Thay lời tựa
Không chỉ riêng bạn, riêng tôi, mà hầu hết những ai đã từng có mặt trong
cuộc đời này đều có chung một nhận định rằng: “Trong các mối quan hệ của
con người, có thể nói mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là thiêng liêng
nhất. Nó không đơn thuần chỉ là huyết thống, máu mủ tình thâm, mà còn
mang đậm tính luân lý và đạo đức xã hội.”
Trong mối quan hệ đó, công lao sâu dày của cha mẹ được tôn vinh, lòng
hiếu thảo của con cái được ghi nhận. Nhưng mọi tán dương bằng ngôn từ
đều không thể diễn đạt đầy đủ ý nghĩa của hai tiếng Mẹ Cha!
Ca dao Việt Nam ví rằng:
“Gió đưa cành trúc la đà
Cha mẹ còn sống Phật đà hiện thân.”
Trong kinh Tăng Chi I, đức Phật dạy rằng: “Đối với bậc chân nhân, thiện
nhân, hai đặc tính này sẽ được biết đến, đó là biết ơn và đền ơn đúng
pháp.”
Tất cả, tất cả… đều khẳng định công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ
là cao quý nhất trên đời và bổn phận làm con phải hết lòng báo đáp.
Nhưng than ôi:
“Ngó lên, nhang tắt, đèn lờ,
Muốn nuôi cha mẹ, bây giờ còn đâu!.”
(Ca dao)
Riêng tôi, với chút nhớ thương và nỗi niềm côi cút, chỉ muốn tản mạn đôi
dòng tưởng niệm, há đâu dám gọi là báo đền ân đức biển trời của cha mẹ!
Tôi chỉ mong bày tỏ chút tâm tình của một người con đối với đấng sanh
thành và mạo muội ghi chép lại ngõ hầu kính dâng lên cha mẹ, sau là gửi
trao cùng thân hữu bạn bè.
Nhân đây, tôi cũng xin chân thành cảm ơn các tác giả của những vần thơ,
áng văn, câu chuyện về hiếu thảo mà tôi đã mạn phép trích dẫn trong tập
sách này.
Và dẫu biết rằng mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng chung quy
đều chứa chan những thâm tình giữa cha mẹ và con cái, nên tôi đã không
ngần ngại chia sẻ những nhận thức mang tính cá nhân, những suy nghĩ theo
hướng riêng tư mà không chắc có thể làm hài lòng tất cả quý độc giả.
Nếu là như vậy, rất kính mong quý vị niệm tình tha thứ cho.
TP.Hồ Chí Minh một ngày cuối năm 2007
Tâm Chơn kính ghi