Bạn hãy mở mắt to để nhìn có con đường nào giữa cuộc
đời này là con đường thẳng không? con đường thẳng là con đường chỉ thuộc
về thế giới của ý niệm hay là thế giới của mộng tưởng mà không bao giờ
xuất hiện giữa thế giới thực tiễn, nghĩa là giữa thế giới của con người
và con người. Thế giới của con người là thế giới của một con đường cong.
Một con đường con xoáy ốc.
Và một lần nữa hãy mở to đôi mắt để
nhìn, bạn có thấy dòng sông nào là dòng sông thẳng không? không có dòng
sông nào thẳng cả, dòng sông nào cũng uốn khúc, chính cái uốn khúc đã
tạo nên cái thơ mộng và linh hoạt của dòng sông.
Và bạn hãy mở tầm nhìn ra để nhìn biển cả mênh mông, biển cả mênh mông mà vẫn có những khúc eo như thường.
Bạn
biết không? chính những khúc eo đó một đôi khi lại là nơi an toàn cho
những người đi biển và tạo nên cái nét đẹp từ kỳ lạ đến thú vị của nó.
Vậy, bây giờ bạn thích thẳng hay cong? bạn thích cong chăng? đừng vội như thế!
Nếu bạn muốn là một cột nhà hay một đòn đôn, thì cong là dụng ơ chỗ nào?
Nên cái thẳng thật là quý báu vô cùng, nhưng có phải bạn khi nào cũng cần cột nhà và đòn đôn cả đâu!
Trong cuộc sống, đôi khi cái cong bị người ta lên án vứt bỏ đã đành mà cái thẳng cũng bị con người lên án vứt bỏ nữa!
Do
đó, bạn muốn sống có an toàn và hạnh phúc, thì bạn không phải thích
thẳng hay thích cong mà thẳng hay cong bạn phải biết chúng có tác dụng
gì trong cuộc sống, trong phong cách hành sử của bạn, thì cái thẳng hay
cong của đường đời hay của cuộc sống không còn là cái gì để cho bạn bận
tâm.
Bạn ơi, bạn đừng ảo tưởng đuổi bắt về một con đường thẳng
và bạn đừng bao giờ thất vọng bởi một con đường cong. Bạn hãy đi con
đường cong để thấy cái cong của con đường và bạn hãy đi trên con đường
thẳng để thấy cái thẳng của con đường, rồi bạn hãy đi trên con đưởng
thẳng để thấy cái cong của con đường và bạn hãy đi trên con đường cong
để thấy cái thẳng của con đường. Thấy rõ sự thật của con đường là tức
khắc bạn có hạnh phúc, bạn có sự an toàn, vì mọi sự sợ hãi, lo lắng, bồn
chồn trong tâm hồn của bạn bỗng chợt tan đi, bấy giờ trên nét mặt của
bạn chỉ còn lại nụ cười và từng bước chân thảnh thơi, dù bạn đang có mặt
trên con đường cong hay trên con đường thẳng nào.
Thích Thái Hòa
ĐỪNG HỎI TẠI SAO?
Những
làn sóng biển đùa chơi với nhau và cùng nhau chạy vào bờ chạm lên cát
trắng, rồi tan biến vô sự giữa trời nước mênh mông. Sóng là nước và nước
là sóng. Sóng vô sự, nên sóng chẳng nhận chìm ai, nhưng vì con người
hữu sự, nên con người bị chìm xuống dưới sóng mà sóng chẳng hề để tâm.
Con
người đến với nhau vì hữu sự, nên sáng chơi với nhau mà chiều đã chia
tay và thù hận; con người hữu sự, nên con người làm việc với nhau mà hay
“đè” nhau; con người vì hữu sự, nên đốn cây và thường bị cây đè; con
người vì hữu sự, nên bắc cầu khiến cầu bị sập, đào hầm mỏ, khiến bị hầm
mỏ chôn vùi; con người vì hữu sự, nên xuống nước làm cho nước bị nhiễm
ô, và bị chết chìm dưới nước; vì hữu sự, nên con người lên núi bị núi
rừng nguyền rủa, lạc mất đường về; vì hữu sự, nên con người ở trên khô
lại bị mắc kẹt trên khô, chân đi không rời đất, cho dù chạy nhảy cao đến
mấy rồi cũng rớt xuống với đất và bị dập đầu, bể trán và bị sâu kiến,
cỏ cây chôn vùi…
Nên, ta biết rằng hữu sự thì trói, vô sự thì mở.
Hữu sự mà mở, vì bên ngoài là hữu sự mà bên trong thì vô tâm; vô sự mà
bị nhiễu loạn, bị trói buộc, vì bên ngoài là vô sự mà bên trong có mưu
cầu, có tác ý.
Tác ý là nghiệp khởi. Nghiệp đã khởi thì bị buộc
ràng, chứ làm gì có tự do, có thong dong tự tại. Nghiệp đã khởi thì
trách ai và cầu ai cứu cũng vô ích!
Nên, thấy tâm ta hữu sự,
thì nên dừng lại, miệng không mở một lời, chân không cất một bước. Vì mở
miệng là sai, sai ngay trong bản chất. Chân bước là vướng, vướng ngay
nơi tác động của cái đi. Nên, hãy dừng lại nơi tâm ý của ta mà không
phải dừng lại nơi ngoại cảnh!
Đối với cảnh, dù ta có hiện hữu
hay không hiện hữu; có đồng ý hay chống lại, thì dòng sông vẫn chảy, mây
trời vẫn bay, hoa vẫn nở và tàn, trăng vẫn tròn và khuyết, thủy triều
vẫn lên xuống mỗi ngày… Vậy, ta muốn gì nơi ngoại cảnh mà buộc ngoại
cảnh phải theo ta hay ta chống lại?
Những ý niệm vọng cầu nơi
tâm ta lắng xuống, những tư duy hữu ngã nơi tâm ta không còn, thì những
buộc ràng do đâu mà có, có ai trói và có ai mở? Tác ý đã không, thì
nghiệp làm gì mà có? Vô sự còn không có, nói đến hữu sự làm chi? Ý niệm
vô ngã còn phải buông thay, huống hồ hữu ngã!
Nước yên trăng
hiện; tâm yên Phật hiện. Tâm là phật; Phật là tâm. Tâm hòa tan trong
Phật; Phật hòa tan trong tâm. Tâm và phật rỗng lặng xuyên suốt, Phật và
tâm không có lằn mức, suốt trong và hồn nhiên vô ngại, ai yên thì thấy,
không yên thì thôi, đừng hỏi tại sao?!
Thích Thái Hòa
Xin đón đọc tại: http://daitangkinhvietnam.org/phat-giao-va-doi-song/van-hoa-giac-duc/6853-dung-hoi-tai-sao.html