LUÂN HỒI VÀ CHÚNG SINH
MIKE AUSTIN: Ngài nghĩ thế nào về việc đạo Phật được truyền đến Hoa Kỳ
và các nước phương Tây?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Tôn giáo không có biên giới. Có một số người Mỹ quan tâm
đến đạo Phật, và nếu đạo Phật có ích cho họ, thì như vậy là đủ rồi.
MIKE AUSTIN: Nói chung, không chỉ là sự quan tâm đến đạo Phật, mà còn có
sự kiện phục hưng đời sống tâm linh ở quốc gia này trong 15 năm qua.
Ngài cho rằng điều gì đã gây ra sự kiện này?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Có thể là nhờ vào sự phát triển vật chất, và văn hóa Hoa
Kỳ là một sự pha trộn nhiều nền văn hóa. Vì thế, người Mỹ rất cởi mở đối
với bất cứ điều gì. Hẳn phải có nhiều yếu tố, như cạnh tranh nhiều trong
công việc và những điều tương tự như vậy... khiến cho người ta phải đối
mặt với những khó khăn, và ngoài ra họ còn trở nên quan tâm đến điều gì
đó nghiêm túc hơn. Bạn thấy đó, họ trở nên sâu sắc hơn.
MIKE AUSTIN: Từ trong khó khăn nảy sinh mối quan tâm đến sự phát triển
tâm linh?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Nếu tâm loạn động, chỉ cần quán tưởng về một điểm hay
một đề tài trong một thời gian ngắn thì sẽ có được sự an tĩnh. Từ ban
sơ, con người đã trở nên bị thu hút vào loại hình sinh hoạt này vì nó
giống như một bữa tiệc tinh thần hay một kỳ nghỉ. Và không chỉ là đạo
Phật, mà là tất cả những tôn giáo của phương Đông.
MIKE AUSTIN: Ngài nghĩ gì về những lễ nghi tôn giáo? Con người từ bỏ tư
cách cá nhân của mình trước một vị giáo chủ hay đấng quyền năng?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Để trả lời điều này, tôi sẽ nói về cách đánh giá một bậc
thầy trong đạo Phật. Giáo lý mà đức Phật truyền dạy không phải là để phô
bày kiến thức với người khác, mà là để giúp họ. Vì thế, bất luận tư
tưởng hay nhận thức riêng của mình là như thế nào, một bậc thầy luôn
giảng dạy giáo lý phù hợp theo với cá tính, sự quan tâm... của người
nghe. Những người học Phật, nếu muốn xác định được ý nghĩa rốt ráo thì
phải phân biệt giữa những gì có thể diễn giải - như khi được nói ra vì
một mục đích cụ thể - và những gì là rốt ráo, hay chân lý tuyệt đối. Nếu
trong sự phân định những gì là có thể diễn giải và những gì là sự thật
tuyệt đối trong một kinh điển, người ta phải dựa vào một kinh điển khác,
thì lại phải cần đến một kinh điển khác nữa để xác tín kinh điển trước
đó, và thêm một kinh điển nữa để xác tín kinh điển sau này. Sự việc sẽ
có thể kéo dài đến vô cùng. Do vậy, một khi người ta đã khẳng định rằng
có sự phân biệt hai ý nghĩa này, thì cần thiết phải dựa trên sự suy luận
để thực thi. Những gì không bị phá vỡ bởi sự suy luận, đó là chân lý
tuyệt đối. Do có thực tế này, đức Phật đã chỉ ra bốn chỗ y cứ (tứ y):
- Không y cứ vào con người, mà y cứ vào giáo pháp (Y pháp bất y nhân).
- Về giáo pháp, không y cứ vào từ ngữ, mà y cứ vào ý nghĩa (y nghĩa bất
y ngữ).
- Về ý nghĩa, không y cứ vào ý nghĩa diễn giải, mà y cứ vào chân lý
tuyệt đối (y liễu nghĩa kinh, bất y bất liễu nghĩa kinh).
- Về chân lý tuyệt đối, không y cứ vào sự nhận hiểu của ý thức thông
thường, mà y cứ vào sự hiểu biết của trí tuệ siêu việt (y trí bất y
thức)
Do đây, độ tin cậy của giáo pháp không thể xác định qua việc đánh giá
người giảng dạy, mà phải qua sự thẩm định chính giáo pháp ấy.
Trong kinh, đức Phật dạy rằng: “Các tỳ-kheo và thiện tri thức nên tin
nhận lời dạy của Như Lai không phải do lòng kính trọng mà là qua sự phân
tích giáo lý ấy, như người thợ kim hoàn phân tích chất vàng bằng cách
cắt đứt, nung chảy, mài giũa và đánh bóng nó.”
Người ta không chỉ xác định rằng đức Phật là cội nguồn nương tựa đáng
tin cậy bởi sự kiện là thân tướng đức Phật được trang nghiêm bằng những
tướng tốt chính và phụ, mà bởi vì giáo pháp của ngài để thành tựu các
cảnh giới cao và sự chí thiện là đáng nương cậy. Vì giáo lý dành cho các
cảnh giới cao đề cập đến vật thể, có liên quan đến những hiện tượng rất
ẩn mật và vượt ngoài những tiến trình suy luận thông thường, nên cần
thiết phải tham cứu đạo Phật để thành tựu sự chí thiện.
Một cách cụ thể, đây là những giáo lý về nhận thức trí tuệ tánh không.
Thông qua sự xác định rằng giáo lý ấy là đúng đắn và hiển nhiên, người
ta sẽ đi đến kết luận rằng giáo lý về các cảnh giới cao là chân xác. Như
ngài Pháp Xứng đã nói, bậc đạo sư phải là người khéo léo trong cách tiếp
xử, cái gì thừa nhận và cái gì loại trừ. Người ta không thể nào chấp
nhận một bậc thầy chỉ vì người ấy thi thố phép lạ, có khả năng thấu thị,
nhìn thấy những vật từ xa hoặc có khả năng thể hiện những năng lực vật
lý nào đó. Dù người ta có thể nhìn thấy được từ xa hay không cũng chẳng
quan trọng. Điều quan trọng là người ta biết cách để đạt được sự an lạc
- như ngài Pháp Xứng nói. Nếu chỉ cần thấy được vật thể từ xa, thì người
ta nên quy y con chim kên kên! (Đây là ý trong bài kệ căn bản của Lượng
thích luận.)
Tất cả những điều này là để cho thấy rằng một bậc thầy phải có đầy đủ
phẩm chất khi giải thích những gì được thừa nhận và những gì phải loại
trừ. Do vậy, trong tạng Kinh, Luật và trong nhiều phần khác nhau của các
tan-tra, đức Phật đề ra một cách chi tiết những phẩm hạnh của các bậc
thầy ở từng cấp độ khác nhau.
Sự phân tích về một bậc thầy để xem vị ấy có đủ các phẩm hạnh hay không
là điều rất quan trọng trước khi chấp nhận. Điều này càng đặc biệt quan
trọng trong việc tu tập tan-tra. Trong một tan-tra có nói rằng vì sự
nguy hiểm rất lớn cho cả thầy lẫn trò, nên nhất thiết phải tìm hiểu kĩ
lưỡng trước đó, cho dù có phải mất đến 12 năm để đi đến một kết luận.
Trong đạo Phật, nếu chỉ có niềm tin là đủ thì đức Phật hẳn không cần
phải đề ra những chi tiết quan trọng đến thế liên quan đến việc chọn lựa
một bậc thầy. Trong sự tu tập Tan-tra, pháp tu Du-già Tan-tra là rất
quan trọng. Nhưng cho dù là quan trọng, nó cũng không được thực hiện
trên nền tảng của niềm tin mù quáng. Trong Giới kinh có nói rằng nếu một
vị Lạt-ma giảng dạy trái ngược với giáo lý thì người ta nên phản đối
điều đó.
Một bản kinh được trích dẫn trong tác phẩm Bồ-đề đạo thứ đệ của
Tông-khách-ba nói rằng người ta nên nương tựa vào vị Lạt-ma bằng cách
tán thành những gì phù hợp với giáo lý và phản đối những gì không phù
hợp. Đây là một bản kinh trong Bồ Tát tạng.
Còn về Man-tra thừa, trong tác phẩm Sự sư pháp ngũ thập tụng của Bồ Tát
Mã Minh nói rằng nếu một vị Lạt-ma dạy điều gì mà người ta không chấp
nhận, thì nên dùng lời nói để giải thích cho vị Lạt-ma ấy biết lý do tại
sao. Điều này giải thích cách mà người ta nương tựa vào một vị Lạt-ma
trong cả ba thừa của đạo Phật. Hành giả không nên rơi vào một trong hai
phía cực đoan. Vì trong tất cả mọi công phu tu tập, sau khi xác định
được chân lí bằng lý luận, hành giả nên có một niềm tin, nhưng đó chẳng
phải là niềm tin mù quáng dẫn bạn đến hố sâu. Bạn nên quán sát kỹ những
gì bậc thầy nói, chấp nhận những gì phù hợp và khước từ những gì không
phù hợp. Đây là một tiến trình chung trong đạo Phật, và tôi tán thành
điều này. Tôi làm theo điều ấy.
MIKE AUSTIN: Làm sao để quy y với một bậc thầy hoặc với đức Phật trừ phi
chính ta đã thân chứng được giá trị đích thực trong giáo lý của họ?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Nếu nói về sự quy y với nhận thức đúng đắn, thì nhất
thiết phải xác định được niết-bàn là gì trước khi quy y. Để hiểu chân
xác rằng niết-bàn là thực có và có thể chứng nhập, thì điều thiết yếu là
phải nhận biết được tánh không. Đây thường là mô thức dành cho người duy
thực, những người luôn phải khởi đầu từ những sự kiện thực tiễn. Tuy
nhiên, đối với những dạng người khác, chủ yếu dựa theo niềm tin, thì có
nhiều cách khác nhau để họ tạo ra niềm tin. Thế nên, dù người ta không
có được nhận thức đúng đắn về niết-bàn và khả năng thực chứng niết-bàn,
thì ít nhất họ cũng phải có được một giả định chính xác về niết-bàn.
MIKE AUSTIN: Có mâu thuẫn chăng khi nói rằng các hành giả duy thực phải
đi trọn con đường trước khi quy y cũng chính trong con đường mà họ đã đi
qua?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Hiện thực hóa niết-bàn và sự khẳng định rằng niết-bàn có
thực là hai việc hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, thực sự đến nơi này và
biết chắc nơi này có thực là khác nhau.
MIKE AUSTIN: Phần lớn người thế gian đều không nhiệt thành trong việc
đào luyện tâm linh. Những khía cạnh quan trọng và sâu thẳm nhất trong
đời sống của họ là những mối quan hệ với người khác - đặc biệt là với
các thành viên trong gia đình. Ngài cho rằng đến mức độ nào thì những
mối liên hệ căn bản này được xem như là một phương tiện cho sự phát
triển của nhân loại? Tự thân những mối quan hệ ấy có chút tác dụng nào
giúp cho con người tiến hóa chăng?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Tôi không rõ. Có một dạng tình thương của chúng ta là
chân thực. Tình thương này có thể trải rộng hướng đến sự phát triển tâm
linh. Nó có thể được dùng như là nền tảng cho sự phát triển thành Từ vô
lượng tâm. Thế nên, từ quan điểm đó thì đời sống gia đình hay những quan
hệ gia đình có thể là có lợi. Trong bản chất con người đã sẵn có lòng
tốt theo cách nào đó. Phần nào trong đó là hợp lí. Nhưng đồng thời lòng
tốt thông thường sẵn có trong bản chất con người lại chịu ảnh hưởng rất
mạnh của ái luyến. Điều này lại chẳng có liên quan gì đến phương diện
tinh thần, và trong thực tế còn có tác động như một trở ngại.
MIKE AUSTIN: Ngài nói đến tình thương dựa trên sự ái luyến?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Đúng vậy.
MIKE AUSTIN: Vậy xin ngài có thể nói về tình thương chân thực?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Có nhiều nguyên do để có tình thương chân thực. Khi bạn
có lòng trắc ẩn hoặc thương xót một người rất nghèo, lúc ấy bạn tỏ ra
cảm thông bởi vì người ấy nghèo. Tình thương ấy đặt nền tảng trên nguyên
nhân đúng đắn. Còn tình thương dành cho vợ, con hoặc một người bạn thân
là tình thương dựa trên một đối tượng ái luyến. Một khi sự ái luyến của
bạn thay đổi, tình thương loại này sẽ không tồn tại nữa. Dạng tình
thương đã nói trước không dựa trên sự ái luyến của bạn, mà là tình
thương - như trong trường hợp này - phát khởi do có một người đang chịu
đựng sự nghèo khổ. Như vậy, khi nào ông ta còn nghèo khổ thì tình thương
của bạn vẫn còn tồn tại.
MIKE AUSTIN: Có phải ngài cho rằng tình thương chân thực chỉ có được
trong sự cảm thông.
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Vâng! Tương tự như vậy. Tình thương chân thực sẽ không
thay đổi theo cảm xúc của bạn đối với đối tượng. Tình thương gắn liền
với sự ái luyến sẽ thay đổi rất nhiều tùy theo cách nhìn của bạn với đối
tượng.
MIKE AUSTIN: Tín đồ Phật giáo cho rằng xúc cảm là chướng ngại - tâm sở
phiền não - là điều nên trừ bỏ. Dù vậy, ở phương Tây thì một trong các
tiêu chuẩn chính của cuộc sống trọn vẹn chính là việc những cảm xúc sâu
kín nhất đã được trải nghiệm như thế nào. Nếu một người né tránh sự đam
mê sẽ bị người khác cho là sống giả tạo. Mặt khác, người ta thường
ngưỡng mộ những người có nhiều kinh nghiệm sống. Hai quan niệm này có
phải phủ định lẫn nhau không?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Điều này hơi phức tạp. Có những cảm xúc mạnh mẽ nào đó
đến với bạn do ái luyến. Tương tự, những tình cảm mạnh thậm chí có thể
có mặt trong công phu thực hành giáo pháp hoặc trong sự kính ngưỡng của
bạn đối với bậc thầy của mình. Cho dù tình cảm này có vẻ như là tốt,
nhưng nếu hành giả tu tập đúng đắn thì đến giai đoạn sau đó anh ta sẽ
phải loại trừ cả những tình cảm này.
MIKE AUSTIN: Vậy là thực sự không có cách nào để tương đồng hai quan
niệm này? Điều gì sẽ xảy ra khi bạn hữu hay cha mẹ của một người qua
đời, ngài không thấy rằng việc họ đau buồn là điều đúng đắn hay sao?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Đối với cái chết của cha mẹ hay của người khác, đúng là
có lý do để đau buồn. Tôi chẳng thấy có gì sai trái trong điều này. Nếu
có điều gì bất hạnh xảy đến cho cha mẹ mình hoặc xảy đến cho người mà
mình yêu quý nhất, thì đó là một lý do hợp lý để đau buồn. Nhưng ở đây,
nếu có người bị mất cha mẹ và đau buồn, tôi nghĩ là sự đau buồn của họ
nên dựa trên sự hợp lý, vừa phải. Tôi nghĩ như vậy là đúng đắn. Đừng quá
vô tình, nghĩa là anh ta phải cảm thấy rất tiếc nuối. Đừng quá đau đớn,
có nghĩa là anh ta biết chấp nhận điều ấy. Như vậy đó, sự đau buồn dựa
trên ái luyến mạnh mẽ là không tốt. Do sự đau buồn đó, người ta thậm chí
có thể tự vẫn! Đi đến mức độ đó là đã vượt quá sự hợp lý.
MIKE AUSTIN: Vì thế nên đó là điều nên từ bỏ?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Đúng vậy.