Đứa em nhắn tin... mấy chị điện thoại... tôi cũng hô hào réo gọi, chỉ
với một nội dung cũ rích: “Nhắn về đám giỗ má.” Đứa nào đứa nấy làm như
chỉ có mỗi mình mình là biết lo xa, là nhớ ngày cúng má vậy. Ừ, mà cũng
có thể lắm chứ! Bởi cuộc sống mưu sinh đầu tắt mặt tối hay nhởn nhơ trên
đường danh lợi cũng đều dễ làm cho con người ta quên bẵng đi những gì
đáng nhớ. Chừng khi sực tỉnh ra thì thường là trễ tràng.
Nhưng nói gì thì nói, khi cha mẹ mất rồi thì đến đứa con cứng đầu cứng
cổ, nghịch ngợm, lì lợm cỡ nào cũng nghe lòng trống trải quạnh hiu và da
diết nhớ nhung mỗi khi chiều muộn. Huống hồ là bọn tôi, dẫu không ít lần
làm phiền lòng má nhưng xét ra cũng không đến nỗi bị người đời nguyền
rủa. (Chà! nếu để thiên hạ kêu rêu chắc có nước độn thổ luôn quá!).
Cho nên, việc anh chị em tôi xót xa, hoài vọng “ân đức sinh thành” hẳn
là chuyện rất đỗi bình thường, chẳng có gì ghê gớm, dữ dội. Nhưng bình
thường không có nghĩa là tầm thường. Xin đừng hiểu lầm rồi phớt lờ, cho
qua việc khắc cốt ghi tâm công cha nghĩa mẹ nhé!
Thật ra, kể từ ngày má nằm thật yên, ngủ giấc ngủ dài không bao giờ thức
nữa thì gia đình tôi mỗi đứa một nơi, mỗi người một ngả. Hoạ hoằn lắm
một năm mới gặp mặt đôi ba lần, bằng không thì chỉ ngày giỗ má mới sum
họp được thôi.
Chúng tôi luôn cố gắng thu xếp công ăn việc làm để về đúng ngày giỗ má.
Về không phải để tổ chức cúng kiếng nổi đình nổi đám gì, mà cốt là anh
em đoàn tụ. Do đó, không cứ gần ngày giỗ má chúng tôi mới tất tả gọi
nhau mà ngay cả hơn nửa năm về trước là tụi này đã liên lạc nhắc nhủ
nhau rồi. Báo trước như vậy không phải sợ quên ngày, mà chủ yếu tranh
thủ thời gian tới ngày cúng má về cho đầy đủ.
Năm nào cũng thế, chỉ với mâm cơm chay đạm bạc thôi mà mặn nồng tình
nghĩa. Anh em tôi quây quần bên nhau để mà nhớ mà thương, mà nhắc xa
nhắc gần, mà sẻ chia buồn vui gia tộc, và cũng là để hâm nóng lại tình
thâm máu mủ.
Thiệt tình mà nói, ngày cúng má đúng là dịp để con cái của má gặp lại
nhau, chớ nói là tưởng nhớ, tưởng niệm thì hổng lẽ chỉ tới ngày này mới
làm được thôi sao? Có điều, cái tưởng nhớ hằng ngày thường riêng lẻ, dễ
tản mác giữa dòng đời chen chúc này lắm.
Còn chuyện má có theo hương khói về chứng giám cho đàn con hay không thì
tôi mù tịt. Tôi chỉ biết rằng hình ảnh người mẹ hiền sớm hôm dầu dãi mưa
nắng tảo tần vẫn hằng in đậm trong tâm trí tôi. Nếu hỏi ra cái gì gợi
nhớ thì vóc dáng nhỏ em là giống má hơn hết. Nhất là khuôn mặt. Ai cũng
nói, nhìn nó là nhớ tới má tôi. Còn nó, mỗi lần soi gương chẳng biết có
phát hiện ra nó giống má hay không khi ngày má về đất nó hãy còn khờ
khạo?
Điều này tôi cũng không rõ. Tôi chỉ thấy là nó cũng y hệt như tôi, mỗi
khi gặp chuyện gì buồn là rơi lệ. Nhưng tôi thì còn kể lể này nọ nọ kia
chớ nó tuyệt đối một mực im ru như để lắng nghe giọt vắn giọt dài lăn
xuống bờ môi mặn đắng.
Nó không nói nhưng tôi cũng hiểu là nó đang bị “sốc” vì thói đời đen
bạc, vì chưa kịp quen va chạm sóng gió cuộc đời. Nó có sức chịu đựng hơn
tôi mà lắm lúc cũng cam đành khóc với người thân thì phải biết là nó
đang bị nỗi đau đớn dồn nén hoành hành cùng cực. Chứ thường thì nó chỉ
thui thủi một mình. Hổng biết nó có than thở: “Phải chi còn có má”như
tôi hông nữa?
Vâng! Phải chi còn có má để anh chị em tôi chạy sà vào lòng má những khi
vấp phải chông chênh dòng đời. Thiết nghĩ, ước ao chẳng của riêng ai,
tất cả những người con đều thèm được sự chở che, nâng đỡ, dìu dắt của
cha mẹ bên bờ trong đục. (Vậy mà lúc cha mẹ còn, chúng ta đã không để
tâm tới sự hiện hữu của người, đã không nhận ra hạnh phúc đích thực
trong sự có mặt của cha mẹ. Đến khi cha mẹ mất rồi mới thấy mình hụt
hẫng...)
Nhưng nỗi niềm mồ côi thì chẳng khác gì nhau, ai cũng như ai. Mà hình
như thân phận kẻ mồ côi thường dễ mau nước mắt. Nó như nằm sẵn đâu đó,
chực chờ trong tích tắc, hễ bị khúc mắc, cay lòng là tuôn ra cho hả hê
sầu não. Chỉ riêng nói về tôi thôi cũng đủ bực mình rồi. Người gì mà
“mít ướt” thấy sợ! Đọc một bài báo, nghe một lời ca, xem một vở tuồng
nào... mà có dính dấp đến tình mẫu tử là rơm rớm nước mắt liền.
Có chuyện này mới thật “dở hơi” chứ! Tính ra đâu dăm ba lần gì rồi. Đang
ngồi trongên xe buýt đến trường, thường là tôi hay đọc sách, gặp phải
câu chuyện viết về mẹ, con mắt tôi bỗng đỏ hoe. Biết thân biết phận mình
dễ mủi lòng, tôi cúi mặt xuống làm bộ như bị cay mắt, lấy tay dụi dụi
cho qua cơn xúc cảm rồi đưa mắt nhìn qua ô cửa nhỏ ngó nhìn thiên hạ hối
hả ngược xuôi hòng xua tan nỗi niềm âm ỉ. Nói chung là tôi cố đánh trống
lãng cái trống vắng mênh mông trong lòng cho nỗi nhớ tạm lắng yên.
Mà ngộ thiệt. Người có tâm sự buồn lại thích coi truyện buồn, y như đứa
con nít sợ ma cứ ưa đòi nghe kể chuyện ma vậy. Thảo nào, cứ đem thê
lương áo não tưới tẩm miết thì thử hỏi làm sao hạt giống muộn phiền
không mau sinh sôi nảy nở? Mà nào có ai muốn vậy đâu nè! Chắc tại... với
bị... thôi.
À! Còn chuyện này mới là kỳ cục. Đi đám tang nhà người ta không nhờ mà
tôi cứ muốn “xúc động” giùm mới bậy bạ chứ. Tang gia hiếu quyến họ thì
tỉnh queo bên cỗ quan tài lạnh ngắt giữa tiếng trống nhạc om sòm, còn
tôi thì nghèn nghẹn, nước mắt muốn chực trào. Phải chăng tôi đang nhớ
ba, nhớ má? Hay vì thương người ra đi, xót xa cho người ở lại? Tôi cũng
không rõ nữa. Tôi chỉ thấy rằng sự mủi lòng đeo đẳng như mớ bòng bong
rối nùi.
Ồ! Mắc mớ gì mình? Tự dưng lại nhớ ba nhớ má trong lúc này? Cái duyên
cắc cớ thật.
Ừ!... Thì ba má mình, mình nhớ, có gì đâu mà mắc cỡ? Chả lẽ, cái thời
buổi rộn ràng tất bật hiếm hoi giờ giấc này không có đến một nơi để
người ta trút cạn lòng mình? (Còn thản nhiên kiểu như tôi là hơi quá rồi
đấy, phải không?)
Ngày giỗ má
Bao nhiêu nỗi niềm, cảm xúc, tâm tư phải biết nén lại, đông cứng nó đi,
hoặc neo vào một góc kín đáo để thế nhân không liên lụy. Mà có ai ở
không đâu để dòm ngó chuyện người dưng nước lã. Cuộc sống vội vàng, hối
thúc này đôi khi còn làm cho người ta quên chính bản thân mình nữa là
khác. Ừ, chỉ tại tôi ảo giác!
Nhưng thật tình mà nói, tuổi trẻ bây giờ “cứng cáp” đến nỗi dửng dưng
lạnh lùng trước những thâm tình. Hay cũng là do cuộc đời vốn dĩ đã quá
khổ đau, sầu thảm nhiều rồi nên người ta ngại nhìn thấy nó nữa? Người ta
cố tìm cái vui hào nhoáng bên ngoài dù trong thoáng chốc cho qua ngày
đoạn tháng. Thì cũng có người “tiến bộ” hơn một chút, tức là thỉnh
thoảng cũng săn tìm nguồn cảm xúc mạnh để thử thách con tim mình coi nó
còn động đậy hay đã chai sạn rồi? (Cách này nghĩ cũng hay hay!...)
Thế nên, cái chuyện chị em chúng tôi gấp rút gọi nhau kể ra cũng không
phải là thừa thải. Nhưng ngặt nỗi là tôi lại hay lằng nhằng có dây có
nhợ như vậy đó. Nhắc ngày giỗ má mà nghĩ ngợi lung tung!
TP. HCM, Tháng 3/2007