29/10/2011 21:03 (GMT+7)
Số lượt xem: 152022
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thưa đại chúng, hôm nay là ngày 03 tháng 06 năm Tân Mão, tức là ngày 03 tháng 07 năm 2011, tại tượng đài Đức Quán Thế Âm Bồ Tát bãi biển làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng ta có pháp thoại mắt thương nhìn cuộc đời”.


Hạnh Nguyện Quán Âm:

Thưa đại chúng, có một nhà thơ đã nói rằng :

“Biển khổ mênh mông sóng vượt trời

Một người chèo một chiếc thuyền chơi

Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió

Chung cuộc nằm trong biển khổ thôi”.

Hầu như tất cả chúng sanh đều chạy theo tham dục để tạo nên biển sóng cho đời, sóng gió ấy, giông bão ấy có khi ngập cả đất trời, mà mọi người đang mỗi người chèo một chiếc thuyền trong biển khổ đó, trong biển sóng gió đó, dù thuận lợi hay không thuận lợi, dù thất bại hay thành công trong đời thì tất cả cũng đều quay cuồng trong bể khổ thôi. Thành công cũng chỉ thành công trên sự đau khổ của cuộc đời và thất bại cũng là thất bại trên sự đau khổ của cuộc đời. Trong biển khổ của cuộc đời do sóng gió giông bão tham dục đó, chúng ta có những bậc Đại nhân đã phát bồ đề tâm, để giúp cứu giúp đời bớt khổ đã có mặt với chúng ta. Đó là Bồ Tát Quán Thế Âm.

Bồ Tát Quán Thế Âm xuất hiện trong cuộc đời này là từ Bồ đề tâm của Ngài, từ đại nguyện độ sanh của Ngài, từ sự tu học của Ngài và từ tâm đại bi, đại trí của Ngài, Ngài đã đạt đến địa vị bất thối chuyển, tự tại giữa sống và chết, giữa sinh và tử, giữa đau khổ và hạnh phúc, giữa sinh tử và niết bàn.

Do đạt đến địa vị tự do giữa sống và chết, giữa thất bại và thành công, giữa sinh tử và niết bàn, nên Ngài được gọi là Quán Tự Tại.

Ngài có mặt giữa cuộc đời, mượn thân năm uẩn để độ đời, tuy nhiên Ngài không bị sắc uẩn, không bị thọ uẩn, không bị tưởng uẩn, không bị hành uẩn, không bị thức uẩn ràng buộc. Ngài đã tự tại đối với thân năm uẩn, nhờ có tự tại với thân năm uẩn, nên Ngài khởi tâm đại từ bi để độ đời, Ngài nhìn đời bằng con mắt thương, mà kinh Phổ Môn chúng ta vừa tụng gọi là từ nhãn thị chúng sanh hay đưa mắt thương nhìn cuộc đời. Ngài đưa mắt thương nhìn cuộc đời, để cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển khổ của sinh tử luân hồi, để tiến đến cảnh giới an lạc, cảnh giới tự do. Chúng ta học hạnh Quán Thế Âm là chúng ta phải học hạnh từ bi, chúng ta phải học cách đưa mắt thương nhìn cuộc đời của Ngài.

 

Nhìn Ta Qua Hạnh Nguyện Quán Thế Âm:

Chúng ta thử nhìn lại tâm mình, còn muốn hơn người không? Nếu tâm ta còn muốn hơn người, thì tâm ta sẽ sinh khởi chất liệu não hại chúng sanh, mà nếu chúng ta có tâm não hại chúng sanh, não hại người khác để hơn thua, thì làm sao chúng ta có được con mắt thương nhìn cuộc đời. Vì vậy, chúng ta muốn có được mắt thương nhìn cuộc đời, thì chúng ta phải buông bỏ tâm hơn người hay nói khác hơn là phải buông bỏ tâm ích kỷ ấy. Bồ tát Quán Thế Âm đã buông bỏ tâm muốn hơn người, nên Ngài đã vượt qua được rất nhiều tai nạn của thế gian, của cuộc đời. Chúng ta học hạnh Quán Thế Âm là chúng ta phải học cho được tâm buông bỏ ích kỷ, tâm muốn hơn thua, mới có thể thành tựu được tâm đưa mắt thương nhìn cuộc đời hay nhìn cuộc đời bằng con mắt thương.

Chúng ta hãy nhìn vào tâm của chúng ta, để thấy được trong tâm ta còn có lòng giận hờn, oán ghét, trách móc người khác không? Nếu tâm chúng ta còn có hạt giống đó, thì chúng ta sẽ không có hạnh phúc, không có an lạc, như thế làm sao chúng ta có được tâm đưa mắt thương nhìn cuộc đời như Bồ Tát Quán Thế Âm.

Vậy, chúng ta phải thực tập nhìn đời bằng con mắt như thế nào?

Thưa đại chúng, ví như có một người, có lời nói với chúng ta không dễ thương, có cử chỉ với ta không dễ thương, nhưng tâm ý của họ dễ thương, thì ta hãy nhìn sâu vào người đó để thấy được tâm ý tốt của họ là muốn xây dựng ta, nhưng vì chưa thực tập, nên lời nói của họ chưa được dễ thương đó thôi. Ta thấy được tâm ý tốt của họ, thì tâm ta sẽ lắng yên sự giận ghét đối với họ và đôi mắt thương nhìn cuộc đời nơi ta sẽ xuất hiện.

Hoặc có người tâm ý không dễ thương, hành xử không dễ thương, nhưng lời nói họ dễ thương, thì mình chỉ ôm lời nói dễ thương của họ vào lòng mình để quán chiếu, thì cơn giận của ta đối với người đó sẽ lắng xuống, từ đó tình thương nơi ta đối với họ bắt đầu phát sinh, đó là ta đang thực tập hạnh thương nguời, hạnh từ bi của Ngài Quán Thế Âm và hạnh Từ bi của Bồ tát Quán Thế Âm đang có mặt trong ta.

Hoặc có người đối xử với ta bằng tâm hồn không dễ thương, lời nói không dễ thương, nhưng cử chỉ của họ nhẹ nhàng dễ thương, thì ta hãy nhìn vào cử chỉ nhẹ nhàng dễ thương của họ, khiến cho cái tâm không bằng lòng trong ta đối với họ sẽ lắng xuống, lúc đó tâm từ bi trong ta sẽ có mặt và hạnh phúc an lạc trong tâm ta cũng xuất hiện.

Nếu ở trong đời ta gặp được một người tâm hồn dễ thương, hành xử dễ thương, lời nói dễ thương, thì đó là đại phước cho ta. Tâm ta có thể dễ thương, nhờ nương tựa vào tâm dễ thương của người đó và từ đó tâm ta tiết ra được những chất liệu dễ thương.

Lời nói của ta dễ thương là nhờ nương tựa vào lời nói của vị dễ thương đó mà ta có được những lời nói dễ thương; cái hành xử của ta dễ thương cũng nhờ nương vào cái hành xử dễ thương của người đó mà ta có được, như vậy là đại phước cho chúng ta.

Giả như, trong đời này, mình quá vô phước, không gặp được một người nào có lời nói dễ thương, không gặp được một người nào có tâm hồn dễ thương và cũng không gặp được một ai có hành xử dễ thương với mình hết, thì tâm sân của mình rất dễ phát khởi, phát khởi một cách dữ dội. Như vậy, mình sẽ làm gì? Mình phải quán chiếu với chính mình bằng cách mình tự nói với mình rằng – Này tôi ơi ! Có khi nào tôi đã dễ thương với tôi 100% chưa? Nếu mình chưa hiểu được mình 100%, thì mình mong gì giữa đời này có người hiểu mình và dễ thương với mình 100%.

Vì có những lúc, mình muốn ăn ngon nhưng không được, mình muốn ngủ ngon nhưng không được, mình muốn thông minh mà không được, cũng có khi mình muốn làm việc này, việc kia mà không được, điều kiện của mình không thể được, thì rõ ràng ngay cả bản thân mình, mà chưa dễ thương với mình nữa, thì hỏi giữa đời này mong chi ai dễ thương với mình hoàn toàn. Ví dụ mình thích đọc một trang sách, nhưng mới đọc 1/2 trang thôi đã buồn ngủ, muốn nhắm mắt lại, miệng thì ngáp, dù mình có bảo: Miệng ơi ! đừng ngáp nữa, để ta đọc xong trang sách đã, nhưng nó đâu có nghe lời mình. Như vậy rõ ràng, mình đã dễ thương với chính mình chưa, mà vội lên án, khi có người khác đối xử không dễ thương với mình? Người khác đối xử không dễ thương với mình, cũng có nghĩa là do mình đã từng làm thương tổn tình thương của mình đối với người khác.

Vì vậy, mình biết tu tập là mình luôn biết quán chiếu mình, để thấy những khó khăn nơi mình, để thông cảm, để đồng cảm với cái khó khăn của người khác. Thường chúng ta có một căn bệnh chung khó điều trị, đó là bệnh ung thư, bệnh trầm kha về trách móc, giận hờn, nhìn lỗi người thì giỏi, thì tài, mà không thấy lỗi của mình, nhược điểm của mình; phê bình nhà người thì giỏi, mà không nhìn kỹ nhà mình chút nào hết. Đó là bệnh ung thư của chúng ta, đã làm tiêu hao đạo đức của chúng ta, làm xói mòn tâm từ bi của chúng ta rất nhiều.

Trong gia đình, mình là cha mẹ, nhưng có khi nói con cái không nghe; mình là ông bà có khi nói cháu chắt không nghe, thì làm sao mình muốn mọi người trong xã hội đều nghe theo mình được, đáp ứng nhu cầu của mình được. Và khi không được như vậy, thì mình sinh ra bất mãn, đó cũng là bệnh ung thư làm cho tâm từ bi của chúng ta bị xói mòn, tình thương của chúng ta bị khô kiệt và khiến tai họa đến với chúng ta. Vì vậy, có khi mình phải nhìn kỹ vào mình, nhìn kỹ cái tích cực của mình để phát triển, nhìn kỹ cái tiêu cực của mình để loại trừ và chuyển hóa. Từ đó, tâm từ bi của mình dần dần được lớn mạnh và mình có được đôi mắt thương nhìn cuộc đời, để đồng cảm với cuộc đời, để giúp người đời thoát ra được biển khổ của chính họ. Vì chúng ta đang sống trong biển khổ mênh mông của cuộc đời, nhưng không phải cuộc đời là biển khổ mênh mông đâu, mà chính tâm ta tạo nên biển khổ mênh mông giữa cuộc đời này. Nếu chúng ta không biết tu tập, chúng ta sẽ bị đắm chìm trong biển khổ mênh mông của chúng sanh và tâm thức ta sẽ nổi lên sóng mòi, giông bão để nhấn chìm đời ta. Không ai có khả năng nhấn chìm chúng ta bằng hạt giống ích kỷ nơi tâm ta. Chúng ta chỉ cần tệ bạc với ai đó, thì tâm thức ta dấy lên đau khổ, đây là điều mà đại chúng cần lưu ý thực tập.

 

Nhìn Sâu Để Hiểu:

Thưa đại chúng,

Đại chúng có biết tâm Phật nghĩ đến ai nhiều nhất? Tâm Phật nghĩ đến những người đau khổ nhiều nhất. Tâm Bồ tát nghĩ đến những người đau khổ nhiều nhất. Nhưng tại sao con người bị đau khổ? Họ đau khổ là vì họ vô minh, do vô minh mà đau khổ. Vì vậy, Phật thương những người này nhiều nhất. Giữa thế gian này có ai không ngu? Còn chấp ngã là còn ngu, chấp ngã càng to, thì ngu càng nhiều. Giữa thế gian này có chúng sanh nào không chấp ngã ( đưa tay lên xem )? Vì chấp ngã mà ngu, vì ngu mà khổ, ngu nhiều khổ nhiều, ngu nhiều nên tâm thức nổi lên tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ, tật đố, ganh tị, thù hiềm đời này qua đời khác – đủ thứ nơi tâm thức của chúng ta. Vì vậy, nó nhấn chìm chúng ta trong biển khổ.

Đức Phật, vì thương chúng sanh ngu, mà Ngài có mặt nơi cuộc đời này, để cứu chúng sanh ra khỏi cái ngu của họ. Vậy, sau khi quý vị nghe pháp thoại này rồi, nếu ai nói gì mà tâm mình không bằng lòng, mặt mình tái đi một chút, thì phải tự nhủ “ngu ơi, mày đừng làm cho mặt ta tái nghe! hoặc ngu ơi đừng làm cho mặt ta đỏ lên nghe!”. Vì cái ngu sẽ lấy đi cái khôn, làm cho mình giận người khác, mà đỏ mặt hay tái mặt, nên lúc đó chúng ta phải thiền tập, để lấy lại năng lượng tỉnh giác đang có mặt nơi ta, càng chánh niệm, càng tỉnh giác, thì cái ngu nơi chúng ta càng giảm thiểu, càng triệt tiêu.

Nếu chúng ta thực tập một giờ tỉnh giác, thì chúng ta có một giờ chánh niệm tỉnh giác; nếu chúng ta thực tập hai giờ chánh niệm tỉnh giác, thì chúng ta có hai giờ chánh niệm tỉnh giác; nếu chúng ta thực tập ba giờ chánh niệm tỉnh giác, thì chúng ta có ba giờ chánh niệm tỉnh giác và nếu 24 giờ chúng ta thực tập chánh niệm tỉnh giác, thì chúng ta trở thành tỉnh giác hoàn toàn; ăn uống, nằm ngồi chúng ta đều có tỉnh giác, thì chúng ta trở thành đấng Vô thượng giác. Nên chuyện làm Phật là chuyện có thật, chuyện làm Bồ Tát là chuyện có thật. Chỉ vì mình không chịu làm, không chịu thực tập đó thôi! Vì sao? Vì chuyện làm phàm phu là chuyện có thật trong cuộc đời này, thì tại sao chuyện làm Phật, chuyện làm Bồ tát là chuyện không có thật ngay trong cuộc đời nầy? Chuyện tham lam, ích kỷ là chuyện có thật trong cuộc đời này, thì chuyện vị tha, vô ngã của Bồ Tát cũng có thật trong cuộc đời này. Trong cuộc đời này đã có khổ và khổ là sự thật trong cuộc đời này, thì hạnh phúc, an lạc cũng là chuyện có thật trong cuộc đời này. Vấn đề là chúng ta có chịu thay đổi tâm phàm phu của chúng ta thành tâm Phật không, chúng ta chuyển hạt giống cố chấp thành hạt giống vị tha, vô ngã, khoan dung độ lượng của Thánh hiền không? Ngay nơi thân năm uẩn này, chúng ta vượt khỏi khổ đau; chúng ta phải có tự tại với thân năm uẩn này; chúng ta phải có tự tại với cuộc đời này. Chúng ta có trí tuệ thì chúng ta mới có khả năng thể hiện tâm từ bi của chúng ta và chúng ta mới có từ bi một cách hữu hiệu để cứu độ chúng sanh. Nếu chúng ta không có phương tiện thì khó mà thực hành từ bi một cách hữu hiệu. Phương tiện tốt nhất để thực hành hạnh từ bi chính là trí tuệ - trí tuệ là phương tiện của từ bi. Không có trí tuệ, mình không đủ khả năng thực hành hạnh từ bi; không có trí tuệ, chúng ta sẽ không có mắt thương để nhìn cuộc đời; không có trí tuệ, mình không giám đến chỗ mà người ta phỉ báng mình. Vì đến đó người ta nói phật ý một chút là mình đã đỏ mặt hay tái mặt. Như vậy, làm sao mình có khả năng thực hiện từ bi để giúp đời được. Nên trí tụê là phương tiện để thực hiện từ bi. Muốn nuôi dưỡng tâm từ bi, là chúng ta phải thực tập Giới, phải thực tập Định và phải thực tập Tuệ.

 

Giới Học Phổ Môn:

Trong kinh Pháp hoa có bốn câu liên hệ đến từ bi, liên hệ đến giới học của Quán Thế Âm mà đức Phật Thích Ca đã giới thiệu cho chúng ta. Phần nhiều chúng ta tụng kinh Phổ Môn đã ngàn lần rồi, nhưng mấy ai nhận ra. Hôm nay nơi đạo tràng này, tôi xin chia sẻ với đại chúng giới học phổ môn mà bồ tát Quán Thế Âm đã từng thực hiện, thành tựu giới thể này chỉ gọn gàng vỏn vẹn trong bốn câu:

“ Bi thể giới lôi chấn

Từ ý diệu đại vân

Chú cam lồ pháp vũ

Diệt trừ phiền não diệm”

Đây thể hiện tâm thể đại bi của bồ tát Quán Thế Âm :

“Bi thể giới lôi chấn”.

Giới thể của đại bi rất hùng tráng làm chấn động pháp giới như tiếng sấm dậy. Gọi là bi thể giới lôi chấn.

“Từ ý diệu đại vân”.

Diệu pháp của tâm từ bi giống như một vầng mây lớn che mát thế gian, diệu pháp của tâm từ bi đó, tâm bồ đề đó, sinh khởi từ nơi giới thể đại bi. Khi giới thể đại bi đã phát khởi, đã hùng tráng như tiếng sấm dậy, khi tiếng sấm đã dậy thì mây cũng theo sấm mà giăng bủa cả không gian, nên mây che phủ cả thế gian. Đó chính là tâm từ bi của diệu pháp, phát ra từ tâm bồ đề, từ nơi giới thể của Bồ tát đại thừa.

“Chú cam lồ pháp vũ”.

Cam lồ rót xuống làm tươi mát trần gian đang dẫy đầy nóng bức. Vũ là mưa, pháp là Chánh pháp, cam lồ là nước ngọt. Những trận mưa của chánh pháp chuyển tải chất liệu đại bi và đại trí, những giọt cam lồ đại bi và đại trí đó, khi rót xuống thế gian đầy nóng bức này, khiến cho bao nhiêu oi bức của thế gian được lắng xuống, được xóa đi và được diệt trừ, nên kinh gọi là “diệt trừ phiền não diệm”. Nghĩa là tâm từ bi ấy, làm cho lửa phiền não nơi tâm chúng sanh được lắng xuống. Khi tâm chúng sanh biết tiếp nhận những trận mưa cam lồ từ nời giới thể đại bi, từ nơi diệu pháp đại từ, thì thế gian này từ nơi oi bức của sinh tử sẽ trở thành thanh lương và trong mát, an lạc của Niết bàn.

Nên, chúng ta muốn chuyển hóa sinh tử trong đời này thì bằng cách nào ?

Bằng cách thọ trì Giới, Định và Tuệ. Giới đây chính là giới thể của đại bi, diệu pháp đại từ. Chỉ có giới thể đại bi mới có khả năng nhổ hết gốc rễ phiền não nơi tâm chúng sanh, để đưa họ về với quê hương tịnh độ và có an lạc ngay giữa sa mạc nóng bức sinh tử. Nên, Phật tử chúng ta không thọ trì đại thừa Bồ tát giới, thì giới thể đại bi, diệu pháp đại trí, không thể có mặt trong đời sống chúng ta, thì ta lấy gì để thành tựu con mắt thương. Chỉ có dùng mắt thương đối với cuộc đời bằng giới thể đại bi, bằng diệu pháp đại trí nơi tâm của chúng ta, từ đó tâm ta mới lắng xuống hết thảy phiền não. Mỗi khi tâm ta đã lắng xuống những phiền não, thì ta mới có cơ hội tiếp xúc được với tâm đại bi của diệu pháp, tâm đại từ của giới thể thanh tịnh nơi ta.

Nếu ta thành tựu được giới thể đại bị và đại trí, thì ngay nơi mỗi bữa ăn của ta, ta cũng có thể chuyển tải được nội dung từ bi của ta đến ở trong thịt, cá, rau quả và khiến cho tất cả những thực phẩm đều có nội dung của Từ bi. Giả sử, vì nghiệp duyên mà chúng ta phải ăn thịt, thì chúng ta không còn ăn theo lòng tham mà chúng ta ăn là do quả báo của chúng ta bị ăn thịt. Chúng ta càng ăn, thì càng khởi tâm sám hối; càng ăn càng thấy xấu hổ; càng ăn càng tự trách lấy nghiệp quả bất thiện của mình và càng ăn, càng niệm Phật cho những chú cá, những miếng thịt và ngay cả rau quả đang có mặt trong bữa ăn của chúng ta, mong cho chúng sau khi đi vào trong cơ thể ta, đều được chuyển hoá thành giới thể đại bi, diệu pháp đại từ và nó sẽ đồng hành với ta, thực hành Bồ tát đạo, làm đệp cuộc đời và thể hiện được hạnh: “đem mắt thương nhìn cuộc đời”.

Nếu chúng ta tuy tập, nhưng còn dư báo, bị rơi vào những trú xứ, những hoàn cảnh phải bị gắp cá thịt để ăn, thì chúng ta phải cầu nguyện cho những miếng cá, những miếng thịt đó, khi đi vào trong cơ thể của mình, liền được chuyển hoá thành giới thể đại bi, diệu pháp đại trí, để cùng với mình thực tập “con mắt thương nhìn cuộc đời”; cùng với mình thực tập hạnh từ bi cứu độ chúng sanh. Nếu chúng ta có cơ duyên nuôi dưỡng đời sống chúng ta bằng rau, hoa quả, thì chúng ta cũng mong rằng, những loại rau quả này, khi vào trong cơ thể của chúng ta, cũng cùng chúng ta thực tập giới thể đại bi, diệu pháp đại từ, để chúng cùng với chúng ta có con mắt thương nhìn cuộc đời, và cùng với chúng ta thực tập đại bi, đại từ của bồ tát Quán Thế Âm.

 

Vì sao chúng ta phải để tâm cầu nguyện như vậy trước khi ăn, trong khi ăn và sau khi ăn? Vì khi chúng ta gắp một miếng rau trong một đĩa rau hay trong một tô canh rau trong bữa ăn của chúng ta là chúng ta cũng đã giành giựt bao nhiêu sự sống của các loại sâu bọ để ăn. Ta biết rằng, ta có đĩa rau xanh để ăn, thì cũng đã có bao nhiêu xị thuốc độc đã bơm vào những luống rau, và cũng đã biết bao nhiêu con sâu lăn mình ra chết khiến cho ta có miếng rau xanh để ăn.Vì vậy mà chúng ta khi gắp một miếng rau hay cầm một trái cây để ăn, chúng ta phải nhìn miếng rau đó, nhìn trái cây đó bằng con mắt thương.

Nhìn tất cả những gì ta đang thọ dụng bằng con mắt thương, là ta đang biết ơn và tôn trọng sự sống. Ta phải biết ơn mọi người, biết ơn mọi loài, biết ơn không gian vô cùng, biết ơn thời gian vô tận, biết ơn biển cả, biết ơn trái đất, biết ơn dòng sông, biết ơn tất cả, vì tất cả chúng đang làm nên sự sống cho ta và cuộc đời. Càng thương đời ta càng biết ơn đời và càng biết ơn đời ta càng thương cuộc đời. Nên người nào biết ơn đời bao nhiêu, người đó càng có hiếu kính và tình thương rộng lớn bấy nhiêu. Người đó càng có hạnh phúc và phước đức bấy nhiêu.

Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài làm công việc độ đời như thế, nhưng Ngài không hề nghĩ mình đang làm công tác độ đời, đó là cái đặc biệt của Bồ Tát Quán Thê Âm. Nếu Bồ Tát Quán Thế Âm độ đời mà nói: “ Tôi là Bồ Tát Quán Thế Âm đang độ đời đây” thì tức khắc Ngài không còn là Bồ Tát Quán Thế Âm độ đời nữa. Độ đời mà nghĩ rằng, mình đang độ đời, thì đó không phải là độ đời mà đang bị đời độ.

Bồ Tát Quán Thế Âm độ đời với tâm không mắc kẹt, nên ở trong mười phương các cõi nước, không có cõi nào là Ngài không hiện thân để cứu đời. Ngài cứu độ hết thảy chúng sanh, nhưng Ngài không bao giờ nghĩ đến tôi là Bồ Tát Quán Thế Âm đang cứu độ và chúng sanh là những người đang được cứu độ bởi tôi. Ngài không bao giờ có ý tưởng đó, và vì Ngài không bao giờ có ý tưởng đó, nên Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Bồ Tát đích thực của tất cả chúng ta và chúng sanh. Chúng ta cần phải thờ phụng Ngài, để có cơ duyên học hỏi những gì tốt đẹp và cao quý từ Ngài, và để tương lai chúng ta cũng có thể đạt tới cái tâm hạnh như Ngài.

 

Muôn Ngàn Cánh Tay Cứu Khổ:

Thờ phụng, kính lễ và học tập hạnh nguyên Bồ Tát Quán Thế Âm là chúng ta cố gắng loại bỏ tính nhác nhớm của chúng ta trong mỗi ngày; cố gắng loại bỏ tính chấp ngã của chúng ta trong mỗi ngày, thì mỗi ngày chúng ta lớn lên trong trái tim của Bồ Tát Quán Thế Âm; chúng ta sẽ có ngàn cánh tay, vạn cánh tay, ức triệu cánh tay và tất cả chúng ta đây dùng rất nhiều cánh tay để ôm lấy những khổ đau của chúng sanh vào trong trái tim mình, để chuyển hoá thành an vui, hạnh phúc.

Không những chừng ấy cánh tay mà chúng ta có hằng hà sa số cánh tay để cứu giúp bao nhiêu loại chúng sanh sinh ra từ thai, từ trứng, từ sự ấm thấp, từ sự biến hóa để đưa tất cả họ quay về với con đường an lạc. Đó là đường đi của người Phật tử chúng ta, không phải một đời, mà cứ như thế mà đi, đi mãi từ nơi tâm bồ đề của chúng ta cho đến khi chúng ta viên thành đại nguyện. Tất cả chúng ta đều là anh em, là bà con, là cha, là mẹ, là thầy, là trò của nhau từ đời này qua kiếp khác, nhưng do không có tuệ giác, khiến ta không nhận ra nhau đó thôi.

Vì vậy, chúng ta ăn cá, thịt là chúng ta nghĩ: chúng ta đang ăn thân thể của chúng ta; chúng ta đang ăn thịt bà con, anh em của chúng ta; chúng ta đang ăn con cháu của chúng ta. Nên, chúng ta ăn với tâm biết ơn và biết hổ thẹn; ăn rau, chúng ta cũng nghĩ rằng, chúng ta đang ăn thân thể của chúng ta đó vậy!

Chúng ta ăn mà nghĩ như vậy, thì oán đối của chúng ta với mọi người, mọi loài sẽ giảm đi rất nhiều. Chúng ta ăn vì điều kiện sống để đi đến Tuệ giác vô thượng, đến với tầm nhìn vô thượng, đến với tình thương vô thượng, nên tất cả đều là ân nhân chúng ta, giúp chúng ta tồn tại ở cuộc đời này, và tồn tại một cách có ý nghĩa. Phần nhiều chúng sanh mê lầm không nhận ra điều đó, nên ăn mà khai thác cái cảm giác ăn, để rồi lại chìm đắm trong ân oán của sinh tử luân hồi. Chúng ta ăn để nuôi dưỡng trái tim từ bi có đủ muôn ngàn cánh tay cứu độ.

Pháp thoại hôm nay xin được chấm dứt bởi bốn hoằng thệ nguyện:

Chúng sanh không số lượng

Thề nguyện đều độ khắp,

Phiền não không cùng tận

Thề nguyện đều dứt sạch;

Pháp môn không kể xiết

Thề nguyện đều tu học;

Phật đạo không gì hơn

Thề nguyện đều viên thành.

Kính phiên tả từ băng ghi âm: Đệ tử - Nhuận Bảo Châu

(thuviencophap.org)

Pháp thoại:

( Do T.T. Thích Thái Hòa thuyết giảng tại bãi biển An Bằng - Vinh An - Phú Vang - Thừa Thiên - Huế )


http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=3439&SubID=2&ID=2


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp