Hộ niệm là gì?
Hộ niệm là niệm Phật cầu nguyện cho một bệnh nhân
khi nhận thấy thuốc chữa trị không còn tác dụng đối với người ấy nữa,
khi mà người bệnh sắp qua đời. Sự nhất tâm của người trợ niệm cùng với
công năng của sự niệm Phật sẽ gia hộ cho người bệnh sớm chấm dứt đoạn
hành trình cuối cùng trong cuộc đời mình. Nhờ vậy, người bệnh sẽ được
tự do, thanh thản và được vãng sanh về cảnh giới của chư Phật. Không có
gì hạnh phúc hơn được sống và chết như thế.
Khổng Tử từng nói: "Người nào mà buổi sáng nghe được
đạo, buổi chiều chết cũng thỏa lòng". Tại sao vậy? Tại vì chết không là
gì cả đối với người đã nghe được đạo. Người ấy thật sự đã vượt lên trên
những ý niệm tầm thường lúc họ chết. Hộ niệm chính là giúp họ đạt được
điều này. Hộ niệm là cầu nguyện chư Phật và chư Phật ở đây là đạo vậy.
Dù cho trong quá khứ họ đã làm gì đi nữa cũng không sao. Nếu trước đây
họ có một chút ít phước thiện và trong lúc lâm chung lại được những
người bạn đạo thân thiện đến hộ niệm thì họ vẫn có thể vượt thoát khổ
đau. Nhờ sự hộ niệm, họ nghe được danh hiệu Phật và nhập vào chánh đạo
nên được vượt thoát khổ đau.
Phút lâm chung là thời điểm nguy kịch nhất đối với
người hấp hối. Đấy cũng là cơ hội cuối cùng để cho người hấp hối có thể
chuyển đổi. Cho nên, với tư cách là một người Phật tử, chúng ta phải hộ
niệm cho mọi người khi cần thiết.
Tại sao chúng ta cần phải hộ niệm?
Chúng ta thường nghĩ rằng, khi một người tắt thở tức là người ấy đã chết. Điều này không hoàn toàn đúng.
Theo sự diễn tả trong kinh thì sau khoảng 8 giờ đồng
hồ, tâm thức sẽ tách khỏi thể xác và sẽ trở thành "thân trung ấm". Thân
trung ấm là một trạng thái tâm thức trung gian giữa sự chết và tái
sinh. Trong vòng 7 tuần sau, những người thân của người chết nên tiếp
tục niệm Phật trợ duyên, tụng kinh, bái sám và mời những người Phật tử
khác cùng hành lễ để trợ duyên cho người chết được siêu thoát.
Ở đây có một vấn đề cần phải được làm sáng tỏ. Khi
một người chết, xác thịt của người ấy trở về với cát bụi, nhưng còn
phần tâm thức của người ấy thì sao, điều gì sẽ diễn ra với nó, nó có
tồn tại mãi mãi không?
Vấn đề này được kinh điển diễn tả rằng, trong vòng
bảy tuần sau khi chết, ba loại nghiệp sẽ tham gia quyết định nơi đến
của thần thức, nơi mà người ấy tái sinh. Ba loại nghiệp đó là: Trọng
nghiệp, tập quán nghiệp và cận tử nghiệp. Trong đó, cận tử nghiệp có sự
chi phối mạnh nhất.
Thứ nhất là sự quyết định của trọng nghiệp. Trọng
nghiệp là những việc lành lớn hoặc là những việc cực ác mà người ta đã
từng làm lúc còn sống. Kết quả của những nghiệp ấy đã được xác định cụ
thể. Người nào gieo những hạt giống thiện thì khi quả chín muồi, họ sẽ
được sinh lên thiên giới hoặc thác sanh về cảnh giới của chư Phật. Nếu
người nào gieo những hạt giống bất thiện thì kết quả họ sẽ bị đọa vào
địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh. "Tất cả những gì người ta đã tạo ra, dù
tốt hay xấu, chính họ sẽ là người nhận lãnh những kết quả ấy".
Thứ hai, con người thường có những thói quen và
những sở thích. Người tốt thì có thói quen tốt và ngược lại, người xấu
thì có thói quen xấu. Một khi sở thích đã trở thành thói quen thì khó
lòng thay đổi được chúng. Khi một người mới chết, nếu không có sự chi
phối nào khác thì người ấy sẽ đi theo những người có thói quen tương tự
với mình và sẽ tái sinh ở đó.
Thứ ba, cận tử nghiệp thường gắn liền với ý niệm của
người hấp hối. Những ý niệm cuối cùng của người chết sẽ quyết định là
sẽ tái sinh vào trong sáu cảnh giới của cõi dục hay là được thác sanh
về cảnh giới của chư Phật. Ý niệm cuối cùng ấy rất quan trọng. Nếu
người hấp hối không có những trọng nghiệp, cũng không có thói quen và ý
niệm cuối cùng cũng không rõ ràng gì cả thì thần thức sẽ bị lấp lửng
như những làn sóng vô tuyến. Khi người ấy nghe tiếng khóc than của
người thân thì sẽ nảy sinh ý niệm muốn quay trở lại. Nếu lúc ấy mà nghe
tiếng niệm Phật thì người đó sẽ không bị vướng bận bởi những âu lo của
cuộc đời. Ý niệm muốn quay trở lại là nguyên nhân dẫn đến tái sinh
trong sáu cõi hữu tình, trong khi ý niệm không bị ràng buộc bởi những
lo âu của trần thế là nhân tố dẫn đến sự thác sanh về cảnh giới của chư
Phật.
Có một người Trung Quốc nói rằng: "Khi bạn đánh vào
cái chiêng một nghìn lần, thì lần đánh sau cùng sẽ tạo nên âm thanh hòa
điệu". Hộ niệm là "gõ lần cuối cùng để tạo nên sự hòa điệu" ấy. Có
nghĩa là dùng sự hộ niệm để điều chỉnh ý niệm của người hấp hối, để
khơi gợi và để tác động trực tiếp vào tâm thức của người ấy. Một ý niệm
thiện lành thì sẽ đưa đến sự tái sanh ở cõi lành, một ý niệm bất thiện
thì bị tái sinh vào ác đạo. Tuy nhiên, người sắp lâm chung cần phải
được chăm sóc hết sức cẩn thận trong giờ hấp hối. Khi một người hấp hối
là họ bắt đầu khởi một ý niệm, chúng ta phải hộ niệm để gợi mở, để
truyền cảm hứng và để dẫn dắt dòng tâm thức của người đó. Đây là lý do
mà chúng ta cần phải hộ niệm.
Hộ niệm có lợi ích gì?
Như quí vị đã biết, có bốn giai đoạn trong đời sống
một con người, bốn giai đoạn ấy là: sanh, già, bệnh và chết. Chúng còn
được biết đến như là bốn định luật của cuộc sống. Chúng ta hãy bỏ qua
ba giai đoạn đầu và chỉ tập trung vào giai đoạn cuối cùng, đó là
"chết". Từ xưa cho đến nay, đã có rất nhiều vị anh hùng, nhưng không có
ai trong số họ thoát khỏi sự chết. Tuy nhiên, để chết trong yên bình
hay không thì người ta có thể điều khiển được.
Mọi người đều mong ước có được cuộc sống thú vị và
yên bình. Cũng như vậy, mọi người mong ước được bình yên khi chết. Lúc
hấp hối, người ta thường rơi vào bốn trạng huống: 1. lo âu về cái chết,
2. đau đớn, 3. không muốn dứt bỏ đời sống hiện tại và 4. không tỉnh
táo. Nếu bốn trạng huống ấy không thực sự chi phối đến người chết,
nhưng người ấy lại chết trong tiếng than khóc của người thân thì sẽ
không thể ra đi một cách yên bình được. Tuy nhiên, nếu chúng ta hộ niệm
cho người ấy lúc hấp hối thì chúng ta có thể truyền cảm hứng, an ủi,
nhắc nhở và dẫn dắt người ấy hướng về chánh đạo. Trong tiếng niệm Phật,
người ấy sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn bởi sự nhớ nghĩ chơn chánh và
tự thấy mình không còn bị ràng buộc bởi những lo âu, sợ hãi thường
tình. Do đó, người ấy sẽ được tái sinh về cảnh giới của chư Phật một
cách an nhiên.
Khổng Tử nói rằng: "Khi con chim sắp chết, tiếng hót
của nó thật não ruột, khi một người sắp chết, họ nói thật thân ái".
Điều này chứng tỏ không ai muốn chết trong khi người ta vẫn còn thở.
Khi nhận thấy điều đó không thể có được thì người ta sẽ mong ước có
được một nơi an toàn để bám vào. Nhờ sự hộ niệm, người hấp hối có thể
nương vào ánh hào quang của Phật để thoát ra khỏi những âu lo thường
tình và tìm đến nương tựa nơi Đức Phật. Người ta sẽ đến được nơi an
nghỉ cuối cùng, đó là cảnh giới của chư Phật. Đây là một lợi ích của sự
hộ niệm.
Một lợi ích khác của sự hộ niệm là dùng những "luồng
tư tưởng" lành được sinh ra bởi những đạo hữu đang niệm Phật để khai mở
ý niệm đầu tiên nhất của người hấp hối. Sau đó làm cho ý niệm lành ấy
tiếp tục được điều chỉnh cho hợp với những ý niệm thiện khác trong mười
pháp giới. Bằng sự nỗ lực thích đáng, nghiệp thiện ấy sẽ đến được với
giới hạn của những hạt giống thiện. Người hấp hối sẽ tập trung vào ý
niệm thiện ấy một cách nhất tâm và sẽ được vãng sanh về cảnh giới của
chư Phật.
Người ta thường ý thức được rằng, một ý niệm thiện
khởi lên là thiên đường hiện khởi và một ý niệm bất thiện khởi lên là
địa ngục xuất hiện. Tư tưởng trong hiện tại quyết định cảnh giới tái
sanh là thiên đường hay địa ngục. Hộ niệm bằng cách niệm Phật là thôi
thúc người hấp hối hãy khai mở một ý niệm thiện trong hiện tại và nắm
vững lấy nó, chứ không để xảy ra bất cứ một sơ suất nhỏ nào, vì điều ấy
sẽ khiến cho người ta đi lạc đường.
Những nguyên tắc khi hộ niệm
Người bệnh thường bị hành hạ bởi sự đau đớn trước
khi chết. Sự đau đớn ấy không thể diễn tả nổi. Vì thế, người bệnh cần
có "sự thanh thản" trước và sau khi chết. Người ấy sẽ ra đi hết sức
bình yên trong sự thanh thản. Có một số nguyên tắc cần được tôn trọng
khi hộ niệm: 1- Không di chuyển thân thể của người chết, 2- Không được
khóc than, 3- Không nên gây ồn ào không cần thiết, 4- Niệm Phật một
cách trang nghiêm.
Trước hết là không được di chuyển thân thể của người
chết. Từ khi trút hơi thở cuối cùng, người chết cần có sự thanh thản,
bất kỳ sự di chuyển nào cũng làm cho thể xác người chết càng đau thêm.
Trong lúc đau đớn, người chết sẽ sinh lòng căm hờn. Chính lòng căm hờn
này dẫn người chết đến chỗ sa đọa. Việc tắm rửa và thay áo quần cho
người chết nên tiến hành trước lúc người ấy chết hoặc là sau khi chết
khoảng 8 tiếng đồng hồ. Điều này rất quan trọng.
Thứ hai, không được khóc than. Mọi người cho rằng,
khóc cho người chết là một nghĩa cử thông thường của con người. Một khi
có người chết, chúng ta khóc bên xác của người ấy. Điều này chỉ đem đến
sự buồn phiền cho người chết mà thôi. Thay vì khóc than, chúng ta hãy
ngăn những dòng nước mắt lại và niệm Phật một cách thành kính để cầu
cho người ấy được sanh về cõi Cực lạc. Như thế thì cả người sống và
người chết đều sẽ cảm thấy tốt hơn. Nếu ai đó không ngăn được sự khóc
than thì nên đi nơi khác và khóc cho thỏa lòng rồi hãy trở lại. Như thế
thì sẽ làm dịu bớt sự dồn nén ở trong lòng.
Thứ ba là không nên gây ồn ào không cần thiết. Khi
có người chết, thân quyến và bạn bè đến viếng và sẽ có không ít vấn đề
được bàn tán ngay sau khi người ta chết. Khi có quá nhiều quan điểm và
lời huyên thuyên không ngớt thì chỉ làm mất đi sự yên tĩnh và làm phân
tâm những người hộ niệm. Tốt hơn là nên thảo luận và sắp xếp công việc
ở một phòng khác hoặc là ở bên ngoài. Hãy giữ cho căn phòng người chết
đang nằm được yên tĩnh. Mọi người hãy niệm Phật trong sự điềm tĩnh và
hãy để cho người chết chỉ nghe tiếng niệm Phật mà thôi. Được như thế
thì người chết sẽ có thể nhất tâm và dòng tư tưởng thanh cao của họ
không bị gián đoạn. Đây mới là cách trợ giúp phù hợp nhất.
Thứ tư là niệm Phật một cách trang nghiêm. Tất cả
những người Phật tử hay không phải Phật tử, sau khi hiểu được lợi ích
của sự hộ niệm, họ thường mời những người giúp đỡ đến để chuẩn bị cho
việc hộ niệm. Cần phải quan sát sự chuyển biến của người hấp hối, khi
thấy người thân của mình đang nằm, vẫn còn thở, sắp tắt thở, đang trút
hơi thở cuối cùng, lúc ấy hãy mời mọi người hộ niệm cho họ. Mọi người
nên cùng nhau niệm Phật trong sự trang nghiêm để cầu cho người đang nằm
được vãng sanh về cõi Cực lạc.
Có một vài điểm cần lưu tâm trong khi gia đình có người hấp hối:
a. Chỉ di chuyển thân thể người chết sau 8 giờ kể từ
lúc tắt thở. Điều này sẽ hơi bất tiện nếu đấy là khu vực có quá nhiều
bệnh nhân. Chúng ta có thể chuyển nguyên cả cái giường mà người chết
đang nằm đến phòng khâm liệm và tiếp tục hộ niệm cho đến tám tiếng đồng
hồ. Sau đó, chúng ta có thể chuẩn bị cho việc khâm liệm.
b. Nếu người chết đang trong tư thế ngồi, cứ để vậy
và không cần phải phủ khăn áo gì cả. Tuy nhiên, chúng ta không được để
cho thể xác bị nghiêng. Và sau 8 tiếng thì chúng ta sẽ chuyển đổi.
c. Không cần phải mặc áo quần tốt cho người chết,
chỉ cần phủ lên thân thể họ một tấm ra sạch là được. Cuối cùng thì thể
xác ấy cũng được mai táng hoặc là hỏa thiêu, cho nên việc mặc quần áo
tốt cho họ cũng không có lợi ích gì. Nếu như đem những áo quần tốt đó
cho người thân của mình dùng lúc đang còn sống thì tốt hơn, nó sẽ làm
tăng thêm phần giá trị cho người ấy.
d. Sau 8 đến 12 tiếng, chúng ta vẫn tiếp tục sắp xếp cho tang lễ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tiếp tục hộ niệm.
Làm gì khi "nhạc đã cất lên mà người vẫn chưa đi"?
Có một câu châm ngôn rằng: "Tiếng nhạc cất lên và
người thanh thản ra đi". Niệm Phật thật ra là hát "bản nhạc vô sanh".
Sau khi nhạc cất lên thì người hấp hối nên từ giã cõi trần. Tuy nhiên,
đôi khi sự việc lại không diễn tiến như vậy. Tiếng niệm Phật cất lên mà
người vẫn chưa ra đi, người ấy vẫn còn sống. Lúc ấy chúng ta nên làm
gì? Trường hợp này giống như sau khi chúng ta niệm Phật trợ tiến cho
người hấp hối nhưng người ấy không chết, họ vẫn tiếp tục sống thêm 10
năm nữa. Chúng ta nên làm gì trong trường như thế? Đấy là kết quả tốt,
là một trường hợp đáng mừng, là một điềm lành. Bởi vì công năng của
việc hộ niệm đã làm hồi sinh. Nhờ phước đức của việc hộ niệm mà người
hấp hối đã thoát khỏi bệnh tật, mạng sống được kéo dài ra. Như thế
không tốt hơn sao?
Hộ niệm là xưng niệm "Nam mô A Di Đà Phật" xung
quanh người đang hấp hối. Việc làm này gợi cho người đang hấp hối hay
đã chết nhớ lại rằng, biển khổ là không bờ, sám hối là tự cứu lấy mình.
Người hấp hối sẽ nắm lấy cơ hội này để hướng sự chú ý vào nội tâm nhằm
nhận ra bản tánh thanh tịnh vốn có của mình. Khi chúng ta nhìn thấy
được bản tánh cũng có nghĩa chúng ta nhìn thấy được Phật tánh và sẽ
được quay về với cảnh giới của chư Phật.
Tỷ kheo Tai Kwong -Minh Phú lược dịch (Nguyệt San Giác Ngộ 175)