TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN


Tác gỉa: Thích Trí Quang Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011
22/06/2012 20:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 39857
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN
Tác gỉa: Thích Trí Quang
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011

04

9/1

Quãng 2494 (1950), Liên minh Hữu nghị Phật tử Thế giới thành lập ở Tích lan. Việt nam có hòa thượng Tố liên tham dự. Khi về, hòa thượng cố gắng lập chi bộ ở nước nhà. Hòa thượng vào Huế vận động. Một cuộc họp đủ cả các vị lãnh đạo tại đây được triệu tập khá rộng. Trước khi họp, dành vài mươi phút để hòa thượng Tố liên ra mắt và thuyết trình về Liên minh Hữu nghị Phật tử Thế giới. Cuộc thuyết trình không được vui lắm, từ mọi phía. Tôi xin phép trình bày ý kiến. Nên bàn việc thành lập Tổng hội Phật giáo Việt nam, rồi từ đó mà bàn việc liên hệ Liên minh Hữu nghị
Phật tử Thế giới. Liên hệ chứ không trực thuộc. Thí dụ, Liên minh có thế nào thì
Tổng hội không tự nguyện chung số phận. Ai, nhất là hòa thuợng Tố liên, cũng tán
thành. Và đồng thanh bảo tôi chủ tọa cuộc họp. Họp nửa giờ thì xong, với nghị
quyết sau đây:

1. Nay thành lập Tổng hội Phật giáo Việt nam, tạm hạn cuộc 6 tập đoàn Phật
giáo có đại biểu tham dự và ký tên trong cuộc họp nầy.

2. Cuộc họp nầy bái thỉnh đại lão hòa thượng Tịnh khiết (đương kim pháp chủ
tăng già miền Trung) làm Tổng hội chủ lâm thời. Lại công cử hòa thượng Trí thủ
(đương kim Hội trưởng Phật học miền Trung) làm trưởng ban Đại hội chính thức.

3. Trân trọng tái xác nhận tôn chỉ và mục đích của Phật giáo là phụng sự Phật
phap (bằng giáo hạnh cực tinh thuần) và phục vụ nhân loại (bằng từ bi không vụ
lợi).

4. Đại hội chính thức phải tổ chức một năm sau cuộc họp nầy, vào ngày Phật
đản truyền thống 8/4 tại Từ Đàm, Huế. Chi phí: yêu cầu 2 tập đoàn miền Trung đài
thọ.

5. Đại biểu chính thức: 15 vị cho mỗi miền. Người tham quan: không hạn chế.
Gần giờ giới nghiêm. Tôi xin đình họp để kịp về. Và lo nhiều hơn mừng - dầu
cái tiếng “Thống nhất Phât giáo” đã reo lên.

9/2

Sáng sớm 8/4 2495 (1951), Đại hội Phật giáo Việt nam khai mạc tại Từ đàm,
Huế. Pháp thiều “Phật giáo Việt nam”, lần đầu tiên, được hát lên. Sau 3 ngày làm
việc, 1 Hiến chương cho THPGVN được chấp nhận, 1 nghị quyết tán thành
LMHNPTTG được công bố.

Hiến chương qui định THPGVN đặt trách nhiệm lãnh đạo vào Hội đồng Quản
trị Trung ương (QTTW) gồm 1 Tổng hội chủ (là đại lão hòa thượng Tinh khiết), 1
Phó Tổng hội chủ tăng già (là hòa thượng Trí hải), 1 Phó Tổng hội chủ cư sĩ (là cụ
Lê văn Định), 1 Tổng thư ký (là ông Tráng Đinh). Tiếp theo có nhiều thành viên cho
đủ loại công việc. Một chương trình làm việc 3 năm được chấp nhận, trong đó có
phái người du học để đạt trình độ cao cấp.

Nghị quyết tán thành LMHNPTTG gồm có công nhận cờ “5 màu hào quang
của Phật”; THPGVN là Chi bộ “chỉ là liên lạc đạo tình” mà thôi; công nhận hòa
thượng Tố liên là đại diện bên cạnh Liên minh; yêu cầu giúp đỡ người du học mở
đầu là Tích lan.

Thế rồi, HĐQT thực sự làm việc. Đầu tiên là trình báo Quốc trưởng và Chính
phủ về Hiến chương. Phía Quốc trưởng, 1 văn thư tán thành hoàn toàn theo kiểu
cách ngoại giao. Phía Chính phủ thì Tổng trưởng Nội vụ gửi một văn thư nói phải
đặt THPGVN vào khuôn khổ đạo dụ số 10. Bấy giờ những ai nói “chỉ trình chiếu,
không xin phép” mới thấy hòa thượng Tố liên ảo tưởng. Tiếp theo, Chính phủ lịnh
cho Đại biểu miền Trung, đòi nạp khuôn dấu, hạ bảng hiệu. Ông Tráng Đinh bị bắt.
Cụ Định từ chức. Trong cuộc họp khẩn cấp, với tư cách một thành viên của HĐQT,
tôi tình nguyện giữ khuôn dấu, và tức thì yêu cầu tiếp xúc với Đại biểu. Tôi thưa,
khuôn dấu của THPGVN thì chính ngài Tường vân cũng không có quyền tuân lịnh
mà nạp cho chính phủ - nhất là lịnh ấy phi lý quá đáng. Ngài Tổng hội chủ muốn
nạp thì phải có đại hội quyết định. Tôi yêu cầu được phép triệu tập Đại hội ấy, gồm
6 tập đoàn. Diễn biến đến chỗ phải xin duyệt y Hiến chương, nhưng tôi tận lực phản
kháng buộc THPGVN vào khuôn khổ dụ số 10, yêu cầu phải có ít nhất là “1 sắc luật
riêng”. Tôi không thấy nói gì 4 chữ sau, nhưng Hiến chương được nha Pháp chính
miền Trung mời tôi đến, gọt dũa khá kỹ, “không cho tăng già cư sĩ đứng chung”,
công nhiên bác bỏ ý thức thống nhất. Ông Đổng lý văn phòng Quốc trưởng nhập
cuộc. Điềm đạm, ông nói, thượng tọa cứ nhận đi, miễn người ta trồng cam vào chậu
đã. Rồi, sau đó, thượng tọa trồng cam sành chậu sứ như ý mình thì họ cũng không
hơi đâu mà làm khó. Tôi nghe ra, thiện chí của ông không phải không có, nhưng có
cái gì đó cho thấy mọi sự đã trở thành lạc hậu. Tôi vẫn không dễ dàng, đề nghị chữa
cách hành văn mà thôi, rằng THPGVN gồm có Tăng già, và dưới Tăng già là Cư sĩ.
Ông Giám đốc nha Pháp chính chấp nhận.

Và mấy hôm sau, họ mời tôi xuống tòa Đại biểu nhận Hiến chương đã duyệt y.
Tôi phân vân. Hòa thượng Mật nguyên hay đi với tôi “cho tôi bớt lạnh”, khuyên tôi
nên nhận, ít nhất cũng có cái để mở Đại hội 1956, dời THPGVN vào Saigon, chùa
Xá lợi.

9/3

Năm ngoái, 2595 (1951), khi vào họp Đại hội, hòa thượng Tâm châu có đưa
cho tôi 2 tài liệu bằng hình ảnh. Tài liệu 1 là thư tuyệt mệnh của 1 gia đình nếu tôi
nhớ không lầm là 7 người, đau lòng vì tín ngưỡng của mình bị kỳ thị, và gia đình
mình bị bức tử. Tài liệu 2 là một ngôi chùa mái cổ có mặt nhật bị đập, thay vào là
hình chữ thập. Các vị ni sư bị mặc áo bà xơ. Tình trạng như 2 tài liệu nầy mô tả đã
lắng xuống, sau khi tự viện thượng cờ Phật giáo lên.

Năm nay, 2496 (1952), 2 tập đoàn Phật giáo Bắc được ủy nhiệm tổ chức giáo
hội Tăng già toàn quốc (TGTQ). Tôi ra Hànội trước 1 tuần. Hànội rộn ràng cứ rộn
ràng. Giáo hội tổ chức cứ tổ chức. TGTQ được thành lập, với một vị thượng thủ là
ngài Tuệ tạng, và 1 vị Tổng thư ký là ngài Tố liên.

Đại hội có mục đến dự buổi tiếp tân của Hiệp hội Văn hóa Thăng long. Sau lời
chào mừng của ông Hội trưởng, tôi được bảo thay lời đáp lễ. Tôi thưa, 3 miền tăng
sĩ Phật giáo hội họp nơi ngàn năm văn hiến nầy là muốn nói lên mục đích phục vụ
văn hóa dân tộc. Đó cũng là mục đích chúng tôi đến đây, hôm nay. Dân tộc ta, từ
bao giờ cho tới bây giờ, chống ngoại xâm là chống xâm lược văn hóa và lãnh thổ.
Con dân tổ quốc, khắp trên đất nước, bảo tồn lãnh thổ, chúng ta phải góp sức bảo
tồn văn hóa. Nơi vũ khí chống xâm lược lãnh thổ có sự chống xâm lược văn hóa.
Nơi chúng tôi và quí vị có sự bảo tồn tín ngưỡng dân tộc, tức cũng có sự bảo tồn văn
hóa dân tộc. Cả dân tộc ta đang chung lòng chung sức như thế. Thay lời liệt vị tôn
túc, tôi kính mến cảm ơn thịnh tình của quí vị.

Cỡ 1 tuần sau Đại hội TGTQ, phái đoàn đại biểu Phật giáo Việt nam, trong đó
có tôi, qua Nhật dự Đại hội LHHNPTTG. Chương trình Đại hội nầy có mục đến
thăm nơi quả bom nguyên tử đầu tiên đã nổ và để lại những gì của nó. Tôi bịnh,
không đi, nhưng nghe nói thật kinh hoàng. Đưa Đại hội đến thăm ở đây, rõ ràng,
người Nhật tố cáo, nguyền rủa.

10/1

Bấy giờ là thời điểm 2497 – 2499 (1953 – 1955)
XX
Đây là thời điểm mà tổ quốc phân chia Bắc Nam. Tôi nghĩ, tôi nên đứng ở
cương vị thuần túy Phật giáo, không nên có ý kiến về việc đời quan trọng, chỉ đánh
dấu tâm tư bằng dấu ẩn mà thôi.

11/1

Bấy giờ là thời điểm 2500 (1956), gồm trước và sau đó nữa.
!!
Thời điểm nầy đau đớn nhất cho đời tôi, cho suốt đời tôi. Thời điểm mà ngưòi
Mẹ khốn khổ của tôi bị đấu tố. Tôi không đủ can đảm, nhớ lại cho hết, ghi lại cho
đủ, chỉ đánh vài dấu than mà thôi.


Âm lịch

Ảnh đẹp