08/01/2011 13:49 (GMT+7)
Số lượt xem: 4066
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Môn khuyên tấn niệm Phật Đức Phật là bậc Đạo sư của ba cõi, là cha lành trong bốn loài. Người trở về tin tưởng nơi Ngài, tiêu diệt tội lỗi nhiều như số cát sông Hằng; người xưng niệm được phước vô lượng.


Phàm muốn niệm Phật phải khởi lòng tin, nếu như không tin tất chẳng được gì. Thế nên, văn kinh nói “như vầy” là để thành tựu niềm tin. Tin là bước quan trọng ban đầu để vào đạo. Trí là chỗ huyền diệu sau cùng. Sau nói “vâng làm” là trí. Do đó, kinh A di đà nói: “Nếu có người tin nên phát nguyện sinh về cõi Cực Lạc”. Đây là chỗ khuyến phát lòng tin của Phật Thích ca Mâu ni.

Kinh này còn nói: “Các ông nên tin kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghì Công Đức này”. Đây là chỗ khuyến phát lòng tin của chư Phật khắp sáu phương.

Kinh còn nói: “Thuận theo kinh này, do lòng tin mà được vào”. Đây là chỗ khuyến phát lòng tin của kinh Pháp Hoa.

Luận nói rằng: “Nếu người trồng căn lành, nghi thì hoa không nở. Người lòng tin thanh tịnh, hoa nở liền thấy Phật”. Đây là chỗ khuyến phát lòng tin trong Luận Vãng Sinh.

Vả lại, người không có lòng tin tất chẳng thành lập, ví như xe chẳng có trục ắt không thể đi. Đây là chỗ khuyến phát lòng tin của sách vở bên ngoài.

Hơn nữa, tin thì lời nói thuận lý, thuận thì thành tựu đạo thầy trò. Kinh, không luận là nghĩa lý phong phú hay ước lược, nếu chẳng có Tín không thể lưu truyền. Đó là chỗ khuyến phát lòng tin của ngài Tăng Triệu.

Hòa thượng Đại Hạnh nói: “Pháp môn niệm Phật này, chẳng luận là Tăng tục, nam nữ, sang hèn, giàu nghèo chỉ cần có đủ niềm tin”. Đây là chỗ khuyến phát lòng tin của Hòa thượng Đại Hạnh.

Hỏi: Đã nói rằng tin, vậy chưa biết tin những pháp gì?

Đáp: Tin nghĩa là theo trong kinh nói:

- Tin niệm Phật nhất định vãng sinh Tịnh độ.
- Tin niệm Phật nhất định diệt trừ mọi tội lỗi.
- Tin niệm Phật nhất định được Phật chứng minh.
- Tin niệm Phật nhất định được Phật hộ trì.
- Tin niệm Phật đến lúc mạng chung Phật sẽ tiếp dẫn.
- Tin niệm Phật, bất luận là chúng sinh nào hễ có lòng tin đều được vãng sinh.
- Tin niệm Phật vãng sinh Tịnh độ nhất định được ba mươi hai tướng hảo.
- Tin niệm Phật vãng sinh Tịnh độ được vào bậc Bất thối.
- Tin niệm Phật vãng sinh Tịnh độ nhất định được tự tại, an lạc, trang nghiêm.
- Tin niệm Phật vãng sinh Tịnh độ được vào nơi bất tử.
- Tin niệm Phật vãng sinh Tịnh độ mãi được làm bạn với chư Bồ tát.
- Tin vãng sinh Tịnh độ không còn rời Phật
- Tin vãng sinh Tịnh độ, hoa sen hóa sinh.
- Tin Phật A di đà hiện đang thuyết pháp.
- Tin vãng sinh Tịnh độ không còn rơi vào ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Vì thế nên phải niệm Phật. Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Niệm Phật một tiếng tiêu diệt tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp, lại được công đức vi diệu trong tám mươi ức kiếp”. Do đó, nên khuyên phát lòng tin.

Hòa thượng Đại Hạnh bảo người niệm Phật: “Tâm chỉ tin Phật, Phật liền biết, vì Phật được Tha tâm thông. Miệng chỉ niệm Phật, Phật liền nghe, vì Phật được Thiên nhĩ thông. Thân chỉ kính Phật, Phật liền thấy, vì Phật được Thiên nhãn thông”. Đây là chỗ khuyến phát lòng tin niệm Phật của Hòa thượng Đại Hạnh.

Lòng tin cũng như việc trồng cây trái, rễ sâu nên gió thổi không lay động. Về sau, cây sẽ đơm bông kết trái, giúp người qua cơn đói khát. Người niệm Phật cũng như thế, do tin sâu mà được đến Tây Phương thành tựu đạo Giác ngộ chân chánh, cứu giúp mọi điều nguy nan cho tất cả chúng sinh. Vì thế nếu không có lòng tin thì chẳng được gì.

Trong kinh nói: “Bồ tát Thập Trụ vừa khởi lòng tin niệm Phật, về sau dù gặp ác duyên mất thân mạng, thà chết chớ không thối thất niềm tin”.

Kinh Duy Ma nói: “Tin sâu vững chắc giống như kim cương, pháp bảo soi khắp cả giống như mưa cam lồ”.

Thế nên, người niệm Phật cần phải tin sâu.

Luận Vãng Sinh còn nói, niệm Phật có năm môn. Năm môn ấy là:

1. Môn Lễ bái: Thân nghiệp chuyên lễ Phật A di đà.

2. Môn Tán thán: Khẩu nghiệp chuyên xưng danh hiệu Phật A di đà.

3. Môn Phát nguyện: Mọi công đức của việc lễ niệm chỉ nguyện vãng sinh thế giới Cực Lạc.

4. Môn Quán tưởng: Đi, đứng, nằm, ngồi chỉ quán tưởng Phật A di đà để mau chóng được sinh về Tịnh độ.

5. Môn Hồi hướng: Mọi công đức niệm Phật, lễ Phật đều chỉ nguyện vãng sinh Tịnh độ, mong chóng thành tựu đạo Giác ngộ Vô thượng.

Đó là pháp môn niệm Phật trong Luận Vãng Sinh.
Trong kinh còn nói có bốn cách tu hành. Bốn cách ấy đó là:

1. Tu lâu dài: Nghĩa là từ khi mới phát tâm niệm Phật, cho đến lúc được vãng sinh thành Phật hoàn toàn không thối chuyển.

2. Tu thành kính: Nghĩa là thường hướng về phương Tây, chuyên quán tưởng không dời đổi.

3. Tu không gián đoạn: Nghĩa là chỉ chuyên niệm Phật, không xen lẫn những việc lành khác làm gián đoạn, cũng không bị gián đoạn bởi các phiền não tham sân và các việc ác xen lẫn.

4. Tu chuyên nhất: Nghĩa là không đem những điều lành khác xen lẫn làm cho gián đoạn. Tại sao? Vì tu tập những điều lành xen lẫn nhiều kiếp mới thành tựu, bởi do tự lực. Chỉ chuyên niệm Phật từ một ngày cho đến bảy ngày liền vãng sinh Tịnh độ, ở vào bậc Bất thối chuyển, mau chóng thành tựu đạo Giác ngộ Vô thượng. Do nương sức bản nguyện của Phật A di đà được nhanh chóng thành tựu, nên gọi là tu chuyên nhất.

Vả lại theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, người siêng năng niệm Phật sẽ được Thượng phẩm Thượng sinh. Kinh nói: “Nếu có chúng sinh nguyện sinh về cõi nước kia, phát ba thứ tâm thì được vãng sinh”.

Ba thứ tâm ấy là:
1. Tâm chí thành.
2. Tâm sâu xa.
3. Tâm phát nguyện hồi hướng.
Người đủ ba thứ tâm này tất được vãng sinh Tịnh độ.

- Sao gọi là tâm chí thành? Thân nghiệp chuyên lễ Phật A di đà, khẩu nghiệp chuyên xưng niệm Phật A di đà, ý nghiệp chuyên tin Phật A di đà, cho đến lúc vãng sinh Tịnh độ, mãi đến khi được thành Phật không sinh tâm thối chuyển, nên gọi là tâm chí thành.

- Tâm sâu xa: Tức là phát khởi lòng tin chân thật, chuyên niệm danh hiệu Phật, thệ nguyện vãng sinh Tịnh độ, lấy việc thành Phật làm kỳ hạn, hoàn toàn không nghi ngờ, nên gọi là tâm sâu xa.

- Tâm phát nguyện hồi hướng: Mọi công đức lễ Phật, niệm Phật chỉ nguyện vãng sinh Tịnh độ mau chóng thành tựu đạo Giác ngộ Vô thượng, nên gọi là tâm phát nguyện hồi hướng.

Đây là pháp Thượng phẩm Thượng sinh trong kinh Quán Vô Lượng Thọ.

Kinh Văn Thù Bát Nhã còn nói: “Không quán tướng mạo, chuyên xưng danh hiệu tu Nhất Hạnh tam muội. Nếu muốn được mau thành Phật cũng chỉ tu Nhất Hạnh tam muội này. Muốn đầy đủ Trí biết tất cả cũng nên tu Nhất Hạnh tam muội. Muốn được mau vãng sinh Tịnh độ cũng nên tu Nhất Hạnh tam muội”.

Đây là pháp niệm Phật vãng sinh trong kinh Văn Thù Bát Nhã.

Kinh A di đà lại nói: “Này Xá Lợi Phất! Nếu có người thiện nam, thiện nữ nghe nói về Phật A di đà rồi chấp trì danh hiệu. Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn. Người ấy lúc mạng chung Phật A di đà cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mặt. Người ấy lâm chung tâm không điên đảo, liền được vãng sinh về cõi nước Cực Lạc của Phật A di đà”.

Hỏi: Nếu niệm Phật một ngày được vãng sinh Tịnh độ thì cần gì đến bảy ngày?

Đáp: Một ngày, bảy ngày đều là lúc lâm chung vãng sinh Tịnh độ. Mau thì một ngày, chậm thì bảy ngày, đây là pháp vãng sinh của hàng Thượng phẩm trong kinh A di đà.

Lại theo pháp Hạ phẩm Hạ sinh trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Hoặc có chúng sinh làm việc bất thiện, tạo năm tội nghịch, mười điều ác, đủ mọi việc chẳng lành. Người tu như thế, do nghiệp ác phải đọa vào đường ác trải qua nhiều kiếp chịu khổ vô cùng. Người ngu ấy lúc sắp mạng chung, gặp thiện tri thức dạy xưng niệm danh hiệu Phật A di đà cho đến mười lần, nên tội lỗi tiêu trừ, liền được vãng sinh Tịnh độ”.

Đây là pháp Hạ phẩm Hạ sinh trong kinh Quán Vô Lượng Thọ.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ còn nói: “Cho đến một niệm liền vãng sinh Tịnh độ”. Đây đều là pháp vãng sinh của hàng Hạ phẩm.

Hỏi: Đồng là niệm Phật, nhưng tại sao mười niệm là Hạ phẩm Hạ sinh, còn một ngày bảy ngày lại được Thượng phẩm Thượng sinh?

Đáp: Một niệm đến mười niệm là vì số niệm ít nên công đức ít, do đó chỉ được Hạ phẩm Hạ sinh.

Một ngày bảy ngày vì niệm nhiều nên công đức nhiều, do đó được Thượng phẩm Thượng sinh.

Vả lại, một niệm đến mười niệm là dụ cho người phát tâm muộn, một ngày đến bảy ngày là dụ cho người phát tâm sớm. Song, một niệm đến mười niệm, một ngày đến bảy ngày, đều được vãng sinh Tịnh độ ở vào bậc Bất thối, cho đến đạt được đạo Giác ngộ Vô thượng.

Hơn nữa, niệm Phật dụ cho tiếng khóc trẻ thơ, cha mẹ nghe liền mau đến cứu giúp, đói thì cho ăn, lạnh thì cho mặc, nóng thì cho mát. Đó là năng lực của cha mẹ, trẻ thơ không thể làm được. Người niệm Phật cũng như thế, chỉ biết niệm Phật. Đức Phật là bậc đại từ bi, nghe tiếng liền cứu giúp, bao nhiêu nghiệp chướng tội lỗi Phật đều diệt hết, bao nhiêu bệnh tật Phật đều chữa lành, bao nhiêu chướng ngại Phật đều trừ sạch, giống như cha mẹ nuôi con không khác. Cho nên kinh Pháp Hoa nói: “ Tất cả chúng sinh đều là con của ta. Ta là cha. Các con ta nhiều kiếp bị mọi thứ khổ đau thiêu đốt, ta đều cứu giúp khiến chúng ra khỏi ba cõi”.

Vì vậy người tu hành phải siêng năngniệm Phật. Kinh Duy Ma nói: “Muốn trừ phiền não, nên tu chánh niệm”.

Môn tự lực, tha lực

Hỏi: Nói về các pháp môn thì có vô lượng. Pháp nào là tự lực, pháp nào là tha lực?

Đáp: Như Lai tuy nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhưng chỉ có một môn niệm Phật là tha lực, các môn tu hành khác đều là tự lực?

Hỏi: Tu hành tự lực, y theo lời dạy trong kinh Phật bao giờ thành tựu? Tu hành nương tha lực đến bao giờ mới thành tựu?

Đáp: Tu hành tự lực theo lời dạy trong kinh Phật, từ khi mới phát tâm trải qua một Đại A tăng kỳ kiếp mới đến Sơ địa. Lại tu hành trải qua Đại A tăng kỳ kiếp nữa mới đến bậc Bồ tát Bát Địa. Đây đều là tự lực.

Tha lực là theo pháp môn niệm Phật, mau thì một ngày, chậm thì bảy ngày, niệm Phật A di đà vãng sinh Tịnh độ, tức là Bồ tát Bát Địa. Tại sao? Vì nương sức mạnh bản nguyện của Phật A di đà.

Trong kinh A di đà nói: “Chúng sinh được sinh về đều là bậc Bất thối chuyển”. Đã là bậc Bất thối chuyển tức là Bồ tát Bát Địa.

Hỏi: Tự lực và tha lực ý nghĩa như thế nào?

Đáp: Tự lực giống như đứa bé mới ba tuổi, nhà cách kinh thành xa ngàn dặm mà bảo đứa bé ấy tự đến kinh thành cầu quan chức. Như thế làm sao đến được! Tại sao? Vì còn trẻ nhỏ. Sự tu hành của các môn khác cũng như thế, cần phải nhiều kiếp tu tập mới thành tựu. Giống như đứa bé dùng tự lực đi đến kinh thành thì không thể đến được, bởi vì tự lực.

Nói về tha lực, giống như đứa trẻ tuy nhỏ, nhưng nương vào sức lực cha mẹ và voi, ngựa, xe cộ, không bao lâu đến kinh thành, bèn được quan chức. Tại sao? Vì do tha lực. Tu hành niệm Phật cũng như thế, lúc sắp mạng chung nương nguyện lực của Phật A di đà, chỉ trong khoảnh khắc vãng sinh Tây Phương, được vào bậc Bất thối. Giống như cha mẹ đem voi, ngựa, xe cộ chở trẻ con, không bao lâu đến kinh thành tìm được quan chức.

Vả lại, tự lực giống như người nghèo, dùng sức tuy nhiều mà được tiền rất ít. Các môn tu hành khác cũng như thế, dùng sức rất nhiều nhưng công đức rất ít. Giống như đi làm thuê cho nhà nghèo không khác.

Tha lực giống như làm thuê cho vương gia, dùng sức rất ít được tiền vô số. Tại sao? Vì nương vào sức mạnh của vương gia. Niệm Phật cũng như thế, vì nương nơi nguyện lực của Phật, dụng công rất ít, công đức vô biên. Một ngày cho đến bảy ngày chuyên tâm niệm Phật, mau được vãng sinh Tịnh độ, sớm chứng đắc đạo Giác ngộ Vô thượng, giống như đi làm thuê cho vương gia không khác.

Hơn nữa, tha lực giống như con kiến bám trên cánh đại bàng, đại bàng liền đem kiến để trên núi Tu Di. Kiến được lên cao, thọ hưởng những điều thích thú. Phàm phu niệm Phật cũng như thế, nương vào nguyện lực của Phật mau được sinh sinh về Tây Phương, thọ hưởng sự vui thích, giống như con kiến nương sức mạnh của đại bàng mà được lên núi. Đây là tha lực.

Các môn tu hành khác giống như con kiến dùng tự lực bò lên núi, chẳng thể tới được. Đây là tự lực.

Tự lực giống như tôm tép, tha lực giống như rồng. Có những tôm tép ngậm vào vảy rồng, rồng mang tôm tép mau chóng vào biển cả. Do chúng sinh niệm Phật nên đem chúng sinh mau chóng đến Tây Phương.

Vả lại, tự lực cũng giống như kẻ phàm phu bị què không thể đi mau. Tha lực giống như Chuyển Luân Vương bay trên hư không, qua lại khắp tứ thiên hạ, vì nương vào sức mạnh của bánh xe báu. Nương vào nguyện lực của Phật cũng như thế, trong một khoảnh khắc liền được vãng sinh Tây Phương vào bậc Bất thối.

Các môn tu hành khác giống như đi bộ trên đất bằng; tu hành niệm Phật giống như ngồi trên thuyền lướt trên sông nước, đi nhanh vượt xa không chướng ngại. Niệm Phật vãng sinh cũng như thế, dụng công rất ít mà sớm chứng ngộ Bồ đề.

Pháp môn niệm Phật do nương vào sức mạnh bản nguyện của Phật A di đà nên mau chóng thành Phật, vượt qua các môn khác gấp trăm ngàn vạn lần.

Môn niệm Phật được lợi ích

Hỏi: Niệm Phật A di đà vãng sinh Tịnh độ thù thắng, nói chung được bao nhiệu lợi ích?

Đáp: Y theo Xà Lê Thiện Đạo Tập, pháp niệm Phật gồm có hai mươi ba điều lợi ích. Hai mươi ba điều ấy là:

1. Diệt trừ tội chướng sâu nặng.
2. Ánh sáng nhiếp thọ.
3. Phật A di đà hộ niệm.
4. Bồ tát thầm gia bị.
5. Chư Phật bảo hộ.
6. Bát bộ phòng vệ.
7. Báu vật công đức tích tụ.
8. Đa văn trí tuệ.
9. Không thối chuyển nơi Bồ đề.
10. Thấy Phật A di đà.
11. Cảm Thánh chúng đến tiếp rước.
12. Từ quang chiếu rọi.
13. Bạn lành Thánh chúng đồng khen ngợi.
14. Bạn lành Thánh chúng đồng tiếp rước.
15. Thần thông bay trên hư không.
16. Sắc thân thù thắng.
17. Mạng sống lâu dài.
18. Được sinh nơi thù thắng.
19. Tận mặt gặp Thánh chúng.
20. Thường nghe diệu pháp.
21. Chứng ngộ Vô sinh Pháp nhẫn.
22. Trải qua phụng sự chư Phật ở các phương và được Phật thọ ký.
23. Trở về cõi nước mình được Đà la ni.

Đây là sự lợi ích trong Niệm Phật Tập của Xà Lê Thiện Đạo ở Tây Kinh.

Lại theo Hòa thượng Đại Hạnh thì niệm Phật có mười điều lợi ích:

1. Được oai lực Phật gia bị.

2. Dễ thực hành.

3. Công đức rất nhiều.

4. Mình và người rất hoan hỷ.

5. Mau được thấy Phật.

6. Nhất định được vào bậc Bất Thối.

7. Nhất định sinh về Cực Lạc.

8. Không xa rời Phật.

9. Mạng sống lâu dài.

10. Không khác với bậc Thánh.

Lại y theo các kinh, niệm Phật vãng sinh có ba mươi điều lợi ích:

1. Diệt trừ các tội lỗi.

2. Công đức vô biên.

3. Được sự thù thắng trong pháp của chư Phật.

4. Chư Phật đồng thanh chứng minh.

5. Chư Phật đồng hộ niệm.

6. Chư Phật trong mười phương đồng khuyên tin niệm.

7. Bao nhiêu bệnh tật do niệm Phật đều được lành

8. Lúc sắp lâm chung tâm không điên đảo.

9. Một pháp niệm Phật thâu nhiếp nhiều pháp.

10. Lúc sắp mạng chung Phật đến tiếp dẫn.

11. Dùng công phu ít mà mau được vãng sinh Tịnh độ.

12. Hóa sinh trong đài hoa.

13. Thân sắc vàng rực.

14. Mạng sống lâu dài.

15. Sống mãi không chết.

16. Thân có ánh sáng.

17. Đủ ba mươi hai tướng.

18. Được sáu thần thông.

19. Được Vô sinh Pháp nhẫn.

20. Thường thấy chư Phật.

21. Làm bạn với chư Bồ tát.

22. Hương hoa, âm nhạc, sáu thời cúng dường.

23. Y phục, thức ăn tự nhiên đầy đủ, nhiều kiếp không cùng tận.

24. Tự nhiên tiến thẳng đến Giác ngộ.

25. Thường được trẻ mãi không già.

26. Thường được mạnh khỏe, không bệnh.

27. Không còn bị đọa vào ba đường đen tối.

28. Thọ sinh tự tại.

29. Ngày đêm sáu thời thường nghe diệu pháp.

30. Trụ nơi bậc Bất thối.

Đây là y theo các kinh, niệm Phật vãng sinh Tịnh độ gồm có ba mươi điều lợi ích.

Lại theo văn trong kinh Niết bàn, có năm trăm kẻ cướp ở rừng núi bị vua Ba Tư Nặc bắt được, sau đó móc hai mắt, chặt chân tay, bỏ chúng xuống hầm. Trong bọn cướp có một người đã từng ở bên đức Phật, nghe nói về việc niệm Phật cứu sự khổ nạn cho người, bèn truyền dạy cho nhau đồng lòng niệm Phật. Khi ấy, bọn cướp cùng phát nguyện, xưng danh hiệu Phật ba lần. Lúc đó, đôi mắt chúng được bình phục, tay chân như cũ. Thế nên biết, sự lợi ích của niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn.

Trong kinh này còn nói, trong nước Thiên Trúc có một Phật tử kính tin Tam bảo, thường ưa cúng dường chúng Tăng. Trong chúng Tăng có một Tỳ kheo bị bệnh nặng, lương y chẩn đoán phải dùng thịt người nấu canh uống vào bệnh mới lành. Bấy giờ, Phật tử nữ vì kính tin Tam bảo bèn cắt thịt trên người để cúng dường vị Tỳ kheo. Tỳ kheo ấy ăn rồi bệnh liền giảm. Vết thương trên người của Phật tử nữ kia đau đớn không thể chịu nổi, cô liền niệm Phật nên khổ đau đều hết, vết thương bình phục như cũ. Do đó mà biết sự lợi ích của việc niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn.

Lại theo kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: “Chẳng những vết thương bình phục mà tất cả bệnh hoạn đau khổ đều được tiêu trừ do chuyên tâm niệm Phật”.

Nên kinh ấy nói: “Nếu gặp người sắp chết, bệnh nặng đau khổ bức bách, không thể trị liệu vẫn không bỏ Niệm Phật tam muội thì tất cả bệnh khổ đều được tiêu trừ”.

Vì thế lúc Xà Lê Thiện Đạo và Hòa thượng Đại Hạnh còn sống, có mấy người bệnh tật do niệm Phật đều được lành.

Ngoài ra, các bệnh khác do niệm Phật được lành có vô lượng vô biên, không thể kể hết. Không chỉ niệm Phật bệnh được khỏi, gần đây nơi này còn có người niệm Phật trước sau cảm được mấy hạt Xá lợi, do vậy họ thường luôn cúng dường. Nên biết lợi ích của việc niệm Phật thật khó nghĩ bàn!

Môn đã được vãng sinh

Hỏi: Theo kinh A di đà nói: “Đã vãng sinh, đang vãng sinh, sẽ vãng sinh”, trước nay tuy khuyên niệm Phật A di đà, nhưng chưa biết hiện nay vãng sinh số lượng bao nhiêu, có người được vãng sinh rồi chăng?

Đáp: Theo kinh Tịnh độ nói, thế giới Ta bà có sáu mươi bảy ức Bồ tát Bất thối chuyển niệm Phật A di đà được vãng sinh. Ở cõi nước phương khác cũng như thế, người được vãng sinh vô lượng vô biên.

Lại theo kinh Hoa Nghiêm nói, Tỳ kheo Đức Vân niệm Phật vãng sinh Cực Lạc. Còn theo kinh A di đà thì A nan, Xá Lợi Phất… nghe Phật nói đều hoan hỷ tin nhận, liền được vãng sinh.

Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, bà Vi Đề Hy và năm trăm thị nữ niệm Phật A di đà vãng sinh Tịnh độ. Tất cả những người này đều chẳng phải Bồ tát, Thanh văn mà vẫn vãng sinh.

Vả lại gần đây ở Bắc Đô, có Thiền sư Đạo Xước, Luật Sư Xà Lê Thiện Đạo ở Tây Kinh, Pháp sư Hoài Cảm, Hòa thượng Đại Hạnh, Pháp hội chư Tăng hơn mấy trăm vị niệm Phật A di đà vãng sinh Tịnh độ.

Không chỉ có các vị Tăng vãng sinh, ở Đông Kinh, Tây Kinh và những nơi khác còn có những vị Ni sư được vãng sinh Tịnh độ.

Chẳng những các Ni sư được vãng sinh,ở Tây Kinh, Đông Đô và các nơi khác còn có các vị Cư sĩ, người hiền và Phật tử nữ… niệm Phật A di đà, lúc sắp lâm chung được cảnh giới lành vãng sinh Tịnh độ.

Các phẩm loại như thế, không thể nói đầy đủ trong truyện vãng sinh. Đây tức là có người đã được vãng sinh. Pháp môn niệm Phật là giáo pháp mà phàm phu, Nhị thừa và chư Bồ tát cùng thực hành.

Môn so sánh công đức

Hỏi: Theo trong kinh A di đà, không thể dùng chút nhân duyên phước đức, căn lành mà được vãng sinh cõi kia. Chưa biết sao gọi là ít căn lành, sao gọi là nhiều căn lành?

Đáp: Tám vạn bốn ngàn pháp môn của Như Lai, nếu so sánh với pháp môn niệm Phật thì những việc lành xen tạp khác đều là ít căn lành, chỉ có một môn niệm Phật là nhiều căn lành, nhiều phước đức.

Vì sao biết được?

Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, người Hạ phẩm Hạ sinh, thành tựu mười niệm liền vãng sinh Tịnh độ; niệm Phật một tiếng nhất định được diệt trừ tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp.

Một niệm đã có thể diệt tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp, ắt biết rõ rằng lại được công đức vi diệu trong tám mươi ức kiếp. Do đó nên biết, một pháp niệm Phật tức là nhiều căn lành.

Vả lại, những điều lành xen tạp khác là tự lực, người tu hành phải nhiều kiếp mới thành tựu. Tu hành niệm Phật vì nương nơi sức mạnh bản nguyện của Phật A di đà nên mau thì một ngày, chậm thì bảy ngày, liền sinh Tịnh độ trụ nơi bậc Bất thối chuyển, do đó trong kinh A di đà nói: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe nói về Phật A di đà liền chấp trì danh hiệu. Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn. Người ấy lúc lâm chung, Phật A di đà và chư Thánh chúng hiện ra trước mắt. Người ấy lâm chung tâm không điên đảo, được vãng sinh cõi Cực Lạc của Phật A di đà”.

Vì thế nên biết, một pháp môn niệm Phật là nhiều căn lành, nhiều phước đức.

Hỏi: Niệm Phật một tiếng có thể diệt tội của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp, chẳng biết một kiếp là bao lâu?

Đáp: Một kiếp không thể đếm được. Theo trong giáo lý, lấy một tảng đá cao rộng bốn mươi dặm, trên cõi trời Đao lợi có thiên y rất mỏng và nhẹ, ba năm phất qua tảng đá ấy một lần, phất cho đến khi tảng đá thành vi trần, mới là một đại kiếp.

Có một người tạo nhiều tội nghiệp, hoặc sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời ác, tham sân, tà kiến, tạo năm tội nghịch, bất hiếu, phỉ báng Đại thừa, tạo tất cả nghiệp ác. Nếu người này niệm Phật, tội trong sinh tử thảy đều tiêu diệt, lại được công đức vi diệu trong tám mươi ức kiếp. Thế nên biết, một pháp môn niệm Phật này là nhiều căn lành, nhiều phước đức.

Lại tính về số kiếp, mười ngàn kiếp mới thành một vạn kiếp, mười vạn kiếp mới thành một ức kiếp. Từ mười ức kiếp đến tám mươi ức kiếp thời gian ấy thật lâu dài vô kể.

Nay chỉ niệm một tiếng Phật còn được công đức nhiều như thế, huống gì có người một ngày niệm mười vạn câu A di đà Phật, hoặc có người một ngày niệm hai mươi vạn câu, công đức ấy thật không sao kể xiết.

Theo kinh A di đà, một ngày hoặc bảy ngày niệm Phật công đức vô lượng vô biên. Do nhiều công đức nên vãng sinh Tịnh độ, vãng sinh Tịnh độ tức là Bồ tát Bát Địa trở lên. Cho nên trong kinh A di đà, chư Phật trong mười phương cùng nhau khen ngợi là không thể nghĩ bàn.

Những việc lành xen tạp khác suy xét được giới hạn, tính toán được số lượng nên gọi ít căn lành, đó là có thể nghĩ bàn.

Niệm Phật công đức rộng lớn vô biên, tâm chẳng thể suy xét, miệng chẳng thể luận bàn. Thế nên, kinh nói chẳng thể nghĩ bàn.

Do đó biết rằng, một pháp môn niệm Phật là nhiều căn lành, những căn lành khác chẳng thể sánh kịp.

Vả lại, so sánh về công đức niệm Phật được phân làm ba bậc:

- Một là so sánh một niệm.

- Hai là so sánh mười niệm.

- Ba là so sánh một ngày đến bảy ngày.

Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ: “Niệm Phật một tiếng diệt trừ tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp, lại được công đức vi diệu trong tám mươi ức kiếp”.

Chỉ công đức một kiếp còn chẳng thể nghĩ bàn, huống gì là một trăm kiếp. Công đức ở trong một trăm kiếp còn chẳng thể nghĩ bàn, huống gì là một ngàn kiếp. Công đức trong một ngàn kiếp còn chẳng thể nghĩ bàn, huống gì là vạn kiếp. Công đức trong vạn kiếp chẳng thể nghĩ bàn, huống gì là một ức kiếp, cho đến công đức trong tám mươi kiếp. Do không thể biết được số lượng nên gọi là công đức không thể nghĩ bàn. Cho nên trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rằng: “Người tạo năm tội nghịch, phỉ báng các kinh điển Đại thừa, lúc sắp mạng chung niệm mười câu A di đà Phật liền vãng sinh Tịnh độ”. Đây là pháp Hạ phẩm Hạ sinh. Công đức trong một niệm còn vô lượng, huống gì hai niệm cho đến mười niệm.

Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, người phỉ báng kinh điển Đại thừa, dùng vật của thường trụ, phá nhiều giới cấm, tạo đủ các nghiệp ác, nhưng lúc lâm chung nếu xưng niệm một câu A di đà Phật thì được công đức, bao nhiêu tội ngiệp đã tạo thảy đều tiêu diệt hết, liền vãng sinh Tịnh độ. Thế nên, kinh nói: “Ở trong một niệm diệt trừ tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp”. Đây là pháp Hạ phẩm Trung sinh.

Hỏi: Tội lỗi nghiệp chướng đã quá nhiều, tại sao niệm mười tiếng có thể trừ diệt tội lỗi trong nhiều kiếp?

Đáp: Niệm Phật mười tiếng nhất định có thể diệt trừ tội lỗi trong nhiều kiếp. Do đâu biết được điều này? Xin nêu thí dụ để giải thích:

Ví như có người chất chứa củi cả ngàn ngày, nhưng nổi lửa đốt không hơn nửa ngày cháy hết. Tội nghiệp phiền não cũng như củi, công đức niệm Phật cũng như lửa mạnh. Tội lỗi nghiệp chướng từ vô lượng kiếp đến nay, do công đức của mười câu niệm Phật thảy đều được tiêu diệt.

Vả lại, tội lỗi nghiệp chướng cũng như căn nhà tối ngàn năm, đèn sáng vừa soi, tối tăm xóa sạch. Công đức của sự niệm Phật cũng như thế. Tội lỗi nghiệp chướng từ vô lượng kiếp đến nay, do công đức niệm Phật A di đà tất cả thảy đều tiêu diệt. Vì thế nên biết, niệm Phật nhất định hay diệt trừ tội lỗi trong nhiều kiếp. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: “Vì ông xưng danh hiệu Phật nên các tội lỗi đều tiêu diệt. Ta đến tiếp dẫn ông”.

Hơn nữa, công đức của mười câu niệm Phật còn vô biên, huống gì có người một ngày niệm được mười vạn câu A di đà Phật, một ngày niệm được hai mươi vạn câu A di đà Phật.

Công đức niệm Phật trong một ngày còn vô biên, huống gì công đức niệm Phật từ hai ngày đến bảy ngày.

Theo kinh A di đà, người sắp mạng chung, mau thì một ngày, chậm thì bảy ngày niệm Phật liền vãng sinh Tịnh độ. Còn nói: “Những chúng sinh được sinh về Tịnh độ đều là bậc Bất thối chuyển”, tức là Bồ tát BátĐịa. Đây là pháp Thượng phẩm Thượng sinh.

Do đâu biết được điều ấy?

Ví như các loại cửa của thế gian, người nhiều tiền của làm cửa loại tốt, người nghèo khó làm cửa loại xấu.

Người niệm Phật rất nhiều nên nhiều công đức, sinh về Tịnh độ vào hàng Thượng Thượng phẩm. Người niệm Phật rất ít vào hàng Hạ Hạ phẩm.

Như Lai tuy nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, chỉ một môn niệm Phật là pháp tối thượng. Như Lai tuy nói các công đức lành, chỉ có một pháp niệm Phật là nhiều căn lành, nhiều phước đức. Các pháp môn khác thật chẳng thể sánh bằng pháp môn niệm Phật.

Thế nên biết, một môn niệm Phật là nhiều căn lành, nhiều phước đức. Hơn nữa, pháp niệm Phật theo các kinh nói rất khó gặp. Do đâu biết được điều đó?

Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Thời quá khứ có một quốc vương, phát khởi lòng tin định thực hành pháp niệm Phật. Nhà vua bèn đến chỗ thiện tri thức mong cầu pháp niệm Phật. Bấy giờ, thiện tri thức bảo Đại vương rằng:

- Lý tột cùng của pháp niệm Phật này rất khó nghe được. Đại vương là bậc tôn quí đâu thể học được.

Nhà vua thưa với Đại sư:

- Nếu người có thể vì ta nói về pháp cốt yếu của niệm Phật, ta sẽ trọn đời làm người cung cấp, hầu hạ.

Bấy giờ thiện tri thức bảo nhà vua rằng:

- Nếu vua muốn tu về pháp cốt yếu của niệm Phật nên bỏ ngôi vị, đến đây làm người cung cấp. Trải qua thời gian lâu dài không thối lui, tôi sẽ nói về pháp cốt yếu của niệm Phật cho Ngài.

Bấy giờ nhà vua bèn bỏ ngôi vị, đi theo vị thiện tri thức cung cấp những điều cần thiết. Khi đó, nhân dân sống lâu vô lượng. Trải qua tám ngàn năm, nhà vua chịu cực khổ, chẳng ngại mọi nhọc nhằn, không sinh tâm lui sụt. Trong thời gian ấy, nhà vua hai lần được nghe nói về Niệm Phật tam muội. Đời sau, nhà vua được gặp hai vạn tám ngàn chư Phật đồng vì ông nói về Niệm Phật tam muội”.

Nhà vua ấy, khi nghe pháp niệm Phật nên được thành Phật. Huống gì chúng ta hiện nay được nghe mà còn chí thành tin niệm, lẽ nào lại không được vãng sinh thế giới Cực Lạc ư?

Muôn ức chúng sinh trầm luân trong đường ác không được thành Phật, chỉ vì không gặp được pháp môn niệm Phật này. Thế nên biết, pháp niệm Phật thật rất khó gặp!

Môn so sánh Phước trì trai

Hỏi: Trong pháp môn niệm Phật, lại thêm trì trai được không?

Đáp: Pháp niệm Phật cũng cần phải trì trai. Hòa thượng Đại Hạnh trì trai ngày ăn một lần, trải qua thời gian lâu dài không khuyết phạm.

Hỏi: Trì trai được bao nhiêu công đức?

Đáp: Kinh Đại Vân Mật Tạng, Kinh Trai Pháp Thanh Tịnh, Kinh Giảo Lượng Trai Phước Lợi, nói trai có năm thời:

1. Người trì trai giờ Dần (3g – 5g sáng) được dư thừa lương thực trong tám vạn bốn ngàn ức năm.

2. Người trì trai giờ Mẹo (5g – 7g) được dư thừa lương thực trong tám vạn ức năm.

3. Người trì trai giờ Thìn (7g – 9g) được dư thừa lương thực trong sáu vạn ức năm.

4. Người trì trai giờ Tỵ (9g – 11g) được dư thừa lương thực trong bốn vạn ức năm.

5. Người trì trai giờ Ngọ (11g – 1g) được dư thừa lương thực trong năm trăm ngày.

Sau giờ Ngọ không thể thành trai, lại còn mắc tội chớ không có một phần công đức.

Nói dư thừa lương thực nghĩa là lương thực dùng mãi không hết. Đời nay đầy đủ y phục và thức ăn, đều do thuở quá khứ trì trai mà có được. Cho nên Hòa thượng Đại Hạnh nói người niệm Phật cần phải trì trai.

Vả lại, ví như được lương thực trong một ngày còn chẳng thể nghĩ bàn, huống gì được lương thực trong mười năm; được lương thực trong mười năm còn chẳng thể nghĩ bàn, huống gì được lương thực trong trăm năm, cho đến được lương thực trong ngàn ức, vạn ức, tám vạn ức năm.

Theo kinh đã nói, nên biết công đức của trì trai chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế người niệm Phật cần phải trì trai.

Môn nghi ngờ, phỉ báng mắc tội

Hỏi: Khen ngợi niệm Phật được công đức gì, chê bai niệm Phật bị tội gì?

Đáp: Theo Tạp Tập kinh nói: “Một lần chê bai người niệm Phật, đọa vào địa ngục Nê Lê ngàn kiếp. Môt lần khen ngợi người niệm Phật, diệt trừ nghiệp ác cực trọng trong một trăm kiếp”.

Hòa thượng Đại Hạnh nói: “Người không chí tâm niệm Phật, lại chê bai Phật tức là chê bai Pháp, vào thẳng trong A Tỳ chịu mọi đau khổ không có ngày ra”.

Hỏi: Địa ngục A Tỳ được xây dựng như thế nào?

Đáp: Theo kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Địa ngục A Tỳ chiều dài tám ngàn do tuần, bảy lớp thành sắt, bảy tầng lưới sắt, có bảy cây phướng sắc, tám vạn bốn ngàn rừng kiếm, tám vạn bốn ngàn chảo nước sôi, chó bằng đồng, rắn bằng sắt, chim bằng sắt, đầy ở trong địa ngục. Một người vào ngục cũng đều đầy khắp, nhiều người vào ngục cũng không chật”.

Một khi đọa vào ngục này phải chịu khổ lâu dài không có ngày ra, không có gián đoạn. Trải qua tám Đại kiếp mới được ra, sau đó lại rơi vào loài súc sinh.

Do chê bai pháp niệm Phật nên đọa vào địa ngục, chịu khổ không gián đoạn. Nếu không hồi tâm niệm Phật, những tội lỗi vô gián không sao thoát được. Nếu có thể chí thành niệm Phật, những tội lỗi vô gián thảy đều tiêu diệt.

Lại theo kinh Pháp Hoa nói, nếu thấy có người đọc tụng, biên chép, thọ trì kinh này mà khinh khi tật đố, ôm lòng kết hận, sẽ đọa vào địa ngục Vô gián, huống gì người chê bai niệm Phật. Người này tội nặng so với người chê bai đọc tụng, biên chép kinh gấp trăm ngàn vạn lần.

Cho nên Hòa thượng Đại Hạnh có thể nhẫn chịu những việc trái nghịch, bị đánh mắng chẳng đáp trả vì sợ chuốc lấy tội lỗi. Vì thế kinh Di Giáo nói: “Kẻ giặc cướp công đức không gì hơn nóng giận. Nóng giận còn hơn lửa dữ, do đó các Tỳ kheo nên thường phòng hộ không để cho nó xâm nhập. Lửa dữ hay thiêu đốt các vật quý báu ở thế gian. Lửa dữ của tâm nóng giận hay thiêu đốt bảy tài sản của bậc Thánh”. Vì vậy, người niệm Phật cần phải nhẫn nhục.

Kinh Hoa Nghiêm còn nói: “Khởi một tâm sân, phát sinh trăm vạn điều chướng ngại”.

Lại theo kinh Quán Vô Lượng Thọ bảo rằng: “Khen ngợi việc tốt của người tự được công đức, do trách mắng điều xấu của người khác nên tự mắc tội báo”.

Do đâu biết được điều đó?

Kinh Báo Ân nói: “Sa di Quân Đề vì mắng vị Thượng tọa âm thanh giống như tiếng chó sủa. Do một lời nói ác, Sa di Quân Đề trong năm trăm đời thường làm thân chó”.

Thế nên biết, mắng chửi người khác, tự mình lại mắc tội.

Trong kinh Tạp A hàm còn nói: “Có một người khen ngợi người làm việc lành thắng diệu, nên trong năm trăm đời thường được dung mạo đoan chánh tươi đẹp. Hơi miệng thường phát ra mùi thơm, thân thể thanh khiết như mùi hoa Ưu Bát La, ngược gió bốn mươi dặm vẫn ngửi được mùi hương”.

Do đó nên biết, khen ngợi người khác được quả báo tốt, người niệm Phật nên tu tán thán việc lành.

Theo kinh Pháp Hoa nói: “Chẳng nói việc tốt xấu hay dở của người khác”. Vì vậy, chỉ chuyên niệm Phật, mau chóng vãng sinh Tịnh độ, cuối cùng nhất định chẳng chìm đắm trong luân hồi.

Trích: Niệm Phật Cảnh
Đại Sư Thiện Đạo và Đạo Cảnh
Việt dịch: Thích Minh Thành

 

Âm lịch

Ảnh đẹp