Duyên nợ, tuổi tác đã lỡ làng rồi.
Liệu có còn niềm tin vào đời sống hôn nhân? Đó là những lý do mà người ta cố
níu kéo đời sống hôn nhân, gắng gượng, miễn cưỡng sống chung với nhau dù không
hạnh phúc.
Có nhiều
người tự an ủi để cố gắng tiếp tục sống với nhau: “Chén úp trong sóng (chạn)
còn khua, huống hồ vợ chồng sống chung làm sao không đụng chạm”. Có những nguời
suy nghĩ rất tốt: “Vợ chồng ráng nhường nhịn nhau, phải biết dung hòa mà sống.
Chín người mười ý, tìm đâu ra người tính nết giống như mình?”, “Có ai là người
hoàn hảo đâu, ngay cả mình cũng thế. Hãy tìm cách sống chung với sự không hoàn
hảo của người khác hơn là muốn người khác giống như mình. Và hãy giúp nhau khắc
phục những chỗ không hoàn hảo”, “Hãy nghĩ sống vì con cái hơn là sống cho bản thân mình”, “Hãy lấy hạnh phúc của chồng/vợ,
hạnh phúc của con cái làm hạnh phúc của mình”… Đối với những người còn chịu ảnh
hưởng quan niệm đạo đức truyền thống thì việc gãy đổ là điều không hay đối với
gia đình, con cái và cả xã hội khi gia đình được xem là tế bào của xã hội.
Khi vừa
trưởng thành, mới bước vào đường yêu, người ta còn bồng bột, nông nổi, bởi tình
yêu như một chân trời mới lạ có sức lôi cuốn, hấp dẫn lạ kỳ. Lúc đó người ta
nghĩ rằng có tình yêu là có tất cả. Thật sự nếu yêu nhau mà có thể chịu đựng
được mọi khổ đau khó nhọc, có thể chấp nhận mọi hoàn cảnh đưa đến thì tốt biết
bao, tình yêu đó thật đẹp. Nhưng không bao nhiêu người có đủ nghị lực để sống
vì tình yêu, có đủ sức mạnh tình yêu để vượt qua giông tố cuộc đời. Có những
hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt, trái ngang mà người ta không giữ nổi tình yêu
của mình. Ngoài tình yêu ra còn có đời sống kinh tế gia đình, còn có công việc,
lý tưởng, sự nghiệp, còn có quan hệ tình cảm ruột rà thân thuộc, còn có quan hệ
bạn bè; còn có hoàn cảnh, điều kiện sống, truyền thống gia đình, tập tục, và
quan trọng hơn nữa là tính cách, thói quen của mỗi người bộc lộ ra sau khi đã
là vợ chồng. Khi hai người về sống chung với nhau thì bên cạnh tình yêu còn
nhiều vấn đề khác nữa, một khi không đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn,
không có khả năng giải quyết, tháo gỡ những tình huống khúc mắc thì hạnh phúc
lứa đôi đổ vỡ.
Đời sống gia
đình quá khó khăn, nghèo khổ, vất vả cực nhọc cũng dẫn đến sự căng thẳng, bức
bối, thường gây gổ cãi vã làm cho gia đình không còn êm ấm. Cuộc sống không có
niềm vui dẫn đến sự mệt mỏi, chán nản. Tính cách trái ngược nhau, không thể
chiều chuộng mãi, chịu đựng mãi những thói quen, sở thích, cá tính mà mình
không thể chấp nhận được, đó cũng là nguyên nhân của sự đổ vỡ mối quan hệ vợ
chồng. Nếp nhà của mỗi người mỗi khác, truyền thống gia đình không giống nhau,
nếu không thích ứng, không thể chấp nhận được cũng đưa đến sự đổ vỡ. Không chịu
đựng được lời ong tiếng ve, những lời gièm pha, khen chê chỉ trích khi hai
người có sự chênh lệch nhau về tuổi tác hoặc trình độ học thức, điều kiện bản
thân, hoàn cảnh gia đình, gia thế, sự nghiệp… Đây cũng là nguyên nhân khiến cho
tình yêu, hạnh phúc lứa đôi đổ vỡ. Không biết khắc phục, sửa đổi những sai lầm,
khiếm khuyết, thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, không có lòng bao dung độ lượng, không
biết cảm thông, chia sẻ, ích kỷ hẹp hòi, độc đoán, bảo thủ, cố chấp, hay so đo
tính toán… cũng là những nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Tùy khả
năng chịu đựng, nhẫn nại của mỗi người và khả năng xử lý những khó khăn, vướng
mắc mà tình trạng hôn nhân kéo dài lâu hay mau. Nếu không sớm nhận ra đâu là
vấn đề để khắc phục, điều chỉnh, nếu không khéo sống thì theo thời gian sự rạn
nứt càng nhiều sẽ dẫn đến tình trạng đổ vỡ.
Khi yêu người
ta thường mù quáng, bởi vì “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng
méo” (Tục ngữ). Khi yêu người ta không đủ sáng suốt để nhìn thấy chỗ xấu
chỗ dở, những khuyết điểm, lỗi lầm của người mình yêu. Mà đôi khi có nhận ra
thì người ta cũng dễ dàng “phớt lờ” xem như không có. Bởi vì động lực tình yêu
quá mãnh liệt cuốn họ đi mà không để họ kịp nhìn thấy gì, hoặc có nhìn thấy
cũng không thể nào cưỡng lại. Khi yêu người ta cũng tìm cách che giấu chỗ xấu
chỗ dở của mình để được yêu, nhưng sau đó, theo thời gian mọi sự thật sẽ phô
bày, khi nhìn lại thì người ta lại không đủ sức chấp nhận, chịu đựng sự thật,
lúc đó vấn đề sẽ nảy sinh.
Khi yêu người ta nông nổi nghĩ
rằng tình yêu sẽ giúp họ vượt qua tất cả, nhưng khi va chạm thực tế rồi thì ít
ai có đủ ý chí và nghị lực để vượt qua. Một khi người ta bị bủa vây bởi những
khó khăn mà cuộc đời đưa đến thì người ta cuống cuồng lên và dễ dàng quên đi
tình yêu ban đầu hoặc không còn tỉnh táo để vận dụng sức mạnh của tình yêu. Nào
phải trên cuộc đời chỉ có hai người yêu nhau, mà còn có những người xung quanh
(cha mẹ, anh em, bà con dòng họ, bạn bè…), và cuộc sống cá nhân luôn gắn liền
với đời sống cộng đồng, xã hội. Phải biết cách xây dựng và giữ gìn hạnh phúc
lứa đôi, phải có đủ nghị lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn. Có như thế
mới có được hạnh phúc lâu dài.
Những nhân tố làm nên hạnh
phúc
Nhân tố đầu
tiên là tình yêu và sự chân thành. Chất kết nối hai người lại với nhau là tình
yêu thì dĩ nhiên tình yêu là nhân tố đầu tiên làm nên hạnh phúc. Đây phải là
tình yêu chân thật xuất phát từ con tim, không giả dối lọc lừa, không tính toan
vụ lợi. Nhân tố thứ hai là ý chí và nghị lực. Phải có ý chí hướng đến một đời
sống hôn nhân tốt đẹp, hướng đến mục tiêu hạnh phúc. Phải có nghị lực mới có
thể vượt qua những khó khăn thử thách, mới có thể bảo vệ, giữ gìn tình yêu và
hạnh phúc. Quá yếu đuối nhu nhược thì sẽ không có được tình yêu, không giữ được
hạnh phúc. Tình yêu chân chính thường gặp biết bao trắc trở, phải trải qua biết
bao thử thách, nếu không có ý chí và nghị lực để giữ gìn hạnh phúc, bảo vệ tình
yêu thì làm sao vượt qua những khó khăn đó. Nhân tố thứ ba là sức khỏe. Có sức
khỏe tốt mới đảm bảo sự thoải mái về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Vì có sức
khỏe tốt mới lao động, làm việc hiệu quả, đủ sức xây dựng, chăm lo gia đình. Có
sức khỏe tốt mới có thể cho con cái khỏe mạnh (bởi con cái bẩm thụ khí huyết
cha mẹ, chịu ảnh hưởng gen di truyền từ cha mẹ). Có sức khỏe tốt mới đảm bảo
đời sống vợ chồng hạnh phúc (do đời sống tình cảm, đời sống gối chăn mang lại).
Ngoài ra, để
giữ gìn hạnh phúc lứa đôi cần phải biết tôn trọng lẫn nhau, hết lòng thương yêu
chăm sóc lẫn nhau, biết quan tâm san sẻ những vui buồn trong cuộc sống, và nhất
là cần có sự tận tuỵ, hy sinh (hy sinh lợi ích cá nhân cho gia đình, cho vợ/
chồng, con cái, hy sinh sở thích, những nhu cầu nhỏ nhặt của bản thân vì hạnh
phúc gia đình, không có sự tính toan hơn thiệt, hy sinh thời gian, công sức để
xây dựng hạnh phúc gia đình), bởi vì đời sống hôn nhân gia đình là một bước xa
của tình yêu đôi lứa, nó không đơn giản như thuở mới vào yêu.
Cha mẹ, anh
em, bạn bè, họ hàng thân thuộc có thể giúp tiền bạc của cải, giúp ý giúp lời,
nhưng chỉ có hai người trong cuộc mới có thể mang lại hạnh phúc cho nhau mà
thôi, mới là người xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình. Điều quan trọng là mỗi
người phải biết suy nghĩ làm thế nào để tạo hạnh phúc cho mình và cho người
mình yêu thương. Hạnh phúc lứa đôi cũng không thể do một người mang lại, nếu
một người biết suy nghĩ mà người kia quá vô tâm cũng khó có thể giải quyết
những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, khó có thể mang lại hạnh phúc, niềm vui
cho gia đình. Bởi thế mà người ta thường nói: “Thuận vợ thuận chồng tát biển
Đông cũng cạn”.
Cần phải hiểu
rằng khi sống một mình, người ta chỉ có trách nhiệm với bản thân, nhưng khi đã
lập gia đình thì ngoài trách nhiệm đối với bản thân ra còn có trách nhiệm với
vợ/chồng, con cái của mình. Khi sống một mình chỉ có bổn phận với ông bà, cha
mẹ, anh em… nhưng khi đã lập gia đình thì có thêm bổn phận với ông bà cha mẹ
bên chồng/vợ. Không quan tâm đến những điều này cũng là nguyên nhân đổ vỡ hạnh
phúc.
Một gia đình gồm có chồng vợ và con cái, vì thế hạnh
phúc gia đình là thứ hạnh phúc được xây dựng trong mối tương quan giữa người
chồng và người vợ, giữa cha mẹ và con cái, hạnh phúc này gắn liền với các thành
viên trong gia đình. Do đó, sẽ không có hạnh phúc gia đình khi không có mối
quan hệ tốt đẹp, bền vững giữa chồng và vợ, giữa cha mẹ và con cái. Xây dựng
tốt các mối quan hệ ấy bằng những tình cảm đạo đức, tinh thần trách nhiệm để có
được cuộc sống vui vẻ, ấm cúng, chan hòa tình yêu thương và sự mãn nguyện, đó
chính là sự thành công trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
Phan Minh Đức