TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN
Tác gỉa: Thích Trí Quang
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011
01
1/1
Tôi người Quảng bình, 1 trong 3 nơi mà
Huyền trân công chúa mới đáng là thành hoàng. Tổ tiên gốc người Hải
dương, 4 cha con cùng có mặt trong đạo quân tiếp quản Quảng bình, rồi
định cư ở 3 làng. Thuận lý là con trưởng, kế đó, Phương xuân là con thứ
2. Diêm điền, làng tôi, là nơi Tổ của làng tôi cùng con út định cư. Làng
tôi cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng bình chỉ có chừng 600 mét đường chim
bay. Trước đó, cả làng định cư bao giờ không rõ, chỉ biết vì chậm chân
nên ngoài số ruộng đất không đáng kể, làng tôi phải làm muối, vì con
sông của làng là nhánh sông lớn Nhật lệ, nước mặn. Do đó mà có tên Diêm
điền, cấp phường chứ không phải xã, thuộc tổng Long đại, phủ Quảng ninh,
1 trong 5 phủ huyện của Quảng bình. Vị trí gần tỉnh lỵ, nhưng làng không có
truyền thống học chữ Tây. Vẫn học Nho, nhưng không có tiếng là làng Nho học
hay khoa bảng gì.
Một bí mật mà nay nên nói ra. Làng tôi có liên hệ khá chặt chẽ với phong trào
Văn thân của chí sĩ Phan đình Phùng. vùng núi phía tây của làng có 2 quân thứ của
phong trào. Bác họ tôi là một chỉ huy cấp trung, ông ngoại tôi là một đội viên, của
một trong 2 quân thứ. Cha tôi là “người của vua Minh”, tiếng gọi kín vua Hàm nghi.
Năm tôi 14 tuổi, cha tôi bảo đi theo ra thăm đám ruộng cạnh giếng Nĩ, vùng Ải dài,
nghiêm trọng kể cho tôi, và bảo, “phải biết và nhớ lấy”. Tôi hỏi, làng mình có ai là
“người của vua Minh” nữa không, cha tôi đắn đo rồi bảo, có, làng mình và các làng
chung quanh, nhất là dưới tỉnh, có cả. Nhưng, này, “quốc tặc” là gì, con biết không,
tôi thưa, dạ biết. Cha tôi bảo, biết, biết nó là gì thì không được sợ, cũng không được
khinh suất.
1/2
Nhà tôi có 6 anh em trai. Anh đầu là Phạm Huệ, mất ở Lào. Anh hai là Phạm
Cần, 102 tuổi, mất năm kia. Bốn anh em còn lại, sinh cùng một mẹ, là Phạm Minh,
90 tuổi; tôi Phạm Quang, 89 tuổi; em, Phạm Chánh, tử trận năm 1947, trong tuần lễ
thứ 2 chống Pháp tại tỉnh nhà; em út là Phạm Đại, mất chưa kịp gặp tôi, sau 1975.
Tôi có bác ruột, Phạm Phương, tử trận tại bến Bồ đề, cuối cầu gỗ Đông ba, Huế,
trong trận chiến quân ta tấn công tòa Khâm sứ Pháp, ở đây. Mẹ tôi rất thích nghe bài
sám Lương hoàng, người Đức phổ, cùng làng với bổn sư, và tổ sư của tôi (là người
Đắc ân, trú trì quốc tự Linh mụ. Cả cha mẹ cùng qui y ngài nầy, làm Phật tử tại gia
(đồng sư với bổn sư của tôi). Cha tôi tâm đắc nhất nên tự phiên âm chữ Nôm bản
“Truyện Phật Thích ca” của Từ bi âm, thích thú đọc lớn, ngâm nga hoài, nhất là
những lúc một mình, và khi mất đã tự đặt sách ấy trên ngực, 2 tay giữ lấy. Nhánh ba
họ Phạm làng Diêm điền là gia tộc của tôi, theo Phật từ lâu, nhưng thật sự là ông nội
và cha tôi. Cha tôi khi bán thế xuất gia thì làm đệ tử ngài Đắc quang (Tăng cang
Linh mụ) em ruột ngài Đắc ân. Danh hiệu long vị là “Người dòng phái đại tổ sư
Nguyên thiều, pháp danh Hồng nhật, pháp tự Tâm nguyên, đắc pháp với pháp húy
Huyền đàm đại sư.”
1/3
Năm lên 7, mẹ tôi chuẩn bị đâu vào đó, rồi nghiêm mặt đến nỗi anh Minh và
tôi không dám hó hé, nhưng tôi có cảm giác là lạ, và mẹ ra lịnh “sáng mai đi học”!
Khai tâm cho anh em tôi là tiên chỉ của làng. Mậu thực phu từ. Mẹ tôi soát vở học
luôn, bằng cách đếm trang vở, nhìn chữ son đồ nét mực đen, rồi bảo tôi trước, “học
gì đọc cho mẹ nghe”! Nghe xong, mẹ im lặng, 2 năm sau, đem anh em tôi lên làng
Thuận lý, cách nhà 6 cây số, học với bác họ, bác ấm Lộc, cha làm Kinh lược ở đâu
ngoài Bắc. Bác hơi dữ. Nhưng lo cháu bị mẹ đánh, bác bảo viết lại bài làm, khuyên
vào nhiều vòng đỏ. Mẹ cũng đoán ra, xin bác đừng thương lắm kẻo cháu hư thân.
Mẹ về. Bác bảo, họ Phạm ta ở làng nào cũng kém lắm. Bác gọi tên tục của tôi mà
bảo. Do, cháu gắng lên nữa, cho mẹ vui, bác vui. Tất cả vốn liếng chữ Nho, chữ
quốc ngữ và trọn chương trình Cơ thủy hồi đó, do sở Học chính Đông dương biên
soạn, chúng tôi được học cả. Trừ chữ Tây. Bác Lộc nói với mẹ, cháu tạm ngưng
được rồi. Những gì đủ để sống ra trò ở thôn quê, tôi đã dạy cháu. Cô có thể tìm cách
cho cháu học theo chương trình Tây soạn ra, một mớ chữ của nó nữa là đi thi lấy
bằng Cơ thủy, học lên Thành chung... Nhưng cái đó tùy cô, bàn xét cho kỹ. Mẹ tôi
bàn với cậu ruột của tôi. Nhất là xét kỹ coi tôi có đủ sức sống với thôn quê, hay
không. Cậu xét gắt gao, và nói với mẹ, bác ấm Lộc dạy rất tốt. Còn việc học lên nữa
thì phải xét có tiền không, có cần không. Mẹ bàn với cha. Cha tôi bảo để kiểm tra
đã. Và kiểm tra nghiêm ngặt, bằng khá nhiều cách. Nhất là kiểm tra học lực chữ Nho
của tôi. Cha tôi khá vui, nhưng bảo mẹ tôi, con nó mới học một nửa,. Một nửa cần
phải học thêm. Ta phải dạy cho con. Đó là học làm đất: đất vườn, đất nương, đất
ruộng. Đất nào nhà mình cũng có, rất ít, nhưng dạy con biết cuốc, biết cày, biết
trồng, biết trỉa, đổ mồ hôi xuống đất thì đất cho cái ăn, khỏi bị khinh vì đói rách, xin
xỏ, nợ nần. Mất 3 năm tròn, cha mẹ tôi mới hể hả.
2/1
Tổng hội Phật học miền Trung thành lập tại Huế năm 2476, (1932), sau đó các
tỉnh hội thành lập khá nhanh. Quảng bình là một. Tổng hội cử giảng sư ra giảng Phật
pháp cũng khá liên tiếp. Mẹ tôi một hôm đi chợ về, ngay trên cầu Đá, gặp 2 vị giảng
sư từ Phổ minh về tỉnh hội. Phong cách 2 vị gây chú ý đậm cho mẹ tôi. Về, mẹ nói
liền với cha, và anh em chúng tôi được nghe cả. Rằng nhà mình theo Phật lâu đời mà
chưa có ai như 2 thầy ấy. Phải làm sao cho có. Tôi thành mục tiêu, dầu trước đó đã
chọn làm thừa tự ông bà. Thế rồi công nguyên Phật giáo 2482 (1938), quãng 10 giờ
đêm giao thừa, tôi được thay đổi hoàn toàn: đầu cạo sạch tóc, mặc áo nhật bình màu
khói hương. Há hốc ra, nhưng tôi lại khoái chí. Một lát, Tâm, 1 bạn học Nho với tôi,
cũng lù lù đến với bộ cánh như tôi. Lần nầy thì cha tôi ra lịnh, ôn tồn thôi, “2 đứa đi
tu”! Một năm trước đây, anh Minh đã đi tu như vậy. Trời tối và lạnh, ngay sau giờ
giao thừa, tôi với Tâm, đi theo cha tôi, vào chùa Phổ minh, xóm Ải. Rồi việc gì anh
Minh đã được làm cho thì nay đến tôi và Tâm. Xong việc, bổn sư tôi, ngài Hồng
tuyên, xoa đầu 2 đứa, bảo về ăn Tết đi, rằm vào lại.
Ngài Hồng tuyên gốc Đức phổ, làng ngoại tôi. Cháu các ngài Đắc ân (Trú trì
chùa Linh mụ) và ngài Đắc quang (Tăng cang Linh mụ) nổi tiếng với cái danh “Ký
quốc ân” (Thư ký tổ đình Quốc ân). Người cao, thanh, tay quá gối, rất thông minh.
Từng là học đồ cao trọng của ngài Trà am. Tính tự trọng rất cao, cũng rất cao sự biết
người, biết ta. Tiếp nhân đãi vật rất có phong thái cổ kính, lồng trong phong thái ấy
là sự tiêu sái, dễ cảm mến. Sau nầy, khi đã thử thách, bảo tôi “dạy” lại kinh luận đã
học. Ngài học rất nghiêm, ngồi thấp, bảo tôi ngồi cao. Cho đến nay, tôi chưa gặp ai
lý giải và lĩnh hội được như ngài. Thích nhất là Kim cang và Nhiếp luận. Trọng nhất
là Di giáo. Ngài đòi làm bài, và làm nghiêm túc, dĩ nhiên bằng Hoa văn. Bài thật
tuyệt. Học như vậy, suốt mùa an cư 2486 (1942) Và nói, học như vậy ăn rau lang trừ
cơm cũng được. Lại bảo tôi, ông làm thầy giỏi, nhưng tính nóng. Nhược điểm ấy rán
mà bỏ.