28/08/2010 09:24 (GMT+7)
Số lượt xem: 5527
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lời người dịch: Hộ niệm là một công việc mà những người Phật tử chúng ta thường tiến hành khi có người hấp hối. Đây là một nghĩa cử rất cao đẹp và có ích lợi rất lớn. Đại sư Tai Kwong trong bài thuyết giảng tại Bệnh viện Phật giáo Hồng Kông đã có trình bày về những nguyên tắc của việc hộ niệm. Nếu mọi người biết được những nguyên tắc này thì sẽ làm cho tác dụng và lợi ích của việc hộ niệm tăng thêm nhiều. Chính vì vậy mà chúng tôi trích dịch ra đây để giới thiệu cùng quý vị.

Người bệnh thường bị hành hạ bởi sự đau đớn trước khi chết. Sự đau đớn ấy không thể diễn tả nổi. Vì thế, người bệnh cần có “sự thanh thản” trước và sau khi chết. Người ấy sẽ ra đi hết sức bình yên trong sự thanh thản. Có một số nguyên tắc cần được tuân thủ khi hộ niệm:

1 - Không di chuyển thân thể của người chết.
2 - Không được khóc than.
3 - Không nên gây ồn ào không cần thiết.
4 - Niệm Phật một cách trang nghiêm.

Trước hết là không được di chuyển thân thể của người chết. Từ khi trút hơi thở cuối cùng, người chết cần có sự thanh thản, bất kỳ sự di chuyển nào cũng làm cho thể xác người chết càng đau thêm. Trong lúc đau đớn, người chết sẽ sinh lòng căm hờn. Chính lòng căm hờn này dẫn người chết đến chỗ đọa lạc. Việc tắm rửa và thay áo quần cho người chết nên tiến hành trước lúc người ấy chết hoặc là sau khi chết khoảng 8 tiếng đồng hồ. Điều này rất là quan trọng.

Thứ hai, không được khóc than. Mọi người cho rằng, khóc cho người chết là một nghĩa cử thông thường của con người. Một khi có người chết, chúng ta khóc bên thân xác của người ấy. Điều này chỉ đem đến sự buồn phiền cho người chết mà thôi. Thay vì khóc than, chúng ta hãy ngăn những dòng nước mắt lại và niệm Phật một cách thành kính để cầu cho người ấy được sanh về cõi Cực Lạc. Như thế thì cả người sống và người chết đều sẽ cảm thấy tốt hơn. Nếu ai đó không ngăn được sự khóc than thì nên đi nơi khác và khóc cho thỏa lòng rồi quay lại, như thế thì sẽ làm dịu bớt sự dồn nén ở trong lòng.

Thứ ba là không nên gây ồn ào không cần thiết. Khi có người chết, thân quyến và bạn bè sẽ đến viếng. Trong lúc ấy sẽ có không ít vấn đề được những người đến thăm bàn tán ngay sau khi anh ta chết. Khi có quá nhiều ý kiến và có quá nhiều lời huyên thuyên không ngớt thì chỉ làm mất đi sự yên tĩnh và làm phân tâm những người hộ niệm mà thôi. Tốt hơn là nên thảo luận và sắp xếp công việc ở một phòng khác hoặc là ở bên ngoài. Hãy giữ cho căn phòng mà người chết đang nằm được yên tĩnh. Mọi người hãy niệm Phật trong sự điềm tĩnh và hãy để cho người chết chỉ nghe tiếng niệm Phật mà thôi. Được như thế thì người chết sẽ có thể nhất tâm và dòng tư tưởng thanh cao của anh ta không bị gián đoạn. Đây mới là cách trợ giúp phù hợp nhất.

Thứ tư là niệm Phật một cách trang nghiêm. Tất cả những người Phật tử hay không phải Phật tử, sau khi hiểu được lợi ích của sự hộ niệm, họ thường mời những hộ niệm viên (ở Đài Loan và Hồng Kông có thành lập những hội mà hội viên thường đến giúp đỡ và hộ niệm cho người hấp hối, như ở nước ta có các đạo tràng vậy - lời người dịch) đến để chuẩn bị cho việc hộ niệm. Cần phải quan sát sự chuyển biến của người hấp hối, khi thấy người thân của mình gần dứt hơi, vẫn còn thở, sắp tắt thở, đang trút hơi thở cuối cùng, lúc ấy hãy mời mọi người hộ niệm cho người ấy. Mọi người nên cùng nhau niệm Phật trong sự trang nghiêm để cầu cho người hấp hối được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A-di-đà.

Có ba cách niệm Phật (trong khi hộ niệm cho người hấp hối):

(i) Dùng máy với băng niệm Phật. Chỉ cần nhấn nút kích hoạt cho máy phát âm mà thôi.

(ii) Vừa dùng máy phát âm vừa có người hộ niệm niệm Phật.

(iii) Chỉ có người hộ niệm niệm Phật mà thôi, không có máy phát âm.

Có một vài điểm cần lưu tâm trong khi gia đình có người hấp hối:

(i) Số lượng người hộ niệm không nên quá nhiều.

(ii) Khi đã có đủ số người hộ niệm, họ có thể luân phiên nhau hộ niệm để họ không bị đuối sức.

(iii) Tránh sử dụng những thiết bị máy móc mà nó có thể tạo ra những âm thanh chói tai trong lúc hộ niệm. Nếu phải dùng đến thì chúng ta nên mở nhỏ và để xa người đang nằm.

(iv) Không cần thiết phải thắp hương, nhưng nếu có một bó hoa thì rất tốt.

(v) Không được làm phiền đến những người bệnh gần đấy. Hãy nhớ lấy điều này! (Đây là trường hợp đến hộ niệm trong nhà thương).

(vi) Chỉ di chuyển thân thể người chết sau 8 giờ kể từ lúc tắt thở. Điều này sẽ hơi bất tiện nếu đấy là khu vực có quá nhiều bệnh nhân. Chúng ta có thể chuyển nguyên cả cái giường mà người chết đang nằm đến phòng khâm liệm và tiếp tục hộ niệm cho đến tám tiếng đồng hồ. Sau đó chúng ta có thể chuẩn bị cho việc khâm liệm.

(vii) Nếu người chết đang trong tư thế ngồi, cứ để vậy và không cần phải phủ khăn áo gì cả. Tuy nhiên, chúng ta không được để cho thân thể người ấy bị nghiêng. Và sau 8  tiếng thì chúng ta sẽ chuyển đổi.

(vii) Không cần phải mặc áo quần tốt cho người chết, chỉ cần phủ lên thân thể của họ một tấm vải sạch là được rồi. Cuối cùng thì thể xác ấy cũng được mai táng hoặc là hỏa thiêu, cho nên việc mặc quần áo tốt cho họ cũng không có lợi ích gì. Nếu như đem những áo quần tốt đó cho người thân của mình dùng lúc đang còn sống thì tốt hơn, nó sẽ làm tăng thêm phần giá trị cho người ấy.

(ix) Sau 8 đến 12 tiếng, chúng ta vẫn tiếp tục sắp xếp cho tang lễ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tiếp tục hộ niệm.

Với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, việc hộ niệm bằng máy với băng niệm Phật có vẻ tiện lợi hơn. Tuy nhiên, nếu được người hộ niệm thì việc hộ niệm sẽ tốt hơn nhiều. Nên có ít nhất là một hoặc hai người để hộ niệm cùng với máy niệm Phật và cũng là để canh chừng việc trở băng khi băng hết. Trong lúc trở băng, không nên để phát ra tiếng động lớn.

Tại vùng Sandakan ở Malaysia có một người đàn ông bị ám ảnh bởi ma quái. Những người bạn tốt của anh ta đã mở máy niệm Phật để xua những ma quái đó đi. Lúc đầu, nhiều người hộ niệm cùng với máy niệm Phật, con ma thấy hào quang sắc vàng và sắc tướng của chư Phật nên nó đã bỏ chạy. Người đàn ông ấy nhờ vậy mà được tỉnh táo. Sau đó những người hộ niệm lần lượt ra về. Mặc dù máy vẫn đang niệm Phật, nhưng con ma đã trở lại và lại quấy rầy anh ta. Qua đây cho chúng ta thấy rằng, nếu được hộ niệm bởi con người thì sẽ ích lợi nhiều hơn là chỉ dùng máy.

(Trích dịch từ “To be born in Lotus – ‘help chanting’ at Deathbed” của ngài Tai Kwong)

Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp