn sĩ, trong đó Bạch Cư Dị đã từng làm thái thú tại đây và công trình xây đê điều của ông còn lại tới ngày nay. Hàng Châu cũng là nơi yên nghỉ cuối cùng của Nhạc Phi (1103-1142), vị tướng quân bị triều đình lên án tử hình một cách oan uổng. Sau khi được phục hồi, thi hài của ông và con trai được đưa về đây. Người ta tin rằng những người trung liệt như ông sẽ thành thần tiên mà trên nóc điện thờ còn khắc họa hình chim hạc, loài chim chỉ dành cho những người bất tử. 

Tôi đến đây để biết cảnh thiên đường ra sao nhưng cũng để theo vết chân của một vị tăng sĩ kỳ dị, đó là Tế Điên hòa thượng. 

Tế Điên tên thật là Lý Đạo Tế, sống trong đời Tống, tức là khoảng thế kỷ thứ 12. Ông là tăng sĩ nhưng ham uống rượu ăn thịt chó nên người đời gọi ông là Tế Điên. Mới đầu Tế Điên ở núi Thiên Thai nhưng ông sớm lên phía bắc khoảng 300km để đến Hàng Châu. Tại Hàng Châu có một ngôi chùa rất cổ, một danh tự đã ghi dấu chân nhiều vị cao tăng, đó là chùa Linh Ẩn. Tế Điên vào đó xin xuất gia. 

Linh Ẩn tự được khởi xây năm 326, nằm trong một khuôn viên cực lớn, là một trong những ngôi chùa danh tiếng nhất Trung Quốc. Trong thế kỷ thứ 10 thì nơi đây có 300 tự viện và 3000 tăng sĩ. Ngôi chùa này là đối tượng của nhiều sự tàn phá, nó đã bị phá hủy và xây dựng lại đến nay tổng cộng 16 lần. Trong cuộc nổi loạn Thái Bình thiên quốc (1851-1864) chùa bị phá hủy hoàn toàn và sau đó mới được xây cất lại. Năm 1953 thủ tướng Trung Quốc là Chu Aân Lai ký giấy cho xây tượng Thích-ca cao 19,6m. Trong thời cách mạng văn hóa, nếu không có sự can thiệp vào phút chót của ông thì chùa Linh Ẩn cũng đã bị tiêu hủy. Ngày nay vào tiền điện ta gặp một bức tượng của Di-lặc và Vi đà tướng quân của đời nhà Tống. Trong Đại hùng bảo điện cao 33,6m ta thấy lại tượng Thích-ca đó, khuôn mặt dát vàng ngời sáng trong ánh đèn mờ ảo. 

Linh Ẩn là nơi các vị đạo cao đức trọng tu hành, trong đó có Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975). Hồi còn trẻ ông làm quan, lấy trộm tiền của vua phân phát cho dân nghèo. Vua thử lòng lên án tử hình, xem thái độ ông ra sao. Xem ra ông vui vẻ chẳng sợ chết, vua tha tội, cho xuất gia. Vĩnh Minh Diên Thọ lên núi Thiên Thai gặp thiền sư Đức Thiều ngộ đạo tại đó. Năm 950, Trung Hiến Vương mời ông về trụ trì chùa Linh Ẩn. Vĩnh Minh Diên Thọ là thiền sư, đạt đạo bằng tự lực nhưng ông cũng là người biết rằng căn cơ con người không mấy ai đi được con đường Thiền tông nên cũng giáo hóa Tịnh Độ tông, phép niệm Phật vãng sinh. Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Vĩnh Minh Diên Thọ là một trong những vị ít ỏi giáo hóa cả Thiền tông lẫn Tịnh Độ tông. 

Còn Tế Điên xem ra không mấy thắc mắc về chuyện đó. Huyền sử kể rằng lúc Tế Điên đến Linh Ẩn Tự thì nằm mộng thấy có một tai họa sắp xảy ra cho dân làng. Đó là ngọn Linh Thứu, chỗ Phật thuyết Diệu pháp liên hoa, sẽ bay từ Ấn Độ về cực lạc và sẽ "nghỉ chân" ngay trước Linh Ẩn tự. Tế Điên vội báo ngay cho dân làng tránh xa nhưng dân chúng làm gì mà tin được một nhà sư ăn thịt chó nên chẳng ai nghe. Sắp đến giờ Linh Thứu hạ cánh mà dân chúng vẫn nhởn nhơ, thậm chí họ còn lo tổ chức đám cưới cho một cặp vợ chồng nọ.

Thấy ngọn núi đá vun vút bay lại mà dân làng vẫn vui cười, không biết làm sao, Tế Điên nhảy vào lễ cưới, ôm cô dâu chạy như bay. Dân làng đâu dễ để cho một ông sư ăn thịt chó cướp cô dâu của mình được liền đuổi theo thì đánh "rầm" một cái, một ngọn núi đá trên trời rớt xuống, nằm ngay trước Linh Ẩn Tự. Khi đó dân làng mới biết Tế Điên đã cứu mình. Ngọn núi đó là Phi Lai phong (đỉnh "bay lại đây"). Tế Điên giải thích cho dân làng đây là ngọn núi thiêng từ Ấn Độ bay qua, nghỉ một thời gian sẽ bay tiếp. Muốn đỉnh núi ở lại vĩnh viễn với xóm làng, hãy tạc lên núi đá 500 bức tượng Phật. 

Ngày nay Phi Lai phong còn ở đó, chưa bay đi. Phi Lai phong chỉ cách Linh Ẩn tự một con suối nhỏ, cao 168m, có vô số hang hốc và khoảng 380 tượng Phật, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 10. Tại vách phía đông của Phi Lai phong có ba bức tượng khá cổ của năm 951, tạc đức Thích-ca, Quan Âm và Dược Sư. Tượng lớn nhất của Phi Lai phong nằm trên vách phía bắc, đó là tượng Di-lặc thuộc đời nhà Tống (960-1270), tay cầm xâu chuỗi. Tôi leo lên Phi Lai phong, lòng nhớ về Linh Thứu, chỗ mà tôi yêu mến nhất trong các chuyến du hành Ấn Độ. Đáng yêu thay những chuyện truyền kỳ, hiềm gì chúng có thật hay không có thật. 

Gần Linh Ẩn có một ngôi chùa khác, đó là chùa Tịnh Từ, cũng là nơi có di tháp của Vĩnh Minh Diên Thọ. Tịnh Từ là chỗ Tế Điên một thời hoạt động tích cực. Chùa này không may bị cháy, Tế Điên liền lớn tiếng cho hay mình sẽ kiếm gỗ xây chùa mới. Nói thế nhưng Tế Điên không đi đốn cây làm gỗ gì cả. Trong chùa có một vị tri sự tên là Quảng Lương không ưa Tế Điên từ lâu, thấy thế muốn chế nhạo ông một phen nên làm ngơ không nhắc nhở gì cả. Đến gần ngày khởi công xây chùa, Tế Điên lên núi Nghiêm Lăng xin củi.

Ông lại áp dụng cái kế của Kim Kiều Giác tại núi Cửu Hoa, chỉ nói xin chút rừng bằng miếng áo cà-sa mót củi. Nào ngờ áo cà-sa của ông choàng hết núi, choàng tới đâu cây rạp tới đó. Tế Điên cho đem thả cây xuống sông, tưởng cây trôi ra biển, nhưng cuối cùng cây trồi lên trong giếng Hương Tích nằm ngay trong chùa Tịnh Từ và được 6 người lạ mặt vớt lên, đó là thần Lục giáp. Quảng Lương hoảng hồn chịu thua, lấy cây xây chùa nhưng lòng còn ấm ức về ông tăng ăn thịt chó. Lấy củi một hồi xong, Quảng Lương hô "đủ số", thần Lục giáp biến mất, nhưng thật ra ông đếm lộn, còn một cây nằm dưới đáy giếng. Vì lỗi đếm lộn mà Quảng Lương phải chịu đền cây thiếu, ông phải khổ sở lắm mới kiếm ra một cây thế chỗ. 

Tôi tới chùa Tịnh Từ, chiếc giếng Hương Tích vẫn còn. Du khách tới đây ai cũng nhoài người xuống giếng để xem cây gỗ sót lại từ thời xa xưa. Chiếc giếng nhỏ và sâu, đường kính chừng 1m, không hiểu làm sao thần Lục giáp vớt được cây. Du khách không không thắc mắc về chuyện đó, họ phải thấy cây củi trong chiếc giếng tối om nên người ta phải treo một cây đèn dưới giếng để thấy được cây. Về sau Tế Điên có để lại bài kệ lúc từ trần: 

Lục thập niên lai lang tịch, 
Đông bích đả đảo tây bích, 
Ư kim thu thập qui lai, 
Y cựu thủy liên thiên bích. 
Sáu mươi năm bừa bãi, 
Vách đông đánh đổ vách tây 
Đến nay thu nhặt quay về 
Như xưa nước liền trời biếc

Nhưng Tế Điên sẽ không là Tế Điên nếu ông chết thật. Về sau có vị tăng gặp ông ở chân tháp Lục Hòa, nằm bên sông Tiền Đường cách đó không xa. Ông có gửi thư về, báo sẽ về lại núi Thiên Thai. Lục Hòa bây giờ cũng là danh lam thắng cảnh của Hàng Châu. Đó là tháp xây năm 970 nhưng đến năm 1121 bị phá hủy và được xây lại năm 1899, ngày nay có chiều cao khoảng 60m. 

Tế Điên về lại Thiên Thai thì ngàn năm sau Tịnh Từ lại bị hủy hoại, cách mạng văn hóa trong những năm sáu mươi của thế kỷ này đã phá hủy ngôi chùa. Lúc tôi tới thì Tịnh Từ mới được xây lại một phần, lầu trống đã có nhưng lầu chuông chưa ai xây. Tế Điên đã vắng bóng. Đời này đâu còn chỗ cho một con người đắc đạo và hóm hỉnh như thế xuất hiện. Trong chùa Tịnh Từ ngày nay tôi tìm thấy tượng của

Tế Điên, tưởng Tế Điên cũng mập mạp như Bố Đại hòa thượng, nhưng không phải. Ông gầy dơ xương, mặt mày vui tươi, tay cầm quạt mo. Trong chùa người ta không tiện trình bày một Tế Điên ham rượu thịt nên chỉ có quạt mo, nhưng ra khỏi chính điện trong các sạp bán đồ lưu niệm là vô số tượng ông tay cầm đùi chó, tay kia quạt mo. Tôi khám phá cả một tượng Tế Điên bị chó cắn gấu quần, lòng bỗng nhớ Tịch Thiên ở Na-lan-đà, Ấn Độ với bài kệ: 

Con nai trên bàn ăn, 
chưa hề sống hề chết, 
chẳng bao giờ vắng bóng. 
Đã không gì là Ngã, 
sao lại có thợ săn, 
hay thịt của thú rừng?

Ngày nay nếu Tế Điên có tái sinh thì có lẽ ông phải ăn thịt nai như Tịch Thiên vì loài chó đã biến mất trên nước Trung Quốc. Cách đây khoảng vài mươi năm nhà nước Trung Quốc đã cho diệt loài chó, vì lý do nào thì tôi không rõ. Đi khắp từ nam xuống bắc, từ tây sang đông tôi không thấy bóng một tên cẩu tử nào cả. Họa hoằn lắm trên các vùng sơn cước có lúc tôi mới thấy một chú chó ngơ ngác, cứ mỗi lần như thế tôi lại nhớ Tế Điên hòa thượng. 

Nhìn hình ảnh của Tế Điên, tôi nhớ đến Bùi Giáng, nhà thơ mới xa chúng ta vài năm nay. Bùi Giáng cũng gầy gò như Tế Điên, cũng bụi đời, cũng đi về cõi nhân sinh như Tế Điên. Tôi được gặp ông trong nhà một người bạn thân tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi vào khu vườn nhỏ bé đó đúng lúc Bùi Giáng đã ngồi sẵn trong đó. Bên ngoài ông không khác mấy với một người ăn xin đã già nhưng khuôn mặt tinh anh và cặp mắt sắc sảo làm tôi kính sợ. "Đó, bồ-tát đó", người bạn nói để giới thiệu người tôi hâm mộ nhưng trước đó chưa từng gặp. Tôi biết Bùi Giáng với tính cách là một người làm vua trong cõi chữ nghĩa.

Ông có thể hiểu ngộ những văn hào khó hiểu nhất của Đức, Pháp, Anh và dịch những tác phẩm của họ với một thứ văn chương trác tuyệt, trung thành với nguyên bản nhưng không gượng ép miễn cưỡng. Và với tiếng Việt thì ông vào ra như thiền sư vào chợ, ông phung phí, ông sử dụng, ông chơi đùa như trẻ con nghịch cát. Ông sống triền miên trong cõi thơ ca của ông để mỗi tiếng mỗi lời của ông có một chiều sâu, một ý nghĩa và chữ nghĩa của ông tự chúng xếp lại thành thơ. Chúng ta cho rằng ông "làm thơ" nhưng có lẽ ông không tự biết mình làm thơ. 

Bùi Giáng cũng như một người điên, cỡ Tế Điên. Ông cũng như Tế Điên hình như đến cõi đời này để dạo chơi, để đùa giỡn và cũng để giáo hóa cho con người thấy tất cả đều chỉ là trò ảo giác của sắc thân, của chữ nghĩa, của tư tưởng, chúng đều là chuyện đáng để đùa giỡn. 

Từ chân tháp Lục Hòa, Tế Công viết thư: 

Ức tích diện tiền dương nhất tiễn, 
Chí Kim do giác cốt mao hàn 
Chỉ nhân diện mục vô nhân thức, 
Hự vãng Thiên Thai tẩu nhất phiên 
Mặt dạn xưa từng đón mũi tên, 
Lông xương nay vẫn dỡn chưa yên. 
Chỉ vì mặt thật không ai hiểu, 
Về núi Thiên Thai lại một phen.

Tế Điên đùa trong cõi "lông xương" như Tịch Thiên với thịt nai thịt chóù. Đó là các vị giết hại sinh vật nhưng "mặt thật" của họ là cái vô sinh vô tử. Cũng thế Bùi Giáng đùa giỡn với chữ nghĩa, ông sử dụng những từ thô kệch nhất đến những ý tưởng ẩn mật nhất chỉ để nhân sinh thấy cái biến hóa lường ảo của một cái duy nhất. Cũng thế màVĩnh Minh Diên Thọ, ngay trong chùa Linh Ẩn cổ xưa này đã chỉ bày cho thấy cái "tư tưởng" - cái quan trọng nhất của Descartes - cũng như thịt nai thịt chó, cũng như chữ nghĩa dở hay, đều là "vọng thức cả, chẳng can gì đến tâm".

Chúng ta thường lầm thức là tâm, thậm chí hay gọi chung là "tâm thức". Vĩnh Minh Diên Thọ trả lời câu hỏi về "tâm thức" của một vị tăng như sau: 
"Như Lai Thế Tôn trên hội Lăng Nghiêm vì ngài A-nan giản biệt rất rõ mà ngươi vẫn cố chẳng tin. Ngài A-nan lấy cái suy xét theo đuổi làm tâm, bị Phật quở đó. Cái suy xét theo đuổi đó là "thức"...Ý là nhớ, đối cảnh khởi vọng đều là vọng thức, chẳng can gì đến tâm. Tâm chẳng phải có- không, có-không chẳng nhiễm. Tâm chẳng phải cấu-tịnh, cấu-tịnh chẳng nhơ. Cho đến mê ngộ phàm thánh, đi đứng ngồi nằm đều là vọng thức, chẳng phải tâm vậy. Tâm xưa chẳng sinh, nay chẳng diệt".
 

(36) - Hai sông kia là Amazona và Nil 
(37) - Theo nhiều tài liệu, ông sống từ 343-287 trước công nguyên 
(38) - Có tài liệu chép là Tử An, theo Lê Nguyễn Lưu, Đường thi tuyển dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa 1997 
(39) - Sinh năm nào không rõ, mất năm 754 
(40) - Bản dịch của Tản Đà, Ngày Nay số 80, 1937 
(41) - Một chức quan nhỏ coi việc hình pháp 
(42) - Trích Lê Nguyễn Lưu, sách đã dẫn 
(43) - Bản dịch của Phan Huy Thực, trích Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử, giản ước tân biên, NXB Đồng Tháp 1997 
(44) - Sinh năm 695 trước Lý Bạch 6 năm, mất năm 794 
(45) - Ngũ Đài, Nga Mi, Cửu Hoa và Phổ Đà sơn 
(46) - Làm vua từ năm 1004-1007 


Âm lịch

Ảnh đẹp