24/05/2011 09:33 (GMT+7)
Số lượt xem: 1802
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bạn Thân mến:
Pháp môn tu tập căn bản tại Đạo Tràng được bắt đầu từ thiền ngữ:“Mỗi bước đi trong cuộc hành trình là chính cuộc hành trình.” (Every step of the journey is the journey.) Ngay từ khi sáng lập, thiền ngữ này đã được viết và treo ở con đường dẫn vào Đạo Tràng. Tất cả những ai về Đạo Tràng tu học đều được khuyến khích quán niệm và suy tư một cách sâu sắc về câu thiền ngữ này, và đây là bước đầu xây dựng một nền tảng

—ý thức căn bản—cho suốt cuộc hành trình thực tập giáo pháp nhiệm mầu của Đức Như lai. Tất cả lĩnh vực của đời sống kinh nghiệm bản thân: khổ đau, hạnh phúc, và tâm linh đều được thể nghiệm trên nguyên tắc căn bản này. Một vài gợi ý sau đây sẽ giúp bạn nắm bắt ý nghĩa của phương châm này.

 

1. Ước Vọng Chân Thành:

Ước vọng được sống hạnh phúc là nền tảng và là động lực chính cho cuộc sống của chúng ta. Đó là một ước vọng chân thành và tha thiết nhất của con người; ước vọng này luôn luôn có mặt một cách thường trực trong phần sâu thẩm của mỗi tâm hồn, cho dù nó được nói ra hay không. Mọi người đều ước mơ được sống hạnh phúc cho dù tính chất của hạnh phúc được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Về mặt thế tục, chẳng hạn, bạn có thể cho rằng tốt nghiệp đại học là hạnh phúc, có được một việc làm như ý là hạnh phúc, trúng số là hạnh phúc, hay sống chung với người mình thương là hạnh phúc, .v.v. Về mặt tu tập, hạnh phúc cũng có thể được kinh nghiệm qua nhiều cách khác nhau, chẳng hạn có thể an trú lâu dài trong thiền định là hạnh phúc, không bị khuấy nhiễu bởi tham- sân- si là hạnh phúc, giúp đỡ người khác hay làm được một việc lành là hạnh phúc, .v.v. Nói chung, ý nghĩa và tính chất của hạnh phúc được kinh nghiệm một cách đa dạng, tùy theo thực tế của mỗi người khác nhau và hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, điều căn bản là, nếu cuộc sống của bạn không hạnh phúc, dù chỉ là hạnh phúc theo quan niệm cá nhân của bạn, thì mọi thứ mà bạn sở hữu trên trần gian này—tình yêu, tiền bạc, danh vọng, và quyền lực— đều trở thành “vô nghĩa” đối với bạn. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn mong ước và nỗ lực, theo nhiều cách khác nhau hoặc là thế tục hoặc là thánh thiện, để tìm kiếm hạnh phúc.

Ở đây, tuy nhiên, chúng ta không bàn đến cái hạnh phúc mà nó thường được hiểu là sự thỏa mãn của dục vọng hay lòng ham muốn của con người, vì đó là một thứ hạnh phúc mong manh luôn che dấu bên trong chính nó mầm mống của phiền lụy, khổ đau. Vả lại, dục vọng của con người là không bờ bến, do đó sẽ không bao giờ có cái hạnh phúc trọn vẹn nào có thể đáp ứng được dục vọng vô bờ của con người. Hơn thế nữa, chúng ta không có một phương tiện ưu việt nào để có thể bảo đảm rằng cái mà chúng ta cho là hạnh phúc là thường tại vĩnh hằng, vì lẽ mọi thứ luôn trôi chảy theo định luật vô thường, như sự sinh, già, bệnh, chết của thân người. Trên thực tế, cái hạnh phúc mong manh, hay là những cảm giác thỏa mãn đối với sự ham muốn của chúng ta trong phút chốc có thể biến thành khổ đau nếu như chúng không được sinh khởi trên căn bản của các điều thiện. Cũng như trong đời sống hôn nhân và gia đình, nếu không có tình yêu thương thực thụ làm nền tảng, thì mọi cuộc hôn nhân sẽ chóng vánh đổ vỡ.  Do vậy, cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc chân thật mà chúng ta đang bàn đến ở đây không liên quan gì đến con đường tìm kiếm sự thỏa mãn cho các dục vọng đời thường, mà trái lại nó được hiểu trên ý nghĩa căn bản của một đời sống an lạc và tự tại giữa phiền lụy khổ đau. Một cách ngắn gọn, Chúng ta có thể mô tả cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc này là cuộc hành trình “xây dựng nhân gian tịnh độ” hay nói khác hơn là cuộc hành trình dẫn đến “cuộc sống Niết bàn tại trần thế”, cho dù bạn là ai và như thế nào. Tuy nhiên, làm sao để bạn có thể tiến bước một cách vững chãi trong cuộc hành trình mà nó được cắt nghĩa là: “Mỗi bước đi trong cuộc hành trình là chính cuộc hành trình”? Đấy chính là điều mà chúng ta sẽ thảo luận. Điều quan trọng trước hết mà bạn cần lưu ý đó là, để cuộc sống của bạn được hạnh phúc, bạn không thể ngồi yên một chỗ và mãi miết chờ đợi với mơ tưởng rằng một ngày nào đó hạnh phúc sẽ đến gõ cửa nhà bạn; trái lại, bạn phải khởi sự bằng một cuộc hành trình đi đến (kiến tạo) hạnh phúc thực thụ. Tất nhiên, trong mọi cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc, nhất là niềm hạnh phúc trong thực tại-hiện tiền, bạn sẽ luôn luôn gặp phải những trở lực, mà trước hết là những trở lực phát sinh từ nội tâm.

 

2. Trở Ngại Trong Cuộc Hành Trình:

Một trong những trở ngại lớn nhất của bạn trên con đường tìm kiếm hạnh phúc đó là khi khát vọng hạnh phúc của bạn bị thôi thúc bởi ý niệm về thời gian và sự nao núng trong chờ đợi, vì trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, trước mắt bạn thường xuyên xuất hiện hai thái cực: bên này là khổ đau, bên kia là hạnh phúc, và bạn là người đang lao đao ở khoảng giữa. Từ trong đáy thẳm của tâm thức, bạn cứ ghì chặt cái suy nghĩ rằng bạn là con người trần tục đang đắm chìm trong bao nỗi khổ trầm luân; do vậy, để đi đến miền hạnh phúc thực thụ hay cõi tịnh độ, bạn thường tự cho rằng mình phải vượt qua bao gian khổ của thế gian, phải từ bỏ thế gian, rồi mới có thể đạt đến miền hạnh phúc của tịnh độ. Có khi bạn đi xa hơn nữa bằng cách nuôi ý tưởng rằng, có lẽ phải chờ đến lúc chết rồi mới hy vọng có thể sinh sang cõi tịnh nhờ vào một vài việc thiện nhỏ nhoi mà mình đã làm trong đời và nhờ vào sự tế độ của Đức Phật A Di Đà; còn đời sống hiện tại của bạn chắc không làm được gì! Vì lẽ, trong ý thức tự nhiên của tâm phân biệt, bạn luôn cho rằng, nhân gian và tịnh độ là hai cõi hoàn toàn khác nhau, cũng như hạnh phúc và khổ đau, chúng kkông hề có một sự liên kết nào giữa hai thế giới này. Đó là một suy nghĩ dù chất phác, chân thành, nhưng rất phiến diện; chính cái suy nghĩ này là một trở lực lớn lao, nó lôi kéo bạn về với bao khổ đau tư lự thay vì đẩy bạn đi tới trước. Do đó, câu thiền ngữ: “Mỗi bước đi trong cuộc hành trình là chính cuộc hành trình.” là một tiếng chuông đánh thức và cảnh tỉnh bạn, rằng đừng bao giờ chờ đến khi kết thúc cuộc hành trình rồi sẽ được hạnh phúc, mà hãy sống hạnh phúc trong từng hơi thở của bạn; hay nói khác hơn, hạnh phúc nằm ngay nơi mỗi bước đi của bạn trong suốt cuộc hành trình! Hãy lấy một thí dụ. Khi lên mười tám tuổi, bạn nghĩ rằng sau khi tốt nghiệp đại học, bạn sẽ được hạnh phúc—thoát khỏi nợ đèn sách. Nhưng thực tế, niềm vui của ngày tốt nghiệp kéo dài chẳng bao lâu! Đối diện với cuộc sống thực tế, bạn lại tiếp tục nghĩ rằng có được việc làm như ý là hạnh phúc. Nhưng khi đã có được việc làm như ý, thì cái hạnh phúc đó cũng dần dần phai mờ bởi những mệt mỏi, gian truân trong công việc. Rồi bạn lại tiếp tục nghĩ rằng khi nào có được một cuộc hôn nhân như ý là hạnh phúc. Đến khi lập gia đình, thì cái hạnh phúc của hôn nhân cũng dần dần phai tàn theo năm tháng với bao phiền não, lo âu, và buồn bực. Rồi, bạn cứ như thế tiếp tục lao đao từ ước vọng này đến ước vọng khác—nhà cửa, xe cộ, tình yêu, tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền lực—mãi cho đến hồi kết cuộc của giòng đời luôn thay đổi. Cuối cùng, mọi thứ hóa ra đều là giấc mộng! Trước lúc bạn bị buộc phải từ giã cõi đời, nhất là trong khoảnh khắc đối diện với những khát vọng thầm kín, bệnh tật, già nua và tử biệt, thực tế có mấy ai được hạnh phúc, hay cái còn lại trong tay chỉ là sự “đau yếu giữa hành trình, chỉ còn mộng tôi phiêu lãng”? Cũng vậy, trên con đường tu tập, bạn đừng bao giờ cho rằng phải chờ đến khi chết rồi mới được sinh sang cõi Tịnh độ hay thành tựu mục đích tu tập—đời sống an lạc giải thoát mọi lụy phiền, khổ đau. Trái lại, bạn nên ý thức một cách rõ ràng và nghiêm túc rằng “Mỗi bước đi trong cuộc hành trình là chính cuộc hành trình.”

3. Mỗi Bước Đi:

Thực tập “thể nghiệm trong mỗi bước đi” là một pháp môn căn bản, được truyền dạy bởi chính Đức Phật. Từ Phật giáo truyền thống đến Phật giáo phát triển của các tông phái đều lấy pháp môn này làm nền tảng cho sự tu tập. Hãy lấy một thí dụ trong thiền định. Chúng ta biết rằng, mục đích tối hậu của thiền định là đạt đến an lạc, giải thoát, và giác ngộ. Nhưng để thực thụ đạt được sự giác ngộ tối hậu như sự giác ngộ của Đức Phật, bạn phải thực tập không phải chỉ bao nhiêu năm hay bao nhiêu đời mà đủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, để đạt đến sự an lạc giải thoát, tất nhiên là theo từng cấp độ, bạn không nhất thiết phải chờ đến bao nhiêu năm rồi mới thành tựu, mà trái lại bạn có thể đạt được sự an lạc giải thoát ngay trong từng giây phút hiện tiền. Đấy là lí do tại sao Đức Phật, trong kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anapanasati sutta, M.118.), dạy chúng ta căn cứ sự hành trì của mình không phải trên các quả vị như Thanh Văn hay Bồ Tát, mà trên từng hơi thở ra, hơi thở vào, trên từng loại cảm thọ, cảm thọ bất an, cảm thọ an lạc, cảm thọ tự nhiên—không khổ, không lạc (neutral), .v.v. Tương tự như thế đối với pháp môn Tịnh Độ. Bạn đừng nghĩ rằng phải niệm bao nhiêu lần (chuỗi) Phật hiệu thì mới được vãng sinh sang cõi tịnh, mà vấn đề cốt yếu nằm ở chỗ từng tiếng niệm Phật của bạn có đầy đủ sự nhất tâm, chánh niệm, và lòng chí thành hay không? Do đó, thực tập “thể nghiệm trong mỗi bước đi” trước hết bạn cần phải từ bỏ mọi tâm lý nôn nóng, lật đật, chờ đợi trong cuộc hành trình tu tập của mình; và thay vào đó, bạn hãy dồn hết tâm lực vào từng hơi thở hay từng tiếng niệm Phật một cách trọn vẹn. Vấn đề là, thay vì phải chờ đợi một ngày nào đó sẽ được tái sinh vào một cõi tốt đẹp và phúc lạc, bạn hãy sống tốt đẹp và phúc lạc trong từng hơi thở của hiện tại, bất kể bạn đang ở đâu và như thế nào. Nếu không thực tập được như thế, thì lòng nôn nóng và sự chờ đợi của bạn dù chí thành và tha thiết đến đâu cũng chẳng ích lợi gì! Trái lại, chính những tâm lí vọng động đó luôn khuấy nhiễu sự bình an trong tâm hồn của bạn, nó rốt cuộc sẽ đẩy bạn vào thế giới của vọng tưởng, mê lầm.

Ý niệm về thời gian “tịch nhiên” của Ngài Tăng Triệu sẽ là một cách tư duy bổ ích có thể giúp bạn vững chải trong khi thực tập pháp môn “thể nghiệm trong mỗi bước đi”. Chúng ta biết rằng, đời sống của con người được giới hạn trong một thời gian nhất định nào đó, có thể là 70 năm cho đến 100 năm. Do đó, bạn nên khéo léo tận dụng thời gian của mình sao cho đừng để các mơ tưởng lấn áp đời sống thực tại. Dầu biết rằng sinh-lão-bệnh-tử là qui luật điều phối cuộc sống của chúng ta, nhưng khi đang là thiếu niên, bạn không phải là một ông già; khi đang là thanh niên, bạn cũng không phải là một ông già; khi đang là trung niên, bạn cũng không phải là một ông già. Không thể nào một thiếu niên bỗng nhiên trong phút chốc biến thành ông già. Đó là ý nghĩa của thời gian “tịch nhiên”. Vậy thì, kẻ khôn ngoan sẽ không đánh mất cái hạnh phúc của tuổi thanh xuân chỉ vì anh ta biết rằng trước sau gì thì mình cũng già nua và tử biệt. Bạn nên ý thức rằng, khi nào bạn còn làm chủ được bản thân của mình một cách lành mạnh, nghĩa là, còn nghe được, nói được, ăn được, uống được, ngủ được, đi đứng nằm ngồi được, và ý thức được một cách sáng suốt những điều mình làm, đó chính là cái hạnh phúc lớn lao và kỳ diệu của đời sống. Bạn hãy thử quán sát thật sâu sắc nỗi khổ của những người bệnh tật, không ăn được, không ngủ được, không nghe được, không thấy được, không thể đi đứng nằm ngồi một cách tự nhiên được, .v.v. Nếu bất chợt mình bị rơi vào một hoàn cảnh như thế thì quả thật là bất hạnh biết bao! Thật là tội nghiệp cho những ai đã không ý thức được điều này, đành phải phải đánh mất thời gian tịch nhiên của mình bằng cách chôn vùi cuộc sống hạnh phúc và kỳ diệu của chính bản thân mình trong những mộng tưởng hão huyền; cứ lao đao, vất vả với những gì mình không có (mơ tưởng) mà không hề sống hạnh phúc với những gì mình đang có—đời sống thực tại-hiện tiền. Chúng ta thấy rằng, những người lớn sẽ cảm xúc trong niềm an lạc biết bao khi thấy một đứa trẻ hành sử theo cách thức ngây ngô của nó—lôi kéo tay chân hay ôm chặt lấy cha mẹ chẳng hạn; ngược lại người ta sẽ cảm nhận một điều gì đó không bình thường khi thấy một đứa trẻ ngồi vút càm, than thở, lắc đầu!

Cuộc hành trình tu tập cũng như thế. Bạn đừng vội vã cho rằng con người tội lỗi là đáng sợ, nhưng cái đáng sợ thực thụ là khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi! Bao lâu bạn còn ý thức về lỗi lầm, thì bấy lâu bạn còn có khả năng tu tập và điều chỉnh những lỗi lầm vụng dại của mình. Do đó, trên con đường tu tập, bạn đừng bận tâm đến cái mục tiêu xa xôi ở đoạn kết của cuộc hành trình, mà trái lại điều cần quan tâm chính là “mỗi bước đi” của bạn trong suốt cuộc hành trình, vì “mỗi bước đi” nối kết lại sẽ làm nên một cuộc hành trình. Nếu không có từng bước đi vững chải này, bạn chắc chắn sẽ không bao giờ đạt đến mục tiêu cuối cùng của một cuộc hành trình.

 

4. Hành Trang Thực Thụ:

Trong tiến trình tu tập, chúng ta thường bị chi phối bởi cái ý niệm phân biệt rằng Niết bàn hay Tịnh độ là một thế giới hoàn toàn khác với cuộc sống của chúng ta, và rằng thế giới của niềm phúc lạc vô biên đó không bao giờ hiện hữu trên cõi dương gian này. Chính vì suy nghĩ như thế mà bạn lầm tưởng hoặc cố chấp rằng phải lìa thế gian mới có thể sinh vào Tịnh độ. Ở đây, bạn nên nhớ rằng, tư tưởng của Phật giáo Đại thừa luôn nhấn mạnh đến việc xây dựng “một tâm hồn Tịnh độ” và “một con người Tịnh độ” ngay nơi mặt đất gồ ghề, cấu nhiễm này bằng cách ngôn rằng “sinh tử tức Niết bàn” hay “phiền não tức Bồ đề”. Vì lẽ, nếu không có một tâm hồn Tịnh độ, một con người Tịnh độ ở đây, ngay trên mảnh đất cấu uế và bất tịnh này, thì làm sao có một “linh hồn Tịnh độ” được chuyển sinh qua bên kia thế giới! Chúng ta chẳng phải vẫn thường nghe cách ngôn “tâm tịnh, Phật độ tịnh” đó sao! Hãy lấy một thí dụ, một căn nhà nếu chứa toàn than đỏ thì nơi đó được gọi là hầm lửa; cũng cùng một căn nhà đó, nếu chứa đầy heo thì gọi là chuồng heo; nếu chứa các học sinh, thì gọi là trường học; nếu chứa các bệnh nhân thì gọi là bệnh viện; nếu chứa các thiền sư và thiền sinh, thì gọi là thiền viện, .v.v. Tương tự như thế, nếu con người của bạn chất chứa đầy ắp những sân si, thù oán và phiền muộn thì con người của bạn và thế giới của bạn hẳn là khổ đau (địa ngục trần gian); ngược lại nếu bạn sống bằng/với bốn tâm vô lượng—từ, bi, hỷ, xả, thì con người của bạn và thế giới của bạn hẳn là an lạc tự tại, mặc dầu bạn chưa hoàn toàn giải thoát mọi ràng buộc của thế gian như sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng dù sao, khi sống với bốn tâm vô lượng, bạn đã thực thụ xây dựng cho chính bạn nguồn năng lượng có thề nuôi lớn một tâm hồn Tịnh độ và một con người Tịnh độ. Do đó, thay vì ngồi ôm khát vọng vãng sinh Tịnh độ và mơ tưởng về một cuộc hành trình xa xôi hướng về miền Tịnh độ, thì tốt nhất ngay bây giờ và ở đây bạn hãy thực tập pháp môn “mỗi niệm Tịnh độ”. Bạn nên nhớ rằng, đây không phải là một pháp môn hiện đại được sáng chế bởi người viết, mà nó đã được Đức Phật dạy cách đây hàng nghìn năm. Bạn hãy thành tựu Tịnh độ một cách trọn vẹn ngay trong mỗi sát na tâm hay mỗi tiếng niệm Phật của mình bằng sự “nhất tâm bất loạn”, đừng để các niệm tham, sân, si, mạn, .v.v. lấn áp và khuấy nhiễu bạn với ước hẹn về một thế giới tịnh độ-mông lung của vọng tưởng điên đão. Để đạt đến một sự nhất tâm trọn vẹn, trong các pháp môn dù thiền hay tịnh, bạn cần phải cẩn thận gìn giữ chánh niệm, tỉnh giác trong từng hơi thở hay trong từng tiếng niệm Phật. Thức tế là, nếu bạn không thể giữ chánh niệm và giác tỉnh trong từng hơi thở, thì bạn khó thể thực tập thiền định; cũng vậy, nếu bạn không chánh niệm và giác tỉnh trong từng Phật hiệu, thì bạn khó có thể đạt đến một niệm nhất tâm—vốn là suối nguồn của mọi sự tịnh-lạc mang đặc tính Niết bàn. Đây là nguyên tắc căn bản và là hành trang thực thụ của mọi cuộc hành trình tu tập.

Nói tóm lại, để thành tựu cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho cả đời này và đời sau, cho cả hai miền nhân gian và tịnh quốc, bạn không nên quá bận tâm đến một cuộc hành trình xa xôi với nhiều ước vọng, khát khao, và chờ đợi; thay vào đó bạn nên nỗ lực thực tập pháp môn “mỗi niệm Tịnh độ”, có nghĩa là, trước hết hãy xây dựng cho chính bạn một tâm hồn Tịnh độ, một con người Tịnh độ, và hãy đi một cách vững chải từng bước đi Tịnh độ ngay tại thế giới này. Ở đây, bạn chỉ cần hiểu một cách ngắn gọn rằng bản chất của Tịnh độ vốn là một tâm thức hay một cảnh giới trong sạch, không bị cấu nhiễm bởi các phiền não của tham, sân, si và đầy đủ các công đức; đó là một cảnh giới vượt lên trên mọi chiều kích của vọng tưởng mê lầm mà kinh bảo rằng bằng sự “nhất tâm bất loạn”, bạn có thể tốc hành đến đó trong thời gian chỉ bằng khảy móng tay (đàn chỉ); và đó là trú xứ của những ai sống thiện và hành thiện theo con đường của Phật. Tuy nhiên, để đạt đến một tâm thức Tịnh độ và một cảnh giới Tịnh độ thực thụ, bạn phải bước vào một cuộc hành trình tu tập; và nên nhớ rằng, “mỗi bước đi trong cuộc hành trình là chính cuộc hành trình.” Xin cầu nguyện cho bạn sớm thành tựu. Và xin mời bạn hãy đến Đạo Tràng (nếu có dịp) để chúng ta cùng nhau thực tập giáo pháp nhiệm mầu của Đức Như Lai.

                                                 (Trích: Khai Thien, Foundation of Your Spiritual Journey)


Âm lịch

Ảnh đẹp