Vầng sáng từ phương Đông


Tác giả: Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV, Thích Nhuận Châu dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính NXB: Lao Động
22/08/2011 20:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 133044
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TÁNH KHÔNG: NHỊ ĐẾ

MIKE AUSTIN: Xin ngài giải thích tại sao đạo Phật tin rằng tâm thức bị mê lầm; tại sao chúng ta có vô minh từ vô thủy?

ĐẠT-LAI LẠT-MA: Có nhiều dạng mê lầm khác nhau. Theo một cách giải thích thì có hai dạng. Thứ nhất là mê lầm do không biết. Thứ hai là do hiểu sai. Nếu bạn hỏi từ đâu mà sự mê lầm của tâm thức sinh khởi, thì nó sinh khởi từ sự tương tục trong một sát-na trước của sự mê lầm. Nếu bạn tìm kiếm một giải thích khác, thì hẳn là phải có sát-na đầu tiên của sự mê lầm. Trong trường hợp này, có lẽ sẽ có mâu thuẫn với lý luận. Như được trình bày trong Tứ bách luận của ngài Thánh Thiên: “Dù không có chỗ khởi đầu của phiền não, nhưng có chỗ kết thúc.” Vì tâm thức vô minh nhận lầm mọi sự việc, nên có sự chấm dứt việc mê lầm ấy. Những mê lầm ấy có thể được dừng lại bằng sự thấy biết chân chính (chánh kiến), nhưng vì chúng phát huy tương tục từ sát-na trước của dạng tâm thức mê lầm ấy, nên không có chỗ khởi đầu đối với chúng.

MIKE AUSTIN: Tại sao tâm thức không tự nhiên được giác ngộ?

ĐẠT-LAI LẠT-MA: Một khi tâm có những nhiễm ô - nghĩa là hiện hữu cùng với những nhiễm ô - không thể có được dù chỉ một lần không có nhiễm ô. Nhưng, vì thực thể của tâm là luôn chân thực và trong sáng, tâm thực sự hoàn toàn thuần thiện. Do vậy, tâm được gọi là Phổ Hiền. Sẽ có mâu thuẫn về mặt lý  luận nếu cho rằng ban sơ tâm vốn thanh tịnh rồi sau đó trở nên bị nhiễm ô một cách ngẫu nhiên. Do vậy, có thể nói rằng từ khởi thủy, tâm thức vốn đã bị nhiễm ô. 

MIKE AUSTIN: Tại sao bản chất giác ngộ chỉ là hạt giống? Tại sao nó không được phát triển hoàn toàn?

ĐẠT-LAI LẠT-MA: Vì nó là hạt giống, quả của nó chưa hình thành. Thực tế là mọi tâm thức đều được an lập như có sẵn một bản tính chiếu tri, và yếu tố đó có khả năng chuyển tâm thức thành tâm giác ngộ nên gọi là “hạt giống”. Chẳng có gì hơn thế nữa. Nếu có, thì bạn sẽ cho rằng có một Thượng đế đã tạo ra nó. Rồi bạn sẽ phải tìm kiếm bản chất của Thượng đế; khảo sát xem bản chất của Thượng đế có chỗ khởi đầu và kết thúc hay không.

Có rất nhiều sự tìm kiếm như vậy trong chương 9 cuốn Nhập Bồ Tát hạnh của Tịch Thiên cũng như trong Lượng thích luận, tác phẩm của ngài Pháp Xứng, chú thích luận giải của ngài Trần-na. Tôi không có ý phê phán những ai chấp nhận một đấng sáng thế. Tôi chỉ giải thích theo tinh thần đạo Phật. Nếu có những mâu thuẫn nội tại trong một học thuyết, được bộc lộ qua lý luận, thì người ta nên từ bỏ học thuyết ấy và chọn một học thuyết không có sự thiếu nhất quán như vậy. Như đã được trình bày trong điều thứ tư của Tứ y, không y cứ vào thức mà y cứ vào trí tuệ siêu việt. Có nhiều hiện tượng vốn không thể nhận hiểu được cho đến khi nào hành giả có được sự phát triển tâm thức đến cao độ. Có rất nhiều hiện tượng kỳ dị mà ngay bây giờ chúng ta không thể giải thích với dạng tâm thức này.

 MIKE AUSTIN: Xin ngài giải thích bằng cách nào mà các tâm sở phiền não khác phát sinh, hoặc cách chúng lưu xuất từ căn bản vô minh?

ĐẠT-LAI LẠT-MA: Như tôi đã trình bày, có hai loại mê tối. Thứ nhất là mê lầm về trạng thái của các hiện tượng. Thứ hai là nhận thức lầm về bản chất các hiện tượng. Dạng vô minh thứ hai là nhận rằng các hiện tượng tồn tại trên cơ sở tự tính, trong khi vốn không phải như vậy. Trong nhận thức sai lầm về tồn tại trên cơ sở tự tính, lại có hai dạng: nhận thức sai lầm về con người tồn tại trên cơ sở tự tính và nhận thức sai lầm về các hiện tượng tồn tại trên cơ sở tự tính. Sự phân chia này được tạo ra do cách thức quan tâm của người sử dụng các đối tượng và đối tượng được sử dụng.

Trong ý niệm con người là tồn tại trên cơ sở tự tính, có những trường hợp nhận thức rằng cả cái ngã của chính mình và cái ngã của người khác đều thực sự tồn tại. Quan niệm hợp thể giả tạm của thân và tâm là một “cái tôi” có thực chính là cách nhìn “bản ngã” tồn tại trên cơ sở tự tính.

Với quan niệm này, lại có hai dạng khác nữa. Một là quan niệm do quan sát cái hợp thể giả tạm của thân và tâm mà sinh khởi lên ý tưởng về “cái tôi” và nhận nó là tồn tại trên cơ sở tự tính. Hai là do quan sát những “cái của tôi” và nhận nó là tồn tại trên cơ sở tự tính.

Bây giờ, trước hết, người ta phát khởi ý niệm về tồn tại trên cơ sở tự tính của các hiện tượng - tâm và hợp thể các sắc pháp - được xem như là nền tảng thể hiện “cái tôi” . Sau ý tưởng đó, “cái tôi” được thể hiện nhờ vào thân và tâm lại được nhận thức là tồn tại theo cách riêng của nó. Thế thì, với quan niệm về tính giả hợp như là nguyên nhân, người ta nhận thức rằng “cái của tôi” là tồn tại trên cơ sở tự tính.

Như ngài Nguyệt Xứng nói: “Ban đầu có sự chấp trước vào cái tôi - bản ngã - và sau đó là bám víu vào cái của tôi.” Một khi đã có sự phân loại về chính mình, thì sẽ có sự phân loại về kẻ khác. Khi hai sự phân loại này được phân định, thì người ta trở nên đắm chấp vào dạng thuộc riêng mình và không thích dạng hướng về kẻ khác. Từ đây, phát sinh toàn bộ các vấn đề khác. Chẳng hạn, do quan niệm về tính giả hợp như là một “cái tôi” vốn tồn tại trên cơ sở tự tính, người ta phát sinh tính ngã mạn. Thế thì, ngay cả tâm sở hoài nghi - vì đó là trường hợp chú trọng vào “cái tôi” mà không tin vào điều gì khác (nguyên do tối hậu mà “Tôi không tin vào điều này hay điều kia”) - tùy thuộc vào điểm này. Và tâm sở ganh ghét, đố kỵ. Cũng vậy, kích động quan niệm về “cái tôi” tồn tại trên cơ sở tự tính là những quan niệm cực đoan: thường hằng và đoạn diệt. Chẳng hạn, tin rằng không có kiếp trước và kiếp sau, hoặc cho rằng khi đã tin có một bản ngã thì cái ngã này sẽ tồn tại vĩnh viễn. Thế nên trước hết, một hiện tượng trình hiện như tồn tại trên cơ sở tự tính và khi nó như vậy, thì phẩm chất thiện, ác và tất cả mọi thứ khác cũng trình hiện theo cách đó. Tâm lúc ấy tán trợ cho trình hiện này. Do đây là một trình hiện dựa vào tính tăng thượng của thiện ác - vượt quá mức thực có - nên tâm thức con người rơi vào các khái niệm cực đoan về cái thiện ác chân thực và phát ra những thái độ không hợp lí, qua đó, trở lại phát sinh các phiền não.




Âm lịch

Ảnh đẹp