TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN


Tác gỉa: Thích Trí Quang Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011
22/06/2012 20:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 40506
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN
Tác gỉa: Thích Trí Quang
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011

06

12/5

Phật đản hàng năm, Pg Huế vốn có một buổi phát thanh, phát lại âm thanh đại lễ khi sáng, như tiểu đoạn 12/3 đã ghi. Phật đản năm nay có diễn từ mở đầu, không soạn trước, của tôi. Tôi nói, trái với quyết định của chính quyền, suốt đêm nay lễ đài Phật đản tại các tự viện và các khuôn hội, vẫn bị xúc phạm càng trầm trọng, cho đến gần sáng. Do đó, Tổng trị sự Pg miền Trung quyết định mở cuộc “Vận động của Pg”, công khai bày tỏ nguyện vọng “không được triệt cờ Pg”.

Chính quyền không cho, mà không thông báo, buổi phát thanh truyền đạt đại lễ nầy.

Hòa thượng Mật nguyện, Trưởng ban phát thanh, đến đài phát thanh lúc gần
tối, và bảo tôi cùng đi. Ông Giám đốc cho biết có lịnh không cho Pg có buổi phát
thanh nầy. Ông vừa nói, vừa nhún vai. Bên ngoài, chung quanh đài, nhất là trước
sân, quần chúng tụ tập rất đông. Tôi đề nghị với ông Giám đốc, điện thoại mời ông
Tỉnh trưởng hay đại diện thẩm quyền của ông, đến giải quyết tại chỗ. Ông giám đốc
đồng ý. Và ông tỉnh trưởng đến. Ông Giám đốc, hòa thượng Mật nguyện và tôi, từ
trong phòng làm việc cùng ra đón ông. Chúng tôi mới bước vào cửa thì ở ngoài có
nhiều tiếng la lớn “đừng xịt nước”. Nhưng nước càng xịt, và xe tăng tiến vào. Súng
đạn vang dội. Tôi hiểu ra, đây là màn “khủng bố trắng” của chế độ.

Mùi khói thuốc súng chưa hết, thì từ mọi phía của đài phát thanh, quần chúng
ào ạt xông đến. Nhóm người hống hách chỉ huy cuộc “khủng bố trắng” đã mau
chóng tản mất. Chiến xa tản ra, trấn ngự hơi xa các phía của đài Phát thanh. Nhưng
quần chúng đi tới, không lui. “Nhờ các thầy bảo họ lui cho”. Không màng nghe rõ ai
nói, tôi ra đứng giữa đầu cầu Trường tiền. xin họ tạm về, đợi tôi. Họ ngừng lại, nhìn
tôi, khóc lớn, và đi lui mau chóng. Tôi trở vào, bước lên sân trên của đài Phát thanh,
đã có mặt các ông Tỉnh trưởng, Giám đốc và hòa thượng Mật nguyện. Nhìn qua góc
bên trái, ở đó, thương ôi một đống thi thể của các vị “Thánh tử đao”! Tôi cố nuốt mà
vẫn nấc lên. Không ai không khóc. Sân dưới, có 2 người có lẽ là Mỹ, đang soi đèn
pin, lượm được vài viên đạn nhỏ, gói tất cả có vẻ rất cẩn thận.

Trở lại câu chuyện. Quần chúng không còn ai nữa. Đêm đã khuya. Tôi, bấy
giờ, cảm thấy mệt mỏi kỳ lạ. Hòa thượng Mật nguyện và ông Tỉnh trưởng bảo tôi
nên về trước. Tôi nhìn thi thể các Thánh tử dạo. Hai vị nói để họ lo.

Về chùa, tôi hối hả uống một ly nước chanh muối, đã khát và đỡ mệt. Nghỉ
một lát thì gần sáng, ngoài đường đầy tiếng xôn xao nhưng không hỗn loạn. Thì ra
quần chúng tràn ngập, đa số là học sinh với xe đạp cắm cờ Pg. Tôi mừng vì “phong
cách con Phật” của họ: tự giác đã cao, kỷ luật càng cao. Mới hơn 6g, ông tỉnh trưởng
đã điện thoại cho tôi. Tôi nói nên sắp một chiếc xe Jeep không trần, có cây chống
ngang để nắm mà đứng thì tốt nhất. Ông nên mặc đồ rất thường. Tôi đi bộ xuống
cùng đi với ông. Chúng tôi cùng đi bộ xe đi không, theo sau. Tôi nhắm vườn hoa
Thương bạc. Quần chúng rẽ đường cho mà đi. Họ cũng đổ xô về đó. Tại đó, sau
chuyện cần thiết, tôi nói, “Làm việc thì phải có sự điều hành; xin về nhà, đợi tôi”.
“Nên về liền đi, dang nắng, bị bịnh, làm sao làm việc”. Họ dạ, nhưng nhìn ông Tỉnh
trưởng. Tôi nói, chào bác đi mà về. Khoái chí, họ chào um lên, hể hả.

Tôi quay lại, về Từ đàm, nghĩ thế nào cũng có một đám ở đó. Đến tư dinh Tỉnh
trưởng, tôi hỏi ông đi được nữa không, ông nói phải đến nhà quàng của bịnh viện.
Tôi nói, thế thì cần hơn việc đi tiếp - mặc dầu tôi đã nhờ 2 vị đi qua Ôông Mật
nguyện, nhờ Ôông, và 2 vị đi theo, lo việc thi hài các Thánh tử đạo.

Còn tôi đi một mình, đến gần cầu ga, thấy một chiếc trực thăng quần trên sân
ga, chĩa xuống một vật mà lúc đó tôi nghĩ là súng, sau nầy mới biết là máy quay
phim. Do đó, tôi biết quần chúng tụ tập đông đảo ở đây, không phải Từ đàm. Tôi
vào với họ, y như đến Thương bạc. Những gì đã nói ở đó, tôi cũng nói ở đây. Và
phản ứng cũng y như vậy.
Sáng hôm sau, một tốp thanh niên tuổi tác và ăn mặc khá đều nhau, đi ra cửa
Thượng tứ, đánh đá Phật tử cùng đi ra trước đó một chút. Lập tức trong và ngoài cửa
thành nầy, quần chúng ào ra, người trong các vạn đò sông Hương cũng tuôn lên. Tốp
thanh niên chạy thục mạng. Chúng bị đuổi, chưa bị đánh. Từ đây, những màn vụn
vặt nầy không thấy tái diễn.

12/6

Chiều nay, 17/ 4, tôi bàn việc với thầy Chánh trực, và anh Từ. Rằng nên có
lịch trình mỗi tuần cho các Gia đình Phật tử của thành phố Huế, đến Từ đàm tụng
kinh thất thất trai tuần của các Thánh tử đạo. Đừng để tự phát thiếu điều hành nữa.
Ngày thường thì cũng tụng kinh như vậy, tại các khuôn hội, gồm hết thành phần ở
địa phương.

Một cuộc họp mở rộng, định việc cho ngày sơ thất sắp đến, 21/4. Các hòa
thượng Thiện minh và Thiện siêu thảo một tuyên ngôn cho cuộc vận động của Pg
VN, ngắn và gọn trong một trang giấy. Tôi mở một buổi thuyết trình về cuộc vận
động ấy. Hội 5 văn phòng Pg tại Huế làm 1 văn phòng điều hành cuộc vận động, do
hòa thượng Trí thủ làm trưởng ban. Tôi viết và ký 1 điệp văn gửi Tổng thư ký LHQ,
thông báo Nam Việt nam “vi phạm nhân quyền”.

Bắt đầu việc gởi điệp văn đến LHQ, mật và gấp. Nội dung tôi nói Nam Việt
nam “vi phạm nhân quyền”. Sự vi phạm ấy gồm có xúc phạm Phật đản 2507, triệt cờ
Pg Thế giới, khủng bố trắng Phật tử bất bạo động bằng chiến xa. Thỉnh cầu ngài
Tổng thư ký LHQ tra xét và bảo vệ “hiến chương nhân quyền”. Điệp văn được
chuyển mau chóng, chu đáo, do ông bạn của tôi, bác sĩ W.

Đến việc thuyết trình. Tôi thảo và ký thư mời nhân sĩ trí thức Huế, nhất là
ngành đại học và tư pháp. Nội dung nói, giữa chính quyền và Pg đang có vấn đề. Pg
chúng tôi không có phương tiện truyền thông tối thiểu. Chúng tôi khẩn thiết mời quí
vị đến, và nghe cho, sự trình bày của chúng tôi. Chủ ý duy nhất là xin quí vị nghe
cho. Còn phán quyết là quyền tuyệt đối của quí vị.

Thư gửi đi 18/4, mà 2 g chiều, tôi cảm động thấy số người hưởng ứng ngồi
chật giảng đường Từ đàm. Tôi trình bày cuộc vận động của Pg theo bản tuyên ngôn.
Trước, tôi nói đạo dụ số 10. Cử tọa thấy đạo dụ ấy cho Thiên chúa giáo có qui
chế đặc biệt, còn Pg hay tôn giáo nào cũng bị đặt vào khuôn khổ đạo dụ ấy, y như
các hội tiểu thương, Ái hữu, Văn hóa, Giải trí...gọi chung là “hiệp hội”. Rõ ràng, Dụ
số 10 cho Tcg là độc tôn, là “tôn giáo” , cho các tôn giáo khác, kể cả Pg, chỉ là tín
ngưỡng lặt vặt. Vậy mà Dụ nầy, thủ tướng Diệm mới cầm quyền, đã ban hành tục
Dụ duy trì, “ký thay Quốc trưởng”.

Kế đó, tôi dùng ít phút kể lại đại để của việc đã qua, giải thích chính yếu của
Tuyên ngôn, rồi trịnh rọng xác định mấy điều sau đây.

Một, Pg tự giới hạn, chỉ phản đối chính sách ngược đãi Pg của chính phủ. Pg
không bước qua những địa hạt khác, nhất là địa hạt quyền chức chính quyền.

Hai, tuyệt đối sử dụng phương cách “bất bạo động”.

Ba, Pg không mưu độc tôn, không cầu độc tôn, nên không thấy ai, kể cả Tcg,
là đối nghịch.

Bốn, Pg không mưu hại ai, không thiên ai để hại ai. Nếu thất bại, Pg coi là sự
thất bại của chân lý trước bạo lực, không phải thất bại như bạo lực kém bạo lực.
Năm, sau hết, nhưng quan trọng nhất, là Pg thỉnh cầu các bậc lãnh đạo thực thể
đối trận, đừng khai thác gì về cuộc vận động của Pg. Vì làm như vậy thì đối phương
quí vị lấy cớ để hại Pg mà thôi.

Sau buổi thuyết trình, tối đó, tôi viết lại thành bản Phụ đính tuyên ngôn của Pg.

12/ 7

Bấy giờ chính quyền đàn áp Phật tử bằng vũ khí gọi là lựu đạn axít, ngửi phải
hơi nó thì cả người nóng đến phát cuồng. Cơn nóng như vậy đứt đoạn rồi lại phát ra,
nạn nhân vật vả, vùng vẫy. Được đè xuống thì hơi yên, rồi lại nổi lên. Việc dùng lựu
đạn nầy xảy ra ngay tại khu vực chợ Bến ngự. Ngoài đường Lê Thái Tổ thì dùng
quân khuyển, lính chó bẹcgiê. Mỗi lính chó được một lính người điều khiển. Lính
chó dữ tợn, cọng với lính người mang mặt nạ càng khủng khiếp. Chỉ huy ném lựu
đạn axít là thiếu tá Ph. Chỉ huy lính chó là thiếu tướng được quần chúng gọi là thiếu
tướng Ch.

Ngày nay là sơ thất các Thánh tử đạo, ngày công bố Tuyên ngôn vận động của
Pg VN. Tôi đi bộ, xuống tòa đại biểu để xin phép, bị từ chối gay gắt, tôi nói, “giết
người rồi không cho làm tang lễ, thì là chế độ chi rứa”? Họ nói, thôi thì linh động 1
lần. Tôi thưa, sơ thất rồi nhị thất, chung thất, bách nhật. Chỉ một lần rồi thôi. Tôi
nói, rất nghiêm chỉnh, “thế thì tôi sẽ không dám xin phép mà chỉ báo tin. Xin báo tin
trước, như vậy”.

Tôi về. Lễ cử hành theo chương trình. Tuyên ngôn được công bố, trước các
giới Phật tử tràn đầy sân chùa và các mặt đường xung quanh chùa. Cũng theo
chương trình, 3g chiều nầy đi chuyển đưa Tuyên ngôn ấy. Nguyên chương trình định
hòa thượng Mật nguyện cầm đầu tăng ni và Phật tử hiện diện đi đưa Tuyên ngôn.
Nhưng gần đến giờ, nghe nói, các Ôông cùng đi. Các Ôông đây chủ yếu là 3 ngài
Thuyền tôn, Tây thiên và Vạn phước, cùng trên 100 tuổi. Đây là việc quá bất ngờ.
Không ai dám nghĩ đến việc xin các ngài dự vào những việc như việc chiều nay, sợ
rủi có bề gì...Nhưng các ngài đã đứng với Phật tử ở ngoài sân chùa, mặc pháp hậu
màu vàng, chống gậy định đi. Hoảng quá, chúng tôi chạy ra, định lạy, thì ngài
Thuyền tôn nói, nhẹ như gió nhẹ. “để các Ôông đi với con cháu 1 chuyến, không
răng mô mà lo”. Chúng tôi co vòi, thụ động. Hòa hượng Mật nguyện đi theo, dẫn
đầu. Các ngài, ngoài 3 vị trên 100 tuổi, còn có các ngài Từ hiếu, Châu lâm, Mật
hiển... Tất cả đều đi bộ, không chịu đi xích lô. Theo sau các ngài là Phât tử, vòng tay
trang trọng mà đi. Khi đến tòa Tỉnh trưởng, các ngài đứng hàng ngang, giữa đường.
Phật tử hầu ở sau và 2 bên. Họ đỏ mắt, cắn răng, rung miệng, nhưng không ai khóc.
Hòa thượng Mật nguyện bước ra, 2 tay đưa bản Tuyên ngôn cho ông Phó tỉnh
trưởng. Ông xin lỗi, nói ông tỉnh trưởng đang bịnh. Rồi các ngài lặng lẽ chống gậy
đi về. Cháu chắt tự sắp 5 hàng đi hầu theo sau. Về chùa thì um lên, vừa khóc vừa
cười. Nhưng các ngài đi thẳng về chùa các ngài, và bấy giờ chịu đi xích lô. Chúng
tôi chạy ra, không kịp lạy. Ai cũng thở mạnh, hết lo. Quang cảnh các ngài đi như
chiều nay, đi vì việc như việc chiều nay, là hiện tượng lạ nhất, xưa nay chưa có,
ngay trên đất Huế nầy.

12/ 8

Ba bốn hôm nay có mấy tin tức. Hòa thượng Tâm châu cho người mang ra một
mảnh giấy, viết “Tâm châu chỉ một chữ nhất”. Cụ Mai Thọ Truyền cũng cho người
mang lời ra, thăm, cầu nguyện, và hứa tận lực. Quan trọng nhất là 1 mảnh giấy, viết
nguyện tự thiêu, của bồ tát Quảng đức. Đem việc nầy ra bàn, không ai dám có ý
kiến, và giao tôi liệu.

Tôi đoán, sau khi công bố Tuyên ngôn, thế nào cũng có phản ứng đáng kể từ
phía chính quyền. Quả nhiên, tối 22/4, trước hết, nghe tiếng đoán biết ít nhất cũng có
2 chiến xa mở đèn rất sáng, rú lên ghê rợn, chạy vòng quanh Từ đàm: đường Nam
giao qua đường trước chùa, vòng đường Bến ngự qua đường bờ sông, rồi quẹo lại
đường Nam giao... Chạy qua chạy lại 6, 7 vòng gì đó thì ngừng lại, 1 chiếc trấn ngự
đường Nam giao, chiếc kia trấn ngự đường Bến ngự, cả hai đèn vẫn chiếu sáng.
Thế rồi ngày sau, mới sáng tinh mơ, trên trời 2 phi cơ chiến đấu quần thảo,
dưới đất, thanh niên Công hòa súng đạn đầy mình, trấn đóng trước chùa. Chùa bị
phong tỏa, hết ai ra vào. Gạo bị xịt thuốc. Ai mạnh thì ăn cháo, cơm dành cho người
bịnh. Củi hết, phải ngã dương liễu mà đun. Nước và điện khi cúp khi mở, rất bất
thường, nhưng thường cúp nhiều hơn mở. Ký giả quốc tế thông tin, “Từ đàm bị bao
vây như tấn công chiến khu VC. Điện nước bị cúp gần 100%”. Chiều gần đổ xuống,
có cái màn bắc loa lớn, cha mẹ kêu con ra về. Con ra, đứng trước sân, thưa lớn,
“Sống chết với nhau”. Màn diễn vài giờ đồng hồ thì ngưng. Quãng 10g đêm, cha mẹ
liệng giấy vào, bảo con đừng về. Thế đấy, khá vui.

Hòa thượng Thiện minh, bấy giờ đã thay hòa thượng Trí thủ, làm trưởng văn
phòng điều hành, đi Saigon về, len lỏi hàng rào, từ chùa Thiên minh về chùa Từ
đàm, cho biết Saigon đã có 2 cuộc biểu tình đông đảo, hào hứng. Ủy ban Liên phái
Bảo vệ Pg thành lập, ngoài Tổng hội Pg VN và 6 tập đoàn của Tổng hội, Ủy ban mở
rộng, mời 10 tập đoàn Phật giáo nữa tham dự. Chủ tịch Ủy ban: hòa thượng Tâm
châu, Phó chủ tịch: hòa thượng Thiện hoa, Tổng thư ký: Mai thọ Truyền, phát ngôn
viên hòa thượng Đức nghiệp. Ủy ban hoạt động có uy tín và rất hiệu quả.

Huế có tổ chức bãi thị: 50% ngày đầu, 3 ngày sau 100%. Phố vắng, cửa đóng,
nhìn được suốt đường phố.

Tôi họp ký giả. Sau khi trả lời câu hỏi của họ, họ hỏi, qua họ, tôi muốn nhắn
nhủ gì không? Tôi nói, có. Đó là tôi muốn biết súng đạn của ai canh gác trước chùa?
Chiến xa của ai trấn ngự 2 bên chùa? Họ cười, nhưng nói đó là điều quan trọng. Họ
lại hỏi, Pg có thay đổi phương cách bất bạo động không? Không, tôi nói, trái lại, Pg
càng bất bạo động. Có người bắt tay tôi. Họ nói, Pg kiên nhẫn như thế, sẽ được hiểu
biết nhiều hơn.


Âm lịch

Ảnh đẹp