Tâm Bồ Đề


Khải Thiên
26/02/2012 19:58 (GMT+7)
Số lượt xem: 171312
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bạn thân mến,   Trong các thời khóa tụng niệm hằng ngày, chúng ta thường nghe lời cầu nguyện rằng: “…tâm Bồ đề kiên cố…” Vậy, tâm Bồ đề là gì và nó quan trọng như thế nào trong cuộc hành trình tu tập cũng như cho cuộc sống hiện tại của chúng ta? Trước hết, xin chia sẻ với bạn một điều, rằng tâm Bồ đề là yếu tố căn bản của mọi pháp môn tu tập và là yếu tính của cuộc sống hạnh phúc, giải thoát,

và giác ngộ theo kinh nghiệm thực tiễn của đạo Phật. Chỉ có tâm Bồ đề mới thực sự là “đạo tâm”, và những ai sống và hành xử theo tâm Bồ đề mới xứng đáng được gọi là “người có đạo tâm”.

Vì lẽ, từ trong bản chất sâu xa, tâm Bồ đề chính là sức sống hướng về tuệ giác vô thượng, một sức sống của trí tuệ vô ngã có thể giúp bạn vượt qua mọi giống tố, đão điên của cuộc đời để đạt đến hạnh phúc. Do đó, tâm Bồ đề tự thân nó vốn vượt lên trên mọi chiều kích phân biệt của tôn giáo và triết học, mặc dầu chính Đức Thích Ca Mâu Ni là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại chứng ngộ, tuyên thuyết, và giảng giải về tâm Bồ đề. Cho nên, bất kỳ ai thực hành tâm Bồ đề, không phân biệt tôn giáo hay chủng tộc, đều có thể tạo dựng cho chính mình một đời sống an lạc hạnh phúc thực thụ. Những vấn đề được giới thiệu sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm về bản chất của tâm Bồ đề.

1. Ý Nghĩa Tâm Bồ Đề:

Tâm Bồ đề là một thuật ngữ quan trọng trong ngôn ngữ kinh điển của Đại thừa, tiếng Phạn (Sanskrit) gọi là bodhi-citta— tâm (citta) của sự tỉnh thức-giác ngộ (bodhi) cũng gọi là giác tâm, tâm hướng về sự tỉnh thức-giác ngộ, hay tâm an trú trong sự tỉnh thức-giác ngộ. Mặc dù vậy, tâm Bồ đề luôn được hiểu qua hai góc độ khác nhau: tương đối—tức trong đời sống tu tập các công đức hằng ngày nhằm đạt đến sự an lạc hạnh phúc, và tuyệt đối—tức trong sự chứng ngộ tuệ giác vô thượng, trở thành bậc thánh. Trong đạo Phật truyền thống có nhiều phương pháp hỗ trợ cho bạn tu tập tâm Bồ đề, bao gồm ba mươi bảy phần, đó là những chỉ dẫn cụ thể cho sự tu tập và phát triển hạt giống Bồ đề trong đời sống của bạn.

Ở đây, bạn có thể chưa quan tâm và thậm chí không thiết tha gì đến việc giác ngộ tối thượng, vì bạn tự cho rằng mình là con người trần tục đang đắm chìm trong những dục vọng, xung đột, bức bách, và bất an giữa cuộc sống đầy dẫy khổ đau với bao vui, buồn, được, mất, toan tính, lo âu…Trong sự vây bủa bởi các phiền não hiện tiền như thế, sự giác ngộ tối thượng, dầu cao quý đến đâu chăng nữa, nhưng trong giờ phút này, nó quả là xa vời, viễn vông đối với bạn. Vả lại, cái mà bạn đang thiết tha tìm kiếm đó là cái hạnh phúc trong quan điểm của bạn: tình yêu, tiền tài, danh vọng…chứ không phải là sự giác ngộ tối thượng.

Nói khác đi, bạn có thể cho rằng mình không phải là ông thầy tu nên chuyện tỉnh thức-giác ngộ không liên quan gì đến cuộc sống của mình. Vâng, một suy nghĩ như thế nghe có vẻ thích hợp với “cách tư duy và lối sống khát vọng” của riêng bạn, nhưng chính lối suy nghĩ đó sẽ đánh mất đi cái khả năng “sống hạnh phúc thực thụ” của bạn! Vì lẽ, cái nhân của hạnh phúc không bao giờ nằm trong tình yêu, tiền tài hay danh vọng, mà nó nằm ngay trong “sự tỉnh thức” của bạn giữa thế giới của tình yêu, tiền tài, và danh vọng. Nếu thiếu vắng yếu tố “tỉnh thức”, thì tình yêu của bạn sẽ đi đến đâu, tiền tài của bạn sẽ được sử dụng như thế nào, và danh vọng của bạn sẽ được bồi đắp bằng cái gì? Trên thực tế, khi bạn yêu đương một cách ngu muội, không tỉnh thức, thì cái kết cuộc là tình yêu của bạn sẽ trở thành một loại “tình yêu mù quáng”, ắt hẳn sẽ dẫn đến khổ đau.

Tương tự như thế, khi kiếm tiền cũng như xài tiền, nếu bạn không tỉnh thức thì chắc gì bạn kiếm được tiền và kiếm tiền một cách tốt đẹp, cũng như xài tiền một cách hợp lý và hữu ích? Do đó, dẫu bạn là người trần tục, nhưng nếu bạn có tỉnh thức hay ít ra là có khát vọng hướng đến sự tỉnh thức—tính chất của tâm Bồ đề—thì bạn sẽ có khả năng tạo dựng và gìn giữ cái hạnh phúc của bạn một cách bền vững và lâu dài. Sự thiếu hiểu biết và thiếu tỉnh thức trên con đường tìm kiếm hạnh phúc bao giờ cũng là chướng ngại cho hạnh phúc hay nói khác hơn đó chính cội nguồn của khổ đau. Do đó, chúng ta cần thiết phải tu tập tâm Bồ đề.

2. Cuộc Sống và Tâm Bồ Đề:

Vậy thì làm thế nào để tu tập và phát triển tâm Bồ đề? Để nuôi dưỡng và phát triển tâm Bồ đề, điều trước tiên bạn nên làm đó là tự xây dựng cho chính mình một khát vọng hướng đến một đời sống tỉnh thức và nỗ lực thực hành ba điều thiện căn bản: (i) nguyện không làm các việc ác, (ii) nguyện làm các việc lành, và (iii) nguyện làm lợi ích cho chúng sinh—nhiêu ích hữu tình.

Tùy theo khả năng của bạn mà từng bước bạn hoàn thiện bản thân mình dựa vào khát vọng tỉnh thức và ba điều thiện căn bản này. Ở đây, bạn nên nhớ rằng, nền tảng của trái tim Bồ đề là tâm đại bi và tuệ giác vô ngã. Do vậy, khi tu tâm Bồ đề, bạn không những không làm các việc ác, làm các việc lành (để hoàn thiện bản thân) mà còn phải làm những điều lợi ích cho chúng sinh (cho tha nhân). Vì nếu bạn chỉ nghĩ đến cái ích lợi của bản thân không thôi, thì nỗ lực tu tập của bạn sẽ dễ dàng bị điều động bởi tâm phàm phu ích kỷ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thường dạy, chúng ta có hai sự ích kỷ, một là ích kỷ ngu xuẩn—chỉ quan tâm đến bản thân mình, hai là ích kỷ khôn ngoan—quan tâm đến nỗi khổ của tha nhân. Chẳng hạn, khi bạn có một đồng, bạn dùng đồng đó tiêu xài cho chính bản thân, thì một đồng đó xem như “đã hết”; nhưng khi bạn dùng đồng đó để giúp đỡ tha nhân, thì đồng đó “vẫn còn”. Nói khác đi, cái ích kỷ khôn ngoan là một lối nói khéo léo nhằm nhắc nhở bạn rằng, khi làm một việc thiện nào đó cho tha nhân, bạn sẽ không mất cái gì hết mà trái lại bạn đang tu tập các công đức cho chính bản thân.

Thánh Gandhi nói rằng: “Nếu tôi hoàn toàn chú tâm vào việc phụng sự cộng đồng, thì lý do đằng sau đó là lòng ao ước thành tựu bản thân tôi.” Vì thế, trên con đường tu tập tâm Bồ đề, bạn phải nỗ lực thực tập đời sống vô ngã-vị tha. Nếu bạn cúng dường, bố thí hay giúp đỡ tha nhân với cái tâm chấp ngã, kiêu căng, hay tự cao, thì đấy không phải là tu tập tâm Bồ đề. Chỉ khi nào bạn làm một việc thiện—cúng dường, bố thí, hay giúp đỡ tha nhân— vì khát vọng “nhiêu ích hữu tình” (mong muốn làm lợi ích cho chúng sinh) với trái tim đại bi-vô ngã, thì điều đó mới gọi là là tu tập tâm Bồ đề.

Thực tế cho thấy rằng, trong các pháp vô thường sinh diệt, thì tâm của con người là sinh diệt nhanh nhất, vì nó luôn luôn thay đổi dù chỉ trong tích tắc, ý niệm này diệt thì ý niệm khác sinh, cứ như thế sinh diệt liên hồi, trừ khi bạn đạt được sự an định trong tâm hồn sau một quá trình tu tập. Do vậy, nếu không có tâm Bồ đề là điểm tựa cho đời sống tâm thức của bạn, thì hôm nay có thể bạn thương người và giúp người, nhưng ngày mai bạn có thể sẽ không còn thương họ và giúp họ nữa; đôi khi không những không thương, không giúp mà còn trở lại ghét bỏ, thù hận, và thậm chí hối tiếc việc giúp đỡ trước đây của bạn.

Quả thực là tội nghiệp và đáng thương cho những ai lâm vào hoàn cảnh như thế này! Nhưng khi bạn làm một việc thiện với tâm Bồ đề, thì chính bạn một cách nghiêm túc không cho phép ý niệm “nay thương mai ghét” nổi lên trong tâm của bạn, và do đó bạn sẽ không bao giờ ưu phiền hay hối tiếc một việc thiện mà mình đã làm. Điều đó, không những làm cho bạn an lạc hơn và hạnh phúc hơn trong cái việc thiện mà bạn đã làm, cho dù lòng người có thay đổi ra sao, mà trái lại nó còn giúp bạn giữ vững tâm hồn cao cả và ý nghĩa của thiện nguyện ban đầu.

Nếu không có tâm Bồ đề làm nền tảng, rõ ràng, mọi việc thiện mà chúng ta làm có thể chuyển thành cái nhân của khổ đau khi cơn thịnh nộ của tự ngã (sân si) nổi lên hay khi tấm lòng ích kỷ trỗi dậy với bao điều tham-sân-chấp ngã! Vì lí do này, kinh Hoa Nghiêm cảnh tỉnh chúng ta rằng: “Trong khi làm các việc thiện mà đánh mất tâm Bồ đề thì đó là ma nghiệp.” (Vong thất Bồ đề tâm tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp.) Ở đây, bạn nên hiểu rằng, ma nghiệp chính là tâm phàm phu ích kỷ, tham-sân-chấp ngã núp bên trong các việc làm của mình, cho dù việc làm đó được mang danh là thiện nguyện.

Như thế, để nuôi dưỡng tâm Bồ đề trong tiến trình tu tập, bạn cần phải phát triển tâm đại bi-vô ngã. Đại bi là tình thương cao thượng và rộng lớn, là sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ nỗi khổ đau của tha nhân. Đức tính vô ngã trong tâm đại bi là lòng hỷ xả không bám víu, không chấp thủ, không ích kỷ, không hơn thua, không tranh chấp, không kiêu căng tự đại mà luôn thấy rõ rằng bản chất của các pháp là do nhân duyên kết hợp mà thành; không có cái gì chân thật trong “cái tôi”, “cái của tôi”, và “cái tự ngã của tôi”. Tất cả các pháp đều là như thế.

Trong ánh sáng của đại bi-vô ngã, bạn quy hướng mọi thiện nguyện và đời sống của mình về với tâm Bồ đề. Đấy là nhân duyên làm cho trái tim đại bi của bạn thức dậy, làm cho nó có khả năng ôm ấp-vỗ về từng nỗi đau trong sự thăng trầm của thế gian; nó cứu với thế gian, và làm cho thế gian biến thành tịnh độ. Bạn nên nhớ rằng, tâm Bồ đề là nguyên lí của đời sống chân hạnh phúc, bởi vì bản chất của tâm Bồ đề là tỉnh thức vẹn toàn, là từ bi vô ngại, là an lạc hỷ xả, là tuệ giác vô thượng.

3. Điểm Tựa cho Hạnh Phúc:

Tâm Bồ đề (bodhicitta), như đã đề cập, là tâm của sự tỉnh thức-giác ngộ, là tâm hướng đến sự tỉnh thức-giác ngộ, là tâm an trú trong sự tỉnh thức-giác ngộ. Trong tất cả mọi trường hợp ở trên, sự tỉnh thức là nền tảng căn bản, vì chữ bodhi có nghĩa là tỉnh thức. Tất nhiên, sự tỉnh thức được hiểu ở nhiều góc độ khác nhau, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ đơn giản đến sâu xa, từ phàm phu cho đến các quả vị thánh, và tột cùng là sự tỉnh thức toàn diện về cuộc sống—giác ngộ tối thượng.

Khi nói tâm Bồ đề là nền tảng, có nghĩa nó được xem là điểm tựa vững chắc cho cuộc sống an lạc hạnh phúc của bạn, cho dù bạn đang lang thang thất thểu trong đau khổ và thăng trầm của kiếp người. Ở đây, chúng ta sẽ bàn đến một khía cạnh quan trọng của tâm Bồ đề, đó là yếu tính của hạnh phúc.

Trong thói quen của cuộc sống riêng tư, bạn có thể cho rằng, có tình yêu là hạnh phúc, có tiền bạc thật nhiều là hạnh phúc, có danh vọng là hạnh phúc, có quyền lực là hạnh phúc, vân vân. Nhưng bạn sẽ lấy cái gì để đảm bảo rằng những cái hạnh phúc đó là chắc chắn và bền vững? Vâng, đấy là một câu hỏi vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp bạn thấy được tính chất cao quý của sự tỉnh thức, nhất là khi tâm Bồ đề xuất hiện với tính cách là điểm tựa cho cuộc sống hạnh phúc, một cuộc sống vốn không bị khuynh đảo bởi lụy phiền của thế gian. Hãy lấy một thí dụ, khi đang xây một căn nhà, thì sự thành hình của căn nhà đó chính là niềm hạnh phúc của bạn.

Tuy nhiên, khi căn nhà đã thành hình rồi, lúc bấy giờ mối quan tâm thực thụ của bạn không phải là “bạn đã có một căn nhà” mà là “sự tồn tại lâu dài của căn nhà”. Do đó, cho dù bạn quan niệm hạnh phúc là như thế nào đi nữa, thì bạn cũng cần đến một điểm tựa để duy trì cái hạnh phúc của bạn. Vậy thì bạn lấy cái gì để làm điểm tựa cho hạnh phúc? Tình yêu? Tiền tài? Danh vọng? Không, những thứ này có thể là một trong những điều kiện cho cái hạnh phúc lâm thời của bạn, nhưng từ bản chất chúng không thể là và không phải là nền tảng của hạnh phúc và cho hạnh phúc. Vì vậy, cần phải có một điểm tựa vững vàng để duy trì hạnh phúc của bạn giữa đời sống của những đổi thay, vô thường này. Vâng, điểm tựa đó không gì khác hơn là tâm Bồ đề.

Vì lẽ tâm Bồ đề vốn cưu mang trong chính nó một nguồn năng lượng của đại bi và sự tỉnh thức sâu sắc về bản chất của cuộc sống. Tâm Bồ đề là trái tim của hiểu biết và thương yêu trong ánh sáng của vô ngã, vị tha. Chính tâm Bồ đề sẽ dìu dắt bạn đi qua mọi giống tố của cuộc đời. Trên thực tế, khi bạn hướng tâm vào, hay an trú trong nguồn năng lượng đại bi và tỉnh thức này bạn sẽ có khả năng thấy được sự thật của cuộc sống vô thường; do thấy rõ như vậy, nên tâm đại bi của bạn thức tỉnh và tạo dựng cho chính bạn một tâm hồn bao dung, độ lượng trước mọi hành động ích kỷ, ngu muội.

Ở đây, bạn nên phân biệt hai loại tâm căn bản của một con người, đó là: tâm phàm phu và tâm Bồ đề. Tâm phàm phu thì luôn cưu mang trong chính nó một sự ích kỷ, nhỏ nhoi, gắn liền với tham-sân-chấp ngã. Về mặt thế gian, bạn có thể nghĩ rằng mình không có lỗi lầm gì khi dốc hết lòng chăm sóc cho cái lợi ích và hạnh phúc của riêng mình. Tuy nhiên, đấy không phải là cách sống khôn ngoan và cao thượng, và sống như thế quả thực là ích kỷ, nông nỗi! Hãy lấy thí dụ, bạn sẽ cảm nhận điều gì khi bản thân của bạn thì ăn mặc no đủ, tràn đầy, trong khi những người khác trong cùng một căn hộ của bạn thì nghèo khổ, đói kém, bệnh tật? Cho dù bạn là kẻ giàu sang, nhưng bạn có thực sự hạnh phúc hay không khi hàng ngày phải đối diện với cái môi trường nghèo khổ, bệnh tật và túng thiếu của những người chung quanh bạn?

Do đó, để thực sự được hạnh phúc bạn cần phải có một trái tim độ lượng và một tấm lòng vị tha; nghĩa là bạn không những chăm lo cho đời sống hạnh phúc của riêng bạn mà còn phải nghĩ đến những người chung quanh bạn. Sự thật là, một lâu đài sang trọng sẽ mất đi cái vẻ nguy nga tráng lệ của nó nếu chung quanh nó là một khu nhà ổ chuột, rách nát tơi bời, và một môi trường đầy ô nhiễm. Vả lại, như cổ nhân thường nói: “Nhà cao cửa rộng không bằng tâm lòng độ lượng.” Sự so sánh này nói lên ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống cao thượng phát sinh từ tấm lòng đại bi, nó vượt lên trên tâm phàm phu ích kỷ.

Hơn thế nữa, nếu bạn chỉ lo chăm sóc cái hạnh phúc của bạn bằng cái tâm phàm phu, thì chính cái hạnh phúc của bạn cũng sẽ biến thành cái hạnh phúc phàm phu, nghĩa là nó có thể bị đổ vỡ trước những xung đột hoặc là từ bên trong, hoặc là từ bên ngoài. Chẳng hạn, một sự nghi ngờ, một sự hiềm tỵ, hay một cơn sân si nổi lên, trong tích tắc hạnh phúc của bạn có thể biến thành khổ đau, bởi vì nó không được bảo vệ bởi tâm Bồ đề. Bạn nên nhớ rằng, do tính chất của tâm phàm phu là tham-sân-chấp ngã, nên nó không có khả năng giải thoát bạn ra khỏi những khổ đau trong bất kỳ hình thức nào của sự tham-sân-chấp ngã.

Vì vậy, bất kỳ hạnh phúc nào được xây dựng bằng tâm phàm phu đều rất dễ bị đổ vỡ. Ngay cả khi bạn làm một việc thiện với tâm phàm phu, nhưng nếu thiếu sự tỉnh thức và thận trọng, thì tâm phàm phu có thể sẽ lấn át mọi ý nghĩa cao đẹp của việc thiện. Ví dụ, khi làm được một việc thiện—cúng dường, bố thí, hay giúp đỡ tha nhân—, bạn sẽ cảm nhận được một sự an lạc từ trong tâm hồn của bạn. Và chắc chắn rằng, theo luật nhân quả, thì việc làm công đức của bạn sẽ đem đến cho chính bạn những kết quả tốt đẹp.

Thế nhưng, bạn phải rất thận trọng, vì bất kỳ khi nào tâm phàm phu trỗi dậy trong con người của bạn, nó sẽ lôi kéo bạn đi xa hơn cái mục đích và ý nghĩa ban đầu của một việc thiện, nghĩa là nó lấy việc thiện để bồi đắp cho “cái tôi” chứ không còn mang ý nghĩa vị tha và phụng sự nữa. Tất nhiên, kéo theo đằng sau những tâm phàm phu này là những chuỗi so bì, hơn thua, được mất, toan tính…mà nếu bạn không thức tỉnh kịp thời, thì ý nghĩa ban đầu của cái việc thiện mà bạn đang làm sẽ bị tiêu tan; và rốt cuộc thì, cái việc thiện mà bạn làm lại hóa thành một cuộc chạy đua của “cái tôi”. Đấy chính là sự nguy hiểm của tâm phàm phu ích kỷ.

Từ đây, chúng ta thấy rõ rằng, trong giòng tâm thức của con người có hai nhóm phẩm chất khác nhau: một là nhóm phẩm chất Bồ đề, tức là trái tim đại bi và trí tuệ vô ngã, và một là nhóm phẩm chất phàm phù, tức là sự ích kỷ, tham, sân, chấp ngã, kiêu mạn, tỵ hiềm…Điều quan trọng mà bạn cần nghiêm túc nhận xét đó là, sự ích kỷ không thể được diệt trừ bằng ích kỷ, mà chỉ có tấm lòng đại bi mới có thể diệt trừ được sự ích kỷ. Cũng vậy, tâm phàm phu ích kỷ không thể nào gìn giữ và bảo vệ cái hạnh phúc của chúng ta, mà trái lại, chỉ có tâm Bồ đề mới có thể duy trì hạnh phúc của chúng ta và làm cho nó trở nên có ý nghĩa và bền chắc lầu dài.

Đặc biệt là trong những lúc bạn phải khốn đốn vì những thăng trầm của đời sống thế gian, thì chính tâm Bồ đề là nơi nương tựa cao quý của bạn, vì tâm Bồ đề vốn là trái tim đại bi vô ngại, nó có thể đón nhận bất kỳ sự bẽ bàng nào từ cuộc sống mà không hề thối chuyển các đức tính từ bi, hỷ xả. Chẳng hạn, tình yêu của bạn dù nóng bỏng và thiết đến đâu đi nữa thì nó bao giờ cũng cưu mang trong chính nó một khả năng thay đổi. Nhưng với tâm Bồ đề, thì mọi sự thay đổi sẽ diễn ra theo một hướng tốt đẹp trong sự tha thứ, cảm thông, và hỷ xả. Vả lại, với tâm Bồ đề, thì mọi sự thay đổi dù như thế nào đi nữa vẫn không đánh mất nguồn an lạc trong nội tâm của bạn, cũng như không để lại bất kỳ một sự hối tiếc nào đối với các việc thiện mà bạn đã làm.

Đấy là lí do tại sao chúng ta cần thiết phải nuôi dưỡng tâm Bồ đề trong suốt con đường sống thiện và hành thiện của mình. Bạn không cần thiết phải cắt nghĩa hạnh phúc là như thế nào, nhưng nếu bạn tu tập và phát triển tâm Bồ đề, chắc chắn bạn sẽ được hạnh phúc vì bản chất của tâm Bồ đề là những phẩm chất cao thượng của lòng đại bi và trí tuệ vô ngã, có năng lực hóa giải mọi phiền não của thế gian. Do vậy, cái yếu tính của hạnh phúc chân thật trong đời sống của chúng ta chính là tâm Bồ đề, và cái điểm tựa cho hạnh phúc của chúng ta cũng chính là tâm Bồ đề.

Bạn nên nhớ rằng, tâm phàm phu ích kỷ là nguyên nhân của tham-sân-chấp ngã—vốn là cội nguồn của khổ đau; do đó, nếu hạnh phúc của bạn được xây dựng trên nền tảng của tâm phàm phù ích kỷ, thì nhất định cái hạnh phúc đó sẽ đưa đến cái kết cuộc khổ đau. Và ngược lại, nếu hạnh phúc của bạn được xây dựng trên cơ sở của tâm Bồ đề, thì chắc chắn, dù có gian truân như thế nào đi nữa, hạnh phúc của bạn vẫn là nguồn an lạc thực thụ và nó sẽ đưa bạn đến bến bờ của chân hạnh phúc. Vì vậy, nếu bạn muốn tình yêu của bạn được bền chắc, bạn phải khởi sự yêu thương bằng trái tim Bồ đề. Nếu bạn muốn hạnh phúc của bạn được bền chắc, bạn cũng phải xây dựng nó bằng trái tim Bồ đề.

4. Trú Xứ của Tâm Bồ Đề:

Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng, nếu hạnh phúc cần phải có tâm Bồ đề làm điểm tựa, vậy thì tâm Bồ đề sẽ tựa vào đâu để phát sinh? Vâng, đó là một câu hỏi rất thú vị. Trước hết bạn nên ý thức rõ rằng, không ai có thể ban tặng cho bạn tâm Bồ đề, Đức Phật cũng không thể ban cho bạn tâm Bồ đề, Thượng Đế, nếu đang hiện diện, cũng không thể ban cho bạn tâm Bồ đề, mà trái lại bạn là người duy nhất có thể xây dựng cho chính mình tâm Bồ đề. Do đó, bạn nên biết rằng trú xứ của tâm Bồ đề không phải ở thiên đường hay tịnh độ, mà ở ngay nơi chiếc thân héo hắt và thế giới trần tục này.

Kinh Pháp Bảo Đàn nói rằng: “Phật pháp ở thế gian, không thể lìa thế gian mà có giác ngộ; lìa thế gian để tìm kiếm Bồ đề, chẳng khác nào đi tìm sừng của con thỏ.” (Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ-đề, cáp tợ cầu thố giác). Vâng, thế gian, khổ đau, phiền não, sinh tử… chính là mảnh đất mà từ đó bạn có thể cất lên khát vọng Bồ đề, nuôi dưỡng trái tim Bồ đề, và thực hành đời sống của Bồ đề. Chính trong khổ đau, bạn mới có cơ hội nhìn thấy được chân lí của đời sống, vì khổ đau luôn cưu mang những đức tính cao thượng.

Chẳng hạn do buồn rầu, xót xa trước những cảnh tượng chết chóc, đau thương, bệnh tật, thảm họa và ách nạn, mà bạn có thể tẩy trừ những tánh khí kiêu mạn trong con người của bạn. Cũng vậy, do sống trong cảnh đau thương, thăng trầm của kiếp người mà bạn mới khởi niệm bi mẫn đối với muôn loài chúng sinh; bạn không muốn gây thêm tội lỗi và tâm sẽ hoan hỷ với đời sống đức hạnh. Thật vậy, chính biển khổ tạo cơ duyên cho bạn phát khởi tâm Bồ đề, hướng đến một đời sống từ bi, cao thượng vượt lên trên mọi tranh chấp, hơn thua, đố kỵ của tâm phàm phu ích kỷ.

Tuy nhiên, để giữ vững tâm Bồ đề, bạn cần phải tư duy sâu sắc về sự thật của cuộc đời (vô thường, vô ngã), về nỗi khổ của chúng sinh sống trong bóng tối (vô minh), về những trăn trở của tập khí và nghiệp lực của con người, về đức hạnh và trái tim đại bi của Đức Phật, cũng như về đời sống cao thượng và những đức tính hy sinh, xả kỷ của các bậc Thánh tôn quý. Càng suy nghiệm một sâu sắc về những pháp như thế, tâm đại bi của bạn sẽ càng mở rộng đến bao la, không biên giới. Tâm đại bi là chất liệu nuôi duỡng trái tim Bồ đề. Như tình thương của người mẹ đối với đứa con duy nhất của mình, cho dù nó có hư hỏng ra sao đi nữa, thì người mẹ vẫn thương yêu nó cho đến giây phút cuối cùng. Thật vậy, nếu không có tâm đại bi và trí tuệ làm nền tảng cho cuộc sống tâm linh của chúng ta, thì những khổ luyện xác thân và tâm thức của mình rốt cuộc chỉ đưa đến một sự héo hắt, úa tàn, như khúc gỗ mục, chẳng có ích gì.

Đây là lí do mà Phật giáo Đại thừa nhấn mạnh đến sự nghiệp của một vị Bồ Tát—trái tim khát vọng cứu độ hết thảy chúng sinh, cho đến khi không còn một chúng sinh nào đắm chìm trong cõi khổ đau, thì khi đó ngài mới hoàn tất công vụ “nhiêu ích hữu tình” của mình. Bạn nên nhớ rằng, tâm đại bi và trí tuệ là tinh thể của trái tim Bồ đề, và rằng trái tim đó chỉ có ý nghĩa khi nào nó hiển hiện giữa trần gian. Tuy nhiên, đối với những ai mới phát tâm Bồ đề hoặc tâm Bồ đề chưa được kiên cố, thì cần phải nỗ lực tu tập hơn nữa và cũng cần có sự giúp đỡ của các bậc Thầy, vì sóng gió của thế gian—tham, sân, si, mạn, .v.v.— đôi khi mạnh đến mức bứng cả “gốc cây Bồ đề còn non trẻ” của bạn.

Nói tóm lại, cuộc sống của con người trên thế gian này không có cái gì là bền chắc, vì mọi thứ luôn luôn thay đổi. Sự thay đổi có khi làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng cũng có khi nó làm cho cuộc sống tồi tệ hơn. Giữa giòng đời luôn trôi chảy, quả thực bạn không thể nắm chắc một cái gì trong tay được. Tuy nhiên, bạn có thể biết chắc một điều rằng, bao lâu bạn còn dong ruổi với tâm phàm phu cũng như xây cuộc sống của bạn trên nền tảng của tâm phàm phu, thì bấy lâu bạn vẫn phải tiếp tục chìm đắm trong thế gian lụy phiền bởi được, mất, hơn, thua, buồn, giận, thương, ghét…Và rằng, cho đến khi nào cuộc sống của bạn được xây dựng trên nền tảng của tâm Bồ đề, thì khi đó cả nghìn thế gian này cũng không còn khả năng chia rẽ cuộc sống chân thật của bạn nữa, vì bạn đã sống, an trú trong trái tim Bồ đề và bạn đến với thế gian cũng bằng trái tim Bồ đề. Xin chắp tay cầu nguyện cho tâm Bồ đề của bạn luôn kiên cố.

(Trích: Khai Thien, Foundation of Your Spiritual Journey)

chuaminhthanh.com


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp