TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN


Tác gỉa: Thích Trí Quang Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011
22/06/2012 20:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 39854
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN
Tác gỉa: Thích Trí Quang
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011

02

3/1

Nay xin kể lại việc học Phật của tôi. Việc nầy vừa là nền móng vừa là trụ cột, của đời tôi. Sau khi xuất gia, 2482 (1938) 6 năm tiếp theo 2483-2488 (1939-1944) tôi được vào Phật học viện của Tổng hội Phật học, vốn là sơ đẳng. Viện thành lập năm 2477 (1933), chủ yếu do hòa thượng Giác tiên (khai sơn chùa Trúc lâm) và bác sĩ Tâm minh (Lê đình Thám, đệ tử ngài). Ban đầu đặt tại Trúc lâm, kế tại Quan công, sau mới tại Báo quốc. tôi học tại đây, băng 4 năm của cấp sơ đẳng. Viện trưởng, Thân giáo sư chính yếu, là hòa thượng Trí độ, nguyên là học đồ của ngài Thập tháp, sau, gần hết học kỳ, thầy thọ Bồ tát giới với ngài Đắc quang. Về thế học, cấp sơ đẳng được bổ túc theo chương trìng Cơ thủy,
cấp trung đẳng học thêm triết học. Về Phật học, là chính yếu, thì nay đủ cả 4 cấp:
sơ đẳng 6 năm, trung đẳng, cao đẳng và siêu đẳng, mỗi cấp 2 năm, cọng 12 năm tất cả.
Tôi học 2 năm sau của sơ đẳng. Khi lên cao đẳng thì thu gọn siêu đẳng vào đó.
Học xong cuối năm quí mùi 2487 (1943) làm lễ tốt nghiệp ngay đầu năm sau, 2488 (1944).
Nói tổng quát, từ sự thuộc lòng 2 thời công phu đến Đại trí luận và Du già sư địa luận,
Viện dạy rất liên tục và nghiêm cẩn, đào tạo tăng tài hoàn chỉnh. Nhược điểm là
học hơi nhiều về Duythức học của hệ Giới hiền – Huyền tráng; nhất là thiếu
Sử truyện Phật giáo, mà trong đó, có bậc hoằng Pháp và hộ Pháp, rất cần
cho sự nung nấu hạnh nguyện của học tăng. Trong thời gian gần xong học kỳ,
tôi “bị” viết bản thảo vài ba dịch phẩm và tác phẩm của Thân giáo sư,
lại phải “tập dạy” nhiều môn cho các lớp sơ đẳng và trung đẳng mà viện mới mở.
Mấy việc nầy giúp tôi không ít, có số điểm cao nhất khi thi
tốt nghiệp, lại giúp tôi, sau đó, dịch và viết kinh sách cho đến nay.

4/1

Bấy giờ là năm ất dậu, 2489 (1945). Nói theo dương lịch thì tháng 8 năm đó
CMT8, nói theo âm lịch thì tháng 10 năm đó cha tôi mất. Cha tôi không lú lẫn gì
nhưng trước đó vài ba năm không nói không hỏi gì việc đời nữa, chỉ một mình kể
Truyện Phật gần như thuộc lòng.

Nói trở lại, 1944, 2 lớp sơ đẳng và trung đẳng của Phật học viện (mà bây giờ
gọi là Kim sơn) được tạm dời vào Nam, với thân giáo sư là thầy Trí tịnh, quản lý là
thầy Thiện hoa, hộ chủ là Trương hoằng Lâu. Vào đó liền gặp 1945, trường rã luôn.
Thân giáo sư của Phật học viện gốc thì về quê nhà Bình định, với chí nguyện đem
kinh nghiệm giáo thọ chúng tôi mà lập một Phật học viện cho vừa ý hơn. Rồi chưa
đến đâu, ngài ra Huế nghỉ thư giãn ở Kim sơn.

Quãng hè 1946, thầy Tâm chính, cũng là bạn học ở Kim sơn, thay lời các vị lãnh đạo
Phật giáo ở miền Bắc, vào Huế mời được Thân giáo sư Trí độ, lại mời tôi theo ngài,
ra lập Phật học viện tại Quán sứ, tổ chức đầy qui mô và thiện chí. Nhưng đầu tháng
10 âm lịch năm đó, lịnh toàn quốc kháng chiến ban hành. Phật học viện cũng phải
tạm xếp lại.

4/2

Tôi về Quảng bình thì cha tôi mất. Trước đó một ngày, đêm 21 tháng 10 âm lịch, tôi
thức khuya trong gian chái hướng tây bắc, đọc lại Du già sư địa luận, thì các anh
Cẩn và Minh lù lù cùng về. Hỏi ngay, Thầy thế nào, tôi bảo, thì cũng như cũ, yếu và
dễ mệt. Tôi thêm, vẫn ăn được bắp rang ngào mật ong. Răng cha tôi tốt nổi tiếng.
Chúng tôi hạ giọng, nói chỉ đủ nghe. Thế mà trong gian nhà thứ 5 cha tôi vẫn nghe
được, hỏi, mấy đứa về đó, phải không? Tôi dạ. Cha tôi nói, để thầy nghỉ, nói gì thì
sáng mai rồi nói. Mỗi anh môt gói đồ khá lớn. Dỡ ra thì gói nào cũng là đồ điếu
tang. Tôi hỏi, biết người nào cũng thấy tự nhiên phải về vì nghĩ cha đang lâm nguy.
Rồi anh Cẩn ở Lào thì đệ tử, anh Minh ở Huế thì người cùng cơ quan, ai cũng sắp đồ
phúng điếu như vậy. Trên chuyến tàu suốt, anh Minh ở Huế ra dừng ở Đông hà, thì
tại đây anh Cần lên tàu ấy. Nhưng xuống Thuận lý mới gặp nhau. Sáng sớm hôm
sau, 22 tháng 10 âm lịch, cha tôi bảo chú Đại nấu nước lá chanh lá bưởi cho nhiều
một chút, tắm kỹ cho cha tôi. Mẹ tôi, và chị Thuyết, chị con dì của tôi, làm bánh lá
gạo hom cho cha tôi ăn. Khi chú Đại đỡ vào thì cha tôi thả chân xuống nền nhà. Sau
nầy mới biết đó là hạ thổ. Cha tôi bảo đóng cửa cả 5 gian nhà để ngủ bù mất ngủ hồi
khuya. Rồi trừ Đại ở nhà canh cho cha ngủ, 4 anh em, kể cả chú Chánh, ai cũng
xuống tỉnh. Từ cổng Bình quan, tôi rẽ qua phải đến chùa Phật học, anh Minh rẽ qua
trái đến cơ quan của anh. Anh Cần xuống thẳng bến sông Nhật lệ thăm đò nhà vợ.
Còn Chánh, anh chàng đi tìm chỉ huy của mình. Quãng 4 giờ chiều, không ai hẹn ai
mà cũng gặp nhau, thì Đại ôm ngực chạy xuống, hét lớn, các anh về gấp mà coi,
Thầy lạ lắm, nằm thẳng cẳng ra rồi! Cả nhà bấy giờ nhìn kỹ. Cha tôi mang tất trắng,
mang y hậu chỉnh tề, đầu đội mão quan âm, nằm ngửa ngay thẳng và gọn gàng, 3 tay
để trên ngực, ấn cuốn Truyện Phạt Thích ca. Cha tôi đưa tay là lấy đúng cả, từng cái
một. Tôi để ý thấy thiếu cái kính, tức khắc hiểu ra, cha tôi không cầm kính vì sợ
kính không phân hủy hay xương. Đến chết mà kỹ tính vẫn y nguyên! Anh Cần lên
giường, bắt cánh tay rồi bàn tay, từ từ kéo rồi buông ra, thì từ từ tự thu lại như cũ.
Anh lấy sợi chỉ rất nhỏ, cầm để nơi mũi cha tôi, chỉ không một chút lay động. Mắt
cha tôi khép kín, nhưng thoải mái, miệng không mở ra hay xiết lại vì ngột thở hay
nén đau. Toàn bộ sắc mặt bình thường, rất bình thường. Tìm cách khám kỹ hậu môn
và hạ bộ thì đại tiện tiểu tiện không tiết gì ra cả, cũng không hôi hám. Anh Cần, nhất
là Đại, làm rất kỹ việc nầy. Xong, anh Cần hỏi mẹ tôi, Mệ tính gì không, mẹ bảo, tùy
ý các con. Khi kéo anh Cần ra, tôi hỏi, Thầy mất ngày giờ xấu hay tốt? Anh tính đi
tính lại rồi nói xấu, phải đổi lấy ngày mai, 23 tháng 10. Tôi ngac nhiên, 23 xấu mà.
Anh nói, xấu cho việc khác, không xấu cho cái chết. Tôi hỏi, Thầy dạy kỹ và anh
nhớ kỹ không, anh bảo yên tâm đi, tôi dặn kỹ, ngoài anh với tôi, không được nói gì
với ai về việc nầy. Anh nói, tôi cũng định dặn chú như vậy. Rồi anh coi luôn ngày
giờ nhập liệm, động quan, an táng. Ngớt mưa, bác sĩ Du lên coi kỹ, xác nhận Ôông
đi lâu rồi.

Cả nhà ngồi xuống nền nhà, chung quanh giường, tôi lên tiếng đầu tiên, “tuyệt đối
không khóc”. Không được khóc lớn, không khóc thầm, không khóc ấm ức. Ai không
nhịn được thì ra ngoài mới khóc. Mẹ tôi giao chìa khóa cho tôi. Tôi thành quản gia
lúc ấy. Tôi nói với anh Minh, vào chùa trình cho bổn sư hay. Ngài nói, thầy biết rồi,
đang chờ ngớt mưa thì ra liền. Anh Minh đi, có Chánh làm vệ sĩ mà vẫn còn sợ ma!
Thầy mang tơi mà ra. Cả nhà quì lạy, và trình bạch ngày giờ các lễ quan trọng. Thầy
niệm Phật, rồi cùng các sư huynh đi theo, trì tụng liên tiếp 3 biến kinh Di đà, lại
xướng long vị cha tôi mà lạy. Thầy để nguyên y hậu, vào thăm cha tôi. Thầy niệm
Phật lớn tiếng. Vừa niệm vừa đưa tay để trên trán cha tôi, rồi dời tay để trên cuốn
Truyện Phật, nói như nói Pháp ngữ, rằng chỉ một cuốn sách mà làm cho cha tôi chết
rất tự tại, đúng là “hỏa diệm hóa hồng liên”! Thầy xá sâu 3 cái, ra về, dáng vẻ hoan
hỉ.
Với sự giúp đỡ của chú Đông, em con cô, tôi lo đủ hết các thủ tục và tục lệ. Lúc
nhập liệm, trước khi đậy nắp quan, trưởng họ của tôi hô lớn 3 lần, “Cả nhà ra nhìn
Ôông lần chót.”! Lại hô, “ai muốn Ôông mang theo cái gì thì đem ra bỏ vào.”! Nghe
thế, tôi chạy vào mở rương kinh của tôi, thì thấy ngay cuốn Kim cang, nhỏ và gọn,
vốn tôi rất quí, chạy ra đặt trên cuốn Truyện Phật. Nắp hòm đậy lại. Một mình bổn
sư tôi đứng trên đầu cha tôi. Trưởng họ xua ra hết. Thợ làm việc. Tiếng nện nắp hòm
e dè, nhưng vẫn khá mạnh và lớn. Đột nhiên tôi chấn động cả người, vụt chạy vào
buồng, khóc không gào thét, nhưng dữ dội. Tôi đứng úp mặt vào ván gỗ, khóc không
lấy hơi được. Bổn sư tôi vào, đỡ nhẹ tôi đứng thẳng. Cứ như thế, Thầy đứng với tôi
niệm Phật rất nhẹ.


Âm lịch

Ảnh đẹp