CHƯƠNG V VUA TRẦN NHÂN TÔNG VÀ SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG HÒA BÌNH THỜI HẬU CHIẾN
Khi
quân và dân ta đang tưng bừng ăn mừng chiến thắng ở thủ đô Thăng
Long, thì tại Đại Đô, Hốt Tất Liệt đang thi hành những biện pháp trừng
phạt đối với đám bại tướng của đạo quân xâm lược đã tháo chạy và sống
sót trở về. Hắn đày Thoát Hoan ra Dương Châu và cấm suốt đời không
được gặp mặt hắn, còn Áo Lỗ Xích bị đuổi ra Giang Tây, như Nguyên sử
117 tờ 5a1-2 và 131 tờ 7a9 đã ghi nhận. Về phía ta, vua Trần Nhân
Tông đang chuẩn bị một mặt trận ngoại giao để đối phó với ý đồ xâm
lược của triều đìnhử Nguyên, đồng thời tiến hành thực hiện một số biện
pháp để xây dựng lại đất nước, sau khi đã bị chiến tranh tàn phá
nhằm củng cố tiềm lực quốc gia cho mọi biến động có thể xảy ra.
Biện
pháp thứ nhất là công bố đại xá cho cả nước và tha tô thuế tạp dịch
cho những vùng đã trải qua chiến tranh, còn miễn và giảm cho các vùng
khác như ĐVSKTT 5 tờ 55a1-3 viết: “Tháng tư mùa hạ (năm Mậu Tý, 1288)
Thượng hoàng ngự ở hành lang thị vệ (vì cung điện thời bấy giờ bị
giặc đốt hết) đại xá thiên hạ. Phàm những nơi nào từng bị binh lửa
cướp phá thì miễn tô thuế và tạp dịch toàn phần, còn chỗ khác thì tha
hoặc miễn theo thứ bậc khác nhau”. Rõ ràng đất nước đã kinh qua chiến
tranh và bây giờ phải tập trung mọi nỗ lực để xây dựng lại những gì đã
bị quân thù đốt phá. Miễn giảm tô thuế và tạp dịch là nhằm mục đích
đó. Và biện pháp này thực hiện mấy ngày sau khi vua Trần Nhân Tông và
Thượng hoàng trở về kinh đô Thăng Long hôm 27 tháng 3 năm Mậu Tý
(1288).
Cũng
vào đợt tuyên đọc lệnh đại xá của vua Trần Nhân Tông này, ĐVSKTT 5
tờ 55a3 -b5 đã dành một đoạn văn dài để ghi lại một sự cố trong việc
đọc chiếu chỉ ấy. Qua sự cố đo,ữ ta được biết thêm nhiều chuyện liên
quan đến lịch sử, văn hóa và xã hội của đất nước. Sự cố đó như sau:
“Vua bảo ty hành khiển giao hảo với viện hàn lâm. Theo lệ cũ, hễ đọc
lời vua nói thì viện hàn lâm đưa trước bản thảo tờ chiếu cho ty hành
khiển bảo tập đọc trước. Đến khi tuyên đọc thì gồm giảng cả âm lẫn
nghĩa khiến cho dân thường dễ hiểu, vì chức hành khiển chỉ dùng hoạn
quan thôi. Bấy giờ Lê Tòng Giáo làm tả phụ, cùng hàn lâm phụng chỉ
Đinh Cũng Viên vốn không thích nhau. Ngày đọc lời vua đã tới gần, mà
Cũng Viên cố ý không đưa bản thảo. Tòng Giáo nhiều lần đến đòi rốt
cuộc cũng không được. Hôm ấy xe vua sắp ra ngoài cung, Cũng Viên
mới đưa bản thảo. Tòng Giáo tuyên đọc lệnh đại xá, không hiểu âm
nghĩa, bèn đứng im, vua gọi Cũng Viên đứng đằng sau nhắc bảo âm nghĩa.
Tòng Giáo có ý thẹn. Cũng Viên nhắc bảo tiếng càng to, mà tiếng Tòng
Giáo thì lại nhỏ dần. Trong triều chỉ nghe tiếng Cũng Viên. Khi vua
trở về nội điện, cho gọi Tòng Giáo vào: ‘Cũng Viên là người văn học,
còn ngươi là một trung quan, sao không thích nhau đến nỗi như thế.
Ngươi làm lưu thủ Thiên Trường, tôm đất quýt vàng đem tặng qua lại cho
nhau, thì có hại gì đâu’. Từ đó Tòng Giáo và Cũng Viên giao hảo với
nhau càng thêm thân mật”.
Qua
sự cố nhắc bài giữa triều đình này, ta biết vào thời Trần và chắc
chắn là trước năm 1288 đã có lệnh là phải đọc chiếu chỉ của vua bằng
cả hai thứ tiếng, tiếng Hán và tiếng Việt. ĐVSKTT chỉ ghi sự kiện đọc
chiếu chỉ của vua bằng hai thứ tiếng đây là một việc cũ (cố sự). Điều
này có nghĩa việc đọc bằng hai thứ tiếng này có từ lâu, nhưng lâu từ
lúc nào, ĐVSKTT không cho ta biết. Có thể có từ thời Lý chăng? Thậm
chí có thể có từ thời Đinh, Lê chăng? Đây là một có thể. Bởi vì các
vua Đinh Lê như chính ĐVSKTT ghi lại, không phải là những người có học
nhiều. Các vua thời Lý khá hơn, học hành đầy đủ hơn. Song đọc chiếu
chỉ của vua thì đâu phải chỉ để cho vua nghe, mà chủ yếu là cho quần
thần và dân dã. Và số quần thần và dân chúng Đại Việt vào các triều
đại ấy và ngay cả các triều đại về sau này phần lớn đều không biết chữ
Hán, hoặc có biết chăng, thì họ cũng chỉ biết lõm bõm đủ cho việc
ký giấy tờ.
Do
thế, ta có thể mạnh dạn đề xuất ý kiến cho rằng trong lịch sử dân
tộc, tiếng Việt từ lâu vẫn là một ngôn ngữ hành chính ở một mức độ
nào đó, dẫu rằng số tài liệu của các mệnh lệnh hành chánh này đã bị
thất lạc hầu như gần hết, chỉ trừ một số rất ít các văn kiện như văn
tế Nguyễn Biểu của Trần Trùng Quang, hay lời hội thề Lam Sơn của Lê
Lợi, hay hịch đánh quân Thanh của vua Quang Trung và một số văn kiện
lẻ tẻ khác. Nói cách khác, tiếng Việt có một vị trí nào đó trong
đời sống chính trị Việt Nam như một ngôn ngữ chính thức của triều
đình, chứ không phải chúng không bao giờ được dùng tới. Chỉ có vấn đề
là khó và dễ học, mà sau này thiền sư Pháp Tính (1470-1550 ?) đã đặt
ra trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa.Thiền sư Pháp Tính đã nói tới tình
trạng chữ viết tiếng Việt ta thời ông và trước đó, tức từ nửa đầu
thế kỷ thứ 15 trở về trước, phần lớn gồm những chữ “nôm xe chữ
kép”:Xưa đặt nôm xe chữ kép Người thiểu học khôn biết khôn xem Cho nên
Pháp Tính mới chủ trương, phải thiết định lại một thứ chữ viết quốc
âm dễ viết dễ đọc, để cho ai học cũng có thể dễ dàng tiếp thu:
Bây giờ nôm dạy chữ đơn
Cho người ít học nghĩ xem nghĩ nhuần
Tiếng
Việt vào thời Trần Nhân Tông như thế đã có một vị trí nhà nước của
nó. Ngay lệnh đại xá của vua Trần Nhân Tông cũng phải được đọc thêm
bằng tiếng Việt đã chứng thực sự kiện ấy. Bản thân vua Trần Nhân Tông
cũng đã viết văn bằng tiếng Việt, mà ngày nay ta hiện còn có được
nguyên vẹn văn bản. Đó là Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền
thành đạo ca. Đây là hai tác phẩm tiếng Việt xưa nhất hiện còn của
lịch sử văn học nước ta, nếu không kể bài Giáo trò của Từ Đạo Hạnh và
xưa hơn là bài Việt ca chép trong Thuyết uyển.
Ý
nghĩa xã hội của việc dùng tiếng Việt để đọc các chiếu chỉ của vua
này là rất lớn. Nó xác nhận cho ta một sự thật lịch sử là vua với dân
muốn nói chuyện với nhau một cách bình đẳng thân tình như những người
cùng một dòng giống, cùng một gia đình. ĐVSKTT 5 tờ 61a4 -8 ghi một sự
kiện dưới mục tháng 3 năm Nhâm Thìn (1292) về việc “vua thường đi
chơi ở bên ngoài, giữa đường gặp gia đồng của các vương hầu, tất gọi
rõ tên mà hỏi: ‘chủ mày ở đâu’, đồng thời răn các vệ sĩ không được
phép đuổi. Đến khi về cung, vua gọi tả hữu nói: ‘ngày thường thì có
thị vệ ở hai bên, đến khi quốc gia nhiều nạn thì chỉ bọn ấy có mặt
thôi’. Ấy bởi vua cảm kích trước sự hộ tùng lúc vua ở trong gió bụi mà
nói thế”. Sự thân thiết này chính là sức mạnh đoàn kết toàn dân, làm
tiền đề cho những chiến công oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh vệ
quốc, mà chính vua Trần Nhân Tông đã lãnh đạo.
Một
năm sau khi lệnh đại xá được ban hành để ổn định tình hình chính
trị của cả nước, và việc tha miễn tô thuế ở các vùng bị chiến tranh
tàn phá đã thực hiện nhằm phục hồi lại nền kinh tế, thì tháng 4 năm Kỷ
Sửu, vua Trần Nhân Tông mới cho bàn xét công trạng của những người đã
tham gia chiến tranh. ĐVSKTT 5 tờ 56b7 -57a8 đã chép lại đợt thưởng
công này như sau: “Tháng 4 mùa hạ bàn định công dẹp giặc Nguyên, tiến
phong Hưng Đạo Vương làm đại vương, Hưng Vũ Vương làm khai quốc công,
Hưng Nhượng Vương làm tiết đồ sứ. Ai có công to được ban quốc tính.
Khắc Chung được dự vào đồng thời cho làm đại hành khiển. Đỗ Hành chỉ
được phong quan nội hầu, vì khi bắt được Ô Mã Nhi mà không dâng cho
nhà vua, lại dâng cho Thượng hoàng. Hưng Trí Vương không được thăng
trật, vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được
cản trở, mà Vương còn đón đánh. Cho Man trưởng Lạng Giang là Lương Uất
làm trại chủ Qui Hóa, Hà Tất Năng làm quan phục hầu vì có đem quân
người Man ra đánh bại giặc, việc thưởng tước xong, còn có người chưa
bằng lòng. Thượng hoàng bèn bảo: ‘Các khanh quả biết giặc Hồ không lại
vào cướp nữa, thì hãy nói rõ cho trẫm biết. Dù có thăng đến cực phẩm,
trẫm cũng không tiếc gì. Nếu không vậy mà đã vội thưởng hậu hết thì
vạn nhất giặc Hồ lại đến và các khanh lại có công thì trẫm sẽ lấy gì
mà thưởng, để khuyến khích thiên hạ’. Mọi người đều vui phục”.
Việc
thưởng công cho những người có thành tích trong cuộc chiến tranh vệ
quốc năm 1288 đã diễn ra như thế khá sôi nổi. Có những người nghĩ
mình có khả năng được thưởng công cao, nhưng sau đó thất vọng, vì như
Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã nói: nếu thưởng hết, vạn nhất có giặc
Nguyên đến lại thì lấy gì để mà thưởng. Điểm đáng chú ý là trong đợt
phong thưởng này, Đỗ Hành, người đã bắt được Ô Mã Nhi tại trận thủy
chiến Bạch Đằng, đã không được tước cao, vì đã không đem Ô Mã Nhi dâng
lên cho vua Trần Nhân Tông, mà lại đem dâng cho Thượng hoàng Trần
Thánh Tông. Đây là điểm đáng chú ý, vì sự kiện ấy muốn xác định cho ta
biết ai là người lãnh đạo tối cao của đất nuớc Đại Việt lúc bấy giờ
và ai là người ra quyết định tối hậu trong công tác điều hành chiến
tranh. Người ấy không phải ai khác hơn chính là vua Trần Nhân Tông.
Cũng qua đợt phong thưởng này ta biết thêm một chi tiết nữa. Đó là
việc vua Trần Nhân Tông đã bám sát chiến trường tại các mặt trận
khác nhau. Sự kiện Hưng Trí Vương Nghiễn không được thăng trật do
hăng say đón đánh bọn giặc Nguyên trên đường tháo chạy về nước sau
khi đã có lệnh của vua Trần Nhân Tông không được cản trở chúng, là
một thí dụ điển hình. Công tác chỉ đạo chiến tranh như thế chủ yếu
là do vua Trần Nhân Tông thực hiện, có sự tham gia cố vấn của
Thượng hoàng Trần Thánh Tông và do Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo
trực tiếp thực hiện. Cần làm rõ điều này để mọi người cùng thấy và
nhận thức đúng đắn vai trò của vua Trần Nhân Tông trong hai cuộc
chiến tranh vệ quốc oanh liệt năm 1285 và 1288, mà cho đến ngày nay
nhiều người còn mơ hồ, thậm chí có những đánh giá lệch lạc, chớ
khoan nói chi tới những thời gian trước đây, khi
Văn minh Đông Á trời thu sạch
Này lúc cương thường đảo ngược ru.
Sự
đánh giá lệch lạc này có thể thấy rõ ràng qua các đường phố mang
tên Trần Nhân Tông tại các thành thị khác nhau ở nước ta hiện nay.
Cũng sau đợt thưởng công ấy, đến tháng 5, vua Trần Nhân Tông còn thực
hiện một cuộc thưởng công bổ sung với việc “gia phong Nguyễn Khoái làm
liệt hầu, cho một quận làm ấp thang mộc gọi là Khoái Lộ” và cho
chép tên tuổi tiểu sử “những người có công lớn lên trước phá giặc” vào
sách Trung hưng thực lục cùng vẽ chân dung họ trong tập sách ấy.
Song
song với việc thưởng công là việc “trị tội những người đầu hàng
giặc, chỉ quân dân được miễn tội chết, vận chuyển gỗ đá xây dựng cung
điện để chuộc tội, quan viên phạm tội thì tùy nặng nhẹ mà xử trị”, như
ĐVSKTT 5 tờ 57a8-b1 đã ghi. Đặc biệt trong đợt trị tội những kẻ đầu
hàng này, vua Trần Nhân Tông đã quan tâm đến hai hương Ba Điểm và
Bàng Hà, vì “ngày 30 (tháng 12 năm Đinh Hợi, 2-2-1288) Thái tử nhà
Nguyên A Thai cùng Ô Mã Nhi hội 30 vạn quân đánh vào Vạn Kiếp, rồi
thuận dòng xuôi xuống phía đông, người Ba Điểm và Bàng Hà đều đầu
hàng”, như ĐVSKTT 5 tờ 52b5-6 đã ghi. Và cách xử trí theo ĐVSKTT 5tờ
57b7-9 là “xử tội đồ quân dân hai hương Ba Điểm và Bàng Hà làm binh
thang mộc, không được làm quan, ban cho các tể thần làm hoành nô sai
sử”.
Điểm
đặc biệt trong đợt xử trị này là việc Thượng hoàng Trần Thánh Tông
ra lệnh đốt tất cả giấy tờ của những người xin đầu hàng giặc, mà quân
ta đã bắt được. ĐVSKTT 5 tờ 57b9-58a6 đã mô tả lại sự kiện này như
sau: “Trước kia khi người Nguyên vào cướp, vương hầu quan liêu phần
nhiều đến dinh xin qui phục. Đến khi giặc thua, bắt được một hòm các
tờ biểu xin đầu hàng, Thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng kẻ phản
trắc. Chỉ những kẻ đầu hàng trước đây thì dù bản thân đang ở triều
đình giặc, cũng bị kết án vắng mặt, xử tội lưu đày hay tử hình, điền
sản bị tịch thu làm của nhà nước, xoá quốc tính của chúng. Như Trần
Kiện và con của Tỉnh Quốc thì đổi làm họ Mai, còn người khác cứ theo
lệ ấy mà đổi, như bọn Mai Lộng. Ích Tắc vì là chỗ bà con cốt nhục, trị
tội tuy cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần,
cho là hèn nhát như đàn bà. Đương thời ghi chép đều gọi Ả Trần, Mai
Kiện. Có Đặng Long là cận thần của vua, giỏi văn học, nhưng tước ở bậc
dưới, từng được dự vào ghi chú để mà thăng cấp. Vua muốn cho làm hàn
lâm học sĩ. Thượng hoàng ngăn lại. Bèn trong lòng có sự bất bình, đến
đây cũng hàng giặc, đến khi thua bị bắt, đem chém để răn mọi người”.
Sự
kiện đây chứng tỏ một đường lối chính trị nhân đạo để ổn định đất
nước sau chiến tranh, làm cho mọi người cảm thấy yên tâm lao động xây
dựng đất nước. Không chỉ có thế. Nó còn thể hiện tấm lòng độ lượng của
bản thân những người lãnh đạo quốc gia đối với một bộ phận dân tộc
có lỡ lầm.Thêm vào đó, phải tổ chức lại bộ máy hành chính nhà nước, mà
đã bị quân sự hóa để phục vụ chiến tranh. Mùa xuân tháng 2 năm Canh
Dần (1290), vua Trần Nhân Tông theo ĐVSKTT 5 tờ 58a5 đã “chọn quan văn
chia đi cai trị các lộ”, để thực hiện việc cai trị theo pháp luật ,
từ đó tạo điều kiện sản xuất tốt cho người dân.
Đồng
thời nhà vua tiến hành thanh tra công tác của các vị quan văn này.
ĐVSKTT 5 tờ 60b1-4 chép về vụ an phủ sứ Phí Mạnh do tham ô mà bị đánh
trượng và sau đó trở thành thanh liêm vào năm 1292: “Cho Phí Mạnh làm
An phủ sứ Diễn Châu. Tại chức chưa bao lâu mà nổi chứng tham ô. Vua
gọi về đánh trượng rồi lại cho về trị sở lại được tiếng công bình
thanh liêm. Người châu Diễn có lời nói: ‘An phủ Diễn Châu trong như
nước’”. Vua Trần Nhân Tông cũng bổ nhiệm một số người có thành tích
tốt như Phùng Sỹ Chu làm hành khiển, Trần Thì Kiến làm an phủ lộ Yên
Khang. Bộ máy nhà nước sau chiến tranh dần dần trở lại hoạt động bình
thường của nó với những viên chức hiểu biết luật pháp và có khả năng
tổ chức đời sống của dân.
Việc
tổ chức lại bộ máy hành chinh dân sự là cần thiết. Tuy nhiên, không
phải vì thế mà sẽ có sự bổ nhiệm nhiều viên chức nhà nước và địa
phương. Ta đã thấy ngay việc phong thưởng những người có thành tích
chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh giữ nước năm 1285 và 1288, vua
Trần Nhân Tông còn giới hạn, đến nỗi có những đòi hỏi phong thưởng
thêm, mà Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã phải giải thích. Huống nữa
là việc bổ quan phong tước.
Sau
này ta đã thấy vua Trần Nhân Tông, khi nhìn thấy quyển sổ bổ quan
phong tước của vua Trần Anh Tông có quá nhiều người, vua Trần Nhân
Tông đã phải thốt lên: “Sao lại có một nước bé như bàn tay, mà phong
quan tước nhiều đến thế”, như ĐVSKTT 6 tờ 36a9 đã ghi. Tư tưởng chủ
trương “quan nhiều dân chết”, mà Ngô Thời Nhiệm sau này đã nêu lên,
phải nói là có nguồn gốc từ tư tưởng này của vua Trần Nhân Tông. Có
thể nói quan điểm nhà nước như một dịch vụ, chứ không phải một nơi để
khai thác làm giàu cho những người có chức có quyền đã xuất hiện từ
lâu tại nước ta, chắc chắn là từ thời vua Trần Nhân Tông. Như thế, dù
việc dân sự hóa bộ máy hành chánh là cần thiết, nhưng dứt khoát vua
Trần Nhân Tông đã không để cho bộ máy này trở thành một bộ máy cồng
kềnh bòn rút máu mỡ của dân.
Cho
nên, sau đó thời tiết bất thuận lợi liên tiếp như “nắng mãi từ mùa
hạ tháng 6 đến mùa đông tháng 10” của năm 1289, rồi “tháng 4 mùa hạ
sông Tô Lịch chảy ngược (sông này có mưa lớn thì nước to lên mà chảy
ngược)” của năm 1290, qua năm 1291 thì đói to “ngoài đường nhiều người
chết đói”, vua ra lệnh “phát thóc không để chẩn cấp cho dân nghèo
và miễn thuế nhân đinh” như ĐVSKTT 5 tờ 58b4, 59a5-60a7 và 59b9 -60a1
đã chép. Thế mà khi Lương Tăng và Trần Phu đến nước ta vào năm 1293,
chúng đã thấy một đất nước Đại Việt giàu đẹp với một nền nông nghiệp
phát triển, thương mại phồn vinh và công nghiệp sắc sảo.
Về
nông nghiệp, “lúa mỗi năm gặt bốn lần, tuy vào mùa đông rét, mạ vẫn
phơi phới” và những vườn dâu, chuối, nhãn, vải, mít, dừa. v.vỢ xanh
tốt. Còn về thương mại, thì không những nền nội thương phát triển,
“thôn xóm đều có chợ, mỗi hai ngày họp một lần, trăm món tạp hóa đều
dồi dào. Cứ 5 dặm thì dựng một ngôi nhà 3 gian, bốn mặt đều đặt sạp
để làm chỗ họp chợ”, “nước không có dự trữ, chỉ trông cậy vào việc
thuyền bè đến buôn bán” và sự buôn bán này không chỉ ở trong nước mà
còn với các nước khác nữa. “phủ Tinh Hoa tức Hoan Châu đời Đường, cách
thành Giao Châu hơn 200 dặm. Thuyền bè các nước mọi ngoài biển đeàu
đến rất đông, buôn bán trên thuyền rất rộn rịp”. Để có thể có một nền
ngoại thương rộn rịp như thế, Đại Việt không những phải có một nền
nông nghiệp phát triển, mà còn phải có một nền công nghiệp và thủ
công nghiệp sắc sảo.
Để
có một nền nông nghiệp và thương nghiệp phát triển phồn vinh như
thế chỉ sau bốn năm chiến tranh chấm dứt, nền công nghiệp và tiểu thủ
công nghiệp Đại Việt cũng phải phát triển song song. Nền công nghiệp
và tiểu thủ công nghiệp này trước mắt có nhiệm vụ xây dựng lại đất
nước sau chiến tranh. Bao nhiêu dinh thự, thành quách, đình chùa và
nhà dân bị quân thù đốt phá. Bao nhiêu cầu cống, đường sá bị giật sập
cuốc bỏ vì yêu cầu chiến tranh. Thế mà khi Trần Phu đến kinh đô
Thăng Long, thấy chung quanh kinh thành đã có bốn chiếc cầu bắc ngang.
Trần Phu viết trong An Nam tức sự: “Giao Châu không có thành quách,
tường đất thấp tè mà thôi. Phía tây có châu Hoa Phúc có sông vây
quanh, phía trước có bốn cầu là Mạc Kiều, Tây Dương, Ma Tha, Lão Biên
để thông việc ra vào”. Xa hơn kinh thành một chút, Trần Phu lại viết:
“Từ sứ quán đi sáu mươi dặm thì qua cầu An Hoá, lại một dặm nữa thì
đến phía bắc cầu Thanh Hóa. Trên cầu này có nhà mười chín gian”.
Còn
kinh thành Thăng Long trong cuộc chiến tranh năm 1285, khi Thoát Hoan
kéo đến chiếm kinh thành, Nguyên sử 209 tờ 7a 12-13 đã tả sơ lại
cung điện như thế này: “Cung thất có năm cửa, trên đề là cửa Đại Hưng
hai bên có cửa nách, chính điện có chín gian đề tên là Thiên An ngự
điện, cửa chính nam đề là Triều Thiên các”. Cung thất này, theo
ĐVSKTT 5 tờ 55a2, đã bị đốt cháy. Tuy nhiên, trong Trương thượng thư
hành lục, mà Lê Thực chép lại ở An Nam chí lược 3 tờ 46, Trương Lập
Đạo đến sứ nước ta vào năm 1291 đã đặt vấn đề là nếu Thoát Hoan đã đốt
phá dinh thự cung thất thì làm gì còn cung thất ở đây. Thực tế có khả
năng bọn Thoát Hoan đã đốt một số và sau đó chính quyền ta đã xây
dựng lại. Cho nên, khi đến nước ta vào năm 1293, tất nhiên Trần Phu đã
thấy đất nước Đại Việt, đặc biệc là kinh đô Thăng Long đã có một bộ
mặt mới xinh đẹp hơn.
Cũng
trong An Nam tức sự, Trần Phu đã tả lại nơi ở của vua ta như thế
này: “Cửa nó gọi là cửa Dương Minh, trên có gác gọi là gác Triều
Thiên, cửa nhỏ bên trái gọi là cửa Nhật Tân, cửa nhỏ bên phải gọi là
cửa Vân Hội. Bên trong cửa có giếng trời rộng sâu mấy chục trượng, đi
lên từ các từng cấp thì dưới gác có biển đề điện Tập Hiền, trên có
gác lớn gọi là gác Minh Linh, con đường hành lang bên phải để đến điện
lớn gọi là điện Đức Huy, cửa bên trái gọi là cửa Đồng Lạp, cửa bên
phải gọi là cửa Kiều Ứng. Các tấm biển đều viết bằng chữ vàng”.
Để
xây dựng các cầu và cung điện như thế, thì nền công nghiệp sản xuất
ngói gạch tất phải phát triển. Trần Phu đã tả lại loại ngói đặc
biệt của Đại Việt lúc bấy giờ: “Ngói hình như miếng ván, trên thì rất
vuông nhưng nhọn ở nửa dưới, giống như cái cân thóc xưa gác ngang
một nửa cây tre làm rui, dùng đinh tre đóng ngói vào trên rui, từ cái
diềm theo thứ lớp đè lên nhau cho đến nóc nhà, đẹp mềm mại như vảy
cá”. Không những sản xuất ngói gạch đá cho xây dựng, từ xa xưa tổ tiên
người Việt dùng thuyền như người Hồ cưỡi ngựa. Đặc biệt là vào thời
kỳ Trần Nhân Tông với các trận thủy chiến Vân Đồn,Vạn Kiếp, Bạch Đằng
lẫy lừng cũng như việc buôn bán với nước ngoài ở các cửa biển thì
việc đóng thuyền trở thành một ngành sản xuất được quan tâm hàng đầu.
Trần Phu không quên chú ý đến các chiến thuyền Đại Việt: “Thuyền nhẹ
và dài, ván rất mỏng, đuôi thuyền như cánh chim uyên ương, hai bên
nổi cao, dùng đến ba mươi tên lính để chèo, phần lớn là có đến trăm
tên, chạy nhanh như bay”.
Không
những về công nghiệp dân sự, công nghiệp quân sự cũng có những phát
triển mới. Trong trận đánh phòng ngự kinh thành Thăng Long ta đã thấy
quân Đại Việt vào năm 1285 đã dùng tới pháo. Pháo đây là những máy
bắn đá hay hỏa pháo sau này, ta không thể xác định chắc chắn được.
Điều rõ ràng là quân Đại Việt đã sử dụng pháo trong những trận địa
chiến, như Nguyên sử đã ghi lại. Cũng thông qua hai cuộc chiến tranh
1285 và 1288, nhiều tên tướng địch đã chắc chắn là nhiều tên lính
địch. đã bị trúng tên độc của quân ta mà chết như A Bát Xích. Trong
việc chế tạo cung tên, giáo mác, gươm đao... như vậy đã được quan tâm.
Nhưng cũng trong An Nam tức sự, Trần Phu đã cho ta biết thêm một loại
vũ khí khác, mà sử sách ta cũng như Trung Quốc không thấy nói tới,
đó là nỏ nước hay thủy nỏ: “Nỏ nước, một tên khác là xá sa, người bắn
dùng hơi để bắn xa được ba mươi bộ. Bắn trúng thì thấy có cái bóng màu
hồng và ngứa thì liền lấy dao khoét bỏ mảnh thịt đó đi. Không thế
thì ngứa cho đến chết “.
Tất
nhiên nền kinh tế Đại Việt vào thời Trần Nhân Tông không chỉ sản
xuất các vật liệu xây dựng các khí tài chiến tranh mà còn sản xuất các
loại hàng tiêu dùng như vải vóc, hương liệu, các đồ trang sức...
Chẳng hạn như loại hương long nhụy, mà theo Trần Phu là “dùng nhụy hoa
rồng hòa với dầu an tức hương, rồi xe làm những thỏi nhỏ như chiếc
đũa, dài chừng một thước, rồi treo lên vách mà đốt cháy suốt ngày
không tắt. Hương rất trong thơm”.Các thứ vải vóc thì đủ các loại lụa,
là, quyến, thô, sồi, giấy, có nhiều màu như xanh, vàng, tía, đỏ...,
nhưng theo Trần Phu, người dân đa số mặc vải đen.
Nói
tóm lại, nền kinh tế Đại Việt, sau hai cuộc chiến tranh, dù gặp
nhiều thiên tai như hạn hán kéo dài và mưa dầm nhiều tháng nên có xảy
ra mấy trận đói, nhưng qua đến đầu năm 1293 đã có những khởi sắc. Với
những chính sách khôn khéo, vua Trần Nhân Tông đã vực dậy nền kinh tế
bị thiên tai và địch họa tàn phá, làm cho đất nước có một bộ mặt
tươi đẹp, như Trần Phu đã mô tả trong bài An Nam tức sự của y.
Bên
cạnh công cuộc tái thiết đời sống vật chất, tạo bộ mặt tươi đẹp cho
đất nước và con người, thì việc xây dựng một đời sống tinh thần lành
mạnh cho người dân cũng được vua Trần Nhân Tông quan tâm một cách sâu
sắc. Đó là gây dựng một quá khứ thần thánh cho dân tộc bằng việc phong
thần cho những người có công với dân với nước như Phù Đổng Thiên
Vương, Sĩ Nhiếp, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử, Phùng Hưng, Lý Thường
Kiệt v.v.. Trong hai đợt phong thưởng cho những người có chiến công
trong các cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1285 và 1288, vua Trần Nhân
Tông đã không quên tỏ lòng biết ơn những vị anh hùng đã khuất bằng
cách phong thưởng cho họ danh hiệu cao quý.
Sự
kiện này ta không thấy ĐVSKTT ghi lại. Nhưng may mắn thay Việt điện
u linh tập đã có chép. Tất nhiên, việc phong thần cho những anh hùng
và những ai có công với dân với nước trong quá khứ không phải tới thời
vua Trần Nhân Tông mới được thực hiện. Lý Thái Tổ đã làm việc ấy đối
với Phù Đổng Thiên Vương là một thí dụ. Tuy nhiên đó là những việc
làm lẻ tẻ, chưa có tính cách hệ thống. Phải đợi đến vua Trần Nhân
Tông, công tác này mới được tiến hành một cách đầy đủ. Lần đầu tiên,
một thần điện Việt Nam đã hình thành với những con người sống bằng
xương bằng thịt trong quá khứ, có sự tích, có hành trạng, chứ không
chỉ gồm những vị thần, vị thánh từ nước ngoài đưa vào, hay được tưởng
tượng ra ở trong nước.
Căn
cứ vào những ghi chép của Lý Tế Xuyên trong Việt điện u linh tập,
27 vị được phong thưởng trong những năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) và
Trùng Hưng thứ 4 (1288), rõ ràng các vị thần Việt Nam đến thời vua
Trần Nhân Tông đã lên tới con số không phải ít. Qua những ghi chép về
việc phong thưởng này, ta có thể giả thiết khi viết Việt điện u linh
tập, Lý Tế xuyên đã dựa vào những hồ sơ của các vị thần mà triều
đình đã hoàn tất để trình cho vua Trần Nhân Tông phong thưởng. Cần nhớ
là căn cứ vào lời tựa của chính Lý Tế Xuyên, thì ông đã từng giữ chức
Thủ Đại Tạng thư văn chính chưởng trung phẩm phụng ngự An Tiêm lộ
chuyển vận sứ, tức một chức vụ có liên hệ ít nhiều với Phật giáo.
Việc phong thần cho 27 anh hùng liệt nữ và những thần núi, thần sông,
thần đất cho ta thấy ý đồ của vua Trần Nhân Tông gầy dựng một quá khứ
anh hùng và thần thánh cho dân tộc ta, dùng những tấm gương anh hùng
liệt nữ và thần thánh đó để giáo dục cho nhân dân ta sống xứng đáng
với tổ tiên, đất nước mình. Có thể nói chủ nghĩa yêu nước và anh
hùng Việt Nam đã được phát huy cao độ vào thời đại Trần Nhân Tông với
sự góp sức cho quá khứ thần thánh vừa nói. Không có quá khứ đó, việc
phát huy không thể dễ dàng. Đây có thể là một đóng góp to lớn về đời
sống tư tưởng của vua Trần Nhân Tông với dân tộc ta.
Cùng
lúc với việc tiến hành các biện pháp nhằm gầy dựng lại đời sống vật
chất và tinh thần ấm no cho người dân sau chiến tranh, ngay khi đám
bại tướng Thoát Hoan và Áo Lỗ Xích đã tháo chạy về được bên kia biên
giới và đóng quân tại Tư Minh của Quảng Tây vào ngày Nhâm Dần 18 tháng
3 năm Mậu Tý, vua Trần Nhân Tông lại bắt đầu thực hiện chính sách
ngoại giao mềm dẻo và khôn khéo nhằm vừa đè bẹp ý chí xâm lược của kẻ
thù, vừa duy trì hoà bình cho đất nước. Vào ngày Nhâm Dần đó, Bản kỷ
của Nguyên sử 15 tờ 3a9 cho biết vua Trần Nhân Tông “đã sai sứ đến tạ
tội và dâng người vàng để thay thế bản thân mình”. Sự kiện này không
thấy sử ta ghi, nhưng An Nam chí lược 14 tờ 140 của tên Việt gian Lê
Thực có đề cập tới và ghi rõ tên họ của những người đi trong phái bộ
này.
Nó
viết: “Mùa xuân năm Chí Nguyên Mậu Tý (1288), Trấn Nam Vương rút
quân về, Thế tử sai cận thị quan Lý Tu và Đoàn Khả Dung cống phương
vật tạ tội”. Khi viết vào mùa xuân Thoát Hoan rút quân về, và vua Trần
Nhân Tông đã gửi Lý Tu và Đoàn Khả Dung đi sứ qua Nguyên, An Nam chí
lược chắc chắn nói tới thời điểm tháng 3, cụ thể là ngày Nhâm Dần 18,
bởi vì trong mùa xuân ấy, ngoài phái bộ vừa nêu, vua Trần Nhân Tông
và triều đình Đại Việt không thấy cử bất cứ phái bộ nào khác. Đây chắc
hẳn là một phái bộ đi thăm dò, tìm hiểu thái độ và tình hình của địch
sau khi ta đã quét sạch quân chúng ra khỏi bờ cõi.
Quả
vậy, đúng một tháng sau khi khải hoàn về kinh đô Thăng Long, ngày
Canh Thìn, 27 tháng 4 năm Mậu Tý, vua Trần Nhân Tông đã sai trung đại
phu Trần Khắc Dụng đi cống phương vật, như Bản kỷ của Nguyên sử 15 tờ
3b13-4a1 đã ghi. An Nam chí lược không nói tới phái bộ này. Tuy nhiên
Thiên Nam hành ký của Từ Minh Thiện trong Thuyết phu 51 tờ 18b4-19b6
chép lại lá thư vua Trần Nhân Tông gửi cho Hốt Tất Liệt. Qua lá thư
này, ta thấy phái bộ Trần Khắc Dụng không chỉ đơn giản đi cống phương
vật, mà thực sự mang nhiệm vụ đi đấu tranh ngoại giao, để đè bẹp ý chí
xâm lược của kẻ thù.
Trong
lá thư này vua Trần Nhân Tông đã chỉ rõ nguyên nhân vì sao chiến
tranh xảy ra và kể tội kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh đó. Vua Trần Nhân
Tông viết: “Năm Chí Nguyên thứ 23 (1286), bình chương A Lý Hải Nha
tham công ngoài biên giới, làm trái Thánh chỉ. Do thế, tiểu quốc sinh
linh một phương phải chịu lầm than. (....).
Mùa đông năm Chí Nguyên thứ 24 (1287) lại thấy đại quân thủy bộ đều tiến sang, thiêu đốt chùa chiền khắp nước,
đào bới mồ mả tổ tiên, bắt giết người dân già trẻ, đập phá
sản nghiệp trăm họ, các hành động tàn nhẫn phá phách không gì là
không làm (...). Tham chính Ô Mã Nhi lâu nắm binh thuyền riêng ra
ngoài biển, bắt hết biên dân vùng biển, lớn thì giết chết, nhỏ thì
bắt đi, cho đến cả treo trói xẻ mổ, mình đầu khắp chốn. Trăm họ bị bức
tới chỗ chết, bèn dấy lên cái họa con thú chân tường”.
Nguyên
nhân của 2 cuộc chiến tranh vừa qua như vậy theo Trần Nhân Tông là
do đám tướng chỉ huy ở biên giới muốn lập công gây nên, chứ không phải
do chính bản thân Hốt Tất Liệt chỉ xúy. Rõ ràng, đây là một chiến
thuật ngoại giao khôn khéo nhằm giữ thể diện cho Hốt Tất Liệt, không
làm nó mất mặt vì đã chủ trương xâm lược nước ta và đã hoàn toàn
thất bại. Không những thế, đoạn văn vừa nêu ta thấy hừng hực một khí
thế tố cáo và lên án tội ác kẻ thù. Nó đúng là bản luận tội chính Hốt
Tất Liệt vì chính sách gây chiến tàn ác của y, chứ không phải chỉ tố
cáo tội ác diệt chủng dã man của đám tướng tá, mà y sai đi xâm lược
Đại Việt. Có thể nói đây là một trong những văn bản lên án tội ác của
chiến tranh xưa nhất không chỉ của dân tộc ta, mà còn của thế giới.
Càng
lên án chiến tranh và tội ác của chiến tranh, thì người lên án phải
tỏ ra mình là một người có lòng nhân hậu rộng lượng bao la. Họ biết
rằng không thể dùng chiến tranh để vĩnh viễn dập tắt chiến tranh, mà
phải có phương sách khác. Đó là lòng nhân ái, nhân hậu. Phải nói đây
là một trong những tác động sâu xa của giáo lý Phật giáo trong cung
cách hành sử việc đời không chỉ đối với Trần Nhân Tông, mà còn đối
với toàn bộ dân tộc ta lúc ấy, từ những tướng lĩnh cao cấp nhất như
Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải cho đến những người lính người dân bình
thường. Và thực tế trong lá thư ấy, sau khi lên án tội ác trời
không dung đất không tha của đám tướng tá nhà Nguyên trong hai cuộc
chiến tranh vừa qua, vua Trần Nhân Tông chủ động biểu thị lòng nhân ái
của mình bằng cách tha các tù binh, mà ta bắt được trong hai cuộc
chiến vừa qua.
Lá
thư năm 1288 vua Trần Nhân Tông viết: “Thấy trăm họ đưa đến một
người là đại vương Tích Lệ Cơ, nói là bậc quý thích của đại quốc, Thần
từ hôm đó đã lấy lễ đối đãi rất mực tôn trọng. Kính hay không kính
thì đại vương tất rõ. Còn những hành vi tàn bạo của Ô Mã Nhi, đại
vương trông thấy tận mắt, vi thần không dám nói dối. Tiểu quốc, thủy
thổ độc, viêm chướng nhiều, thần lo ở lại lâu ngày sinh ra bệnh tật.
Tuy vi thần có hết sức phụng dưỡng, cũng không khỏi bị những bọn tham
công ngoài biên giới vu tấu đặt điều cho nên tội. Vi thần kính xin sắm
đủ lễ vật đi đường, sai người đến biên giới đưa đại vương về nước
(.....). Ngoài ra, đại quân rơi rớt lại còn hơn nghìn người, thần đã
ra lệnh cho trở về hết. Sau này, nếu còn tìm được người nào, thần cũng
sẽ cho về”.
Rõ
ràng dù bọn tướng tá ở biên giới do tham công mà gây chiến, thì tội
ác chúng cũng đáng để bị trừng trị vì không chỉ chúng đã manh động
gây chiến, mà còn phá hoại sự sống hòa bình của những cộng đồng dân
tộc khác. Và đấy là chưa kể những hành động tàn ác dã man vừa giết
người đốt nhà cướp của, thậm chí “treo trói, xẻ, mổ cắt, đầu mình
khắp chốn” đối với dân lành của chúng. Đứng trước những tội ác và hành
động dã man như vậy, thế mà khi bắt sống được chúng, dân tộc ta vẫn
tỏ lượng bao dung nhân ái, tha chết cho chúng để chúng có thể về đoàn
tụ với gia đình cha mẹ vợ con. Người Việt thời bấy giờ hình như có
một cảm nhận tinh tế sâu sắc biết rung động trước những nổi khổ của kẻ
khác. Thực tế, ít có dân tộc nào có được một bài thơ thương tới cả kẻ
thù của chính mình. Thế mà dân tộc ta vào thời đó đã có bài thơ
Thương kẻ thù bị bắt của trạng nguyên Lý Tải Đạo mà sau này đã trở
thành thiền sư Huyền Quang (1254-1334):
Chích máu thành thư muốn gửi lời
Lẻ bay nhạn buốt ải mây khơi
Đêm nay mấy kẻ nhìn trăng nhỉ
Đôi ngã lòng chung một vợi vời
(Khóa huyết thư thành dục ký âm
Cô phi hàn nhạn tái vân thâm
Kỷ gia sầu đối kim tiêu nguyệt
Lưỡng xứ mang nhiên nhất chủng tâm)
Cho
nên, tấm lòng nhân ái không chỉ bộc lộ trong những người lãnh đạo
quốc gia, mà đôi khi vì quyền lợi của đất nước họ phải biểu thị rõ
ràng thông qua chính sách hoặc thơ văn. Tấm lòng nhân ái đó còn bàng
bạc trong tâm hồn những người dân bình thường, mà Lý Tải Đạo là một
thí dụ. Chậm lắm thì năm 1288, khi cuộc chiến tranh chấm dứt và trong
tay quân đội ta có những đám tù binh của giặc, Lý Tải Đạo lúc ấy mới
34 tuổi, có thể vừa đậu trạng nguyên và chắn chắn đã tham gia cuộc
chiến tranh vệ quốc những năm 1285 và 1288. Thế mà đứng trước những
con người mới vừa phút trước có thể giết mình, bây giờ đang nằm trong
tay mình, Lý Tải Đạo không ngăn nổi lòng thương cảm đối với những
con người ấy, xúc động trước nỗi khổ, nỗi buồn xa cách của họ. Chưa
bao giờ trong lịch sử dân tộc ta mà lòng căm thù giặc sôi sục như thời
đánh Nguyên với hai chữ Sát Thát thích vào cánh tay của từng người
lính.
Nhưng
cũng chưa bao giờ lòng thương người lại phát huy cao độ, lại xúc
cảm đến nỗi viết thành thơ như thời quân dân ta đánh giặc Nguyên này.
Vì
vậy, việc vua Trần Nhân Tông đề nghị và thả các tù binh ta đã bắt
được, không chỉ thể hiện một sách lược ngoại giao mềm dẻo, nhân hậu,
mà còn bộc lộ tình thương đối với từng con người một trong từng cảnh
khổ của họ của dân tộc ta, trong đó có bản thân vua. Truyền thống
thương người này, hơn một trăm năm sau, vị anh hùng dân tộc Lê Lợi lại
có dịp kế thừa và phát huy bằng việc thả tự do cho hơn mấy vạn quân
Minh về nước. Không những thế vua Lê Lợi còn sửa đường, làm cầu, cung
cấp thuyền bè, xe ngựa, lương thực đeå cho đám tù binh ấy được về nhà
an toàn khỏe mạnh. Cho nên, dù trong văn bia của Lý Thiên Hựu có nói
đến cảnh Hựu “bị bắt liền cắt ngắn tóc, hoặc không cho ăn, lăng nhục
khốn khổ muôn bề”, thì trường hợp này nếu có, cũng chỉ là một trường
hợp cá biệt, đặc biệt trong bối cảnh Ô Mã Nhi cho quật mộ của chính
vua Thái Tông.
Sáu
tháng sau phái bộ của Trần Khắc Dụng, vua Trần Nhân Tông gửi tiếp
phái bộ Đỗ Thiên Hứ, như ĐVSKTT 5 tờ 56a4 đã ghi: “Mùa đông tháng 10,
sai Đỗ Thiên Hứ đi sang Nguyên (Thiên Hứ là em của Khắc Chung). Đỗ
Khắc Chung đi sứ quân Nguyên có công đến đó bèn tiến cử em là Thiên
Hứ. Vua y theo”. Sứ bộ này không thấy Nguyên sử và An Nam chí lược ghi
lại. Phải nói đây là những động thái ngoại giao làm dịu bớt tình
hình, nhất là sau khi ta đã thắng lớn qua hai cuộc chiến tranh, tiêu
diệt hay bắt sống gần hết những tên tướng chỉ huy dày dạn kinh nghiệm
của hai cuộc chiến tranh ấy như Toa Đô, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Đường
Ngột Đãi, A Bát Xích.v.v.
Sau
ba phái bộ của ta, ngày Kỷ Hợi 18 tháng 11 năm Mậu Tý, Hốt Tất Liệt
mới cử một phái bộ của mình do Lý Tư Diễn cầm đầu với mục đích đòi
vua ta vào chầu và đe dọa nếu không vào chầu thì sẽ đem quân tiến
đánh, như Bản kỷ của Nguyên sử 15 tờ 7a5-6 đã ghi: “Ngày Kỷ Hợi (tháng
11) sai Lý Tư Diễn làm lễ bộ thị lang sung Quốc tín sứ, lấy Vạn Nô
làm binh bộ lang trung làm phó, cùng đi sứ An Nam, đem chiếu bảo Trần
Nhật Huyên từ thân vào chầu. Nếu không thì chắc chắn sẽ bị đem quân
đánh lần nữa”. Phái bộ đầu tiên này như vậy chỉ có Lý Tư Diễn và Vạn
Nô, chứ không có tên của Lưu Đình Trực, mà các tư liệu khác đều có
ghi với tư cách trưởng đoàn.
Thứ
nhất, An Nam chí lược 3 tờ 45 chép thêm tên Lưu Đình Trực vào: “Chí
Nguyên năm thứ 26 (1288) sai Đề hình án sát sứ đạo Sơn Bắc Lưu Đông
Lưu Đình Trực, lễ bộ thị lang Lý Tư Diễn, binh bộ thị lang Vạn Nô, sứ
ta là bọn Nguyễn Nghĩa Toàn trở về nước tuyên đọc chiếu vua”. Tiếp
đến, An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 10a7-8 ghi:
“Tháng 11 (năm Chí Nguyên 25, 1288) lấy bọn Lưu Đình Trực, Lý
Tư Diễn, Vạn Nô đi sứ An Nam, đem chiếu bảo Nhật Huyên vào chầu”. Và
cuối cùng Thiên nam hành ký của Từ Minh Thiện trong Thuyết phu 51 tờ
21a2 không những ghi tên Lưu Đình Trực, mà còn ghi cả tên Đường Ngột
Đãi (Tangutai), Cáp Tán Lạt (Qasar) và Ung Cáp Lạt Đãi (Onggiradai) và
bản thân Từ Minh Thiện với tư cách tham nghị trung thư.
Đây
là một phái bộ lớn có nhiệm vụ thực hiện hai yêu sách của Hốt Tất
Liệt là đòi vua Trần Nhân Tông vào chầu và đòi vua thả hết các tù binh
nhà Nguyên, đặc biệt là Ô Mã Nhi, đồng thời đem lời giải thích của
Hốt Tất Liệt về nguyên do cuộc chiến tranh. Đây là nhằm đáp lại ba vấn
đề, mà vua Trần Nhân Tông đã nêu ra trong lá thư của mình do phái
bộ Trần Khắc Dụng của ta đem qua cho Hốt Tất Liệt. Đọc những lời đáp
lại dưới đây trong lá thư của hắn gửi cho vua ta, mới thấy các phái bộ
ngoại giao của ta đã thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao kiên trì
và đầy khó khăn như thế nào.
Về
nguyên do cuộc chiến tranh, Hốt Tất Liệt đổ hết mọi trách nhiệm lên
vua Trần Nhân Tông. Lời chiếu của hắn đã được tên Việt gian Lê Thực
chép nguyên văn trong An Nam chí lược 2 tờ 36 và Từ Minh Thiện sao lại
trong Thiên nam hành ký, nói rõ: “Ta coi muôn nước, cả đức lẫn uy đều
dùng. Ngươi tiếng là hướng theo, nhưng thực chưa đến chầu. Nhiều lần
có thư mời lại lấy cớ đau mà từ chối. Đến khi sai chú ngươi tạm giữ
nước thì ngươi công nhiên chống trái, dám làm chuyện chuyên giết. Còn
đến việc A Lý Thái Nha đi đánh Chiêm Thành, tới nước ngươi mượn đường
truyền sửa đến cầu, chuyển vận cỏ thóc, ngươi không những thất tín mà
còn cự lại quân ta. Việc như thế, nếu không đánh, phép vua còn
đâu ? Dân nát nước tan, thực sự ngươi gây lấy”.
Còn
về việc vào chầu, Hốt Tất Liệt vừa dở giọng thuyết phục vừa đưa lời
đe dọa: “Nếu quả có lòng thành, sao không đến đây gặp mặt bày tỏ? Sao
có chuyện nghe sai tướng đến thì lại lo trốn chạy. Hễ thấy rút quân
thì lại lên tiếng vào cống. Lấy chuyện ấy mà thờ kẻ trên, lòng giả dối
có thể biếữt được. Ngươi thử nghĩ nếu cứ sống lẻn lút trên non,
dưới biển lúc nào cũng lo tai họa bị quân tiến đánh, thì sao bằng vào
sân vua chịu mệnh để hưởng ân sủng quang vinh mà trở về. Trong hai
chước đó, chước nào hay chước nào dở ? (...) nếu ngươi sửa soạn sang
ngay, tỏ đủ nghĩa bề tôi, thì ta sẽ tha hết lỗi trước, phục hồi cho
ngươi các tước phong cũ. Nếu còn chần chừ nghi ngại thì dứt khoát khó
mà tha thứ. Hãy sửa sang thành quách ngươi, mài giũa binh giáp ngươi,
cho các ngươi tự ý làm, chờ ta đưa quân tới”.
Còn
việc đòi thả tù binh, thì vì vua Trần Nhân Tông đối đãi tử tế đối
với Tích Lệ Cơ, Hốt Tất Liệt chỉ ra rằng “Ngươi biết Tích Lệ Cơ vốn là
thuộc loại bà con ta mà dùng lễ đưa về. Nhưng y là người có lỗi phải
bị đi đày. Nếu lấy chuyện ấy mà tô vẽ thì hãy đem bọn quan quân Ô Mã
Nhi, Toa Đô trả về như thế mới tỏ được lòng trung thuận. Ngày tiếp
được chiếu thư này, bọn quan quân Ô Mã Nhi phải cùng đến một lúc. Bọn
ấy nếu có việc gì cần xử lý, ta sẽ xử lý hoàn bị. Ngươi hãy đưa trả
bọn họ về đầy đủ”. Việc Hốt Tất Liệt nêu cụ thể tên Ô Mã Nhi, rõ
ràng là nhằm trả lời những tố cáo về tội ác của Ô Mã Nhi, mà vua Trần
Nhân Tông đã nêu ra trong lá thư của mình. Thực tế, hắn là tên tướng
khét tiếng tàn ác, đã giết người, đốt nhà, cướp của, đào mồ tại vùng
Thiên Trường, như đã thấy trên.
Dù
có những lời kết tội, yêu sách và đe dọa vừa nêu, vua Trần Nhân
Tông vẫn tỏ ra bình tĩnh, vui vẻ tiếp đãi đám sứ thần nhà Nguyên, như
Từ Minh Thiện đã ghi lại trong Thiên nam hành ký của Thuyết phu 41 tờ
4b-5a: “Ngày 28 tháng 2 năm Kỷ Sửu (Chí Nguyên) 26 (1289) đến cửa
thành nước ấy, em thế tử là thái sư ra đón..., rồi lên ngựa về quán
dịch. Ngày 29, thế tử và sứ giả gặp nhau. Sau quán dịch có nhà lầu,
Thế tử đi cửa sau vào trước trong nhà, mở cửa giữa mời sứ vào, chào
hỏi chúc mừng nhà vua muôn tuổi, sứ giả đi đường bình yên. Ngày mồng 1
tháng 3, đem đủ cờ xí, tán vàng, kèn trống, đón chiếu thư vào vương
thành. Đến cửa điện thì xuống ngựa rồi vào. Đó là điện Tập Hiền,
làm lễ xong đãi yến sứ giả hai ngày”. Đào Tông Nghi trong Chuyết canh
lục 4 mục Sứ Giao Chỉ còn chép việc vua Trần Nhân Tông đã cho vàng
đám sứ giả này. An Nam chí lược 17 tờ 159 cũng ghi việc vua Trần Nhân
Tông đem vàng bạc biếu cho Lý Tư Diễn.
Nói
chung, đám sứ giả được tiếp đãi tử tế, thậm chí hậu hĩnh. Nhưng mọi
yêu sách của Hốt Tất Liệt đều bị từ chối. Đám sứ giả đã ra về tay
không. Vua Trần Nhân Tông đã không qua chầu, còn Ô Mã Nhi thì chỉ đi
theo vợ con hắn về trong một chiếc lọ gốm. Việc Ô Mã Nhi chết ĐVSKTT 5
tờ 56a6-8 viết như sau: “Mùa xuân tháng 2 năm Kỷ Sửu (1289), sai nội
thư gai Hoàng Tá Thốn đưa bọn Ô Mã Nhi về nước, dùng kế của Hưng Đạo
Vương, cho người giỏi bơi lội làm phu chèo, ban đêm dùi thuyền cho
chìm, bọn Ô Mã Nhi đều chết đuối cả”. Vậy mà trong thư mình viết cho
Hốt Tất Liệt và giao cho phái bộ Đặng Minh và Chu Anh Chủng mang qua
Đại Đô, vua Trần Nhân Tông đã kể lại cái chết của Ô Mã Nhi thế này:
“Tham
chính Ô Mã Nhi định ngày sẽ về tiếp sau. Vì đường về ngang qua Vạn
Kiếp, nên ông ta xin tới gặp Hưng Đạo để sắm sửa hành lý. Dọc đường
ban đêm thuyền bị vấp, nước tràn vào. Tham chính mình to vóc lớn, khó
bề cứu vớt, thành ra bị chết đuối. Phu thuyền của tiểu quốc cũng bị
chết hết. Thê thiếp tiểu đồng của ông ta cũng suýt chết, nhưng nhờ
người thon nhẹ nên cứu thoát được. Vi Thần đã chôn cất ma chay ở bờ
biển. Thiên sứ lang trung đã tận mắt thấy. Nếu có sự gì bất kính, thì
thê thiếp của tham chính ở đó khó mà che giấu được. Vi Thần đã sắm đủ
lễ vật để đưa thê thiếp cùng với xá nhân lang trung về nước”.
Việc
về nước của Ô Mã Nhi là như thế. Và cái chết của Ô Mã Nhi cũng như
thế. Tất nhiên dù Ô Mã Nhi có bị chết thế nào đi nữa thì cũng trong lá
thư đó Trần Nhân Tông hứa thả về hơn 8 nghìn người. Vậy chỉ hơn nửa
năm sau khi quét sạch quân Nguyên ra khỏi bờ cõi, gần một vạn quân
địch đã được chính quyền ta thả tự do cho về nước. Phải nói đây là
lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc cả một số lượng lớn quân thù có nợ
máu với dân tộc, đã được phóng thích. Sự kiện này tạo nên tiền lệ, mà
sau này người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã áp dụng cho việc xử lý đoàn
quân của Vương Thông ở Đông Quan. Chính sách nhân đạo của vua Trần
Nhân Tông kết hợp với các chiến thắng Tây Kết, Bạch Đằng vang dội,
tiêu diệt phần lớn các tên tướng dày dạn kinh nghiệm của quân đội nhà
Nguyên, đã một phần nào làm nhụt ý chí xâm lược của Hốt Tất Liệt.
Vấn
đề có tiến công Đại Việt để trả thù nữa hay không, Hốt Tất Liệt
chắc chắn đã bàn cãi với các cận thần của mình như thừa tướng Hoàn
Trạch (Oljôi) và bình chương Bất Hốt Mộc (BigmiỊ). Họ đều đồng thanh
khuyên nên dùng biện pháp ngoại giao bằng cách đề nghị đưa Trương Lập
Đạo đi sứ Đại Việt, như Trương Lập Đạo truyện của Nguyên sử 167 tờ
2a13-b2 đã ghi. Thế là nhân cái chết của vua Trần Thánh Tông vào ngày
25 tháng 5 năm Canh Dần (1290), tháng 8 vua Trần Nhân Tông cử Ngô Đình
Giới sang báo tang. Tháng 9 năm sau vua lại cử phái bộ Nghiêm Trọng
Duy và Trần Tử Trường qua Nguyên “cống phương vật và tạ tội không vào
chầu”, như Bản kỷ của Nguyên sử 16 tờ 11b8-9 và An Nam chí lược 14
tờ 140 đã ghi. Tháng 10 năm đó Hốt Tất Liệt sai Trương Lập Đạo đến
nước ta.
Nhiệm
vụ của phái bộ Trương Lập Đạo cũng không có gì khác trước. Đó là
làm thế nào thuyết phục vua Trần Nhân Tông vào chầu. Trương Lập Đạo
được tiếõp đãi ân cần “có đại nhạc tấu ở điện hạ, tiểu nhạc tấu ở điện
thượng, la liệtý các thứ rượu, các loại trái cây quý lạ và các món ăn
cá thịt, hải vị đãi đủ tám bàn, thỉnh thoảng mời ăn cau trầu têm
với vôi hàu. Vua luôn luôn tiếp lời, làm thơ để tặng. Lập Đạo ngay tại
bàn tiệc làm thơ đáp lại”. Lập Đạo tuy có kinh nghiệm ở Đại Việt
nhiều lần, nhưng vẫn thất bại trong nhiệm vụ này. Vua Trần Nhân Tông
vẫn từ chối vào chầu, đặc biệtử sau hai lần đánh tan quân xâm lược
những năm 1285 và 1288.
Tháng
6 năm Nhâm Thìn (1292), Trương Lập Đạo trở về nước, vua Trần Nhân
Tông đã sai Nguyễn Đại Phạp và Hà Duy Nhan đi sứ sang Nguyên, mà theo
ĐVSKTT 5 tờ 60a8-9 là nhằm để từ chối vào chầu vì vua Trần Nhân Tông
đang có tang. ĐVSKTT 5 tờ 61a8-b4 kể chuyện khi Nguyễn Đại Phạp đến
sảnh đường của Ngạc Châu, gặp Trần Ích Tắc ở đấy mà không thèm chào
hỏi. Ích Tắc nói: “Ngươi có phải là kẻ chép sách ở nhà Chiêu Đại Vương
không”.
Đại Phạp trả lời: “Việc đời thay đổi. Tôi trước là kẻ chép
sách cho Chiêu Đại Vương, nhưng nay là sứ giả, cũng như Bình Chương
xưa là con vua, nhưng nay là kẻ đầu hàng giặc”. Rồi ĐVSKTT kết luận:
“Ích Tắc có vẻ thẹn. Từ đó sứ ta đến không còn thấy Ích Tắc ngồi ở
sảnh đường nữa”.
Sau
khi Trương Lập Đạo thất bại trong nhiệm vụ thuyết phục vua Trần
Nhân Tông vào chầu thì 3 tháng sau, tức tháng 9 năm Nhâm Thìn (1292)
Lương Tăng và Trần Phu được cử đem thư của Hốt Tất Liệt đến đòi tiếp.
ĐVSKTT 5 tờ 63a2-3 cho biết lý do vua không chầu được vì đang có bệnh
và cử Đào Tử Kỳ đem sản vật địa phương sang biếu.
Khi
bọn Lương Tăng chưa về, thì ngày Kỷ Tỡ tháng 7 năm Chí Nguyên 30
(1293) Hốt Tất Liệt đã “sai Lưu Quốc Kiệt theo chư vương Diệc Cát Lý
(Đãi, Ikirôdai) cầm các quân đi đánh Giao Chỉ”, như Bản kỷý của
Nguyên sử 17 tờ 11a5 đã ghi. Nhà Nguyên giữ Tử Kỳ ở Giang Lăng, lập Hồ
Quảng An Nam hành tỉnh, lấy bọn bình chương Lưu Nhị Bạt Đô dẫn quân
đóng ở Tỉnh Giang đợi tiến đánh, như An Nam truyện của Nguyên sử 209
tờ 10b3-10 đã viết:
“Năm (Chí Nguyên) 30 (1292) bọn Lương Tăng đi sứ về, Nhật Tôn
sai bọn bồi thần Đào Tử Kỳ đến cống. Đình thần cho Nhật Tôn rốt cuộc
không vào chầu, lại bàn đánh Giao Chỉ, bèn bắt giữ Tử Kỳ ở lại Giang
Lăng. Vua sai Lưu Quốc Kiệt cùng bọn chư hầu vương Diệc Lý Cát Đãi
(đúng ra phải viết Diệc Cát Lý Đãi, Ikirôdai, LMT) cùng đánh An Nam,
ra lệnh đến Ngạc Châu cùng bàn với Trần Ích Tắc. Tháng 8, bọn bình
chương Bất Hốt Mộc (Bi ?miỊ) tâu đặt Hồ Quảng An Nam hành tỉnh, cấp
hai ấn, cho đóng một ngàn chiếc thuyền trăm hộc, dùng quân 56.570
người, lương 35.000 thạch, thức ăn cho ngựa 20.000 thạch, muối 210.000
cân, dự cấp bổng phụ cho quan quân và cấp cho quân nhân và thủy thủ
mỗi người hai đỉnh tiền, khí giới gồm hơn 700.000. Quốc Kiệt lập bộ
chỉ huy gồm 11 người, thủy bộ chia đường cùng tiến. Lại lấy phó sứ của
Giang Tây hành khu mật viện là Triệt Lý Man (Côriman) làm hữu thừa
theo đi đánh An Nam. Bọn Trần Nham, Triệu Tu Kỷ, Vân Tùng Long, Trương
Văn Hổ, Sầm Hùng, cũng được lệnh cùng giúp Ích Tắc theo quân đến
Trường Sa”.
An
Nam chí lược 4 tờ 56 cũng viết tương tự: “Chí Nguyên Quí Tỡ (1293)
sai tướng Đào Tử Kỳ sang cống. Vua cho nhiều lần gọi không vào chầu,
giữ Tử Kỳ ở Giang Lăng, lập An Nam hành tỉnh, sai Lưu Quốc Kiệt cùng
chư hầu vương Y Dĩ Cát Đạt đem quân đi đánh. Đại vương Ích Cát Lý Đãi
(Ikirôdai) tổng chỉ huy. Mùa đông ấy đóng quân ở tỉnh Giang, đợi mùa
thu sang năm thì sẽ tiến đánh”. Và trong khi ở Tỉnh Giang, Lưu Quốc
Kiệt bắt đầu gây sự với nước ta bằng cách gửi thư cho vua Trần Nhân
Tông về việc Đại Việt chi viện cho nghĩa quân Hoàng Thánh Hứa ở Quảng
Tây, và nguyên văn còn chép trong An Nam chí lược 5 tờ 64-66.
Tuy
nhiên, ngày Quí Dậu tháng giêng năm sau, Hốt Tất
Liệt chết. Nguyên Thành Tổ lên ngôi. Kế hoạch xâm
lược nước ta bị bãi bỏ. Đào Tử Kỳ được trở về
nước.Thế là chấm dứt mọi kế hoạch gây chiến với nước
ta. Cuộc đấu tranh để bảo vệ hòa bình đã đi
đến hồi thắng lợi. Nhân dân Đại Việt có thể yên ổn
làm ăn. Mùa xuân ngày 9 tháng 3 năm Qúy Tỡ
(1293) vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con
mình là hoàng thái tử Thuyên và lên làm Thái Thượng
hoàng.