Hồi ức về ba tôi
1.
Ba bị suyễn mãn tính. Má cũng thường hay nói là từ nhỏ ba chỉ có mỗi
việc là đi học thôi, không làm gì động tới móng tay cả, vì bà nội cưng
ba lắm. Công việc thư ký, thông dịch cũng nhẹ nhàng thích hợp với ba. Ba
chưa từng lao động nặng. Bây giờ lại thêm mắc chứng bịnh suyễn nên sức
khỏe ba không được tốt. So với bạn bè cùng tuổi thì ba yếu hơn nhiều.
Thế nhưng...
Một lần nọ, khi đang làm ở công sở, chợt có người đến báo tin rằng anh N
bị bí đái, Ba tức tốc ba giò bốn cẳng chạy về nhà. Không cần hỏi han, ba
xốc anh N lên lưng, cõng đi phăng phăng từ trên lầu xuống rồi đến thẳng
nhà thương. Cả nhà lo sợ. Hình như lo cho anh N thì ít mà sợ cho sức
khỏe của ba thì nhiều (vì lúc đó anh N cũng đã lớn rồi). Ồ không, hồi
hộp cho cả hai chứ!
Ba đi đi lại lại trước phòng cấp cứu mà quên cả việc mình đang hổn hển.
Tới khi được bác sĩ cho hay là anh N ổn rồi thì ba mới thở phào nhẹ
nhõm. Hú hồn hú vía. Trái tim ba cũng đang loạn nhịp tứ tung.
2.
Ba dừng xe trước cửa rào. Phía sau yên là một bao gạo to tướng. Nghe
tiếng ba, tôi bước ra tức thì. Ba kêu tôi phụ khiêng bao gạo vô. Tôi nói
khỏi, để tôi vác một mình được rồi. Ba nhìn tôi (chắc hơi do dự).
Thiệt lẹ, tôi bốc bao gạo lên đem thẳng ra nhà sau, đổ vào khạp. Ba đi
đằng sau, cười tươi tắn.
Trưa, ba đem cơm ra tiệm cho má. Vừa bước vô cửa, ba nói liền: “Thằng H
(tên tôi) nó mạnh lắm bà à! Bữa nay, tôi mua gạo về nó ôm bao gạo đem vô
nhà một mình gọn khô hà.” Má tôi cười nói tỉnh bơ: “Ừ, thì nó lớn rồi
chứ bộ!” (Tuy nói vậy nhưng với tình cha tình mẹ thì chẳng có đứa con
nào là lớn cả đâu!)
3.
Đối với người dân miền Tây thì vùng Thất sơn “năm non bảy núi” được coi
là vùng “Thánh địa linh thiêng”. Dân mần ăn buôn bán thường tới đó cúng
lễ cầu xin phò hộ cho được mua may bán đắt (hổng biết có được không? Thì
cứ tin vậy!).
Má tôi thì cả đời bận bịu với cửa hàng thuốc tây ở chợ nên suốt năm chỉ
rỗi rảnh có ba ngày Tết để đi chùa, còn bình thường thì chuyện lễ hội
đình đám cúng kiếng gì đó đều giao khoán hết cho ba. Má chỉ ở phía sau
hưởng ứng, ủng hộ cho việc đi đứng phải trái của ba thôi. Nên mấy năm
liền, vừa nghỉ hè là tôi lại được ba dắt đi núi chơi. Tôi thích leo núi
Cấm nhất. Núi cao vút, rừng cây rậm rạp, mát mẻ và thoát tục. Còn khu
vực núi Sam, miễu Bà Chúa Xứ ồn ào, phức tạp, tôi chỉ dạo thoáng qua.
Nói về leo núi thì tất nhiên là tôi khỏe hơn ba nhiều. Vậy mà ba cứ nhắc
chừng chừng, sợ tôi trượt chân, tuột dốc.
Tôi đi đâu thì phải đi với ba. Đó là sự nhất trí đồng tình của cả ba và
má. Tôi chưa từng được đi chơi xa một mình.
À! Có một lần tôi được phép đi du lịch mình ên.[19]
Nói mình ên là vì không đi với ba chứ thật ra là đi cùng cả đoàn lận.
Nhưng dẫu sao, lần đầu tiên đó đã mở màn cho những chuyến ngao du đơn
độc của tôi sau này.
Vâng! Cũng trong năm đó, vào dịp tết, ngôi chùa gần nhà tôi có tổ chức
đi “hành hương thập tự” hai ngày ở Hà Tiên. Tôi năn nỉ, nhăn nhó, xin
riết, cuối cùng ba má mới đồng ý cho đi với điều kiện là tôi không được
tắm biển (vì không biết lội) và phải đi chung với cô H, người mà ba nhờ
canh chừng tôi giùm.
Tôi nghĩ, đi với nhà chùa hẳn là ba má yên tâm rồi. Ai dè, chắc còn thấy
lo lo nên ba lên chùa, mấy bận gởi gắm tôi cho quý sư và cô chú Phật tử
lớn tuổi dòm ngó giùm. Má nói, có như vậy lòng ba mới thôi thấp thỏm.
4.
Đã thành thông lệ của gia đình tôi, cứ sáng mùng một Tết là ba má dẫn
anh em tôi qua bên nhà ông nội đốt nhang cúng ông bà và mừng tuổi ông
nội.
Năm nay, khiến xui gì đó mà chúng tôi đi trễ. Đang lúc chuẩn bị thì chú
tôi báo tin ông nội mất. Ba tôi vội vã đi liền. Ra tới cửa rào rồi vẫn
còn nói với vô biểu má dẫn anh em tôi qua sau.
Ở nhà nội không biết đã xảy ra “chiến sự” gì mà mấy cô tôi cứ cằn nhằn
cẳn nhẳn, hằn học ba miết. Không kiềm chế được lòng tự trọng đàn ông, ba
lạy ông nội ba lạy rồi bỏ về thẳng một nước. (Chuyện này tôi chỉ nghe kể
lại.)
Về tới nhà, ba không nói không rằng mà chỉ lặng lẽ khóc một mình. Má hỏi
riết, ba cũng chỉ thẳng thừng: “Khỏi qua.”
Thế là suốt mấy ngày tang tóc của nội, cả nhà tôi cũng đìu hiu. Không
khí Tết biến đâu mất tiêu biệt dạng. Buồn héo hắt. Mà tôi cũng không
hiểu sao hồi đó má không khuyên ba và dắt bọn tôi qua để tang nội. Kệ
mấy bà cô chứ! Ở nhà cũng chẳng có gì vui. Cả ngày ba không nói một lời,
cứ ngồi đó mà rơm rớm nước mắt để nghe nỗi đau xé lòng xé dạ.
Tới hôm đưa nội đi chôn. Từ sáng sớm ba đã đứng bên cửa sổ. Xe tang chạy
ngang qua nhà. Ba lặng nhìn theo đến khi dòng người mất hút mà gặm nhấm
niềm đau tiễn nội về nơi an nghỉ cuối cùng.
Mấy ngày sau, ba vẫn cơm canh cúng nội đều đặn. Duy chỉ có điều là không
nghe ba nhắc gì đến chuyện nhà nội. Tuyệt nhiên không.
Sau này, khi lớn lên chút đỉnh tôi có ý thầm trách sự “cứng ngắc” của ba
má và hối tiếc cho sự tự ái nông nổi của ba đã gây nên lầm lỗi. Cũng có
thể là tôi chưa thật sự thấu hiểu cho tình cảnh của ba má. Nhưng rõ ràng
sự bực tức của ba ngày ấy đã làm cho tình cảm dòng họ bên nội vốn đã rạn
nứt từ lâu nay lại càng thêm vỡ nát.
À! Thì ra ba với mấy cô chỉ là anh em cùng cha khác mẹ. Ủa, mà sao lạ
vậy? Chứ chẳng phải má vẫn thường hay nói là ba rất có hiếu với bà nội
kế? Huống chi!...
5.
Hôm tôi thi tốt nghiệp cấp 2, ba dậy thật sớm, chuẩn bị sẵn mọi thứ cho
tôi.
Ba đến trường lúc nào tôi cũng không biết. Khi thấy tôi thi xong ra sớm
là ba lên tiếng kêu tôi hỏi liền “Làm bài được không con?” Tôi gật đầu
chắc chắn: “Đạt điểm khá trở lên, dư sức.” Ba khẽ cười, mắt hướng về dãy
phòng khuất sau cánh cổng như đang hồi tưởng lại thời niên thiếu. Ba nói
hồi nhỏ ba cũng học ở đây. Trường lớp xưa vẫn vậy, chỉ có không khí thi
cử là khác thôi. Ba không nói là khác cái gì, khác như thế nào? Tôi cũng
không hỏi thêm.
Tôi kêu ba về trước đi vì tôi còn đợi vài thằng bạn nữa. Ba ừ rồi im
lặng. Mắt dõi nhìn xung quanh tìm kiếm giúp tôi mấy thằng bạn trong từng
tốp học sinh đông đúc đang đổ xô đi ra.
Về nhà, tôi hơi nhăn nhó chuyện ba tới trường chi cho mệt hổng biết nữa.
Tôi đi thi một mình được mà, có gì đâu.
Hôm sau, bữa thi cuối, quả thật ba không đến trường. Tôi đinh ninh như
vậy. Nhưng sau này nghe má nói lại là ba vẫn âm thầm theo tôi mỗi buổi
sớm trưa suốt hai ngày thi ấy. Và vì không muốn cho tôi nhìn thấy nên ba
đứng khuất phía bên kia góc đường. Tôi thì chỉ ngại mỗi việc là bạn bè
chọc mình lớn rồi mà còn nhõng nhẽo đòi ba đưa rước. Ồ! Chỉ có vậy thôi.
6.
Hè năm lớp 9, thơ tôi được đăng trên “Trang viết học trò” báo Kiên
Giang. Người đầu tiên phát hiện ra bài thơ là ba.
Ba vẫn thường đọc báo mỗi ngày. Và dĩ nhiên, ngoài cái chuyện theo dõi
tin tức thời sự trên báo, ba đã không quên ghé mắt đọc vào trang văn thơ
học trò khi biết con mình cũng đang tập tành học đòi “chuyện bút mực”.
Ba cầm tờ báo đưa cho má, tay chỉ bài thơ nhỏ của tôi. Ánh mắt ba ngời
lên rạng rỡ.
7.
Bẵng đi một thời gian mười mấy năm trời ba mới trở lại thăm ông ngoại và
bà con bên má lớn.
Cũng trong năm đó, ba đã về thăm bà ngoại và nói chuyện thật lâu với mấy
dì của tôi. Không biết ba linh cảm chuyện gì mà cứ biểu má tôi phải bán
nhà về quê ngoại sống. Má tôi mơ hồ trước những suy nghĩ của ba. Đang
sống ở Rạch Giá yên ổn, ăn nên làm ra, gia đình ấm êm sung túc, tự dưng
ba đòi dọn nhà đi. Đương nhiên là má tôi không chịu rồi. Má nói ở quê
ngoại khó làm ăn lắm. Vả lại, anh em tôi sinh ra và lớn lên ở chợ thì
làm sao quen với cuộc sống đồng ruộng được. Ở thành thị mọi thứ đều tiện
lợi, nhất là chuyện học hành và tương lai của bọn tôi.
Thấy không thể nào thuyết phục được má, sẵn dịp về ngoại lần này, ba tôi
kêu mấy dì đốc thúc má tôi về ngoại sống. Dù gì đi nữa, sống ở quê ngoại
cũng có bà con dòng họ... Và rồi, chẳng bao lâu, sự mơ hồ của má đã mở
ra rõ ràng khi điều linh cảm của ba xuất hiện. Đó là sau lần đi thăm họ
hàng về ba đã lâm trọng bịnh. Cơn tai biến mạch máu não đã làm cho nửa
thân người ba yếu hẳn. Cũng may là khuya đó má tôi và tôi phát hiện kịp
thời, đồng thời nhờ các bác sĩ (bạn của ba má) tận tình cứu chữa nên sức
khỏe ba dần ổn định.
Lúc này, ba mới nói rõ lý do ba giục má bán nhà về ngoại ở là vì sợ rằng
mai mốt ba mất rồi thì gia đình tôi sẽ bơ vơ nơi quê nội (?). Má tôi thì
cũng chỉ ừ ừ cho qua chuyện thế thôi. Bởi má vẫn tin tưởng ở sự chăm sóc
chu đáo và thuốc thang đầy đủ của gia đình mà ba sẽ qua khỏi, không sao!
Nào ngờ, chưa đầy năm thì bịnh ba tái phát. Lần này phải đành chịu,
không cứu vãn kịp nữa rồi. Cơn nhồi máu cơ tim đã nhanh chóng cướp mất
của gia đình tôi một người cha hiền khả kính. Ba lặng lẽ đi vào giấc ngủ
ngàn thu!
8.
Sau khi ba mất, má đã kể cho tôi nghe rất nhiều về chuyện của ba. Nhất
là tình phụ tử, má vẫn thường nhắc đi nhắc lại.
Thật ra, không phải chỉ có mình tôi hay mấy anh chị con riêng của ba là
được yêu thương mà ngay cả mấy chị con riêng của má, ba đều dành trọn
lòng lo lắng như nhau. Nhưng vì là đàn ông nên tình cảm bao giờ cũng kín
đáo và âm thầm. Chắc vì lẽ đó mà hầu như ít có đứa nào sớm nhận ra được
tình thương của người cha.
Chứ như má tôi nói, mà nếu bình tâm nhìn cho thấu đáo thì chúng ta cũng
sẽ nhận thấy và thừa hiểu một điều là con cái có thể không thương cha
mẹ, nhưng ít có người cha mẹ nào mà chẳng yêu thương con!
(Sài Gòn, mùa An cư kiết hạ 2007)