PHẦN THỨ NHẤT: DƯỚI CHÂN HY MÃ
Những bước đầu tiên
Tháng ngày ấp ủ
Con sông thiêng
Giấc mơ cẩm thạch
Ðền Birla
NHỮNG BƯỚC ÐẦU TIÊN
Ðúng ngày Tết dương lịch 1.1.1989 tôi hăm hở lên đường đi Ấn Ðộ. Dù
lúc đó đã sống hai mươi năm ở nước ngoài, tôi vẫn thấy xa lạ với xứ sở
huyền bí này. Ngày xưa dù chưa sống xa nhà, tôi đã có ý niệm về Pháp, về
Mỹ, về Canada. Hồi đó tôi đã thích nền văn hóa phương tâyï, đã yêu văn
chương tiếng Pháp, đã biết lối sống Mỹ. Còn Ấn Ðộ là gì đối với tôi ? Ðó
là quê hương của Gandhi, một vùng bán đảo rộng lớn với Hy-mã lạp sơn,
với Hằng hà đầy cát. Tôi biết Ấn Ðộ chỉ giản đơn như thế, nhưng điều đậm
nét trong tôi là, đây là một xứ sở huyền hoặc, hầu như được bọc trong
một tấm màn thần thoại.
Những tài danh của Ấn Ðộ mà tôi biết
thường là những nhà văn nhà thơ như Tagore hay Krishnamurti, các vị đó
xem ra cũng rất huyền bí. Còn các nhà đạo học, dù đó là Phật Thích-ca
hay các đạo sĩ, tất cả đối với tôi có tính hoang đường nhiều hơn thực
tại. Và dù các vị đó có thật đi nữa thì họ quá cao xa đối với tôi. Lên
đường đi Ấn Ðộ, tôi chỉ là một người Việt Nam làm công cho một công ty
sản xuất máy phát điện ở Ðức, làm nhiệm vụ mà ngày nay người ta gọi là
tiếp thị, có cái vai trò sales manager đi bán một món hàng hết sức trần
thế.
Tôi nhớ lại một anh bạn tuổi lớn hơn mình nhiều, anh có tiếng là thầy
bói ngoại cảm. Một ngày nọ xa xưa, anh nhìn tôi cười nửa đùa nửa thật:
“chú em kiếp trước làm thầy tu bên Ấn Ðộ“. Tôi nghe xong lòng không lấy
gì thú vị, làm vua chúa thì may ra. Không, làm sao tôi mà là thầy tu
được, tôi còn ham rượu thịt, còn ham vui chơi. Tôi càng không phải là
người Ấn Ðộ, nếu không sống tại Việt Nam, tôi chỉ thích sống ở châu Âu
văn minh và cổ kính.
Máy bay từ châu Aâu đến Delhi thường hạ cánh lúc nửa đêm, giờ địa
phương. Ngày đó là ngày Pan Am còn là một hãng hàng không uy tín của Mỹ,
cạnh tranh với Lufthansa của Ðức tranh nhau chở khách đi Ấn Ðộ. Thời đó
tôi chưa hiểu sao có nhiều khách đi Ấn Ðộ, khách làm ăn có, khách du
lịch có. Ngày đó tôi đâu biết, đó là một thị trường khổng lồ cho dân làm
ăn và một lịch sử vô song cho người du lịch. Ở sân bay Delhi ở Ấn Ðộ
một thứ mùi nửa lạ nửa quen làm tôi chú ý.
Mùi này hai mươi năm
qua tôi chưa từng hít thở lại. “Eau de javel“ ! Thì ra cái thứ mùi để
chùi rửa vệ sinh trong những ngày xa xưa trong thời thơ ấu của tôi nay
vẫn được sử dụng tại sân bay quốc tế này. Mùi này tôi đã quên rất lâu,
xứ Ðức không có, Việt Nam ngày nay cũng không, không ngờ nơi đây vẫn
thông dụng. Ngày nay mỗi lần đến Ấn Ðộ tôi đều chuẩn bị để hít thở mùi
này, thứ mùi gây cho tôi cảm giác vừa khó chịu vừa dễ chịu. Khó chịu là
chỉ những nơi dơ bẩn ta mới biết đến nó và dễ chịu là sự yên tâm dù sao
cũng có ai lo cho sự vệ sinh ở đây.
Tôi ngồi gọn trong ghế bành nghe người ta nói tiếng Anh. Ðồng nghiệp
người Ðức của tôi nói tiếng Anh rất dễ nghe, có lẽ thứ tiếng Anh của tôi
cũng có cái giọng như thế. Ðó là một thứ tiếng Anh giọng Ðức, thứ tiếng
Anh hay bị chê cười trên thế giới. Người ta gọi đó là tiếng Anh của
Kissinger vì nhà chính trị này sinh tại Ðức, sống lâu ở Mỹ nhưng vẫn nói
thứ giọng quê mùa này. Còn tiếng Anh của Ấn Ðộ là một thứ tiếng Anh lạ
lùng, tôi nghe không hiểu gì cả.
Tôi nhớ mình thích tiếng Anh
của người Hồng Kông vì tiếng Anh của họ dễ hiểu, thanh quản và phát âm
của họ xem ra giống của tôi. Tôi vốn sợ thứ tiếng Anh của người Úc và
của người Mỹ vì khó hiểu nhưng có đến Ấn Ðộ mới thấy có thứ khó hiểu
hơn. Ðiệu bộ cử chỉ của người Ấn cũng khác, họ hay dùng bàn tay để «
minh họa » cho lời nói. Bàn tay của họ cứ lật qua lật lại theo nội dung
câu chuyện. Tôi phải làm việc hàng tuần trong cái xứ đầy mùi lạ, tiếng
lạ, phòng ốc chật chội này ư ?
Văn phòng đại diện của chúng tôi
tại Delhi thuộc loại tầm cỡ nhưng phòng ốc hết sức hạn chế. Tại sao
người ta thuê tuyển nhiều người như thế, bàn nọ kê sát bàn kia, nhân
viên hàng tá làm gì cho hết ngày giờ ? Sau này tôi mới biết họ có nhiều
người là để giúp việc cho chúng tôi, có những tea boy chỉ chuyên bưng
trà rót nước, những công việc mà tại phương tây chúng tôi phải tự làm.
Dễ chịu thay. Chỉ sau một ngày, tôi đã nhờ một cô gái đi copy văn bản.
Bất ngờ thay, cô ta lắc đầu. Tôi đang tự hỏi tại sao cô này từ chối lời
yêu cầu nhã nhặn của mình thì đã thấy cô đã nhặm lẹ cầm giấy tờ chạy đi
làm việc. Thì ra cái lắc đầu của người Ấn Ðộ chính là cử động gật đầu
của ta. Còn khi họ từ chối thật thì đầu họ cũng lắc cũng lắc cách khác.
Ðối với tôi lúc nào họ cũng lắc đầu cả. Khó hiểu thay, những người Ấn Ðộ
!
Từ văn phòng chúng tôi nhìn ra là công trường Nehru đầy người. Ðó là
chỗ bán cam bán chuối, bến đợi xe bus, xe hàng rang hạnh nhân đậu phọng,
chỗ sửa xe taxi, bến đậu xe « túc-túc », nơi của khỉ làm trò…Cuộc sống ở
đây xem ra vừa vội vã vừa chậm chạp. Trên công trường Nehru đó hàng
trăm người ngồi chơi sưởi nắng xem ra không có gì làm, hôm nay là một
ngày mùa đông. Xung quanh họ là những người ăn mặc hết sức nghiêm túc
theo kiểu người Anh đang vội vã rảo bước, họ tìm kiếm điều gì trong xứ
sở nghèo nàn này ? Về sau tôi biết thêm Ấn Ðộ là một xứ sở của những
hình ảnh đối chọi.
Ðường sá đầy xe cộ với mùi xăng khét lẹt làm tôi nhớ Việt Nam. Taxi
của họ là những chiếc xe nội hóa cũ kỹ với cái tên vang dội «Ambassador»
mà bốn bánh xe thường mòn nhẵn làm chúng tôi e ngại, mỗi chuyến đi là
một trò chơi ít nhiều rủi ro nhất là khi gặp trời mưa. Thế nhưng đã quen
cách đi liều của mình và thấy đồng nghiệp nhiều năm kinh nghiệm Ấn Ðộ
của tôi cũng chưa có ai mang vết tích gì trên người nên tôi yên tâm tự
nhủ đời người có số.
Chỉ vài ngày sau khi đến Ấn Ðộ người ta đã biết đây là một xứ sở mang
nặng đầu óc tôn giáo. Trong taxi tài xế thắp nhang liên tục, họ khẩn
cầu một vị thần nào bảo hộ cho họ, cho họ nhiều khách và ít tai nạn.
Ngoài đường các đàn bò đi đứng nằm ngồi xem ra rất tự nhiên thoải mái,
tài xế lái xe thường rất hấp tấp nhưng khi gặp chúng đều kiên trì chờ
đợi, không có một tiếng còi. Ra khỏi Delhi vài cây số là đã xanh một màu
cây cối, ở đây cơ man nào là khỉ.
Theo người Ấn, chúng là hậu
thân đáng thương của đời làm người, là cha mẹ anh em ngày trước, chúng
được đối đãi bình đẳng và sống chung với người. Ngày nọ tôi đến làm việc
tại một cơ quan chuyên trách “kiểâm tra chất lượng“ của bộ phận
turbine. Ðó là một tòa nhà nhỏ nằm trong một khu vườn lầy lội sau cơn
mưa. Vừa bước xuống xe, một con heo rừng đâm đầu chạy đến. Tôi vội thót
lên xe, đóng cửa đánh rầm. Sau đó hỏi ra nó chỉ là một heo nhà tầm
thường nhưng chạy nhảy nhiều quá nên có cái bụng thon của một con heo
rừng lực sĩ.
Tại Ấn Ðộ, thời gian lưu trú nhiều tuần cho phép tôi học nghe tiếng
họ nói, học nhìn cách họ làm để giải quyết công việc của mình và khám
phá nhiều điều lớn lao hơn. Xuất phát từ một cấu trúc xã hội có tính
đẳng cấp, người Ấn Ðộ rất khó thân cận. Lạ thay, đối với thú vật thì họ
gần gũi mà đối với người thì họ xa cách. Hình như mỗi người Ấn Ðộ khi
gặp người khác, việc đầu tiên là họ định nghĩa ai hơn ai, về đẳng cấp
huyết thống ai ưu việt hơn ai. Ði Ấn Ðộ hàng chục lần, tôi kết luận rằng
đó là một xứ sở của sự phân biệt giai cấp. Người giàu có thì hợm hĩnh
khinh người, người nghèo khổ thì yên phận chịu đựng. Những người mà tôi
gặp và làm việc đều là kỹ sư hay thương nhân, họ thuộc thành phần có học
và có tiền, trong nội bộ xã hội, họ coi khinh người khác, đối với chúng
tôi ở nước ngoài đến thì họ e dè và phức tạp.
Ðối với người nước ngoài, người Ấn Ðộ vừa có mặc cảm tự ty vừa tự
tôn. Họ biết rất rõ bán đảo bao la của mình là một cái nôi văn hóa và
học thuật của loài người. Cuộc đời của nhiều vĩ nhân nước họ là những bó
đuốc soi đường cho hậu thế. Nền văn minh, triết lý và tôn giáo của họ
là nền tảng của nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới, kể cả của Âu Mỹ và
Trung Quốc. Thế nhưng nước họ ngày nay thuộc loại lạc hậu nhất, đời sống
dân chúng khốn khổ nhất. Họ có cái đau khổ của một nhà quí tộc khánh
kiệt. Cho nên khi một người nước ngoài đứng trước mặt họ, họ lúng túng
không thể định nghĩa ai hơn ai kém. Và khi gặp chúng tôi, kẻ đi bán một
thiết bị hiện đại, họ càng lúng túng. Vì trình độ kỹ thuật còn non, họ
phải đi mua; nhưng vì là khách hàng họ thấy mình được o bế. Thế thì ai
hơn ai thua, xem ra họ rất thắc mắc.
THÁNG NGÀY ẤP Ủ
Khách sạn cho thương nhân chúng tôi thường là loại năm sao đắt tiền,
chúng thường nằm rất xa “nhà dân“. Trước cửa khách sạn thường có một
người Ấn Ðộ rất to khỏe, mặc đồng phục như sĩ quan cao cấp, mỗi khi
chúng tôi ra vào, ông lại che mắt chào, giầy sắt đánh cộp. Tôi lấy làm
xấu hổ với thứ lễ nghi đẳng cấp dành cho tướng tá đó, cũng chưa thấy
châu Á có nơi nào từ Nepal đến Indonesia lại có lối chào khách kiểu đó.
Sang trọng như thế nhưng cách đó chưa đầy vài trăm mét, gặp lúc khách
sạn đang mở rộng công trình là hàng trăm chiếc lều với hàng ngàn nhân
công ăn ngủ tại chỗ để phục vụ dự án. Họ sống một cuộc đời khốn khổ, từ
cửa sổ phòng tôi thấy rõ mồn một. Tại Delhi, nơi được xem là Paris của
Ấn Ðộ, vô số con người sống lầm than trong lều bạt, không có chút vệ
sinh hay tiện nghi tối thiểu.
Người ta hay cho rằng làm thương nhân như chúng tôi là sung sướng,
được đi đây đi đó. Thế nhưng có đi rồi mới biết, thường khi đi công tác
nước ngoài thương nhân chỉ biết sân bay, khách sạn, cơ quan của khách
hàng, ngoài ra không biết hơn. Các cuộc thương lượng thường căng thẳng,
những tranh cãi vô bổ về một chi tiết không đáng nói thường chỉ làm hao
tổn sức lực, mài mòn tâm hồn, chúng dễ làm thui chột những cảm nhận tâm
linh lẽ ra phải có khi ta đến nhưng nơi xa lạ, gặp những con người mới
mẻ.
Tại Ấn Ðộ, chúng tôi lại càng ít quan hệ với dân chúng. Tại
một nơi mà khách sạn như một ốc đảo nằm giữa cảnh đời khốn khổ, thương
nhân lại càng ngại ra ngoài. Buổi tối họ chỉ biết uống rượu với nhau cho
hết giờ và nội dung câu chuyện cũng lại quanh quẩn về những gì bàn bạc
ban ngày. Thế nên con đường đẹp nhất của Delhi là con người dẫn từ khách
sạn ra lại sân bay để về nước, con đường mà chúng tôi hay đi lúc nửa
đêm vì máy bay về lại châu Âu thường khởi hành lúc gần hai giờ sáng.
Với thời gian, những cuộc làm việc tại Ấn Ðộ càng lúc càng dài ngày,
có lúc chúng tôi phải ở lại vài tuần. Ngày nọ có vài đồng nghiệp tổ chức
đi thăm Simla trên Hy-mã lạp sơn, rủ tôi theo. Tôi mừng như bắt được
vàng. Ôi, đời tôi mà được đi núi Hy-mã sao ?
Hy-mã lạp sơn đối với tôi hầu như huyền thoại, tất cả những gì liên
quan tới đó đều là chuyện thần thoại. Ðó là một nơi hẻo lánh xa xôi đầy
tuyết trắng không người lui tới, nơi đó phải là trú xứ của thánh thần.
Tôi không biết mình ở Delhi, gần như cực bắc Ấn Ðộ, rất gần núi Hy-mã.
Dĩ nhiên Hy-mã ở đây chưa vội phải là đỉnh Everest cao hơn tám ngàn mét,
và chuyến đi sáng đi tối về từ Delhi cho thấy đây chỉ có một triền núi
con con của núi Hy-mã và đi bằng đường xe hơi thì nhất định cũng không
thể lên cao. Mà như thế có lẽ cũng đủ rồi vì tôi lẫn các đồng nghiệp của
mình đâu phải là dân leo núi, chúng tôi chỉ là du khách đi thăm Hy-mã
lạp sơn một cách thoải mái và lười biếng. Tôi đoán mò như thế, không
biết rằng mình sẽ đến Simla, thủ phủ của bang Himachal Pradesh, thủ đô
mùa hè của những người Anh đi chiếm thuộc địa ngày xưa.
Vẫn là chiếc «Ambassador» nội địa bốn bánh mòn nhẵn đến chở chúng tôi
đi Hy-mã lạp sơn ! Tôi ái ngại thấy mấy người Ðức to khỏe vô ngồi trong
xe, chiếc xe này mà chở chúng tôi lên cao hơn sáu ngàn năm trăm bộ, tức
gần hai ngàn mét sao. Xe chạy băng băng lên hướng bắc, cảnh vật làm tôi
nhớ Việt Nam. Ấn Ðộ đâu phải chỉ là Delhi ô nhiễm, đất nước này xinh
đẹp biết bao. Về sau tôi đến nhiều lần vùng Bắc Ấn, đây là một vùng đất
thiêng. Hiện nay vị Ðạt-lai lạt-ma thứ 14 đang sống nơi đây. Trong những
năm năm mươi của thế kỷ này, đây cũng là chỗ ẩn cư của hai nhà học giả
phương Tây trứ danh Govinda, Evans-Wentz. Trước đó mười hai thế kỷ, vùng
rừng núi miền Bắc Ấn này đã ghi dấu chân của nhiều lữ hành trong đó có
Huyền Trang, nhà dịch kinh xuất chúng đời Ðường của Trung Quốc. Mãi
nhiều năm về sau tôi mới biết rõ miền Bắc Ấn này là chỗ hoạt động của
một vĩ nhân của loài người tên gọi là Thích-ca mâu-ni và mình sẽ lên
đường tìm lại bước chân của người ấy. Nhưng đó là chuyện về sau của sách
này.
Trên đường đi qua miền Bắc Ấn ở đâu ta cũng thấy một màu xanh thuần
tịnh và êm dịu. Các vạt mía mọc tràn lan nhắc tôi nghĩ đến các tỉnh miền
trung Việt Nam, các hồ đầy sen trắng làm tôi nhớ đường sông đi vào chùa
Hương ở miền bắc. Những chiếc xe bò lọc cọc gõ đường làm tôi tưởng thời
gian như ngừng trôi kể từ mấy thế kỷ qua.
Chiếc xe vững vàng leo núi làm tôi dần dần bớt thành kiến với nền
công nghiệp ô-tô Ấn Ðộ. Nhìn xuống hang sâu vực thẳm, kẻ có kinh nghiệm
đi đèo Hải Vân từ bé như tôi cũng thấy ớn lạnh. Không ai dám nói gì với
ông tài xế, ông hãy cứ thắp nhang đi trong chiếc taxi của mình, mùi
nhang này không còn làm tôi thấy khó chịu nữa. Các vị thần Ấn Ðộ giáo
cứu độ ông chắc hẳn cũng không hẹp hòi từ chối mấy người phương tây và
một người Việt Nam ngoại đạo.
Lên đến nơi chúng tôi mới hay
Simla không hề là một chỗ đèo heo hút gió mà là một thành phố giàu sang
nằm trên một dãi đất bằng dài đến 12 km, cao hơn 2200m, trên sườn tây
bắc của một chân núi Hy-mã. Thì ra đây là một nơi nghỉ mát mà những
người Anh khôn ngoan ngày xưa đã xây cất để tránh cái nóng khủng khiếp
của Ấn Ðộ trong mùa hè. Năm 1822 đã có một viên đại tá tên là Kennedy
tìm đến đây và xây một ngôi nhà nghỉ mát và sau đó Simla trở thành chỗ
lui tới cho giới quí tộc người Anh và Ấn. Chỗ này chắc hẳn cũng như Ðà
Lạt của Saigon xa xưa, dành cho giới thượng lưu thời đó. Khí hậu ở đây
quả nhiên hết sức dễ chịu, chỉ mới mấy tiếng mà tôi đã quên Delhi bị vây
bọc trong bụi bặm và khốn khổ. Ði bộ trên những con đường ngược dốc
ngược lên cao, chúng tôi tìm đến những vị trí đặc biệt, vị trí có thể
ngắm nhìn những đỉnh núi trên bảy ngàn mét.
Ðây chính là vùng mà Huyền Trang rời cao nguyên Kashmir xuống đồng
bằng Ấn Ðộ, sau khi băng qua sa mạc Gobi và đường phía bắc núi Thiên
sơn, nhắm hướng « Tây Vực » mà đi. Và mười hai thế kỷ trước, Huyền Trang
cũng từ đây mà xuống đồng bằng, nếm mùi cái nóng Ấn Ðộ mà ông gọi là «
trời nóng như thiêu » trong Ðại Ðường Tây Vực ký. Ngày xưa Huyền Trang
hẳn đã ngắm nhìn những đỉnh tuyết trắng của dãy Hy-mã mà quê hương Lạc
Dương của ông không hề có.
H 1: Hy-mã lạp sơn
Tại Simla, ngắm nhìn những đỉnh núi tuyết, lần đầu tiên tôi bị một
một chấn động tâm linh. Núi trắng xóa hiện ra rực rỡ dưới ánh mặt trời.
Làm sao tả được những đỉnh núi ? Núi gây cho tôi một ấn tượng uy nghi,
xa cách nhưng nhân hậu. Ðỉnh núi thuần tịnh màu tuyết trắng - cũng như
ánh mặt trời rực rỡ - chiếu rọi không phân biệt cho những ai hướng về
nó. Núi vương giả nhưng không chút kiêu mạn, núi chào đón nhưng không
vồn vã, núi đứng đợi con người đến với mình. Thế nhưng những ngọn núi
cũng có sự khác biệt. Nói như Govinda, mỗi ngọn núi có một “nhân cách“
và mỗi ngọn núi thiêng đều có thần.
Trong “Con đường mây trắng“
Govinda viết: “Muốn nhận rõ kích thước một ngọn núi ta phải đứng ra xa
nó; để thâu nhận dạng nó vào lòng ta phải đi quanh nó; để hiểu vui buồn
của nó ta phải biết quan sát nó trong mọi thời khắc của ngày của năm:
lúc mặt trời mọc và lặn, giữa trưa và trong sự tĩnh lặng nửa đêm, trong
những ngày mưa tối và dưới bầu trời xanh, trong tuyết mùa đông và giữa
những cơn bão. Ai biết ngọn núi theo cách này, người đó sẽ đến gần với
tính cách của nó, nó có tự tính sống động và đa dạng như của con người“.
Và theo Evans-Wentz, người đã sống rất lâu dưới chân Hy-mã lạp sơn thì
dãy núi dài trên 24.000 km này có gần chục ngọn núi thiêng và sự việc
châu Á là gốc của mọi ánh sáng minh triết “không hề là một sự ngẫu
nhiên“.
Vùng này là cực bắc Ấn Ðộ, giáp giới Trung Quốc. Những người cùng đi
với tôi dơ tay giới thiệu ngọn này ngọn kia cao bao nhiêu mét, chúng còn
nằm trong địa phận Ấn Ðộ hay đã ở phía Trung Quốc. Tôi bỏ ngoài tai câu
chuyện biên giới. Không quan trọng gì nó nằm ở đâu, những ngọn núi này
đâu phải để con người cai quản. Chúng trường tồn với thời gian, còn biên
giới quốc gia có thể vài mươi năm đã thay đổi. Thậm chí các dân tộc có
thể biến mất trên hành tinh này nhưng núi non vẫn còn. Hơn thế nữa gốc
của núi non là siêu thế gian, những gì chúng xuất hiện cho ta thấy chỉ
là một phần rất nhỏ của chúng. Ðừng đem chuyện thế gian mà đo lường
chuyện siêu thế.
Lần này tôi chưa được thấy Everest nhưng chục năm về sau tôi sẽ thấy.
Thế nhưng Everest chưa phải là thiêng liêng nhất vì chiều cao chưa nói
lên điều hệ trọng. Cách chỗ tôi đứng ngày đó chưa đầy hai trăm cây số
đường chim bay về hướng Ðông Bắc có một đỉnh tên gọi là Ngân sơn, chỉ
cao 6714 m, nhưng đó là chốn thiêng liêng nhất, là trú xứ của thánh
thần, là hiện thân của núi Tu-di trong thế giới vật chất này. Ðây là
ngọn núi mà cả Ấn Ðộ Giáo lẫn Phật Giáo xem là quan trọng nhất trong
rặng Hy-mã. Ðó là ngai vàng của thần Shiva của tín đồ Ấn Ðộ giáo và là
man-đa-la vĩ đại của Phật giáo Tây Tạng. Ðỉnh của Ngân sơn chính là trục
của vũ trụ siêu hình. Ðỉnh này tôi chưa được đến đảnh lễ. Liệu đời tôi
có ngày đến được nơi đó chăng ?
CON SÔNG THIÊNG
Thương nhân thường có quá ít thời gian, quá ít tâm trí. Họ dành thời
gian để tính toán và tâm trí để phàn nàn nguyền rủa. Cuộc sống vốn đã
đầy phiền muộn, thương nhân phương Tây đi công tác tại các nước châu Á
lại càng gặp lắm vấn đề. Ðối tác của họ thì phức tạp, thời tiết thì viêm
nhiệt, khách sạn thì chật chội, môi trường thì ô nhiễm. Làm sao họ yêu
được đất nước đó mà để tâm tìm hiểu ?
Một khi môi trường ô nhiễm thì những con sông là kẻ chịu bất hạnh
trước nhất, là chỗ chứa rác khổng lồ. Tại những thành phố lớn như Hồ Chí
Minh hay Bangkok, kênh lạch là những nơi mà dân chúng còn bịt mũi tránh
xa, nói gì đến thương nhân. Ðâu mấy ai biết những dòng nước hôi thối đó
bắt nguồn từ những ngọn núi xa xôi mà nguồn nước của chúng xanh hơn
ngọc, trong vắt không chút bợn nhơ.
Ðến Delhi cũng thế, tôi ngán ngẫm thứ bụi vàng đeo bám áo quần, mùi
xú uế luôn luôn có mặt trong không khí và mỗi lần qua các cầu bắc ngang
kênh lạch, tôi vẫn nhớ đến kinh Nhiêu Lộc trong thành phố của mình cũng
không khác bao nhiêu. Thành phố nào hình như cũng xây dựng trên một con
sông. Không hẳn như thế. Tôi đã từng đi qua những miền sa mạc mênh mông ở
Bắc Phi và đã thấy thế nào là vùng đất khô cằn trên thế giới. Ðó là
những vùng mà đi hàng trăm cây số người ta không hề thấy bóng dáng một
con sông, một dòng lạch, chỉ toàn là cát và cát ngút ngàn.
Trước
mắt kẻ lữ hành như tôi, chân trời lại chân trời toàn những cồn cát nối
nhau xuất hiện. Ở vùng đất đó chỉ có loại bụi gai thấp nhỏ là có thể
sống, chỉ có loài lạc đà mới chịu nổi cơn khát. Ðến một vùng nọ, sau
đoạn đường dài đầy cát người ta dẫn tôi cho đi xem « ốc đảo », chúng là
những điểm hấp dẫn của du khách. Trong ốc đảo, người ta hãnh diện chỉ
cho thấy một vùng xanh tươi với đậu cải, cam mía, nhất là chà-là. Tôi
bỗng nhớ Việt Nam, đó hẳn là một vùng ốc đảo mênh mông với hàng chục
ngàn con sông lớn bé. Châu Á khác Bắc Phi ở chỗ nơi đây trời phú cho
nhiều sông, mỗi con sông là suối nguồn của cả một vùng kinh tế và cả một
nền văn hóa. Con sông hẳn phải là bà mẹ nuôi dưỡng đời sống nên ngày
xưa mới đầu người ta tụ nhau bên bến sông và trải qua bao thế kỷ mà
thành phố xá. Thế nhưng con người sớm vô ơn bạc nghĩa với sông, xem sông
là nơi tha hồ đổ xả để rồi ngày nay qua sông người ta nặng lời nguyền
rủa.
Tôi cũng nguyền rủa mùi xú uế bốc lên từ các kênh lạch tại Delhi. Tôi
không biết rằng các kênh lạch đó là những nhánh của sông Yamuna, bắt
nguồn từ Hy-mã lạp sơn. Trong huyền thoại Ấn Ðộ, sông Yamuna là hiện
thân của con gái của thần mặt trời Vivasvat. Nàng con gái Yamuna này lấy
người anh sinh đôi của mình là Yama để trở thành cặp tình nhân đầu tiên
của loài người. Ngày nay không còn mấy ai biết truyện tình kỳ lạ này
nữa, những chiếc cầu bắc qua Yamuna trở thành các trục giao thông với
dòng xe cộ chạy hối hả. Ngày nọ, trên một chiếc cầu của Yamuna xe taxi
của tôi đi có lẽ đã gây một tai nạn chết người.
Xe đang chạy tự
nhiên hư máy đứng lại. Ngồi băng sau nhìn lui tôi thấy một chiếc xe gắn
máy từ xa băng băng chạy đến, người lái xem ra không thấy xe hư đang
đứng yên trên cầu. Nỗi đau của tôi là thấy sờ sờ tai nạn sắp xảy ra mà
không làm gì được. Một tiếng “bụp“ khô rốc vang lên, người lái xe bay về
phía trước dễ chừng năm bảy mét quằn quại trên đường. Mọi người chạy ào
tới. Không nói với tài xế một tiếng, tôi mở cửa xách cặp bước ra xe, đi
như chạy. Thần Vivasvat hãy cứu độ người đó, còn tôi, tôi phải giữ thân
mạng cho mình, lỡ có ai nóng tính hành hung tôi thì sao, dù sao tôi
cũng có chút lỗi. Mong thay anh ta không chết, mong thay anh ta đến được
sông Hằng mà tắm.
Sông Hằng thì ra khá gần Delhi, chỉ cần đi khoảng 60 km là đến. Hằng
hà mà người Ấn gọi là Ganga, ngày đến đó tôi không ngờ đời mình có lúc
đến thăm con sông thần thoại này. Từ ngày hiểu “hằng hà sa số“ là cách
nói trong kinh Phật, “nhiều như cát sông Hằng“, tôi gắn liền sông Hằng
với Phật và xem đó là một huyền thoại. Ðối với tôi, sông Hằng là biểu
tượng của Phật giáo Ấn Ðộ. Ngày xưa tôi có nghĩ đời mình sẽ thấy tháp
Eiffel của Pháp nhưng không nghĩ mình sẽ đến sông Hằng. Bởi thế tôi xúc
động xiết bao khi tài xế kêu lên “Ganga“. Sông Hằng đây sao ? Thật không
hỡi anh lái xe?
Sông Hằng, con sông thiêng chảy từ ngón chân của thần Vishnu, « bị
buộc phải rời thượng giới mà đến với trần gian » là đây. Nhưng hằng hà
sa số cát đâu, tôi không thấy hạt nào cả. Ðoạn này của sông Hằng mà tôi
đến thăm lần đầu là thượng nguồn sông Hằng, đó là nơi nước chảy với lưu
lượng rất mạnh, hai bên bờ không hề có cát. Nước sông màu xanh lục, trên
sông có chỗ nước sôi réo bạc đầu. Ðoạn sông Hằng này là một nơi tấp nập
người qua kẻ lại, du khách khá nhiều.
Ðây được xem là một đoạn
sông thiêng nhất, hai bên bờ khá nhiều đền thờ. Và đúng như tôi chờ đợi,
tín đồ Ấn Ðộ giáo tắm gội rất nhiều dù trời đang lạnh. Thú vị thay khi
thấy trẻ con bị cha mẹ dội nước lên đầu, chúng run cầm cập. Tôi nhớ thời
thơ ấu của mình, chúng tôi cũng run như thế trong mùa đông khá lạnh của
miền Trung. Tại sông Hằng, trẻ con miễn cưỡng để dội nước, miệng lầu
bầu, còn người lớn xuống sông bơi lặn, mặt mày thành khẩn, miệng lâm
râm. Hai bên bờ sông người ta xây kè xi măng với hàng chục dây xích sắt
để tín đồ níu lại, khỏi bị nước cuốn trôi.
Con sông thiêng này xuất phát từ dãy Hy-mã, nó có tới ba nguồn lớn,
chúng chập nhau tại Devaprayag và từ đó mới mang tên Hằng hà. Một nguồn
chính của Hằng hà xuất phát từ Gangotri, cao 6771 m. Từ đây đến
Devaprayag nhánh này mang tên Bhagirati vì ngày nọ có một vị thánh nhân
tên là Bhagirata khẩn cầu con sông của thượng giới hãy hiện xuống cho
cõi trần. Vì thế mà có sông Hằng, và vì thế mà sông thiêng liêng “bực
dọc“ phải rời thiên giới.
Hằng hà chảy ra đến tận vịnh Bengale, xuyên qua vùng thánh địa Bihar,
nơi bao nhiêu thánh nhân ra đời và hoạt động. Huyền Trang Tam Tạng đến
sông thăm sông Hằng khoảng năm 630, viết trong Ðại Ðường Tây Vực ký:
“Gần nguồn sông rộng khoảng ba lý, đến cửa sông bề rộng khoảng mười lý.
Nước sông xanh đậm, màu nước luôn luôn thay đổi...Ai tắm sông này người
đó sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi, ai chết ở sông này sẽ được sinh về cõi
trời“. Về sau tôi đến Varanasi, đó là một thành phố phồn vinh suốt hai
ngàn năm qua, nơi có sông Hằng chảy qua.
Nơi đây sông Hằng hết
“bực dọc“, êm đềm hầu như nước không chảy, bề rộng rất lớn, không biết
đúng “mười lý“ không. Nhưng nơi đây tôi thấy cát, cát nhiều vô tận. Ôi,
có phải cát này cũng là cát mà Phật thấy cách đây hai ngàn năm trăm năm
không, để có từ “hằng hà sa số“. Chắc đúng thế thôi, khoảnh thời gian đó
đối với con người là dài nhưng thấm vào đâu với núi non đất cát. Hơn
thế nữa thời gian hầu như ngừng lại tại Ấn Ðộ, bên bờ Varanasi người ta
vẫn đốt xác, vẫn tắm gội, vẫn thả tro theo sông, vẫn ngồi thiền định khi
mặt trời vừa lên. Nơi đây chỉ cách vườn Lộc Uyển chưa đầy chục cây số,
chỗ Phật giảng pháp lần đầu. Hỡi các hạt cát dưới chân ta, trong các
ngươi hạt nào có hân hạnh in dấu chân đức Thế Tôn ?
Hy-mã lạp sơn không phải chỉ là nguồn của Yamuna và Hằng hà, đó là
nguồn của các con sông đầy uy lực của châu Á. Từ vùng Ngân sơn xuất phát
thêm bốn con sông lớn nữa. Ðó là Tsangpo hay Brahmaputra chảy về hướng
đông ra vịnh Bengale, nó được người Tây Tạng mệnh danh là “chảy từ hàm
ngựa“. Nó chảy qua phía nam Lhasa, bọc quanh một đỉnh núi tuyết cao hơn
7700 mét trước khi rời cao nguyên để đi về biển. Phía tây Ngân sơn là
chỗ xuất phát của sông Sutlej, nó được xem từ “miệng voi“.
Sutley
về sau hợp nhất với sông Indus, một con sông mạnh mẽ chảy về biển Á-rập
phía tây Ấn Ðộ. Indus, được xem từ “miệng sư tử“, cùng với Bramaputra
là hai cánh tay khổng lồ ôm bán đảo Ấn Ðộ. Phía nam Ngân sơn là chỗ xuất
phát của sông Karnali, mang tên từ “miệng chim công“, nó chảy dài đến
Patna, hợp nhất với Hằng hà gần đó. Patna ngày xưa tên gọi là Hoa Thị
Thành, nơi Phật thường ghé thăm và nơi sinh của hàng chục vị Tất địa của
thế kỷ thứ tám thứ chín sau công nguyên. Bốn con sông lớn đó với bốn
linh vật của các vị Thiền Phật là một lẽ mà tại sao Ngân sơn được xem là
một man-đa-la vĩ đại, là hiện thân của núi Tu-di trong thế giới này.
Phía đông của cao nguyên Tây Tạng là chỗ xuất phát của nhiều con sông
lớn nữa, trong đó có Hoàng Hà, Trường Giang và Cửu Long. Hoàng Hà và
Trường Giang là hai con sông trọng yếu nhất của Trung Quốc, dòng chảy
của chúng là quê hương của một nền văn hóa thâm hậu nhất của loài người
mà về sau tôi sẽ đi thăm. Còn Cửu Long là nguồn sống của nhiều nước miền
Ðông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nếu lấy cao nguyên Tây Tạng làm tâm
điểm, vẽ một vòng tròn bán kính chưa đến ngàn cây số thì vòng tròn đó
bao gồm tất cả nguồn cội của những con sông nói ở trên.
Chỉ điều
đó thôi đã gây cho tôi một lòng kính sợ đối với cao nguyên Tây Tạng,
“nóc nhà của thế giới“. Ðúng, không phải là sự ngẫu nhiên khi ánh sáng
của minh triết loài người xuất phát từ vùng đất lạ lùng này. Tôi đã đến
Cửu Long giang miền tây nam bộ và từng thấy con nước mãnh liệt của nó.
Nguồn của nó không phải tầm thường, dòng sông đó là anh em với Hằng hà,
Trường Giang, nó mang khí lạnh của Hy-mã, sức sáng của tuyết trắng, sự
uy nghi của non cao, cái bí ẩn của các man-đa-la vô hình.
Nếu nó
có bị ô nhiễm thì cũng vì con người bạc nghĩa, thế nhưng dù thế nó vẫn
nhân hậu sống theo người. Nó vẫn không hề mất tính thiêng liêng của
nguồn cội và vì tâm người ô nhiễm nên cảm nhận chúng nhiễm ô. Về sau,
tôi còn đến Hằng hà nhiều lần trên bước lữ hành tại Ấn Ðộ cũng như sẽ có
dịp đi dọc Trường Giang qua những vùng linh địa của Trung Quốc. Rồi lại
có ngày tôi đã đến cao nguyên Tây Tạng, đi dọc sông Tsangpo chảy từ hàm
ngựa và thở hít không khí loãng trên miền đất cao 4000m trong man-đa-la
vĩ đại của địa cầu. Một ngày nào đó hy vọng tôi sẽ có dịp đến thượng
nguồn Cửu Long, sẽ thấy một màu nước xanh lục như màu nước Hằng hà và sẽ
nhớ về miền tây nam bộ của mình.
GIẤC MƠ CẨM THẠCH
Ấn Ðộ thật ra là một nước du lịch. Mặc dù đường sá kém mở mang, điều
kiện vệ sinh hạn chế nhưng nhờ một nền văn minh lâu đời, một nền văn hóa
thâm hậu và những công trình kiến trúc xuất sắc mà Ấn Ðộ hàng năm thu
hút hàng triệu khách du lịch. Người đến thăm Ấn Ðộ, nhất là khách Âu Mỹ
phải chấp nhận cái thực tế, đây là một thế giới hoàn toàn khác, tự nó là
một thế giới. Tôi chưa đến Calcutta nhưng nhiều người cho hay, tới đó
có nhiều khách phải đâm sợ vì quá nhiều người sống chen chúc và vì sự
cách biệt giàu nghèo quá lớn. Có người cho rằng muốn biết địa ngục hình
dáng thế nào thì cứ đến Calcutta.
Thế nhưng phần lớn khách du lịch không muốn biết địa ngục, họ đi tìm
những lăng tẩm cổ kính, những cung điện huy hoàng, những thành quách vĩ
đại của vua chúa trong các thế kỷ trước. Ấn Ðộ của thời quá khứ không hề
thiếu vua chúa, đó là xứ sở của các tiểu vương cai trị nhiều khi không
quá “vài vạn nóc nhà“, như cách đếm dân ngày xưa hay nói. Vua chúa Ấn Ðộ
cũng không hề dè sẻn trong các công trình xây dựng, họ cần lâu đài cho
mùa hè và mùa đông, cho chính hậu và thứ phi, cho con trai và con gái.
Dân Ấn Ðộ thì đông và sẵn sàng chịu đựng, cát đá thì nhiều và dễ khai
thác, nhất là loại cẩm thạch trắng. Nghệ nhân Ấn Ðộ khéo tay, thông
minh, ham tưởng tượng và sẵn sàng quên mình cho các vị thần của Ấn độ
giáo. Vì những lẽ đó mà các công trình xây dựng của Ấn Ðộ ở đâu cũng có,
ở đâu cũng là những kỳ quan, thu hút rất đông du khách.
Trong
các kỳ quan kiến trúc của Ấn Ðộ, hẳn Taj Mahal phải là tiêu biểu và đáng
chiêm ngưỡng nhất. May thay Taj Mahal không xa Delhi bao nhiêu, khách
có thể theo tour du lịch trong vòng một ngày cả đi lẫn về.
Ðây là một kỳ quan diễm tuyệt của nghệ nhân Ấn Ðộ của thế kỷ thứ 17.
Ngôi đền được xây bằng cẩm thạch trắng muốt, có một kiến trúc vừa trang
nghiêm vừa nhẹ nhàng, vừa uy nghi vừa nên thơ. Nếu nghệ thuật nói chung
là sự vật chất hóa của những ý niệm, biến ý niệm thành những gì thấy
được như kiến trúc, hội họa; nghe được như âm nhạc; đọc được như văn
chương thơ phú thì nghệ thuật xây dựng Taj Mahal là sự kết hợp hoàn hảo
của dạng hình và sắc màu, của kiến trúc vĩ mô và lòng cẩn trọng chi li.
Theo lời kể lại thì ngày xưa nghệ nhân Ấn Ðộ hoàn thành công trình này
trong những điều kiện tâm lý rất khe khắc và tàn bạo của chế độ phong
kiến. Thế nhưng ngắm nhìn công trình này người ta không thể nghĩ gì khác
hơn đây là sự hiến dâng quên mình trong nghệ thuật tạo hình.
H 2: Kiến trúc Taj Mahal, người trong hình là tác giả
Taj Mahal là kết quả của một công trình hoàn hảo của những con người
không tên, thế nhưng nó được xem là quà tặng của một nhà vua tên gọi là
Shah Jehan cho hoàng hậu của mình chẳng may mất sớm. Shah Jahan là nhà
vua thứ năm của triều đại Mogul, mà người sáng lập là Babur, một tín đồ
Hồi giáo. Sau Babur thì nhà vua xuất sắc nhất của đời Mogul là Akbar.
Akbar là người thống nhất Ấn Ðộ từ vịnh Á-rập phía tây đến vịnh Bengale
phía đông, trị nước từ 1556 đến 1605 và là nhà vua rất có công trong nền
văn hóa Ấn Ðộ.
Shah Jehan là cháu của Akbar, lên ngôi trong
thời cực thịnh của đời Mogul. Thế nhưng Shah Jehan rơi vào hai thứ đam
mê, đó là các công trình kiến trúc và sắc đẹp phụ nữ. Shah Jehan có
khoảng 5000 cung nữ mà người ông yêu quí nhất là hoàng hậu Mumtaz Mahal.
Bà hoàng này chẳng may mất lúc mới 39 tuổi, sau khi sinh cho ông đứa
con thứ 14. Ðời của Shah Jehan không còn gì vui thú nữa, ông tự nói và
suốt 35 năm sau khi Mumtaz Mahal chết, ông dành hết thời giờ cho các
công trình kiến trúc.
Taj Mahal được xây dựng năm 1659 và 16 năm sau mới hoàn thành, gồm
toàn đá cẩm thạch trắng. Nơi đây có 20.000 nghệ nhân, kể cả thợ khéo từ
Pháp, Ý, làm việc. Khoảng 1000 thớt voi được điều về đây để chuyên chở
hàng ngàn tấn đá. Ðây là một công trình mà thế giới cho là toàn hảo nhất
trong kiến trúc, trong chi tiết thi công và vật liệu xây dựng. Hãy đến
gần và nhìn ngắm hàng ngàn chi tiết trên tường vách của điện. Ðáng quí
thay những đóa hoa bằng đá tí hon với tất cả sự tinh xảo của bàn tay con
người. Tôi tưởng tượng hàng ngàn nghệ nhân miệt mài trong cơn rét mùa
đông của Bắc Ấn vàø nắng lửa của những ngày hè có khi lên đến gần 50 độ
C. Những nghệ nhân khuyết danh đó thật ra đã làm một điều mà Thiền tông
hay nói, họ đã hòa làm một với tác phẩm chính mình.
Ngày nay Taj Mahal tại Agra là chỗ không thể thiếu cho mọi ai có dịp
đến Ấn Ðộ, mỗi năm đền tiếp khoảng 2,5 triệu khách du lịch. Số lượng
người to lớn đó vô tình đã làm đền hư hại không ít. Chỉ hơi thở của
khách đã tạo nên một độ ẩm trong đền cao tới mức có khả năng làm rỉ sét
các khung sắt giữ mặt đá cẩm thạch. Các nhân tố môi trường khác như hóa
chất và khí thải cũng để lại những vết tích nặng nề. Ngày nay xung quanh
Taj Mahal trong bán kính 100km không có nhà máy phát điện hay cơ xưởng
cơ khí và hóa chất nào được xây dựng. Nhờ những biện pháp đó mà ngày nay
đền vẫn còn giữ được vẻ đẹp vô song, đá cẩm thạch vẫn còn trắng tinh
khiết.
Tôi đã đến Taj Mahal hai lần để ngắm tác phẩm kiến trúc dành cho tình
yêu vĩnh cửu này, nhưng tiếc thay không có lần nào vào ban đêm có
trăng. Người ta cho rằng phải thấy Taj Mahal dưới ánh trăng, lúc đó ngôi
đền cẩm thạch trắng này sẽ toát ra một ánh sáng kỳ ảo. Trên đường xe
bus về lại khách sạn buổi tối tôi ngồi cạnh một thương nhân người Mỹ.
Khuya nay phải lên đường đi châu Âu, ông tận dụng ngày rảnh hiếm hoi hôm
nay để thăm đền thờ này. Thấy ông lên đường về nước, tôi bỗng nhận ra
mình không còn ham thích lên máy bay về Ðức như những ngày đầu nữa, nước
Ấn Ðộ đang hé mở cho tôi nhiều điều kỳ diệu.
Tôi không thiếu những ngày rảnh rỗi tại Delhi vì phải lưu lại dài
ngày nơi đó, công việc đã đi vào giai đoạn triển khai công trình. Ngày
nọ tôi bỗng nhớ tại sao mình không tìm xem các di tích Phật giáo tại Ấn
Ðộ và hỏi một bạn đồng nghiệp có kinh nghiệm lâu năm tại đây xem sao,
người đó nhìn tôi nói: “Phật giáo đâu còn gì tại đây nữa, nếu rảnh thì
đi xem Red Fort đi“. Tôi không tin và xem lại các tour du lịch quảng cáo
trong khách sạn, quả nhiên không thấy ai nhắc đến Phật giáo cả.
Phật giáo xuất phát từ Ấn Ðộ sao nay suy tàn, đó là điều không thể,
tôi vẫn không tin là đúng. Ngày trước Huyền Trang qua Ấn Ðộ thỉnh kinh
và ngày nay tôi vẫn nghe các tu sĩ Việt Nam qua Ấn Ðộ học triết học Phật
giáo mà. Nghĩ thế nhưng tôi không biết làm gì hơn là đi xem Red Fort.
Red Fort chính là kinh thành do Shah Jahan xây dựng năm 1638. Ðó là
một tổng thể một thành quách đồ sộ có diện tích khoảng nửa cây số vuông
dựng lên bằng đá ong đỏ nằm ngay giữa Delhi. Tôi nhớ màu đỏ tía Tử Cấm
Thành của Bắc Kinh. Ðời Shah Jahan tại Ấn Ðộ chính là triều nhà Minh
cũng với những công trình xây dựng đồ sộ tại Trung Quốc. Red Fort có qui
mô không thua kém gì Tử Cấm Thành nhưng nếu Tử Cấm Thành là qui mô của
triều đình có nhiều cung điện nằm rời nhau thì Red Fort là hành dinh có
tính chất quân sự nên có kiến trúc như một thành quách với vô số ngõ
ngách thông thương lẫn nhau.
Thế nhưng, phía sau những bức tường thành vĩ đại đó đã diễn ra những
âm mưu và tội lỗi, kể cả trong một xứ sùng tín như Ấn Ðộ. Shah Jahan để
lại cho đời sau những kiến trúc tầm cỡ nhưng ông bị chính con trai của
mình là Aurangzeb cầm tù đoạt ngôi. Trong tám năm cuối đời ông bị con
mình giam ở Agra, cũng trong một thành quách to lớn. May thay ông còn
diễm phúc được ngày ngày ngắm nhìn Taj Mahal từ cung điện tù ngục của
mình Trong truyền thống vua chúa Ấn Ðộ ta thấy lịch sử lặp đi lặp lại
nhiều lần chuyện con giết cha giành ngôi.
Chuyện con ám ngại cha đoạt ngôi vàng được nhiều biết nhất là
Tần-bà-sa-la, nhà vua trị vì nước Ma-kiệt-đà trong thời Phật tại thế.
Ông và hoàng hậu về sau bị con trai là A-xà-thế cầm tù bỏ đói đến chết.
Tần-bà-sa-la là người theo Phật, ông tôn trọng Ngài đến nỗi khi lên núi
Linh Thứu thăm Phật, ông luôn luôn xuống xe đi bộ. Tôi đã từng đến cung
điện mà ngày xưa nghe nói Tần-bà-sa-la bị giam ở đây, ngày nay chỉ còn
nền đá. Nơi đây tôi thấy vài vòng sắt còn sót lại, người ta cho rằng đó
là còng sắt cùm chân nhà vua ngày trước.
Tôi không tin lắm vì
thật như thế thì đã có kẻ sớm đánh cắp lưu vật mấy ngàn năm này nằm giữa
một sườn núi trơ trọi, không ai canh giữ. Nhưng hề gì chuyện đó đúng
hay sai, ai cũng đã chết, vấn đề là mỗi người để lại những gì cho hậu
thế. Ngày nay người ta còn nhắc đến Tần-bà-sa-la khi đi thăm vườn tre
Trúc Lâm, quà tặng của ông cúng dường Phật. Cả A-xà-thế cũng còn được
tôn trọng vì về sau, người con phạm tội ngũ nghịch đó đã tỉnh ngộ và
phụng sự Phật pháp. Ông chính là người xây dựng thuyết đường cho hội
nghị kết tập lần thứ nhất sau khi Phật diệt độ.
Tội lỗi là điều không thể tránh khỏi của cuộc đời làm người. Nhà thơ
lớn Goethe của Ðức đã từng nói: “Ðời tôi chưa gặp ai mà tội lỗi của họ
tôi không thể làm“. Khiêm tốn biết bao và cũng thẳng thắn biết bao ! Con
người sinh ra hình như có một xu hướng nhất định sẽ làm những điều này
điều nọ, xấu tốt đều có. Nó phải tuân thủ những xu hướng đó và cơ may
của nó là qua những hành động hay dở của mình mà ngộ ra vài điều cho đời
mình. Vì nếu không thông qua tội lỗi để hiểu ngộ một cách thâm sâu cái
thiện mỹ đích thực xuất phát từ trái tim mình thì cuộc đời xem ra không
có ý nghĩa gì. Né tránh tội lỗi, tập làm thiên thần, đó là điều đạo lý
nên làm, nhưng cũng dễ là bước đường đi vào trong bóng tối của ngu muội
và ngã ái. Ðó là sự sai lầm chia thế giới làm hai phạm trù tốt xấu, đúng
sai, xem sự vật như một hình ảnh đen trắng mà không biết rằng cuộc đời
vốn đầy màu sắc và thiện ác là một điều hết sức tương đối và thường có
nguồn gốc rất sâu xa.
Có những hành động cực ác nhưng nó phải xảy ra để ăn khớp với một mắc
xích nào đó của sự vật, để một biến cố khác xuất hiện. Muốn hiểu những
điều đó phải có một tầm nhìn, thấy được những nguyên nhân nằm trong quá
khứ xa xôi mà ngày nay nó mới bắt đầu trổ quả. Con người chúng ta chỉ có
tầm nhìn của một kiếp người, thậm chí đầu óc không nhớ quá mười năm quá
khứ, thế nhưng vẫn ngã mạn dám lên án và đánh giá, tưởng mình là kẻ
thấu hiểu mọi vật. Muốn hiểu đích thực sự vật phải hiểu giềng mối của nó
mà chỉ có thánh nhân thấy tác động của nghiệp lực qua nhiều đời nhiều
kiếp mới đủ khả năng phán đoán. Phật là một người như thế và cũng chính
vì thế mà Ngài lại là người không lên án ai cả và chỉ có một nụ cười bí
ẩn. Thời A-xà-thế hãm hại cha mình là lúc Ngài còn tại thế nhưng Ngài
đâu ra tay giải cứu. Học trò Ngài là Xá-lợi-phất và Mục- kiền-liên bị ám
sát thảm khốc nhưng Ngài không can thiệp. Con trai Ngài là La-hầu-la
chết rất sớm nhưng Ngài vẫn tự nhiên.
Chỉ có những thánh nhân như Phật mới thấy rõ dòng chảy của nghiệp và
vì vậy Ngài không xen vào hành động của A-xà-thế. Người ta biết A-xà-thế
phạm tội giết cha nhưng ít người biết chuyện ông là hậu thân của một vị
đạo sĩ. Ngày trước, vua cha là Tần-bà-sa-la nghe tiên tri rằng mình sắp
có con trai nên cho người đi tìm một vị thánh nhân đạo cao đức trọng,
bức tử vị đó để mong thần thức người đó thác sanh làm con mình. Tùy tùng
của vua chọn ra vị đạo sĩ nọ, nhưng vị này chạy trốn, hóa thành con
thỏ.
Tần-bà-sa-la cho bắt con thỏ treo ngược, bỏ đói đến chết.
Thỏ đầu thai làm con trai của Tần-bà-sa-la là A-xà-thế. Cuối cùng
A-xà-thế treo ngược bỏ đói vua cha, đúng như nghiệp ác đã gây nên. Ta
cũng biết thêm bà hoàng hậu Vi-đề-hi, vợ của Tần-bà-sa-la quá chán ngán
cuộc đời làm người với hành động thảm khốc của con mình nên cầu xin Phật
dạy cách thác sinh vào một nơi “thanh tịnh“. Nghe lời khẩn cầu của bà,
Phật mới giảng kinh A-di-đà và thuyết về cõi tịnh độ. Từ đó ta có thể
nói Tịnh Ðộ tông bắt nguồn từ những hành động ngỗ nghịch của A-xà-thế.
ÐỀN BIRLA
Tôi vẫn không nghĩ là thủ đô Delhi mà lại không có đền tháp Phật giáo
nào. Ngày nọ nghe nói phía tây thành phố có đền Birla là nơi thờ Phật,
tôi vội lên xe ba bánh đi xem thử. Ở Ấn Ðộ cũng có xe “túc-túc“như của
Thái Lan, xe đưa tôi đến một ngôi đền đồ sộ cách quãng trường Connaught
chừng hai cây số, đó là đền Lakshmi-Narayan. Ðền này do một gia tộc phú
thương tên Birla xây năm 1938 nên thường mang tên đền Birla. Birla và
Tata là hai gia tộc rất giàu có và thế lực của Ấn Ðộ từ cả trăm năm nay,
chuyên buôn bán vải vóc tơ lụa.
Tại chân đền, ấn tượng đầu tiên làm tôi thú vị là hàng ngàn giày dép
của khách thập phương ngổn ngang nằm dưới chân bậc cấp. Họ phải cởi giày
dép khi vào đền, đó là điều bình thường, nhưng sao không ai sợ bị mất
cắp trong một xứ nghèo như Ấn Ðộ. Hiển nhiên là tại đây cũng có đạo
chích như mọi nơi trên thế giới nhưng xem ra những tay làm ăn bất thiện
cũng biết sợ thánh thần. Ðền Birla có thêm điều đặc biệt, đó là giày dép
của người nước ngoài được giữ riêng và khuôn mặt của tôi xem ra không
giống người bản xứ nên ban bảo vệ đưa tôi vào phòng đặc biệt, nhã nhặn
yêu cầu cởi giày và tôi được đi chân trần trên đá cẩm thạch mát lạnh.
Nhìn những bậc cấp bằng đá phần lớn bị mòn ở giữa, tôi mới hay đây là
một chỗ hàng ngàn hàng vạn người đến chiêm bái.
Nhưng ở đây đâu có thờ Phật, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi. Ngược
lại phần lớn các tượng đều trình bày một vị nữ thần tươi cười, có sắc
đẹp hấp dẫn, thân hình tròn trịa. Thế nhưng đi quanh trong đền chính,
tôi nhận ra các bức bích họa trên tường cũng có trình bày lịch sử đức
Phật cũng như sự tích tiền thân của Ngài. Ðây rõ là một đền thờ Ấn Ðộ
giáo vì bức tượng quan trọng nhất là tượng thần Krishna với bốn khuôn
mặt nhìn ra bốn phía. Nhưng tại sao đền này lại mang tên Lakshmi, lại
nhắc đến Phật Thích-ca, lại có một cái chuông đồng rất lớn đúc theo kiểu
Phật giáo Trung Quốc? Tôi đang lạc giữa một rừng người đang thì thầm
khấn vái, áo quần tươi đẹp. Cũng may là ngôi đền bốn phía thông gió nên
khách hành hương không bị ngộp mùi hương khói, nhờ thế ta có thể ở lâu
nhìn ngắm. Ðây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Ấn Ðộ giáo và đặc trưng
của tôn giáo này là thờ phụng vô số thần thánh mà Lakshmi là một vị nữ
thần.
Lakshmi là vị thần tượng trưng cho sắc đẹp và hạnh phúc. Bà là vợ của
thần sáng tạo Vishnu, mẹ của thần Kama mà Kama thì chủ tình yêu và nhục
cảm. Theo truyền thuyết, bà sinh ra từ sóng, khi biển cả bị A-tu-la phá
phách, có sắc đẹp kiều diễm, tay cầm hoa sen. Lakshmi cũng là thần của
giàu sang hạnh phúc nên được người Ấn Ðộ hay khẩn cầu. Vì thế tượng của
Lakshmi diễn tả một phụ nữ sang trọng diễm lệ và cận nhân tình. Có lẽ đó
chính là lý do tại sao đền Birla lúc nào cũng đông như ngày hội.
Khách hành hương thăm đền Birla xem ra không mấy ai để ý đến các bích
họa nói về đạo Phật. Ðối với tín đồ Ấn Ðộ giáo, Phật Thích-ca chỉ là
một dạng tái sinh của thần Vishnu. Nhà thương nhân Birla chủ trương đưa
mọi thần thánh vào đền để ai cũng được thờ cúng và khách hành hương muốn
cầu khẩn đến ai cũng được.
Những điều vừa nói nghe qua rất tầm thường nhưng đó là điều ta cần
biết khi đến Ấn Ðộ và khi muốn tìm hiểu về Ấn Ðộ giáo. Ấn Ðộ là một xã
hội của tôn giáo, khắp nơi đều mang những dấu ấn khác nhau của tôn giáo.
Thủ Tướng đầu tiên của Ấn Ðộ là Jawaharlal Nehru đã từng nói: “Ấn Ðộ là
nhà thương điên, là viện tâm thần của các tôn giáo“, ông không nói đùa
hẳn và dĩ nhiên cũng không hề khinh miệt. Ðó là nơi mà các truyền thống
tôn giáo tồn tại song hành với nhau, trong đó Ấn Ðộ giáo chiếm vị trí
then chốt. Ấn Ðộ giáo khác hẳn các tôn giáo lớn trên thế giới ở chỗ nó
không có một giáo chủ, một vị sáng lập mà đây là một hệ thống triết lý
đồ sộ thành hình qua nhiều ngàn năm.
Trong nền tôn giáo này ta
có thể tìm thấy các vị thánh nhân minh triết nhất của nhân loại cũng như
những niềm tin non nớt nhất của con người. Thế nhưng điều then chốt
chung của Ấn Ðộ giáo là họ tin nơi một thể tính siêu việt nằm trên mọi
hình tướng, thể tính đó là nguồn gốc của mọi hiện tượng, là thể đích
thực của mọi dạng thánh thần. Vì những lẽ đó mà mọi thánh thần không hề
làm tín đồ Ấn Ðộ giáo lạc lối, không ai cạnh tranh chướng ngại với ai,
tất cả đều là thể hiện của thể tính đó, tất cả đều qui về một mối.
Nhiều nhà Phật học phương Tây coi đạo Phật là một phát biểu mới của
Ấn Ðộ giáo, xếp đức Phật là « nhà phê phán »hay « người cải cách » của
tôn giáo này. Ðể truyền bá giáo pháp của mình, đức Phật là người lấy lại
nhiều khái niệm của Ấn Ðộ giáo như nghiệp lực, sự tái sinh, vô minh,
nhưng đồng thời Ngài trình bày những nội dung mới về vô ngã, về tính
Không, về trung đạo. Do đó mà cách xếp loại coi Phật giáo là một « nhánh
» của Ấn Ðộ giáo có thể đúng về mặt phân tích nhưng theo tôi, điều quan
trọng là hiểu được ý nghĩa của sự xuất hiện các thánh nhân trên trái
đất, hiểu thông điệp của các vị đó cho con người.
Ðối với tín đồ Ấn Ðộ giáo, Phật Thích-ca là một dạng của thần Vishnu,
mọi thánh nhân trong mọi thời đại có lẽ đối với họ cũng thế thôi. Ðối
với Ấn Ðộ giáo, Brahman là thực thể cuối cùng vũ trụ, là cái mà Phật
giáo gọi là Pháp thân, Lão giáo gọi là Ðạo. Phật hay các thánh nhân xưa
nay là hiện thân của thể tính sáng láng, diệu dụng và cũng rất từ bi đó,
các vị là những ứng hóa thân xuất hiện làm đạo sư cho trời và người.
Các vị thầy đó sinh ra thời nào thì phải mang y phục, phải nói ngôn ngữ,
phải theo phong tục của người đương thời, họ phải làm sao cho người đời
hiểu mình mới có thể giáo hóa. Các vị đó có thể là vua chúa như Phật
Thích-ca, là người chịu cực hình như Chúa Jesus, là nhà du ca như
Milarepa.
Ngày nay các vị đó cũng có thể đang xuất hiện dưới
dạng của nhà khoa học, người nghệ sĩ, kẻ điên khùng..., họ không nhất
thiết phải cạo đầu, phải mặc áo quần tu sĩ và không cần người đời biết
đến. Chỉ « Phật mới nhận ra Phật, bồ-tát mới nhận ra bồ-tát ». Sai lầm
thay khi ta dựa vào con người - dù đó là những vị giáo chủ - mà tranh
chấp hơn thua, bỏ quên nội dung giáo lý. Ðức Phật đã dạy từ hơn hai mươi
lăm thế kỷ trước trong « bốn y cứ », là « y pháp bất y nhân », hãy lấy
nội dung giáo lý làm chuẩn. Và giáo lý Ấn Ðộ giáo, cũng như Phật giáo,
cũng như mọi nền minh triết của châu Á đều tin rằng, thế giới này là
dạng xuất hiện của một thực thể khác mà tự tính của nó là nhất như, siêu
việt trên tất cả mọi dạng hiện tượng và tư duy.
Ðược đi chân trần trên đá cẩm thạch mát lạnh, tôi thấy mình đã quên
công việc thương nhân đầy phiền toái, lòng tôi đầy cảm hứng tâm linh.
Trên đường ra đền, nữ thần Lakshmi nhìn tôi tươi cười, hình như bà chúc
tôi giàu sang hạnh phúc. Ði xuống bậc cấp đầy giày dép, tôi bị khói xăng
của xe « túc túc » kéo về thực tại. Thế nhưng tôi chưa lên xe vội vì
cạnh đền Birla có một ngôi đền nhỏ, nó đột nhiên kích thích sự chú ý của
tôi. Tôi muốn vào xem.
Thì ra đó là một ngôi đền Phật giáo không ai lui tới và xem ra tôi là
khách duy nhất vào thăm đền hôm đó. Tôi nghĩ không sai, Phật giáo chưa
hoàn toàn diệt vong trên đất Aán. Tôi dè dặt đi vào giữa hai hàng cây
nhỏ như cây trà của ta. Trong đền, giữa một tòa nhà nhỏ hình vuông bốn
bề mở cửa, một bức tượng Thích-ca bằng đồng đen ngồi yên lặng mỉm cười
trong ánh nến mờ, ngoài kia là tiếng huyên náo của tín đồ đang cầu giàu
sang và nhan sắc. Tôi thấy lòng tĩnh lặng, xung quanh tôi là những bức
bích họa về cuộc đời đức Phật mà nội dung tôi đã biết qua. Chỉ cách đền
Birla mấy bước mà tôi như đi qua một thế giới khác, nơi đây tôi tự động
nhớ rằng không có gì bấp bênh và chóng phai nhạt hơn tiền bạc và sắc
đẹp.
Tôi ngắm tượng Phật, Ngài mỉm cười bí ẩn, hình như Ngài
nhìn vào bên trong để thấy bên ngoài và vì thế nhìn cuộc đời một cách
hóm hỉnh. Vị trụ trì chùa tiếp tôi, vui mừng biết tôi là người Việt Nam,
ông đã gặp các tu sĩ người Việt đi từ miền Nam gần 30 năm trước. Biết
tôi là thương nhân xem ra ông ngạc nhiên sao không thấy tôi khẩn cầu vị
nữ thần của phú quí bên kia đền mà lại đến đây thắp một nén hương trước
tượng đồng đen. Có lẽ vì thế mà ông quí tôi, tặng nhiều sách vở và giới
thiệu với các vị tu sĩ trẻ tuổi người Nepal đang học tập trong đền. Hồi
đó tôi không hề ngờ là gần mười năm sau mình sẽ đi Nepal thăm quê hương
đức Thích-ca.