HƯỚNG DẪN
HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT
(Ấn Bản Mới 2011)
Nguyên tác: Chan Khoon San
Biên dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản: Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh 2011
Lời Tựa
Ý tưởng về một
cuộc hành hương về xứ Phật là do chính Đức Phật nói ra. Trước khi Người nhập
diệt Đại Bát-Niết-bàn, Phật đã khuyên những đệ tử kính đạo nên viếng thăm,
chiêm bái bốn nơi để được tăng thêm sự truyền cảm về tâm linh của mình sau khi
Người từ giã trần gian. Những nơi đó là Lumbini, nơi Đức Phật đản sinh;
Bodhagaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi Đức Phật chứng đạt Giác Ngộ Tối Thượng; Vườn Nai
ở Sarnath, nơi Đức Phật khai giảng bài Thuyết Pháp đầu tiên – Kinh Chuyển Pháp
Luân; và Kusinara (Câu Thi Na), nơi Người nhập diệt Đại Bát-Niết-bàn. Một Phật
tử kính đạo nên thăm viếng những nơi này và tôn nghiêm với một lòng thành kính,
chiêm nghiệm lại những sự kiện đặc biệt xảy ra trong cuộc đời của Đức Phật liên
quan đến từng địa danh đó. Từ sau Đại Bát-Niết-bàn của Đức Phật, bốn nơi thiêng
liêng của Phật Giáo này đã trở thành những tâm điểm cho những người con Phật mộ
đạo hành hương về với tình cảm tâm linh. Vào thời Vua A-dục (Asoka), có thêm
bốn địa danh nữa được đưa vào danh sách những nơi hành hương, đó là: Savatthi
(thành Xá-Vệ), Sankasia, Rajagaha (thành Vương Xá) và Vesali (Tỳ-xá-ly), những
nơi này rất gắn liền với cuộc đời của Phật và những cảnh thần diệu đã diễn ra trong lịch sử vào lúc Đức Phật còn tại thế. Vì
vậy, tổng cộng có 8 Thánh Địa Quan Trọng
trong lịch trình hành hương trên đất Phật.
Mục đích của
quyển sách này là chia sẻ với quý Phật tử và những đạo hữu những kinh nghiệm và
kiến thức thu góp được của tôi về những lợi ích trong việc thực hiện một chuyến
hành hương chiêm bái Tám Thánh Địa thiêng liêng với lòng thành và thái độ tinh
thần đúng mực. Theo Phật Giáo, việc thực hiện một chuyến hành hương đóng một vai
trò quan trọng cho những tiến bộ về mặt tâm linh của mỗi người. Vì vậy, đối với
một người đang có ý định hành hương, điều cốt lõi cần phải hiểu rõ là cuộc hành
hương là một chuyến đi tâm linh với lòng thành kính hướng về Đức Thế Tôn. Lòng
thành kính này sẽ làm trong sạch và thanh tịnh những suy nghĩ, lời nói và hành
vi của mỗi người và thông qua đó, nhiều phẩm hạnh cao đẹp sẽ được phát triển
trong tâm mình.
PHẦN I của quyển sách nói về (a) phương diện tinh thần, một số khía
cạnh của tâm của một cuộc hành hương.
Một quyển sách giới thiệu và hướng dẫn về một cuộc hành hương tôn giáo sẽ thật
sự là thiếu sót nếu không nhắc lại (b)
những chuyến hành hương của người xưa, như là: Vua A-dục (Asoka) và những nhà
chiêm bái Trung Hoa, lòng thành tín và sự chịu đựng gian khổ kiên cường các
ngài là những niềm cảm hứng lớn lao vô tận cho những người con như chúng ta
tiếp bước theo họ trong thời đại phương tiện di chuyển dễ dàng hơn nhiều. (c) Sự xuống dốc của Đạo Phật do bị xâm
lược ở Ấn Độ và sự tàn phá những đền chùa Phật giáo vào thế kỷ thứ 13, nối tiếp
6 thế kỷ liên tục chìm trong quên lãng, là thời kỳ đen tối nhất của Phật giáo,
cũng được nhắc lại trong quyển sách này khi giải thích về những tàn tích thánh
địa. Cuối cùng, (d) việc khôi phục
những nơi thiêng liêng của Phật giáo và việc làm sống lại đạo Phật giáo ở Ấn Độ
được miêu tả vắn tắt lại để độc giả có thể tôn vinh những nỗ lực của những con
người cao quý đã dâng hiến cả cuộc đời mình vào việc khôi phục những thánh tích
như là những di chứng thiêng liêng của quá khứ. Đặc biệt, chúng ta mãi luôn ghi
nhớ công hạnh và những đóng góp vô giá của bốn nhà tiên phong lỗi lạc, đó là :
Ngài Sir Alexander Cunningham, Tỳ kheo
Anagarika Dharmapala, Tỳ kheo Sayadaw U Chandramani của Kushinagar và Tiến Sĩ
Babasaheb Ambedkar, như chúng ta sẽ được biết về họ trong phần sau.
PHẦN II & III của quyển sách giới thiệu lại lịch sử và những ý nghĩa tôn giáo
của từng thánh tích trong Tám Thánh Địa Quan Trọng và những nơi thuộc những
thánh địa đó cần được viếng thăm, và những chi tiết thú vị của từng nơi có thể
tìm thấy ở đây.
PHẦN IV mô tả những đền tháp quan
trọng khác, bên ngoài Tám thánh địa đã nói, mà trên đường đi hành hương chúng
ta có thể ghé lại thăm viếng nếu có được thêm ít nhiều thời gian ngoài chương
trình. Một ví dụ như ở Sanchi. Mặc
dù bản thân Đức Phật đã không đến Sanchi, nhưng địa danh này đã trở thành một
trung tâm Phật giáo quan trọng, bởi vì những di tích và xá lợi của những vị Đại
Đệ Tử và những A-la-hán đã được phát hiện ở nơi này. Đó là những người tổ chức
Hội Đồng Kết tập Kinh Điển Phật giáo lần thứ Ba và sau đó đã đảm nhiệm những sứ
mạng ra đi truyền bá Phật Pháp ra ngoài biên giới Ấn Độ. Đó là một trong những
điều may mắn kỳ diệu để Phật Pháp vẫn còn được giữ nguyên vẹn sau khi Ấn Độ và
nền Phật giáo Ấn Độ bị tàn phá đến diệt vong bởi những người Hồi giáo vào thế
kỷ 12. Sự thật, Ngài Mahinda, con của vua Asoka, người đã thiết lập nên Phật Pháp
(Buddha Sasana) ở Tích Lan đã ở lại 1 tháng tại 1 tu viện do người mẹ của mình
xây dựng ở Sanchi trước khi lên đường xuất dương qua Tích Lan để thực hiện Sứ
mạng truyền Pháp cao cả của mình. Một công hạnh mà thế giới Phật Tử sẽ không
bao giờ quên.
Hội Đồng Kết tập Kinh Điển
lần thứ Ba được tổ chức vào khoảng năm 250 trước CN ở Pataliputta (Patna, Hoa
Thị Thành) do HT. Moggaliputta Tissa (Mục-Kiền-Liên Tử Ðế Tu) chủ trì và sau đó đã gửi những giáo đoàn truyền bá Phật
Pháp đi nhiều phương khác nhau ở Ấn Độ, và Tích Lan, Miến Điện. Nhờ vào tầm
nhìn xa và trí tuệ của Ngài HT. Moggaliputta Tissa, đến khi Phật giáo Ấn Độ bị
diệt vong bởi những đạo quân Hồi giáo cuồng tín vào thế kỷ 12, thì ánh sang Phật
Pháp vẫn chiếu ngời ở Tích Lan, Miến Điện và những nước Phật giáo nguyên thủy
đến tận hôm nay. Ngày nay, chúng ta đã và đang chứng kiến những tu sĩ từ những
nước Phật giáo lại quay về Ấn độ để làm sống lại nền Phật giáo tại chính cái
nôi của Phật Pháp sasana!. Những người hành hương cũng nên dừng lại Patna để ghé thăm vườn Kumhra Park,
nơi được tin là di tích của Asokarama, một đại tịnh xá do vua Asoka xây dựng,
là nơi diễn ra Hội đồng Kết tập Kinh Điển lần thứ Ba.
PHẦN V cung cấp những Thông
tin về chuyến đi hành hương vòng quanh ‘miền’ Phật giáo nối liền những
thánh địa, Khoảng cách giữa các địa danh bằng đường lộ và những Bản
đồ chỉ rõ những vị trí địa lý của những thánh địa Phật giáo đó.
Hy vọng quyển
sách này sẽ mang lại nhiều điều hữu ích cho quý độc giả, những người đang ôm ấp
ý định thực hiện một cuộc hành hương trong đời về xứ Phật và những người muốn
động viên nhiều Phật tử cố gắng thu xếp một cuộc hành hương của lòng thành, tất
cả đều đạt được nhiều ích lợi và hạnh phúc viên mãn trong chuyến đi.
LỜI CẢM TẠ
Một lần nữa, tôi
muốn nói lời cảm tạ đến Cô Wooi Kheng Choo thuộc Hội Phật Giáo Subang Jaya đã
duyệt đọc lại bản thảo, giúp hiệu chỉnh những lỗi chính tả và góp nhiều ý kiến
hữu ích. Tôi cũng tri ân sự giúp đỡ tận tình của anh Tey Seng Heng, người đồng
nghiệp của tôi ở Cty nghiên Cứu Nông Nghiệp Ứng Dụng, trong công việc vi tính.
Tôi cũng cảm ơn nhưng người sau đây, đã giúp chúng tôi thực hiện những chuyến
hành hương thành công và đáng nhớ, đó là những người cố vấn tâm linh của chúng tôi:
TT. Sayadaw U
Jnanapurnik ở Nepal
vào năm 1991;
TT. Saranankara ở
Sentul vào năm 1997;
TT. Sayadaw U
Rewata ở Myanmar vào năm
1997, 1999, 2001; Ni Sư Uppalavanna ở Nepal vào năm 1991;
Những người cùng dẫn
các đoàn:
BS. Wong Wai Cheong & Chị Flora Tan vào
năm 1991;
Chị Helen Too, các
đạo hữu: Bro. Chan Weng Poh, Bro. Wong Fok Gee, Bro. Yap Pak Choong & Bro.
Lam Cheok Yew năm 1997;
Chị Wooi Kheng
Choo, đạo hữu Bro. Teh Kok Lai & Chị Kieu Choon Lai năm 1999;
Chị Tan Lei Hong
& đạo hữu Bro. Chiu Sheng Bin năm
2001.
Tôi cũng nhân cơ
hội này cảm ơn tất cả thành viên của những nhóm Hành Hương từ năm 1991-2011 nhờ
vào sự cộng tác và ủng hộ của họ mà những chuyến đi đã suông sẻ và đầy hoan hỉ.
Cuối cùng, nhưng thật quan trọng, tôi muốn gửi lời cảm ơn tấm lòng hào hiệp của
những nhà tài trợ đã đóng góp bằng tiền và những trang thiết bị cần thiết
và cúng dường cho các chùa, đền ở những nơi thiêng liêng trong suốt hành trình
của những chuyến hành hương.
LỜI SÁM HỐI
Trong suốt những
chuyến đi kéo dài 2 tuần mỗi chuyến, vài lần không tránh khỏi đối với những
người hành hương, cũng như tác giả, rơi vào những lúc lơ đãng, thiếu chánh niệm
và đã phạm một số lỗi từ thân, ý, miệng đối với những người Thầy đi theo và đối
với những người đồng hành với nhau. Thay mặt cho tất cả, tác giả xin phép nhân
cơ hội này có lời xin được tha thứ từ những vị Thầy hướng dẫn tâm linh và những
bạn đồng hành với nhau. Nếu chúng ta cũng đã xao lãng ở những nơi thiêng liêng,
chúng ta cũng cầu xin sự độ lượng khoan dung của Phật, Pháp & Tăng.
Kàyena vàcà
cittena – Pamàdena maya katam
Accayam khama me
bhante – Bhuri panna tathàgata!
Nếu tại hành
động, lời nói hay suy nghĩ khi thất niệm chúng con đã làm sai.
Xin hãy tha thứ
cho chúng con, Bậc Thượng Tuệ! Đức Bổn Sư Như Lai!
CÙNG HOAN HỈ VÀ
HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
Nguyện cho công
đức của Pháp thí (Dhamma-dana) này được hồi hướng đến cho những người thân
quyến thuộc, bạn hữu và tất cả chúng sinh.
Sadhu! Sadhu!
Sadhu!
Lành Thay! Lành
thay! Lành Thay!
Klang, 2002 & 2009
Chan Khoon San
Lời Tựa Bổ Sung
(Lần Tái Bản Thứ Ba)
Đây là ấn bản lần thứ ba của quyển “Hướng Dẫn Hành
Hương về Xứ Phật” kể từ lần phát hành đầu tiên vào năm 2002. Với trang bìa mới,
thêm nhiều đề tài nội dung và thêm những thông tin mới về những thánh tích được
bổ sung, cập nhật so với những lần phát hành trước đây. Ví dụ như lỗi sai trong
thông tin về di tích Đền Matha Kuar ở Kushinagar này đã được chỉnh sửa lại.
Kể từ năm 2002, tác giả đã liên tục viếng thăm lại
nhiều lần ‘miền’ thánh địa Phật giáo và đã đi đến nhiều khu di tích phật giáo
mới, nổi bật là nơi di tích Bảo Tháp Ananda Stupa ở Hajipur; Pava gần
Kusinara; Lauriya Nandangarh ở phía Bắc Bihar; Kosambi ở Allahabad; Ramagama và
Devadaha ở Nepal; Sanchi ở Madhya Pradesh; Những Hang Động Ajanta Caves ở
Ajanta; và Diksha Bhumi ở Nagpur, Maharashtra.
Và một cơ duyên đến tác giả đã chợt nghe được thông
tin về di vật thiêng liêng bình bát
của Đức Phật vẫn còn ở Afghanistan đã khiến tác giả bỏ nhiều thời gian thực
hiện việc sưu tầm, nghiên cứu để xem hiện bình
bát đang lưu lạc phương nào kể từ khi Đức Phật ban tặng cho những người bộ
tộc Licchavi ở Vashaili trước khi Bát-Niết-Bàn (Parinibbana) của
Người. Chúng ta có thể tìm hiểu những điều xảy ra đối với bình bát thiêng liêng
trong phần “Hành Trình Của Bình Bát Của
Đức Phật” trong Phần III, 5).
Trong phần những hình ảnh, tác giả đã gửi vào thêm
một số hình ảnh các Phật tích ở miền Bắc Pakistan. Cho dù ánh sáng Phật Pháp
đã không còn được chiếu sáng ở đất nước này, nhưng Pakistan vẫn còn những di tích Phật
giáo đẹp nhất từ thời hoàng kim của nó.
Đáng buồn thay, nhiều Phật tích thiêng liêng đã bị bắn phá bởi những quân lính
Talibans ở Thung Lũng Swat vào năm 2007, chẳng hạn trong đó những tác phẩm vô
giá như đại hình tượng Phật ở Jehanabad được khắc sâu vào núi đá và những bức
tượng thuộc nghệ thuật Gandhara ở viện
Bảo Tàng Swat Museum.
Klang, 2011
Chan
Khoon San