Voi chúa nuôi dưỡng voi mẹ
Thời quá khứ, Bồ Tát tiền thân của đức Phật Thích-ca sanh
làm voi chúa lông trắng, có đàn tùy tùng gồm có 84.000 con voi. Voi Bồ
Tát nuôi dưỡng mẹ già đui mù trong khu rừng núi Himavanta.
Về sau, Bồ Tát voi chúa từ bỏ đàn voi, dẫn voi mẹ đến chân núi
Candorana, để voi mẹ trong động gần hồ sen. Hằng ngày, Bồ Tát mang thức
ăn về phụng dưỡng voi mẹ.
Khi ấy, một người thợ săn dân thành Bàrànasì bị lạc đường trong rừng sâu
suốt 7 ngày, không biết đường trở về, đi lạc đến chỗ ở của voi chúa. Bồ
Tát liền chở người này trên lưng của mình với tâm từ bi, đưa anh ta ra
khỏi rừng đến địa phận của loài người mới thả xuống, rồi trở về chỗ ở
của mình.
Người thợ săn vô ơn kia đi thẳng đến kinh thành xin vào yết kiến đức vua rồi tâu rằng:
– Tâu bệ hạ, kẻ tiện dân đi săn trong rừng có thấy một voi chúa lông trắng xứng đáng làm phương tiện của hoàng thượng.
Trong triều đình, bạch tượng của đức vua đã qua đời, chưa tìm ra bạch
tượng khác. Khi nghe người thợ săn tâu, đức vua rất hoan hỉ, liền truyền
lệnh cho người nài voi đi cùng với người thợ săn vào rừng bắt Bồ Tát
voi chúa đem về nhốt trong chuồng voi. Chính đức vua đến ban những nắm
cỏ ngon lành đến Bồ Tát voi chúa.
Bồ Tát voi chúa nghĩ rằng: “Không thấy voi mẹ, ta không chịu ăn.”
Đức vua truyền rằng:
– Này bạch tượng chúa, xin dùng cỏ ngon này.
Đức Bồ Tát không nhận, tâu rằng:
– Tâu đại vương, tôi có bổn phận nuôi dưỡng voi mẹ già đui mù. Voi mẹ
nếu không có tôi nuôi dưỡng thì không thể sống được. Nay tôi không có
voi mẹ thì không cần đến thứ gì trên đời này cả. Hôm nay đã là ngày thứ 7
voi mẹ của tôi không có một món ăn nào, voi mẹ của tôi sẽ ra sao?
Lắng nghe bạch tượng chúa tâu, đức vua vô cùng cảm kích trước tấm lòng hiếu thảo, liền truyền lệnh rằng:
– Này các ngươi, hãy thả bạch tượng chúa này trở về rừng ngay bây giờ.
Đức vua lại truyền rằng:
– Xin bạch tượng chúa trở về an toàn được sum họp đoàn tụ với voi mẹ già thân yêu và cùng tất cả thân quyến.
Bồ Tát bạch tượng chúa được giải thoát khỏi xiềng xích đôi chân, rồi
thuyết pháp tế độ đức vua, dạy đức vua thực hành 10 pháp vương, trị vì
đất nước bằng thiện pháp để đem lại sự an lành thịnh vượng trong nước
cùng thần dân thiên hạ.
Bạch tượng khuyên đức vua rằng:
– Chớ nên buông thả, hãy cố gắng tinh tấn trong mọi thiện pháp.
Bồ Tát bạch tượng chúa được mọi người cúng dường, đi ra khỏi kinh thành Bàrànasì về gặp lại voi mẹ ngay trong ngày hôm ấy.
Đức vua có đức tin trong sạch nơi ân đức của bạch tượng chúa, truyền
lệnh làm nhà gần hồ sen để cho bạch tượng chúa và voi mẹ ở, và hằng ngày
cho người cung cấp đồ ăn cúng dường đến Bồ Tát bạch tượng và voi mẹ.
Về sau, khi voi mẹ của Bồ Tát qua đời, đức vua truyền lệnh làm lễ hoả
táng thi thể xong mới hồi cung. Đức vua truyền lệnh cho xây cất chỗ ở
cho 500 vị đạo sĩ ở triền núi ấy, hằng ngày đức vua hộ độ 4 thứ vật dụng
đến các vị đạo sĩ.
Khi Bồ Tát bạch tượng chúa qua đời, đức vua làm lễ hoả táng xong, cho
tạo một tượng bằng đá giống như Bồ Tát bạch tượng chúa làm kỷ niệm để tỏ
lòng biết ơn Bồ Tát; và để dân chúng toàn vùng đến thăm viếng nhớ ơn Bồ
Tát.
Những người con có hiếu nghĩa, biết công ơn sinh thành dưỡng dục của cha
mẹ, và biết đền ơn, biết lo phụng dưỡng cha mẹ dù là loài người hoặc
loài thú, do phước thiện ấy, trong kiếp hiện tại được an lành hạnh phúc,
tránh khỏi mọi tai hoạ, các bậc thiện trí đều tán dương ca tụng. Sau
khi chết, kiếp vị lai do phước thiện phụng dưỡng cha mẹ ấy cho quả được
tái sanh cõi thiện giới. Đó là tái sanh làm người cao quý trong cõi
người, hoặc tái sanh làm chư thiên cao quý ở cõi trời Dục giới, hưởng
mọi sự an lạc trên cõi trời ấy.
Ngược lại, người con nào bất hiếu, không biết ơn và không đền đáp công
ơn sinh thành của cha mẹ, không biết lo phụng dưỡng cha mẹ già yếu, bệnh
hoạn ốm đau, trong kiếp hiện tại người con ấy thường gặp điều bất hạnh,
đau khổ, thường bị tai hoạ, các bậc thiện trí chê trách. Sau khi chết,
kiếp vị lai do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh bị sa vào 1 trong 4 cõi ác
giới. Đó là cõi địa ngục, a-tu-la, ngạ quỷ, súc sanh, chịu khổ do ác
nghiệp của mình đã tạo.
Cho nên, người con phải nên làm tròn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ, người
con ấy không những được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc trong kiếp
hiện tại, mà còn được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài trong
kiếp vị lai.