Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 07-12-2008
Đánh máy: Trần Kong Khoa
Nỗi đau không riêng ai
Vấn đề phân biệt giới tính, hay trọng nam khinh nữ là nỗi đau và ám
ảnh đối với rất nhiều người trong xã hội. Quan điểm này góp phần đưa đến
nạn bạo hành gia đình. Chúng ta sẽ phân tích nguyên nhân và giải pháp
vì theo đạo lý Tứ Diệu Đế thì tất cả mọi khổ đau đều có nguyên nhân;
song hành những nguyên nhân gây ra khổ đau là các giải pháp. Người có
thái độ tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp được xem là người đang sống
trong trí tuệ. Thay vì đầu tư vào sự mầu nhiệm quan sinh và năng lực bên
ngoài thì học thuyết Phật giáo dạy con người phải xoay lại bên trong,
nhìn lại nguyên nhân để giải quyết.
Trước khi đưa ra nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành trong gia đình,
chúng tôi xin kể câu chuyện một bộ phim của Hollywood. Nạn bạo hành gia
đình phát xuất từ cơn ghen của người vợ. Hai người sau nhiều năm tìm
hiểu nhau đã chính thức kết hôn. Người chồng bảnh bao, đẹp trai nên ra
ngoài thường được nhiều sự quan tâm từ các cô gái. Điều đó làm cho người
vợ không an lòng với tâm lý sợ hãi bị mất người mình yêu. Một lần, khi
hai vợ chồng du lịch, người vợ đã xắp xếp tạo ra một tai nạn nhỏ khiến
anh chồng bị thương ở chân. Sau khi nằm bệnh viện vài hôm, người chồng
trở về nhà. Vợ anh dùng sợi dây xích buộc chân anh trên chiếc giường
dưới tầng hầm của căn nhà. Khi tỉnh giấc, anh cảm thấy mình như đang ở
tù. Mỗi ngày, cô vợ đem cơm nước xuống phục vụ. Anh năn nỉ mong cô cởi
bỏ sợi dây xích thì cô trả lời: “Thà như vậy để tôi có thể quản lý anh cả ngày”.
Người chồng này không hề chống trả bằng hành động hay lời nói bạo lực
mà anh chỉ cảm thấy khổ đau. Anh nhiều lần cố gắng dùng tình cảm thuyết
phục vợ mở xiềng xích. Vì biết phát xuất từ tình yêu và ghen tuông mù
quáng mà cô đã hành động như vậy nên anh cắn răng chịu đựng. Còn cô vợ,
mỗi khi ra đường được hỏi về người chồng thì cô nói dối rằng anh bị mất
tích. Cơ quan chức năng, cảnh sát đến điều tra cũng không có manh mối
gì. Dần dần mọi người xem như anh đã chết.
Sau đó, cô vợ thầm yêu một người cảnh sát. Mỗi ngày thêu thùa, cô đều
thêu tên người cảnh sát là Kerry trên chiếc khăn tay. Dưới tầng hầm,
anh chồng vẫn sống như vậy suốt năm tháng dài. Vì bất lực trong việc
thuyết phục vợ nên anh đã dùng một cây đinh nhỏ khoét vào mắc xích từng
chút từng chút một. Ba tháng sau, anh làm đứt được sợi dây xích. Chờ khi
cô vợ xuống, anh bắt trói cô giống như cô đã làm với anh. Anh cũng
không hành hạ vợ mà mỗi buổi ăn đều đem cơm nước xuống. Chỉ ba hôm như
thế mà cô vợ xanh xao mặt mày như sắp chết. Vì buồn giận, anh lang thang
ra phố. Đến quán, anh nhậu say và tìm gái làng chơi để trả thù vợ. Anh
tâm sự những khủng hoảng gia đình mình với cô gái rồi lại bỏ ra về. Trên
đường về, anh ghé vào quán mua thịt gà định làm hòa với vợ. Trong lúc
lái xe, diễn biến tâm lý phức tạp trong anh xuất hiện, anh vừa lái xe
vừa loay hoay tháo nhẫn cưới định vứt đi, nhưng sau đó lại chần chừ giữ
lại. Cứ mải mê suy nghĩ thì bị tai nạn giao thông và chết tại chỗ. Sáng
hôm sau báo chí đưa tin, cô vợ tỏ ra đắc ý vì đã trả thù được chồng.
Cảnh sát trong đó có Kerry đến nhà, thấy đồ đạc rối tung. Sau hồi lâu
tuần tra, Kerry phát hiện lối xuống hầm từ cánh cửa sau tủ. Gặp được
người yêu, hai người mừng rỡ tình tứ với nhau. Nhân cơ hội này, cô ta
bất ngờ khóa chân người cảnh sát vào giường. Thế là người cảnh sát Kerry
trở thành nạn nhân thứ hai. Bộ phim kết thúc.
Chỉ vì cơn ghen mà bạo lực gia đình có mặt. Đây là tình huống rất
hiếm. Theo thống kê xã hội học thì có khoảng mười phần trăm bạo lực gia
đình do người vợ chủ động tạo ra. Chín mươi phần trăm còn lại là từ
người chồng với lợi thế về giới tính và thể lực. Rất nhiều người chồng
vì những tác động bên ngoài dẫn đến lòng sân, si hay do những khổ đau cá
nhân mà trút lên vợ mình. Chính vì vậy mà nạn bạo hành gia đình là
nguyên nhân chính của những bất công, sự xúc phạm nhân phẩm phần lớn chị
em phụ nữ ở những nước chậm phát triển và những nơi mà nền văn hóa, tôn
giáo có tính chất trọng nam khinh nữ.
Ghen tuông và ngoại tình chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến
nạn bạo hành gia đình. Theo thống kê thì có rất nhiều nguyên nhân có thể
liệt kê sau đây.
Nghiện rượu và ma túy
Thống kê cho thấy 60% nạn bạo hành gia đình xảy ra sau khi người
chồng uống rượu. Rượu làm giảm sự kiềm chế cũng như nhận thức của bản
thân để phán đoán đâu là đúng sai từ đó dẫn đến trạng thái dễ nóng nảy,
cau có khó chịu. Biểu hiện khi say rượu là nói lải nhải, chửi bới, quậy
phá ảnh hưởng đến gia đình và những người xung quanh. Trong tình huống
này, nếu người vợ nhường nhịn thì anh chồng lại càng lấn lướt. Còn nếu
người vợ đối mặt, phân tích đúng sai và khuyên can chồng thì lại bị
chồng nghĩ là đang dạy đời. Người chồng có tính bạo hành lúc nào cũng tỏ
ra gia trưởng, tự cho mình quyền quyết định mọi việc trong nhà, bao gồm
quyền giáo dục vợ con. Vì vậy khi được khuyên can, anh ta cảm giác bị
thương tổn nên sẽ tìm cách trút giận.
Trong trường hợp này, người chồng cần nỗ lực thay đổi cá tính của
mình. Việt Nam là một trong những nước cuối cùng thành lập và đưa vào
hiệu lực Luật phòng chống bạo hành trong gia đình, vào ngày 1/7/2008.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc đã vận động luật này hai mươi bảy năm qua.
Phần lớn các bộ luật chỉ đưa ra hình thái vi phạm nặng nhẹ và những
khung hình phạt đi kèm để nghiêm cấm, trừng trị các hành vi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”
mà chưa đưa ra những hướng dẫn cụ thể để chuyển hóa cá nhân có khuynh
hướng vi phạm hoặc đã vi phạm. Trong xã hội thì phần lớn mới nhấn mạnh
đến việc thành lập các trung tâm lánh nạn cho chị em phụ nữ mà chưa đề
cập đến việc dấn thân vào cuộc của đấng mày râu trong hoạt động ngăn
chặn bạo lực gia đình. Dựa trên cơ sở này, khi phân tích các nguyên
nhân, chúng tôi xin nêu lên các giải pháp mà đạo Phật có đề ra.
Đối với tình trạng bạo hành do ảnh hưởng bởi chất kích thích như xì
ke ma túy, rượu bia, và các chất gây say thì đương sự nên thực tập điều
thứ năm của người Phật tử tại gia một cách nghiêm túc hơn. Phải thấy rõ
rằng việc nạp rượu vào cơ thể là tình nguyện phá hoại sức khỏe, làm tổn
thất mạng sống, rút ngắn tuổi thọ, dẫn đến sự thiếu trách nhiệm trong
gia đình. Người nam phải cương quyết từ bỏ những tật xấu này chứ không
phải vì không có rượu bia thì mọi giao lưu xã hội bị ách tắt. Dân gian
Việt Nam có văn hóa “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, với trầu
cau, mọi việc vẫn diễn ra trôi chảy chứ đâu nhất thiết phải là rượu bia.
Rượu bia chỉ xuất phát từ những người có thói quen xấu.
Thực tế các giao dịch thông qua bàn rượu thường dẫn đến những sai
lầm. Khi phục rượu, kẻ chủ mưu thường kèm theo mĩ nhân kế. Do đó nạn
nhân dễ đưa ra những quyết định sai lầm trong công việc về sau. Người
nam có thói quen này cần thực tập thanh tịnh hóa tâm mình. Thay thế rượu
bằng những thức uống không có độc tố. Hãy quan sát, chị em phụ nữ đâu
hề uống rượu bia mà vẫn hạnh phúc. Nếu được hỏi rượu bia vào miệng có
cảm giác thế nào. Câu trả lời phần lớn là: đắng, cay, nồng. Tại sao phần
lớn người nam lại thích? Câu trả lời là: cái gì có cảm giác mạnh, cái
đó tạo thói quen. Khi thói quen không được kiểm soát sẽ tạo thành bản
năng. Bản năng đó có khuynh hướng đưa người ta đến sự hưởng thụ bất chấp
hậu quả trong tương lai. Do đó chúng ta phải thay đổi nhận thức này vì
nó được xem là yếu tố quan trọng dẫn đến nạn bạo hành nói chung. Hãy
thực tập chánh mạng và chánh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ các loại thực
phẩm và giải khát giúp chúng ta làm chủ bản thân và làm chủ vận mệnh.
Khó khăn về kinh tế
Bao gồm ba tình huống như làm ăn thất bại, nạn cờ bạc, và nghèo khó.
Thất bại trong công cuộc mưu sinh ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, vốn có
thể làm cho tâm lý, hành động của con người thay đổi. Những bất hòa nho
nhỏ thường ngày trở nên càng nghiêm trọng trong bối cảnh kinh tế khó
khăn. Thống kê xã hội học cho thấy 60 đến 65% bạo hành gia đình do sức
ép của kinh tế gây ra. Điều kiện kinh tế khó khăn nói chung làm cho con
người không còn bình tĩnh để ứng xử một cách khôn ngoan, tình trạng bắt
nạt thường xảy ra. Chẳng hạn, người chồng phải làm lụng vất vả, đôi lúc
buồn chán, đi giao du cùng bạn bè và trở về nhà muộn. Người vợ mặc dù
thương yêu và quan tâm đến chồng nhưng thay vì chăm sóc, hỏi han thì lại
xét nét chồng xem có dấu hiệu gì để ghen tuông. Điều đó khiến người
chồng cảm thấy không còn hạnh phúc dẫn đến tình trạnh quát tháo, đánh
đập.
Mối lo kinh tế luôn tạo sức ép cho người đàn ông. Do đó phải thực tập
quán chiếu vô thường, rằng mọi nỗ lực chân chính của chúng ta trong
cuộc đời chưa hẳn đem lại thành công mà còn phụ thuộc nhiều vào môi
trường xung quanh. Vì vậy nếu có thất bại thì cũng hoan hỷ chấp nhận để
cho sự căng thẳng không là mối đe dọa ám ảnh đến tâm thức của mình, để
hạnh phúc gia đình vẫn được duy trì. Trong cùng tình huống như nhau,
người học Phật sẽ biết tìm hạnh phúc trong việc chăm sóc vợ con, trong
sinh hoạt gia đình, những việc mà khi làm ăn thịnh vượng họ đã không có
thời gian dành cho. Ngược lại những người thiếu sự hướng dẫn sẽ rơi vào
sự bất mãn, cau có. Bạo hành gia đình từ đó bắt đầu có mặt.
Cờ bạc có xu hướng dẫn đến cái nghèo. Tuy nhiên nhiều người vì quá
nghèo nên mơ ước một cách thiếu khoa học rằng dấn thân vào cờ bạc sẽ
được giàu. Hai điều này khích lệ và hỗ trợ qua lại dẫn đến khổ đau ngày
càng tăng. Báo chí thường đưa tin rất nhiều tình huống những ông chồng
nghèo có máu đỏ đen, vốn đã thất nghiệp, không tiền thì về nhà vòi vĩnh
vợ để rút tiền đi đánh bạc. Tiền ít còn bị thua thì lại về quạu quọ,
chửi bới vợ nhiều hơn với lý do “nếu có nhiều tiền thì có lẽ đã không bị thua lỗ; nói chung, toàn bộ thất bại trong cuộc đời tôi đều do cô gây ra”. Đó là sự biện bạch rất kém trí thức, một sự đổ lỗi không đâu vào đâu.
Cách đây vài năm, một lần chúng tôi đi Campuchia bằng đường bộ từ Tây
Ninh. Trên đường về, chúng tôi đón taxi chạy khoảng hơn bảy mươi cây
số. Anh tài xế chỉ lấy 150.000 đồng khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên
chẳng lẽ giá xăng lại rẻ đến thế. Khi được hỏi thì anh ta trả lời chân
thật: “Không phải tôi tốt đẹp gì đâu thầy ơi, buổi sáng tôi lái xe
chở mấy người khách lên đây đánh bài; rồi chiều về thay vì đánh xe không
thì tôi làm công quả chở mấy thầy cũng được 150.000. Cho nên thầy cám
ơn tôi thì tôi cũng cám ơn thầy... Huề!”. Trên đường đi, anh ta kể cho chúng tôi nghe về việc rất nhiều người qua đó đánh bạc trở thành “bác thằng bần”.
Tất cả đều thua, chỉ có điều thua trước hay thua sau thôi. Lúc đầu họ
có thể thắng một ít nhưng sau đó là thua dài dài. Càng thua càng tiếc
nuối muốn gỡ gạc nhưng chỉ thua đậm hơn. Sau vài năm làm nghề taxi chở
người đánh bài, người tài xế này chia sẻ, anh quen khách hàng chỉ được
một thời gian đến khi khách hàng hết tiền thì cũng không bao giờ thấy
mặt nữa. Các sòng bài rất khôn khéo, họ cho khách quen được đi taxi và ở
khách sạn ba sao miễn phí, tạo cho khách hàng cảm giác đi đánh bài
không tốn kém gì cả. Trong phòng bài luôn có sẵn rượu chè, mỹ nhân phục
vụ, xung quanh tiện nghi đầy đủ, người chơi lóa mắt trước vẻ hào nhoáng
bên ngoài và có cảm giác mình sắp được giàu có sang trọng trong nay mai.
Họ không lường trước rằng mình có thể trắng tay chỉ sau vài giờ bài
bạc.
Trong những trường hợp thua bài, kẻ thua cuộc vì bất mãn nên dễ vung
tay vung chân ngay cả với người mình yêu, điển hình là vợ con. Để chấm
dứt tình trạng bạo hành gia đình kiểu này, bản thân tác nhân cần gieo
trồng các hạt giống trí thức và trí tuệ để thấy rằng sau vấp ngã, mình
phải nỗ lực gầy dựng lại để có một tương lai tốt đẹp hơn, không nên bám
vào những ước mơ thiếu hiện thực rằng rượu chè, cờ bạc sẽ giải phóng
được cái nghèo.
Nghèo không phải là hậu quả hoặc định mệnh an bày của một kiếp xa xưa
nào đó mà phần lớn do không biết làm ăn kinh tế hiện thời mà ra. Đây là
điều có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người. Kinh Trường Bộ,
đức Phật nói, người có thói quen lý giải mọi sự vật hiện tượng ở đời có
gốc rễ và được quyết định bởi quá khứ thì người đó chấp nhận định mệnh;
dẫn đến thái độ không bao giờ nỗ lực một cách chân chính để thay đổi đời
mình. Có thể nói từ 70% đến 90% các thất bại như bệnh tật, khó khăn,
nghịch duyên đều do hiện tại mà ra. Quá khứ chỉ là cái đà thuận hoặc
nghịch, còn quyết định vẫn phụ thuộc vào hiện tại của chính chúng ta. Vì
vậy không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho cuộc đời, cho con người nói
chung. Tác nhân bạo hành hãy thực tập quán chiếu để thấy rõ mỗi người
đều có những khổ đau, đưa bản thân mình vào hoàn cảnh của người khác để
cảm giác được những khổ đau đó mà từ bỏ hành động đánh đập, mắng chửi,
hành hạ người khác.
Do dân trí thấp
Tức là trình độ học vấn kém, dẫn đến thiếu hiểu biết trong đối đãi
với gia đình và người thân. Những vấn đề nho nhỏ hàng ngày lẽ ra phải
được khắc phục một cách tốt đẹp thì lại bị đưa đến những kết quả rất khổ
đau. Thống kê cho thấy khoảng từ 13% đến 15% nạn bạo hành gia đình bắt
nguồn từ những người chồng kém kiến thức, chỉ học đến lớp tiểu học.
Những đối tượng này chưa có kiến thức ứng xử hoặc chưa tự trang bị cho
mình kiến thức cần có khác nên dẫn đến quan điểm bảo thủ, không chịu
lắng nghe và tiếp thu. Nhiều người biết tỏ ra nhường nhịn và khắc phục
khi bị hàng xóm can ngăn nhưng sau đó lại chứng nào tật nấy, thậm chí
khiến nhiều người vợ rơi vào triệu chứng lãnh cảm về tâm thần. Nguyên
nhân này cũng rất nghiêm trọng cho nên tác nhân cần phải mở mang nhận
thức để tự chuyển hóa mình.
Chán cơm thèm phở
Như câu chuyện phim Hollywood đã kể trên, vì thương yêu mù quáng nên
người vợ cứ muốn nhốt người mình yêu bên cạnh hàng ngày hàng giờ. Sự cô
lập theo cách đó không đem lại hạnh phúc cho người mình yêu. Loài vật
cũng vậy, nếu phải sống cảnh cá chậu chim lồng cũng chẳng vui thích gì
nhưng vì không có khả năng kháng cự nên đành chấp nhận an bày, huống hồ
con người có ngôn ngữ để truyền thông, có chân tay để hành động, có tư
duy, nhận thức. Do đó ghen tuông dẫn đến nạn bạo hành giam nhốt là vi
phạm nghiêm trọng đạo đức và nhân quyền. Tất cả mọi tác nhân gây bạo
hành cần phải ý thức được điều đó.
Người nam thường có thói quen so sánh vợ mình với vợ người. Từ đó nỗi
đam mê dành cho vợ mình giảm sút. Sống với nhau lâu năm, một số người
vợ không còn thời gian và tâm trí để ý đến trang sức, sửa soạn cho bản
thân, và cũng vì quan niệm đã là vợ chồng rồi thì chẳng cần phải chải
chuốt nữa. Quan niệm như vậy là sai lầm. Không nên lòa xòa đến nỗi người
chồng chán bỏ, và cũng không nên lòe loẹt đến độ không còn là mình nữa.
Tùy nhu cầu mà việc nên hay không nên mới được đặt ra, chứ không nhất
thiết phải theo khuôn khổ nhất định nào đó mới đảm bảo hạnh phúc lâu
dài.
Một số người chồng đối xử với vợ như đối với kẻ ở hay người quản gia,
như vậy là chà đạp lên nhân phẩm người phụ nữ. Điều đó cần phải được
thay đổi để đảm bảo ý nghĩa của hạnh phúc lứa đôi. Trong quan hệ giao tế
với người khác giới, chúng ta có thể học hỏi từ những người xuất gia để
đảm bảo sự lành mạnh, tránh ngoại tình. Khi giao thiệp, chúng ta nên
tránh để ý đến tướng chung, cũng như đừng quan tâm đến những tướng riêng
như màu tóc, làn da, ánh mắt, nụ cười, lời nói, tướng đi,... Người ta
thường bị vướng vào cái riêng nhiều hơn cái chung. Đã lập gia đình rồi
thì việc thực tập làm chủ các giác quan bằng cách không để tâm mình bị
dính vào tướng chung, tướng riêng của người khác phái, chỉ đơn thuần
nhận thức rằng đây là người nam hay người nữ, và không phát sinh tình
cảm.
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
Ghen tuông có hai tình huống do sợ hãi và có thật. Ghen tuông trong
câu chuyện phim Hollywood trên là ghen tuông do sợ hãi. Người chồng hoàn
toàn không ngoại tình nhưng người vợ chỉ vì quá yêu và sợ mất nên đối
xử thiếu suy nghĩ như vậy. Tình huống này, đương sự thường mất đi sự
kiểm soát bản thân, bên cạnh đó lại muốn kiểm soát chặt chẽ người mình
thương bằng cách nghiêm cấm giao lưu tiếp xúc, hoặc tỏ vẻ khó chịu bất
mãn khi không thể nghiêm cấm được. Làm như vậy, chúng ta chỉ làm cho
người mình thương thêm khó chịu, dần dà đẩy họ đến với những nơi mà
chúng ta không muốn.
Môi trường công sở, nơi làm việc lịch sự với những chàng trai cô gái
trẻ đẹp rất dễ cám dỗ đến vòng yêu thương lang trạ nếu chúng ta không có
lập trường và lòng am hiểu sâu sắc. Do đó để giữ hạnh phúc gia đình thì
những hoài nghi nên được đưa ra một cách nhẹ nhàng và khéo léo để đôi
bên giải quyết một cách triệt để. Tránh trường hợp im lặng dồn nén, làm
cho không khí gia đình thêm nặng trĩu.
Ghen tuông dựa trên nền tảng có thật là tình huống bi đát.
Khi phát hiện người bạn đời của mình không chung thủy như mình đã tưởng
thì nhiều người có cảm giác mình bị lừa và trở nên chới với không biết
xử trí ra sao. Bức xúc đôi khi khiến người ta không thể kiềm chế mình
dẫn đến những hành vi bạo động, đánh đập, phản kháng để thỏa mãn nỗi tức
giận.
Trong tình huống này, người ngoại tình cần thay đổi hành động sai
trái chứ không chỉ hứa suông rồi tiếp tục lén lút quan hệ tay ba. Còn
người đã phát hiện bạn đời của mình ngoại tình thì cũng nên bình tĩnh,
kiềm chế dòng cảm xúc để có những buổi nói chuyện hết sức nghiêm túc dựa
trên nền tảng hiểu biết và tha thứ, tạo điều kiện cho người kia hồi
đầu. Sau nhiều nỗ lực chân chính mà “ngựa vẫn quen đường cũ” thì có thể nói lời chia tay hay ly dị, không nên làm cho vấn đề trở nên căng thẳng và thù oán lẫn nhau.
Đức Phật dạy, sống chung theo danh nghĩa vợ chồng là nhân duyên hiện
đời hay từ nhiều kiếp trước. Dù sao đã từng có những năm tháng ngọt lịm
với nhau, chia sẻ hạnh phúc, nâng đỡ, dìu dắt nhau thì nay đừng vì những
lỗi lầm nhất thời mà chúng ta phá vỡ một cách lâu dài. Có những đổ vỡ
nho nhỏ nhưng gặp người quá khắt khe, không tha thứ thì vấn đề lại thêm
căng thẳng. Chẳng hạn lời nói nặng nhẹ, cãi vã trên bữa cơm gia đình có
thể được cứu vãn để lắng xuống thì một trong hai phía lại đổ thêm dầu
vào lửa. Như vậy tình trạng bạo hành gia đình trong tình huống vừa nêu
xuất phát từ tính cố chấp không tha thứ. Chúng ta phải thực tập tinh
thần rộng lượng bao dung để tạo điều kiện như là cơ hội cuối cùng cho
người kia thay đổi, đồng nghĩa chúng ta xây dựng hạnh phúc cho bản thân
mình. Bằng không thì sự mạt sát bằng những lời độc địa hoặc bằng bạo lực
sẽ không dẫn đến đâu.
Trọng nam khinh nữ
“Trọng nam khi nữ” trong các bối cảnh văn hóa mà nền tảng
tôn giáo là bình phong để giúp cho nhiều đấng mày râu dựa trên, từ đó
cho mình quyền hành hạ vợ con, cho rằng vợ phải theo chồng và con là sản
phẩm của mình nên phải theo cha. Như vậy, nhân quyền không được tôn
trọng, nhân phẩm bị chà đạp, hạnh phúc sẽ biến mất và gia đình tan nát.
Chúng ta nên thay thế tính cách gia trưởng bằng thái độ xem vợ như
người bạn đời ngang bằng về tránh nhiệm, nhân phẩm cũng như mọi giá trị
để ta tôn trọng vợ như tôn trọng chính mình. Đó là đạo lý nhà Phật đã
dạy, nếu biết ứng dụng và thực tập theo sẽ đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Các nước phương Tây rất đề cao vị trí của người phụ nữ, xem họ là số
một, tiếp đến là trẻ em, vì đây là hai đối tượng yếu thế về thể lực. Nam
giới phải chứng tỏ bản lĩnh của mình trong việc chăm sóc và bảo bọc hơn
là chà đạp người yếu thế.
Phát xuất từ nhận thức sai lầm, nhiều ông chồng có khuynh hướng muốn
dạy bảo vợ con. Trong khi vợ con góp ý thì cho là họ đang xúc phạm hay
dạy đời. Do đó dù bị nói nặng nói nhẹ nhưng nói đúng, thay vì tự ái thì
chúng ta nên học hỏi để vượt qua. Dân gian có câu: “Nói xấu nhưng đúng là thầy của ta; Nói tốt nhưng sai là kẻ thù của ta”.
Lời hoa mỹ có tác dụng thăng hoa cảm xúc, làm cho con người mải mê
trong những ảo giác của thành công mà trên thực tế thì người đó chẳng
xứng đáng một phần giá trị. Trong trường hợp này, chúng ta phải ứng xử
một cách quay đầu để xem đâu là nên, đâu là không nên, từ đó không làm
phát sinh những điều tiêu cực.
Lãnh đạm và thờ ơ
Nhiều người không may mắn khi sống trong môi trường hàng xóm mà những
chuyện bất công xảy ra trong gia đình mình mặc dù hàng xóm nghe biết
nhưng không hề quan tâm can ngăn. Thậm chí đôi khi chính quyền khu vực,
địa phương nhận báo cáo cũng không khuyên can và giải quyết. Tình trạng
đó càng làm cho người chồng lấn thế, đào sâu thêm các hành động bạo lực,
biến vợ con trở thành nạn nhân.
Cách đây vài hôm, báo Công An đăng tin khá buồn. Một người con trai
sáu mươi tuổi hành hạ mẹ mình ở tuổi tám mươi tám chỉ vì chén cơm. Người
con này đã bạt tai làm mẹ ngã xuống và phải cấp cứu bệnh viện. Một tình
huống khác là người cha gian dâm với con gái sáu tuổi của mình. Tình
trạng kéo dài mười hai năm. Sau này khi đứa con có hiểu biết đã kháng cự
thì bị người cha đánh trọng thương. Người vợ biết được liền tố cáo
chồng mình trước pháp luật với hình phạt tù chung thân.
Như vậy, thái độ im lặng hay không hỗ trợ của xã hội làm cho tình
trạng bạo hành gia đình diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn. Cho nên khi
phát hiện tình huống như thế, chúng ta hãy báo cho cơ quan chức năng
nhập cuộc giải quyết; đồng thời thông báo cho hội phụ nữ trong địa bàn
để giúp nạn nhân nữ sớm vượt qua những khổ đau. Ai biết mà không báo cáo
sẽ bị xem là đồng lõa bạo hành và sẽ bị trừng trị theo pháp luật.
Ảnh hưởng từ người thân
Từ nhỏ, khi con người đã thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực gia
đình từ cha mẹ. Nỗi ám ảnh đó không được ai khác giúp tháo gỡ thì về sau
khi gặp hoàn cảnh tương tự, người đó sẽ trở thành bản sao của cha hoặc
mẹ mình trong quá khứ. Trẻ em hay bắt chước cha mẹ trong các hành động
cả tốt lẫn xấu. Những người con nhiều lần nhìn thấy nạn bạo hành từ cha
mẹ mình sẽ ứng xử đối với vợ hoặc con em mình, và cứ lẩn quẩn như vậy.
Ứng xử thiếu khôn ngoan
Ngoài những nguyên nhân của bạo hành xuất phát từ người chồng, thỉnh
thoảng còn có một số nguyên nhân xuất phát từ người vợ do thái độ và
cách ứng xử thiếu khôn ngoan. Chẳng hạn tật nói nhiều, nói lải nhải đến
mức khiến người chồng cau có, khó chịu. Thay vì chuyển hóa những thói
quen đó thì nhiều người chồng thẳng tay đánh đập vợ mình. Hoặc do những
người vợ có thói quen ăn thua đủ, chồng nói một thì mình nói lại hai ba,
lúc nào cũng chứng tỏ mình thắng. Đặc biệt đối với người chồng vốn đã
thua thiệt trong xã hội, về nhà muốn được hơn vợ thì lại gặp vợ không
biết nhường nhịn. Chịu không nổi, anh ta có thể dùng vũ lực. Do đó những
người phụ nữ phải hết sức khôn ngoan để chuyển hóa tính cách chồng mình
cũng như chuyển đổi tình huống làm cho ngày càng đẹp hơn.
Ảnh hưởng đến con cái
Nhân cách của trẻ em đòi hỏi một môi trường lành mạnh để phát triển.
Những đứa trẻ sống trong môi trường bạo hành gia đình sẽ khó phát triển
tâm sinh lý một cách bình thường, do có những nỗi đau, những khuyết tật
trong tâm. Về tâm lý, chúng luôn phải sống trong sự sợ hãi nghiêm trọng.
Nhiều đứa trẻ thấy mẹ bị cha đánh đập, khuyên ngăn không được chỉ còn
biết chạy vào ôm mẹ mà khóc. Người cha thấy vậy có thể nương tay vì sợ
đụng vào con mình. Từ đó tinh thần những đứa trẻ này luôn bất an với
những nỗi ám ảnh.
Trong bạo hành gia đình, tổn hại về nhân cách, tư tưởng, tình cảm là
điều không thể tránh khỏi. Phần lớn trẻ em có xu hướng lánh xa người cha
với thái độ ghét bỏ. Khi cha mẹ được xem là những hung thần, chúng sẽ
không còn kính trọng mà rơi vào tình trạng trầm uất, biểu hiện qua vẻ
thụ động. Một trong những hậu quả xấu là những đứa trẻ này không muốn đi
học nữa vì ở nhà đã quá căng thẳng rồi. Chúng tìm cách lẩn trốn cha mẹ
bằng cách giao du ra bên ngoài và gặp những thành phần xấu. Từ đó đi vào
con đường bụi đời.
Ngày 4/12/2008, đoàn từ thiện Đạo Phật Ngày Nay đã đến thăm viếng,
thuyết giảng, tặng quà và giao lưu văn nghệ với khoảng chín trăm người
bụi đời tại Trung tâm Bảo trợ Tân Hiệp, huyện Bình Long, tỉnh Bình
Phước. Sau khi thuyết giảng, chúng tôi tiếp xúc với một số anh chị tại
đây và nhận được khoảng gần một trăm bức thư kèm các số điện thoại nhờ
chúng tôi gửi gắm hay liên lạc với người thân của họ để mong người thân
giang tay giúp đỡ bảo lãnh họ về. Chúng tôi có hỏi vì sao một số thanh
niên rất đẹp trai sáng sủa lại trở thành những kẻ bụi đời thì được biết
phần lớn gia đình họ là giàu có. Gia đình lo ăn học đầy đủ nhưng chúng
lại không được hưởng thụ niềm hạnh phúc. Cha mẹ lúc nào cũng chửi bới
đánh đập nhau và thậm chí còn dùng những ngôn từ thô tục. Quá bất mãn,
chúng phải bỏ nhà ra đi.
Việt Nam chúng ta có luật lệ, đến những ngày lễ lớn, chính quyền yêu
cầu bắt gom tất cả những đối tượng ngủ ngoài vỉa hè đường phố về các
trung tâm bảo trợ xã hội. Ai có người thân bảo lãnh thì được thả về,
ngược lại thì ở đó luôn. Không có bất cứ bản án tù tội nào nhưng phải ở
đó chung thân cho đến cuối đời. Một số người cố gắng trốn về, một số
khác được định hướng nghề nghiệp và làm lại cuộc đời thông qua hợp đồng
với các công ty với một mức lương cơ bản nào đó. Phân nửa cũng bỏ trốn
sau một thời gian vì họ vốn không sinh ra trong gia đình nghèo khó, chỉ
vì không có hạnh phúc gia đình mà thôi. Cảm giác trầm uất về tình cảm
khiến người ta ngột ngạt khi ở trong gia đình, và chỉ muốn bỏ đi. Bản
chất bạo lực có tính cách di chuyền ở một mức độ nào đó nên có thể ảnh
hưởng đến những hành vi trong cuộc sống tương lai của những đứa trẻ này.
Vì vậy chúng ta phải tìm cách chuyển hóa hành vi bạo hành gia đình càng
sớm càng tốt.
Tan vỡ và thương tổn
Theo thống kê, khoảng 89% nạn bạo hành gia đình dẫn đến tình trạng ly
thân. Trong đó 51% trường hợp ly thân dẫn đến ly dị. Đây là một điều
rất đau đớn. Trong vòng năm năm qua có khoảng 352.050 vụ ly hôn, trong
đó có khoảng
186.000 vụ phát xuất từ bạo hành gia đình. Hậu quả của sự tan vỡ gia
đình không chỉ làm cho vợ chồng trở thành nạn nhân mà những đứa con
không đủ cha mẹ sẽ sống trong hoàn cảnh tình cảm không trọn vẹn. Chúng
cảm thấy mặc cảm với bạn bè, từ đó dẫn đến tâm sinh lý phát triển không
đồng đều. Sau này những bức xúc về lòng tham sân si dễ dàng xuất hiện ở
những người bất hạnh như thế.
Tâm lý, sức khỏe, thể xác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ 80% đến 87%
các vụ bạo lực gia đình làm giảm tuổi thọ cho cả hai. Nếu phải sống
trong gia đình có tình trạng bạo hành kéo dài từ năm đến mười năm thì
hầu như tuổi thọ của người bị ảnh hưởng sẽ giảm tối thiểu hai năm. Nếu
từ lúc kết hôn sống với nhau ba mươi năm trong bạo hành thì tuổi thọ sẽ
càng bị giảm sút. Hơn nữa, là sống phải mang gương mặt không có mùa
xuân, miệng không nụ cười, ánh mắt không rạng rỡ, thân luôn nặng nề với
nỗi khổ và niềm đau. Đến các trung tâm bảo trợ xã hội, nếu chúng ta
không gây cười thì quan sát những gương mặt tại đây sẽ thấy đầy dẫy
những vết nhăn, nỗi lo và bất hạnh. Do đó chúng ta phải cố gắng chuyển
hóa niềm đau giúp họ có được những nỗ lực chân chính trên con đường làm
lại cuộc đời.
Trước khi được xã hội giúp đỡ thì bản thân các nạn nhân phải tự giúp mình bằng ba phương pháp sau đây.
Hạ nhiệt hành vi bạo lực
Hạ nhiệt có nghĩa là khi chồng nóng thì vợ bớt lời, làm cho chồng
nguôi ngoai, sau đó tìm cơ hội thích hợp khuyên lơn để người chồng thấy
rằng hành vi bạo hành vừa qua là một sai lầm cần thay đổi. Ngược lại nếu
người vợ cũng nóng tính vì muốn chứng minh mình chính là nạn nhân oan
ức của sự sai lầm do chồng gây ra, đứng trên cương vị người vợ, chúng ta
cũng hành động nói năng như người chồng thì chỉ “đổ dầu vào lửa”. Lúc đó, chúng ta có thể thực tập câu quán niệm sau:
“Một đứa cộc cằn thêm đứa nữa,
Thì hai đứa cộc cũng như nhau.
Vì thế nên ta phải nhịn người,
Dù ai mắng chửi cũng vui tươi.
Dù ai cố tình toan gây sự,
Vững dạ yên vui nở nụ cười.”
Đó là nghệ thuật để hạ nhiệt cảm xúc bất an do lòng sân đang khống
chế. Chúng ta biết rõ con người không phải là tác nhân, học thuyết vô
ngã không cho phép chúng ta nhận diện như thế, mà phải thấy rõ nhận thức
của lòng tham sân si thể hiện qua các hành động là kẻ thù của nhân loại
nói chung. Như vậy thay vì ghét bỏ, phản kháng, chống đối thì chúng ta
phải cố gắng giúp người kia hạ nhiệt lòng sân, từ đó quay về đường chân
chính. Đó mới là cách cứu giúp người mình thương ra khỏi con đường sai
lầm. Do đó người vợ khôn ngoan trong tình huống này có thể kiểm soát
được tình thế, biến lửa nóng bức trở thành nước thanh lương.
Hỗ trợ thay đổi cá tính
Sau khi đã hạ nhiệt được cơn nóng giận của người chồng thì người vợ
phải biết tư vấn, bao gồm lắng nghe lý do tại sao chồng mình lại hành
động như vậy, sau đó tâm sự giải bày. Qua tâm sự, người chồng có thể
nhận ra vợ chính là người lo lắng, thương mình nhiều nhất. Tuy nhiên,
thực tế nhiều người vợ lại không hiểu và cư xử như tâm hạnh bồ tát để
tháo gỡ tình huống đổ nát trở thành lành lặn.
Nhu cầu trợ giúp
Nếu hai nỗ lực nhường nhịn và tư vấn hỗ trợ không thành công thì
không còn cách nào khác, nạn nhân cần sáng suốt để có thái độ cầu viện
trợ. Rất nhiều người hiểu sai rằng bạo hành gia đình chỉ là vấn đề nội
bộ, do đó nên đóng cửa nhà mà dạy nhau. Đóng cửa nhà thì làm sao dạy?!
Cần phải có tác động của xã hội thì bạo hành mới có thể chấm dứt. Một số
chị em nữ còn hiểu sai rằng việc cầu viện hàng xóm và người thân can
thiệp chứng tỏ mình bất lực trong việc duy trì hạnh phúc và tình cảm của
chồng, đó là nỗi xấu hổ lớn nhất của chị em. Từ quan niệm sai lầm ấy mà
họ ngậm bồ hòn làm ngọt, cắn răng chịu đựng. Càng chịu đựng, người
chồng càng có cơ hội lấn tới. Vì thế trước nhất, những nạn nhân nên nhờ
gia đình phía tác nhân gây nạn bạo hành như cha, mẹ, anh, chị, em; sau
đó nhờ hàng xóm, hội phụ nữ, hoặc thậm chí là công an.
Tuy nhiên, nỗ lực của chính tác nhân gây bạo hành gia đình mới được
xem là yếu tố quan trọng nhất. Chúng ta cần phát triển những trung tâm
dành cho người có thói quen bạo lực có cơ hội quay đầu.
Đối với người thực hiện bạo lực bằng hành động thì phải bị phạt làm
các công tác từ thiện chăm sóc người già, bệnh, xấu xí. Trong lúc chăm
sóc từ vệ sinh cá nhân đến dìu dắt người già, người có hành vi bạo lực
sẽ khởi ý niệm so sánh rằng vợ mình đẹp hơn nhiều, đáng nâng niu hơn
nhiều, để rồi từ đó tự thay đổi cá tính của bản thân. Luật pháp cần
nghiêm minh buộc các tác nhân bạo hành đi cải tạo theo cách đó trong ba
đến sáu tháng để sau khi quay về, họ thay đổi cách nhìn nhận vợ của
mình.
Đối với những người có bạo hành ngôn ngữ, tức là chửi mắng, nhục mạ,
cần cải tạo họ bằng cách buộc làm bồi bàn. Khi làm bồi bàn, những lời
nói bậy trước đây sẽ không còn được dùng đến mà thay vào đó là những lời
chào hỏi, mời mọc một cách lịch sự với khách hàng. Về nhà được vợ lo
lắng ở mọi phương diện thì không lý gì chúng ta phải đối xử với vợ như
đã từng.
Đối với những người chồng bạo hành về tình dục, tức là cưỡng ép quan
hệ trong khi vợ đang mệt hoặc không muốn. Biện pháp hữu hiệu nhất là đưa
vào chùa tu một thời gian. Trong chùa họ được học hỏi, bắt chước các
thầy tu kìm hãm dục vọng và thấy rõ mình có được những hạnh phúc cao
thượng hơn. Tu một thời gian, về nhà sẽ không đòi hỏi quá nhiều mà ngược
lại còn học nghệ thuật sống dưỡng tinh khí thần để được thọ và có sức
khỏe phục vụ xã hội.
Đối với nạn bạo hành mang tính phong tỏa về kinh tế thì người đó nên
buộc đi làm công quả một thời gian, tức là làm việc mà không được nhận
lương, để nới rộng tâm mình phụng sự người khác. Dĩ nhiên điều này rất
khó làm, nhưng ai quyết tâm thì sẽ thành công trong việc chuyển hóa tâm
keo kiết của mình. Nhiều đấng mày râu có thái độ phong tỏa kinh tế, sợ
vợ có tiền đi giao lưu với người khác, vì vậy họ rất chi li tính toán
khi đưa tiền cho vợ chi tiêu việc gì đó. Kinh Thiện Sinh nói,
chăm sóc vợ, làm vợ vui và hạnh phúc đồng nghĩa việc mang hạnh phúc đến
cho bản thân. Chúng ta phải thực tập tính cách rộng lượng, nếu vợ là
người trăng hoa thì có giữ thế nào cũng mất. Tính bao dung rộng lượng
đem đến bình an cho bản thân mà vợ mình cũng được an vui hạnh phúc, gia
đình được vững bền.
Sau những nỗ lực cá nhân thì nỗ lực xã hội cũng cần lưu tâm. Chúng ta
cần phát triển những trung tâm lánh nạn để nạn nhân của bạo hành gia
đình cảm thấy bình an khi tạm trú. Dĩ nhiên công việc phục hồi bệnh trầm
cảm của nạn nhân trong thời gian ở trung tâm rất quan trọng, nhưng sau
khi phục hồi thì công tác hòa giải lại hiếm khi được để ý. Sau đó nếu
cần thiết mới tính đến chuyện ly hôn. “Giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời”,
phần lớn trách nhiệm của các trung tâm giúp đỡ nạn nhân chỉ chú trọng
đến công tác phục hồi sức khỏe tâm sinh lý chứ không màng nhiều về việc
tư vấn phục hồi hạnh phúc gia đình và hàn gắn tình cảm vì nghĩ rằng hàn
gắn và nối kết chưa chắc đảm bảo hạnh phúc. Các nỗ lực hòa giải của các
hội cứu trợ và cơ quan thẩm quyền phải biết phối hợp chặt chẽ bao gồm
những lời khuyên, phân tích đúng sai kể cả các hình phạt thì nhiều người
nam mới có thể hồi đầu. Trên thực tế, phần lớn người nam thường cho
rằng mình đúng, mình có quyền mắng và đánh đập vợ vì mình là người lãnh
đạo trong gia đình.
Trừng phạt bạo hành gia đình
Thứ nhất, luật hôn nhân gia đình của Việt Nam năm 2000, điều 107 quy định tóm lược như sau: “Người
vi phạm các điều kiện kết hôn: Hành hạ, ngược đãi; xúc phạm danh dự,
nhân phẩm của chồng, vợ hoặc con và các thành viên khác trong gia đình
thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hay bị
truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Nếu gây thiệt hại nặng thì
phải bồi thường”. Rõ ràng điều lệ 107 này có một sơ hở là không đề
cập chi tiết mức án như thế nào, dẫn đến sự tùy nghi trong công việc
giải quyết các tình huống vi phạm. Điều này làm cho nhiều người không
coi trọng và để ý đến luật. Có trường hợp người chồng hành hạ đánh đập
vợ mà chỉ bị cảnh cáo, phạt qua loa với mức phạt năm bảy chục nghìn. Do
vậy chúng tôi nghĩ điều luật này cần phải được mở rộng chi tiết hơn với
các hình phạt thích đáng đến từng hành vi vi phạm bạo hành gia đình.
Thứ hai là luật hình sự xuất bản năm 1999, điều 151 quy định như sau: “Người
ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, hoặc người
có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo,
cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.
Ở đây chúng ta thấy khung hình phạt có phần chi tiết hơn, và điều này
dĩ nhiên có tác dụng trong việc răn đe và làm giảm thiểu nạn bạo hành
gia đình.
Đó là những hỗ trợ từ luật pháp mà chúng ta thấy có những giá trị rất
nhất định. Theo chúng tôi, muốn nạn bạo hành gia đình giảm thiểu một
cách tối đa thì quan trọng nhất là các tác nhân bạo hành phải nhận thức
rõ đó là những hành vi vi phạm luật pháp, vi phạm nhân quyền, chà đạp
nhân phẩm để từ đó có quyết tâm thay đổi đích đáng. Bản thân họ phải
nhập cuộc trong nỗ lực tháo gỡ nạn bạo lực gia đình nói chung, còn nếu
chỉ có chị em phụ nữ xoay sở thì không giải quyết triệt để vấn đề. Thái
độ nhường nhịn không phải là giải pháp, nó chỉ có tác dụng làm giảm hậu
quả mà thôi. Vì vậy tu tập chuyển hóa tâm và xóa bỏ lòng tham, lòng sân,
lòng si thì nạn bạo lực sẽ bị phá bỏ, mặc dù từ tám đến chín phần của
nạn bạo lực gia đình đều do lòng sân và lòng si, chỉ có một hai phần là
do ngoại tình ghen tuông, tức là lòng tham dẫn đến đổ nát hạnh phúc. Do
đó chuyển hóa tham, sân, si theo khuynh hướng của Phật giáo là một trong
những phương thức rất hữu hiệu trong khi các trung tâm và cơ quan chưa
quan tâm đúng mức.
Nhân đây, nếu quí vị làm việc trong các trung tâm, hội chị em phụ nữ
hoặc trong các cơ quan có liên quan tổ phố phường xã thì cũng nên đề
nghị những giải pháp cho nạn bạo hành mang tính cách chuyển hóa tâm
thức. Chuyển hóa tâm thức là buộc những tác nhân bạo hành phải dấn thân
trong công việc giải quyết vấn đề. Chúng tôi tin chắc nó sẽ có kết quả
rất thích đáng.