TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN


Tác gỉa: Thích Trí Quang Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011
22/06/2012 20:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 40499
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN
Tác gỉa: Thích Trí Quang
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011

03

5/1

Những năm 1943 – 46 thế sự quốc gia và quốc tế đại động. Tôi về xứ, sống với bổn sư, được mẹ cho ăn, ban ngày ở trong cái nhà như chòi tranh, nhưng rất sạch của anh con bác, tiếp giáp khuôn viên nhà tôi. Tôi biên tập bộ Phật học cấp sơ đẳng, bản thảo chép tay, lên đến 9 cuốn vở 100tr khổ lớn. Châm chước rất nhiều theo kinh nghiệm đã học và giảng dạy, cốt sao cho Hoa Việt cân đối; giáo lý nghi lễ đồng đẳng; Sử liệu Phật giáo đủ cần; truyện tích cổ đức cũng vậy. Chỉ thiếu lấy nốt nhạc các điệu tán chính: ngũ ngôn như bài Kiến văn, thất ngôn như bài đại từ, trường ngôn như bài
Dương chi. Sách soạn theo thể thức giáo khoa. Thì giờ mất 1 năm, 2488 (1944). Bấy
giờ chưa có photocopy, nên gói kỹ, bảo chú Kỳ, đệ tử đầu tiên, người Hà tĩnh, đem
về cất ở đó. Sau đó biệt tích luôn, cả người và sách. Cho đến nay, tôi vẫn tiếc khôn
nguôi.

5/2

Dầu chưa phải lúc, ở đây vẫn nên nói rõ về sự biên dịch kinh sách Phật giáo của tôi.
Vì điều nầy mới đích thực là thị hiếu và chí hướng bình sinh của đời tôi, là mong
ước của mẹ tôi. Nên, dầu cơ hội có chùa lớn và đệ tử nhiều, tôi có không ít, nhưng
tôi khước từ không đắn đo. Chỉ tạm trú hết Từ đàm thì Ấn quang, thì Già lam, ở đâu,
đầu óc tôi chỉ nghĩ đến, ngay trong lúc ăn, phải dịch chữ nầy, câu kia, đoạn nọ, sao
cho đúng ý và nghe được. Tôi không dạy học, vì không thích bằng sự biên dịch.
Khởi sự hơn một năm trước ngày tốt nghiệp, tôi đã chuẩn bị đầy đủ để biên tập “Từ
điển Phật học” và biên dịch “Đại tạng kinh”. Nhưng công việc lúc đó, công việc góp
sức “Vận động thống nhất Phật giáo VN” khiến tôi xếp cất lại chí nguyện của mình.
Chỉ còn làm lai rai, như đã làm và sẽ còn làm. Tôi rũ bỏ hết, rũ bỏ thật hết, cầu sao
sống được một năm hay năm bảy tháng nữa để sửa chữa và biên dịch mấy đầu sách
rất cần. Bản tự truyện nầy viết mất vài ba tuần, làm tôi không khoái chút nào.
Dưới đây là danh mục đã sửa chữa từ Pháp ảnh lục (mà tôi đã quyết định đình chỉ):
1. Ba ngàn hiệu Phật,
2. Lương hoàng sám,
3. Pháp hoa chính văn,
4. Pháp hoa lược giải,
5. Vạn Phật,
6. Tổng tập giới pháp xuất gia
7. Dược sư,
8. Địa tạng,
9. Thủy sám,
10. Kim cang,
và các tiểu phẩm:
1. Hành pháp kinh di đà,
2. Vu lan báo ân,
3. Tôn kính đức quan âm,
và dự tính đang làm:
1. In lại Pháp cú Nam tông
2. Đang dịch Pháp cú Bắc tông,
3. In lại Nhiếp luận,
4. Chữa và in Khởi tín luận,
5. In lại kinh Ánh sáng hoàng kim
chữa và in các tiểu phẩm:
1. Tập Định lăng nghiêm
2. Dị tông luận

5/3

Nay xin nói kinh nghiệm của tôi vốn tính đem ra áp dụng vào 2 việc: biên dịch Đại
tạng kinh trước, rồi làm cùng lúc hay sau đó về việc biên tập Đại từ điển (để giải
thích từ ngữ trong Đại tạng kinh ấy)
Trước, nói biên dịch Đại tạng kinh. Thì Đại tạng ở đây là nói Hoa văn trước.
Đại tạng ấy không nhiều nếu (1) bỏ những bản trùng dịch, (2) bỏ những bản không
cần dịch (3) biên dịch yếu lược. Nên tham khảo “Quốc dịch đại tạng kinh” của Nhật
trong việc nầy.
Rồi, nói việc làm Từ điển, thì kinh nghiệm cho thấy, đừng làm theo Phật học
đại từ điển, Phật quang từ điển. Phật học từ điển của Vọng nguyệt cũng phải thu xếp
lại chỗ nào cần làm như vậy. nói thí dụ, chữ Kiếp có đại kiếp, trung kiếp và tiểu
kiếp, 4 từ tất cả. Nếu giải thích tất cả vào trong từ Kiếp thì tra mau và dễ hiểu hơn.
Vấn đề ở chỗ làm mục lục cho kỹ một chút. Lại nữa, lối giải thích như Nhất thế kinh
âm nghĩa thì xác hơn, vì có chữ chỗ nầy chỗ khác, đâu phải tất cả đều giống nhau.
Nên kinh xưa thường có âm thích ở cuối kinh, làm như vậy xác hơn.
Biên dịch Đại tạng kinh và biên tập Đại từ điển là hoài bảo của bất cứ ai đã học
Phật. Tôi chỉ trình bày sơ sài về kinh nghiệm, không hy vọng gì làm được hơn. Đó là
nỗi ân hận đã thành thống hận cho đời tôi.

6/1

Đầu tháng 2 - 2491 (1947), Pháp sắp chiếm Quảng bình. Tôi được cho biết như vậy.
Nghĩ chết, nhất là chết giặc, mà không có giới thì không được. Tôi xin bổn sư truyền
giới cho, theo cách gặp lúc đại nạn ở biên địa. Truyền và thọ Sa di giới và Tỷ kheo
giới rồi, tối hôm ấy, vía Xuất gia của Phật, 8-2-2491 (1947), thầy tôi cố ý một mình
truyền Bồ tát giới cho tôi. Lễ xong, thầy đứng càng nghiêm kính, nói, tôi với thầy là
nhân duyên thầy trò trọng đại cho đời tôi. Tôi muốn góp sức làm cho ánh sáng Phật
pháp trải ra khắp nơi. hiện chùa Phổ minh là tôi chọn cho ý nguyện ấy. Nhưng tôi
đã không làm được gì cho thỏa dạ. Tôi nhờ thầy, kỳ vọng ở thầy, rán giúp cho tôi...
Tôi cố cầm nước mắt, phục xuống lạy Thầy. Thầy vẫn còn khóc. Nhìn lên Phật, Phật
độc lộ toàn thân, với cái bát nhang duy nhất. Sau đó, 2499 (1955), khi bờ cõi mất
thống nhất, mẹ tôi, cũng một mình, bảo tôi, “con đi mà trả nghĩa cho Phật”. Đi cho
thẳng, đừng đè bụi đè bờ mà châm vô! Mẹ cắn răng, ngậm nước mắt, giục tôi đi đi.
Tôi đi trong nước mắt, và, cho đến nay, 89 tuổi rồi, vẫn không đủ can đảm về nhìn
mộ của Mẹ.

6/2

Khi còn học ở Phật học viện, tôi tụng kinh rất nhiều. Thường quì luôn trên 2
giờ, theo lối quì của Nhật. Mắt rất rõ. Tiếng cao, trong, dài. Lạy siêng lắm, không
biết mệt là gì. Mỗi lần tụng kinh, lạy ít nhất 108 lạy. Sự lạy nầy chỉ thua bổn sư mà
thôi. Tụng tại chánh điện Báo quốc, không tán, không dùng chuông mõ. Pháp hoa
thường 2 buổi, bất thường là 1 buổi. Hoa nghiêm 80 cuốn, thường là 5 cuốn mỗi lần,
vì kinh đóng hay đựng hộp đều có số ấy. Cỡ như thế, Hoa nghiêm 60 cuốn và 40
cuốn, tôi tụng hết. Đại phương tiện báo phụ mẫu trọng ân kinh tụng 2 lần. Đặc biệt
là Đại bát niết bàn, chỉ tụng 2 lần bản dịch của ngài Đàm mô sấm, sau nầy mới đọc
được bản dịch của cao tăng Pháp hiển. Còn thường tụng là Pháp hoa và Hoa nghiêm
bản 80 cuốn. Dời lên Kim sơn, tôi vẫn được thường tụng. Về Phổ minh thì hay lạy
Vạn Phật với bổn sư. Pháp lực đã độ trì cho tội, rất rõ, trong bao phen suýt mất
mạng.

7/1

Ngoài viêc tụng kinh, tôi phải đọc rất nhiều sách báo Phật giáo, đặc biệt là Hải
triều âm. Sách quốc ngữ cũng đọc, đáng kể là Phật giáo triết học của Phan văn Hùm,
là Tuệ giác đức Phật mà nay quên dịch giả. Tồi tệ nhất là Phật giáo đại quan của
Phạm Quỳnh. Ngoài ra, tôi đọc được không chỉ 1 lần, tiểu phẩm thánh Cam địa, sách
quốc ngữ. Tiểu phẩm chiếm trọn sự ngưỡng mộ của tôi, ảnh hưởng đến tôi không ít.
Tôi lại đọc được, do “nghệ sĩ” Vân đàm cho mượn, một số sách của Thương vụ ấn
quán Tàu dịch và in, đa số là sách đọc chuyền tay của Đông kinh nghĩa thục. Trong
số có 2 bộ đáng kể, là Thế giới sử cương và Cách mạng tháng mười. Bộ sau giúp tôi
hiểu Biện chứng duy vật chính thống. Bộ nầy tôi càng đọc vì tác giả Goóc-ki tỏ ra
không ưa Phật giáo.
Trong những năm 1940 – 1944, tôi nghĩ khá nhiều về thế cuộc hồi đó. Tôi
khẳng định ví trí “tăng sĩ Phật giáo” của tôi. Nhưng tôi suy nghĩ sự đô hộ của
người Pháp. Tôi nhờ anh Minh mượn tài liệu chính thức. Bản tường trình sự cần
thiết thành lập Mặt trận Việt minh của Trường Chinh, nội dung nói rõ quan điểm
“giải phóng dân tộc” làm tôi chú ý. Tôi thừa hiểu giải phóng dân tộc rồi không phải
ngưng ở đó. Lại biết, từ lâu, Pháp làm cỏ các phái chống họ, mà cao điểm là pháp
trường Yên bái, thì còn ai nữa để lựa chọn ngoài VM.
Thế rồi, 4 ngày sau tôi thọ Giới, buổi sáng hôm ấy tôi biết thế nào là giặc đổ
bộ. Cùng mẹ, cùng mọi người, cả trâu bò và chó nữa, chạy bất kể đạn lớn đạn nhỏ
bắn tứ tung bát giác. Nhưng không ai chết cả. Súc vật cũng vậy. Thật kỳ lạ. Con
người chạy theo chúng, không phải chúng làm bận con người. Tất cả, nhắm núi mà
chạy. Mẹ con tôi, làng tôi, mấy nhóm nữa, chạy lên cái nơi không biết, vì sao có cái
tên “Mãi đắng”. Tại đây ai cũng có cái chòi dựng hối hả, tranh chưa cột lạt, cũng có
thực phẩm với vài nhúm khoai lang quá non, với trái bầu quả bí chưa rụng hết núm
khô. Đêm ấy, cùng với chú Đốm, lúc nào cũng là hỷ thần trong nhà mà bây giờ là
cái chòi, mẹ con tôi, và Đốm nữa, nhai sống mươi củ khoai lang non, rồi ngủ vùi.
Hôm sau mẹ dậy rất sớm, Đốm quấn quít. Mẹ ấn đầu chú xuống vế, ngồi như không
nghĩ gì cả. Còn tôi, tôi dịch tiểu luận Phát bồ đề tâm. Đây là lần thứ hai, lần đầu dịch
tại chùa Phúc chỉnh, Ninh bình. Thấy mẹ có vẻ bớt nặng nề, tôi dịch bài Minh của
Cảnh sách mà tôi thuộc lòng. Bài nầy, 1963, tôi dịch lại và chú thích, lúc bị giam tại
Rạch cát, Saigon. Đốm giỡn với mẹ. Mẹ vui vì Đốm, vì tôi.

7/2

Quãng 5 hôm sau, anh H ghé thăm. Thủ tục ngoại giao xong, Mẹ bảo Đốm đi
theo, về làng, cách Mãi đắng 13 cây số. Lần về nầy Đốm không chịu lên nữa. Vài
hôm sau có lệnh giết chó mới biết linh tính chính xác của Đốm. Mẹ lên rất sớm, tôi
thưa...mẹ khoát tay: “đoán biết rồi”. “Do ơi! mạ biết con mạ. Không phản Phật,
không phụ mạ, rứa là đủ. Trên đầu con có Phật, mạ không lo chi cả. Có điều, mạ
thấy đàng còn xa, nước còn mặn lắm. Rán giữ, đừng để bị sốt rét.” Mẹ nhìn xuống,
nói, con đi sớm đi. Tôi đi, không có gan nhìn mẹ.
Chiến khu gần Mãi đắng. Tôi vào, xếp đặt công việc chưa đâu vào đâu thì có
sự thay đổi. Tỉnh dời ra Tuyên hóa, thị xã sát nhập Quảng ninh. Tôi tự đề nghị ở lại
tại đây, cho gần mẹ hơn. Lên huyện, lại tự đề nghị phụ trách quận hội Liên Việt.
Hơn tuần sau, một thanh niên cỡ tuổi tôi, gặp, nói, tôi tên Thế, chỉ huy đại đội tự vệ
chiến đấu, đóng ở chỗ thị xã cũ. Tôi công tác, ghé vào nhà gặp mệ. Mệ gọi bằng con
liền, có vẻ các anh đi cả, mệ thấy bạn con như thấy con, nên thương tôi lắm. Mệ
khỏe. Con Đốm đẹp quá, chó lai, thiếu màu đen nữa là tam thể. Mệ xoa đầu, nói với
nó, anh mới của con đó. Nó lắc mình, ngoắt đuôi, rên ư ử, nhìn tôi, dễ thương quá.
Mệ bảo, nấu khoai ăn đã, con. Tía tím, tía trắng, tía gà, khoai ngủ ngược, khoai lang.
Ăn rồi, mệ cho cả rổ nữa, đem về cơ quan. Thế dễ mến thật. Không to con, hoạt bát,
bảo, sáng mai tôi về sớm, anh nhắn gì với mệ không? Tôi cảm ơn nồng hậu, nhờ
thưa Mẹ khỏe, vui, là đủ.

7/3

Hôm nay là 22 - 10 âm lịch. Tôi nhớ khi Cha mất. Trời âm u. Mưa có lúc đã
lớn. Ngày mai đã là 23 -10; ông tha bà không tha. Tôi tìm khuây khỏa trong công
việc. Chỉ não lòng không tụng được cho Cha một thời kinh. Chiều hôm ấy, Thế lên,
tìm tôi gấp gáp, báo tin Mẹ đau nặng. Thế đã cải trang võng Mẹ xuống bịnh viện
tỉnh. “Anh phải về nuôi Mẹ. Quân kỷ không cho phép Thế liều lĩnh hơn được”. “Tôi
về, còn nguy hiểm hơn nữa.” Thế trầm ngâm, ừ, nhưng cứ về đã. Biết đâu chỉ thấy
một trong các anh thì Mẹ lành liền. Tôi nói, bây giờ gần tối rồi, mai sáng mới sắp
đặt được. Thế tạm biệt tôi, không nói gì. Quãng 8 giờ tối, Thế đến, phấn khởi:
“Xong xuôi rồi, tôi nghỉ với anh luôn, sáng đi càng sớm càng tốt”. Tôi nói, còn kiếm
đò. Thế bảo, có rồi. Tôi nhìn Thế, Thế nhìn tôi. Trong một thoáng, chúng tôi cảm
thấy cùng một Mẹ. Tỉnh trí rồi tôi hỏi, Thế có biết ngày mai là kỵ cha tôi không, Thế
nói, bây giờ thì biết. “Thế thì anh càng về gấp”. Tám giờ sáng, đò cặp bến núi U bò,
sông Long đại. Hai anh em trèo núi, cao và rắc rối. Đây là lần thứ hai tôi trèo. Ba giờ
chiều về đến chỗ Thế đóng quân. Thế vừa sắp đặt, vừa giải thích. Mình phải ra khỏi
dốc Cây dẽ trước khi trời tối hẳn. Chỗ nầy có 2 vọng gác của nó nhắm kỹ. Hễ nghi,
hay thấy lay động là bắn liền. Bắn kiểu làm cỏ. Sớm một chút thì nó thấy, chậm một
chút thì mình hết đi được. Bây giờ Thế đưa anh ra dốc Cây dẽ rồi phải lui. Anh bình
tĩnh, đi một mình. Được không. Được. Không đắn đo nữa. Đường khá thẳng, trên
vài cây số. Cây nhỏ, lúp xúp, không đến vai người, làm cho con người dễ nổi bật
hơn. Tôi tự tin đến kỳ lạ. Quên nói bây giờ tôi mặc áo tràng đà cẩn thận, nghĩ có
chết cũng là tăng sĩ đàng hoàng. Tôi đi bình thản. Quãng hơn ½ giờ thì vào vùng đất
Mỹ cang. Mừng nhưng không nhiều lắm. Băng vùng nầy, tôi vào Cẩm lệ hay Phú
vinh. Ra đường ray xe lửa: chỗ hay bị phục kích. Qua khỏi đây, tôi băng cánh đồng
lớn, vào xóm Ải. Lại băng cánh đồng Ải dài, bước vào giếng Nĩ. Chỗ nầy khá nguy
hiểm. Chúng hay phục kích, lại là bãi tha ma hoàn toàn. Cỡ 900 mét là vào nhà,
nhưng rợn người gần như đoạn đường ra khỏi Cây dẽ. Khi vào, cả nhà rú lên. Mẹ
sững sờ. Tôi chỉ biết nhìn. Khi tỉnh trí, tôi hỏi bịnh Mẹ thế nào? Hết rồi, Mẹ nói, và
mắt cười, dưới đèn sáng. Thế đoán đúng thật. Tôi xin ăn đã. Mẹ nói, “Chừ mà có
Thế với Đốm thì vui biết mấy”. Hỏi Đốm, Mẹ nói, nó thoát kiếp rồi, gối đầu trên vế
mẹ mà đi, không rên rỉ chi cả.
Hơn 1 tuần sau, người trực tiếp, người gởi thư, nói tôi nên ở nhà chăm sóc Mệ.
Tôi xin ghi ở đây ơn Thế, ơn Ty, và tất cả những ai thương cho tình cảnh mẹ con tôi.

7/4

Sau húy nhật Cha, thấy Mẹ khỏe vui, tôi thưa làm lễ “bạt độ” cho Chánh. Chú
tử trận ngày 22 tháng 2 nhuận, năm đinh hợi 2491 (1947) tuần thứ 2 sau giặc đổ bộ.
Năm đó, Mẹ 53 tuổi, đại hạn: mất con là đúng lý số. Nghe nói làm lễ, Mẹ mới buồn
trở nên vui. Tôi lo việc. Nói chuyện với người anh họ, vốn là người Việt gốc thầy
chùa, có học, nhưng nay có gia đình. Anh khá về nghi lễ chính thức và không chính
thức của Phật giáo. Tôi cất học thức, làm lễ nghiêm trang, xúc động. Thậm chí – nói
buồn cười – tôi xếp và đặt vàng bạc nhiều vào bàn thờ Chánh, cảm thấy em đang có
ở đó.
Liên tiếp 10 ngày, tôi trì tụng cho Chánh 3 biến Địa tạng, 3 biến Kim cang, và
1 biến Pháp hoa. Mỗi ngày anh họ tôi đến cúng Ngọ và tiến Linh. Tôi đội sớ điệp
cúng em, thầm trì Vãng sinh cho Chánh. Lễ thức đơn bạc. Cái đói năm ất dậu, nay
vẫn còn múa lưỡi hái tử thần khắp nơi.
Ngày chót, người anh họ bày đồ cầu đồng ra. Tôi hơi cười. “có cần không”,
anh bảo, xưa mần răng thì chừ phải mần rứa. Mẹ rất chịu. Thế là đồng lên, người lên
đồng là chú Đông, em con cô của tôi. Trong gần một tiếng đồng hồ, đồng nói giọng
em Chánh. Hỏi gì cũng nói rất đúng, những điều mà đồng, cũng như Chánh lúc
sống, không ai biết gì về những điều ấy. Tôi hỏi về tương lai, gần và xa, đồng cố ý
tảng lờ, không nói. Đồng nói với mẹ vài ba chuyện nữa, đột nhiên khóc nấc lên. Ai
cũng mủi lòng. Đồng nói với Mẹ, con xin đi, và đứng lên lạy Phật, lạy Mẹ. Không
khí thương cảm rất nặng nề.

8/1

Sau khi cúng Cha và cúng em, tôi muốn sinh hoạt bình thường. Nhưng chỉ bái
sám Lương hoàng cho Mẹ nghe. Rồi chuyên trì Kim cang cho Chánh mà em thích.
Và đọc Hoa nghiêm đại sớ. Nhưng ngày đêm bị đủ cách quấy nhiễu. Còn Mẹ, đã 2
đêm nay không ngủ. Tôi hỏi, Mẹ bảo, “ngồi đó, bàn coi”. Mẹ lo nghĩ lấy ai thừa tự
ông bà đây. Nhưng Mẹ không bàn gì cả. Trưa đó, ăn xong,Mẹ không nghỉ, đi đâu
không nói. Khi về, thiệt nhiều hơn chơi, Mẹ nói xóm mình có cô M ngó được. Cô
nầy, sau đó, cảm cái tình tri kỷ của Mẹ, đã thương Mẹ như mẹ ruột. Nhưng... Mẹ lai
đi, đến một nhà gần Chùa, có 2 người con gái. Về, Mẹ vẫn chưa nói gì. Thưa, Mẹ
mới nói chậm rãi, “giữa một thầy tu mà Mẹ đã mơ ước, với một thầy cúng quê mùa
như ai, mẹ phân vân hết sức”. Thế là đã rõ. Nhưng Thầy đã rõ trước. Thầy ra nhà,
lúc mới xế bóng. Mẹ chào hỏi, Thầy nói, nhẹ nhàng, “Chị ơi, xưa, người ta có con
thừa tướng, dễ hơn có con cao tăng”. Mẹ thưa liền, “Tôi không biết bàn tính với ai.
Định chiều vào Thầy thì Thầy đã ra, và đã có ý kiến. Có thể không có gì phải phân
vân nữa”. Đêm đó, tôi trang trọng thưa Mẹ: “Lấy vợ, làm thầy cúng quá dễ. Nhưng
không dễ, hoàn toàn không dễ, cho mẹ con mình. Con đi tu là lời nguyền của Mẹ,
bây giờ nói khác đi sao được”? Thầy lại ra sớm, Mẹ nói rất bất ngờ, “Phải chi con
tôi vào Huế, ở trong Tổ đình Quốc ân, thì tốt quá”. Xui khiến sao 3 giờ chiều ấy, anh
công an vào nhà tôi. Tôi hỏi, bắt tôi, và bắt đi ngay, phải không? Anh nhỏ nhẹ,
“không phải”. Có mấy hòa thượng và quan cụ nào ở Huế muốn mời thầy vào trong
đó. Nếu thầy đồng ý, sáng mai con vào đón thầy xuống sếp con để bàn việc ấy. Tôi
đồng ý, và thưa cho mẹ hay. Mẹ sắp vào chùa thì Thầy đã ra. Khi chuyện đi Huế
được biết rồi, Thầy nói, những lúc như vậy mới thầy ngài Hộ pháp làm việc như thế
nào.
Phần tôi, trong lòng không thư ra mấy. Đi, để Mẹ thui thủi một mình... Nhưng
chuyện mới xẩy ra mươi lăm hôm trước. Lũ trấn vọng gác sau nhà tôi, đêm khuya đã
nhắm bắn vào chỗ tôi nằm, xuyên qua mái sau. Chúng bắn giỏi. Đạn trúng cây đèn
đồng lớn. Cây đèn đỡ đạn cho tôi. Và đây là một hành động ám sát, trăm phần trăm
chỉ để ám sát một tăng sĩ Phật giáo. Tôi biết nhắc lại chuyện nầy thật không phải lúc.
Nhưng phải nhắc. Để Thầy và Mẹ tôi phải thấy gì nữa kia. Sự đời không đơn sơ chút
nào.
Cũng cần ghi thời điểm bấy giờ: 2492 (1948)


Âm lịch

Ảnh đẹp