2)
Luật nhân quả hay sự tương quan giữa nguyên nhân và kết quả trong luật
về “Nghiệp” của Phật giáo. Mọi hành động là nhân sẽ có kết quả hay hậu
quả của nó. Giống như vậy, mọi hậu quả đều có nhân của nó. Luật nhân quả
là luật căn bản trong Phật giáo chi phối mọi hoàn cảnh. Luật ấy dạy
rằng người làm việc lành, dữ hoặc vô ký sẽ nhận lấy hậu quả tương đương.
Người lành được phước, người dữ bị khổ. Nhưng thường thường người ta
không hiểu chữ phước theo nghĩa tâm linh, mà hiểu theo nghĩa giàu có,
địa vị xã hội, hoặc uy quyền chánh trị. Chẳng hạn như người ta bảo rằng
được làm vua là do quả của mười nhân thiện đã gieo trước, còn người chết
bất đắc kỳ tử là do trả quả xấu ở kiếp nào, dầu kiếp này người ấy không
làm gì đáng trách
3)
Nhân quả là một định luật tất nhiên nêu rõ sự tương quan, tương duyên
giữa nhân và quả, không phải có ai sinh, cũng không phải tự nhiên sinh.
Nếu không có nhân thì không thể có quả; nếu không có quả thì cũng không
có nhân. Nhân nào quả nấy, không bao giờ nhân quả tương phản hay mâu
thuẫn nhau. Nói cách khác, nhân quả bao giờ cũng đồng một loại. Nếu muốn
được đậu thì phải gieo giống đậu. Nếu muốn được cam thì phải gieo giống
cam. Một khi đã gieo cỏ dại mà mong gặt được lúa bắp là chuyện không
tưởng:
4)
Một nhân không thể sinh được quả, mà phải được sự trợ giúp của nhiều
duyên khác, thí dụ, hạt lúa không thể nẩy mầm lúa nếu không có những trợ
duyên như ánh sáng, đất, nước, và nhân công trợ giúp. Trong nhân có quả,
trong quả có nhân. Chính trong nhân hiện tại chúng ta thấy quả vị lai,
và chính trong quả hiện tại chúng ta tìm được nhân quá khứ. Sự chuyển từ
nhân đến quả có khi nhanh có khi chậm. Có khi nhân quả xãy ra liền nhau
như khi ta vừa đánh tiếng trống thì tiếng trống phát hiện liền. Có khi
nhân đã gây rồi nhưng phải đợi thời gian sau quả mới hình thành như từ
lúc gieo hạt lúa giống, nẩy mầm thành mạ, nhổ mạ, cấy lúa, mạ lớn thành
cây lúa, trổ bông, rồi cắt lúa, vân vân, phải qua thời gian ba bốn
tháng, hoặc năm sáu tháng. Có khi từ nhân đến quả cách nhau hằng chục
năm như một đứa bé cắp sách đến trường học tiểu học, đến ngày thành tài
4 năm đại học phải trải qua thời gian ít nhất là 14 năm. Có những trường
hợp khác từ nhân đến quả có thể dài hơn, từ đời trước đến đời sau mới
phát hiện:
5)
Hiểu và tin vào luật nhân quả, Phật tử sẽ không mê tín dị đoan, không ỷ
lại thần quyền, không lo sợ hoang mang. Biết cuộc đời mình là do nghiệp
nhân của chính mình tạo ra, người Phật tử với lòng tự tin, có thêm sức
mạnh to lớn sẽ làm những hành động tốt đẹp thì chắc chắn nghiệp quả sẽ
chuyển nhẹ hơn, chứ không phải trả đúng quả như lúc tạo nhân. Nếu làm
tốt nữa, biết tu thân, giữ giới, tu tâm, nghiệp có thể chuyển hoàn toàn.
Khi biết mình là động lực chính của mọi thất bại hay thành công, người
Phật tử sẽ không chán nản, không trách móc, không ỷ lại, có thêm nhiều
cố gắng, có thêm tự tin để hoàn thành tốt mọi công việc. Biết giá trị
của luật nhân quả, người Phật tử khi làm một việc gì, khi nói một lời
gì, nên suy nghĩ trước đến kết quả tốt hay xấu của nó, chứ không làm
liều, để rồi phải chịu hậu quả khổ đau trong tương lai:
II. Nghiệp: Karma (skt)—Kamma (p)
Ý nghĩa của Nghiệp: Nghiệp là một trong các giáo lý căn bản
của Phật giáo. Mọi việc khổ vui, ngọt bùi trong hiện tại của chúng ta
đều do nghiệp của quá khứ và hiện tại chi phối. Hễ nghiệp lành thì được
vui, nghiệp ác thì chịu khổ. Vậy nghiệp là gì? Nghiệp theo chữ Phạn là
‘karma’ có nghĩa là hành động và phản ứng, quá trình liên tục của nhân
và quả. Luân lý hay hành động tốt xấu (tuy nhiên, từ ‘nghiệp’ luôn được
hiểu theo nghĩa tật xấu của tâm hay là kết quả của hành động sai lầm
trong quá khứ) xảy ra trong lúc sống, gây nên những quả báo tương ứng
trong tương lai. Cuộc sống hiện tại của chúng ta là kết quả tạo nên bởi
hành động và tư tưởng của chúng ta trong tiền kiếp. Đời sống và hoàn
cảnh hiện tại của chúng ta là sản phẩm của ý nghĩ và hành động của chúng
ta trong quá khứ, và cũng thế các hành vi của chúng ta đời nay, sẽ hình
thành cách hiện hữu của chúng ta trong tương lai. Nghiệp có thể được gây
tạo bởi thân, khẩu, hay ý; nghiệp có thể thiện, bất thiện, hay trung
tính (không thiện không ác). Tất cả mọi loại nghiệp đều được chất chứa
bởi A Lại Da và Mạt Na thức. Chúng sanh đã lên xuống tử sanh trong vô
lượng kiếp nên nghiệp cũng vô biên vô lượng. Dù là loại nghiệp gì, không
sớm thì muộn, đều sẽ có quả báo đi theo. Không một ai trên đời này có
thể trốn chạy được quả báo.
Nghiệp và Quả Báo:
Như trên đã nói, nghiệp là sản phẩm của thân, khẩu, ý, như hạt giống
được gieo trồng, còn quả báo là kết quả của nghiệp, như cây trái. Khi
thân làm việc tốt, khẩu nói lời hay, ý nghĩ chuyện đẹp, thì nghiệp là
hạt giống thiện. Ngược lại thì nghiệp là hạt giống ác. Chính vì vậy mà
Đức Phật dạy: “Muốn sống một đời cao đẹp, các con phải từng ngày từng
giờ cố gắng kiểm soát những hoạt động nơi thân khẩu ý chớ đừng để cho
những hoạt động nầy làm hại cả ta lẫn người.” Nghiệp và quả báo tương
ứng không sai chạy. Giống lành sanh cây tốt quả ngon, trong khi giống
xấu thì cây xấu quả tệ là chuyện tất nhiên. Như vậy, trừ khi nào chúng
ta hiểu rõ ràng và hành trì tinh chuyên theo luật nhân quả hay nghiệp
báo, chúng ta không thể nào kiểm soát hay kinh qua một cuộc sống như
chúng ta ao ước đâu. Theo Phật Pháp thì không có thiên thần quỷ vật nào
có thể áp đặt sức mạnh lên chúng ta, mà chúng ta có hoàn toàn tự do xây
dựng cuộc sống theo cách mình muốn. Nếu chúng ta tích tụ thiện nghiệp,
thì quả báo phải là hạnh phúc sướng vui, chứ không có ma quỷ nào có thể
làm hại được chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta gây tạo ác nghiệp, dù có
lạy lục van xin thì hậu quả vẫn phải là đắng cay đau khổ, không có trời
nào có thể cứu lấy chúng ta..
Nghiệp đi vào tiềm thức như thế nào?: Khi chúng ta hành động, dù
thiện hay ác, thì chính chúng ta chứng kiến rõ ràng những hành động ấy.
Hình ảnh của những hành động này sẽ tự động in vào tiềm thức của chúng
ta. Hạt giống của hành động hay nghiệp đã được gieo trồng ở đấy. Những
hạt giống này đợi đến khi có đủ duyên hay điều kiện là nẩy mầm sanh cây
trổ quả. Cũng như vậy, khi người nhận lãnh lấy hành động của ta làm, thì
hạt giống của yêu thương hay thù hận cũng sẽ được gieo trồng trong tiềm
thức của họ, khi có đủ duyên hay điều kiện là hạt giống ấy nẩy mầm sanh
cây và trổ quả tương ứng.
Làm thế nào để chúng ta triệt tiêu nghiệp?: Đức Phật dạy nếu ai đó
đem cho ta vật gì mà ta không lấy thì dĩ nhiên người đó phải mang về, có
nghĩa là túi chúng ta không chứa đựng vật gì hết. Tương tự như vậy, nếu
chúng ta hiểu rằng nghiệp là những gì chúng ta làm, phải cất chứa trong
tiềm thức cho chúng ta mang qua kiếp khác, thì chúng ta từ chối không
cất chứa nghiệp nữa. Khi túi tiềm thức trống rỗng không có gì, thì không
có gì cho chúng ta mang vác. Như vậy làm gì có quả báo, làm gì có khổ
đau phiền não. Như vậy thì cuộc sống cuộc tu của chúng ta là gì nếu
không là đoạn tận luân hồi sanh tử và mục tiêu giải thoát rốt ráo được
thành tựu..
Phân Loại Nghiệp
Nhị Nghiệp: Có hai loại nghiệp hoặc tốt hoặc xấu, hoặc cố ý hoặc không
cố ý.
Tam Nghiệp: Có nhiều loại nghiệp, nhưng đại để có ba loại: thân nghiệp,
khẩu nghiệp và ý nghiệp..
Tứ Nghiệp:
Lục Nghiệp:
Thập Nghiệp: Thập ác và thập thiện—Thập Ác, and Thập Thiện Nghiệp.
III. Luân Hồi (ThíchTâm
Thiện)
A. Dẫn nhập
Luân hồi là một thể tài rất
sinh động và rất quan tâm đối với con người. Chết rồi sẽ đi đâu về đâu?
Tại sao sinh, rồi tái sinh? Có cõi âm hay không? v.v... Ðó là những dấu
hỏi lơ lửng trong tâm của phần lớn nhân loại. Các nền tín ngưỡng và tôn
giáo trên thế giới đều có những quan niệm khác nhau về luân hồi. Riêng
đối với Phật giáo, luân hồi không phải là một giáo lý đặc thù, cũng
không phải là một vấn đề triết học cơ bản, nhưng nó là một sự thật hiển
nhiên đối với những con người còn bị trầm luân trong sanh tử khổ đau. Do
đó, trong các kinh điển của cả Nam tạng và Bắc tạng đề thảng hoặc đề cập
đến các vấn đề luân hồi, như là một hiện tượng trôi chảy của những đời
sống nối tiếp nhau. Ðặc biệt là trong Bổn Sinh (Tiểu Bộ kinh) đã ghi lại
các mẩu chuyện tiền thân của Ðức Phật, như là một xác chứng hùng hồn về
cuộc sống luân hồi của vị đại Bồ tát.
B. Nội dung
I. Ðịnh nghĩa:
Luân hồi, tiếng Phạn là
samsàra, có nghĩa là sự chuyển sinh, sự chuyển tiếp, sự diễn tiến liên
tục của những kiếp sống; và sự chuyển sinh liên tục đó, thường được biểu
thị bằng bánh xe (cakka) và được gọi là bánh xe luân hồi (samsaracakka):
Chúng ta có thể hình dung
bánh xe luân hồi như là một "vòng tròn sinh sinh - hóa hóa" của đời sống
của muôn loài chúng sanh. Trên vòng tròn ấy, không có điểm khởi đầu cũng
không có điểm kết thúc, và bánh xe ấy cứ quay mãi trong vòng trầm luân
của sanh tử khổ đau cho đến khi nào con người tu tập và đạt đến sự giải
thoát tối thượng. Ðức Phật dạy:
"Ðêm dài đối với kẻ thức
Ðường dài đối với kẻ mệt
Luân hồi dài đối vớ kẻ ngu
Không biết rõ chân diệu pháp"
II. Nội dung luân hồi:
Sau khi thành thạo đạo cội
bồ đề, một trong những tuyên ngôn (khải hoàn ca) đầu tiên của Ðức Phật
đã được cất lên giữa dòng đời với nội dung giải thoát vòng luân hồi -
trầm luân, đã được ghi lại trong kinh tạng như sau:
Trong lòng sống chết vô tận
Ta đi mãi không dừng
Từ bào thai này sang bào thai khác
Ðuổi theo người chủ ngôi nhà
(trong vòng luân hồi)
Chủ nhà ! Ta đã nắm được ngươi rồi
Ngươi không cất nhà lại được
Cột kèo đã gãy hết
Mái, rường đã sụp đổ
Tâm lìa hết tạo tác
Tất cả đã diệt trừ xong
(giải thoát khỏi vòng luân hồi). (Pháp cú - 153-154)
1. Luân hồi - tái sinh:
Qua bài kinh trên, chúng ta
thấy rõ Ðức Phật đã xác định sự thật về luân hồi một cách cụ thể qua
hình ảnh tái sinh (từ bào thai này sang bào thai khác). Tái sinh
(reincarnation) là sự trở lại một đời sống mới hoặc cao hơn, hoặc thấp
hơn hoặc như cũ trong lục đạo (trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ,
súc sinh) sau khi đã kết thúc một chu kỳ sống (life cycles), hay cò gọi
là thọ mạng đã hết - chết.
Thông thường, khi nói đến
luân hồi - tái sinh, trong phật giáo thường đề cập đến hai khái niệm cơ
bản về sự sinh tử, đó là:
a. Chu kỳ sinh tử của từng
sát na
b. Chu kỳ sinh tử của một
đời sống
- Về chu kỳ sinh tử của
từng sát na, vì nó diễn ra quá nhanh chóng như sự sinh ra rồi mất đi của
một làn chớp (điện chớp) mà thuật ngữ Phật học gọi là "niệm niệm - sinh
diệt" (sự sinh tử diễn ra trong từng ý niệm), do đó vấn đề chỉ được bàn
đến trên một bình diện cao hơn, như trong thiền định, hoặc các cảnh giới
của tâm thức v.v...
- Về chu kỳ sinh tử của một
đời sống, do tính cách giới hạn của một chu kỳ sống, nghĩa là có thể ghi
nhận qua bốn giai đoạn: sanh, lão, bệnh, tử và/ hoặc sinh thành (sinh),
tồn tại (trụ), biến chuyển (dị) và hoại diệt (diệt) của một chúng sinh,
nên chu kỳ này trở thành chủ đề trung tâm khi nghiên cứu về luân hồi-tái
sinh.
Theo quan điểm của Phật
giáo, tất cả muôn loài chúng sinh phải chịu sự chi phối của định luật vô
thường. Ðối với con người, vô thường chính là sự biểu hiện của sinh,
lão, bệnh, tử của mỗi kiếp sống, và cứ mỗi kiếp sống như thế đều được
giới hạn bởi hai đầu sinh và tử. Tuy nhiên, sinh và tử chỉ là sự bắt
đầu và hoàn tất của một chu kỳ, Như thế, khi thân xác này hủy hoại, cái
gì sẽ tiếp tục tái sinh - mở đầu một kiếp sống mới? Ðây là then chốt để
tìm hiểu về luân hồi.
Kinh trung bộ (Majjhima
Nikaya - 135), Ðức Phật dạy rằng: "Con người là chủ nhân của nghiệp, là
kẻ thừa tự nghiệp, là quyến thuộc của nghiệp; nghiệp là thai tạng mà đó
con người được sinh ra".
Từ lời dạy trên, chúng ta
thấy rằng nghiệp (karma) luôn luôn có mặt cùng với sự có mặt của con
người. Và khi chết, thì thân thể vật lý này tan hoại, còn nghiệp vẫn còn
tiếp tục trôi lăn theo dòng trầm luân của nó (hoặc thiện nghiệp, hoặc ác
nghiệp). Nhưng nghiệp không phải là linh hồn bất tử để nối kết các kiếp
sống, vì bản thân nó là vô ngã. Tuy nhiên, chính nghiệp là cơ sở, là
điểm trung tâm, để qua đó, vòng luân hồi xoay chuyển. Vậy, nghiệp là gì?
Nghiệp là hành động có tác
ý, hay hành động được phát sinh từ tâm; và thông qua hành động của thân,
miệng và ý mà nghiệp được hình thành. Nói đến nghiệp là nói đến thiện ác
trong tương quan nhân quả; và trong mối tương quan đó, động cơ chính để
kiến tạo nghiệp là tham, sân, si (ác nghiệp) và ngược lại là không
tham, không sân, không si (thiện nghiệp).
Từ đây, chúng ta thấy rõ
rằng, chính tâm lý của mình là cơ sở để tạo nên nghiệp của mỗi người.
Con người là kẻ quyết định cái nghiệp của mình - cái định nghiệp do mình
tạo tác. Và cũng chính con người là kẻ duy nhất có thể giải thoát mọi
nghiệp lực của mình, đi ra khỏi vòng luân hồi tái sinh.
2. Nghiệp và tái sinh:
Trong đạo Phật, nghiệp được
trình bày gồm nhiều loại, nhưng nghiệp cơ bản là thân nghiệp, khẩu
nghiệp và ý nghiệp. Về mặt tính chất, nghiệp được phân thành bốn loại
như sau:
a. Cực trọng nghiệp
(weighty karma):
nghiệp loại nặng như giết cha mẹ, giết người v.v...
b. Tập quán nghiệp
(habitual karma):
nghiệp do thói quen hình thành.
c. Tích lũy nghiệp (strored
up karma): nghiệp do tích tụ từ cuộc sông thường ngày.
d. Cận tử nghiệp
(death-proximate karma): nghiệp lúc sắp chết.
Như đã trình bày, trong
suốt vòng luân lưu của sinh tử, tử sinh, từ đời sống này sang đời sống
khác, nghiệp bao giờ cũng đóng vai trò trung tâm của sự luân chuyển. Tuy
nhiên, trong lĩnh vực tái sinh (reincarnation), thì cận tử nghiệp là
điều kiện quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến sự tái sinh. Cận tử
nghiệp, trên một góc độ nào đó, có thể nói là hệ quả được cô kết trong
suốt đời sống của một kiếp người; đồng thời, nó cũng là dòng nghiệp thức
mạnh nhất, thúc đẩy thần thức của con người trước, trong hoặc sau khi
chết tìm kiếm một sự tái sinh.
Thông thường khi sinh tiền,
con người làm lành hay làm ác, các hành động (của thân, miệng ý) đó đều
được lưu vào trong Tàng thức (Alaya) như những hạt giống được gieo vào
và nằm im trong lòng đất, cho đến khi sắp chết hoăc chết, thân thể và
các quan năng không còn hoạt động, lúc bấy giờ chỉ có tâm thức hoạt
động. tuy nhiên, tâm thức lúc đó không phải là tâm thức ở trạng thái
định tĩnh, tự chủ, linh hoạt v.v.., mà trái lại nó rơi vào trạng thái
bất tỉnh, hôn mê, hoảng hốt, phách lạc hồn xiêu ...Và ngay lúc bấy giờ,
mọi tạo tác của con người, hoặc thiện hoặc ác (còn gọi là thiện nghiệp
hoặc ác nghiệp), từ trong quá khứ (khi còn sống) sẽ tạo thành dòng
nghiệp thức gồm những ý lực cực mạnh để thôi thúc thần thức của con
người đi tìm cảnh giiới tái sinh. Cần lưu ý rằng, các tập quán, thói
quen, nhất là sự luyến ái, chấp thủ khi còn sống sẽ ảnh hưởng rất lớn
đến cận tử nghiệp. Do đó, nếu sống an lạc thì cũng chết an lạc. Sống còn
khổ đau vì tham, sân, si thì đương nhiên chết cũng khổ đau như thế. Vì
sống và chết chỉ xuất hiện trên một tiến trình, như thức và ngủ. Vì vậy,
để có sự giải thoát, ngay tại đây và bây giờ, cần phải luôn luôn hướng
tâm đến với sự xả ly thanh tịnh, xoá bỏ mọi sự tham ưa và bám víu. Thánh
nhân có dạy rằng: "Thế gian như một con thuyền, hãy đi trên nó chứ đừng
mang vác...".
Từ một vài chi tiết trên,
chúng ta thấy rằng sự sống và sự chết của con người có được an lạc hay
không là tùy thuộc vào dòng tâm thức của mỗi cá thể. Sau khi thọ mạng
đã
hết - chết, thì thân xác sẽ tan hoại, nhưng dòng nghiệp thức (thần
thức)
sẽ tiếp tục đi vào các đời sống mới trong sáu cõi: trời, người, a tu
la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, tùy theo nghiệp lực thiện hay bất
thiện.
3. Nghiệp thức - sinh và
tái sinh:
Theo kinh Trung Bộ (tập I),
sự xuất hiện của con người bao giờ cũng hội đủ 3 điều kiện: a. Cha mẹ
có giao hợp; b. Người mẹ có thể thụ thai; và c. Phải có mặt nghiệp thức.
Nếu không có mặt nghiệp thức thì thai nhi không thể sống.
Về nghiệp thức (karmic
consciousness), còn được gọi là hương ấm, hay là Kiết sinh thức
(Gandhabha). Khi điều kiện hội đủ và do nghiệp chiêu cảm mà kiết sinh
thức đi vào thai mẹ; lúc bấy giờ, Kiết sinh thức cảm như là "ý niệm tối
sơ; của một đời sống mới. Cho đến khi chết, cũng dòng nghiệp thức ấy
thúc đẩy tìm kiếm tái sinh, nên được gọi là "nghiệp dẫn tái sinh". Thực
ra, cả sự sinh và tái sinh đều được căn cứ trên dòng vận hành của nghiệp
thức. Và từ sinh cho đến tái sinh (sau khi chết), trong suốt quá trình
đó, đời sống của một sinh thể được hình thành qua cơ cấu của 12 Nhân
duyên: vô minh - duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh
sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái
duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão, tử, sầu, bi,
khổ, ưu não... (về ý nghĩa của 12 Nhân duyên, sẽ được giới thiện sau.
Như vậy, 12 nhân duyên chính là sự hiện hữu của con người. Và trong 12
Nhân duyên, các chi phần vô minh, hành, thức và danh (sắc) là các yếu tố
của nghiệp dẫn tái sinh.
4. Các quan niệm về chết và
thân trung ấm:
Trong Nikàya đề cập đến sự
chết cụ thể như sau: thứ nhất là chết sắc thân đoạn diệt, hai là chết do
thọ mạng đã hết, và do nghiệp ở đời đã hết. Bên cạnh đó, còn có trường
hợp chết đột ngột (bất đắc kỳ tử, chưa đến lúc mà chết). Nhìn chung, sự
chết được xem như là sắc thân (cơ thể) đã đoạn diệt.
Một vấn đề khác nữa là
trung ấm. Theo một số chủ thuyết của Ðông sơn bộ, Chính lượng bộ thuộc
Hữu bộ cho rằng, sau khi chết và trước khi tái sinh, oở giữa đó là thân
trung ấm (trung gian). Thời gian của thân này là thời gia chuẩn bị tái
sinh, nó kéo dài không quá 49 ngày (theo Thiết Ma Ðạt Ða). Có thể do ảnh
hưởng của không quá niệm này mà có tục lệ cúng thất - thất trai tuần (7
x 7 = 49 ngày).
Tuy nhiên, theo Nikàya và A
Hàm thì từ "tử tâm" cho đến "kiết sinh tâm" chỉ diễn ra trong vòng một
đến hai sát na (tích tắc), do đó không cần có thân trung ấm (trung hữu).
Thật ra, theo người viết
nhận định, thân trung ấm cũng là một thân vi tế (tịnh sắc thân), một
cảnh giới trong hằng hà sa thế giới; và đương nhiên nó cũng vô thường,
biến dị, cũng luân hồi sinh diệt. Vì thế, không có gì mâu thuẫn giữa "tử
tâm" và "kiết sinh tâm" trong Nikàya với quan điểm có hay không có quan
điểm sắc thân trung ấm. Vì lẽ, thời gian 49 ngày cho một thân - thức
đương nhiên không có gì vô lý khi tại trần gian có những đời sống dài
nhất chỉ một vài ngày, như loài muỗi mòng v.v...
5. Ðể có một sự chết trong
thanh bình - an lạc:
Ðây là vấn đề trọng yếu của
con người, Như đã đề cập, sống và chết cũng như thức và ngủ, vậy thôi.
Chúng ta không nên quan tâm quá đáng về cái chết, vì ai cũng chết. Nhưng
điều đáng quan tâm hơn là sống và sống như thế nào để lúc chết được bình
an. Vì lẽ đó, đối với Phật tử cần phải sống giữ tâm linh trong sạch,
đừng làm điều gì gây khổ đau cho chính mình và cho kẻ khác, nhất là phải
luôn luôn ý thức rằng cuộc đời là vô thường, "trần gian này là chiếc
cầu, hãy đi qua nó chứ đừng xây nhà trên nó". Cho đến khi nào tâm được
trong sạch, thanh bình, không còn luyến tiếc, không còn bám víu vào bất
cứ điều gì, dầu gia tài sự nghiệp, dầu vợ đẹp con ngoan v.v..., thì khi
đó sự chết của bạn như lên thuyền sang sông, giải thoát mọi khổ đau,
chết trong sự bình an phúc lạc. Ðức Phật dạy:
"Bỏ quá khứ, hiện tại và vị
lai
Ðến bên kia cuộc đời
Ý giải thoát tất cả
Chớ vướng bận sinh, già, bệnh, chết"
C. Kết luận:
Tìm hiểu về luân hồi là để
sống được an nhiên, tự tại. Chúng ta không cố tìm gặp luân hồi, vì luân
hồi đang trôi chảy ngay trên thân của mỗi con người, như dòng máu luân
lưu. Cái khổ đau nhất của người đời là tham muốn và nắm giữ các đối
tượng "của tôi" và của "cái tôi thích, tôi yêu". Bạn có thể tập buông bỏ
từ từ cái tâm lý tham muốn và nắm giữ đó, nhưng nếu một mai... khi vô
thường đến, thần chết đến hỏi bạn thì bạn hãy ngay lập tức hướng tâm đến
sự từ bỏ tất cả, sự không tham luyến tất cả, sự thanh tịnh bình an, sự
chánh niệm tỉnh giác; vì đó là điều kiện tối cần thiết cho sự tái sinh
vào một đời sống tốt đẹp hơn và cao cả hơn. Và để làm được điều đó ngay
bây giờ và ở đây, bạn hãy thực tập tư duy về vô thường - vô ngã. (Thư
Viện Hoa Sen)
IV. Trích Dẫn
·
Nguyên nhân luân hồi và phương
pháp giải thoát
Vua Di Lan Ðà
thỉnh Na Tiên vào hoàng
cung
Vua hỏi:
-- Bạch Ðại Ðức, có ai chết rồi mà không sanh trở lại không?
-- Tâu Ðại Vương, có kẻ sanh trở lại mà cũng có kẻ không sanh trở lại.
-- Những ai sanh trở lại và những ai không sanh trở lại?
-- Ai còn nặng nợ tham dục ái ân, kẻ đó còn sanh trở lại đời sau. Ai đã
thoát khỏi vòng tham dục ái ân, người đó không còn sanh trở lại nữa.
-- Bạch Ðại Ðức, kẻ nào nhất tâm niệm chánh pháp có thoát khỏi luân hồi
không?
-- Tâu Ðại Vương, nhất tâm niệm chánh pháp mà lại còn phải đạt được trí
ruệ và các điều thiện khác nữa thì mới thoát khỏi luân hồi.
-- Nhứt tâm và trí tuệ có đồng nghĩa nhau không?
-- Không.
-- Gia súc như bò, ngựa, chó, mèo... có trí tuệ không?
-- Chúng có nhứt tâm nhưng không có trí tuệ.
-- Nhứt tâm và trí tuệ khác nghĩa nhau như thế nào?
-- Nhứt tâm là định. Có định mới hiểu biết. Trí tuệ là đoạn. Nhờ trí tuệ
mà cắt đứt được phiền não mê lầm và chặt dứt luân hồi sanh tử.
-- Xin ví dụ cho trẩm dễ hiểu.
-- Ðại Vương từng thấy thợ gặt lúa chứ? Tay trái họ gom bụi lúa lại,
trong khi đó thì tay mặt họ cầm lưỡi hái mà cắt. Cũng giống như thế, nhà
tu hành dùng nhứt tâm gom tư tưởng lại và dùng lưỡi hái trí tuệ cắt đứt
phiền não ái dục. Phiền não ái dục đã cắt đứt thì vĩnh viễn không còn
tái sanh. Luân hồi chấm dứt.
-- Hay thay! Hay thay! Ví dụ của Ðại Ðức rõ lắm.
*. Tương quan giữa thân trước và thân
sau.
Vua
hỏi:
-- Bạch Ðại Ðức, kinh Phật nói con người sau khi chết, tiếp tục thác
sanh trở lại theo nghiệp lành dữ đã gây, như vậy đó là con người cũ hay
là một con người mới nào khác?
-- Tâu Ðại Vương, không phải con người cũ, nhưng cũng chẳng phải lìa con
người cũ ra mà sanh một con người mới khác.
-- Như thế nghĩa là thế nào?
Na Tiên chụp hỏi lại:
-- Bệ hạ hồi còn bú vú mẹ với bệ hạ cai trị trăm họ bây giờ có khác gì
nhau không?
-- Khác chứ! Hồi đó trẫm nhỏ dại, bây giờ trẫm lớn khôn.
-- Như vậy thì lệnh mẫu hoàng hồi đó không phải mẫu hoàng ngày nay! Lệnh
phụ hoàng cũng thế! Và bệ hạ cũng chẳng có phụ đạo. Vì ông thầy ấy chỉ
dạy đứa bé mươi mười lăm tuổi cách đây mấy chục năm, chứ đâu có dạy bệ
hạ bây giờ! Thân trước thân sau khác nhau thì mẹ đứa bé không phải là mẹ
nhà vua! Người học trò thuở trước cũng không phải nhà vua trong hiện
tại! Và kẻ phạm tội giết người năm ngoái không phải là người bị cáo ra
tòa ngày nay! Bệ hạ làm sao buộc tội được người ấy?
-- Bạch Ðại Ðức, không phải như thế. Nhưng có ai hỏi Ðại Ðức về khoản
nầy thì Ðại Ðức giải đáp ra sao?
-- Tâu Ðại Vương, thân bần tăng lúc nhỏ với thân bần tăng bây giờ cũng
là một thân mà thôi. Thân ấy từ nhỏ đến lớn, trải qua nhiều quảng đời
khác nhau, nhưng vẫn được liên tục nuôi dưỡng bởi một sinh mạng.
-- Xin cho thí dụ.
-- Ví như một ngọn đèn thắp từ đầu hôm nó có thể cháy mãi cho tới sáng
không?
-- Có thể.
-- Lửa ngọn đèn thắp lên từ đầu hôm với lửa ngọn đèn lúc nửa đêm và lửa
ngọn đèn lúc gần sáng có phải là một không?
-- Không.
-- Trong ba khoảng thời gian khác nhau ấy, người ta có đốt ngọn đèn nào
khác không?
-- Vốn chỉ một ngọn đèn với một cái bấc và cùng một loại dầu từ đầu hôm
cho đến tảng sáng.
-- Trong con người cũng như thế đó, tâu Ðại Vương. Pháp này đi thì pháp
kia tới, trước sau tiếp nối nhau, không ngừng mà nuôi dưỡng tinh thần.
Từ khi sinh ra cho đến lớn lên rồi già chết, nó lại thú hướng đến một
kiếp sống khác, cứ thế triển chuyển tương tục hoài hoài. Cho nên nói
rằng thân cũ sanh trở lại thì không đúng, nhưng nói lìa thân cũ ra mà có
một thân mới khác cũng không được. Lại ví như sữa tươi mới vắt, để lâu
thì thành sữa ôi, thành bơ... Nói sữa tươi là bơ thì hẳn không phải,
nhưng nói bơ không do sữa tươi mà ra thì cũng sai. Cũng tương tợ như
thế, con người sinh ra với tinh thần và sau khi sinh thì lớn, già, rồi
chết. Chết rồi nó lại mang một thân mới mà sinh trở lại. Mất thân trước,
nó liền thọ thân sau. Cho nên nói người đầu thai sinh trở lại và người
đã chết là một thì không đúng, mà nói chúng tách lìa khỏi nhau cũng
chẳng nhằm.
-- Hay thay! Hay thay!
*. Tự biết hết tái sanh
Vua
hỏi:
-- Bạch Ðại Ðức, người không còn tái sanh nữa có thể tự mình xác tri
việc đó được không?
-- Tâu Ðại Vương, có thể được.
-- Bằng cách nào?
-- Ai tự biết mình không còn ân ái, không còn tham dục, không có dụng
tâm làm điều dữ, người đó tự biết chắc không còn tái sanh trên cõi đời này nữa.
-- Xin cho ví dụ.
-- Ví như người làm ruộng, đầu mùa lo cày bừa, gieo giống, cấy mạ thì
đến cuối mùa thu hoạch nhiều lúa cất chứa trong vựa. Qua năm sau nếu
người ấy không cày bừa, gieo giống và cấy mạ nữa, mà chỉ tiêu dùng số
lúa còn dự trữ của năm trước, như vậy người ấy có thể tự biết rằng mình
không gặt lúa nữa không?
-- Biết chứ!
-- Bằng cách nào?
-- Không cày, không gieo, không cấy, tức nhiên không có lúa mà gặt.
-- Bậc tu hành đắc đạo cũng giống như thế. Quên ân ái, xả khổ vui, không
tham dục, tức như không cày, không gieo, không cấy. Ðương nhiên là sẽ
không gặt quả tái sanh. Vì vậy, bậc đắc đạo biết chắc rằng đời sau mình
không còn tái sanh trên thế gian này nữa.
*. Không Bị Ðịnh Luật Nhân Quả Chi Phối
Trong truyện cổ Phật giáo (chuyện nàng Bhadda), Nàng hỏi Xá Lợi Phất :
- Cái thực còn bị định luật nhân quả chi phối hay không, còn bị định
luật nhân quả chi phối? Hãy trả lời ngay đi. Hãy trả lời mà đừng hủy
hoại ngôn ngữ, như dao chém nước.
-- Này nàng Bhađda! -- Tôn giả Xá lợi Phất vẫn kiên định như phong thái
của con mảnh sư -- chẳng cần phải lớn lối như thế. Hãy nghe đây, nếu cái
thực ấy mà còn định luật nhân quả chi phối thì cái thực ấy chỉ là khổ
đau, nhiệt não, tử sanh. Nếu cái thực ấy không còn bị định luật nhân quả
chi phối thì đồng nghĩa với hư vô, cái không thực hữu, cái vô tự tính,
cái ngoang không niết bàn.
Này nàng Bhađda, hãy nghe đây! Ðây là cái dao chém nước như nàng muốn.
Cái thực ấy là cái sáng suốt, mặt trời đại huệ. Cái thấy từ tâm, trí, tư
tưởng trí mà có, từ tuệ, tuệ minh, cái tuệ minh ấy nó có trong tâm của
bậc giác ngộ, bậc A La Hán, kẻ đã đoạn tận lậu, hoặc giải thoát khổ đau
và phiền não; này nàng Bhađda cứ như thế mà thọ trì! (Thực Tại và Chí
Ðạo, trang 121, 122)
V. Pháp Hành
Muốn vượt khỏi dòng bộc lưu sanh tử, trước tiên
hành giả phải tu pháp vô tự ngã là căn bản trong bước đầu tập thiền
định.
1.
Hành Ðoạn Trừ Lậu Hoặc
a). Hành giả cần tư duy sự bất
thiện và hậu quả của lậu hoặc như dục tham, hữu tham, tà kiến và vô
minh, vì những cấu uế nầy tiết lậu từ các căn môn không được thúc liễm,
như nước rỉ từ bình chảy, hoặc vì chúng phát sanh những khổ sanh tử. Nhờ
tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi
và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt. Vị ấy như lý tác ý:
"Đây là khổ", vị ấy giác tri;
: "Đây là khổ tập", vị ấy giác tri;
"Đây là khổ diệt", vị ấy giác tri;
: "Đây là con đường đưa đến khổ diệt" vị ấy giác tri.
Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt:
thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải
do tri kiến được đoạn trừ
b). bằng phòng hộ
là biết được lậu hoặc nguy hiểm như vậy mà phòng thủ là không cho nó lộ
ra nghĩa là nhốt nó nó trong lòng không nghĩ nó nữa. làm thế nào là các
lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ?
.”Sống phòng hộ với sự phòng hộ con mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt
não ấy không còn nữa”. Vị ấy giác tri;
“Sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ tai... (như trên)”
“Sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗi mũi... (như trên)”;
“Sống phòng hộ với sự phòng hộ lưỡi... (như trên)”;
“Sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ thân căn... (như trên)”;
.”Sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ ý căn. các lậu hoặc tàn
hại và nhiệt não ấy không còn nữa”
Các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do phòng
hộ được đoạn trừ.
c). bằng thọ dụng
Các vị như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để
ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc phạm của ruồi, muỗi,
gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự
trần truồng. Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực không phải
để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để
tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để
(thân này) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh,
Nghĩ rằng (giác tri): "Như vậy, ta diệt trừ các
cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi
lầm, sống được an ổn".
Vị ấy như ”lý giác sát, thọ dụng sàng tọa, chỉ
để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc phạm của ruồi, muỗi,
gió, sức nóng mặt trời, các loại bò sát, chỉ để giải trừ nguy hiểm của
thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh; vị ấy như lý giác sát
thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác khổ thống đã
sanh, để được ly khổ hoàn toàn.”
. Nếu vị ấy thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại
và nhiệt não ấy không còn nữa, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải
do thọ dụng được đoạn trừ
d). bằng kham nhẫn
Hành giả như lý giác sát, kham nhẫn lạnh, nóng,
đói, khát, sự xúc phạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài
bò sát; kham nhẫn những cách nói mạ lỵ, phỉ báng. Vị ấy có tánh kham
nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói,
nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người.
Nếu vị ấy nghĩ “kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc
tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.”
Các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do kham
nhẫn được đoạn trừ.
e) bằng tránh né
Hành giả như lý giác sát tránh né voi dữ, tránh né
ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn, khúc cây, gai góc, hố
sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước. Có những chỗ ngồi không xứng đáng
ngồi, những trú xứ không nên lai vãng, những bạn bè ác độc mà nếu giao
du thì bị các vị đồng phạm hạnh có trí nghi ngờ, khinh thường; vị ấy như
lý giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai
vãng ấy và các bạn độc ác ấy. Vị ấy “giác tri tránh né như vậy, các
lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa”, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do
tránh né được đoạn trừ
f). bằng trừ diệt
Hành giả như lý giác sát không có chấp
nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại
(dục niệm ấy); không có chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt,
diệt tận, không cho tồn tại (sân niệm ấy); không có chấp nhận hại niệm
đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (hại niệm ấy);
không chấp nhận các ác bất thiện pháp luôn luôn khởi lên, từ bỏ, trừ
diệt, diệt tận, không cho tồn tại (các ác bất thiện pháp ấy). Vị ấy
“giác tri trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không
còn nữa”.
Các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn diệt.
g). bằng tu tập
Hành giả như lý giác sát tu tập niệm giác chi, niệm giác chi này y viễn
ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; như lý giác sát tu tập
trạch pháp giác chi... (như trên)... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập
hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu
tập xả giác chi; xả giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt,
hướng đến từ bỏ. Vị ấy “giác tri tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại
và nhiệt não ấy không còn nữa.”
Các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.
VI. Kết Luận
Ðể được giác ngộ giải thoát khỏi dòng bộc lưu sanh
tử luân hồi và quả báo, Phật đã dạy rất nhiều trong các kinh điển về
pháp học cũng như pháp hành. Ðiều quan trọng là phải trau giồi phẩm hạnh
tức giới luật nghiêm minh và rèn luyện trí tuệ. Trong việc tu tập sự rèn
luyện trí tuệ là thiết yếu soi sáng vô minh u tối để mở ra con đường
sáng chiếu rọi cho gới luật rõ ràng mà thúc liểm thân tâm miêm mật mới
có thể thoát khỏi mọi cám dỗ của dục lạc và vô minh là gốc luân hồi.
Ðạo Phật lấy Từ Bi và Trí Tuệ làm căn bản cho việc tu tập. Trong vấn đề
tự giác và giác tha đó, khi người tu sĩ tự mình giác ngộ rồi mới có cơ
may giúp ích được người khác. Từ Bi là hình thức tu sĩ phải lột bỏ cái
bản ngã của mình có mà phục vụ tha nhân. Thiền định là con đường tối ưu
thanh lọc và đoạn tận các lậu hoặc cũng như các việc bất thiện khác để
trở thành tâm thánh thiện an tịnh vượt khỏi mọi hệ lụy đến sanh tử luân
hồi.Trong các pháp tu tập
ấy, Phật dạy trước tiên phải dẹp bỏ tự ngã của mình mà trau dồi phẩm
hạnh (giới luật) và rèn luyện tâm trí,
đó là tu pháp vô tự ngã và các pháp thiền định là căn bản.
Tham Khảo
Kinh
Na Tiên Tỳ Kheo.
Cao Hữu Ðính dịch
Việt từ Pali, đăng trong website Tạng Thư Phật Học:
http://www.tangthuphathoc,net.
Luân
Hồi. Thích Tâm Thiện. Ðăng trong website Thư Viện Hoa Sen:
http://www.thuvienhoasen.org.
Pháp
tu vô tự ngã và bước đầu thiền
định. Phổ Nguyệt đăng trong website Tạng Thư Phật Học.
TÐPHVA. (Tự Ðiển Phật Học Việt Anh)
Thiện Phúc trong website Quảng Ðức:
http://www.quangduc.com.
Thực Tại và Chí Ðạo. Phổ Nguyệt, 2002,
in tại Ðường Sáng Printing San Jose CA và đăng trong website Tạng Thư
Phật Học.