HƯỚNG DẪN
HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT
(Ấn Bản Mới 2011)
Nguyên tác: Chan Khoon San
Biên dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản: Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh 2011
Phần III
Bốn Nơi Diễn Ra Điều Thần Diệu
Nội Dung:
1. Savatthi,
Nơi Diễn Ra Hai Điều Thần Diệu
2. Sankasia,
Nơi Đức Phật Trở Về Từ Cõi Trời Đao Lợi
3. Rajagaha,
Nơi Đức Phật Hàng Phục Con Voi Say Nalagiri
4. Vesali,
Nơi Bầy Khỉ Cúng Dường Mật Ông Cho Phật
1. Savatthi,
Nơi
Diễn Ra Hai Điều Thần Diệu
1.1 Cách Để Đi Đến
Nơi
Savatthi hay Sravasti (Xá-vệ) thuộc
quận Bahraich, bang Uttar Pradesh, cách Lucknow
khoảng 160km về phía Đông. Khu vực này cách khoảng 21km về phía Tây của
Balrampur, một ga xe lửa nằm trên chặng Gorakhpur-Gonda của tuyến đường xe lửa Bắc-Đông.
1.2 Ý Nghĩa Tôn Giáo(3), (25)
Sravasti (tên gọi ngày nay) là
kinh đô cổ xưa của Vương Quốc Kosala được trị vì bởi Vua Pasenadi,
là một Phật tử cư sĩ và là một người kính mộ Đức Phật. Sravasti đươc nổi danh
là nơi có nhiều sự gắn bó lâu dài và
gần gũi với Đức Phật trong suốt thời
gian Đức Phật truyền dạy giáo pháp. Trong 45 năm truyền đạo, Phật đã trải qua
25 Mùa Mưa An cư, trong đó có 24 Mùa Mưa An Cư (Kiết Hạ) liên tục (từ Hạ thứ 21-44)
ở Sravasti. Cũng tại nơi đây, có một đại thí chủ tên là Sudatta, thường
được gọi với tên Cấp Cô Độc (Anathapindika),
có nghĩa là “người chu cấp, giúp đỡ cho người nghèo”, đã cúng dường Tịnh Xá Kỳ-Đà hay Kỳ Viên (Jetavana) ở rừng
Kỳ-Đà cho Đức Phật sau khi
ông đã mua với một giá rất ‘đắt đỏ’, tương đương với “số tiền vàng rải kín trên
cuộc đất đó”. Bởi vì Đức Phật đã dành một phần lớn thời gian truyền dạy giáo
pháp ở nơi này, cho nên đa số những bài kinh trong Kinh điển Phật giáo đã được
thuyết giảng khi Phật đang ở Tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana) này. Một tịnh xá nổi
tiếng nữa ở Sravasti là Tịnh xá Pubbarama, được cúng dường bởi nữ thí
chủ lớn của Đức Phật là bà Visakha.
Sravasti đã trở thành một nơi
quan trọng trong cuộc hành hương, bởi vì tại nơi đây, Đức Phật đã dùng phép
thần thông kỳ diệu nhất, gọi là Phép
Nhân Đôi, để đuổi đám người ngoại đạo thách thức. Đức Phật đã hóa thành nhiều hình dạng khác nhau,
đứng và ngồi trên những tòa hoa sen, tạo lửa và nước được phun ra từ thân của
mình. Sự kiện thần diệu này được gọi là Thần
thông ở Sravasti, là một đề tài ưa thích nhất trong những ngành nghệ
thuật nghề điêu khắc Phật giáo.
1.3 Bối Cảnh Lịch Sử
(5),
(27)
Vua Asoka đã đến viếng thăm Sravasti
vào năm 249 BC, là một phần của chuyến hành hương của ngài đến tất cả những
thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ. Ngài đã cho
xây 2 trụ đá cao 70 feet (khoảng 21.35m) ở hai bên cổng phía Đông của Tịnh xá
Kỳ Viên (Jetavana) cũng như một số bảo tháp stupa
để thờ Xá Lợi Phật. Vào thời các vua triều đại Kusana, là Kaniska và
Huviska, thế kỷ 1-2 sau Công Nguyên, nhưng đền tháp mới được xây
dựng để đặt thờ những hình tượng Phật,
và được biết đến nhiều vào thời bấy giờ. Sau khi nhà sư Pháp Hiển đến thăm Sravasti
vào năm 407 sau Công Nguyên, Phật giáo đã bị suy tàn nhưng trong Tu viện Tịnh
xá Kỳ Viên vẫn còn một số tu sĩ. Ngài Pháp Hiển chứng kiến được hai Trụ Đá Asoka vẫn còn đứng
nguyên, nhưng những bảo tháp stupas như Tháp Angulimala,
Tháp Sudatta (Cấp Cô Độc) thì đã bị
phá hủy. Cho đến thời ngài Huyền Trang đến thăm Sravasti vào năm 637 sau Công Nguyên,
toàn thành quách đều bị phá hủy, hoang tàn và có vài tịnh xá là nơi ở của Tăng
sĩ (sangharamas), nhưng hầu hết
đã bị điêu tàn, với vài nhà sư. Tu Viện Kỳ Viên (Jetavana) cũng đổ nát và hoang vắng. Ngài cũng
thấy 2 Trụ Đá Asoka, tàn tích các bảo tháp stupas,
những tịnh xá, tịnh thất (sangharamas) và cái giếng nước, nơi Đức Phật kéo nước
lên dùng hằng ngày.
Sau thời gian ngài Huyền Trang
viếng thăm, Tu viện Kỳ Viên (Jetavana)
bắt đầu có người trở lại, bằng chứng thu được là những dấu ấn và tranh tượng thờ
những vị Phật, Bồ-tát của Phật Giáo Đại Thừa như Quan Thế Âm Bồ-tát (Avalokitesvara)
và những chứng tích khác thuộc thế kỷ 8-9 sau Công Nguyên. Người bảo trợ sau
cùng của Tu viện Kỳ Viên (Jetavana) là Vua Govindachandra
và người vợ kính đạo của ông là hoàng hậu Kumaradevi của xứ Kanauj và
Benares, (năm 1130 bà là công
chúa Kumaradevi dòng Licchavi xứ Magadha (Ma-Kiệt-Đà)).
Lịch Sử ghi nhận bà đã từng cúng dường 6 ngôi làng cho Tăng đoàn ở Tu viện Kỳ
viên và điều này đã được ghi vào một bia khắc bằng đồng đã được phát hiện trong
quá trình khai quật khảo cổ. Cùng với sự xuống dốc của đạo Phật vào thế kỷ thứ
13, Tu Viện Kỳ Viên, lần thứ hai, đã trở thành hoang phế và lãng quên. Vào năm 1863,
ngài Sir Cunningham đã nhận dạng được một “bộ sưu tập” rất lớn về tàn
tích của một di tích ‘đôi’ được gọi là Sahet-Mahet, cùng với thành cổ Sravasti. Ông đã
khai quật khu Sahet bao phủ 13
hecta, nhận dạng được tịnh xá, tu viện Kỳ Viên Jetavana và cũng
phát hiện ra phần tàn tích của nhiều tháp stupas,
đền thờ và tu viện, bao gồm cả di tích quan trọng là Hương Thất (Gandha-kuti) và Thất Kosambi kuti, (kuti có nghĩa là nhà nhỏ, cốc, thất),
cả hai nơi là nơi ở của Đức Phật. Tất cả những tàn tích của tu Viện Kỳ Viên đều
cho thấy đã được xây dựng vào những năm triều đại Kusana (thế kỷ 1-2 sau Công Nguyên). Con khu
di tích Mahet thì rất lớn, trải
dài trên 162 hecta. Chỉ có một số thánh tích đã được khai quật và
phát hiện, phần lớn của khu di tích này chưa được khám phá.
Mới gần đây, tu viện đầu tiên đã
được xây là Chùa Miến Điện (Burmese Vihara) do Đại Đức Chandramani ở
Kushinagar khởi xướng. Sau đó là Chùa Trung Quốc do Hòa thượng Ren Chen
lập nên. Vào năm 1969, Hội Đại Bồ-Đề Ấn Độ (Maha Bodhi Society of India) bắt
đầu có mặt trực tiếp tại Sravasti, với Đại
Đức Sangharatana đến từ Sarnath,
người đã khởi công xây dựng Tu viện Nava Jetavana Vihara (nghĩa là: Tu Viện Kỳ Viên Mới), nằm sát bên
ngoài Tu Viện Kỳ Viên ngày xưa. Năm 1982, người Thái Lan cũng đã xây
chùa Thái tại đây.
1.4 Những Điểm cần
Thăm Viếng (5), (27)
1) Khu Vườn Kỳ Viên
- Jetavana Park
Vào thời Đức Phật còn tại thế,
nơi này được gọi chính xác là: Khu Vườn (cuả) Cấp Cô Độc ở Rừng Kỳ Đà (Jetavana Anathapindika Arama). Ngày
nay, tất cả chỉ còn lại những tàn tích của đền thờ và những tháp stupas xây từ thời triều đại Kusana (thế
kỷ 1-2
sau Công Nguyên). Những đền tháp quan trọng như sau:
2) Đền Thờ Số 2
Vị trí này đánh dấu di tích của
Hương Thất Gandha-kuti được xây dựng bởi ông Cấp Cô Độc để cho Đức Phật
dùng ở. Theo nhiều luận giảng, chiếc giường (hay tràng kỷ) của Đức
Phật đặt trong đó là giống nhau cho tất cả các chư Phật,
bất kể sự lớn hay nhỏ của Hương Thất Gandha-kuti. Hương Thất nguyên thủy được
xây bằng gỗ, nhưng vào thời những nhà hành hương Trung Hoa là Pháp Hiển, Huyền
trang đến viếng, thì đó là một cấu trúc 2 tầng xây bằng gạch trong tình trạng
đổ nát. Hiện giờ thì dấu tích những bức tường thấp và nền móng bằng đá vẫn còn.
(Hình 34).
Đây là một nơi đáng tham quan để
những nhà hành hương có thể thực hành các thời công phu cúng đường (puja) và thiền quán.
3) Đền Thờ Số 3
Ở nơi thờ này được tin là vị trí
của Thất Kosambi kuti nguyên thủy của Đức Phật, cũng do ông Cấp Cô Độc
xây cho Đức Phật dùng làm nơi tham thiền. Ngày trước đó, có một khối hình vuông
cũng được xây bằng gạch như thất, đánh dấu lối đi kinh hành nguyên thủy (cankama)
mà Đức Phật dùng để đi hành thiền.
4) Tháp Stupa H
Tháp stupa này được tin là đánh dấu vị trí nơi Đức Phật thường giảng dạy
giáo pháp cho các Tỳ kheo và Phật tử tại gia. Tháp này được dựng lên ngay trước
Đền Thờ Hương Thất Gandha-kuti, và tháp đã được xây lại nhiều lần để khẳng định
sự quan trọng của thánh tích này.
5) Cây Bồ-Đề Ananda
Cây Bồ-Đề Ananda được trồng gần
cổng của Tu viện Kỳ Viên (Jetavana). Cây Bồ-Đề đã được trồng, theo thỉnh cầu
của ông Cấp Cô Độc, để làm ‘biểu tượng’ thay cho Phật cho những Phật tử cư sĩ
đến tưởng niệm, lễ lạy trong thời gian Đức Phật vắng mặt hay đi giảng pháp ở
nơi khác sau những lần An cư mùa Mưa (vassa) ở Tu viện Kỳ Viên.
Khi ngài Annada thưa lại với Đức
Phật, Đức Phật trả lời rằng, có 3 loại biểu tượng dùng làm đối tượng để tôn
kính Phật, đó là : Xá Lợi từ nhục thân của Phật được đặt thờ trong một bảo Tháp stupa (nào đó) sau khi Đức Phật Bát-Niết-Bàn, một vật dụng được Đức Phật sử
dụng, chẳng hạn như bình bát khất thực, vv…., và những biểu tượng nhìn thấy được,
chẳng hạn như biểu tượng Bánh Xe Chuyển Pháp… Loại đầu tiên là không thể được
trong khi Đức Phật vẫn còn tại thế, trong khi loại thứ ba thì không phù hợp cho
những người không dễ hài lòng với một
biểu tượng hay một hình ảnh đơn giản như vậy. Vì vậy, loại thứ hai có thể dùng
làm biểu tượng để tôn kính Đức Phật khi không có sự hiện diện của Phật và Phật
đã gợi ý là Cây Bồ-Đề (Bodhi)
là biểu tượng tốt nhất để
mọi người tôn kính khi không có Phật. Vì vậy, họ quyết định trong một cây Bồ-Đề
con thuộc cây Bồ-Đề ở Bodhgaya (Bồ-Đề
Đạo Tràng), và ngài Moggallana (Mục-kiền-liên) đệ nhất thần thông
đã được đề cử nhiệm vụ đi lấy cây con về trồng. Sau khi được đem về, cây Bồ-Đề
con được trồng một cách tôn nghiêm ngay cổng của Tu Viện Kỳ Viên bởi ngài Cấp Cô Độc (Anathapindika). Cây lớn lên và trở thành biểu tượng tôn kính khi
không có Phật cho các Phật tử. Theo lời thỉnh cầu của ngài Ananda, Đức Phật đã ngồi
tọa thiền một đêm dưới gốc cây Bồ-Đề
này, làm tăng thêm tính thiêng liêng của cây Bồ-Đề. Cây Bồ-Đề hiện tại chúng ta
đang chiêm bái trông có vẻ già vì nét cổ kính của Cây, nhưng hiện chưa có kết
luận chắc chắn rằng đây chính là cây Bồ-Đề nguyên thủy được trồng từ tận thời
Đức Phật còn tại thế hay chỉ là một cây con cháu của Cây Bồ-Đề nguyên thủy. (Hình 33).
6) Tháp Tưởng Niệm
Cấp Cô Độc - Sudatta Stupa
Về phía Bắc của tu Viện Kỳ Viên
Jetavana, trong khu tàn tích Mahet (thành cổ Sravasti) có một tháp tưởng niệm
ngài Cấp Cô Độc, Tháp Sudatta stupa, là một công trình tưởng
niệm uy nghi nhất trong vùng. Theo nhà sư Pháp Hiển, Tháp stupa này đã được xây trên nền
móng ngôi nhà của ông Cấp Cô Độc. Tàn tích cho biết được Tháp này vẫn còn nguyên
trong giai đoạn thế kỷ 1-2 sau CN. Từ dưới đường, chúng ta phải cố trèo lên một
công trình bằng gạch gồm nhiều khối nền móng hình vuông, đứng trên đó mới có
thể nhìn thấy được những nền móng đã bị chìm lún theo thời gian của 2 tháp tròn
stupas. (Hình 35).
7) Tháp Angulimala Stupa
Gần Tháp Cấp Cô Độc (Sudatta stupa) là một di tích toàn bằng gạch với
một đường hầm chui ở chính giữa, mà ngài Sir Cunningham đã xác định đó là Tháp Angulimala
stupa đã được chứng kiến và ghi chép lại bởi những nhà hành hương Trung Hoa.
Đường hầm cắt xuyên qua toàn bộ phần nền móng của khối di tích, giúp thoát nước
và bảo trì được di tích. Theo Pháp Hiển, Tháp stupa này đánh dấu nơi Angulimala
đã được hỏa tán. Angulimala trước kia từng là một tên tướng cướp, giết
người man rợ, sau đó đã được Đức Phật giảng độ và trở thành một Tỳ kheo. Sau
này bị dân chúng trả thù bằng cách đánh đập, ném đá và ngài đã chịu đựng cho
đến chết để chứng minh cho sự hối hận và lòng hướng thiện của mình. (Hình 36).
8) Nơi Devadatta (Đề-Bà-Đạt-Đa) Bị Lún Chìm Xuống Đất
Theo Luận giảng kinh Pháp Cú, sau
khi Devadatta (Đề-Bà-Đạt-Đa) tạo ra sự chia rẽ trong Tăng Đoàn, ông lập ra bè phái riêng của
mình. Sau khi nghiệp đã đến lúc trả, ông ngã bệnh 9 tháng. Biết được mình sắp
lâm chung, ông nhờ những đệ tử của mình đưa ông đến gặp Phật lần cuối. Khi nghe
được điều này, Đức Phật dự đoán rằng ông Devadatta sẽ không còn kịp gặp được
Phật. Devadatta được khiêng trên kiệu, và khi đi ngang hồ sen trước Tu Viên Kỳ Viên, những đệ tử của ông đặt kiệu xuống
đất và xuống hồ sen để tắm. Devadatta đứng dậy khỏi kiệu và ngồi xuống đất để
nghỉ chân, ông để hai chân xuống đất để ngồi nghỉ, thì hai chân bắt đầu bị lún
xuống đất. Từ từ, đến ống chân, rồi đầu gối, rồi hông, đến ngực và cổ. Trước
khi hoàn toàn bị lún dưới bùn, ông đã cố nói lên ý nguyện là Quy y theo Phật.
Sau đó, ông đã bị tái sinh vào Địa Ngục A-tỳ để chịu những ác nghiệp do ông gây ra.
Nơi ông Devadatta bị chết chìm
được tin là khu đầm lầy vẫn còn đến ngày nay, nằm ở phía sau Chùa Miến Điện (Burmese
Vihara).
9) Tháp Thần Thông Stupa
Theo luận giảng, Đức Phật đã lên cõi trời Đao Lợi (Tavatimsa) để thuyết giảng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma)
cho mẹ của Người trong suốt mùa Mưa Kiết Hạ lần thứ 7. Trước khi lên cõi
trời, Người đã biểu diễn Hai Thần Thông để khuất phục những phần tử ngoại đạo
thách thức. Thần Thông thứ nhất là
việc biến hóa một cây Xoài mọc lên. Sau khi mời người làm vườn tên là Ganda
dâng lên cho Phật một trái xoài, sau khi dùng, Đức Phật đưa hột xoài cho Ganda
và bảo ông ấy đào đất và trồng cái hột xoài ngay
tại chỗ.
Khi ông Ganda trồng hột xoài vừa xong, Phật dùng nước rửa tay ngay trên chỗ trồng. Tức thì một
cây xoài mọc lên, một nhánh thẳng đứng ở giữa và
bốn nhánh ở bốn phía, rồi trổ hoa trái đầy cành, trái chín vô cùng thơm ngon. Ðức
Phật bảo cho mọi người biết chiều hôm sau ngài sẽ thị hiện thần thông nơi cây này, được gọi cây xoài Ganda. Nơi này được tin
là vị trí cái đồi nhỏ nằm gần Khách Sạn Nikko Lotus Hotel khi chúng ta tiến vào
Sravasti. Năm 2000, một cuộc khai quật đã làm lộ ra một tháp stupa bằng gạch, được tin là do Vua
Asoka đã dựng nên. Khu vực này đã được rào lại để bảo vệ di tích Thần Thông trên
đồi. Tháp này được người dân địa phương gọi là ‘Orajhar’. (Hình 32).
Thần Thông thứ hai là chiều ngày hôm sau, Phật tạo một đường
kinh hành bằng ngọc, cầu vòng năm màu trên không
trung, từ Đông sang Tây. Phật bước lên cầu vồng, đi tới đi lui thuyết
pháp, thân mình vừa phun ra lửa và nước, làm tỏa ra ánh sáng sáu màu
chiếu đến cõi trời.
Ðồng thời, một hóa thân Phật cũng xuất hiện
trên cầu vồng, hoặc đi, hoặc đứng, nằm, ngồi,
khi hỏi, khi đáp, cùng với Phật vừa thể hiện thần thông vừa thuyết giảng
Chánh Pháp
cho công chúng nghe. Nghe xong một số đông người đắc quả Tu-đà-hoàn
(Nhập Lưu). Dân chúng
Sravasti được chứng kiến một cảnh tượng thần diệu không thể nghĩ bàn. Hiện nay có tháp Gandhabba
Rukkamula, gần Tu Viện Kỳ Viên (Jetavana), để kỷ niệm nơi này.
10) Tu Viện (Chùa)
Miến Điện & Tu Viện Tích Lan
Khách hành hương đến Sravasti
nên ghé thăm cả hai ngôi tu viện để tỏ lòng thành kính đối với những tu sĩ và
tìm hiểu thêm về những công trình tưởng niệm và lịch sử tại đây. Tu viện Tích Lan có tên là Nava Jetavana
Vihara (có nghĩa là Tu Viện Kỳ Viên Mới), bên trong chúng ta sẽ thấy được
nhiều bức tranh vẽ trên tường, miêu tả lại những sự kiện quan trọng trong cuộc
đời của Đức Phật. Tu viện này cũng đang lưu giữ một số xá lợi Phật trong một cái bát hình tháp stupa để cho những khách viếng được xem.
Tu Viện (Chùa) Miến Điện có tên
đầy đủ là Chùa Phật Giáo Miến Điện (Burmese Buddhist Temple)
và vị trụ trì là Hòa Thượng Sayadaw U Awbatha. Theo như vị Hòa thượng
(Sayadaw) này, mặc dù ngôi chùa mới xây nằm bên ngoài Tu Viện Kỳ Viên nguyên
thủy nằm phía trong hàng rào bảo tồn, nhưng cuộc đất của ngôi Chùa
mới chính là một phần đất của Kỳ Viên Jetavana ngày xưa.
Chùa Miến Điện này mới đây đã
được tu sửa để làm chổ ở miễn phí cho những khách hành hương
đến chiêm bái Sravasti.
2. Sankasia,
Nơi Đức
Phật Hạ Thế từ
Cõi Trời Đao Lợi(3), (16), (25), (26)
2.1 Cách để Đi Đến
Nơi
Sankasia nằm trong ngôi làng Sankisia-Basantapur huyện Farrukhabad,
bang Uttar Pradesh, vị trí giáp giới của 3 huyện lỵ là Farrukhabad, Etah và Mainpuri.
Từ thủ đô Delhi, cách thực tế nhất để đến thăm Sankasia
là đi bằng tàu tốc hành Shatabdhi express từ Delhi đến Etawah, tàu đến đó khoảng
10:30 sáng và chuyển qua xe khách.
Sau khi dùng bữa trưa, lập tức lên đường đi qua Kishni-Bewar-Muhammadabad
để đến Sankasia khoảng 3 giờ chiều. Sau khi thăm viếng Sankasia, chúng ta phải lên
đường đi qua Chhibramau-Kannauj để đến Kanpur.
Khoảng cách từ Sankasia đến Kanpur là khoảng 220 km và
tổng thời gian xe chạy 5 tiếng đồng hồ. Cuối cùng, đến khách sạn ở Kanpur khoảng 10:00 đêm.
2.2 Ý Nghĩa Tôn Giáo
Theo Luận giảng kinh Pháp Cú,
Phần XIV, 2, sau khi Đức Phật đã ở qua hết mùa An Cư Kiết Hạ lần thứ 7 ở cõi
trời Đao Lợi (Tavatimsa) để thuyết giảng Vi Diệu Pháp cho mẹ Người và chư thiên,
Người bảo vua trời Đế-Thích (Sakka) về ý định quay về trái đất của mình. Truyền
thuyết nói rằng, Vua trời Ðế-Thích đã tạo ra ba cầu thang quý báu bằng vàng, bằng bạc và bằng ngọc bảo, từ đỉnh núi Tu-di (Sumeru) đến cổng thành Samkasia. Bên phải là thang
vàng dành cho các vị thần, chư thiên devas, bên trái là thang bạc dành cho Phạm Thiên Brahma và tùy tùng của
Ngài, và chính giữa là Thang Ngọc dành cho Đức Phật. Khi Đức Phật vừa đi xuống
bằng cầu thang ngọc, những vị chư thiên và Phạm Thiên tôn kính đi hai bên khi
Người hạ thế và đặt chân đến tận cổng thành Sankasia. Vì sự kiện thần diệu này, đã được chứng kiến bởi đám đông dân chúng,
nên Sankasia đã trở thành một thánh tích
Phật giáo và nhiều bảo tháp stupas
và tu viện đã được xây lên ở đây.
2.3 Bối Cảnh Lịch Sử
(5),
(6), (27)
Vua Asoka đã viếng thăm Sankasia
vào năm 249 trước Công Nguyên, là một phần trong chuyến hành hương đến tất cả
những thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ. Theo ngài Pháp Hiển, vua Asoka đã xây dựng một đền thờ ngay tại chỗ Đức Phật đặt chân xuống đất. Phía
sau đền thờ, nhà vua dựng một cột đá cao 18.3 m với đầu sư tử được gắn ở trên
và đặt những tượng Phật trên 4 mặt cột đá. Ngài Pháp Hiển cũng chứng kiến những
bảo tháp stupas khác và những tu viện
với khoảng 1.000 Tăng và Ni đang tụ tập. Khi ngài Huyền Trang đến đây vào năm 636
sau Công Nguyên, ngài đã chứng kiến một khu Tịnh Xá (làm chỗ ở của Tăng đoàn) được
xây bằng một kiến trúc rất đẹp, trong đó có khoảng 100 Tăng sĩ và những cư sĩ
Phật giáo. Ngài cũng thấy Trụ Đá Asoka cao khoảng 21 m với những hình điêu khắc
xung quanh bốn mặt trụ đá và ngài cũng có ghi chép lại một số bảo tháp khác. Ngoài
những ghi chép lịch sử của những nhà hành hương Trung Hoa ra, lịch sử của Sankasia
chỉ là trang giấy trắng suốt 1.200 năm cho đến khi ngài Sir Cunningham xác định được Sankasia nằm trong ngôi
làng Sankisa-Basantapur ngày nay thuộc huyện Farrukhabad, bang Uttar
Pradesh. Ngôi làng hiện tại nằm trên một bình nguyên cao khoảng 12.2 m, trong
chu vi 457 m x 305 m hay khoảng 14 hecta.
2.4 Môi Trường
Thời Ban Sơ Của Sankasia
Ngày nay, Sankasia là một trong những nơi thánh
địa xa xôi và chậm phát triển nhất toàn Ấn Độ, như là một tiếng khóc dài từ
thời Đức Phật, lúc bấy giờ được gọi là “thành phố Sankasia”. Khi một số người
Nhật Bản thăm viếng Ấn Độ đã hỏi Thủ Tướng Nehru nơi nào là vùng Phật
giáo nghèo nhất Ấn Độ, ông trả lời rất nhanh: “Sankasia!”. Tình trạng nơi này
đã được cải thiện đôi chút khi bà Ms Mayawati, một Phật tử trở thành
Thống Đốc ban Uttar Pradesh vào tháng 5, 2007 sau khi trước kia đã đảm nhận vị
trí này trong một thời gian ngắn 2002-2003. Ngày nay, đường xá trở nên tốt hơn
và có 1 khách sạn được xây lên để cho những du khách đến Sankasia nghỉ lại.
Tác giả đã viếng thăm Sankasia 10 năm trước. Cảm thấy rất
ấn tượng với môi trường còn ‘ban sơ’
của vùng này, tác giả đã quyết định hướng dẫn những đoàn hành hương từ Malaysia
đến chiêm bái, mặc dù ban đầu rất nhiều người phản đối việc đến nơi hoang sơ,
hoang vắng này. Ban đầu, chuyến đi phải mất cả 1 ngày và đến được Sankasia vào
buổi chiều. Sau đó phải lên đường để đi Kanpur
hoặc Lucknow
mới đến được khách sạn sau nửa đêm. Ngày nay, có Chùa Miến Điện (Burmese
Temple) đã được xây vào năm 2004 và hòa thượng Sayadaw U Nanda đã mời
chúng tôi nghỉ lại qua đêm thay vì phải vất vả lên đường vào buổi chiều tối.
Thật là hữu duyên chúng ta có nơi tá túc qua đêm và được biết đến hòa thượng
Sayadaw U Nanda và được lợi ích học hỏi từ kiến thức sâu rộng của ngài về lịch
sử Sankasia. Ngày nay, nhiều người hành hương đã đến viếng thăm vùng Sankasia
giàu có về di sản thiêng liêng Phật giáo này.
2.5 Những Điểm cần
Thăm Viếng (5),(16), (27)
1) Trụ Đá Asoka (bị gãy) Với Đầu Con Voi
Biểu tượng Con Voi được gắn trên
đầu các trụ đá tưởng niệm là một di tích quan trọng vào thế kỷ 3 trước Công Nguyên. Nó được bảo tồn trong một khu có hàng
rào kín. Gần đó, bên dưới một bóng cây, có một đền thờ nhỏ trong đó có một tượng Phật đứng, hai bên là các Phạm
Thiên và vua trời Đế Thích để miêu tả sự
quay về trái đất của Đức Phật từ cõi trời. (Hình 37, 38).
2) Di Tích Nơi Đức Phật
Đặt Chân xuống Trái Đất
Cách Trụ Đá Asoka khoảng 20m về
phía Nam,
là một khu mô đất của một công trình được xây bằng toàn gạch cứng. Đó từng là
một công trình Phật giáo. Theo Huyền Trang, sau khi những cái thang Đức Phật
dùng để bước xuống mặt đất đã biến mất, những hoàng tử láng giềng đã xây dựng
lên một nền móng dựa vào vị trí của nền móng chỗ ba cái thang đó. Trên đó, có
ngôi chùa được xây (Hình 39, 40)
và gần sát bên là một cột đá cao 21m, được dựng lên bởi
Vua Asoka. Sau khi Phật giáo đã suy vong ở Ấn Độ, ngôi chùa này cũng không
tránh được số phận chung của tất cả những công trình Phật giáo khác, và đã trở
thành tàn tích. Trên đỉnh của nền móng này, hiện nay là một đền thờ nhỏ được
xây lên để thờ vị nữ thần Hindu Visharidevi. Người ta tin rằng, Đức Phật đã đặt chân xuống tại nơi đây ở Sanksia
khi Người trở về từ cõi trời Đao Lợi. (Hình 37).
3) Tu Viện (chùa)
Miến Điện và Tích Lan
Tu sĩ Phật giáo đầu tiên đến cư
ngụ ở Sankasia là cố Đại Đức Vijaya Soma đến từ Tích Lan, ngài đến để
lập một ngôi trường học ở đây. Thật là xúc động khi đến thấy được hai
ngôi tự viện Phật giáo ở vùng Sankasia xa xôi hẻo lánh này. Tu viện
Miến Điện được khai trương vào năm 2000 và tu viện Tích Lan thì được xây dựng
xong vài năm sau đó. Những người hành hương đến Sankasia nên đến viếng thăm hai
ngôi tu viện này để cúng dường, tỏ lòng thành kính và bái phục những vị Tỳ kheo
ở đây, sự có mặt của các ngài làm tăng phần thiêng liêng ở nơi thánh tích xa
xôi này.
2.6 Dân Số Phật
Giáo ở Sankasia
Theo HT. Sayadaw U
Nanda ở Chùa Miến Điện nói trên, Đức Phật đã hạ thế, từ cõi Trời, đặt chân
xuống cổng thành sau Hạ An Cư lần thứ 7 của Người (cách đây khoảng 2600 năm).
Một nhóm những nhà quý tộc thuộc dòng họ Thích Ca đã đến đây để chứng kiến cảnh
thần diệu này và sau đó họ ở lại Sankasia luôn. Sau khi tay Vua hung bạo
Vidhadabu tấn công kinh thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) và tàn sát những
người dòng họ Thích Ca, nhiều người đã chạy trốn qua Ấn Độ và cũng trở thành
những di dân nhập cư đến Sankasia. (Chú
Giải 11).
Ngày nay, có khoảng 250 ngàn người hậu duệ đang sinh sống
quanh những huyện lỵ của Sankasia. Mỗi năm vào dịp Lễ Pavarana (Lễ Tự
Tứ) vào ngày Trăng Tròn của tháng Mười, đông đúc những Phật tử tại địa phương
tập trung về Sankasia để tham gia lễ hội.
Vào đầu thế kỷ thứ 5 sau CN, khi ngài Pháp Hiền đến ở
Sankasia, ngài đã nghe được chuyện xích mích giữa những Bà-la-môn và những
Sa-môn (Sramanas), tức là những Tỳ kheo, về những quyền sử dụng đất
đai ở Sankasia. Theo ngài ghi chép lại, thì những Tỳ kheo đã thua kiện. Sau đó
cả hai bên đều nhiệt huyết với lời thề rằng, nếu những đất đai này thật sự
thuộc về việc sử dụng của những ‘Sa-môn’ Phật giáo, sẽ có điều siêu nhiên xảy
ra để minh chứng cho sự thật đó. Lời thề vừa nói ra, tượng Sư Tử trên đầu Trụ
Đá Asoka phát ra một tiếng gầm của sư tử. Chứng kiến điều thần diệu này, bên
các Bà-la-môn trở nên sợ hãi, cuối đầu chấp nhận và rút lui khỏi cuộc tranh
chấp.
Tuy nhiên, có vẻ như lịch sử sau đó đã khác và hình như
những Bà-la-môn lại tiếp tục tranh chấp và họ đã thành công trong việc đuổi
những Tỳ kheo ra khỏi khu cuộc đất đó. Bởi vì vào thời ngài Huyền Trang thăm
viếng, ngài đã ghi lại như sau: “Chỉ có 4
ngôi tu viện với khoảng 1.000 tu sĩ của trường phái Sammitiya (Chánh Lượng Bộ). Có 10 đền thờ thần Deva, nơi những
môn đồ của nhiều giáo phái khác nhau đang sống. Tất cả họ đều tôn thờ và trì
chú theo Mahesvara”- (Hán Việt
đọc Mahesvara là: Ma hề Thủ La
Thiên Vương).
Vì vậy, có vẻ như từ thời kỳ đầu trước khi ngài Huyền
Trang thăm viếng, những Phật tử ở Sankasia, phần nhiều là những người di trú
đến từ dòng họ Thích Ca, đã cư ngụ ở những ngôi làng xung quanh. Nhiều trong số
họ đều tham dự Lễ Tự Tứ như là một lễ tết hàng năm của họ tộc mình. Tuy nhiên
họ cũng không biết rành rẽ về sự liên quan về mặt lịch sử của họ đối với Phật
giáo Ấn Độ (Phật Thích Ca). HT. Sayadaw U Nanda, một người cũng thông thạo
tiếng Hindu, đã bắt đầu những lớp học vào những ngày Chủ Nhật để dạy cho thế hệ
trẻ về nguồn gốc tổ tiên và tôn giáo gốc của họ.
Chú Giải 11:
Cuộc Di Tản Của Những Người Dòng Họ Thích Ca (Sakya)
Qua Ấn Độ.
Khi vua Vidudabha tàn sát Kapilavatthu
(Ca-tỳ-la-vệ), nhiều người dòng họ Thích
Ca đã trốn khỏi vương quốc Kosala, chạy về phía Nam qua Ấn Độ đến Sankasia
(bang Uttar Pradesh ngày nay). Như đã nói trên, trước đó đã lâu (cách đây 2.600
năm), đã có một nhóm người dòng họ Thích Ca đã đến đây, để chứng kiến cảnh thần
diệu Đức Phật hạ thế từ cõi Trời, sau đó họ ở lại Sankasia luôn. Những người tỵ nạn sau này chạy giặc từ cuộc tàn
sát ở Kapilavatthu đến đây đã làm cho dân số của những người Thích Ca tăng lên
đáng kể.
Tuy nhiên, những
người dòng họ Thích Ca không phải là những người di trú đến nơi duy nhất này từ
kinh thành Kapilavatthu. Theo ghi chép trong quyển Đại Sử (Mahavamsa viii,
18), những nhà tiên tri đã tiên báo cho Sakka Pandu, một người bà con
của Đức Phật và là con trai của Vua Amitodana (Hộc Phạn Vương) về tương
lai sụp đổ của kinh thành Kapilavatthu. Ông này liền kéo theo một nhóm người
của mình thoát đi theo con đường phía bên kia bờ sông Hằng và đến đó lập xứ sở
mới và làm vua ở đó. Ông sinh 7 con trai và 1 con gái. Cô gái tên là
Baddhakaccana, sau đó lấy chồng là hoàng tử Panduvasdeva của triều
vua Pandya xứ Mathura.
Hoàng tử sau này lại thừa kế ngôi của người chú của mình là Vua Vijaya
trở thành Vua Tích Lan.
Một người nổi tiếng
của dòng họ Thích Ca là Devi, chính
là người vợ thứ nhất của vị Vua Asoka và là mẹ đẻ của hoàng tử Mahinda (Ma-Sẩn-Đà) và công chúa Sanghamitta
(Tăng-già-mật-đa).
(Sau
này, hoàng tử Mahinda đã trở thành Đại Đức Tỳ kheo Mahinda lãnh sứ mạng truyền đạo qua Tích Lan và công chúa Sanghamitta cũng
theo anh mình qua Tích Lan truyền đạo và đã
trở thành Tỳ kheo Ni Trưởng đầu tiên ở Tích Lan. Nên nhớ thêm, vị ‘công chúa’
Tỳ kheo Ni này cũng chính là học trò của ngài Moggaliputta Tissa (Mục-Kiền-Liên
Tử-Đế-Tu), người đã triệu tập Hội Đồng Kinh Điển lần thứ Ba dưới sự bảo trợ của
Vua Asoka và cũng chính là người gợi ý Vua Asoka cho 2 người con của mình là
hoàng tử Mahinda và công chúa Sanghamitta xuất gia vào Tăng Đoàn- ND).
Vua
Asoka lấy hoàng hậu Devi khi ngài còn là phó vương xứ Ujjayini (Ujjain).
Bà là một người mến mộ đạo Phật và là người hậu duệ của dòng họ Thích
Ca di trú qua Vedisa sau khi trốn
chạy khỏi sự tàn sát ở kinh thành Kapilavatthu bởi tay
vua Vidudabha.
Trong phần nói về
những di tích ở Sanchi, chúng ta sẽ
hiểu thêm về câu chuyện bà Devi. Bà đã ở lại Vedisa thay vì theo vua Asoka về kinh
đô Hoa Thị Thành. Cùng với sự mộ đạo và xây dựng nhiều công trình tưởng niệm
tại Vedisa bởi Vua Asoka và vợ của mình, Vedisa cũng trở thành một khu thánh
địa với rất nhiều lịch sử Phật giáo, đặc biệt là gắn liền với di tích và xá lợi
của những A-la-hán Đại Đệ Tử của Đức Phật.
3. Rajgir,
Nơi Đức
Phật Hàng Phục Voi Say Nalagiri
3.1 Cách để Đi Đến
Nơi
Rajgir (thành Vương-Xá) nằm trong quận
Nalanda của bang Bihar, cách 70 km về hướng Đông-Bắc của Bodhgaya (Bồ-Đề Đạo Tràng)
và cách 102 km về phía nam của Patna.
3.2 Ý Nghĩa Tôn Giáo
Rajgir là
tên mới của Rajagaha (thành
Vương Xá), là kinh đô cổ xưa của vương quốc hùng mạnh Magadha (Ma-kiệt-đà) nhiều thế kỷ. Vào thời
Đức Phật, nhà vua trị vì là Vua Bimbisara, người sau này bị người con là
Ajatasattu (À-xa-thế) phế truất và mưu hại. Sau khi gặp vị Bồ-tát (tức Đức Phật), nhà vua lấy làm
cảm kích với thân thế hoàng gia của Bồ-tát, nên ông đã xin nhường một nửa vương
quốc cho Bồ-tát. Vị Bồ-tát vừa mới từ bỏ vương quốc Thích Ca và đang trên đường
đi tìm sự bất tử đã từ chối lòng tốt của nhà vua và hẹn khi nào thành Đạo
sẽ quay lại thăm nhà vua.
Ngay sau khi gửi Tăng đoàn 60 vị
vừa mới chứng đạt A-la-hán từ Sarnath
đi nhiều phương khác nhau để truyền bá giáo pháp, Đức Phật một mình đi đến Uruvela,
nơi đó, Người hóa độ được anh em nhà ngài Ca
Diếp (Kassapa) trở thành những
vị A-la-hán. Cùng với một đoàn gồm
một ngàn vị A-la-hán, Đức Phật tiến
về thành Vương Xá Rajgir và được vua Bimbisara tiếp đón long trọng. Sau này, nhà
vua cũng trở thành một Phật tử tại gia và đã cúng dường cho Đức Phật và Tăng
Đòan Vườn Tre Veluvana hay còn
gọi là Trúc Lâm để làm tịnh xá.
Là kinh đô của một vương quốc hùng mạnh như vậy, Rajgir là
trung tâm của những hoạt động thế tục và tôn giáo. Theo Kinh Sa
Môn Quả (Samannaphala-sutta), nhiều đạo sư của các giáo phái khác (lục sư ngoại đạo) đã hoạt động ở Rajgir như: Purana Kassapa, Makkhali Gosala,
Ajita Kesakambali, Pakudha Kaccayana, Nigantha Nattaputta và Sanjaya
Belatthaputta. Trong số những môn đồ của Sanjaya có 2 Bà-la-môn giàu có. Đó là Upatissa và Kolita, thường
được gọi với tên là: Sariputta (Xá-Lợi-Phất)
và Moggallana (Mục-Kiền-Liên).
Cả 2 người đều gia nhập Tăng đoàn và trở thành Tỳ kheo sau khi được chuyển hóa bởi
Tỳ kheo A-la-hán Assaji, và đã
trở thành 2 vị Đại Đệ Tử Thứ Nhất và Thứ Hai của Đức Phật. Theo sau sự
chuyển hoá của những vị đó, nhiều du sĩ tu khổ hạnh (paribbajakas) cũng đã trở thành những đệ tử của
Đức Phật. Trong số những Phật tử cư sĩ, nổi bật là lương y hoàng cung Jivaka
là con nuôi của Hoàng Tử Abhaya; và triệu phú Upali, một người theo
phái Kỳ-na giáo của Nigantha Nattaputta (Ni-kiền-tử), người đã được phái tổ
Kỳ-na giáo là Mahavora phái đến để tranh luận với Đức Phật nhưng đã được Đức
Phật chuyển hóa và trở thành một Phật tử cư sĩ.
Vì vậy, Rajgir đã trở thành một trung tâm Phật giáo vì danh
tiếng của Đức Phật đã được biết nhiều ở khắp xứ Magadha (Ma-kiệt-đà).
Rajgir cũng là nơi mà Devadatta cố gắng bày nhiều âm mưu giết hại Phật để lên
lãnh đạo tăng đoàn. Đầu tiên là ông đã thuê những cung thủ ám sát Đức Phật, nhưng khi đến thấy
Phật, họ đã được chuyển hóa bởi Đức Phật. Sau đó, khi Đức Phật đang leo lên
đỉnh núi Linh Thứu (Gijjhakuta), Devadatta đã lăn đá từ trên đỉnh núi xuống, nhưng hòn đá không trúng Phật mà
sượt qua làm bị thương một bàn chân.
Lần cuối cùng, ông đầu độc cho Voi tên Nalagiri uống rượu say trở thành voi điên và thả voi ra đường để giết Đức
Phật. Nhưng Đức Phật đã dùng tâm từ bi
của Người và hàng phục con Voi. Cũng
bởi vì điều kỳ diệu này, Rajgir trở thành một nơi hành hương quan trọng của
Phật giáo. Trong khi Devadatta đang cố sát hại Đức Phật thì vua con Ajatasattu
(À-xa-thế) lại lật đổ vua cha Bimbisara
và giam cầm cha mình và bỏ đói cho đến
khi chết. Dù sau này ông nhận thấy được tội lỗi bất hiếu tày trời, nhưng vua
cha đã chết ngay trước đó. Vua Ajatasattu, sau khi được khuyên bảo bởi Jivaka,
đã đến xin phật giảng độ và đã trở thành một
Phật tử cư sĩ. Sau Đại Bát-Niết-bàn
của Đức Phật, ông đã dắt quân đến Kusinara để xin được chia phần Xá-Lợi Phật.
Ông cũng là người bảo trợ cho Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Phật giáo Lần thứ Nhất
(Sangiti) được tổ chức tại Đại
Hang Động Sattapanni ở Rajgir.
3.3 Bối Cảnh Lịch Sử
(5),
(27), (36)
Rajgir không còn giữ được vị trí
chính trị sau khi con của vua Ajatasattu (À-xa-thế) là Udayibhadda, giết
cha mình và chuyển kinh đô về Pataliputta (Hoa Thị Thành). Nhưng sự kiện
Vua Asoka vẫn hành hương về Rajgir và đã xây bảo tháp Stupa và Trụ Đá tưởng niệm có khắc tượng voi
trên đầu trụ đá cho thấy được nơi này vẫn là một trung tâm Phật giáo quan trọng
trong nhiều thế kỷ và thánh địa quan trọng của lịch sử Phật giáo. Khi ngài Pháp Hiển đến đây vào thế kỷ thứ 5,
ngài chứng kiến thành cổ đã tiêu điều, nhưng bên ngoài phía những khu đồi gần
tu viện Trúc Lâm Veluvana, ngài
đã gặp một nhóm tỳ kheo sống trong tu viện này. Khi ngài Huyền Trang đến viếng thăm nơi này vào
năm 637-638 sau Công Nguyên, nơi này chỉ còn lại những nền móng, vách và những
tàn tích của thành vách, nhà cửa mà thôi. Ngài cũng thấy bảo Tháp Asoka cao
18.3m và bên cạnh đó là Trụ Đá Asoka,
cao khoảng 15.2m với đầu hình sư tử ở trên; thấy được khu nhà đá Pippala được cho là hang động, thạch thất của ngài
Đại Ca Diếp (Mahakassapa) và những hang động Sattapanni.
Ngài cũng đã viếng thăm Đỉnh Núi Linh
Thứu (Gijjhakuta) và
thấy một ngôi chùa bằng gạch (vihara)
ở gốc phía Tây của khu đồi và những tháp
stupas
ở gần đó .
Mặc dù không còn ghi chép nào
khác về Rajgir sau chuyến hành hương của Huyền Trang, nhưng những cổ vật được
phát hiện trong những cuộc khai quật năm 1905-1906 cho thấy, cũng giống như
những thánh địa khác, Rajgir đã vẫn tiếp tục là trung tâm phật giáo với những
đền tháp cho đến tận thế kỷ 12 sau Công Nguyên. Theo ghi chép của ngài Pháp Hiển,
vua Ajatasattu (À-xa-thế) đã xây dựng thêm nhiều thành lũy bao bọc năm khu đồi:
Vebhara, Pandava, Vepulla, Gijjhakuta và Isigili; tức là bao bọc hết kinh thành cổ Vương Xá Rajagaha.
Ngôi làng Rajgir ngày nay bao gồm một phần của ‘thành Vương Xá mới’ được bao
bọc lại đó, Thành được đắp bằng đất và đường chu vi tạo thành hình ngũ giác dài
khoảng 5km. Ở phía Nam Raigir ngày nay, chúng ta vẫn còn thấy được một thành
pháo đài dùng để bảo vệ kinh thành thời cổ xưa đó. Tường thành có độ dày
4.6-5.5m và nhiều nơi có chiều cao đến 3.4m.
3.4 Những Điểm cần
thăm Viếng (5), (27), (36)
1) Trúc Lâm (Veluvana)
và Ao Nước Karanda
Khi vua Bimbisara nghe tin Đức
Phật cùng một đoàn Tỳ kheo 1000 vị A-la-hán
đến viếng thăm vua, nhà vua đã đến khu bìa rừng để đảnh lễ Đức Phật. Nhà vua
được Đức Phật giảng đạo và đã chứng được thành quả Nhập Lưu, tầng thánh thứ
nhất. Sau đó, nhà vua mời Phật và Tăng Đoàn đến cung điện để thọ trai trong
những ngày sau đó và đã cúng dường khu vườn Tre Veluvana (Trúc Lâm) để
làm nơi tịnh xá (arama) cho Đức Phật và Tăng đoàn.
Khi tác giả quyển sách này lần
đầu tiên đến viếng thăm khu vườn vào năm 1991, nơi này um tùm những bụi cây mọc
kín và phía Nam
gần nơi suối nước nóng có một số mồ mả của người Hồi Giáo được nhìn thấy ở trên
mồ đất cao bên trái cổng vào. Nghĩa trang này được tin chính là vị trí của tu
viện Trúc Lâm ngày trước (Veluvana Vihara) được xây bởi vua Bimbisara.
Toàn bộ khu vực được dọn trống và Trúc Lâm bây giờ nhìn giống như một công
viên, được trồng nhiều cây bóng mát và tre và những bông hoa, như để diễn tả
lại vẻ đẹp của một khu vườn hoàng gia của vua Bimbisara. Gần khu vực Trúc Lâm
có một hồ chứa nước lớn có tượng hình Đức Phật ở giữa hồ. Hồ này được tin là ao
nước Karanda được ghi lại trong kinh
điển Phật Giáo (Karanda kanivapa), nơi Đức Phật thường hay đến tắm. (Hình 41).
2) Thạch Thất Pippala
Không xa Tu Viện Trúc Lâm, gần
chân đồi Vebhara, là những suối nước nóng của Rajgir, nơi mọi người thường
ra tắm nước nóng. Phía trên những suối nước nóng này, phía bên phải của con
đường lên núi, là một cấu trúc bằng đá được người dân ở đây gọi là “machan”
(tháp canh, chòi canh gác). Cấu trúc này có hình khối lập thể dài 26m, rộng 25m
và cao 7m, được xây trên một tảng đá nguyên khối nằm trên. Theo ngài Sir
John Marshall, người đã tiến hành khai quật khảo cổ năm 1905-1906, cấu trúc
này nguyên thủy là một chòi canh gác, và
sau này nó không còn được dùng vào mục đích quân sự nữa, những người tu hành
dùng làm nơi trú ngụ và tọa thiền. Cấu trúc này được tin là nhà đá hay Thạch Thất
Pippala, nơi cư ngụ của ngài Đại Ca Diếp (Maha Kassapa), cũng là
người chủ trì Hội đồng Kết Tập Lần Thứ Nhất. Theo Tiểu Bộ Kinh V, 78, Đức Phật đã đến thăm ngài Đại Ca Diếp khi ngài bị
bệnh và đã thuyết giảng về Bảy Yếu Tố Giác Ngộ (Thất
Giác Chi), mà sau khi nghe xong ngài Đại Ca Diếp thấy bệnh không còn nữa. (Hình 42).
3) Những (Đại) Hang
Động Sattapanni
Những (Đại) Hang Động Sattapanni,
di tích nơi Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Phật
Giáo đã diễn ra 3 tháng sau khi Đại Bát-Niết-Bàn
của Đức Phật vào năm 543 trước CN. Khu hang động nằm trên đồi Vebhara, phía
trước một đền thờ lớn của Kỳ-na giáo. Có một con đường hẹp chạy xuống đồi
khoảng 30m thì thấy một mái hiên nhân tạo dài ngay trước một hàng 6 hang động
liên tiếp, nguyên thủy có lẽ là 7 hang. Những hang động đều được dán niêm phong
để cho du khách không được vào vì lý do an toàn. Mái hiên trước những hang động
dài 36.6m và rộng nhất là 10.4m, và một phần của bức tượng bằng đá nguyên tảng
vẫn còn được thấy. Nơi này hoàn toàn đúng với miêu tả về Hang động Sattapanni lịch sử được ghi chép trong kinh điển Phật
giáo nguyên thủy, nơi có 500 vị A-la-hán
hội nghị để tụng đọc, trùng tuyên và kết tập những lời phật đã dạy. Trải qua
hơn 2.500 năm, thời gian đã làm phai nhạt nhiều nơi xưa, khu sảnh đường bên
dưới mái hiên dài đó có lẽ lớn hơn nhiều vào lúc kết tập để chứa được nhiều vị A-la-hán tham gia nghị sự. (Hình 43)
4) Nơi Giam Cầm Vua Bimbisara
Cách khoảng 2.5 km về phía nam
của Tu viện Trúc Lâm, bên cạnh đường đi là bốn khu đất rộng 6m được bao bọc kín
bởi bức tường đá dày 2m. Nơi này là nhà
tù nơi vua con À-xa-thế đã phản nghịch và giam cầm vua cha Bimbisara của mình sau khi cưỡng đoạt ngôi vua.
Theo ghi chép, thì từ nơi giam cầm này nhà vua có thể nhìn thấy Đức Phật ngồi
bên Đỉnh Linh Thứu (Gijjhakuta), làm
cho nhà vua càng thêm được yên ủi và trong lòng hoan hỷ mặc dù đang bị giam cầm
và bỏ đói một cách oái ăm.
5) Vườn Xoài Jivaka
(Jivaka ambavana)
Theo nguồn kinh tạng Pali, Vườn
Xoài của ông lương y Jivaka nằm
giữa Cổng Đông của kinh thành và núi Linh Thứu (Gijjhakuta), và khu di tích này nằm
không xa lắm từ chân núi Linh Thứu. Theo Luật tạng, Jivaka Komarabhacca là
con nuôi của Hoàng Tử Abhaya, người đã tìm thấy ông lúc là đứa bé bị bỏ
rơi trên đống đất và hoàng tử đã mang về nuôi. Sau khi ông lớn lên, ông đến
Taxila để theo học ngành y 7 năm. Để kiểm tra kiến thức lương y mà ông đã học
được, người thầy đã yêu cầu ông đi khắp Taxila tìm hết những cây không phải là
vị thuốc đem về cho thầy coi. Jivaka đã chứng tỏ mình rất thông thạo về tất cả
các cây thuốc, ông đã quay về nói với người thầy, sau một thời gian lâu tìm
kiếm, là ông không thấy cây nào không phải là cây thuốc hết, trong khu vực bán
kính 1 yojana (13 km) xung quanh Taxila.
Sau khi trở về thành Vương Xá,
ông đã trị bệnh cho rất nhiều người bằng thuốc và giải phẩu, một kỹ thuật không
được nghe đến thời bấy giờ. Ông đã trở thành một thầy thuốc và nhà phẩu thuật
hàng đầu ở Rajgir và đã trở nên rất giàu có nhờ nghề y. Vào một lúc nào đó ông
đã trở thành một Phật tử tại gia và ông đã từng có những lúc đến gặp Đức Phật
thường xuyên 3 lần một ngày. Khi chân Đức Phật bị thương vì tảng đá mà
Devadatta dùng để mưu sát từ trên đỉnh núi, thì cũng chính Jivaka đã đến chữa trị cho Phật. Ông thấy rằng tu
viện nơi Phật cũng không xa nhà ông lắm, nên ông đã trồng một vườn xoài rất lớn
và cúng dường cho Phật để làm tu viện. Di tích tu viện này đã được khai quật gần đây, làm lộ ra một
nền móng đã bị chôn vùi của tu viện được xây theo hình bầu dục, đúng theo thiết
kế của tu viện.
6) Đỉnh Linh Thứu -
Gijjhakuta
Đỉnh (ngọn núi) Gijjhakuta
là
một nơi được Đức Phật ưa thích đến và là bối cảnh trong rất nhiều bài
kinh quan
trọng mà Đức Phật thuyết giảng trong thời gian người lưu lại ở thành
Vương-Xá (Rajgir). Để lên được đỉnh, chúng ta phải leo lên theo một
đường bậc tâng cấp bằng đá, rộng
6.1m-7.3m, được gọi là con đường Bimbisara, vì được Vua Bimbisara xây dựng để ngài
leo lên đỉnh để gặp Đức Phật. (Hình 44).
Con đường bằng đá kết thúc khi gần đến đỉnh núi, ở đó chúng ta có thể thấy được
2 hang động tự nhiên, được tin là
nơi ở của ngài Sariputta (Xá-Lợi-Phất)
và Ananda.
Trên đỉnh núi, chúng ta sẽ thấy
được 1 khối đá gran-nit nhọn trông
xa giống như là một con linh thứu đang đứng với 2 cánh tay xếp lại, cho nên đỉnh
núi này được gọi tên như vậy. Gần đây, người ta đã cho xây 1 cầu thang đi bộ
bằng xi-măng dành cho du khách leo lên đỉnh núi. Trên đó được xây 1 mái hiên bằng phẳng được bao bọc bởi
một bức tường thấp để bảo vệ, với một đền thờ gần bên vách núi. (Hình 45). Vị Trí này tạo một tầm nhìn bao
quát xuống toàn bộ thung lũng bên dưới.
Đây là nơi rất hợp cho khách
hành hương đến đây để thực hiện các thời công phu cúng đường hoặc đi
vòng quanh và tụng kinh tôn
kính Đức Phật và tọa thiền.
Gần đó, có một hang động nhỏ
hơn, được tin là hang động của ngài Moggallana (Mục-Kiền-Liên).
7) Maddakucchi (Xoa
Bụng)
Theo tiếng Pali, từ maddakucchi có nghĩa là “xoa
bụng”, vì do sự tích là tại nơi này, hoàng hậu của Vua Bimbisara, sau
khi biết được bà đang mang thai một đứa con nghịch tử, sẽ giết cha, bà đã cố gắng phá bỏ bào thai, bằng cách xoa mạnh, chà xát bụng mình. Địa danh
Maddakucchi, được ghi lại trong kinh điển Phật Giáo, nằm ngay chân núi Linh Thứu.
Nơi này cũng chính là nơi Đức Phật được khiêng trên băng ca vải sau khi người
bị thương ở chân bởi tảng đá rơi mà Devadatta mưu sát trên đỉnh núi.
Trước kia, nơi dây cũng có một Vườn
Nai và một tu viện.
8) Tu Viện Miến
Điện
Tu Viện Miến Điện tọa lạc trên đỉnh đồi của thành Rajgir
Mới, là một tu viện hiện đại mới được xây vào năm 1958 bởi một Tỳ kheo trưởng
lão Theravada là Sayadaw U Zayanta.
Gần đây, người ta đã xây thêm một điện thờ mới để thờ xá lợi Phật.
3.5 Những Tàn
Tích Của Đại Tu Viện Nalanda (Nalanda Mahavihara)
Tàn tích Đại Tu Viện Nalanda
Mahavihara đã được khai quật vào năm 1871 bởi Ngài Sir Alexander
Cunningham, người đã xác định được di tích này nằm ngay ngôi làng Baragon sau
này, dựa vào ghi chép của ngài Huyền Trang. Nằm cách Rajgir chỉ 12km, khu di tích này trải dài trên một diện tích
rất rộng, gồm có những di tích tu viện,
bảo tháp stupas và đền thờ. Dọc theo chiều dài từ Nam đến Bắc là khu tu viện nằm bên
phía Đông và khu đền tháp nằm bên phía Tây. Những Tu viện được xây dựng theo
kiểu gần giống nhau, và cho đến hôm nay, ít nhất cũng có 11 khu tu viện và 5
khu đền tháp thờ đã được tìm thấy. Một trong những tháp thờ uy nghi nhất ở
Nalanda là Tháp thờ Xá-Lợi-Phất, Sariputta
stupa, được xây dựng để tưởng
niệm vị Đệ Nhất Đại Đệ Tử của Đức Phật. Ngài đã được sinh ra và qua đời
ở ngôi làng bên cạnh, làng Nalaka.
4. Vesali,
Nơi
Bầy Khỉ Cúng Dường Mật
Ong Cho Đức Phật
4.1 Cách để Đi
Đến Nơi
Vesali hay Vaishali (Tỳ-Xá-Ly) nằm xung quanh ngôi làng
Basrah ở huyện Muzaffapur, bang Bihar, cách khoảng 55 km về phía Bắc của Patna qua Sông Hằng.
4.2 Ý Nghĩa Tôn
Giáo(3), (4), (25)
Vesali hay Vaishali, là kinh đô của bộ tộc người Licchavi hay người Vajjis (Bạt-kỳ), là thủ đô của một nền liên bang Bạt-kỳ gồm 8 bộ
tộc, trong đó bộ tộc Bạt-kỳ (Licchavi) và Videhan là quan trọng nhất. Đây là
một nền cộng hòa đầu tiên trên thế giới, được xây dựng theo 7 điều luật qui
định cung cách ứng xử của họ (satta Aparihaniya dhamma) hay còn gọi là 7 điều kiện để dẫn đến những
phúc lợi của mọi người, do Đức Phật giảng dạy khi Người lưu trú tại đền thờ Saranda
ở Vaishali. Vì vậy, sau khi liên bang lại, họ trở thành rất hùng mạnh. Nên
vua Ajatasattu (À-xa-thế) đã âm mưu cài một Bà-la-môn là Vassakara vào
trong để tạo bất đồng trong các hoàng tử Bạt-kỳ trong vòng 3 năm, làm
rối loạn sự thống nhất của họ và họ trở nên suy yếu. Lúc đó, họ không còn đoàn
kết để bảo vệ liên bang, và thừa cơ đó Ajatasattu đã xâm lược và thâu tóm họ.
Đức Phật đã đến Vaishali một số
lần, và Người đã ở lại đây qua 2 mùa
An Cư thứ 5 và thứ 44. Nhiều nhà quý tộc người Licchavi đã trở thành những đệ tử của Phật. Khi thành Vaishali bị
nạn dịch bệnh, chết đói và ma quỷ, những nhà quí tộc Licchavi đã thỉnh
cầu Đức Phật đến giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn. Đức Phật đã đến giảng bài Kinh Ratana
Sutta (Kinh Ngọc Bảo) và chỉ dụ cho ngài Ananda đi khắp kinh thành
tụng đọc để hộ niệm, bảo vệ cho mọi người. Sau đó, Đức Phật tụng đọc kinh này 7 ngày và tất
cả dịch bệnh đã được giảm đi.
Những sự kiện lịch sử đã làm cho
thành Vaishali trở thành một thánh địa quan trọng trong cuộc hành hương Phật
giáo đó là sự kiện bầy khỉ cúng dường mật ong cho Đức Phật, một trong 4
điều thần diệu diễn ra trong cuộc đời của Đức Phật.
Cũng tại thành Vaishali, Đức
Phật đã cho phép phụ nữ được gia nhập vào Tăng Đoàn sau khi ngài Ananda đã
thành công trong việc thuyết phục Đức Phật chấp thuận việc thọ giới cho bà Maha
Pajapati Gotami (là bà dì mẫu của Đức Phật lúc mới sinh ra) và những phu
nhân khác của dòng họ Thích Ca. Sau đó, Đức Phật đã xác lập ra Tám Giới Cấm
(Bát
Kỉnh Pháp) bên cạnh Giới Luật Tỳ kheo
dành cho chư Tăng, mà các Tỳ kheo Ni (bhikkhunis)
phải “tôn trọng, tôn nghiêm, tuân thủ và trì giới và không bao giờ được vi
phạm”. Như vậy, Tăng Đoàn Tỳ kheo Ni hay Ni Đoàn đã được thành
lập ở thành Vaishali (Tỳ-xá-ly).
Một lần, Khi Đức Phật đang ở tại
Vườn Xoài của nữ thí chủ Ambapali, một kỷ nữ ở thành Vaishali, người đã
thỉnh mời Đức Phật đến nhà để thết đãi trai Tăng. Sau đó, những người quý tộc
Licchavi muốn đền tiền cho cô, bù lại cô phải nhường buổi cúng dường trai Tăng
lại cho họ, để họ được diện kiến Đức Phật. Nhưng cô đã khéo léo từ chối, bởi vì
cô quan trọng buổi cúng dường trai Tăng hơn là tiền bạc, và thậm chí sau khi
trai tăng, cô đã cúng dường khu vườn xoài cho Phật và Tăng Đoàn.
Đức Phật trải qua Hạ An Cư
cuối cùng của cuộc đời Người tại thành Vaishali này, ở đó Đức Phật đã nói
ra ý định sẽ đến sống ở đền thờ Capala.
Sau khi Đại Bát-Niết-bàn (Mahaparinibbana) của Đức Phật, những người
Licchavi cũng đã đến chia phần xá lợi Phật ở Kusinara và mang về xây đại bảo
tháp stupa để thờ trong thành
Vaishali.
4.3 Bối Cảnh Lịch Sử (5), (27), (37), (38)
Sau Đại Bát-Niết-bàn của Đức Phật, liên bang Bạt-kỳ đã bị đánh bại và
thâu tóm bởi vua Ajatasattu (À-xa-thế), và sau đó ông bị vua con của
mình là Udayibhadda giết chết và dời kinh đô từ thành Vương-Xá Rajgir về
Pataliputta (Hoa Thị Thành), nằm ở bên kia bờ Sông Hằng của thành
Vaishali (Tỳ-Xá-Ly). Theo Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa), triều đại
Udayibhadda lại được tiếp ngôi bởi 3 thế hệ những ông vua con nghịch tử giết
vua cha, đó là những vua: Anuruddha, Munda và Nagadasa,
tất cả mỗi người đều giết vua cha để đoạt ngôi, theo một cách gia truyền. Vào
thời đó, dân chúng không thể tiếp tục chịu đựng một triều đại của những tay
vua giết cha đoạt ngôi như vậy. Nagadasa đã bị lật đổ bởi tướng Sisunaga,
con của một hoàng tử người Licchavi, ở Vaishali. Sau đó, Sisunnaga được nối
ngôi bởi con trai là Kalasoka, và lúc đó là đúng 100 năm kể từ
khi Đại Bát-Niết-bàn của Đức Phật.
Vào thời đó, Vaishali
(Tỳ-Xá-Ly), nhiều Tỳ kheo thiếu tự trọng của tộc người Vajjis (Bạt-kỳ) đã tự do
thực hành 10 Điều Miễn Chấp của họ, (còn gọi là 10 Điểm Của Tu Sĩ
Bạt-Kỳ), vốn không đúng với
những giới luật Tỳ kheo mà Đức Phật đã lập ra. Ngài Yasa của xứ Kosambi,
trong khi trú ngụ tại thành Vaishali, đã thấy được sự tha hóa này và đã
lên tiếng phản đối, kết quả là ngài đã bị những tu sĩ Bạt-kỳ áp dụng hình phạt trục
xuất ngài. Ngài Yasa, cùng với những Tỳ kheo khác đã đến nhờ ngài Revata
của xứ Soreyya, người đứng đầu trong Tăng Đoàn để giải quyết sự việc này.
Sau nhiều khúc quanh tranh chấp và bất đồng với những tu sĩ Bạt-kỳ và nhân cơ
hội này, (xem thêm “Giáo Trình Phật Học”,
Chương 17 - Tam Tạng Kinh Điển”), Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Hai đã
được triệu tập tại Tu Viện Valukarama ở thành Vaishali vào thời
của triều đại Vua Kalasoka và hơn 700 A-la-hán đã tham dự.
Ngài Sabbakami, một trưởng lão A-la-hán
cao niên nhất, được hỏi bởi ngài Revata, đã xác định 10 Điểm đó là trái luật
so với Luật Tạng. Mặc dù quyết định đã được chấp nhận vô điều kiện bởi Hội
Đồng, những tu sĩ Bạt-kỳ vẫn không chấp nhận phán quyết này. Điều đó đã dẫn đến
sự chia rẽ trong Tăng Đoàn và những tu sĩ Bạt-kỳ đã lập ra trường phái Mahasanghika
(Đại Chúng Bộ) và họ đã tổ chức một hội nghị lớn của riêng họ và gọi là Đại Hội
Đồng Tăng Già (Mahasangiti), ý nói là số đông, và từ đó trường phái Đại
Chúng Bộ ra đời.
Từ đó trở đi, nhiều cuộc phân ly
giáo phái khác đã dẫn đến nhiều giáo phái, trường phái Phật giáo khác nhau. Và
theo thời gian, 11 giáo phái đã tách ly ra từ trường phái Theravada,
trong khi 7 giáo phái khác đã được phái sinh từ trường phái Mahasanghika
(Đại Chúng Bộ), kết cuộc là có đến 18 trường phái trong lịch sử Phật
giáo thời bấy giờ. Đó là một lịch sử dài tốn nhiều giấy mực mà nguồn gốc phân
ly đầu tiên được cho là xuất phát từ xứ Vaishali của những người Bạt-kỳ này.
Vua Asoka, đã đặt kinh đô
Vương Quốc Maurya ở Pataliputta (Hoa Thị Thành), gần Vaishali, đã dựng
lên ở đây một bảo tháp Stupa
để thờ xá lợi Phật và bên cạnh là một Trụ đá Asoka với đầu trụ hình Sư tử, khi
ngài viếng thăm Vaishali, là một phần của cuộc hành hương lưu danh hậu thế từ
năm 249 trước CN của nhà vua. Ngài Pháp Hiển đã đến viếng thăm Vaishali
vào khoảng 400 năm sau CN và có ghi lại tháp stupas đã được dựng lên để thờ Phật. Ngài cũng thấy được một bảo
tháp được dựng lên tại địa điểm của Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Hai, và một
bảo tháp stupas được xây dựng để thờ
xá lợi hơn một nửa nhục thân của ngài Ananda.
Theo truyền thuyết ghi lại, khi
ngài Ananda được 120 tuổi, ngài biết được kiếp của mình đã gần kết thúc, nên
ngài đã đi từ thành Rajgir (Vương-xá) đến thành Vaishali (Tỳ-xá-ly), theo dấu
xưa của Đức Phật. Sau khi nghe được ý định của ngài Ananda, dân chúng của nước Magadha
(Ma-kiệt-đà) và Vaishali (Tỳ-xá-ly) đã tấp nập ra hai xứ để chào từ
biệt ngài. Để cho công bằng tấm lòng của dân chúng, ngài phi thân vào không
trung và nhập định (Samadhi) và toàn nhục thân được đốt cháy bằng một
lửa bùng nổ nhanh chóng, biến thành tro, rơi xuống hai bên xứ. Người dân bên
mỗi thành nhận một nửa xá lợi của ngài đem về xây bảo tháp để đặt thờ.
Ngài Huyền Trang đến thăm
năm 630 sau CN đã miêu tả thành Vaishali rộng khoảng 26-31 km2, nhưng tất cả
đều đã bị tàn phá. Ngài cũng chứng kiến được bảo tháp được xây bởi những hoàng
tử Licchavi để thờ xá lợi Phật mà họ mang về từ Kusinara, bảo Tháp Asoka stupa và Trụ Đá Asoka có đầu hình
Sư tử và gần đó có một cái Ao Nước, theo ghi chép là do bầy khỉ
(Markata-hrada) đào để cho Đức Phật dùng. Không xa về phía Nam có thêm 2 tháp stupas; một tháp là điểm di tích nơi bầy
khỉ lấy bình bát của Đức Phật, leo lên cây để lấy mật ong, và
tháp kia là điểm di tích nơi bầy khỉ dâng cúng mật ong cho Đức Phật.
Huyền Trang ghi lại rằng, bên
trong, bên ngoài, xung quanh thành Vaishali, có rất nhiều bảo tháp, đền thờ
tưởng niệm không thể nhớ hết được.
Cũng giống như những thánh địa
khác, sau cuộc chiêm bái của ngài Huyền Trang, lịch sử của Vaishali chỉ là tờ
giấy trắng, rơi vào quên lãng suốt 12 thế kỷ. Thành cổ Veshali nằm trên
đống tàn tích, không ai biết đến và nghe đến cho đến tận cuối thế kỷ 19, khi
Ngài Sir Cunningham đi khảo cổ và đã xác định được di tích nằm trong và
xung quanh địa danh Basrah (vào
thời Cunningham), thuộc huyện Muzaffapur, bang Bihar.
Ngày nay, đa số những di tích
chính đều nằm trong ngôi làng Kolhua, các Patna khoảng 55km.
4.4 Những Điểm Cần Thăm Viếng (5), (24), (27)
1) Raj Vishal ka Garh
Basrah, cách 35 km về hương Tây Nam
của Muzzaffarpur, đã được xác định là vị trí di tích thành cổ Vaishali. Khu di
tích Raj Vishal ka Garh được tin là khu cấm thành hay thành nội Vaishali,
nơi mà 7,707 vương tôn quý tộc đại biểu của liên bang Bạt-kỳ (Vajjis)
dùng để hội họp và thảo luận những tình hình hằng ngày. Khu tàn tích bao gồm
một khu lớn xây bằng gạch cao 2.5 m so với những khu vực xung quanh nó, chu vi
1,500 m và 42.7 m đường hào bao bọc xung quanh nó. Bên cạnh đó là một ao nước,
được tin là nơi để cho những hoàng tử Licchavi đến tắm. Vị trí này nằm cách 3.2
km về hướng Tây Nam
của Trụ Đá Asoka ở Kolhua.
2) Di Tích Bảo Tháp Của Người Licchavi
Khoảng một Km về hướng Tây Bắc
của khu cấm thành, có một nơi ở có một mái vòm che lớn. Bên trong đó là di tích
của một bảo tháp stupas, mà nguyên
thủy nó là một câu trúc bằng đất, với những lớp bằng đất sét hình tròn, đường
kính khoảng 25 feet (khoảng 7.6m). Tháp stupas
bằng đất nguyên thủy rất cũ kỹ, được tin là được làm từ thời trước thời Asoka.
Từ những suy luận khoa học từ những đường nét nguyên thủy, tháp này được tin là
tháp do người Licchavi ở Vaishali xây dựng lên để thờ xá lợi Phật. Có vẻ
nơi này cũng đã được Vua Asoka cho đào lên để lấy xá lợi Phật mà vài phần xá
lợi còn sót lại trong tháp cổ nguyên thủy này, theo như ý kiến của ngài Huyền
Trang. (Hình 47)
3) Trụ Đá Asoka
Tại Kolhua, cách khu cấm thành
Vaishali 3.2 km về hướng Đông Bắc là công trình Trụ Đá Asoka thật ấn tượng do
Asoka xây dựng lên cách đây 2,250 năm. Do hoàn toàn là một khối đá sa thạch nguyên
khối được mài bóng với tượng hình sư tử gắn trên đầu. Chiều cao 6.7 m trên
mặt đất, với một phần lớn của trụ đá lún xuống mặt đất sau thời gian dài. Mặc
dù không có khắc ghi điều gì trên trụ đá, nhưng đây là một trong những trụ đá
mà Vua Asoka đã dựng lên để tưởng niệm những thánh tích trong suốt chuyến hành
hương của ông từ thủ đô Pataliputta đến Lumbini từ năm 250-249
trước CN. Xung quanh đó, còn rải rác một số tháp nhỏ bằng gạch. (Hình 46).
4) Tháp Asoka Stupa
Gần bên Trụ Đá Asoka là tàn tích
của Tháp Asoka Stupa được
chứng kiến bởi ngài Huyền Trang. Đó là một kiến trúc mô đất hình vòm cao
4.6 m và đường kính 20 m. Trong quá trình khai quật của ngài Cunningham, một
hộp lớn bằng đá đựng xá lợi Phật đặt thờ bên dưới tháp đã được tìm thấy.
Nơi đây là một nơi rất thuận
tiện để thực hành những công phu cúng đường (puja), cùng với tọa thiền hay hành thiền xung quanh bảo tháp.
5) Ao Khỉ (Markata-hrada)
Gần trụ đá là một cái ao nước
nhỏ, đươc gọi là Rama-kunda, được ngài Cunningham xác định chính là cái ao nước
thời cổ xưa mà bầy khỉ đào lên để cho Đức Phật dùng. (Hình 46).
4.5
Thành Patna (Hoa Thị Thành) Nơi Diễn Ra Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Ba (5), (38), (39)
1) Vườn Kumhrar hay Tịnh Xá Asoka- Asokarama
Khu vườn này nằm ở Patna được
tin là nơi diễn ra Hội Đồng Kết Tập
Lần Thứ Ba diễn ra ở Pataliputta (Hoa Thị Thành) vào năm trị vì
thứ 17 của Vua Asoka, khoảng 236 năm sau Đại Bát-Niết-bàn của Đức Phật. Lúc đó có 1.000 A-la-hán tham dự và được chủ trì bởi ngài A-la-hán Moggaliputta Tissa (Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu). Tại kỳ
kết tập này, bộ Kathavatthu (Những Điểm Dị Biệt, thuộc tạng Vi
Diệu Pháp sau này) đã được biên tập sau khi những giáo lý dị giáo, ngoại đạo đã
được xem xét và loại bỏ. Lần Kết Tập Thứ Ba này là một điểm mốc quan trọng, đánh dấu sự mở rộng của Phật giáo ra khỏi
khu vực Magadha
và đến những vương quốc láng giềng.
Cùng với Vua Asoka, người đang
trị vì cả đế chế trải dài hết bán đảo Ấn Độ, là người bảo trợ cho Phật giáo,
thời điểm mở rộng Phật giáo đã chín mùi. Sau hội đồng kết tập, Tăng đoàn đã
phái nhiều A-la-hán đầy đủ tài đức đi
truyền bá Phật Pháp toàn cõi Ấn Độ và những nước khác như Tích Lan về
phía Nam, Kashmir, Gandhara về phía Bắc, Bengal và Miến
Điện (Burma) về phía Đông và Yonaka và những nước khác về phía Tây.
Như vậy, Giáo Pháp của Đức Phật đã được truyền bá đi bốn phương sau kỳ
Kết Tập Lần Thứ Ba đó.
Tại Kumhrar, chúng ta có
thể thấy một cái hồ lớn, nơi có 32 trụ đá cổ bằng đá sa thạch được mài
bóng, một mẫu của số này được trưng bày tại khu trưng bày gần đó. Gần khu vườn
là một ngôi tự viện được xây vào thời Asoka.
(a) Sự Truyền Bá của Phật Giáo ra ngoài Ấn Độ
Nhờ có được vị Vua Phật tử Asoka đang nắm
quyền thống trị gần hết những xứ sở ở Ấn Độ bấy giờ làm người bảo trợ chính, thời
gian đã chín mùi đề tiến hành việc mở rộng Phật giáo.
Với tinh thần đó, Ngài Moggaliputta
Tissa, một vị trưởng lão lỗi lạc đứng đầu trong trường phái Theravada, đã quyết
định biệt phái những A-la-hán đáng
kính đi truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật khắp Ấn Độ và mở rộng ra nước ngoài. Mỗi
nhóm được dẫn đầu bởi một Trưởng Lão gồm có 5 Tỳ kheo, mục tiêu là phát triển
thêm số người được thọ giới vào Tăng Đoàn ở những vùng xa xôi. Tên của những bậc
Trưởng Lão và 9 nơi họ được cử đến đã được ghi chép lại trong quyển Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa) (13).
Những bằng chứng khảo cổ học đã
xác minh được tính chất lịch sử của những phái đoàn mang sứ mạng truyền giáo
này. Trong Bảo Tháp Stupa số 2 ở Sanchi,
gần Bhopal, người ta đã tìm thấy được 2 hộp đựng những thánh tích từ thế kỷ thứ
1 và thứ 2 trước CN, có khắc tên của nhiều Tỳ kheo và Trưởng lão truyền giáo.
Nhờ vào những nỗ lực này, những Lời Dạy của Đức Phật được truyền rộng ra theo 4
hướng khác nhau sau Kỳ Kết Tập Lần
Thứ Ba này.
TÊN
NGƯỜI TRUYỀN GIÁO NƠI TRUYỀN GIÁO
1. TL Majjhantika Kasmira
& Gandhara (1a)
2. TL Mahadeva Mahimsamandala
(2a)
3. TL Rakkhita Vanavasi (3a)
4. TL Yonaka Dhammarakkhita Aparantaka (4a)
5. TL Maha Dhammarakkhita Maharattha (5a)
6. TL Maha Rakkhita Yonaka (6a)
7. TL Majjhima Himavantapadesa
(7a)
8. TL Sonaka vaF TL Uttara Suvannabhumi (8a)
9.TL Mahinda, Itthiya, Uttiya, Tambapannidipa
(9a)
Sambala và Bhaddasala
(1a) Gandhara bao gồm cả quận lý Peshawar
& Rawalpindi của Pakistan. Kasmira chính là Kashmir ngày nay.
(2a) Mahimsamandala thường được biết đến là vùng Mysore ngày nay.
(3a) Vanavasi bao gồm cả những vùng duyên hải
như Kerala và Malabar.
(4a) Aparantaka
hay còn gọi là ‘ vùng viễn Tây’ bao
gồm cả vùng rộng lớn Mumbai ngày nay (Bombay),
vùng Gujarat, Kachchh và Sind ở phía Bắc Ấn Độ.
(5a) Mararattha chính Maharashtra
ngày nay.
(6a) Yonaka (tiếng Phạn là Yavana) cùng với Kambojas là khu vực của những Họ Tộc
ngoại bang ở vùng biên giới phái Tây Bắc, nhưng cũng thuộc lãnh thổ của Vương Quốc
Asoka.
(7a) Himavantapadesa chính là xứ Himalaya
(Hy Mã Lạp Sơn)
(8a) Suvannabhumi hay ‘ vùng đất vàng’, gồm 2 huyện
lỵ Bago (Pegu) và Mawlamyine (Moulmein) thuộc tiểu bang của người Môn ở Miến Điện,
Myanmar (Burma).
(9b) Tambapannidipa chính
là đảo quốc Tích Lan (Sri
Lanka).
(b) Lời Tiên Tri Từ Hội Đồng
Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Hai
Theo ghi chép trong quyển Đại Sử (Mahavamsa), Ngài Moggaliputta
Tissa, chủ tọa Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần thứ Ba, vốn là một vị thần Phạm
Thiên tên là Tissa trong kiếp trước. Vào lúc Hội Đồng Kết Tập kinh điển lần thứ
Hai, những vị A-la-hán đã thấy trước
được nguy cơ suy thoái của chánh pháp trong tương lai, nên đã đến thỉnh cầu
ngài giúp đỡ, nhân vòng đời của ngài ở cõi Trời Phạm Thiên cũng đã sắp hết.
Ngài đã đồng ý được sinh vào cõi người để có cơ hội ngăn chặn sự xuống dốc Phật
Pháp trong vùng lúc bấy giời. Và ngài đã chọn sinh ra là con trai của một
Bà-la-môn tên là Moggali ở
Pataliputta (Hoa Thị Thành). Hai vị trưởng lão là Siggava và Candavajji, đều
là đệ tử của ngài Sonaka (Ngài
Sonaka chính là đệ tử của trưởng lão Dasaka,
người đã được thọ giáo bởi vị trưởng lão A-la-hán
là ngài Upali) được giao phó để chuyển
hóa ngài Moggaliputta Tissa (Mục-Kiền-Liên-Tử
Đế-Tu). Từ lúc được sinh ra cho đến năm 7 tuổi, ngài Siggava hàng ngày đều
đến nhà của họ Moggali (Mục Kiền Liên). Đến năm thứ 8, một ngày nọ, chàng trai
trẻ Tissa, người đã thông thạo toàn
bộ kinh Vệ Đà (Vedas), rất khó chịu khi thấy ngài Siggava bắt đầu nói chuyện với
chàng và hỏi chàng một câu hỏi từ phẩm Song đối về Tâm (Citta Yamaka) trong tạng Vi Diệu Pháp Abhidhamma. Tissa đã không thể
trả lời câu hỏi và để học được Giáo Lý của Đức Phật, Tissa đã thọ giới vào Tăng Đoàn dưới sự dẫn dắt của ngài Siggava,
và rất nhanh sau đó đã chứng quả Nhập Lưu (Sotapanna).
Ngài Siggava dạy Tissa Luật Tạng Vinaya và
ngài Candavajji dạy về Kinh Tạng (Sutta)
và Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma). Và
sau đó, ngài Moggaliputta Tissa đã chứng đạt được quả vị A-la-hán với nhiều năng lực siêu phàm và trở thành một vị lãnh đạo
lỗi lạc của những Tỳ kheo ở Pataliputta (Hoa Thị Thành).
Ngài trở thành nổi tiếng là một đại trưởng lão và một bậc A-la-hán lỗi lạc, vì công đức tổ chức Hội
Đồng Kết Tập Kinh Điển lần thứ Ba và đã tổ chức phái cử những vị A-la-hán đi truyền đạo khắp nơi trên bán
đảo Ấn Độ, Tích Lan và Miến Điện. Và nhờ đó, Phật Pháp còn được lưu giữ nguyên
vẹn ở Tích Lan sau khi Phật giáo đã bị suy vong ở Ấn Độ bởi những cuộc tàn sát
của những người Hồi Giáo. Những sự kiện và lịch sử trong cuộc đời của ngài có vẻ
đúng như những lời tiên tri của những A-la-hán
trong Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần thứ Hai.
2) Viện Bảo Tàng Patna (đóng cửa vào ngày Thứ Hai)
Tại Viện Bảo Tàng Patna, thủ phủ
bang Bihar, nơi Phật Giáo khai nguồn, có lưu
giữ một bộ Sưu Tập lớn nhất những cổ vật Phật giáo trên thế giới. Những
tượng điêu khắc bằng đá và đồng đang được trưng bày, có thể chia theo nhiều
thời kỳ như sau:
a) Điêu Khắc thời
Maurya (Thế kỷ 4-3 trước CN)
Được trưng bày
ở đây là những tượng điêu khắc bằng đá sa thạch được mài bóng và làm
thành những hình tượng tuyệt đẹp hình sư tử, bò, voi để gắng trên đầu
những Trụ Đá Asoka. Bên cạnh những nghệ mỹ thuật này, còn có dòng nghệ
thuật cổ xưa dựa vào tục thờ phụng những vị thần hộ mệnh cũng được trưng
bày, như tượng quỷ Dạ Xoa ở Patna- Patna yaksa (yakkha) hay yaksi (yakkha).
b) Những Tượng
Phật Nghệ Thuật Gandhara và Mathura
Trước CN, Đức
Phật chưa bao giờ được thể hiện với dạng hình thân người, mà chỉ bằng những
biểu tượng (như bánh xe Pháp..). Nhu cầu về hình tượng Phật bắt đầu xuất hiện
khi trào lưu Tín Ngưỡng, Thờ phượng (Bhakti) tăng mạnh
trong giới Phật tử tại gia do ảnh hưởng của giáo lý Đại Thừa. Những
hình, tượng Phật bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 1 sau CN, khi đó có 2 trường phái
nghệ thuật khác nhau xuất hiện
để đáp ứng nhu cầu này là nghệ thuật Gandhara (Afghanistan) ở miền Tây
Bắc Ấn Độ và nghệ thuật Mathura (Muttra) ở miền Đông Ấn Độ.
Trong nghệ
thuật Gandhara, hình tượng Phật được thể hiện theo kiểu nghệ thuật Hy
Lạp cổ đại (Grecian style), gần giống như những tượng thần Apollo về
vẻ đẹp hình thể, và ngay cả y phục cà-sa cũng được điêu khắc thành từng lớp như trong nghệ thuật Hy Lạp-La Mã
cổ đại (Greco-Roman). Những đường viền không được bo tròn lại và nhiều công
phu, khổ cực để tạc tượng theo thân người để thể hiện sự hoàn hảo của thân thể
bằng những đường nét sắc sảo và thanh tú.
Trong nghệ
thuật Mathura,
những tác phẩm tượng thì thuần túy là nghệ thuật bản xứ, thể hiện vóc
dáng của những Vĩ nhân, Đại trượng phu (Mahapurisa), to lớn và tròn
trịa, cân đối. Một điển hình của nghệ thuật này có lẽ là Tượng Bồ-tát của
Tỳ kheo Bala được đặt ở Sarnath. Cách xử lý y cà-sa của Đức Phật là rất sơ lược và ôm chặt vào thân tượng, không thể hiện nếp gấp của y và cơ thể
được lộ ra như thể là tượng khỏa thân
vậy.
Ở Bảo Tàng
Patna, chúng ta có thể thấy được những tác phẩm ‘mẫu’ quý hiếm của tượng Phật
và Bồ-tát từ nghệ thuật Gandhara còn sống sót trong cuộc tàn phá của đội quân
Hồi giáo cuồng tín khi họ xâm lược miền Bắc Ấn Độ.
c) Nghệ Thuật
thời đại Gupta (Năm 300-550 sau CN)
Thời đại Gupta
là thời đại hoàng kim của Nghệ Thuật Ấn Độ và những tượng Phật lớn ở
Mathura, Sarnath, Ajanta và Bihar là những điển hình lộng lẫy nhất của thời kỳ
này. Những tượng Phật từ thời Mathura
đã được chỉnh sửa, thêm thắt theo trường phái nghệ thuật Ấn-Hy Lạp cổ (Indo-Grecian).
Tại đây, có một bộ sưu tập rất lớn những tác phẩm tượng Phật của thời Gupta để
khách hành hương chiêm ngắm.
d) Thời kỳ Pala
(thế kỷ 9-12 sau CN)
Trong thời kỳ Pala,
tượng điêu khắc bằng kim loại đã được phổ biến rộng rãi và những tương Phật
bằng đồng đã được xuất xưởng tại Bihar.
Đối với những
tượng bằng đá, Nalanda ở bang Bihar thì
rất được nổi tiếng với những tượng Phật được làm tạo từ đá đen.
Trong Bảo Tàng
Patna, có một khu trưng bày những tượng Phật bằng đá đen; và những pho tượng
bằng đồng thể hiện những thần tượng thờ phượng của trường phái Mật Thừa, là
cách thờ cúng mang tính suy đồi và không liên quan gì đến giáo lý nguyên thủy
của Đức Phật, đã xuất hiện trong thời kỳ Pala lịch sử đó.
5. Sự Lưu Lạc Của Bình Bát Của
Đức Phật (8), (16), (38), (42)
Vaishali (Tỳ-xá-ly) được
tôn vinh tưởng niệm vì giữ được Bình Bát của Đức Phật, mà Người đã ban
cho những người Licchavi (Bạt-kỳ) trước lúc Bát-Niết-bàn
của Người. Theo truyền thuyết ghi lại bởi ngài Pháp Hiển vào thế kỷ thứ 5
sau CN, tại một nơi cách 12 yojanas (1
yojana=12.8 km, tức khoảng 153.6 km) về hướng Đông Nam của Kusinara, Đức Phật đã ban
Bình Bát cho người Licchavi. Trước đó, tại thành Vaishali, Phật đã tuyên bố về
cái chết sắp xảy ra đối với thân xác của Người hay Bát-Niết-bàn. Người
Licchavi ở Vaishali tràn ngập niềm xúc động khi nghe tin này, và họ đã đi theo
Đức Phật và không muốn rời xa Người. Đức Phật lúc đó phải tạo một ảo ảnh một
dòng sông lớn và sâu hiểm trở để tách khỏi họ và ban tặng bình bát của Người để
họ đem về tưởng niệm, Đức Phật đã khuyên họ là hãy quay về nhà. Kể từ đây, họ
quay về và dựng một cột đá, và câu chuyện này được khắc lên đó (Phật Quốc Ký, Ch. XXIV). Một bảo tháp stupa đã được xây lên sau đó để tưởng
niệm sự kiện đầy xúc động này.
Địa danh Kesariya ngày
nay cách 55 km về hướng Tây Bắc của Vesali, được tin là vị trí xảy ra sự kiện chia tay đó. Ở Kesariya, Tổ chức Thăm dò
Khảo Cổ Ấn Độ (the Archeological Survey of India) mới đây đã khai quật được một
bảo tháp được cho là tháp tưởng niệm stupa
cao nhất thế giới.
Bây giờ lại nói về vấn đề Bình
Bát của Đức Phật đi về đâu sau khi Đức Phật đã ban Bình Bát cho
người Licchavi ở Kesariya, 2 câu chuyện được ghi chép như sau: Đó là (1) ghi
chép của những nhà hành hương Trung
Hoa viếng thăm vào thế kỷ 5-7 sau CN và (2) ghi chép khác từ Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa), một
biên niên sử của Tích Lan (Ceylon) bằng tiếng Pali. Từ những truyền thuyết được
ghi chép này, nhiều tên Bình Bát đã xuất hiện, như là: Bình Bát Peshawar,
Bình Bát Kashgar, Bình Bát Kandahar, Bình Bát Ceylon (Tích
Lan) và Bình Bát Trung Hoa. Bình Bát Trung Hoa cuối cùng này, theo Macro
Polo, được cho là do Hoàng Đế nhà Nguyên Mông là Kublai Khan (Hốt
Tất Liệt) chuyển về từ Ceylon (Tích Lan).
5.1 Bình Bát Peshawar và Bình Bát Kashgar
Câu chuyện được ghi chép bởi
những nhà hành hương Trung Hoa về Bình Bát của Đức Phật bắt đầu từ Peshawar, khi ngài Pháp Hiển (trong Phật Quốc Ký, Ch. XII) ghi lại rằng ngài đã nhìn
thấy Bình Bát khi ngài thăm viếng Gandhara khoảng vào năm 401 sau
CN. Ông thuật lại rằng trước đó, vua nước Yue-chi sau khi chiếm được
Gandhara đã muốn lấy lại bình bát mang đi. Ông ta đặt bình bát lên voi, nhưng voi
ngã quỵ xuống vì không chịu nổi sức nặng của bình bát. Sau đó, ông ta cho làm
xe kéo và nài xe vào 8 con voi để kéo, nhưng chiếc xe vẫn đứng yên. Thời gian di
dời bình bát chưa đến lúc đủ duyên, nên ông vua đã thấy hối hận và cho xây một
bảo tháp stupa và một ngôi chùa vihara để thờ bình bát. Ngôi chùa này có
700 tu sĩ, họ khiêng bình bát ra ngoài mỗi ngày để những thí chủ mộ đạo cúng
dường. Pháp Hiển miêu tả lại là bình bát có nhiều màu sắc, nhưng màu chủ đạo là
màu đen, bình bát có thể chứa những 2 peck nước (khoảng 5.7 lít). Bốn lớp thành
bình bát được nhìn thấy rõ, mỗi lớp dày khoảng 1/5 inch (0.635 cm).
▪ Theo ghi chép trong Luận Tạng (Mv. Kh. I), khi 2 thương nhân Tapussa
và Bhallika cúng dường bánh gạo và mật ong cho Đức Phật bên dưới cây
Rajayattana vào ngày cuối cùng của tuần lễ thứ Bảy sau khi Đức Phật thành đạo,
Đức Phật suy nghĩ rằng:“Bậc Thiện Thệ
không nhận bằng tay. Vậy ta lấy gì để nhận bánh gạo và mật ong đây?”. Tức
thì, bốn vị vua trời, Tứ Đại Thiên Vương (Catumaharajika)
biết được ý nghĩ của Phật nên liền mang xuống bốn cái bát từ bốn phương khác
nhau. Bốn cái bát này được lồng vào nhau, tạo nên một bình bát mới, trên vành có
bốn lớp của bốn bình bát kia -ND.
Ngài Pháp Hiển đã không nói gì
về bình bát sau khi thấy bình bát ở Gandhara. Nhưng một nhà lịch sử người Tây
Tạng Taranatha thì quan sát và cho rằng: “Vua của bộ tộc Yueh-chih
(Nhục Chi), tức đế quốc Kushana (Quế Sương), đã xâm lược Magadha (Ma-kiệt-đà)
và mang bình bát và cả ông Asvaghosa đi”
Ngài Sir Cunningham là
người cho rằng chính Vua Kusan là Kanishka (trị vì 78-102 sau CN) đã xâm
lược Magadha và lấy bình bát mang về Peshawar khoảng thế kỷ 1-2 sau CN.
Trong khi đó, ở Varanasi, nhà triết học Asvaghosa nhận thấy kinh thành đã bị
chinh phục bởi Hoàng Đế Kushan là Kanish kẻ chiến thắng đã đòi những khoản đền
bù chiến tranh quá lớn và vì phải làm hài lòng kẻ chiến thắng lại là một vua
theo Phật giáo, nên người đứng đầu Varanasi đã trao bình bát của Phật
như là một cử chỉ dâng hiến, hàng phục. Ông Asvaghosa có thể đã theo hoàng đế
Kanishka về kinh thành Peshawar
để làm cố vấn về tôn giáo cho nhà vua.
Những truyền
thuyết ghi chép trên cho thấy vị trí của bình bát của Phật là ở Kashgar,
khoảng 400 năm sau CN. Trong tiểu sử của ngài Kumarajiva (Cưu Ma La
Thập) có ghi lại chuyến đi của nhà bác học Phật giáo này đến Kashgar khoản 400
năm sau CN và đặc biệt ghi rằng ngài đã đặt bình bát của Phật (Patra) lên đầu và cảm nhận được khối
lượng của bình bát thay đổi nặng, nhẹ khác nhau rất thần diệu. Một nhà sư Trung
Hoa khác là Chih Meng đã hành hương đến Ấn Độ qua Lop Nor và Khotan vào
năm 404 sau CN, cũng đã chứng kiến sự thần diệu tương tự khi ông nâng
bình bát của Phật lên tại Kashgar, và ở đó ông cũng đã thấy cái ống nhổ của Đức Phật được làm bằng đá nhiều màu (xem
Tham Khảo 42 & 43).
Tuy nhiên, ngài Pháp Hiển đã
thăm viếng Kashgar vào khoảng năm 400 sau CN để dự Lễ Cúng Dường tổ chức năm
năm một lần ở đó đã ghi rõ là chỉ thấy cái ống nhổ nhưng không có bình bát, mà ông thấy bình bát sau này ở Peshawar. Như
vậy, chúng ta thấy rõ là ghi chép của ngài Pháp Hiển về việc chứng kiến cái ống nhổ của Phật cùng một nơi là Kashgar là giống y
hệt ghi chép của Chih-meng, nhưng một vấn đề được đặt ra là tại sao ngài Pháp
Hiển đã không ghi chép gì về bình bát ở Kashgar mà ngài Chih-meng và Cưu Ma La
Thập đã chứng kiến và đã ghi lại trong vòng vài năm sau họ đến Kashgar.
Điều này có hai khả năng:
(1) Ngài Pháp Hiển cũng đã thấy
rõ bình bát ở Kashgar. Nhưng sau này ngài cũng lại thấy bình bát thiêng liêng
đó ở Peshawar, mà theo khuôn mẫu, theo những truyền thuyết cổ xưa và sự lộng
lẫy của bình bát trong tự viện thờ ở đó, khiến cho ngài nghĩ đó mới là bình bát
thật của Đức Phật, vì thế sau này ông chọn cách im lặng và không ghi chép gì về
bình bát ông thấy trước đó ở Kashgar (vì ngài cho rằng đó là đồ giả, vì có 2 bình bát đều cho rằng là di tích
đích thực của Đức Phật).
(2) Khả năng thứ hai là 2 bình
bát đó chỉ là một bình bát đích thực của Đức Phật, mà ngài Pháp Hiển đã thấy ở
Peshawar, nhưng một vài năm sau đó được chuyển qua Kashgar, vào khoảng thời
gian mà ngài Cưu Ma La Thập và ngài Chih Meng đến Kashgar. Khả năng thứ hai này
có vẻ khó thuyết phục, vì hiếm có tự viện nào lại dễ dàng để người khác mang
bình bát thiêng liêng đi như vậy.
Vào năm 520 sau CN, những nhà
hành hương Trung Hoa là Sun Yung và Hui Seng đã đến thăm
Gandhara, nhưng đã không có ghi chép gì về bình bát ở đây, có nghĩa là bình bát
đã không còn ở đó trước khi họ đến thăm. Việc di dời bình bát có thể đã xảy ra
trước khi cả vùng này bị rơi vào tay người Yethas (tức người Hepthalite) dưới
triều đại của Vua Laelih (Kitolo) vào khoảng năm 425-450 sau CN.
SunYung đã vượt qua dãy núi Pamirs ở Tashkurgan để vào Wakkhan, đã chứng
kiến những người tộc Hepthalite là một cường quốc khó ai chinh phục nổi và
chính thể của họ đã trải qua hai thế hệ sau Laelih, một kẻ tàn sát đạo
Phật, đã được phong vua ở xứ Gandhara. Bình Bát có thể đã được mang đi bởi
những người dân Gandhara, những người này đã di cư đến ở hai bên bờ sông
Arghanadab của xứ Arachosia cổ đại (Afghanistan ngày nay), ở
đó họ lập nên một thành phố mang một cái tên gợi nhớ cố hương Gandhara,
và vẫn còn tồn tại đến ngày nay, đó là tên Kandahar.
5.2 Bình Bát Kandahar
Lại nói về bình bát của Phật vào thời ngài Huyền
Trang đến viếng thăm Gandhara khoảng 640 sau CN. Ngài thấy mọi tàn tích của bảo
tháp stupa thờ bình bát của Phật (patra) và ghi lại rằng: “dọc ngang qua nhiều đất nước, bình bát bấy
giờ lại đến Persia”.
Ngài Sir Cunningham (trong quyển “Ancient
Geography of India”: Địa Lý
Ấn Độ Cổ Đại, 17, ghi chú 2) đã xác định được bình bát ở Persia này chính là bình bát Kandahar. Ngài đã giải thích rằng, ghi chép
của Huyền Trang là đúng với sự thật thời đó địa danh Kandahar
thuộc Persia
(Ba-tư).
Bình
Bát Kandahar là một cổ vật di sản nổi tiếng để tôn thờ. Bình bát được tìm thấy
trong những lùm cây tần bì và cây dâu ở phía Đông của thành phố cổ Kandahar trong một khu đền
thờ Hồi giáo Mahammadan tăm tối. Bình bát, giống như là một chậu hoa, nằm dưới
một gốc cây. Bình bát này được tin là có những phép màu. Theo ghi chép, thì
thân cây này bị găm hàng trăm cây đinh sắt và những gai nhọn. Truyền thuyết ghi
rằng, nhiều người đã đến đây vái lạy để hết bệnh hay hết bị đau răng. Và sau
khi hết bệnh và hết đau răng, như để trả ơn cho bình bát, người ta đóng những
đinh sắt hay găm những que nhọn vào thân cây để thể hiện lòng biết ơn của mình.
Và điều đó cho thấy, đã có nhiều người bệnh và đau răng đã đến đây cầu nguyện.
Vào
năm 1878-1880, bình bát Kandahar
đã được chứng kiến và miêu tả bởi TS. Dr.
Bellew và Thiếu Tá Major Le Messurier (xem “Dr. Bellew's Indus to
the Tigris”, 143; “Major Le Messurier's Kandahar
in 1879”, trang 223, 225). Theo ghi chép của họ, bình bát được làm từ một hợp
chất cứng bằng porphyry (Pocfia) màu đen, khi chạm vào nghe ngân vang. Bình bát
hình tròn xoay, rộng khoảng 4 feet (1,22m), sâu khoảng 2 feet (0.61m), thành
dày khoản 4 inche (10.16cm). Viền miệng bình bát có 4 bốn lớp, mỗi lớp dày
khoảng 7 feet (17.78cm). Bên trong, vầng ánh sáng chạy tròn từ dưới đáy bình
bát lên trên vành miệng bên trong bình bát, nơi có khắc chữ Ba-tư và bên ngoài thành bình bát thì có khắc 4 dòng chữ Arập.
Dung
tích chứa của bình bát là 80 gallon (302 lít) và khối lượng khoảng 250kg. Kích
thước mà Thiếu tá Major LeMessurier miêu tả là: Đường kính vành ngoài 4.2feet
(1.28m), đường kính vành trong 3.725 feet (1.135m) Sự khác biệt về kích thước
giữa bình bát Peshawar (2.5 gals= 9.46 lít) và bình bát Kandahar (80 gals= 302 lít) có nghĩa là 2 bình
bát này không phải là một.
Cả
hai bình bát đều có kích thước quá lớn so với bình bát được mang dùng hàng ngày
để đựng thức ăn của tu sĩ hay để có thể gọi là bình bát của Đức Phật lịch sử.
5.3 Bình Bát Tích Lan (Ceylon)
Một
câu chuyện ghi chép về Bình Bát của Phật được ghi trong Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa), một biên
niên sử được ghi chép vào thế kỷ 6 sau CN, bởi ngài Mahanama. Sau khi ngài
Mahinda (con của vua Asoka) đã chuyển hóa được nhà vua Tích Lan là Devanampiya
Tissa theo đạo Phật, ngài đã tâu lên nhà vua ước nguyện được xây bảo tháp stupa để thờ xá lợi Phật. Theo Đại Sử
Tích Lan (Mahavamsa Ch. XVII), Sa Di (Samanera) Sumana đã được phái đi về kinh
đô Pataliputta (Hoa Thị Thành) ở Ấn
Độ, để xin thỉnh xá lợi nhục thân và
bình bát của Đức Phật từ vua Asoka. Sau đó, bình bát cùng với những xá lợi
nhục thân Phật đã được mang về Tích Lan. Những xá lợi được đặt vào thờ trong
những bảo tháp stupas ở Kinh đô Anuradhapura, nhưng riêng Bình Bát của
Phật hay còn được gọi là Bình Bát Giới
(Pātradhātu) thì được lưu
giữ trong cung điện.
Vào
thời triều đại Vattagami Abhaya (104-88
trước CN) một Bà-la-môn trẻ tên là Tissa bắt đầu cuộc nổi loạn. Theo đó là cuộc
xâm lược của 7 thủ lĩnh quân Tamil, đã đánh bại nhà vua và cai trị đất nước 15
năm. Một trong những thủ lĩnh Tamil đã cưới công chúa Tích Lan và quay về lại
xứ sở Tamil của mình. Một thủ lĩnh Tamil khác thì lấy Bình Bát ở Anuradhapura và cũng quay
về Ấn Độ, “trong lòng đầy mãn nguyện”.
Số
phận của Bình Bát vẫn không được ai biết đến trong 500 năm cho đến khi thời
triều đại Vua Upatissa (365-406 sau
CN), ông vua đã đem Bình Bát ra trưng bày trước công chúng với mục đích xua
đuổi hoạn nạn đang hoành hành khắp đất nước. Theo Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa, 19.ch. 37. v. 189-198):
“Nhà vua đã làm một tượng của Đức Phật
quá cố toàn bộ bằng vàng, đặt bình bát
bằng đá của đức Bổn Sư (đổ) nước vào trong chỗ trũng của hai bàn tay và đặt
bức tượng lên trên một cỗ xe lớn. Ông nguyện giữ tốt bản thân và những nghĩa vụ
đạo lý và làm cho mọi người cũng giữ tốt bản thân mình, ông đã thực hiện lễ
cúng dường bình bát và tạo sự an sinh cho tất cả chúng sinh. Ngay lúc đó, đoàn
Tỳ kheo họp mặt và tụng Kinh Ngọc Bảo (Ratana-Sutta) và đổ hết nước ra, đi hành
thiền trên phố không xa cung thành, gần tường thành, đi theo vòng hướng phải
xung quanh bình bát suốt ba canh đêm đó. Đến sáng rạng đông, một đám mây lớn đổ
mưa xuống đất và tất cả những người bị dịch bệnh đều trở nên hồi phục và vui
vẻ.”
Từ
đầu thế kỷ 12 kéo dài qua thời triều đại vua Parakramabahu IV cho đến cuối thế kỷ 13 sau CN, Bình Bát luôn được
tưởng niệm cùng với Xá Lợi Răng Phật,
bởi vì những xá lợi đó là biểu tượng của quốc gia, việc sở hữu những xá lợi đó
là điều bắt buộc phải có đối với những vị vua. Sau vua Parakramabahu IV, trị vì
khoảng năm 1.300 sau CN, không còn ghi chép nào về bình bát nữa. Bằng chứng rõ
ràng nhất cho thấy rằng, vào cuối thế kỷ thứ 13, Bình Bát đã bị di dời từ Tích
Lan qua Trung Quốc theo yêu sách của hoàng đế nhà Nguyên Mông là Hốt Tất Liệt.
5.4 Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) & Bình
Bát Trung Hoa
Theo
nhà hành hương Macro Polo, vào năm 1284, Hốt Tất Liệt (Kublai Khan)
đã phái một phái đoàn đến Tích Lan để thương lượng việc mua lại những Xá Lợi Răng và Bình Bát. Bởi vì những người Mông Cổ được nổi tiếng là man rợ, tàn
bạo (Lúc đó, Tây Tạng đã thất thủ, Miến Điện đã bị thâu tóm đến Pagan vào đầu
năm 1277), nhà Vua Tích Lan phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc
phải rời khỏi mang theo những báu vật quốc gia này hoặc không làm cho Đại Hãn
nổi giận. Tương truyền rằng, để làm hài lòng hoàng đế Trung Hoa, nhà vua đã cho
gửi cống triều 2 xá lợi răng giả, được Hoàng Đế nhận một cách vui vẻ và ông đem
thờ cúng. Bình Bát Tích Lan đã được
mang sang Trung Quốc và Macro Polo (năm 1290) đã chứng kiến bình bát ở đó và đã
mô tả lại là một khối đá porphyry xanh
tuyệt đẹp (đá và pha lê hợp chất), trong khi đó, một nhà viết sử Trung Quốc
là Wang Ta-Yuan (năm 1349) đã ghi
rằng khi chạm vào, bình bát ngân vang như thủy tinh.
Toàn
bộ sự kiện này được thuật lại trong quyển “Những Cuộc Phiêu Lưu của Macro Polo”
(Travels of Marco Polo, Volume 2) do chính Macro
Polo và Rustichello of Pisa viết,
như sau:
“Bấy giờ xảy ra một điều là Đại Hãn nghe ở
trên núi cao có phần mộ của người cha đầu tiên của loài người là Adam, và một
số tóc, răng và di sản của ông ta vẫn còn nguyên trên ấy. Ông nghĩ đến việc sở
hữu chúng bằng mọi cách và đã cử những đại sứ tài giỏi đi để thực hiện mục đích
đó, vào năm Thiên Chúa 1284. Những
Đại sứ, cùng với đoàn tùy tùng hùng hậu, đã vượt đi bằng đường bộ và đường biển
để đến xứ Tích Lan (Seilan=Ceylon)
và đến diện kiến nhà Vua Tích Lan. Họ đã thúc ép nhà vua trong việc cưỡng đoạt 2 răng nhai (tức răng cấm-ND), và họ
cũng lấy được một số tóc, và đĩa ăn làm bằng hợp chất đá porphyry màu xanh tuyệt đẹp”.(‘đĩa ăn’ là cách họ gọi để chỉ Bình Bát
– ND)
Và
khi Đại Sứ của Đại Hãn đã đạt được mục đích, họ hân hoan quay về gặp vương chủ
của mình. Khi họ về đến thủ đô Cambaluc của
Đại Hãn (Kaanbalik – tức Bắc Kinh
ngày nay), gặp Đại Hãn và trình với ông là đã mang về đây những thứ mà ông ta
đã phái họ đi để mang về. Nghe tin, Đại Hãn vui mừng và truyền cho tất cả giáo sĩ
và mọi người tập hợp lại đi đến nơi xem những xá lợi mà ông cho là của Adam. Và
tại sao tôi phải viết dài về câu chuyện này? Sự thật là mọi người ở thành
Cambaluc đã đến để xem xá lợi họ mang đến cho Đại Hãn xem, Đại Hãn cầm xem với nhiều
sự hoan hỉ và tôn kính. Và họ cũng
đọc được dòng chữ khắc trên đĩa: nếu
phần thức ăn của một người được đặt vào đĩa, thì nó sẽ biến thành đủ cho 5
người ăn, Và Đại Hãn đã quả quyết rằng ông đã chứng nhận và thấy đó là di tích
thật.”
Câu
chuyện của Macro Polo cung cấp nơi cuối
cùng của Bình Bát được nhìn thấy. Điều này được chứng minh bằng ghi chép
của người Trung Quốc trong quyển có tên ‘Tao-i-chih-lueh” (Mô tả về Đảo Babarian Islands) được
viết vào năm 1349 bởi Wang Ta-Yuan, người đã viết rằng có 3 cuộc
cử đại sứ triều Nguyên qua Tích Lan để thương lượng mua xá lợi Bình Bát của
Phật. Tuy nhiên, sự di dời bình bát đã xảy ra 65 năm trước khi ông viết, nên sự mô tả của ông ta về bình bát có thể là
dựa vào Bình Bát mà ông thấy ở Bắc Kinh, hơn là Bình Bát được thấy ở Tích
Lan:
“Trước bàn thờ Phật có đặt một bình bát
lớn làm bằng một chất mà không phải ngọc bích, không phải đồng cũng không phải
sắt. Nó có màu đỏ gấc và lấp lánh và khi chạm vào, nghe tiếng ngân vang như thủy tinh. Vào đầu thời nhà Nguyên (Yuan),
những Đại sứ đã được phái đi 3 lần khác nhau mới mang được nó về. Bình bát
trước tượng Phật có chứa thức ăn và nước cúng dường. Còn những bình bát ở trước
mỗi bức tượng khác thì không phải là thật.
Đến
thời bây giờ, tọa lạc tại Số 171, đường
Fuchengmennei Lu, quận Xicheng, Bắc Kinh, là ngôi Chùa Miaoying. Được xây dựng đầu tiên vào năm 1096 vào thời nhà Liêu,
sau hôm nay được mở rộng và trùng tu lại năm 1271 vào thời nhà Mông Nguyên của
Hốt Tất Liệt (1271-1368). Để tăng cường mối quan hệ với những lãnh tụ Lạt-Ma ở
Tây Tạng, ông đã cho xây một Bảo Tháp
Trắng kiểu Tây Tạng (White Dagoba)
trên đất ngôi Chùa năm 1279. Đồng thời, ông cho trùng tu lại ngôi Chùa và đặt
tên lại, có nghĩa là: “Chùa Thái Bình & Trường Thọ Của Hoàng Đế” (Dashengshou
Wan’an Si). Về mặt ý nghĩa lịch sử, thời điểm của công trình này là trùng
với việc lấy được những xá lợi Phật từ Tích Lan. Cho nên, rất có thể là Hốt Tất
Liệt đã cho xây ngôi Chùa và Bảo Tháp này để làm đền thờ của hoàng đế dùng để thờ những xá lợi thiêng liêng đó.
Ngôi
chùa bị cháy sạch vào năm 1368, năm khởi nghĩa đuổi sạch quân Mông Nguyên dưới
sự lãnh đạo của Chu Nguyên Chương (Zhu
Yuanzhang). Thật lạ lùng và diệu
kỳ, chỉ có ngôi Bảo Tháp Trắng là vẫn còn đứng nguyên không bị cháy. Chu
Nguyên Chương lập nên triều nhà Minh (1368-1644) và dời kinh đô về Nam Kinh.
Năm 1420, hoàng đế thứ ba triều Minh là Yongle (Chu Đệ) dời kinh đô về
lại Bắc Kinh vào năm 1457, Hoàng Đế Tianshum (Thiên Thuận Đế) đã xây lại
ngôi Chùa và đặt tên lại như ngày nay là Miaoying Si (Chùa Báo Thiên
Tự).
Vụ động đất Tangshan
(Đường Sơn Đại Địa Chấn) vào năm 1976 đã gây ra nhiều thiệt hại cho nhiều
ngôi chùa. Chóp tháp của Bảo Tháp Trắng (còn gọi là “Đền Trắng”)
trong ngôi chùa, bị ngã về một bên, gạch vữa ở cổ ngọn tháp đã bung ra và cổ
ngọn tháp bị gãy đỗ, thân tháp bị nứt ở nhiều chỗ. Bốn hộp đựng những xá lợi
được giấu kín bên dưới mái vòm đã bị lộ ra, hiện nay những xá lợi này thì còn đang được trưng bày tại Chùa này.
(Tham khảo: Chùa
Miaoying trên trang web: www.china.org.cn/english/features/Beijing).
Đáng
tiếc thay không còn một manh mối nào để biết được Bình Bát của Phật và những Xá Lợi
liên quan mà Đại hãn Hốt Tất Liệt đã lấy về từ Tích Lan hiện này còn mất ở đâu
hay đang lưu lạc phương nào. Những di vật thiêng liêng đó có thể đã bị
thất lạc hay bị tiêu hủy trong vụ hỏa hoạn vào năm 1368 trong cuộc chiến ác
liệt giữa quân Nguyên Mông và quân của Chu Nguyên Chương nhà Minh.