Ba hạng con
Trong kinh Puttasutta, đức Phật dạy:
– Này chư tỳ-kheo, có 3 hạng con trong đời này:
1. Con hơn cha mẹ (Atijàtaputta).
2. Con như cha mẹ (Anujàtaputta).
3. Con kém cha mẹ (Avajàtaputta).
Thế nào gọi là con hơn cha mẹ?
Này chư tỳ-kheo, cha mẹ ở trong đời này là người không có quy y, nương
nhờ nơi Phật, nơi Pháp, nơi Tăng; không tránh xa sự sát sanh, sự trộm
cắp, sự tà dâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sanh ra
sự buông thả. Cha mẹ là người không có đức tin nơi Tam bảo, không có
tam quy, không có ngũ giới, thường tạo mọi ác pháp.
Còn người con của cha mẹ ấy là người đã có quy y, nương nhờ nơi Phật,
nơi Pháp, nơi Tăng; thường tránh xa sự sát sanh, sự trộm cắp, sự tà dâm,
sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sanh ra sự buông thả.
Người con là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tam quy, có ngũ
giới trong sạch, thường tạo mọi thiện pháp.
Này chư tỳ-kheo, như vậy gọi là con hơn cha mẹ.
Thế nào gọi là con như cha mẹ?
Này chư tỳ-kheo, cha mẹ ở trong đời này là người đã có quy y, nương nhờ
nơi Phật, nơi Pháp, nơi Tăng; tránh xa sự sát sanh, sự trộm cắp, sự tà
dâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sanh ra sự buông
thả. Cha mẹ là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tam quy, có
ngũ giới trong sạch, thường tạo mọi thiện pháp.
Còn người con của cha mẹ ấy cũng là người đã có quy y, nương nhờ nơi
Phật, nơi Pháp, nơi Tăng; thường tránh xa sự sát sanh, sự trộm cắp, sự
tà dâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sanh ra sự
buông thả. Người con là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tam
quy, có ngũ giới trong sạch, thường tạo mọi thiện pháp.
Này chư tỳ-kheo, như vậy gọi là con như cha mẹ.
Thế nào gọi là con kém cha mẹ?
Này chư tỳ-kheo, cha mẹ ở trong đời này là người đã có quy y, nương nhờ
nơi Phật, nơi Pháp, nơi Tăng; tránh xa sự sát sanh, sự trộm cắp, sự tà
dâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sanh ra sự buông
thả. Cha mẹ là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tam quy, có
ngũ giới trong sạch, thường tạo mọi thiện pháp.
Còn người con của cha mẹ ấy là người không có quy y, không nương nhờ nơi
Phật, nơi Pháp, nơi Tăng; không tránh xa sự sát sanh, sự trộm cắp, sự
tà dâm, sự nói dối, sự uống rượu và các chất say là nhân sanh ra sự
buông thả. Người con là người không có đức tin nơi Tam bảo, không có tam
quy, không có ngũ giới trong sạch, thường tạo mọi ác pháp.
Này chư tỳ-kheo, như vậy gọi là con kém cha mẹ.
Bài kinh trên đề cập đến 3 hạng người con so với cha mẹ, đó là sự so sánh căn cứ theo thiện pháp, ác pháp.
Tục ngữ có câu: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Theo quan niệm Phật giáo, con hơn cha mẹ được hiểu là:
° Cha mẹ là người không có giới, không có định, không có tuệ, thường tạo
mọi tội lỗi, mọi ác pháp; còn con là người có giới đức trong sạch,
thường thực hành thiền định, thực hành thiền tuệ, thường tạo mọi phước
thiện, mọi thiện pháp.
Như vậy mới gọi “Con hơn cha là nhà có phúc”.
° Cha mẹ là người có giới đức trong sạch, thực hành thiền định chứng đắc
thiền bậc thập, thực hành thiền tuệ chứng đắc Thánh quả bậc thấp; còn
con là người cũng có giới đức trong sạch, thường thực hành thiền định
chứng đắc thiền bậc cao, thực hành thiền tuệ chứng đắc Thánh quả bậc
cao.
Như vậy mới gọi “Con hơn cha là nhà có phúc”.
Phật giáo quan niệm giá trị con người không căn cứ vào sự giàu hoặc
nghèo, trình độ học vấn, công danh cao, sự nghiệp lớn, có chức quyền...
mà chỉ căn cứ vào thiện pháp, ác pháp.
Cho nên, dù cha mẹ là người dân thường, ít học; song là người có đức tin
trong sạch nơi Tam bảo, đã quy y nương nhờ nơi Phật, Pháp, Tăng, có
giới đức, hoan hỉ trong mọi thiện pháp như bố thí, giữ gìn giới trong
sạch, thường thực hành thiền định, thực hành thiền tuệ... Còn con là
người có học vị tiến sĩ, có quyền cao chức trọng; song là người không có
đức tin nơi Tam bảo, không có giới, thường tạo mọi tội lỗi, lại còn làm
những việc xấu xa, vi phạm luật pháp ... làm cha mẹ mang tiếng xấu, gia
đình dòng họ phải hổ thẹn với mọi người.
Như vậy không thể gọi là “Con hơn cha là nhà có phúc”.
Trong vòng tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh tư vô thuỷ cho đến kiếp
hiện tại, mỗi chúng sinh tích lũy thiện nghiệp hoặc ác nghiệp khác nhau,
cho nên quả của nghiệp cũng khác nhau. Cha mẹ là nơi nương nhờ để thiện
nghiệp cho quả tái sanh trở thành người con của cha mẹ. Do đó, có những
người con xét về đức hạnh, về thiện pháp hơn cha mẹ, hoặc như cha mẹ
hoặc kém cha mẹ.
Chẳng hạn như, Bồ Tát thái tử Tất-đạt-đa khi sanh ra có 32 tướng tốt của
bậc thiện trí và 80 vẻ đẹp mà trong dòng họ Thích-ca không có một ai
sánh được, đó là do quả của thiện nghiệp mà Bồ Tát đã tạo nhiều đời
nhiều kiếp trong quá khứ, không phải do mẫu hậu và phụ vương của ngài.