LUÂN HỒI VÀ TÁI SANH
MIKE AUSTIN: Xin ngài giải thích rõ từ quan điểm của đạo Phật, một cách
chính xác những gì xảy ra về mặt sinh lý học trong toàn bộ tiến trình
luân hồi sinh tử và tái sanh?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Có bốn trạng thái phải trải qua trong một đời người.
Trạng thái sinh ra được cho là hết sức ngắn ngủi, chỉ ngay trong khoảnh
khắc của sự thụ thai. Khoảnh khắc kế tiếp mới là sự khởi đầu của trạng
thái có thời gian đầu tiên, kéo dài từ khi thân thể thô trọng bắt đầu
hình thành cho đến khi chết. Rồi trong suốt trạng thái chết, ngay cả khi
diễn ra trong thân xác già nua, mối quan hệ của lực nâng đỡ cho thức và
cái mà thức nâng đỡ ở trong thân rất là dữ dội. Vào đúng thời điểm chết,
mối quan hệ của thức được nâng đỡ bởi nền tảng vật chất chỉ còn được
diễn ra ở mức độ vi tế nhất. Vào thời điểm này, tâm thức cá nhân được
nối kết với nguồn nội lực vi tế nhất, hay còn gọi là ‘khí’. Với người sẽ
trải qua trạng thái thân trung ấm hay bardo, ngay khi trạng thái chết
chấm dứt thì trạng thái thân trung ấm liền bắt đầu.
Trong trạng thái thân trung ấm, dù chúng sinh không có một thân vật lý
thô trọng, nhưng họ cũng có một sắc thể - có được do sự tương tác giữa
luồng khí nội lực và thần thức. Nó thô trọng hơn so với thân vi tế nhất,
nhưng vi tế hơn so với thân vật chất thông thường mà chúng ta nhìn thấy.
MIKE AUSTIN: Nó có hình dáng không?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Ồ! Có. Nó sẽ mang hình dáng của loài chúng sinh mà nó sẽ
tái sinh. Tuy nhiên, có những giáo lý nói rằng trong nửa đầu của giai
đoạn thân trung ấm, thân bardo có hình dáng của thân quá khứ vừa qua, và
trong nửa sau đó có thân của đời sống sắp tới. Cứ mỗi 7 ngày lại có một
cái chết nhỏ diễn ra trong thân trung ấm. Với 7 lần chết như thế, thân
trung ấm có khả năng duy trì cho đến tuần thứ 7, nhưng không thể lâu
hơn. Vào lúc đó người chết sẽ quyết định tái sinh. Chúng sinh khi mang
thân trung ấm cũng giống như chư thiên hay quỷ thần, không có thân vật
chất nặng nề vốn có nhiều giới hạn. Chúng ta không thể nhìn thấy họ bằng
mắt thường. Trong số những chúng sinh không có thân vật chất nặng nề -
không chỉ là những chúng sinh mang thân bardo - có rất nhiều loài như:
chư thiên, a-tu-la, quỷ thần, v.v... Như trong xã hội loài người có
những người không tu tập Phật pháp, có những người tu tập chút ít, có
người tu tập nhiều hơn, có người tu tập ít hơn. Các vị tiên tri nói
chung cũng là người như chúng ta, vẫn ở trong luân hồi. Những chúng sinh
như Chenrezi trong cảnh giới của chư thiên là những người đã giác ngộ. Ở
đây có rất nhiều dạng Chenrezi. Tâm từ bi của chư Phật nói chung, hóa
thân của các ngài bằng hình tướng được gọi là Chenrezi. Như vậy dạng
Chenrezi này không phải là một cá thể chúng sinh. Tuy nhiên, giống như
đức Phật Thích-ca Mâu-ni là một con người đặc biệt, cũng có Chenrezi là
một con người đặc biệt. Còn có những người thường như chúng ta có thể
nhận vị Chenrezi làm hộ thần. Khi những người này được giác ngộ, họ sẽ
xuất hiện dưới hình tướng của vị Chenrezi. Bởi vì vị ấy trong giai đoạn
gia hạnh vị của Vô thượng Du-già Tan-tra quả thật đã tự phát huy chính
mình, nên vị ấy được nhận danh xưng là Chenrezi. Tuy nhiên, vị ấy không
nhất thiết chỉ tiếp tục thị hiện như một Chenrezi, mà đồng thời còn có
thể thị hiện trong nhiều hình tướng khác.
Từ góc độ của một vị Phật, người ta chỉ có thể nói rằng một Sắc thân nào
đó là dạng tối hậu hoặc cao nhất, nhưng không thể nói rằng về mặt tâm
linh có những dạng này hay dạng khác. Sắc thân hiện ra đồng thời trong
nhiều dạng khác nhau tương ứng với nhu cầu của người được giáo hóa và
tùy thuộc vào hạnh nguyện trong đời trước của vị Phật đó. Do vậy, một vị
Phật thường tự nhiên và đồng thời thị hiện trong vẻ ngoài của các vị
Chenrezi, Văn-thù-sư-lợi, Di-lặc, v.v... tùy theo sự mong cầu của người
được giáo hóa.
MIKE AUSTIN: Liên quan đến việc này, ngài đã biết câu chuyện về Jesus
Christ, ngài nghĩ như thế nào?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Mặc dù người ta không thể nói một cách chắc chắn, nhưng
có vẻ như đây là trường hợp của một chúng sinh giác ngộ thị hiện theo
cách thích hợp để dẫn dắt những chúng sinh khác. Tuy thế, có thể chắc
chắn rằng ông ta là một chúng sinh nổi bật.
MIKE AUSTIN: Những sự thị hiện này có vẻ giống như những hình chiếu có
dạng sắc thân của một chúng sinh bậc cao; liệu những hình chiếu này có
một ngã thức tương đối không?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Có rất nhiều khả năng. Chẳng hạn, một vị Bồ Tát có năng
lực biến hóa có thể hóa thân thành một chúng sinh nào đó. Vậy thì chúng
sinh đó sẽ có ý thức về “cái tôi”. Tuy nhiên, nếu chúng sinh đó lại tiếp
tục biến hóa thành một hình tướng khác, thì hình tướng ấy có thể có vẻ
như một con người, nhưng thật không phải vậy. Thế nên có nhiều trường
hợp. Một số trường hợp có ý thức về “cái tôi”, một số trường hợp lại
không có.
MIKE AUSTIN: Trường hợp biến hóa lần thứ hai hẳn phải là một thân có
thực với tâm thức có thực nhưng không có ý thức về “cái tôi”?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Hóa thân lần thứ hai có thể thực hiện chức năng của một
con người, nhưng không phải là một con người riêng biệt. Chẳng hạn, nếu
một bậc giác ngộ cùng lúc hóa thân thành 100 hình tướng, đó chẳng phải
là có đến 100 người, mà vẫn chỉ là một người ở trung tâm điểm mà thôi.
MIKE AUSTIN: Liệu người tạo thành các hóa thân ấy có đồng thời nhận biết
được mọi việc đang xảy ra đối với 100 hóa thân kia hay không?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Ở đây có nhiều cấp độ. Đối với những vị chứng ngộ ở quả
vị thấp hơn thì họ nhất thiết phải điều khiển từng hóa thân riêng biệt.
Đối với những vị chứng ngộ ở quả vị cao hơn thì những hóa thân của họ có
thể tự hoạt động. Yếu tính ứng tác và hoạt dụng tùy ý có liên quan ở
đây. Đó là sự khác nhau ở chỗ sự điều khiển các hóa thân nằm ở đâu. Khi
một vị giác ngộ có thể tùy cơ hóa hiện nhiều hóa thân tùy ý, thì mỗi hóa
thân đều sẽ tự hoạt động.
MIKE AUSTIN: Liệu mỗi hóa thân ấy có đồng thời nhận biết bản ngã của
chính mình cũng như sự hiện hữu của mình như một hóa thân?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Có. Có những trường hợp mà trong 100 hóa thân, mỗi thân
đều biết các thân khác đang làm gì. Đối với một vị Phật hay Bồ Tát thì
điều này chắc chắn là đúng. Nhưng điều này rất khó giải thích. Chỉ đến
khi mỗi người tự thân chứng mới có thể hiểu được, bằng không thì người
ta có thể nghĩ rằng đây chỉ là những lời vô nghĩa. Giống như là chuyện
khoa học giả tưởng hay sự tưởng tượng trong tôn giáo. (cười)
MIKE AUSTIN: Ngài cảm nhận hệ thống các vị Chu-cô như ở Tây Tạng là xác
thực đến mức nào? Có bao nhiêu vị Lạt-ma tái sinh được phát hiện trong
quá khứ mà ngài cho là chân xác?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Ồ! Điều ấy rất khó. Có hai điều rất quan trọng trong
việc này. Một là việc khảo sát vị Chu-cô phải được thực hiện rất toàn
diện. Việc khảo sát hay tìm hiểu này rất dễ bị thực hiện một cách không
thích hợp. Thứ hai, chúng ta phải thấy được cung cách sống của vị Chu-cô
đó như thế nào. Chúng ta cũng phải đánh giá sự việc qua điều đó. Mục
tiêu đích thật của sự tự nguyện tái sinh là tạo ra được kết quả tốt đẹp
nào đó. Nếu không có kết quả tốt đẹp, thì đó là điều đáng ngờ. Vị tái
sinh sẽ sinh trở lại cuộc đời với sự chọn lựa có chủ ý, với mục đích
kiên định là phụng sự chúng sinh qua phương tiện tôn giáo hoặc các
phương tiện khác. Dù sao cũng phải có một kết quả cụ thể nào đó. Với một
số trường hợp không có kết quả tốt, tôi nghi ngờ. Vì thế tôi cho rằng
khả năng xác thực là năm mươi phần trăm. Có thể là tôi đã có phần chủ
quan khi nói ra điều này.
MIKE AUSTIN: Tôi biết là thật khó khái quát hóa vấn đề. Việc phát hiện
các vị tái sinh được tiến hành như thế nào từ khi ngài sống lưu vong?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Vẫn còn một số ít vị đang được nhận diện. Một số vị đã
hoàn toàn xác thực. Chủ yếu là căn cứ vào cách ứng xử riêng của đứa trẻ:
cho thấy những dấu hiệu rất đặc biệt.
MIKE AUSTIN: Tất nhiên là có sự giảm thiểu số lượng, phải vậy không?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Giảm rất nhiều! Bạn thấy đấy, dân số trước đây là 6
triệu người. Nay chỉ còn có 100.000. Nếu bạn so sánh, tôi nghĩ là đã
thấy giảm đi rất nhiều. (cười) Chúng ta cũng có một số vị Lạt-ma người
Mỹ. (cười)
MIKE AUSTIN: Điều ấy có nghĩa là gì?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Vâng. Tôi nghĩ ít nhất đã có hai người Mỹ được công nhận
là Lạt-ma Tây Tạng
MIKE AUSTIN: Ngài có thể nói đôi điều về họ?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Tôi chẳng biết gì nhiều.
MIKE AUSTIN: Tiến trình công nhận được áp dụng cho hai trường hợp này
như thế nào? Cùng một phương pháp chăng?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Có thể là bọn họ đã tự thẩm định việc ấy. Tôi không biết
chi tiết.
MIKE AUSTIN: Ngài không đích thân chuẩn nhận họ sao?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Tôi chẳng liên quan gì đến việc này cả.
MIKE AUSTIN: Tôi muốn đưa ra một trường hợp tương tự với những điều ngài
vừa nói về một vị giác ngộ có vô số hóa thân. Giả sử có 100 tỉ tỉ tế bào
trong thân người. Mỗi tế bào thực hiện các chức năng như thể biểu hiện
rằng nó có một tâm thức riêng biệt. Dù vậy tất cả đều nằm dưới sự kiểm
soát của cùng một cơ thể. Liệu tất cả những sinh thể này có thể được xem
là như nhau, như là các phần của một cơ thể? Nói cách khác, như là các
phần hoặc là các hóa thân của một cơ thể duy nhất?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Mọi chúng sinh đều có chung một trải nghiệm - trong ý
nghĩa chúng sinh cùng dạng - trong đó bản chất tâm thức của họ chỉ là sự
chiếu tri. Ngoài ra, họ không có sự liên kết với nhau. Nếu bạn giả định
rằng có nhiều chúng sinh sinh ra từ một nguồn như Thượng đế, thì câu trả
lời là không.
MIKE AUSTIN: Ngài thấy rằng họ độc lập với nhau?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Đúng vậy. Họ tách biệt với nhau. Ngay cả khi được giác
ngộ, họ vẫn là tách biệt, dù sự chứng ngộ của họ là giống nhau.
MIKE AUSTIN: Ngài nghĩ gì về bản chất tâm thức của 100 tỉ tỉ tế bào?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Không phải là có một thức thân bao quát hết chúng đó
sao? Chẳng hạn, nơi mà nhãn quan hiện hữu, ngay trong phạm vi vật thể,
nhãn thức duy trì hoặc bao quát cả phạm vi đó. Cùng lúc đó, thức thân
cũng hoạt dụng như vậy. Thức thân biến hành khắp thân thể.
MIKE AUSTIN: Trong mỗi tế bào của con người này, như chúng ta đã thảo
luận trước đây, có hàng ngàn gene, là những phần nhỏ mang mã số hóa học
quyết định tính chất của toàn bộ cơ thể cũng như những chức năng riêng
biệt của tế bào chứa nó. Ngay trong mỗi tế bào đã bao hàm mã số hoàn
chỉnh về toàn bộ con người, nhưng chỉ có một gene được kích hoạt để tạo
ra dạng thể cần thiết cho vai trò của nó, chẳng hạn như móng chân, con
mắt, hay tế bào ngón tay. Ngài cho rằng cái gì đã quyết định thực tế là
chính gene cần thiết mới được kích hoạt mà không phải gene nào khác?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Đây là một chức năng vật lí. Chính là cơ thể, không phải
tâm thức. Sự việc được kiểm soát bởi tâm thức, nhưng cơ thể thực hiện
chức năng đó.
MIKE AUSTIN: Trước đây ngài có nói rằng tâm thức, và vì thế là chúng
sinh, là không có điểm khởi đầu (vô thủy). Vậy thì trí nhớ của một chúng
sinh có thể đi ngược lại đến mức nào trong quá khứ? Vô tận chăng?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Đối với những người không tu tập, khi tâm thức càng trở
nên vi tế - như vào lúc chết - họ càng trở nên ít tỉnh thức hơn. Tuy
nhiên, đối với người có sự tu tập để vận dụng tâm thức, họ lại càng có
sự tỉnh giác lớn hơn và kí ức lớn hơn khi những trạng thái vi tế hơn
được thể hiện. Trong số những người tôi biết, có những vị khi tâm thức
vi tế hơn hiện hành thì họ rõ ràng là có thể nhớ lại đến bảy, tám trăm
hoặc cả ngàn năm trước bằng tâm thức ấy.
MIKE AUSTIN: Trí nhớ ấy có thể nhớ lại được bao xa? Vô hạn chăng?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Để nhớ ngược về một quãng thời gian rất dài, chỉ tạo ra
và vận dụng tâm thức vi tế thôi chưa đủ. Với thời gian lâu xa, rất lâu
xa, cần thiết phải loại bỏ mọi chướng ngại dẫn đến sự toàn tri (nhất
thiết trí). Tôi muốn nói đến sự cảm nhận rất siêu việt với những đối
tượng rất xa trong thời gian và không gian. Chẳng hạn, dù đã có được
năng lực đại thần thông nhưng ngài Xá-lợi-phất vẫn không biết rõ được
những căn cơ rất vi tế của một đệ tử nào đó, nhưng đức Phật thì biết
được.
Mẹ của ngài Mục-kiền-liên đang ở một nơi rất xa xôi về cả thời gian và
không gian và ngài không biết bà ở đâu, nhưng đức Phật biết. Vì đối
tượng có thể cảm nhận một cách siêu việt về thời gian và không gian, nên
sự thể hiện của tâm thức vi tế là chưa đủ. Hành giả còn phải vượt qua
những chướng ngại đối với nhất thiết trí nữa.
MIKE AUSTIN: Có phải ngài muốn nói rằng khi những chướng ngại này được
vượt qua, thì cả không gian và thời gian đều được loại trừ - rằng sự
hiểu biết về những sự kiện ở khắp nơi trong vũ trụ, trong quá khứ, hiện
tại và tương lai đều đồng thời xuất hiện?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Thời gian và không gian đều là tương đối. Chúng là tương
đối so với từng tâm thức cụ thể. Khoảng thời gian đối với chúng ta là
một năm, thì đối với một người có tâm thức vi tế hơn có thể chỉ là một
khoảng thời gian ngắn hơn. Cũng vậy, một người khi đạt được năng lực
thiền định đẳng trì có thể chuyển hóa hay thay đổi một sát-na thành một
kiếp hoặc một kiếp thành một sát-na, nghĩa là, chỉ riêng đối với người
ấy thôi.
MIKE AUSTIN: Kí ức được lưu giữ ở đâu?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Không chỉ là trong não bộ. Vào những quãng thời gian như
chúng ta đang thảo luận, không cần thiết phải có một bộ não. Chỉ riêng
tâm thức có thể hiểu được những sự kiện trong quá khứ. Nhưng phải là với
tâm thức vi tế. Chẳng hạn, khi tâm thức vi tế cực quang hiển lộ vào lúc
lâm chung, bộ não đã hoàn toàn dừng lại. Xét về sự nhận biết của nó, đây
được gọi là thức; và xét về sự kết hợp hay chuyển động hướng đến đối
tượng của nó, đây được gọi là luồng nội khí hay năng lực bên trong. Tâm
thức và luồng nội khí bên trong rất vi tế này là một thực thể bất khả
phân. Chúng là một thực thể được phân chia chỉ trong tư tưởng hoặc bởi
những đối tượng ngược lại.
MIKE AUSTIN: Trong luồng năng lực - tâm thức này còn có những vết tích
hoặc dấu ấn trong đó còn lưu lại mọi kí ức không? Phải chăng chính thời
điểm này cũng đang được ghi lại vào đó?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Đúng vậy. Nếu bạn nhớ lại được kiếp trước của mình, thì
bộ não của kiếp trước đã không còn nữa, và bộ não hiện nay chỉ mới hình
thành, phải không? Thế nên các hình ảnh chỉ có thể được ghi lại trong
tâm thức. Điều này tương tự như những gì mà vị hiệu trưởng của trường
Đại học Virginia đã mô tả với tôi về sự thay đổi hoàn toàn các tế bào
não trong chu kỳ nhiều năm.
MIKE AUSTIN: Năng lượng - tâm thức vi tế nhất này, phải chăng chính là
cái tạo ra sự tách biệt của mỗi một chúng sinh? Có phải chăng đây là
điểm phân biệt căn bản nhất giữa người này và người khác?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Có một “cái tôi” đơn thuần được biểu hiện tùy thuộc vào
sự tương tục của tâm thức. Có hai loại “cái tôi” hay bản ngã: một thô
trọng hơn và một vi tế hơn. Có một “cái tôi” được biểu hiện tùy thuộc
vào thân và tâm thô trọng, và có một “cái tôi” được biểu hiện tùy thuộc
vào tâm thức vi tế và năng lực. Khi cái này hiện hành, thì cái kia không
có.
MIKE AUSTIN: Có phải tâm thức liên quan đến luồng năng lực vi tế nhất
vốn không có điểm khởi đầu, hay nó là công năng thứ yếu của luồng tâm
thức -năng lực được quy về cho chính nó?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Năng lực và tâm thức vi tế và năng lực nội tại chính là
nền tảng để thể hiện “cái tôi” vi tế. Khi bạn nói về sự thể hiện “cái
tôi” trong năng lực của tâm này, người tạo tác không cần thiết phải thực
sự có ở trong đó. Có người đã đặt câu hỏi với một vị Geshe lỗi lạc. Anh
ta hỏi rằng nếu có người ở trong nhà, nhìn vào cây cột, thì cây cột ấy
được xem là tồn tại qua ý tưởng, và anh ta có thể hiểu được điều đó,
nhưng khi không có ai trong nhà, làm sao cây cột ấy hiển thị ra được?
Vị Geshe đáp rằng: “Đúng vậy, dường như khó thật.” Rồi ngay khi người ấy
rời đi, vị Geshe quay sang người bạn bên cạnh và nói: “Này, người này
dường như nghĩ rằng một tâm thức biểu hiện phải được bao quanh và gắn
chặt với mọi đối tượng.” Bởi vậy, bạn thấy đó, điều này có nghĩa như
vậy. Sự kiện một đối tượng thể hiện không thể xác lập tồn tại tuyệt đối
khi tìm kiếm qua phân tích có nghĩa là đối tượng đó nhất thiết chỉ được
thể hiện qua ý niệm trong tâm thức. Khi bạn khảo sát xem nó được thể
hiện do ý thức của người này hay người kia, rốt cùng bạn không thể tìm
thấy ở đâu cả. Điều này được xem như là một kiểu phân tích tột cùng một
thực thể nào đó đang biểu hiện qua khái niệm. Bạn không thể tìm được nó.
Như vậy, việc những vật thể hiện hữu qua ý niệm cũng là không có sự tồn
tại tự hữu. Đó cũng là không.
MIKE AUSTIN: Tôi không chắc là đã hiểu được. Có phải “cái tôi” chính là
tâm thức vi tế?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Cái “tôi” thô động được thể hiện nhờ vào thân và tâm thô
trọng. Nhưng ngay cả khi thân tâm ấy không hoạt động, thì vẫn có “cái
tôi” biểu hiện. Có nghĩa là biểu hiện đối với thân và tâm vi tế đang
hiện hữu. Chẳng hạn, một hành giả Du-già bậc cao có thể biểu hiện tâm
thức vi tế hơn, và cùng một lúc quán sát được các hiện tượng thông
thườn. Đối với vị ấy có một bản năng tự nhiên về “cái tôi” - không phải
trong “cái tôi” thô trọng, mà là một “cái tôi” vi tế hơn được thể hiện
qua tâm và thân vi tế. Chẳng có gì khác để mặc nhiên thừa nhận. Nếu tâm
thức rất vi tế hoặc là luồng năng lượng được mặc nhiên thừa nhận như là
chính “cái tôi”, hẳn phải có sai lầm như đã được nêu ra trong Căn bản
trung quán luận tụng của ngài Long Thụ, rằng người thực hiện và đối
tượng là một, cái biểu hiện và sự biểu hiện, người chiếm hữu và vật bị
chiếm hữu.
Chẳng hạn, khi bạn nói “tâm tôi”, người điều khiển hay chủ nhân là “cái
tôi”. Trong trường hợp bạn đang miêu tả, người làm chủ và đối tượng của
sự làm chủ sẽ là một - điều ấy không thể được. Nếu bạn mặc nhiên thừa
nhận một trong những điều này thực sự là “cái tôi” thì sẽ mắc phải sai
lầm này. Do vậy, điều ấy không đúng.
MIKE AUSTIN: Điều gì sẽ xảy ra trong tâm thức - luồng nội lực vi tế nhất
khi một người được giác ngộ?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Cái “tôi” của một vị Phật, bản ngã của một vị Phật, là
“cái tôi” vi tế này. Ở quả vị Phật sẽ không còn luồng nội khí và tâm thô
trọng. Hoạt dụng của cả năm giác quan đều được tự thực hiện bởi luồng
nội lực và tâm vi tế. Bởi vì đó có nghĩa là tất cả đồng thời hiện hữu.
Đó là tâm thức toàn tri (nhất thiết trí). Thế nên, vào thời điểm tột
cùng của Kim cang dụ định mà hành giả đạt được trong tiến trình hướng
đến bốn chuyển thức, và như vậy nên chỉ có cực quang tâm thức là còn
lại; hành giả không còn tái hiện trở lại mức độ thô trọng của tâm thức
nữa. Như vậy, chỉ có cái “tôi” vi tế được thể hiện trong tâm thức vi tế.
Chẳng hạn, đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện qua thân tướng thô trọng để
chúng ta có thể tiếp xúc được, đối với ngài bạn có thể thừa nhận một
“cái tôi” thô trọng, nhưng đó chỉ là hiện tướng của tâm vi tế kia.
MIKE AUSTIN: Tôi xin hỏi ngài vài điều về tiến trình của ký ức. Khi phôi
người phát triển, nó trải qua tất cả những giai đoạn tiến hóa từ loài cá
đến động vật có vú, v.v... Theo ngài, tại sao phải lập lại mọi tiến
trình như vậy?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Do năm thành tố căn bản và năm luồng nội khí hoặc nội
lực hiện hành đang chi phối thể trạng con người. Phải có điều gì đó tác
động đến sự hình thành thực sự của những luồng nội khí này trong thân
mới, nhưng tôi không biết rõ điều này.
MIKE AUSTIN: Và ký ức từ những phần tạo tác trong quá khứ có sẵn trong
mỗi dòng nội khí đang luân lưu khi chúng tạo ra hình thể vật chất?
ĐẠT-LAI LẠT-MA: Luồng nội khí rất vi tế này chỉ cho dạng rất vi tế của
luồng gió sinh động nâng đỡ thể chất. Luồng khí đi lên - tức gió chuyển
động, có sự liên hệ với giọng nói, nước bọt, và những thứ khác. Luồng
gió hiện hữu khắp nơi có tác dụng trên toàn thân thể. Yếu tố lửa - cùng
với yếu tố gió, có tác dụng tiêu hóa thực phẩm và làm tăng trưởng các
thành tố khác trong cơ thể. Luồng nội khí hướng xuống dưới - luồng gió
bài tiết có tác dụng đối với sự tăng trưởng, duy trì và vận hành tinh
dịch, máu huyết, phân, nước tiểu, v.v...Tôi nhớ không hết chi tiết điều
này.