PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT
(Tiếp Theo) Cô Tô Thành Ngoại Hàn Sơn Tự
Ninh Ba , đầu nguồn của Thiển Tông Nhật Bản
Phổ Đà Sơn
Giã từ Trung Quốc
CÔ TÔ THÀNH NGOẠI HÀN SƠN TỰ
Tô Châu không cách Hàng Châu bao xa, nằm trong đồng bằng hạ lưu sông
Trường Giang, thuộc tỉnh Giang Tô. Tô Châu cũng được xem là thiên đường
hạ giới như Hàng Châu, đã là kinh đô của nhiều triều đại rất cổ, trong
đó có nhà Ngô cách đây trên hai ngàn năm.
Thời Đông Chu liệt
quốc có một nhà vua nước Ngô tên là Ngô Hạp Lư. Năm 484 trước công
nguyên, Hạp Lư lấy Tô Châu làm kinh đô và xây một cái thành bao quanh Tô
Châu, đặt tên là thành Cô Tô. Theo một tài liệu cũ thì thành Cô Tô dài
23,5km và có 16 cổng thành. Ngày nay thành Cô Tô không còn dấu tích gì
nữa, chỉ còn hai cổng thành đã đổ nát.
Hạp Lư có con trai là Ngô Phù Sai. Phù Sai là tướng giỏi, đánh tan và
thu tóm nước Việt. Vua Việt là Câu Tiễn phải chạy về miền nam, đóng tại
Cối Kê, thuộc tỉnh Triết Giang ngày nay. Thế nhưng Phù Sai là người mê
gái đẹp nên bị rơi vào bẫy của Phạm Lãi. Lãi là người của Câu Tiễn tìm
kế phục hận Cối Kê. Thật ra Cối Kê là một nơi trù phú, nó chính là
Thượng Hải ngày nay nhưng hai ngàn năm trước Thượng Hải dĩ nhiên chỉ là
một làng đánh cá. Phạm Lãi đi tìm mỹ nhân và kiếm ra được hai nàng, đó
là Tây Thi và Trịnh Đán. Hai nàng này hẳn rất đẹp và cũng rất khỏe mạnh
vì theo Ngô Việt Xuân thu kể thì hai nàng đi "hái củi và ngày nào cũng
đập sợi trên sông".
Sau đó Tây Thi và Trịnh Đán khỏi phải "đập sợi" nữa vì Câu Tiễn đem
"trăm nén vàng" đến thôn Trữ La, quê của hai người đẹp, rước về cho tập
múa hát và dâng cho Phù Sai. Phù Sai được cả hai người đẹp nhưng yêu Tây
Thi hơn và cho xây một cái đài gọi là Cô Tô đài.
Cô Tô đài được xây trên núi Linh Nham, cách Cô Tô thành khoảng 12km.
Núi Linh Nham chỉ cao có 82m nhưng đá núi có hình thù kỳ dị, Tây Thi đi
guốc lượn lên đó nghe tiếng "leng keng". Cũng theo sách xưa kể lại, đài
Cô Tô xây năm năm mới xong, "cao năm trăm trượng, rộng tám mươi bốn
trượng". Sau đó Phù Sai ở riết trong đài Cô Tô với Tây Thi, bỏ bê chính
sự, cuối cùng quả nhiên bị Câu Tiễn diệt. Câu Tiễn lên ngôi vua thì Phạm
Lãi thấy nên xa lánh triều đình, vì hoạn nạn thì Câu Tiễn chia xẻ nhưng
danh lọi thì chưa chắc ! Cuối cùng Phạm Lãi, con người đầy minh triết
và nghệ sĩ đó, bỏ đi, cùng Tây Thi "giong chơi ngũ hồ rồi biệt tích". Có
thuyết nói Tây Thi bị vợ Câu Tiễn dìm chết tại sông Tiền Đường nhưng
tôi thích thuyết Tây Thi đi chơi với Phạm Lãi hơn.
Về sau Lý Bạch và Bạch Cư Dị đến Linh Nham để sáng tác những bài thơ
bất hủ về Tây Thi và mối tình khó kiếm đó. Ngày nay trên núi Linh Nham
không còn dấu vết gì của Cô Tô đài cả. Còn lại với thời gian là chùa
Linh Nham xây thời nhà Lương (502-519). Qua bao nhiêu triều đại, Linh
Nham tự là đạo trường của tông Pháp Hoa, Luật tông. Thời gian đã nhiều
lần hủy phá Linh Nham tự, ngày nay du khách tìm thấy ngôi chùa mới xây
lại năm 1919 và 1932.
Hãy trở lại thành Cô Tô, ngày nay nó cũng đã bị phá hủy. Thế nhưng ở
phía tây của thành, bên con kênh đại vận hà nối liền nam bắc, có một
ngôi chùa nhỏ trường tồn với thời gian. Đó là Hàn Sơn tự. Một buổi tối
nọ, trăng đã tàn, có người ghé đậu thuyền trên đại vận hà, nghe một
tiếng chùa của Hàn Sơn tự và làm bài thơ:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô tô thành ngoại Hàn sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San (47).
Đó là bài Phong Kiều dạ bạc, tác giả là Trương Kế, ông vốn là một vị
quan coi sóc chuyện buôn bán, sống cuối thế kỷ thứ 8. Bài thơ này đã trở
thành giai thoại, Trương Kế lưu danh thiên cổ mặc dù chỉ làm vài bài
thơ. Người đời sau có nhiều câu chuyện về sự tích của bài thơ này, nhất
là thắc mắc chùa làm gì mà đánh chuông nửa khuya. Nhưng có thế mới ra
thơ, nếu chuông đánh buổi sáng sớm gặp lúc Trương Kế ngủ dậy lo đi coi
sóc hợp đồng mua bán ngành sắt và muối thì ngày nay đã không ai biết Hàn
Sơn tự.
Tôi đến Hàn Sơn tự và tìm xem Trương Kế đã đậu bến
nào. Đó là một kênh sông nhỏ, chiếc cầu Phong kiều chính là loại cầu vòm
cong cong như ta thường thấy tại Hàng Châu, Tô Châu. Hai bên cầu là bờ
kênh trồng những cây phong, đó là "cây bến" của Tản Đà, loại cây có gỗ
màu sáng, có lá như hình cờ Ca-na-đa. Ngày nay cây phong cũng còn, chen
lẫn với nhiều cây khác để nơi đây ngày tôi đến có một phong cảnh xinh
đẹp lạ thường. "Lửa chài" của ngày xưa nay hẳn đã biến mất nhưng ngược
lại tiếng chuông chùa nổi lên dồn dập. Tôi vào Hàn Sơn Tự, ngay cửa vào
là bài Phong Kiều dạ bạc do Khang Hữu Vi đời Thanh viết chữ đại tự đứng
mãi với thời gian và mưa gió chào khách.
Hàn Sơn chỉ là một ngôi chùa nhỏ, được xây năm 502. Trong loạn Thái
Bình thiên quốc chùa bị phá hủy và được xây lại năm 1905. Chiếc chuông
mà Trương Kế nghe tiếng thời nhà Đường đã bị mất và được thay thế bằng
một chiếc mới. Chúng tôi may mắn được phương trượng chùa Hàn Sơn tiếp.
Ông chuyên viết chữ đại tự, trên tường treo đầy những bức thư pháp của
ông, chỗ viết là một chiếc bàn dài kê dọc đầy những mực. Ông nói chậm
rãi: "Chùa Hàn Sơn chỉ là một chùa nhỏ, nó lưu danh chỉ nhờ một tiếng
chuông. Thế nhưng, chúng ta là Phật Tử, chùa nhỏ chùa lớn không quan
trọng, chúng đều chỉ là danh tự".
Thanh nhã thay và cũng sâu sắc
thay ! Chùa Hàn Sơn nhỏ nhưng tiếng chuông quá lớn nên ngày nay khách
du lịch đến đầy nơi đây. Gác chuông đầy kẻ lên người xuống. Tôi cũng sắp
hàng lên gác chuông gỗ nhỏ hẹp chỉ có chỗ cho vài người. Ôi tiếng
chuông làm nao lòng Trương Kế ngày xưa bây giờ nó vang lên loạn xạ, khi
to khi nhỏ lẫn trong tiếng cười đùa của các thanh niên thiếu nữ mặc quần
sọt. Họ đánh một tiếng chuông lấy có rồi vội lên xe đi chỗ khác, đâu
biết rằng trong chùa có nhiều điều đáng trân trọng nữa như kinh sách,
bia đá của tiền nhân. Ít người trong họ không biết sau hậu điện của chùa
có hình vẽ của người xem như một gã điên mà tên người đó chính là tên
của chùa. Đó là Hàn Sơn, một cuồng sĩ của thế kỷ thứ 7, thường hay được
nhắc chung với Thập Đắc.
Ngày đó Hàn Sơn là một bần sĩ sống trong hang đá trong núi Thiên
Thai, là chỗ của Tế Điên hòa thượng. Trên núi Thiên Thai có chùa Quốc
Thanh nổi tiếng, bấy giờ do thiền sư Phong Can trụ trì. Hàn Sơn hay lui
tới chùa này, chơi với Thập Đắc. Thập Đắc (lượm được) cũng không khá gì
hơn, là một đứa trẻ bị bỏ rơi, được Phong Can lượm đem về chùa. Thập Đắc
quí Hàn Sơn, hay thu góp thức ăn, đựng trong một ống tre, cho Hàn Sơn
mang đi. Thế nhưng Hàn Sơn không biết thân phận, đã không biết cám ơn
chùa mà còn chửi đời.
Sách Tống cao tăng truyện viết: "Hàn Sơn
đi trong hành lang chùa, chốc chốc lại kêu gào chửi bới lăng mạ mọi
người, hoặc là ngẩng mặt lên trời mà chửi đổng. Các vị sư trong chùa
không chịu nổi các gậy đuổi đi thì Hàn Sơn lăn lộn, vỗ tay cười hà hà
rồi bỏ đi, quần áo rách bươm, mặt mũi hốc hác, đầu đội mũ bằng vỏ cây
hoa, chân kéo lê đôi guốc mộc". Hàn Sơn Thập Đắc thường bá cổ bá vai đi
chơi với nhau và cũng thường lui tới chùa Hàn Sơn hiện nay ở Tô Châu.
Ngày nọ có vị quan tên là Lư Khâu Dẫn đến hỏi Phong Can, ở đây ai là
người hiền. Phong Can là một thiền sư đắc đạo, cảm hóa được cả cọp, đáp:
"Có Hàn Sơn tức là Văn-thù, Thập Đắc tức là Phổ Hiền, hình dạng như
người nghèo, điệu bộ như người cuồng". Lư Khâu Dẫn đến chùa gặp hai vị
đó liền cúi lạy vái chào, các vị sư khác kinh ngạc hỏi: "Ngài là quan to
sao lại cúi lạy kẻ cuồng phu". Hàn Sơn, Thập Đắc cười hà hà, nói "Phong
Can lắm chuyện" rồi bỏ đi.
Về sau Lư Khâu Dẫn đến tìm thì Hàn
Sơn chỉ la lớn "Các ngươi hãy cố gắng" rồi biến mất trong hang, để lại
nhiều thơ ca. Còn Thập Đắc cũng bỏ đi đâu không ai biết. Ngày nay hậu
thế còn lại Hàn Sơn thi tập do Lư Khâu Dẫn đề tựa và Đạo Kiều ghi chép,
phụ thêm cả thơ của Thập Đắc và Phong Can, gồm hơn 300 bài, gọi chung là
Tam Ẩn Tập. Sau khi Hàn Sơn biến mất rồi thì chùa ở Tô Châu mang tên
Hàn Sơn để nhớ đến vị cuồng sĩ này, trong chùa còn tranh tượng của Hàn
Sơn Thập Đắc.
Xem Thêm: (BBT TVHS)
Bài Thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế
Đến Hàn San Tự Để Tìm Hiểu Bài Thơ Phong Kiều Dạ Bạc
Thiền Sư Nhất Hạnh Nói Về Bài Thơ Trên
Đọc Lại Phong Kều Dạ Bạc, Trần Long Hồ
Trở Lại Với Phong Kiều Dạ Bạc, Hải Đà Vương Ngọc Long
Đôi Bạn Chùa Hàn Sơn, Duyên Trường
NINH BA, ĐẦU NGUỒN CỦA THIỀN TÔNG NHẬT BẢN
Ninh Ba, nằm trên bờ biển nhìn ra Nam Hải Quan Âm trên đảo Phổ Đà, là
một vùng đất thiêng. Du khách ai cũng biết Thượng Hải, nào ngờ cách đó
200km về hướng nam có một vùng đất đã phồn vinh từ đời nhà Tần, cách đây
2300km, đó là Ninh Ba. Đến đời nhà Đường, Ninh Ba trở thành một cảng
biển quan trọng của Trung Quốc. Qua thời nhà Tống, năm 1127, khi triều
đình dời đô về Hàng Châu thì Ninh Ba đóng vai trò quan trọng như ngày
nay Thượng Hải đối với Bắc Kinh. Đến thế kỷ 16 thì Ninh Ba đã đầy những
tàu thuyền nước ngoài. Trong những người lữ khách lui tới đó có những
tăng sĩ đến từ một quần đảo tên gọi là Nhật Bản. Thế nhưng tàu bè đâu
phải là thứ làm Ninh Ba trở thành vùng đất thiêng mà từ rất xưa đây là
nơi tụ hợp nhiều ngọn núi lạ lùng.
Như ta biết sau thời Tam Quốc là thời Tây Tấn của Tư Mã Yêm. Năm 282
trong thời đó có một ẩn sĩ tên là Lưu Thái Ha mộng thấy một vị tăng
người Ấn Độ chỉ đường đi tìm xá lợi của Phật. Ngày nọ Lưu Thái Ha đến
núi Mậu sơn, nằm ở phía đông của Ninh Ba ngày nay, nghe dưới đất có
tiếng chuông khánh, đào lên thì thấy một bảo tháp, bên trong có một
chung vàng chứa xá lợi Phật. Vì hơn bốn trăm trước, A-dục Vương tại Ấn
Độ cho xây "tám vạn bốn ngàn tháp" thờ xá lợi Phật nên núi Mậu sơn ở
Ninh Ba được đổi tên thành A-dục vương sơn. Về sau Lưu Thái Ha trở thành
tăng sĩ, có tên sư Huệ Đạt, ông cất tinh xá thờ xá lợi. Năm 405, trong
thời Nam Bắc triều, chùa chiền bắt đầu được xây dựng. Nhà vua Lương Vũ
Đế, người hân hạnh được Bồ-đề đạt-ma giáo hóa, cũng cho xây thêm tự viện
ở đây năm 522 và tặng tấm biển "A-dục vương tự". Về sau, vua Tống Cao
Tông tự tay đề biển "Phật Đảnh Quang Minh chi tháp".
Theo bước các vị cao tăng như Tỉnh Am đại sư, Hư Vân hòa thượng, tôi
đến chùa A-dục đảnh lễ xá lợi. Kiến trúc của chùa ngày nay là từ thời
nhà Thanh, tháp đựng xá lợi bằng gỗ đựng trong một tháp đá nằm trong xá
lợi điện cao hơn 15m. Nơi đây trước khi mở tháp cho khách thập phương
đảnh lễ các vị sư trong chùa tụng kinh và thực hành nghi lễ rất công
phu. Ngẩng đầu nhìn xá lợi treo trong tháp, tôi nhớ lại mình đã đến ngọn
đồi con, chỗ làm lễ Trà tỳ (Lễ thiêu xác ) đức Phật hơn 25 thế kỷ
trước, nơi mà Huyền Trang nói rằng, ai nhất tâm sẽ tìm thấy xá lợi. Ngày
nay trên đất Trung Quốc này của Huyền Trang, xa Câu-thi-na vạn dặm, tôi
đã "tìm thấy" răng Phật gần Bắc Kinh, xá lợi Phật tại Ngũ Đài sơn và
đây là lần thứ ba tại Ninh Ba trên bờ Nam Hải.
Sau chùa ta còn tìm thấy nhiều bia đá mà bia xưa nhất là của năm 833
thuộc đời Đường. Qua nhà Tống, chùa A-dục là đạo trường của Lâm Tế tông,
các vị thiền sư như Tông Cảo, Đức Quang, Sư Phạm đều đã giáo hóa nơi
đây và trong giới đệ tử ngày đó có nhiều người từ Nhật Bản qua học.
Trong số đó có một người tên là Minh Am Vinh Tây (Eisai, 1141-1215) .
Minh Am Vinh Tây chính là người khai sáng Thiền tông tại Nhật và truyền
tông Lâm Tế (48) qua Nhật.
Mới 14 tuổi ông xuất gia, lên núi Tỉ
Duệ tại Nhật học Thiên Thai tông. Sau đó ông thấy phải trực tiếp đi
Trung Quốc. Năm 1168, ông lên đường đi Trung Quốc lần đầu, lúc đó chưa
biết gì về Thiền tông cả. Hai mươi năm sau, ông đến Trung Quốc lần thứ
hai, lần này ông lên chùa Vạn Niên ở núi Thiên Thai và được thiền sư Hư
Am Hoài Sưởng ấn chứng, một vị thuộc tông Lâm Tế. Về nước ông soạn bộï
Hưng thiền hộ quốc luận, là người đầu tiên truyền bá giáo lý Thiền tông
tại Nhật.
Cách Ninh Ba 35km về phía đông, không xa A-dục vương sơn bao nhiêu là
một ngọn núi khác có tên là núi Thái Bạch. Khoảng năm 300 có một vị
tăng tên là Nghĩa Hưng lập thảo am tu trên núi đó. Ngày nọ trên ngọn núi
vắng người đó có một thiếu niên đến cúng dường củi lửa và lương thực.
Nghĩa Hưng hỏi tên tuổi thì thiếu niên đó tự xưng là Thái Bạch. Vì thế
núi được mang tên là núi Thái Bạch, am cỏ của Nghĩa Hưng có tên Thiên
Đồng (thiếu niên cõi trời). Đến đời Đường, năm 575 lại có một vị tăng
khác tên là Pháp Xán tu học ở đây cũng được vị thiếu niên này hầu hạ
cúng dường nên núi Thái Bạch càng được hâm mộ. Chùa trên núi Thái Bạch
kể từ đời nhà Minh mang tên Thiên Đồng tự. Ngày nay đến Thiên Đồng tự ta
thấy ngôi chùa xây trong thời nhà Thanh (1644-1911). Trong chùa có
tượng Phật tam thế, hiện tại quá khứ và vị lai.
Chùa Thiên Đồng là nơi ghi dấu chân của nhiều vị thiền sư Nhật Bản mà
quan trọng nhất là vị Đạo Nguyên Hi Huyền (49). Đó là một trong những
vị thiền sư quan trọng nhất của Nhật, người đưa dòng thiền Tào Động (50)
qua Nhật. Đạo Nguyên được tôn thờ là "đại bồ-tát" và có tư tưởng "thâm
sâu và quái dị nhất".
Đạo Nguyên mới lên bốn đã đọc thơ Đường, lên chín đọc A-tì đạt-ma
(51). Lên 15 tuổi, Đạo Nguyên học giáo pháp của Thiên Thai tông nhưng
không vừa ý. Đạo Nguyên tìm đến thiền sư Minh Am Vinh Tây. Vinh Tây nói
với Đạo Nguyên: "Chư Phật không ai biết mình có Phật tính, chỉ có súc
sinh mới biết mình có Phật tính". Câu nói khó hiểu đó mà Đạo Nguyên nghe
qua thì thấy có sáng sủa hơn đôi chút thì không may Vinh Tây chết trong
năm đó. Năm 1223 Đạo Nguyên quyết thân hành sang Trung Quốc.
Đến
chùa Thiên Đồng, ông nghe thiền sư Như Tịnh (52) khai thị "hãy xả bỏ
thân tâm", Đạo Nguyên đại ngộ. Hai năm sau ông về nước, thành lập tông
Tào Động tại đó. Học trò hỏi Pháp Phật, ông chỉ đáp "với hai bàn tay
trắng ta trở về cố hương, chẳng có chút gì gọi là Phật pháp cả...mây tan
núi hiện". Mặc dù "không có gì để nói" nhưng ông để lại Chính pháp nhãn
tạng (Shobogenzo), một tác phẩm đồ sộ với 95 quyển, một kiệt tác của
Thiền tông Nhật Bản.
Sau núi A-dục và Thái Bạch gần Ninh Ba còn một ngọn núi huyền bí hơn
nữa, đó là Thiên Thai sơn, cách khoảng 100km. Chúng ta thường nghe "Lưu
Nguyễn lạc Thiên Thai" thì đó chính là ngọn núi này. Huyền sử chép hai
chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu đời Hậu Hán (25-250) đi hái thuốc trong núi
này gặp tiên. Hai chàng ở với tiên nửa năm, nhớ nhà xin về thì hậu thế
đã trải qua bảy đời rồi. Hai chàng trở lại núi thì không còn thấy tiên
đâu nữa. Ngày nay người ta đến Thiên Thai sơn chắc chẳng còn ai được
diễm phúc như hai chàng Lưu Nguyễn.
Thiên Thai sơn không chỉ là trú xứ của tiên nữ, đó cũng là nơi ẩn tu
của Tế Điên hòa thượng, của Hàn Sơn. Thiên Thai sơn là nơi núi rừng u
thúy, thâm sâu hùng vĩ mà trong thời đại hưng thịnh nhất nơi đây có 72
ngôi tự viện, trong đó bốn ngôi được gọi là "tứ đại danh sát": Quốc
Thanh, Vạn Niên, Thiên Phong và Cao minh tự.
Thiên Thai sơn là tổ đình của phái Thiên Thai tông do Trí Khải
(538-597) sáng lập. Thật ra Trí Khải là tổ thứ tư của Thiên Thai tông
nhưng ông được xem là người thực sự sáng lập môn phái này. Ông là người
đầu tiên trong Phật giáo Trung Quốc hệ thống các trường phái Phật giáo
với các chủ trương khác nhau, trong đó Thiên Thai tông chủ trương lấy
Diệu pháp liên hoa kinh làm cơ sở. Năm 576 Trí Khải về giáo hóa tại núi
Thiên Thai và từ đó mà tông phái của ông có tên Thiên Thai tông. Trong
số những người theo học Thiên Thai tông lại có một vị cao tăng xuất sắc
người Nhật, tên là Tối Trừng (53).
Tối Trừng du học tại Trung Quốc năm 804, nghiên cứu giáo pháp Hoa
Nghiêm và cả Mật Tông nhưng ông tiếp thu Thiên Thai Tông sâu sắc nhất.
Tối Trừng đến núi Thiên Thai tham học với Đạo Thúy, cao tăng đời Đường.
Về lại Nhật Tối Trừng lập một thiền viện danh tiếng tại núi Tỉ Duệ
(Hiei) và mất năm 822 tại đó. Tối Trừng để lại cho hậu thế khoảng 200
tác phẩm.
Hiện nay tại Trung Quốc khách chiêm bái tìm thấy núi Thiên Thai với
ngôi cổ tự Quốc Thanh xây năm 598. Chùa gồm có 14 điện, tượng lớn nhất
là Thích-ca mâu-ni cao 6,8m từ đời nhà Minh. Ngoài ra ta còn tìm thấy 18
vị La Hán đẽo bằng gỗ từ thế kỷ 13, 14, trong đó có Tế Điên hòa thượng.
Còn Thiền tông cũng như Thiên Thai tông đã suy tàn từ lâu. Tại Nhật
Bản, Thiên Thai tông do Tối Trừng sáng lập, Thiền Lâm Tế do Vinh Tây và
Thiền Tào Động do Đạo Nguyên khởi xướng đã bắt rễ nhanh chóng trong xã
hội Nhật Bản. Và bất ngờ thay, Thiền Trung Quốc tắt lịm trong thế kỷ 12
thì tại Nhật nó bắt đầu có sức sống mãnh liệt.
Sau Vinh Tây và
Đạo Nguyên là các thiền sư Nhật Bản xuất sắc như Tâm Địa Giác Tâm
(1207-1298) , người đưa Vô môn quan sang Nhật, Nam Phố Thiệu Minh
(1235-1309), người được Nhật Hoàng ban hiệu Đại Ứng quốc sư. Về sau vị
thiền sư xuất chúng nhất của Nhật là Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku,
1686-1769), người đã giác ngộ bằng công án Triệu châu cẩu tử (54), và
cũng là người đã nêu lên công án "Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?".
Bạch Ẩn là một thiên tài, ông đã phục hưng lại Thiền tông trong thế kỷ
thứ 18 và là một họa sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ tạc tượng xuất chúng.
Gần đây nhất ta có D.T. Suzuki (55) , người Nhật, là thiền sư đầu
tiên của châu Á giới thiệu một cách có hệ thống Thiền tông đến với
phương Tây mà tác phẩm hay nhất của ông phải là bộ Thiền Luận (56). Công
trình của ông xuất sắc đến độ có người cảm phục nói "ông đã đưa được
nhiều người đến cửa". Nhiều người phương Tây chỉ biết Thiền tông qua
Suzuki, vì thế mà có kẻ lầm tông phái này bắt nguồn từ Nhật. Họ không
ngờ rằng suối nguồn đầu tiên của Thiền tông Nhật Bản là những họat động
của Vinh Tây, Đạo Nguyên cách đây hơn bảy trăm năm gần một thành phố
mang tên Ninh Ba tại Trung Quốc.
PHỔ ĐÀ SƠN (Putuoshan )
Lên thuyền từ Ninh Ba về Nhật không phải chỉ có Tối Trừng, Vinh Tây,
Đạo Nguyên mà còn một vị khác mà tên tuổi còn lưu truyền đến ngày nay.
Đó là Huệ Ngạc. Vị tăng sĩ Huệ Ngạc này không học Thiên Thai tông, cũng
chẳng học Thiền tông mà đến tận núi Ngũ Đài sơn xa xôi vùng tây Trung
Quốc để cung thỉnh từ đó một bức tượng Quan Âm, đưa về Nhật. Đó là năm
916 (57). Ông mang được tượng về đến Ninh Ba và lên tàu đi về Nhật.
Thế
nhưng rời bờ không được bao xa thì thuyền bị kẹt lại, dưới đáy biển
bỗng trồi lên những bông hoa sen bằng sắt, chận đường ông đi. Huệ Ngạc
thấy vậy mới lập nguyện sẽ xây chùa thờ Quan Âm ngay tại đảo gần nhất,
bông sen liền biến mất. Huệ Ngạc cho thuyền tấp đến hòn đảo lân cận, lên
bờ xây am tu hành tại đó, thành thật đặt tên am là "Quan Âm bất khẳng
khứ" (Quan Âm không chịu đi). Hòn đảo đó là Phổ Đà sơn thuộc quần đảo
Chu sơn, đi tàu cánh ngầm từ Ninh Ba mất khoảng một tiếng đồng hồ.
Pho tượng Quan Âm linh ứng như thế nên dần dần Phổ Đà sơn trở thành
đạo trường của Ngài. Khách thập phương đến đây chiêm bái bức tượng, tu
bổ chùa Quan Âm bất khẳng khứ thành một tự viện to lớn và khám phá thêm
trên hòn núi này nhiều điều kỳ lạ.
Tìm hiểu kỹ nguồn gốc của Phổ đà sơn ta mới biết một ngàn năm trước
Huệ Khả đã có một người tu đạo tiên đến đây, đó là An Kỳ Sinh thuộc đời
Tần Thủy Hoàng. An Kỳ Sinh sống ở vùng ven biển, chuyên chế thuốc trường
sinh bất tử. Ông được Tần Thủy Hoàng mời nói chuyện "ba ngày ba đêm"
nhưng không chịu nhận chức tước, chỉ hẹn một ngàn năm sau đến tìm ông
trên một hòn đảo ngoài biển. Hẹn như thế thì ngay cả Tần Thủy Hoàng cũng
chịu thua, nhà vua cho Lư Sinh, Từ Sinh đi tìm nhưng sóng gió quá đành
trở lui (58). Vài trăm năm sau An Kỳ Sinh còn Mai Phúc đời Hán và Cát
Hồng đời Tấn đến Phổ Đà tu tiên.
Năm 847 thuộc đời Đường Đại
Trung có một nhà sư người Ấn Độ tên là Thiên Trúc đến Phổ Đà, xuống một
động đá nằm sát nước biển mà ngày nay ta gọi là động Hải Triều Aâm, đốt
ngón tay để cúng dường Quan Âm. Huyền sử chép rằng Quan Âm tu luyện tại
một hòn núi gần đó, sau khi đắc đạo Ngài nhảy một bước để đến Phổ Đà.
Chỗ Ngài nhảy đến để lại một dấu chân lớn trên đá, tới nay vẫn còn, gọi
là "Quan Âm khiêu" (cái nhảy Quan Âm). Từ thế kỷ thứ 10 đến 12, tại Phổ
Đà sơn có 218 tự viện được xây dựng, trong thời gian đó có 3000 tăng sĩ
tu học nơi đây và trong thời cận đại có một cao tăng nổi tiếng sẽ được
kể đến sau.
Quan Âm là vị đại bồ-tát được Phật tử châu Á thờ cùng nhiều nhất.
Trong bốn vị Bồ-tát thì Văn-thù là vị đại trí, chủ trí huệ, nằm trên
bình diện trí thức, xa xôi với tâm lý dân giã. Vị Phổ Hiền là vị đại
hạnh, hạnh nguyện của Ngài quá mênh mông quá to lớn, người thường mấy ai
nối gót được như Ngài. Vị Địa Tạng là người chủ động cứu loài hữu tình
trong địa ngục, đối với ta thì xem ra cảnh này còn xa vời, có thể không
bao giờ xảy ra cho mình. Còn Quan Âm, Ngài là vị đại bi, chuyên cứu độ
cảnh khổ nhân sinh, ban bố niềm phúc lạc trên trần thế. Do lực niệm Quan
Âm mà:
Xô mình vào lửa lớn,
Hầm lửa biến thành hồ...
Hoặc trôi giạt biển lớn,
Sóng gió không thể chìm...
Hoặc bị kẻ ác đuổi,
Mảy lông không tổn hại...
Hoặc giặc cướp vây quanh,
Giặc tức khởi tâm từ...
Bị xử sắp mất mạng,
Đao gẫy thành từng đoạn...
Hoặc tù ngục gông cùm,
Mở tung được giải thoát...
Bùa chú các độc dược,
Trở lại hành người hại...
Hoặc ác thú vây quanh,
Liền bỏ chạy tứ tán...
Quán Thế Âm tịnh thánh,
Chính là nơi nương tựa,
Trong khổ não chết chóc...(59).
Quan Âm là người đưa mắt nhìn chúng sinh, lắng tai nghe mọi điều than
thở để đi cứu giúp. Quan Âm không hề chỉ có dạng nữ nhân "Phật Bà" như
Trung Quốc Việt Nam hay trình bày, Ngài là một vị đại bồ-tát phát tâm
rộng như không gian nên thân Ngài cũng bao la vô tận. Tranh tượng hay
trình bày Quan Âm "nghìn tay nghìn mắt" để nói lên khả năng ứng hiện của
Quan Âm.
Tôi đến Phổ Đà để chiêm bái đạo trường của vị bồ-tát
rất thông hiểu tâm tư con người này. So với Ngũ Đài của Văn-thù, Nga Mi
của Phổ Hiền, Cửu Hoa của Địa Tạng, núi Phổ Đà sơn của Quan Âm chỉ là
một ngọn núi thấp nằm ngoài biển. Có ý nghĩa thay, vị trí của núi và đại
nguyện của Quan Âm muốn cứu độ quảng đại con người bình thường nhất.
Biển cả tượng trưng cho phiền não luôn luôn bao trùm đời thường của kiếp
nhân sinh và ngọn núi không quá cao nằm ngay giữa biển phù hợp tầm với
của tất cả mọi người chịu nghe tiếng rào rạt của "hải triều âm".
Trên Phổ Đà sơn, am cỏ Quan Âm bất khẳng khứ ngày nay đã trở thành
Phổ Tế tự, ngôi chùa lớn nhất toàn đảo, rộng hơn 36.000 m2, diện tích
xây cất khoảng 11400m2. Phổ Tế được xây dựng năm 1080, ngày nay gồm có 7
điện, 12 tòa tháp và 16 các điện khác như Già lam điện, Tổ sư điện,
Tàng kinh các, La hán đường, Bạch vân lầu...Điện quan trọng nhất là Viên
Thông do vua Khang Hy cho xây dựng, thờ tượng Quan Âm cao 8,8m. Tôi đi
dọc hai bên tường, nhìn ngắm "Quan Âm tam thập nhị ứng tùy hình", đó là
32 dạng tiêu biểu của bồ-tát tùy cơ ứng hiện.
Quan Âm có thể
mang hình ông quan văn, kẻ ăn xin, bà nội trợ, cô tiểu thư, vị võ
tướng...Nét mặt của các vị đó diễn tả những con người thông thường như
ta hay thấy trong nhà ngoài ngõ, không có nét gì của thần thánh cả.
Những khuôn mặt người thường đó có một nét chung là hiền hậu gây cho ta
lòng thân cận với Quan Âm. Tôi bỗng nhớ đến Đạt-lai lạt-ma mà tôi đã gặp
tại Đức. Vị này cũng được xem là hiện thân của Quan Âm, ông cũng có một
khuôn mặt bình thường tốt bụng, có một tiếng cười sảng khoái và một
tiếng nói rất quen thuộc với tôi.
Sau Phổ Tế tự là Pháp Vũ tự, đó cũng là một ngôi chùa rất lớn với
8800m2. Chùa này được kiến lập từ năm 1508, đó là năm tăng sĩ Đại Trí từ
Tây Thục đến Phổ Đà đảnh lễ, lập am gọi là Hải Triều am. Trong chùa này
có bức tranh đá nổi tiếng của họa sĩ Diêm Lập Bản đời Đường (668) vẽ
hình Quan Âm. Trên núi Phổ Đà còn Cửu Long Quan Âm điện và Cửu Long
bích, bức tường đá vẽ chín con rồng.
Hãy ra bờ biển để nghe tiếng sóng hải triều âm, từ dưới vọng lên, từ
trong các động đá vọng ra, từ những khe núi mà nhìn lâu ta thấy dường
như hình Quan Âm ẩn hiện. Ôi đây chính là Nam Hải Quan ÂÂm, chỗ mà Tôn
Ngộ Không hễ gặp hoạn nạn là đằng vân về xin cứu giúp. Nơi đây là nơi
cầu nguyện của biết bao thế hệ, từ những chuyện cao quí nhất đến nỗi
lòng thường nhật nhất. Tại chỗ này ta còn thấy bia đá kỷ niệm nhà sư
Thiên Trúc đốt tay cúng dường, cầu Quan Âm hiện tiền.
Ngoài khơi
là một hòn đảo dài thấp, nhìn như hình người nằm dưới biển nhìn lên
trời cao, hòn đảo đó cũng được khách hành hương xem là tượng Quan Âm
thiên tạo để tập trung cầu nguyện. Bất ngờ thay, tôi đến tảng đá có ghi
dấu "Quan Âm khiêu" còn rõ dấu chân của Ngài. Vị bồ-tát Quan Âm mà một
chân co lại tượng trưng cho sự tĩnh lặng, một chân duỗi ra biểu diễn
lòng từ bi sẵn sàng đi cứu độ, phải chăng chân ấy đã ghi lại nơi đây
bằng một lõm đá có đầu có gót hẳn hoi. Không ai biết được điều đó, điều
chắc chắc là nếu có ai được Quan Âm cứu độ thì bản thân người đó cũng
chẳng hay biết, bồ-tát ở hay đi đâu cần lưu dấu.
Ngài có đủ hình
tướng để xuất hiện thì cũng có muôn cách để cứu độ, kể cả nhắc nhở bằng
tư tưởng, bằng sáng kiến, bằng trực giác. Người đời cứ đợi hoạn nạn xảy
ra trước mắt mới trông chờ cứu độ, đâu có ai ngờ cuộc đời bình thường
không có biến cố trong lúc tai họa có khả năng xảy ra, chính nó đã là
một phép lạ. Tôi nhớ nước Đức của năm 1989 trong quá trình biến động
chính trị ở phía đông. Ngày nay một nhân vật cao cấp kể lại, trong những
ngày đó chỉ cần một tiếng súng duy nhất nổ ra là đã bắt đầu cuộc chiến
tranh thế giới thứ ba. Cả triệu người vận động trong mấy tuần liên tiếp
mà không có tiếng súng nổ. Ai dám cho là một sự bình thường ? "Người
đời, trong sự vô minh của nó, nó cứ tưởng mình là người tạo tác duy
nhất", tôi nhớ tới câu đó của Aùo Nghĩa Thư của Ấn Độ giáo.
Từ An Kỳ Sinh của thời Tần Thủy Hoàng hãy về với thế kỷ 20. Trong
thời kỳ cận đại này cũng có một vị đại sư tu hành ở trên Phổ Đà, đó là
Ấn Quang đại sư. Ấn Quang sinh năm 1862, là tổ thứ 13 của Tịnh Độ tông
Trung Quốc. Ông qui y với Đạo Thuần ở Ngũ Đài sơn năm 21 tuổi. Khoảng từ
năm 26 tuổi Ấn Quang về trụ trì chùa Pháp Vũ trên núi Phổ Đà. Tại đây
ông đã hai lần đóng cửa nhập thất rất lâu. Năm 1918 vì quyên tiền in
kinh nên sư Ấn Quang hay về Thượng Hải. Về sau Ấn Quang xây dựng lại
chùa Linh Nham ở Tô Châu và mất tại đó năm 1940.
Tại Phổ Đà tôi được thăm lại chỗ ẩn tu của Ấn Quang trong Pháp Vũ tự.
Nơi đây ông sống gần 30 năm, ngày nay người ta còn giữ lại bàn viết,
phòng ngủ, giường chiếu hài vớ của ông. Trong Ấn Quang Đại sư kỷ niệm
đường ngày nay ta đọc được câu đối: "Mạc nhạ nhất xưng siêu thập địa, Tu
tri lục tự quát tam thừa" (Đừng ngờ một câu qua thập địa, Phải hay sáu
chữ phủ tam thừa). "Sáu chữ "ở đây tức là "Nam mô A-di-đà Phật", sáu chữ
đó bao quát cả ba thừa Phật giáo, thâu trọn tất cả các phép tu học.
Ấn Quang đã lĩnh hội lòng từ bi của Quan Âm, để biết rằng trong thời
đại ngày nay không còn mấy ai đủ sức tự lực để đạt Phật quả mà cần phải
dựa trên phép tu tịnh độ để được vãng sinh cực lạc bằng cách thành tâm
niệm A-di-đà. Ấn Quang biết người thường không phải ai cũng được như An
Kỳ Sinh, như Tây Thiên, Huệ Ngạc, Bạch Ẩn hay Suzuki. Họ chỉ là những
người bình thường, có họa thì lo, có phúc thì mừng, ngồi thiền thì mỏi
lưng, tụng kinh thì buồn ngủ. Đối với họ đại trí của Văn-thù quá cao xa,
đại hạnh của Phổ Hiền quá to lớn. Họ chính là đối tượng giải cứu của
Quan Âm khi sống và khi chết thì chỉ A-di-đà mới cứu được họ. Đừng bắt
họ hiểu Tính Không, họ không giải nổi công án, họ không thuộc hơn chục
câu kinh. Có cách nào cho họ giải thoát không? Ấn Quang nói chỉ cần niệm
"sáu chữ" là "phủ tam thừa". Đó là lòng đại bi của Ấn Quang đại sư.
Rời Phổ Đà để trở lại đất liền, tôi đi qua rừng tử trúc, đó là một
vùng mọc toàn thứ trúc màu đỏ tía. Đứng cao trên rừng tử trúc kỳ lạ đó
là tượng Quan Âm cao 33m nhìn ra biển cả mênh mông:
Mắt từ nhìn chúng sinh,
Tụ phúc biển vô lượng,
Cho nên đáng đảnh lễ(60).
Đó là lời của Thích-ca mâu-ni trả lời Bồ-tát Vô Tận Ý hỏi về Quán Thế Âm.
GIÃ TỪ TRUNG QUỐC
Trung Quốc với một cõi đất mênh mông và một Hán tộc lâu đời hiển
nhiên là một nước lớn trên thế giới. Mặc dù còn biết rất ít về Trung
Quốc và lịch sử nước này nhưng tôi dám nói đây phải là một dân tộc với
một nền văn minh cổ nhất và một nền học thuật sâu sắc nhất của loài
người. Trước công nguyên hàng trăm năm, lúc con người còn mơ ngủ thì
người Trung Quốc đã bắt đầu nghĩ đến việc trị thủy, bắt đầu xây những
công trình vĩ đại mà ngày nay không ai dám nghĩ có thể hoàn thành. Đó
cũng là thời kỳ mà nước Trung Quốc đã được thu về một mối với hàng trăm
triệu dân, từ thời đó ý thức thống nhất của họ luôn luôn ngự trị trong
những đầu óc tầm cỡ.
Trong lịch sử dài của Trung Quốc, những
cuộc nội chiến của họ thường được chấm dứt bởi những nhân vật kiệt xuất
và sau đó thường là một thời kỳ phát triển rực rỡ về văn hóa. Đời nhà
Đường, nhà Tống, lúc châu Aâu còn nằm trong giấc ngủ dài của thời Trung
Cổ thì nền văn hóa nghệ thuật của Trung Quốc đã lên tới tột đỉnh. Qua
đến thời nhà Nguyên, Minh, Thanh, mặc dù có khi kẻ cai trị là người
"ngoại tộc" nhưng nền văn minh Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển.
Và
đến đầu thế kỷ này, châu Aâu đã phát triển qua được ba trăm năm sau
thời kỳ phục hưng, súng ống của họ đã mạnh hơn sức sáng tạo của văn quan
nho sĩ thời nhà Thanh và đã xâu xé nước Trung Quốc. Người Hán tỉnh giấc
mộng dài và sực thấy ngoài rợ Hồ ngày xưa còn có người phương Tây sẵn
sàng xâm chiếm mình. Người Trung Quốc phản ứng theo cách của họ và ngày
nay ta có một nước Trung Quốc rộng mênh mông hơn bao giờ cả, nhưng nền
văn hóa ngày xưa cũng chưa bao giờ bị lãng quên như bây giờ.
Hai nền tảng vĩ đại của tòa nhà văn minh Trung Quốc là Lão giáo và
Khổng giáo đã làm gốc cho một nền học thuật khoảng 2500 năm. Nó là hai
thái cực luôn luôn bổ túc lẫn nhau trong đầu óc của người Hán. Nếu Khổng
Giáo lấy xã hội nhân sinh này làm đối tượng của nhận thức và hành động
thì Lão Giáo tìm hiểu cái gốc của trời đất, của muôn vật và thuận theo
đó mà ứng xử. "Nội thánh ngoại vương" như thế là đầy đủ, về tư tưởng hầu
như họ không còn gì để bổ túc nữa. Về giang hà, sơn lâm, hồ hải thì
Trung Quốc tự nó là một thế giới, họ không cần tìm kiếm xa xôi. Về dân
tộc thì Hán tộc của họ có số lượng cực lớn nhưng tương đối thuần chủng,
ngôn ngữ, chữ viết khá thống nhất.
Vì những lẽ đó mà đi khắp các vùng Trung Quốc, từ Bắc Kinh Thượng Hải
tráng lệ đến những vùng quê hẻo lánh, đời sống lầm than, tôi luôn luôn
có cảm giác Trung Quốc là một cây cổ thụ vĩ đại sống đã ngàn năm. Nó bắt
rễ từ những mảnh đất rất xa xôi, rất khác nhau; lam lũ thu hút những
chất bổ dưỡng trong lòng đất tối tăm để cho một thân cây sum sê lá cành.
Và trên những cành đó là nghệ thuật nở hoa đủ thứ màu, sinh trái đủ thứ
vị. Từ hàng triệu con người cần cù không tên đó, qua những thế hệ mà ta
hay đếm hàng trăm năm, một nền học thuật phong phú được sinh ra như đạo
học, thi ca, văn học, thư pháp, âm nhạc, hội họa, gốm sứ...
Người Trung Quốc vì những lẽ đó thường quá tự hào, cho rằng mình có
thể là một thế giới riêng, không cần phải du nhập điều gì từ bên ngoài
cả, nội cái tên nước đã phản ánh tâm lý này rồi.
Chính vì thế mà tôi càng ngạc nhiên hơn về cách mà người Trung Quốc
tiếp nhận đạo Phật, một tôn giáo được du nhập từ Ấn Độ. Chúng ta hãy nhớ
rằng Phật giáo đến Trung Quốc trong thế kỷ thứ nhất, khi Khổng Giáo và
Lão Giáo đã định hình hơn năm thế kỷ, khi nước Trung Quốc đã thống nhất
dưới thời Tần Thủy Hoàng, khi chủ trương bảo vệ bờ cõi đã rõ với việc
xây dựng Vạn lý trường thành. Thế thì tại sao những người Trung Quốc đầy
tự hào đó lại mở rộng vòng tay đón chào các loại kinh điển "ngoại lai"
từ Tây Vực tới và thờ cúng một "người nước ngoài" là Thích-ca mâu-ni.
Tôi phải tự trả lời cho mình câu hỏi này.
Từ thế kỷ thứ nhất đến nay gần 2000 năm, Phật giáo để một dấu ấn quá
đậm tại Trung Quốc tới mức khó hiểu. Từ phía cực tây như Đôn Hoàng với
các thạch động nổi tiếng đến các quần đảo cực đông như Phổ Đà sơn, từ
vùng Bắc Kinh lạnh lẽo với Linh Quang tự đến miền Hồ Nam với Huệ Năng
xuất chúng, đi tới đâu ta cũng thấy chùa chiền tự viện của Phật giáo,
nhiều hơn hẳn đền đài thờ đạo sĩ hay nho sĩ.
Hãy nhớ lại công lao hoạt động của người xưa mà ta chỉ có thể kể vài
người tiêu biểu. Đó là công trình phiên dịch và truyền giáo của các
"Phạm tăng" Ấn Độ như Ma-đằng và Trúc Pháp Lan trong thế kỷ thứ nhất, An
Thế Cao sau đó khoảng 100 năm. Trong thế kỷ thứ 4 có Phật Đồ Trừng đến
Lạc Dương năm 310, Cưu-ma-la-thập đến Hậu Lương năm 386. Năm 520 Bồ-đề
Đạt-ma đến Trung Quốc, khai sáng dòng Thiền ở đó và từ đó Phật giáo vươn
lên sống mãi với thời gian. Ngược lại tăng sĩ Trung Quốc đi Ấn Độ cũng
không thiếu mà những người nổi danh nhất là Pháp Hiển, Huyền Trang,
Nghĩa Tịnh. Đến thế kỷ thứ 11, 12 lúc Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ thì
tại Trung Quốc, Phật giáo còn rực rỡ hơn tám trăm năm nữa.
Tôi chỉ có thể lý giải sự hưng thịnh này của Phật giáo bằng cách cho
rằng tư tưởng đại thừa đã đáp ứng đúng đòi hỏi học thuật và tôn giáo của
người Trung Quốc. Một mặt thì Khổng giáo quá chú ý đến xã hội thế gian,
cho cái siêu thế gian không thể tiếp cận được. Mặt khác Lão Giáo quá ít
lời về Đạo, cũng cho rằng không thể nói về Đạo. Hơn thế nữa Lão giáo
cho triết lý hành động một nội dung "vô vi", hành động nhưng không có
bất cứ chủ đích gì, điều này gây không ít hoang mang cho con người, nhất
là con người mang đầy tính xã hội của Trung Quốc. Về sau người đạo sĩ
Trung Quốc thường có hình ảnh một vị luyện linh đan, sống trường sinh
bất tử, thường cỡi hạc đi chơi với mây gió.
Khi Phật giáo đến Trung Quốc trong thế kỷ thứ nhất, có người hiểu lầm
đây là đạo Lão vì Phật giáo cũng nói về một cái Đạo "bất khả tư nghì",
nhưng ấn tượng đó sớm biến mất. Vì nếu Lão Tử bỏ đời ra đi và được người
đời tôn thành Thái Thượng Lão quân thì các tăng sĩ Phật giáo từ phương
xa lại, dịch kinh điển và tìm cách nói về cái "không thể nghĩ bàn".
Người Trung Quốc lắng nghe và thấy đây là cái có thể chấp nhận được.
Trong
thời Nam Bắc Triều (420-588) nhờ Cưu-ma-la-thập, tư tưởng Trung quán
của Long Thụ được truyền bá và Chân Đế (61) là người đưa Duy thức đến
Trung Quốc. Đến thời nhà Đường, Thiền tông và Hoa Nghiêm rực lên như một
ánh đuốc trong nền văn hóa tôn giáo tại Trung Quốc. Hiển nhiên là Phật
giáo đã trộn với Lão giáo để thành Thiền tông Trung Quốc và với Hoa
Nghiêm tông, người Trung Quốc thấy rằng có thể nói về một Tính Không, ít
nhất là về cái "dụng" của nó.
Giáo lý đại thừa còn thích hợp với người Trung Quốc ở chỗ nó cho con
người một hình ảnh lý tưởng, đó là hình ảnh bồ-tát. Đó là những người
tuy hành động không vướng mắc nhưng có "tác ý" hẳn hoi, không quá khó
hiểu như "vô vi" của Lão giáo. Hơn thế nữa, hình ảnh bồ-tát thõng tay
vào chợ để cứu độ con người rất thích hợp với đầu óc thực tiễn của người
Trung Quốc. Họ không thể quay lưng với xã hội, cỡi hạc rong chơi mà
nghĩ rằng đời mình phải làm gì cho có ích và nếu không phải để dạy dỗ
giáo hóa thì để làm gì. Hành động dạy dỗ là thái độ của Khổng giáo và
nội dung giáo hóa là tư tưởng đại thừa.
Thú vị thay, nếu Thiền
tông là sự tổng hòa của Phật giáo và Lão giáo, thì ý niệm bồ-tát có một
yếu tố của Khổng giáo. Hình ảnh của các vị La Hán của Trung Quốc trong
các đại hùng bảo điện nói lên điều đó. Có vị thì như cây khô ngồi trên
cành thông mang hình ảnh của đạo sĩ, có vị da đen tóc quăn quên cả tam
thế mang hình ảnh của A-la-hán Ấn Độ và cũng có vị tươi cười nhìn người
đời, khuôn mặt như một vị sư biểu với lòng sẵn sàng dẫn dắt. Cả hai nền
tảng Lão giáo và Khổng giáo tìm lại trong nền Phật giáo Trung Quốc dấu
ấn của mình và đều làm cho triết lý đại thừa lớn mạnh hơn cả Ấn Độ. Các
thiên tài tôn giáo Ấn Độ cần phải có một miếng đất đã cày bừa sẵn như
Trung Quốc để tư tưởng họ có thể đơm hoa kết trái.
Từ nền Phật giáo đại thừa đó của Trung Quốc mà các dòng truyền thừa
lan qua Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại các nước đó, dĩ nhiên Phật
giáo lại hòa nhập với nền văn hóa bản xứ để thành một nền Phật giáo với
bản sắc riêng, trong đó Thiền tông, Hoa Nghiêm, Tịnh Độ, Thiên Thai, Mật
tông có thể hòa quyện với nhau để ra những bồ-tát, thiền sư bản xứ. Tuy
khác nhau, nhưng trong ba nước đó đều có chung những nét giống nhau về
giáo pháp, về triết lý nhận thức và hành động.
Do đó trên bước
đường tại Trung Quốc có khi tôi thấy mình như ở trong một ngôi chùa nào
quen thuộc, tiếng tụng kinh, mùi nhang trầm như vọng lại từ một mối
chung. Trung Quốc đã đóng vai trò đầu nguồn Phật giáo cho các nước vùng
Đông Á, điều đó ta phải khâm phục thừa nhận. Ngày nay có nhiều tranh cãi
liệu Phật giáo Việt Nam từ Trung Quốc du nhập hay từ Ấn Độ trực tiếp
truyền qua, dù coi trọng tính chất nghiêm túc của lịch sử nhưng tôi
không thấy các cuộc tranh luận đó đóng vai trò gì đáng kể trong triết lý
tôn giáo.
Trung Quốc là một nước với một nền học thuật thâm sâu, xứng danh
ngang hàng với Ấn Độ, là những chiếc nôi của văn minh loài người. Hai
nước đó nằm sát bên nhau có chung một dãy Hy-mã lạp sơn đầy huyền bí,
cùng có chung một mái nhà mà từ đó những con sông thiêng băng núi rừng
chảy ra biển cả. Giữa Trung Quốc và Ấn Độ là Tây Tạng, đó lại là một
vùng đất kỳ lạ, một nơi mà Phật Giáo phát triển lên một mức độ siêu việt
hơn cả đại thừa.
Vì thế tôi thấy mình phải đi Tây Tạng.
(47) - Bản dịch của Tản Đà
(48) - Tiếng Nhật: Rinzai
(49) - Tiếng Nhật: Dogen Kigen (1200-1253)
(50) - Tiếng Nhật: Soto
(51) - Bộ luận căn bản của Phật giáo
(52) - Thiên Đồng Như Tịnh (1163-1228), học trò của Tuyết Đậu Trí Giám
(53) - Saicho, 767-822, cũng được gọi là Truyền Giáo đại sư
(54) - Công án nổi tiếng của Triệu Châu "- Con chó có Phật tính không ? - Không !"
(55) - 1870-1966, tên Hán Việt là Linh Mộc Đại Chuyết
(56) - Essays in Zen-Buddhism, bản dịch Việt ngữ của Trúc Thiên-Tuệ Sĩ
(57) - Có tài liệu ghi là năm 858
(58)
- Theo Sử ký Tư Mã Thiên, bản dịch Nguyễn Hiến Lê. Điều thú vị là theo
truyền thuyết của Việt Nam thì An Kỳ Sinh về sau đến núi Yên Tử, Quảng
Ninh Việt Nam để tu tiên. Yên Tử là tổ đình của Thiền Trúc lâm. Trên Yên
Tử có một khối đá tự nhiên, nhìn giống như tượng đạo sĩ mặc áo choàng.
Gần tượng đá có động Dược am (am thuốc) và Thung am (am luyện thuốc)
(59) - Trích Diệu pháp liên hoa kinh, Phẩm Phổ Môn thứ 28, Việt dịch của Thích Nhất Chân
(60) - Trích Diệu pháp liên hoa kinh, đã dẫn
(61) - Paramartha, 499-569, dịch các tác phẩm của Duy thức tông như Nhiếp đại thừa luận, Duy thức nhị thập tụng