HƯỚNG DẪN
HÀNH HƯƠNG VỀ XỨ PHẬT
(Ấn Bản Mới 2011)
Nguyên tác: Chan Khoon San
Biên dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản: Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh 2011
Lời Người Dịch
Tôi không biết
bắt đầu bằng câu nào, về tác giả, về thánh địa & những điều chưa bao giờ
biết hết. Chỉ có một điều là, không hiểu vì sao, sau khi đọc tôi cũng muốn tất
cả các bạn và những người con đáng mến của Đức Phật cũng đọc được quyển sách này.
Tác giả đã bỏ ra
nhiều thời gian và những chuyến đi để viết quyển sách này từ năm 2001 như một
món quà tặng cho mọi người quan tâm
đến Phật giáo. Và từ đó đến nay, ông đã luôn tiếp tục lên đường và thường xuyên
cập nhật thông tin để hiệu chỉnh, bổ sung cho quyển sách của lần ấn bản này.
Trong suốt thời gian biên dịch, tôi mới cảm thụ được rằng tác giả đã luôn luôn
xúc động khi ông viết về quyển sách này, trong từng mỗi một thánh tích hay khi
tìm thêm được những chi tiết lịch sử về thánh tích đó, như ông đã từng tâm tình
với tôi.
Một quyển sách
viết về một cuộc hành hương đến xứ Phật, nhưng một lần đọc qua, bạn sẽ ngỡ
ngàng như tác giả đã đọc giùm chúng ta rất nhiều tàng thư kinh điển đồ sộ. Bạn
sẽ có cảm giác như mình vừa đọc hết lịch sử của vua Asoka, mười mấy tập Tây Du
Ký Sự (tức “Đại Đường Tây Vực Ký”) của ngài Huyền Trang hay Ký Sự Phật Quốc của
ngài Pháp Hiển và những nghiên cứu của nhiều thế hệ tiên phong lỗi lạc sau này.
Những ghi chép và sự kiện của tất cả họ trong hơn 20 thế kỷ như đan quyện vào
nhau trong cùng một câu chuyện hành hương đầy thăng trầm và lãng mạn.
Đầu tiên, theo
lời khuyên dạy của Đức Phật trước khi Người từ giã trần gian, những nơi hành
hương quan trọng nhất là Bốn Thánh Địa (Tứ Động Tâm) là nơi sinh, nơi giác ngộ,
nơi khai giảng giáo Pháp và nơi Bát-Niết-bàn của Đức Phật. Vua Asoka là người
hiểu được ý nghĩa những thánh địa là gắn liền với cuộc đời Đức Phật và ngài đã
triển khai thêm bốn thánh địa khác, đó là những nơi gắn liền với cuộc đời Đức
Phật du hành và thuyết giảng giáo lý là Savatthi, Sankasia, Rajagaha và Vesali.
Vậy tổng cộng là có Tám Thánh Địa Quan Trọng với gần
100 thánh tích & những nơi đáng dừng chân thăm viếng khác trên đường hành
hương.
Trong ấn bản thứ
ba, sau nhiều năm tự thân hành hương và gặp gỡ với những người bạn là những
Tăng Ni ở miền Phật giáo, tác giả đã tìm thấy được thêm nhiều sử tích, di tích
gắn liền cuộc đời những bậc A-la-hán đại đệ tử của Phật, những nhà vua, hoàng
hậu, hoàng tử, công chúa Phật giáo và những thí chủ cúng dường cao thượng ngày
xưa và gần đây. Tác giả là một nhà biên tập rất kiên nhẫn, về ấn bản thứ ba
này, ông mất gần một năm để biên tập lại quyển sách.
Khi bạn hành
hương, quyển sách này sẽ trở thành một trong những Cẩm Nang hướng dẫn trong tay mình. Bạn sẽ lần lượt viếng thăm từng
khu hay vùng thánh địa và sẽ chiêm bái những di tích trong từng thánh địa trong
1 hay 2 ngày. Khi nghỉ đêm, bạn có thể đọc lại những di tích mà hôm sau mình sẽ
đến viếng thăm, hoặc trong khi ngồi trên xe buýt hoặc ngồi nghỉ ngơi trước khi
bước đến một thánh tích, bạn cũng có thể vào đọc lại về thông tin thánh tích
đó. Điều đó, trong bối cảnh đang hành hương, sẽ làm bạn nhớ mãi về thánh tích
đó. Bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, để lo cho việc tôn kính, lễ lạy
và chánh niệm đúng như tâm nguyện ban đầu của chuyến đi.
Nếu bạn đọc đã
từng đọc chi tiết về những cuộc hành hương của hai nhà Hành hương Trung Hoa là
Pháp Hiển và Huyền Trang, bạn có thể không cần đọc lại các Mục 3,
4, 5 & 6 trong Phần I, vì
trọng tâm của quyển sách này là nói về chi tiết Lịch Sử các Phật tích, Thánh
tích & Lịch trình Hành hương từ Phần II, III, IV & V. Tuy
nhiên, đối với những ai chưa đọc những ghi chép của ngài Pháp Hiển và Huyền
Trang, thì cần đọc lại những chuyến đi lịch sử đầy cảm động này. Mục đích của
tác giả trích dẫn lại chi tiết của những cuộc hành hương này là vì (1) Để cho đọc giả hiểu được ý chí,
công sức và chi tiết hành trình của hai nhà chiêm bái Trung Hoa này, vì (2) Tác giả muốn cho những độc giả hiểu
rằng những lịch sử, Phật tích, Thánh tích xưa được ghi chép trong Kinh Điển và
lịch sử đóng góp của vua Asoka là trùng khớp với những ghi chép của Pháp Hiển
và Huyền Trang, và vì (3) Thứ ba, điều quan trọng nhất là hầu hết những Phật Tích, Thánh
Tích quan trọng nhất của Ấn Độ đều được khai quật bởi những nhà khảo cổ vĩ đại
nhưng đều được dựa vào những ghi chép
của hai nhà hành hương này trong 2 quyển ký sự
là: Ký Sự Phật Quốc và Ký Sự Tây Vực.
Nếu không có 2
cuộc hành hương này, và 2 quyển ký sự này, ngày nay có thể chúng ta đã không
thể nào tìm lại được và khôi phục lại những Phật Tích, Thánh tích ngày xưa, vốn
đã bị chôn vùi bên dưới đất qua mấy ngàn năm.
Quyển sách cũng
kèm theo nhiều hình ảnh của từng Phật tích, thánh tích quan trọng mà tác giả
cũng đã miệt mài chụp và lựa chọn trong gần 20 năm qua. Trong khi đọc về một di
tích nào, các bạn có thể lật ra cuối sách để nhìn ảnh và hình dung ra được cách
quyển sách miêu tả về di tích đó. Nếu các bạn chưa đủ duyên để làm một chuyến
đi đến miền Phật giáo, thì các bạn cũng đã có cảm giác là đã đi được một phần,
với sự hiểu biết cùng với những hình ảnh minh họa này.
………………
Một cuộc hành
hương về xứ Phật, đến Tám Thánh Địa Quan Trọng này có thể là một trong những
quãng thời gian hạnh phúc nhất và mãn nguyện nhất trong cuộc đời của một người
và làm cho chúng ta chợt nhận ra mình thật là may mắn khi được ngắm nhìn những
nơi thiêng liêng cổ kính ngày xưa mà tràn ngập một lòng thành kính và bâng
khuâng không thể nào tả hết được.
Massachusetts, mùa Thu 2011 (PL.
2555)
Lê Kim Kha
Lời Cảm Ơn
Kính tặng quyển sách này cho các thầy:
HT. Thích
Thanh Từ
TT. Thích
Thông Phương
& các thầy: Khế Định, Bảo Tú, Thông Kim, Khả Kiến
(Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Thiền viện Thường Chiếu) & Sư Cô Như Pháp, các
thầy đã là nguồn động viên cho tôi thật
nhiều trên bước đường học Phật và làm Phật sự.
Xin thành tâm biết ơn thầy Thích Trúc Thông Tịnh, người đã giúp đỡ tôi trong
nhiều năm làm Phật sự, ấn hành kinh sách, và cũng là người giúp đọc lại bản
thảo.
Cảm ơn những Phật tử Nguyễn Thị Thu Nga, Ngô Đức Lân,
Lê Hoàng Phi đã giúp đỡ tôi trong việc đánh máy bản thảo.