HƯỚNG DẪN
HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT
(Ấn Bản Mới 2011)
Nguyên tác: Chan Khoon San
Biên dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản: Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh 2011
Phần IV
Những Tháp Tưởng Niệm
Đáng Ghi Nhớ Trên Đường Hành Hương
Nội
Dung:
1. Sự Ra Đời & Phát Triển Của
Những Tháp Tưởng Niệm Stupa: Đối Tượng
Để Tôn Kính
2. Pava, Nơi Đức Phật Thọ Thực Bữa
Ăn Cuối Cùng
3. Kesariya, Di Tích Tháp Tưởng
Niệm Stupa Cao Nhất Thế Giới.
4. Lauriya Nandangarh, Di Tích Trụ
Đá Asoka Mỹ Lệ & Tháp Tưởng Niệm Nandangarh Stupa
5. Tháp Tưởng Niệm Ananda Stupa ở Hajipur
6. Kosambi, Di Tích Nơi Xảy Ra
Cuộc Tranh Biện & Phân Ly Trong Tăng Đoàn
7. Chỉ Dụ Được Khắc Lên Đá Của Vua
Asoka (Thạch Pháp Dụ)
8. Đại Bảo Tháp Stupa ở Sanchi
1. Sự Ra Đời & Phát Triển Của Những Tháp
Tưởng Niệm Stupa: Đối Tượng Để Tôn Kính (4), (24)
1.1 Đối Tượng Để
Tôn Kính Trong Phật Giáo
Khi Đức Phật còn tại thế ở Tu Viện Kỳ
Viên (Jetavana vihara) ở Savathi
(Xá-vệ), những Phật tử kính đạo thường mang những bó hoa hay vòng hoa đến dâng
lên Đức Phật để tỏ lòng thành kính. Khi Phật đi vắng, họ lại mang hoa đến đặt ở
Hương Thất (gandhakuti) của
Phật và hoan hỷ ra về. Nghe được điều này, ngài Cấp Cô Độc (Anathapindika)
đã thỉnh cầu ngài Ananda tìm hiểu từ
Phật xem cách nào để những Phật tử, cư sĩ đến đảnh lễ Phật khi Phật đi thuyết
giảng ở nơi khác. Theo Đức Phật, có 3 đối tượng để lễ bái và cúng dường (cetiyani), được xem như là Phật, khi Phật không có mặt. Đó là:
(a) Những
thứ thuộc về nhục thân của Phật (saririka)
(b) Những thứ thuộc về vật dụng của Phật (paribhogika)
(c) Những thứ hay những điều gợi nhớ hay làm tưởng nhớ
đến Phật (uddesika)
Đức Phật nói rằng, nếu dựng Tháp hay vật
gì để thờ những thứ thuộc về nhục thân của Phật là không đúng, vì lúc đó Đức
Phật còn tại thế, nhưng sau khi Phật Bát-Niết-bàn, thì việc đó là đúng. Những
thứ gợi nhớ đến Phật thì hoàn toàn thuộc về Tâm, chứ không phải là vật chất.
Còn Cây Bồ Đề được Đức Phật sử dụng thì được làm đối tượng lễ bái thay cho Phật
khi Đức Phật còn sống hay đã đi xa, đều được. Sau khi nghe lời dạy này của Đức
Phật, ngài Ananda đã thu xếp chọn một cây con của Cây Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng
đem về trồng trước cổng tu viện Kỳ Viên làm biểu tượng thay cho Phật khi Phật
không có mặt. Cây Bồ Đề Ananda (Ananda-Bodhi).
1.2 Sự “Sùng Kính” Trong Phật Giáo (44)
Kinh điển Phật
giáo có ghi lại những trường hợp Phật tử vì quá sùng kính Đức Phật nên họ đã cần những thứ dùng để lễ bái, tôn kính như là Đức
Phật khi Người vắng mặt. Sự sùng kính này bhatti
(tiếng Phạn: bhakti) thường cũng có
trong những tôn giáo khác. Đức Phật thường chỉ trích những kiểu tôn sùng một cách mù quáng dành cho Đức
Phật, bởi vì sự sùng bái thái quá về mặt tình cảm sẽ là chướng ngại cho sự tự
phát triển tâm linh, trí tuệ trong việc thực hành Con Đường Bát Chánh Đạo.
Theo Kinh tạng,
câu chuyện về Tỳ kheo Vakkali, người
luôn luôn sùng kính Đức Phật một cách sâu sắc. Ngay cả khi lúc đang nằm bệnh,
ông cũng muốn được gặp Phật. Đối với ông ta, Đức
Phật đã dạy rằng: “Điều gì tốt đẹp khi nhìn thấy tấm thân hư giả này? Này
Vakkali, ai thấy được Giáo Pháp (Dhamma) là thấy được ta, nhìn thấy ta là thấy
được Giáo Pháp.” (Khanda Samyutta, kinh Vakkali Sutta).
Một câu chuyện khác ngay trước khi Bát-Niết-bàn (Parinibbana), hai
cây Sala Long Thọ nở rộ trái mùa, gieo khắp và tung vãi trên thân Người, cùng
với bột chiên đàn, và ca nhạc trên hư không nổi dậy, tất cả để tôn vinh Đức
Phật. Ngay lúc đó, Đức Phật dạy rằng:
“Không
phải như vậy, này Ananda, là Như Lai được kính trọng, được tôn vinh, được kính
mến, được đảnh lễ và được vinh danh cao nhất. Nhưng, này Ananda, bất kỳ Tỳ kheo
hay Tỳ kheo Ni hay thiện nam hay tín nữ thực hành đúng theo Giáo Pháp, sống ngay
thẳng đúng với Giáo Pháp, đi theo đúng con
đường Giáo Pháp, thì bởi vì người đó Như Lai mới được kính trọng, được tôn
vinh, được kính mến, được đảnh lễ và được vinh danh cao nhất.” (Kinh Đại Bát Niết Bàn-Mahaparinibbana Sutta, V, 6).
Hai ví dụ trên cho thấy rằng Đức Phật không nhấn mạnh sự thờ phượng, sự sùng
kính thái quá về mặt tín ngưỡng và tình cảm, mà nhấn mạnh việc thực hành Bát Chánh Đạo theo đúng Giáo Pháp (Dhamma). Tuy nhiên, càng không nên nghĩ
rằng Đức Phật chê bai sự sùng kính có được từ trong tâm xuất phát từ những hiểu
biết thật sự và sự mến phục sâu sắc về những điều cao quý. Cần nhấn mạnh rằng,
việc “thấy được Giáo Pháp” không phải chỉ đơn thuần sự hiểu biết kiểu
trí thức, mà là kiến thức có được do trải nghiệm (bhavanamaya
ňāna) thông qua việc thực hành Bát Chánh Đạo. Đây chính là lòng
tin xác tín rằng không có gì ngoài Con đường Bát Chánh Đạo có thể dẫn
đến sự Giải Thoát.
Đức Phật đã từ chối làm một đối tượng để
thờ phượng, cúng tế.
▪ Lưu
ý: Những tranh, tượng Phật không tồn tại khi Phật còn tại thế và chỉ xuất
hiện hơn 500 năm sau Bát-Niết-bàn của Phật.
Nhưng Đức Phật cũng cho rằng việc tôn
kính và thờ cúng cũng mang lại niềm hạnh phúc lớn cho mọi người, như Người đã
thuyết giảng trong Kinh Hạnh Phúc (Mangala Sutta). Bởi vì khi một
người tỏ thái độ tôn kính, người ấy sẽ
khởi sinh sự khiêm nhường, sự từ tốn và vì vậy có thể nhận biết được những phẩm
chất cao đẹp hơn của đối tượng và học hỏi từ đó. Điều này cũng đúng và cần
thiết để học tập tiến bộ, dù là tiến bộ về mặt tâm linh hay những tiến bộ trong
cuộc sống thế gian.
Sự sùng kính, sự mến mộ là biểu hiện tự nhiên của lòng tin (saddha) và đóng
vai trò quan trọng trong việc cân bằng
các căn hay giác quan (indriya samata) với trí tuệ bát-nhã (panna). Nếu sự
phát triển một-bên về các căn bản trí tuệ (thông thái, minh sát, trí tuệ)
thường có xu hướng làm cho một người nghi ngờ, trong khi đó sự phát triển
một-bên về lòng tin hay sự sùng kính thường làm người ta cả tin, dễ bị đánh
lừa. Vì vậy, việc phát triển cân bằng cả hai căn bản sẽ tạo ra sự tiến bộ về
tinh thần và tâm linh.
Đối với những Phật tử tại gia, những việc lễ cúng hàng
ngày như dâng hoa, cúng nhang, đèn và lễ lạy, thờ cúng (puja) là một phương tiện để nối kết mình với Tam Bảo trong cuộc
sống hàng ngày. Điều quan trọng hơn những việc dâng cúng bên ngoài như vậy là
việc thực hành Tâm niệm, như quán tưởng những Phẩm Chất của vị Phật, sẽ dẫn đến
nhiều kết quả lớn lao hơn, như là:
a) Sẽ có được thêm lòng tin sâu sắc hơn, giúp tâm thanh tịnh, trong sạch nhiều hơn và
lúc đó sự chánh Niệm và chánh Định sẽ dễ dàng được thiết lập.
b) Cần thiết cho những lúc đau bệnh, mất mát hay đối đầu với những
thăng trầm của cuộc đời.
c) Làm thấm nhuần
lòng tự tin cho mỗi con người, giúp
xua tan đi những nỗi sợ hãi, lo lắng, nghi ngờ và bất an trong cuộc đời.
Thiền quán tưởng niệm Phật, tưởng nhớ đến
Đức Phật có thể mang lại những lợi ích vô giá để đạt Định, làm cơ sở để giải
thoát từ trong nội tâm. Về vấn đề thiền quán tưởng niệm Phật, không ai có thể
giảng giải tốt hơn chính Đức Phật đã giảng dạy như sau:
“Khi
một đệ tử cao quý đang quán tưởng đến Như Lai như vậy, tâm của người ấy không
còn bị đeo bám bởi tham, sân, si, tâm ngay thẳng, với Như Lai là đối tượng của
Tâm. Khi một đệ tử cao quý có tâm ngay thẳng sẽ trở nên nhiệt thành với mục
tiêu, nhiệt thành với Giáo Pháp, đạt được niềm an vui (pamojja) gắn liền với Giáo Pháp. Khi người ấy được an vui, niềm
hoan hỷ (piti) khởi sinh, và khi người ấy được nâng lên bởi niềm hoan hỷ, toàn
thân trở nên an lạc (passadhi), người an lạc trong thân sẽ cảm thụ được niềm
hạnh phúc (sukha), mà khi một người hạnh phúc, tâm sẽ trở nên định (samadhi).
Người như vậy được gọi là một đệ tử cao quý giữa một nhân loại đang sai đường,
lạc lối, đã chứng ngộ được lẽ phải, là người giữa nhân loại đau khổ mà không
còn đau khổ, là người đã bước vào dòng chảy của Giáo Pháp và phát triển việc
quán niệm về Phật.” (Tăng Chi Bộ Kinh Anguttara,
Quyển Sáu, 10)
1.3 Sự Khởi Dựng Đền,
Tháp Tưởng Niệm Stupa Từ Sau Khi Bát-Niết-Bàn
Của Đức Phật
Từ Stupa
(tiếng Pali ‘thupa’, tiếng Anh-Ấn ‘tope’) được xuất phát từ gốc ‘stup’ (chất đống, dồn đống) có nghĩa là
một mô đất, gò đất hay phần mộ. Ban đầu việc chôn cất trong đám tang, đắp những
mô đất để chôn tro và thân của xác hỏa thiêu. Tập quán đắp mộ đất, vun đất lên
làm mộ để tưởng niệm (giống như việc chôn xác và xây mồ mã ở Việt Nam),
đã có từ thời trước Phật.
Đức Phật nhận
thấy được ý nghĩa của việc thờ kính của hàng Phật tử tại gia, nên người đã làm
cho việc tôn thờ xá lợi Phật là thiêng liêng. Khi Ngài Ananda hỏi Đức Phật rằng
nhục thân của người sẽ được giải quyết như thế nào sau khi người Bát-Niết-bàn,
Phật đã chỉ rằng nhục thân sẽ được hỏa thiêu theo nghi thức dành cho bậc quân
vương và phần xá lợi sau khi hỏa thiêu sẽ được giữ trong các tháp stupas được xây để cất giữ xá lợi để thờ
cúng ở những giao lộ (ý chỉ dọc theo đường hành hương hay nơi hành hương – ND).
Đối với những Tỳ
kheo, Đức Phật nhận thấy rằng nếu tốn thêm nhiều thời gian vào những nghi lễ
tôn thờ xá lợi sẽ làm cản trở cho việc thực hành Bát Chánh Đạo. Cho nên, Đức
Phật đã khuyên các Tỳ kheo “không nên cản trở mọi người tôn vinh nhục
thân của Người, mà hãy để cho những người Phật tử tại gia sùng kính Như Lai và
thực hiện việc tôn vinh nhục thân của Người”.
Trong Kinh Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana
Sutta), Đức Phật cũng giảng dạy thêm rằng, có 4 loại người xứng đáng được xây tháp để tưởng niệm, đó là:
1. Một
vị Phật Giác Ngộ Tối Thượng,
2. Một
vị Phật tự thân giác ngộ: Phật Duyên Giác
(Pacceka Buddha),
3. Một
thánh đệ tử, và
4. Một bậc quân vương.
“Và tại sao mỗi người như thế lại xứng đáng xây tháp tưởng niệm stupa? Bởi vì ý nghĩ: “Đây là tháp tưởng niệm của một vị Phật Giác
Ngộ Tối Thượng, một Duyên Giác Phật, một thánh đệ tử và một bậc quân vương”,
lòng của mọi người đều được an bình và ngay khi thân thể tan hoại sau khi chết,
họ được tái sinh vào cảnh giới an lạc (sugati). Đó là lý do tại sao và 4 loại
người đó xứng đáng được xây tháp tưởng niệm”.
Như vậy đó, Đức Phật đã thiêng liêng hóa
những tháp tưởng niệm stupa, từ những
mô đất hay mộ phần bình thường, trở thành những thánh tích thiêng liêng để tôn
thờ của Phật tử. Việc tôn thờ tháp tưởng niệm stupa trở nên phổ biến hơn khi Vua Asoka chuyển thành Phật tử và đã
xây 84.000 Tháp tưởng niệm stupas
trên khắp vương quốc của ngài. Theo dòng thời gian, từ những mô đất bình
thường, những tháp tưởng niệm stupas
đã trở thành những kiến trúc mỹ lệ và uy nghi và trở thành những biểu tượng của
lòng tin và những chứng tích lịch sử vô giá của Phật giáo.
Khi xá lợi nhục thân Phật được đưa vào
thờ trong một bảo tháp stupa, thì xá
lợi đó trở thành biểu tượng như sự có mặt của Đức Phật, những người chiêm bái
sẽ đến cúng dường và thực hiện những nghi lễ tôn kính, như dâng cúng nhang đèn,
hoa, vòng hoa, cờ vải và y vải đắp xung quanh
tháp. Tục lệ của người Ấn Độ cổ xưa là những người đến chiêm bái thường đi vòng
quanh tháp xá lợi hoặc thánh tích theo chiều kim đồng hồ, từ trái qua phải.
Nghi thức này được gọi là Đi Nhiễu Quanh (padakkhina) (tiếng Phạn: pradaksina). Trong Kinh Điển, một người đến chiêm bái
luôn luôn thực hiện nghi thức đi nhiễu quanh như vậy trước khi rời khỏi nơi
biểu tượng chỗ Đức Phật. Đây có thể gọi là nghi lễ chính thức khi thăm viếng
những bảo tháp và người ta luôn làm
lối đi nhiễu quanh trong những tháp stupa.
Đối với một người hành hương thành thục,
việc đi nhiễu quanh tháp có thể biến thành một cuộc hành thiền để phát triển chánh niệm và lòng từ. Những ai hành hương
với tinh thần sùng kính, lễ lạy có thể xem đây là dịp để tưởng niệm Phật, Pháp và Tăng ở nơi bảo tháp nhầm tăng trưởng lòng
tin và thanh lọc tâm.
1.4
Bốn Loại Tháp Tưởng Niệm Stupas
Có bốn loại tháp tưởng niệm của Phật
giáo, tùy theo bốn tính chất sau đây:
(a)
Tháp Xá Lợi (Saririka Stupa)
Những tháp stupas này có chứa thờ xá
lợi nhục thân của Phật, các vị Đại Đệ Tử, những đạo sư và bậc thánh nhân
Phật giáo. Những tháp stupas có thờ
xá lợi Phật được xem là thiêng liêng nhất để tôn kính, thường được xây rất lớn
và uy nghi, và càng ngày càng được mở rộng và trùng tu bởi nhiều đời vua Phật
tử ở Ấn Độ. Theo truyền thuyết, Vua Asoka đã cho mở 7 bảo tháp xá lợi nguyên
thủy (riêng bảo tháp Ramagama stupa
của người Koliya vẫn còn nguyên vẹn), lấy phần lớn xá lợi Phật và phân chia ra
để giữ thờ trong 84.000 bảo Tháp xá lợi mà ngài đã cho xây trong thời gian trị
vì và hành hương của mình. Nhờ vậy, ngày nay chúng ta có thể được nhìn thấy và
chiêm bái nhiều bảo tháp xá lợi Phật ở Ấn Độ cũng như ở Pakistan, ví dụ như bảo
tháp Pháp Vương (Dhammarajika stupa)
ở Sarnath, Ấn Độ và một bảo tháp cùng tên ở Taxila, Pakistan.
(b) Tháp Giữ Thờ Những Vật
Dụng Của Đức Phật (Paribhogika Stupa)
Những bảo tháp stupas này được xây để giữ thờ những vật dụng thiêng liêng đã được Đức Phật sử dụng khi còn tại thế, ví
dụ như y cà sa, bình nước, dao cạo và hộp đựng kim chỉ may.
(c) Tháp Tưởng Niệm Sự Kiện (Uddesika Stupa)
Những bảo tháp stupas này được xây để tưởng niệm những sự kiện quan trọng đã diễn
ra trong cuộc đời của Đức Phật, bao gồm cả những nơi ghi dấu những tiền kiếp của Đức Phật hay những nơi được ghi nhớ bởi
sự có mặt của Đức Phật lịch sử khi còn tại thế. Ngài Huyền Trang đã ghi lại có
14 bảo Tháp tưởng niệm stupas ở Vesali
(Tỳ-xá-ly), trong đó có 12 bảo tháp thuộc loại tưởng niệm sự kiện như vậy và
chỉ có 2 bảo tháp là Tháp xá lợi.
(d)
Tháp Do Phật Tử Phát Tâm Xây Dựng
Những tháp này thường là những tháp nhỏ
được xây trong hay xung quanh những khu thánh địa như là một tâm nguyện cúng dường để tích thêm công đức của
một người hành hương. Những loại tháp này được xây nhiều nhất ở bốn thánh địa
quan trọng là:
1)
Lumbini, xung quanh khu di tích nơi Đức Phật đản sinh;
2)
Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), xung quanh gốc Cây Bồ Đề nơi
Đức Phật Thành Đạo;
3)
Vườn Nai hay Lộc Uyển, Isippatana ở Sarnath, nơi Đức Phật
khai giảng bài Thuyết Pháp Đầu Tiên;
4)
Kusinara, xung quanh Đền Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana Temple), nơi Đức Phật từ giã trần gian hay Đại Bát-Niết-Bàn Mahaparinibbana.
Ngoài những nơi thánh địa này, những tháp
do Phật tử phát tâm xây dựng cũng được xây xung quanh những bảo Tháp xá lợi,
với tâm nguyện tôn kính, tôn vinh những bảo Tháp chính thờ xá lợi.
Những người hành hương đến viếng thăm Tám
Thánh Địa Quan Trọng sẽ có được những cơ hội quý giá nhất trong đời để nhìn
thấy và chiêm bái nhiều loại tháp tưởng niệm stupas khác nhau, từ những bảo Tháp cổ xưa nhất được xây bằng đá ở
thành Vesali (Tỳ-xá-ly) cho đến
những đại bảo Tháp được xây dựng công phu và kỹ lưỡng nhất như bảo Tháp Dhamek Stupas
uy nghi ở Sarnath. Những người hành
hương đến địa danh Bhopal cũng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng Bảo Tháp Sanchi, nơi thờ xá lợi của những vị A-la-hán Đại Đệ Tử của
Đức Phật đã được phát hiện sau này.
2. Pava, Nơi Đức
Phật Dùng Bữa Ăn Cuối Cùng
2.1 Cách Để Đi
Đến Nơi
Pava nằm cách 15km về hướng đông của Kushinagar, gần ngôi
làng mang tên Padruana ngày nay.
Trên đường đi người hành hương sẽ băng qua Sông Kosi, sông này chính là con
sông tên Sông Kakudha vào thời Đức Phật còn tại thế.
2.2 Ý Nghĩa Tôn Giáo
Theo Kinh Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana Sutta), sau khi
rời khỏi Bhoganagara (tức địa danh Kesariya ngày nay), Đức Phật đã vi hành đến
Pava cùng với đoàn Tỳ kheo và nghỉ lại khu vườn xoài của một Phật tử làm nghề thợ rèn tên là Cunda. Khi
biết tin, Cunda đã đến thăm Phật và sau khi nghe một bài thuyết pháp của Đức
Phật, ông đã mời Phật và tăng đoàn đến nhà ông để ông cúng dường trai tăng vào
trưa ngày hôm sau. Ông ta đãi món ăn tên là ‘sukara maddava’ (sukara =
heo rừng hay heo; maddava = mềm, non, tinh ngon), được dịch là “phần
ngon của heo” (tiếng Anh: ‘pig’s delicacy’). Vì thế, đã có 2 giả thiết về
nghĩa của món ăn này như sau: (1) Phần thịt heo mềm, phần nạc tinh của thịt
heo, (2) Một loại thức ăn nào đó mà heo rừng hay heo rất khoái ăn, và điều này
đã làm người ta cho rằng đó là loại nấm hay loại nấm rừng rất bổ dưỡng mà heo
rừng luôn luôn sục miệng đào tìm dưới đất để ăn (tiếng Anh: mushroom or truffle), hay cũng có thể là một loại chồi
non hay rễ củ mà heo rừng thường đào bới để ăn. Trong Kinh ghi lại rằng, Phật
đã khuyên các Tỳ kheo là không được ăn, nhưng chỉ mình Phật ăn món ‘sukara
maddava’ này. Luận giảng cho rằng Phật ăn để đáp lại lòng thành kính và
cúng dường trai tăng của thí chủ Cunda.
Sau khi dùng xong bữa ăn, Phật đã bị đau dữ dội và kiết lỵ, một kiểu ngày
nay gọi là ngộ độc thức ăn, nhưng Phật vẫn cố gắng tiếp tục cuộc hành trình đi
đến Kushinara, cách khoảng 3 gavutas
(khoảng 15km). Vì tính nghiêm trọng và đau đớn do ngộ độc, Phật đã phải dừng
lại 25 lần để nghỉ. Ngay khi đang đau đớn như vậy, nhưng để xua tan sự ân hận, cắn rứt trong lòng Cunda vì bữa cơm trưa của mình đã gây cái chết
cho Đức Phật, Phật đã bảo với ngài Ananda sau đến an ủi, giải thích với Cunda
rằng, trong tất cả những vật thực cúng dường, chỉ có 2 bữa ăn cúng dường cho
Phật là công đức bằng nhau và lớn nhất hơn tất cả những vật thực
cúng dường khác. Đó là gì?: Đó là
bữa ăn được cúng dường trước khi Đức Phật thành đạo Chánh Đẳng Chánh Giác (món
cháo sữa do cô Sujata dâng cho Phật) và bữa ăn cuối cùng cúng dường cho
Phật trước khi Người từ giã trần gian hay Đại Bát-Niết-Bàn của Người (bữa ăn do Cunda cúng dường). Theo lời dạy của Đức Phật, bằng lòng
thành kính cúng dường của mình, Cunda đã được những công đức lớn nhất, mà sau
này ông sẽ được trường thọ, vinh thân, khỏe mạnh, đẹp đẽ và được tái sinh về
cõi trời để được hưởng phúc.
2.3 Sự Kiện Thần
Diệu Làm Trong Sạch Nước Suối
Gần Pava có con sông Kosi, tức
là Sông Kakudha vào thời Đức Phật. Trước khi đến dòng sông này, Phật đã
rất mệt và khát nước (hoàn toàn có thể do mất nhiều nước vì ngộ độc, tiêu chảy,
kiết lỵ) và phải dừng lại để tìm nước uống. Theo Kinh Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana
Sutta IV, 24-32), Phật đã yêu cầu ngài Ananda đi lấy nước ở con suối
gần đó để Phật uống. Ngài Ananda lúc đầu đã không đi lấy, vì thấy có rất nhiều
xe bò lội qua suối, làm nước suối trở thành nước bùn, rất dơ bẩn. Thay vì đi
lấy nước suối, ngài Ananda thưa với Phật rằng đã gần đến Sông Kakudha và đến đó
có nước trong sạch, mát mẽ và dễ chịu, Phật có thể giải cơn khát và nghỉ chân.
Tuy nhiên, Đức Phật vẫn yêu cầu ngài Ananda phải đi lấy nước ở suối. Đến lần
yêu cầu thứ ba, ngài Ananda mới đi ra suối lấy nước. Đến nơi, ngài chứng kiến
một cảnh tượng kỳ lạ. Nước bùn do những xe bò đi qua lúc nãy đã trở nên trong
sạch và bùn cặn đã lắng xuống và uống được.
2.4 Bảo Tháp stupa Của Người
Malla ở Pava
Sau Bát-Niết-Bàn của Đức Phật, những người thuộc các
bộ tộc đã tham dự chia phần xá lợi Phật và đem về xây bảo tháp để thờ xá lợi
Phật. Gần đây, Ban Khảo Cổ Ấn Độ (ASI) đã khai quật một khu đất lớn và phát
hiện ra một tháp Stupa bằng gạch
trong khu di tích này được cho là khu Vườn Xoài của người thợ rèn Cunda, và
tháp tưởng niệm bằng gạch này có thể đã được xây bởi những người Malla ở Pava.
Khi ngài Huyền Trang thăm viếng Kusinagar vào thế kỷ thứ 7 sau CN, ngài đã có
nói về sự có mặt của tháp tưởng niệm stupa
do vua Asoka xây ngay tại vị trí căn nhà của Cunda, ở phía Đông Bắc của thành
phố, là nơi Đức Phật dùng bữa cơm cuối cùng. Những người hành hương sau khi
thăm viếng Kusinagar nên đến luôn Pava để chiêm bái bảo tháp tưởng niệm này.
Chắc chắn trong tâm mỗi người sẽ khởi sinh lòng thúc giục về mặt tâm linh khi
tưởng niệm lại bữa cơm cuối cùng của Đức Phật và tình trạng đau bệnh của Người
đến khi từ giã trần gian. Mỗi người càng thấy rõ sự thúc giục tâm linh về sự mong manh của kiếp người và càng mong
tinh tấn tu hành, thực hiện Con Đường Bát chánh Đạo để chấm dứt khổ đau.
3. Kesariya, di tích Tháp Tưởng Niệm Stupa Cao Nhất Thế giới (8), (16), (24)
3.1 Cách Để Đi Đến Nơi
Từ Kushinagar, đi về phía Nam
bằng Quốc Lộ 28 đến Gopalganj và tiếp tục băng qua Sông
Gandak để đến Piprajoti. Chọn con đường tiến về Motihari và quẹo sang Pipra. Không nên chọn đường Chakia, nó
trông có vẻ ngắn hơn, nhưng cuối cùng không thể nào đi qua được. Nếu chúng ta
rời khỏi Kushinagar khoảng 4 giờ sáng, chúng ta có thể đến được Kesariya trước
10 giờ sáng và sau đó tiếp tục đi và về đến Vaishali vào buổi chiều.
Nếu đi từ Patna
(Hoa Thị Thành), chạy khoảng 70km đến Muzaffarpur và đi về hướng Bắc thêm 60 km là đến Pipra.
3.2 Nguồn Gốc Lịch Sử
Theo tiến sĩ K. K. Mohd, giám sát dự án Vành Đai Patna của Ban Khảo Cổ Ấn
Độ (ASI Patna Circle), tài liệu tham khảo nguyên thủy về nơi này đã được ghi rõ
trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, trong phần ghi lại chuyến đi cuối cùng của Đức
Phật từ thành Rajgir (thành Vương xá) đến Kushinagar, trong đó có nhắc đến địa
danh Bhoganagara, mà ngày nay được
biết đến với tên Kesariya. Điều
này rất có thể vị trí Kesariya
nằm trên con đường nổi tiếng nối liền Vaishali và Kushinagar, và vị trí của nó
chính là nơi đánh dấu biên giới phân chia giữa những người Lichhavi ở Vaishali và
những người Malla ở Kusinara. Nơi đó cũng là nơi gắn liền với sự kiện Alara
Kalama, một tu sĩ khổ hạnh vào thời Đức Phật, và nơi đó được ghi rõ là Kesaputta trong một bài Kinh nổi tiếng
mà Đức Phật đã thuyết giảng cho những người bộ tộc Kalama: Kinh
Kesaputta Sutta.
3.3 Ý Nghĩa Tôn Giáo
Theo ngài Pháp
Hiển, nếu đi từ Kusinara về hướng Đông Nam khoảng 12 yojanas (1 yojana
= 7 dặm Anh = hơn 11 km), là đến nơi mà những người Licchavi (Bạt-kỳ) đã theo
Đức Phật đến nơi Bát-Niết-Bàn của Đức Phật. Khi nghe tin Đức Phật sẽ đến Kusinara
để nhập diệt, những người Licchavi rất đau buồn và họ đã đi theo Đức Phật đến
tận nơi đó, tức là biên giới ngăn cách giữa người Licchavi và người Malla, và
họ đã không muốn quay về theo lời khuyên của Phật. Cuối cùng khi đến biên giới
của người Malla, Đức Phật tạo một dòng sông ảo rất lớn và sâu ngăn cách họ để
họ quay về. Phật đã tặng bình bát và
khuyên họ quay về nhà. Họ mang bình bát về và xây một trụ đá tưởng niệm, trên
đó khắc lại câu chuyện này.
Theo ngài Huyền Trang, vào thời bấy giờ, khoảng 200 lý (56 km) về hướng
Tây Bắc của thành Vaishali, là một thành phố cổ bị bỏ hoang đã lâu. Trong thành
có một tháp tưởng niệm stupa. Đây là
nơi Đức Phật thuyết giảng Kinh Makhadeva
Sutta thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima
Nikaya), kể về chuyện tiền thân của Đức Phật trong kiếp trước là, khi còn
là một vị Bồ-tát, vua Makhadeva. Vào
lúc đó, Người sống tại Mithila trong
khu rừng Makhadeva, mà vị trí ngày
nay là tháp Kesariya Stupa.
(Lưu ý: Vị trí của Kesariya
được ghi lại bởi ngài Pháp Hiển là cách 12 yojanas (154 km) về hướng
Đông Nam của Kushinagar, trong khi đó ngài Huyền Trang thì ghi rằng, vị trí đó
cách 200 lý (56 km) về phía Tây Bắc của Vaishali. Chúng ta ráp lại thì cả hai
cách miêu tả đều chính xác là vị trí của Kesariya.
Về sau này, có thể là sau Đại Bát-Niết-Bàn của Đức Phật, người Licchavi
đã xây dựng một bảo tháp bằng đất bùn ở Kesariya để tưởng niệm sự kiện đầy xúc
động khi phải từ biệt Đức Phật. Theo dòng thời gian, cho đến thời đại Maurya, Sunga và Kushan, tháp
đã được xây lại bằng gạch và đã được tu sửa và mở rộng
nhiều lần. Vào thế kỷ 6, vào thời đại Gupta, Tháp lại được mở rộng và được
trang trí bằng hàng trăm bức tượng. Theo Ban Khảo Cổ Ấn Độ (ASI), tính niên đại
thì Tháp này tồn tại cho đến thế kỷ 8, vào thời đại Pala.
Mặc dù có nhiều giả thuyết khiến chúng ta có thể tin
đây là bảo tháp được dựng lên để thờ xá lợi bình bát của Đức Phật, nhưng
theo
ghi chép của hai nhà hành hương Trung Quốc là Pháp Hiển và Huyền Trang
thì không phải vậy. Vì nếu tháp này thờ bình bát của Đức
Phật, thì hai ngài đã ghi chép về bảo tháp Kesariya này như một bảo tháp
quan trọng. Thứ hai, nếu nơi đây là bảo tháp người Licchavi
đã lập tức xây để thờ bình bát của Phật ngay sau khi
chia tay Phật, thì cũng không đúng, vì việc xây bảo tháp để thờ xá lợi
những
vật dụng thiêng liêng của Đức Phật là không xảy ra trước khi Đức Phật
Bát Niết
Bàn.
Ngài Sir
Cunningham thì cho rằng những người Licchavi đã mang bình bát trở về lại thành Vaishaili theo lời khuyên bảo của Đức Phật. Và tháp
Kesariya stupa chỉ đơn giản là một tháp tưởng niệm được những người Licchavi
xây lên để tưởng nhớ nơi họ từ biệt Đức Phật lần cuối
cùng mà thôi. (Xem thêm phần nói về câu chuyện này ở Chương 3).
4. Tháp Ananda stupa
ở Hajipur
4.1 Cách Để Đi
Đến Nơi
Hajipur nằm ở bờ
Bắc của Sông Hằng, cách Patna (Hoa Thị Thành) 10 km. Tháp Ananda hiện tại tọa
lạc ngay vành đai phía Tây của Hajipur
ở nơi được gọi là Ramchaura Mandir,
cách Masjid Chowk chỉ 1 km về phía
Nam.
4.2 Ý Nghĩa Tôn
Giáo
Vào thời cổ, sau
khi vượt qua sông Hằng ở Patna,
đến ngôi làng đầu tiên bên kia sông tên là Ukkacala, ngày nay gọi là Hajipur.
Đức Phật đã từng thuyết giảng tại đây, Kinh Cula Goplalaka Sutta trong
Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya).
Theo Luận Giảng
Kinh Pháp Cú (Dhammapada), khi ngài Ananda được 120 tuổi, ngài biết
được kiếp sống của mình sẽ kết thúc trong vòng 7 ngày sắp tới. Vì vậy, ngài bắt
đầu hành trình từ thành Rajagaha (Vương xá) đến Vaishali, theo hành trình mà
Đức Phật cũng đã đi trước kia. Vua Ajatasattu (A-xà-thế) nghe tin liền đi theo
cùng với đoàn tùy tùng để thỉnh cầu ngài Ananda ở lại. Trong khi đó, những
người ở thành Vaishali nghe tin ngài đang đến lãnh thổ của họ, họ kéo nhau ra
bờ sông Hằng để nghinh đón ngài.
Khi vua
Ajatasattu theo kịp ngài Ananda vào ngày thứ 7, thuyền của ông ta đã qua đến
giữa sông Hằng. Đám đông ở 2 bên bờ sông đều hô to để xin ngài đi về phía của
họ để họ được đảnh lễ. Vì vậy, để không làm thất vọng những người 2 bên bờ
sông, ngài Ananda đã phi thân lên không trung và nhập diệt Bát-Niết-Bàn bằng
nhập định vào giới lửa và thân thể tự phát hỏa thành tro, tro rơi xuống 2 bên
của bờ sông Hằng. Một nửa tro rơi bên mỗi bờ sông. Những người ở 2 bên kinh
thành mang xá lợi tro trở về và xây tháp xá lợi để thờ.
Tháp xá lợi
Ananda bên bờ phía Nam của sông Hằng từ lâu đã bị cuốn trôi bởi dòng chảy luôn
luôn thay đổi của sông Hằng. Tháp xá lợi Ananda bên bờ Bắc, Hajipur, thì vẫn
còn, nằm trong khu mô đất cao đầy cỏ mọc và người Hindu đã xây một đền thờ ở
trên nền tháp đó. Những lần khai quật khảo cổ xung quanh khu vực tháp vào năm
1994-1997 đã làm lộ ra một giếng nước bằng gạch, vách giếng hai lớp được xây từ
thời kỳ triều đại Kushan.
4.3 Hiện Trạng Tháp
Ananda Stupa
Khi tác giả đến viếng
thăm khu di tích này vào Tháng 10, 2008, toàn bộ khu di tích đang ở trong tình
trạng rất xấu và tan thương (Hình 48).
Có một đền thờ Hindu, đã bị đổ nát, được xây trên đỉnh của khu bảo Tháp Ananda.
Bò được thả vào ăn cỏ xung quanh và người ta thậm chí dùng triền dốc của Tháp
để phơi phân bò. Nhìn thấy cảnh một bảo tháp nổi tiếng của một Bậc Đại Sư Hộ
Pháp* trong tình trạng hoang phế cho đến hôm
nay thì thật là đau lòng và làm khởi
sinh những cảm giác và sự thấm nhuần thật sự về sự hủy hoại của thời gian và
quy luật vô thường, thúc giục những người hành hương mau tinh tiến trong việc
thực hành giáo pháp của Đức Phật một cách miên mật nhất.
▪ Ghi
Chú: Ngài Ananda thường được gọi với cái tên “Người Hộ
Pháp”, Dhamma Bhandagarika, tức là người tinh thông, thuộc lòng và giúp
đọc tụng lại tất cả giáo pháp của Đức Phật trong Hội Đồng Tập Kết Kinh Điển lần
thứ nhất. Trong Hội Đồng Tập Kết Kinh Điển lần thứ nhất được tổ chức sau 3
tháng kể từ Bát-Niết-Bàn của Đức Phật ở thành Rajagaha (Vương-xá), ngài Ananda được các vị A-la-hán
chọn để đọc tụng lại tất cả Kinh mặc dù lúc ấy ngài chỉ là một người chứng quả
Nhập Lưu tức Tu-đà-hoàn (Sotapanna). Lý do là ngài là người thị giả kề cận bên
Đức Phật và đã nghe những bài thuyết giảng từ chính miệng Đức Phật nói ra. Và sự
thật là Đức Phật cũng từng tuyên bố là ngài là người có trí nhớ tốt nhất.
Theo ghi chép
trong Luật tạng, vào đêm trước ngày khai mạc Hội Đồng Kết Tập, ngài
Ananda đã chứng đắc quả A-la-hán. Tại Hội đồng kết tập, ngài Ananda đã
tụng
đọc lại Kinh Tạng, bắt đầu bằng nơi chốn và đối tượng nghe Đức Phật
thuyết giảng
và luôn luôn bắt đầu bằng câu quen thuộc: ‘Evam me sutam’ - ‘Tôi đã nghe như
vầy’.
5. Kosambi, Di Tích Nơi Diễn Ra Cuộc
Tranh Biện & Phân Ly Trong Tăng Đoàn (24)
5.1 Cách Để Đi Đến Nơi
Kosambi cách Allahabad
60 km và có thể đi đến bằng đường bộ.
5.2 Ý Nghĩa Tôn Giáo
Kosambi, kinh đô của Vương Quốc Vamsa,
là một trong 6 thành phố quan trọng của miền bắc Ấn Độ vào thời Đức Phật. Người
cai trị vương quốc là Vua Udena, người ban đầu rất hà khắc với
những tôn giáo mới, nhưng sau này rất thân thiện với Phật giáo, nhờ lời khuyên
của người vợ của ông là Hoàng hậu
Samavati, một Phật tử đã chứng thánh quả Nhập Lưu (sotapanna) sau khi nghe bài thuyết giảng bởi một người hầu nữ của
mình là Khujjuttara. Bà đã gặp phải
thảm kịch do sự ghen ghét của một Hoàng hậu đối địch là Magandiya, bà này đã nhốt bà trong cung và phóng hỏa giết chết.
Khi nhà vua biết được âm mưu của bà Magandiya, ông đã dùng hình phạt thiêu sống
bà cùng với những kẻ đồng lõa. Nhân thảm kịch này xảy ra, Đức Phật đã thốt ra
những câu Kệ, được ghi lại trong Kinh Pháp Cú, dòng 21 như sau:
Appamado
amata padam
Tỉnh
giác là con đường dẫn đến bất tử (Niết-Bàn).
Pamado maccuno padam
Phóng túng là con đường dẫn đến sự chết
Appamatta na miyanti
Người tỉnh giác không bao giờ chết.
Ye pamatta yatha mata
Người phóng túng thì như đã chết rồi.
Sau đó, vua Udena chuyển hóa theo đạo Phật sau khi nghe ngài Pindola Bharadvaja thuyết giảng về việc
sống tỉnh giác, chế ngự các căn.
Nơi đây có 3 nhà tài phiệt là Ghosita
(cha nuôi của Samavati), Kukkuta và Pavarika, đã từng kéo nhau đến tu viện Kỳ
Viên để mời Đức Phật đến thành phố của họ. Đức Phật đã nhận lời và mọi người
đều xây tu viện và chùa để đón Phật và Tăng đoàn. Vì vậy, nơi đây có Tu viện
Ghosita (Ghositarama), Tu viện Kukkuta (Kukkutarama) và tịnh xá ở Vườn Xoài
Pavarika (Pavarikambavana).
Đức Phật đã ở lại đây trong mùa An Cư Kiết Hạ lần thứ 9 tại tu viện Ghositarama và tại nơi này xảy ra vụ
tranh biện và chia rẽ trong Tăng đoàn.
Không thể giải quyết cuộc tranh chấp, Đức Phật đã bỏ đi vào rừng và trải qua kỳ
Kiết Hạ lần thứ 10 trong Rừng
Parileyyaka, nơi có những voi và khỉ cúng dường, phụng sự cho Đức Phật.
Những Phật tử tại gia biết được lý do, nên cũng đã ngưng việc cúng dường thức
ăn cho các Tỳ kheo tranh cãi đó. Việc này làm cho các Tỳ kheo thức tỉnh và hòa
đồng lại với nhau. Tuy nhiên, họ phải đi đến gặp Đức Phật ở tu viện Kỳ Viên ở
Savatthi (Xá-Vệ) để hòa giải trước mặt Đức Phật. Câu chuyện về sự tranh cãi
chia rẽ trong tăng đoàn được ghi rõ trong Luận Giảng ‘Kinh Pháp Cú’.
Đức Phật đã thuyết giảng một số Kinh ở Kosambi và nhiều vị A-la-hán như
ngài Ananda và ngài Xá-Lợi-Phất đã từng ngụ tại tu viện Ghositarama.
Theo ghi chép trong Luật Tạng, thì sau Khi Hội Đồng kết Tập Kinh điển lần
Thứ Nhất, ngài Ananda đã đi đến tu viện Ghositarama này để thông báo cho ngài
Channa về hình phạt bị tẩy chay ra khỏi Tăng Đoàn mà Đức Phật đã di huấn cho
ngài Ananda và Tăng đoàn trước khi Đại Bát-Niết-Bàn (Mahaparinibbana).
5.3 Bối Cảnh Lịch sử
Hoàng Đế Asoka đã thăm viếng Kosambi vào thế kỷ 3 trước CN và đã dựng lên
2 trụ đá để tưởng niệm chuyến hành hương của Ngài. Theo Đại Sử Tích Lan
(Mahavamsa), lúc đó có 30.000 Tỳ kheo, được dẫn đầu bởi Ngài Urudhammarakkhita
của Tu Viện Ghositarama đã đến dự lễ dựng Đại Bảo Tháp ở Anuradhapura bởi nhà
vua Dutthagamini (thế kỷ 1 trước CN). Tu viện Ghosita (Ghositarama) tiếp tục
phát triển việc tu học cho đến những triều đại Kushan, Magha và Gupta.
Vào thời ngài Pháp Hiển viếng thăm (năm 399-414), tu viện này có nhiều Tỳ
kheo tu hành, nhưng sau 200 năm đến thời ngài Huyền Trang chiêm bái, thì nó đã
trở nên hoang tàn, mặc dù theo ngài Huyền Trang thì vẫn còn khoảng 300 Tỳ kheo
ở đó. Kosambi chắc chắn cũng đã bị chung số phận với những trung tâm Phật giáo
khác trong cuộc càn quét của đội quân Hồi giáo man rợ ở miền Bắc Ấn Độ vào thế
kỷ 12, trước khi Phật giáo hoàn toàn bị suy vong ở Ấn Độ.
Ngài Sir Cunningham là người
đầu tiên xác định được khu di tích Kausambi trong ngôi làng Kausam vào thế kỷ 19. Tọa lạc bờ tả
ngạn của Sông Yamuna, nó bao gồm một tàn tích của một tu viện lớn bằng gạch,
được nhận dạng trên cơ sở những bia đá khắc chữ vào thế kỷ 1, đó chính là Tu
viện Ghositarama, một nền móng của một Đại Bảo Tháp và một số tháp tưởng niệm
nhỏ. Những cổ vật được trưng bày tại Viện
Bảo Tàng Allahabad
Museum và viện bảo tàng Kausambi Museum. Phần tàn tích của Trụ Đá Asoka
cũng được tìm thấy.
5.4 Viện Bảo Tàng Allahabad Museum
Viện Bảo Tàng Allahabad Museum nằm trên Đường Kamala Nehru bên trong công
Viên Chandra Shekhar Azad Park, có 18 khu trưng bày nhiều tượng điêu khắc bằng
đá. Những tượng điêu khắc bao gồm những tác phẩm cổ vật của thế kỷ 2 trước CN
từ Bharhut và Kausambi, thế kỷ 1 sau CN từ triều đại Kushan ở Mathura, thế kỷ
4-6 triều đại Gupta và những điêu khắc thế kỷ 11 từ Khajuraho. Viện bảo tàng mở
cửa hàng ngày từ 10:30 sáng đến 4:30 chiều trừ thứ Hai.
6. Bảng Chỉ Dụ Bằng Đá Của Vua
Asoka (Thạch Pháp Dụ Asoka) ở Delhi
(41)
Nằm giữa 2 khu vực Srinivaspuri và khu Đông Kailash nằm ở phía Nam Delhi là
Công Viên Asoka, tập trung hấp dẫn
là một khối đá lớn nổi lên. Ít người biết đến một tiểu Thạch Dụ Asoka ở Delhi. Đây là một phát
hiện tình cờ bởi một nhà thầu xây dựng, khi họ đang san bằng để xây dựng những
kiến trúc thuộc địa. (Hình 49). Lời
Chỉ Dụ (hay sắc lệnh của nhà Vua) được khắc trên mặt đá nghiêng của trụ đá, nơi
những đứa trẻ hay leo lên trụ đá và tuột xuống như chơi cầu tuột vậy. Trên mặt
đá, bao gồm 10 hàng chữ khắc Brahmi theo Phương ngữ Prakrit. Những dòng chữ
khắc trên Thạch Pháp Dụ Delhi được đọc như sau:
“Đây là lời của Người con yêu dấu
của các vị Trời:
Trải qua gần hai năm rưỡi kể từ lúc ta trở thành một Phật
tử cư sĩ. Nhưng Ta đã không nổ lực hết mình cho sự nghiệp chánh Pháp trong suốt
một năm đầu. Tuy vậy, hơn một năm sau Ta đã hết lòng mộ đạo gắn bó với Tăng
Đoàn và đã nổ lực hết mình.
Những vị Trời, vốn không hòa lẫn
với loài người trong cõi Diêm Phù Đề (Jambudvipa) từ bao thời xưa đến ngày hôm
nay, đã được Ta làm cho hòa hợp với loài người*. Điều này đích thực có được là
do sự nổ lực hết sức mình của Ta trong sự nghiệp của chánh Pháp.
Và kết quả này không phải chỉ làm
được bởi những người ở vị trí thượng lưu như Ta; mà ngay cả một người nghèo khổ
cũng hoàn toàn có khả năng chứng đạt cảnh thiên giới, nếu người đó tràn đầy
nhiệt tâm trong sự nghiệp của chánh Pháp.
Giờ đây, tuyên
ngôn này được thông cáo cho những mục đích sau đây, nghĩa là, người nghèo và
người giàu hãy hết sức nổ lực bằng chính mình, ngay cả những người ngoài lãnh
thổ của đế chế của Ta cũng nhận thấy được sắc dụ này; Và rằng sự nổ lực của mọi
người có thể phải tốn nhiều thời gian lâu dài. Ta sẽ thúc đẩy sự nghiệp này
tiến triển ít nhiều hơn một lần rưỡi.”**
(*Tức là loài người có thể được sinh vào cảnh giới của những vị Trời, nếu
nhiệt thành với chánh Pháp-ND).
(**Có rất nhiều bản dịch bằng những ‘nghĩa’ rất khác nhau từ các câu
trong tiểu Thạch Pháp Dụ Dehli này, có bản dịch lại có thêm một câu cuối cùng
nói là nhà Vua đã thông cáo sắc dụ này 250 lần khắp nơi trong chuyến hành hương
của mình. -ND).
Pháp dụ bằng đá này được đặt ngay trung tâm Thủ Đô của
Ấn Độ được khắc vào khoảng năm 263 trước CN, hiển nhiên minh chứng cho sự bảo hộ
Phật giáo của vua Asoka, và Dehli đã là một trung tâm Phật giáo quan trọng vào
thời Asoka.
6.1 Delhi Vào Thời Đức Phật
Vào thời Đức Phật, Dehli là một thành thị sầm uất của nước Kuru. Cho thấy đã gắn liền với Phật
giáo ngay từ hồi sơ khai ban đầu của Phật giáo, theo những chứng tích của việc
Phân chia lại Xá lợi được ghi trong quyển Đại Phật Sử (Buddhavamsa), những dao cạo và những hộp kim chỉ của Phật đã được
thờ trong những tháp tưởng niệm ở Indapatta, Dehli.
Trong Kinh Janavasabha Sutta
thuộc Trường Bộ Kinh, Kuru được ghi lại như một trong những xứ sở (Janapadas) nơi Đức Phật đã thuyết giảng
một số bài Kinh. Theo Jatakas (Chuyện Tiền Sinh của Đức Phật), nước
Kuru có 300 liên minh và Indapatta (gần Dehli ngày nay) là kinh đô của nó.
Trong những chuyến viếng thăm, Đức Phật thường ngụ tại Kammasadhamma, một khu phố chợ của người Kuru.
Tên của địa danh Kammasadhamma được ghi lại nhiều lần trong kinh điển
Pali, bởi vì Đức Phật đã thuyết giảng một số kinh ở nơi đó. Một trong những Kinh
quan trọng nhất là Kinh Đại Niệm Xứ (Maha-Satipatthana
Sutta) và Kinh Đại Duyên (Maha-Nidana
Sutta) thuộc Trường Bộ Kinh. Luận giảng ghi rằng, Đức Phật thuyết giảng những
bài kinh này cho người Kuru ở Kammasadhamma bởi vì họ thông minh. Luận giảng
nói rằng, mỗi một hộ gia đình ở Kammasadhamma đều có một thánh đệ tử (ariya) và họ
chánh niệm trong mọi công việc hàng ngày.
Khu di tích của Kammasadhamma vẫn chưa ai tìm thấy. Đó có thể là khu vực nằm sau Công
Viên Asoka ở phía Nam Dehli.
7. Đại Bảo Tháp
Sanchi Stupas ở Sanchi (27), (40)
7.1 Cách Để Đi Đến Nơi
Sanchi cách
khoảng 50 km bằng đường bộ từ Bhopal, thủ phủ của
bang Madhya Pradesh. Đối với những người hành hương vừa hoàn thành chuyến đi
tại Varanasi, cách tốt nhất để thăm viếng Sanchi
là đi bằng tàu lửa từ Varanasi đến Bhopal. Sau khi đến Sanchi
và những nơi xung quanh Bhopal,
chúng ta có thể đón tàu lửa quay về thẳng Dehli và từ đó bay về nước.
7.2 Bối Cảnh Lịch Sử
Mặc dù Sanchi không phải là một nơi thiêng liêng được Đức Phật ghé qua
trong thời Người còn tại thế, nhưng Vua
Asoka đã xây một Tháp tưởng niệm bằng gạch và một trụ đá Asoka ở trên đỉnh
đồi Vedisagiri để cho những Phật tử địa phương thờ cúng. Đây là công trình ghi nhớ đến Vedisa, nơi sinh của Devi, người vợ đầu
tiên của ngài khi ngài còn là phó vương xứ Ujjayini (Ujjain).
Hoàng hậu nay là một Phật tử mộ đạo và là người của dòng họ Thích Ca, những người đã di cư đến đây sau khi thành Kapilavatthu
của vương quốc Thích Ca bị đạo quân
của Vidudabha tàn phá. (Xem
thêm Chú giải 10). Và cũng Hoàng
hậu Devi đã sinh ra hoàng tử Mahinda và công chúa Sanghamitta. Devi đã không theo vua Asoka về kinh đô Pataliputta (Hoa Thị Thành) mà ở lại chốn quê Vedisa. Bà đã cho xây một tu viện trên Đồi Vidisagiri, thông thường được gọi là Đồi Sanchi. Theo ghi chép của Đại Sử
Tích Lan (Mahavamsa), A-la-hán Mahinda đã đến thăm mẹ ở
Vedisa, và mẹ của ngài đã dẫn ngài đến
Tu Viện Vedisagiri xinh đẹp, và
ngài đã ở lại đó một tháng trước khi lên đường trong sứ mạng truyền đạo ở Tích
Lan.
Bảo Tháp Sanchi nguyên thủy có đường kính 60 feet (18.2m) ở mặt đáy và có
hình bán cầu với mái vòm bao bọc từ dưới chân (giống như nữa trái banh nằm úp)
và một cột tháp nhọn. Tháp bị tàn phá nặng nề bởi những kẻ thù của Phật giáo
sau khi Đế Chế Maurya bị sụp đổ vào năm 185 trước CN, nhưng sau đó đã được xây
lại bởi những Phật tử mộ đạo ở Vidisa và từ nơi khác. Khi xây dựng lại, Tháp
được mở rộng gấp đôi so với kích thước nguyên thủy. Bốn cổng chào (torana) được điêu khắc một cách
nghệ thuật được cúng dường bởi người thợ cả của vua Satahavana vào thế kỷ 1 trước CN. Sự xây thêm một Đại Bảo Tháp được
thực hiện vào thời (năm 450 sau CN), khi đó bốn tượng Phật cũng được gắn vào
trên tường của bảo tháp, quay mặt về bốn cổng chào. Xung quanh Đại Bảo Tháp là
một cụm những tháp tưởng niệm stupas, đền thờ, trụ đá và những tu viện có mặt
hơn 1.500 năm từ thế kỷ 3 trước CN cho đến thế kỷ 12 sau CN.
Sau cuộc xâm lược của quân Hồi giáo ở miền Bắc Ấn Độ, Sanchi cũng trở
thành hoang tàn và chìm vào quên lãng từ thế kỷ 13. Sau đó, cây rừng mọc bao
phủ xung quanh mãi cho đến khi toàn khu vực được phát hiện bởi Tướng Taylor
vào năm 1818. Sau đó, khu di tích còn bị tàn phá thêm bởi những nhà khảo cổ,
những kẻ săn lùng kho báu và những kẻ phá hoại tôn giáo ở địa phương. Ngay cả
trụ đá Asoka cũng bị đập vỡ ra thành từng mảnh bởi một địa chủ ở đây, dùng để
làm trục ép mía làm đường mía. Năm 1881, Thiếu tá Cole bắt đầu thực hiện việc tu sửa, nhưng sau đó phần lớn công việc
trùng tu được thực hiện bởi Ngài Sir
John Marshal, Giám đốc của Ban Khảo Cổ Ấn Độ (ASI)
từ năm 1912-1919.
7.3 Những Nơi Cần Thăm Viếng
1) Đại Bảo Tháp Stupa
Kích thước hiện tại của Đại Bảo Tháp là 120 feet
(36.5m) đường kính mặt đáy và cao 50 feet (15.2m). Nó bao gồm một mái vòm hình
bán cầu, trên đỉnh có cột tháp với 3 mái dù nằm trong một lan can rào hình
vuông 4 cạnh trên đỉnh tháp. Bảo tháp có thể được đi vào bằng 4 cổng vào có bốn
cổng chào được điêu khắc rất tinh xảo, được dựng lên vào thế kỷ 1 trước CN. Mọi
cổng chào gồm có 2 cột vuông, trên đầu
2 cột vuông được điêu khắc hình những con voi, sư tử…đang nâng đỡ phần kiến
trúc bên trên là 3 thanh rường bắt ngang, mỗi thanh đều được boa tròn hai đầu.
Toàn bộ cổng chào cao 28 feet (8.53m, chưa tính phần điêu khắc trên cùng). Những
thanh rường ngang được chia ra và nâng đỡ bởi 4 khối hình lập phương và 6
cột đá nhỏ để chống đỡ và kết chặt các thanh ngang ở giữa. Tất cả đều được
điêu khắc với nhiều hình tinh xảo. Trên đỉnh của cổng chào là biểu tượng của
Giáo Pháp: Bánh Xe Pháp (Dhammacakka)
đặt trên lưng voi, đứng kèm 2 bên là một Dạ-xoa hộ vệ (yakkha) và 2 biểu tượng Tam Bảo (Tiratanas),
đại diện cho Phật, Pháp &Tăng. (Hình 50).
Toàn
bộ mặt điêu khắc phù điêu của cổng chào được phân thành 5 nhóm sau đây nội dung
và ý nghĩa sau:
• Những cảnh về cuộc đời Đức Phật,
• Cảnh trong tiền kiếp của Đức Phật,
• Những sự kiện lịch sử, như là việc phân chia lại xá lợi Phật, bảo tháp Ramagama
và vua Asoka đến thăm Cây Bồ Đề,
• Phật Manushi và những vị Phật
trước đó, và
• Những cảnh và trang trí khác
nhau
2) Tháp Stupas 2 & 3
Bên cạnh Đại Bảo Tháp Stupa,
còn có những tháp nổi tiếng khác, như Tháp Stupa
2 và Stupa 3. Stupa 3 được xây vào thế kỷ 2 trước CN và được làm giống kiểu mẫu
của Stupa 1 là Tháp Chính, và được
dựng lên bên cạnh Tháp Chính. Trong Tháp
Stupa 3 có lưu giữ một hộp đá có chứa xá lợi nhục thân của hai vị Đại Đệ Tử
của Đức Phật là Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên.
Tháp Stupa 2, nằm thấp hơn, có
rất nhiều điêu khắc, phù điêu. Tháp này có lưu giữ 4 hộp đựng xá lợi, là tro
hỏa thiêu của 10 vị thánh nhân của Phật giáo: (1) Kasapagota, (2) Majjhima, (3)
Haritiputa, (4) Vachhiya-Suvijayata, (5)
Mahavanaya, (6) Apagira, (7) Kodiniputa, (8) Kosikiputa, (9) Gotiputa,(10)
Mogaliputa. Những vị đạo sư này không phải đều là những người cùng thời hay
cùng một thế hệ. Chẳng hạn như ngài Mogaliputa thì được ghi rõ trong phần thờ
xá lợi ở tháp Stupa 2 ở Andher và ở
Sonari (xem bên dưới) là một học trò của ngài Gotiputa, mà ngài Gotiputa là một
thế hệ sau những người thầy là Kasapagota và Majjhima. Vì vậy trong tháp Stupa 2 đang thờ những xá lợi của những
người Thầy Phật giáo của ít nhất 3 thế hệ khác nhau.
3) Tu Viện Chetiyagiri Vihara Mới
Một tu viện mới được xây bên trái của Đồi Sanchi bởi Hội Đại Bồ-Đề Ấn Độ
vào năm 1952. Bên trong ngôi tu viện có thờ và chứa xá lợi của hai vị Đại Đệ Tử
của Phật là Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên, được phát hiện trong bảo
Tháp Stupa 3 bởi ngài Sir Cunningham năm
1851, mang về London để cất giữ và đã trao trả lại cho Ấn Độ năm 1949 theo yêu
cầu của Hội Đại Bồ-Đề. Xá lợi của 10 vị đạo sư cũng được khôi phục từ Tháp Stupa
2 và được lưu giữ trong Viện Bảo Tàng British Museum và cũng được trao trả lại
cho Ấn Độ vào năm 1956. Trong số này, hộp thứ nhất chứa xá lợi tro của những
A-la-hán Mogaliputa, Kosikiputa và Gotiputa, đã được gửi tặng qua Tích Lan,
trong khi xá lợi tro của các vị khác thì vẫn được giữ thờ trong tu viện này.
4) Những Tháp Stupas Gần Sanchi
Xá lợi của những vị Đại Đệ Tử cũng được tìm thấy trong Tháp Stupa 2 cùng thời ở Satdhara, khoảng 11 km về hướng Tây Nam của Sanchi. Thật ra, toàn khu
vực quanh Sanchi được xây đầy những tháp thờ xá lợi, như ở Sonari, 10 km
về hướng Tây Nam của Sanchi, ở
Satdhara, như đã nói trên và ở Andher, 15 km về hướng đông Bắc của Vidisa, ở đó những phần xá lợi khác của 10 vị A-la-hán có xá lợi được thờ
trong Tháp Stupa 2 ở Sanchi, cũng
được thờ ở đây. Những bằng chứng này cho chúng ta thấy rõ là ngay trước thế kỷ
2 trước CN đã diễn ra việc phân chia lại các xá lợi của Phật và các Đại Đệ Tử
cho những bậc cao tăng trong Tăng đoàn ở nhiều nơi sau này, để họ tiếp tục phân
ra và thờ trong những tháp stupa được
xây nhiều thêm về sau.