22/12/2010 11:28 (GMT+7)
Số lượt xem: 5112
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tượng A Di Đà và Tịnh độ tông thời Lý Tượng Phật có niên đại sớm nhất hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ là những pho tượng bằng đá thời Lý. Trong số 7 pho tượng đã xác định được niên đại thời Lý, thì có 5 pho tượng A Di Đà và 2 pho tượng Kim Cương.

 Được nhắc tới nhiều nhất là pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh), niên đại 1057 vì đây là pho tượng lớn nhất, nguyên vẹn nhất. Còn lại các pho tượng khác đều đã mất đầu hoặc vỡ đài sen, đó là tượng A Di Đà trong các ngôi chùa: chùa Một Mái (trên núi Sài Sơn,còn gọi là núi Chùa Thầy); chùa Huỳnh Cung; chùa La Khê (Hà Nội); chùa Ngô Xá (Nam Định). Ngoài ra, tượng Phật thời Lý còn có pho Kim Cương ở chùa Phật Tích (hiện bảo tồn ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia) và pho Kim Cương ở chùa Long Đọi (Hà Nam). Được biết, Kim Cương là những "thần tướng" được bài trí xung quanh để làm nhiệm vụ "cảnh vệ" cho A Di Đà. Từ những di vật vô giá còn lại này, đủ để cho thấy vào thời Lý, Tịnh độ tông vô cùng phát triển vào thời bấy giờ.

adidaphat-3.gif

Tượng Phật A Di Đà đời Lê, chùa Hoa Dương, Vĩnh Phúc

Ths.Đinh Viết Lực (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, trên bệ tượng A Di Đà ở chùa Một Mái có khắc dòng chữ Hán, dịch là: "Luật sư ở núi Thạch Thất, pháp hiệu Trì Bát nhân tưởng niệm Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực lạc, nên đã phổ khuyến đạo tục dựng một đạo tràng lớn. Muốn tạo dựng mà chưa thể được, mãi đến năm Hội Phong thứ tám (1099), ông mới làm được tượng A Di Đà ở đây". Sư Trì Bát vốn là một nhà sư thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Những dòng chữ trên pho tượng ở chùa Một Mái cho thấy pháp môn Tịnh độ có mặt cả trong thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Sách Thiền uyển tập anh có đoạn chép: "Sư Tĩnh Lực (1112-1175) thuộc thế hệ thứ 10 của dòng Vô Ngôn Thông đã chủ trương niệm Phật cả tâm lẫn miệng, phối hợp giữa thiền với tịnh (Thiền tịnh song tu)". Như vậy, thiền phái Vô Ngôn Thông cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của pháp môn Tịnh độ. Theo sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, văn bia chùa Viên Quang ở Xuân Trường, Nam Định dựng năm 1112, trên khắc bài văn của Thiền sư Giác Hải, có đoạn: "Đặt Di Đà Giáo chủ một bên là hình Trụ thế Thượng nhân". Tín ngưỡng Tịnh độ và việc thờ Phật A Di Đà cũng được nhắc đến ở văn bia của tháp Sùng Thiện Diên Linh (Chùa Long Đọi - Hà Nam), cho biết rằng: tượng A Di Đà được đặt trong Hội đèn Quảng Chiếu trước cửa Đoan Môn để cầu cho Hoàng hậu Linh Nhâm được "siêu linh tịnh độ". Tín ngưỡng thờ Quán Thế Âm, vị Bồ tát thị vệ của Đức Phật Di Đà dẫn dắt chúng sinh về cõi Tây phương Cực lạc cũng rất thịnh hành vào thời Lý. Dân gian thường tin tưởng vào pháp lực vô biên của Quán Thế Âm, người có khả năng nghe thấu những tiếng kêu than của chúng sinh mà kịp thời đến cứu vớt. Bởi vậy, dân gian thường niệm "Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát" để mong ứng nghiệm tức thì. Điển hình là việc xây dựng chùa Diên Hựu vào năm 1049 đã minh chứng cho tính chất hòa nhập của pháp môn Tịnh độ này với các thiền phái thời bấy giờ.

Tượng cổ A Di Đà ở các ngôi chùa Bắc Bộ

Trong các ngôi chùa cổ ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tượng Phật A Di Đà thường thuộc loại tượng có kích thước lớn nhất so với các pho tượng Phật khác bài trí trên Tam bảo. Thông thường, bộ tượng Tam thế Phật được đặt ở vị trí cao nhất của Tam bảo, phía trước là tượng A Di Đà hoặc Thích Ca tọa thiền. Tại nhiều ngôi chùa, Tượng Di Đà đứng giữa Quán Thế Âm và Đại Thế Chí để thành bộ Di Đà tam tôn tọa lạc phía trước bộ Tam thế. Thậm chí, một số chùa còn đặt tượng A Di Đà ở trên cả Tam Thế Phật như ở các ngôi cổ tự: chùa Thầy, chùa Bối Khê (Hà Nội), chùa Côn Sơn (Hải Dương). Điều đó chứng tỏ tượng Phật A Di Đà chiếm vị thế quan trọng trong Phật giáo Việt Nam.

didaphat-2.gif

Tượng Phật A Di Đà tại chùa Kim Liên, Hà Nội

Trong các chùa, các pho tượng Phật A Di Đà cổ xưa thường có 2 dạng thức phổ biến: tượng ngồi tọa thiền (kiết già) và tượng đứng. Tượng Phật A Di Đà đứng thấy có rất nhiều trong những ngôi chùa cổ ven sông Đáy thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây cũ, các pho tượng cổ quý giá phải kể đến tại các ngôi chùa: Chùa Che (Diên Phúc tự); chùa La Phù (Trung Hưng Tự), chùa Tây Phương (Sùng Phúc tự), chùa Cả (Đại Bi tự). Niên đại của các pho tượng này đều được chế tác vào thế kỷ XVII-XVIII. Tượng Phật A Di Đà thường có kích thước cao hơn người thật một chút, đứng trên đài sen với thế cân bằng, chân hơi mở, thế đứng vững vàng. Ngài thường mặc áo dài chạm đất, hai vạt chéo vát để lộ một phần ngực trần, tay phải chỉ thẳng xuống đất, tay trái co ngang trước bụng, bàn tay ngửa lên để lộ viên minh châu. Đầu tượng tròn, tóc xoăn, ít thấy nhục kế. Riêng tượng ở chùa Che và chùa Tây Phương có phần hơi thắt trên đỉnh đầu phía trước, gợi hình nhục kế. Mặt các pho tượng Phật A Di Đà ở đây rất đôn hậu, đầy đặn, tai dài và để trơn. Hầu hết các pho tượng A Di Đà, trên ngực đều có chữ Vạn, một số pho tượng đeo dây anh lạc như tượng ở chùa Che, chùa Tây Phương. A Di Đà thường đứng trên đài sen, dưới đài sen có bệ Bát giác với nhiều ô trang trí tinh xảo. Tượng chùa La Phù có đài sen trang trí rất đẹp, cân đối, khối của tượng rất nuột, dáng thanh thoát, tà áo buông xòe cứng cáp. Tượng ở chùa Cả không có đài sen, dáng tượng khỏe gọn, nếp áo nuột, khỏe, chắc cứng gắn với điêu khắc thế kỷ XVIII. Tượng chùa Tây Phương lại thanh cao, các nếp áo buông xuôi như suối chảy rất động, mang phong cách tượng pháp Phật thời Tây Sơn.

Các pho tượng Phật A Di Đà cổ ngồi tọa thiền thấy xuất hiện nhiều trong các ngôi chùa thời Lê Trung Hưng. Ở chùa Thầy là ngôi chùa có từ thời Lý, Trần, nhưng kiến trúc và điêu khắc còn lại phần lớn là thuộc thế kỷ XVII-XVIII. Chùa có bộ tượng Di Đà Tam tôn thuộc loại sớm nhất miền Bắc, tạc bằng gỗ rất đẹp và tinh xảo. A Di Đà được tạo hình trong tư thế ngồi kiết già, để lộ đôi bàn chân trên lòng đùi. Chiều cao tượng 175cm, được đặt trên bệ gỗ tòa sen cao 100 cm, với nhiều hình chạm khắc trang trí sắc sảo, tỉ mỉ vui mắt, tiêu biểu của tượng đầu thế kỷ XVIII. Tượng được tạc theo một khối tam giác đóng kín, hai khủy tay hơi khuỳnh ra rồi thu vào trong lòng, kết ấn Tam muội, tạo cho toàn thân đăng đối qua trục đối xứng. Đầu tượng dài 60cm, chiếm hơn 1/3 chiều cao tượng, trán nở không có nhục kháo mà chỉ có bạch ngọc hào. Khuôn mặt trái xoan rất phù hợp với thân mình thon thả, thanh thoát, nếp áo chảy nuột để tạo nhịp dọc trang trí cho toàn khối điêu khắc. Lần đầu tiên ta thấy tượng Phật đeo hoa tai hình bông sen rủ xuống, nghệ nhân chạm khắc đã kỳ công tạo nên nhiều yếu tố trang trí chi tiết để nhằm mô tả năng lượng mầu nhiệm của Đức Phật Giáo chủ ở cõi Cực lạc.

Các tượng Phật A Di Đà tọa thiền cổ ở nhiều ngôi chùa khác như chùa Tây Phương, chùa La Dương, chùa Cát Quế (Hà Tây cũ), chùa Khám Lạng (Bắc Giang), chùa Côn Sơn (Hải Dương)... cũng có tư thế tương tự như chùa Thầy, luôn kết ấn Tam muội và hầu hết đều không có nhục kháo. Ngực ở một số pho tượng này có đeo dây anh lạc như ở chùa Kim Liên (Hà Nội), chùa Khám Lạng (Bắc Giang). Có những tượng ngực nổi lên chữ Vạn như chùa La Dương, chùa Cát Quế, chùa Côn Sơn. Đôi khi vừa đeo dây anh lạc, vừa có chữ Vạn như chùa Vạn Vân ở Bắc Giang. Pho tượng A Di Đà cổ xưa bằng gỗ lớn nhất có lẽ là pho tượng ở chùa Côn Sơn, niên đại thế kỷ XVIII: cao 258cm, ngồi trên tòa sen cao 60cm, lại được kê trên bệ gỗ 6 cạnh cao 18cm.

didaphat-1.gif

Phiên bản tượng Phật A Di Đà đời Lý tôn thờ tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh

được trưng bày trong các bảo tàng quốc gia.  Phiên bản này được giới mỹ thuật đánh giá là có nhiều chi tiết sai sót với nguyên bản.

Trong các ngôi cổ tự, chúng ta cũng còn thấy một số tượng Phật A Di Đà được bài trí trong các tháp Cửu Phẩm Liên Hoa. Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa gồm 2 loại: loại bằng gỗ thì có thể quay được khi các tín đồ vừa quay vừa hành lễ; loại không quay được thì làm bằng gạch hoặc đá. Cửu Phẩm Liên Hoa là một biểu tượng được nhắc đến trong các kinh Đại Nhật Kinh Sở, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà… Đây là biểu tượng tối cao của thế giới Cực lạc, thế giới của cõi Niết bàn - nơi có Phật A Di Đà cai quản. Sự xuất hiện phổ biến thức tượng A Di Đà và hình tượng tháp Cửu Phẩm Liên Hoa trong kiến trúc, điêu khắc Việt Nam chính là sự phát triển đỉnh cao của tín ngưỡng Tịnh độ Di Đà.

Chương Phượng

Nguon: giacngo.vn

Âm lịch

Ảnh đẹp