Đời sống Phật tử tại gia trong kinh Trường Bộ


Luận văn tốt nghiệp của Đại Đức Thích Lệ Liên
02/12/2010 19:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 10053
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


 

          Qua những gì đã trình bày, người viết nghĩ Phật giáo không phải là một tôn giáo mang tính giáo điều, thần bí, cao siêu và khó hiểu; mà Phật giáo chỉ là một con đường thực nghiệm tâm linh, con đường thực hành dẫn đến đời sống an vui, hạnh phúc. Và, văn tự không có nghĩa là con đường ấy; văn tự chỉ đóng vai trò cung cấp về mặt kiến thức, mang tính lý thuyết và thường bị khuôn mẫu hoá. Vì vậy, Phật tử tại gia không nên quá lệ thuộc vào văn tự, vào kiến thức mà hãy áp dụng ngay những lời Phật dạy vào cuộc sống hằng ngày. HT. Narada đã nhấn mạnh điều đó, “Người Phật tử không nô lệ cho sách vở hay bất cứ ai. Người đó cũng không hy sinh tự do tư tưởng của mình để trở thành một đệ tử của đức Phật. Người đó có thể luyện tập ý chí tự do của mình và mở mang kiến thức cho đến khi tự mình đạt được Phật quả, vì tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật” [26, tr. 67]. Chính vì thế, luận văn được trình bày xuyên suốt bởi những giáo lý mang tính chất áp dụng, thực tiễn trong cuộc sống hằng ngày của tứ chúng đệ tử Phật.

          Sự phát triển của khoa học và xã hội đã đem lại cho con người rất nhiều lợi ích và tiện nghi nhưng cũng lấy đi rất nhiều thứ từ con người. Sự tiện nghi và lợi ích đã lôi cuốn loài người vào dòng chảy của dục vọng, tham cầu không bờ bến. Con người đã và đang trở thành kẻ nô lệ, kẻ phục tùng trung thành của dục vọng chính mình. Điều này đã gây ra những bi kịch trong đời sống gia đình, những xáo trộn của xã hội và những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia. Gia đình là mái ấm, là nơi trú ẩn an toàn và là nơi sản sinh ra lòng nhân ái nhưng vẫn có rất nhiều gia đình đã trở thành nơi chịu đựng những bất đồng, chịu đựng những phụ bạc và sự gây khổ đau cho nhau. Như vậy, cuộc sống của con người thật sự trở nên vô ý nghĩa; tâm trạng tẻ nhạt, lạnh lùng và bất mãn mọi thứ là hệ quả tất yếu không thể nào tránh khỏi. Luận văn đã chỉ rõ những nguyên nhân gây ra bất hạnh, khổ đau của con người nói chung, đời sống gia đình nói riêng và đã đưa ra những phương pháp, đường hướng giải quyết vấn đề một cách toàn diện, triệt để nếu con người áp dụng lời Phật dạy vào đời sống một cách nhiệt thành.

          Người Phật tử hay không Phật tử không đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sáu mối quan hệ, giữ gìn năm nguyên tắc đạo đức (Ngũ giới), tu tập Tứ nhiếp pháp và thực hành Bát thánh đạo trong đời sống của mỗi người. Giáo lý của đạo Phật không có phân biệt Phật tử hay không Phật tử, đẹp hay xấu, giàu sang hay nghèo hèn mà chỉ tuỳ thuộc vào sự nhận thức và nỗ lực bản thân của mỗi người mà có những thành quả tốt đẹp khác nhau. Nói một cách tổng thể hơn, toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo được truyền vào từng quốc gia, từng dân tộc khác nhau, dẫn đến sự tự nguyện tiếp nhận từng giáo lý phù hợp và ảnh hưởng của nó vào đời sống của con người cũng khác nhau. Nhưng kết quả thì chỉ có một, là sự đoàn kết dân tộc và sự bình an hạnh phúc của con người.

          Đức Phật dạy cho hàng đệ tử tại gia, từ vua quan cho đến mọi tầng lớp quần chúng nhân dân rải rác rất nhiều trong kinh Trường bộ. Tất cả những lời dạy ấy nhằm xây dựng đời sống đạo đức, thánh thiện của con người. Con người hãy tự nỗ lực xây dựng đời sống của chính mình mà không cần phải cầu xin, lạy lục một đấng siêu nhiên, thần thánh nào. Đức Phật cũng đã xác nhận cầu xin và ước vọng không có lợi ích gì, không những trên con đường thực hành Chánh pháp mà cả những vấn đề thế gian cũng không bao giờ đạt được. Đức Phật dạy:

          Nếu có người làm mười ác hạnh, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chắp tay, mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú, thiện giới. Sự cầu khẩn như vậy vô ích, vì người ấy làm mười ác hạnh sẽ bị rơi vào địa ngục ví như một người quăng một tảng đá vào hồ nước, rồi một số đông đảo quần chúng đến cầu xin, cầu khẩn, chắp tay, cầu rằng tảng đá ấy sẽ được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích, vì tảng đá ấy, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ, như lời cầu xin của quần chúng ấy. Trái lại, một người từ bỏ mười ác hạnh, làm mười hạnh lành, nếu có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chắp tay, cầu rằng người ấy sẽ bị sanh vào địa ngục, đoạ xứ, thời lời cầu xin ấy cũng không thành tựu. Người ấy vẫn được sanh lên thiện thú, thiện giới, cõi người. Ví như một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước rồi đập bể ghè dầu ấy, thời số dầu ấy sẽ nổi lên trên mặt nước. Dẫu cho có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cần khẩn, chắp tay, cầu rằng số dầu ấy hãy chìm xuống đáy nước. Lời cầu xin ấy tất nhiên không có kết quả, số dầu ấy vẫn nổi lên trên mặt nước. Như vậy, có cầu khẩn, có cầu xin cũng không lợi ích gì [20, tr. 11-12].

          Cho nên, giá trị thực tiễn của đề tài luận văn không nằm ở văn tự, chữ nghĩa mà nằm ngay ở nơi mỗi người khi người ấy thực hành đúng theo tinh thần Phật dạy, đúng theo Chánh pháp đã được trình bày trong luận văn, “Này Ànanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác” [1, tr. 584]. Đạo Phật ra đời chỉ vì mục đích là xây dựng đời sống an vui hạnh phúc cho con người trong hiện tại và tương lai. Trong suốt cuộc đời hoằng pháp độ sanh của đức Phật, từ ý nghĩ, lời nói và việc làm của Ngài là một minh chứng hùng hồn nhất cho mục đích cao thượng này. Giới luật được đức Phật chế định, là những tiêu chuẩn đạo đức giúp cho con người tự hạn chế những tâm lý và hành động tiêu cực, đầy dẫy ham muốn cá nhân, để đạt được sự bình an tuyệt đối trong tâm hồn và những phẩm hạnh tốt đẹp nhất của con người được nâng cao. Giáo lý Vô thường, Duyên sinh vô ngã, Nhân quả nghiệp báo được đức Phật dạy, là chơn lý tuyệt đối nhằm định hướng cho đời sống của con người. Hai vấn đề này là vô cùng cấp thiết cho cuộc sống nhân sinh trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay. Đặc biệt là đời sống hạt nhân, có nghĩa là đời sống cá nhân và đời sống gia đình. Vì nó là hạt nhân chính yếu để xây dựng một xã hội, một quốc gia công bằng văn minh tốt đẹp. Luận văn đã mở ra cho đời sống gia đình một hướng đi mới, một hướng đi mà ở đó hoàn toàn không đặt nặng vấn đề tham dục, sân hận và si mê của con người; hướng đi mà ở đó chỉ có sự yêu thương và hiểu biết, vì chỉ có yêu thương và hiểu biết mới có thể xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc, xã hội ổn định và hoà bình trên thế giới.

          Người Phật tử, dù cùng chung sống, cùng tồn tại và cùng chịu sự chi phối của một qui chế xã hội nhất định nhưng người Phật tử phải có lý tưởng và hướng đi riêng cho chính bản thân và gia đình của mình. Với lý tưởng tự lợi và lợi tha, cùng hướng đi đến cánh cửa hoàn toàn an lạc hạnh phúc mà người Phật tử cần phải đạt cho được, điều đó bắt nguồn từ khát vọng thoát ra ngoài sự tham đắm và chấp thủ những cảm thọ dục lạc và những ham muốn vật chất tầm thường của mỗi con người. Nói như thế không có nghĩa là người Phật tử hoàn toàn chối bỏ các giá trị của đời sống con người; người Phật tử vẫn thừa nhận chúng, nhưng không cho đó là cứu cánh của cuộc đời. Từ kinh nghiệm hằng ngày, người Phật tử thấy được bản chất vô thường, mong manh và không thật của tất cả những giá trị đó, giá trị mà toàn thể loài người sùng bái, ngưỡng mộ và có thể hy sinh cả cuộc đời, để tìm kiếm và thọ hưởng chúng. Nhưng những giá trị tốt đẹp mà người Phật tử cần lưu tâm là những lời giáo huấn của đức Phật, họ chỉ việc nỗ lực thực hành thì sẽ đạt được an lạc, hạnh phúc và sự tự do tuyệt đối trong mỗi cá nhân con người. Từ đó, người Phật tử mới có thể giúp ích cho những người thân trong gia đình, cho cộng đồng xã hội có cuộc sống hiền thiện, đạo đức và hạnh phúc hơn. 

          Đề tài về vấn đề xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc cũng như những vấn đề có liên quan đến những giá trị cuộc sống của con người, là một đề tài vô cùng rộng lớn và khá phức tạp. Với sự tư duy nông cạn và kiến thức hạn hẹp cộng thêm sự hạn chế về tư liệu, người viết không thể khai thác và trình bày đề tài một cách đầy đủ và sáng tạo hơn. Người viết chỉ đứng trên lập trường trình bày một cách khách quan theo nội dung của kinh Trường bộ và một vài tư liệu liên quan. Vì thế, người viết thật sự mong mỏi sự chỉ dẫn và đóng góp thêm của chư thiện tri thức; đồng thời người viết cũng mong đợi những tác phẩm tương tự ra đời để giúp ích cho đời sống con người trong thời đại ngày nay.

 

 

 

 

 

 

 

 


THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.       Kinh Trường Bộ I, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN 1996

2.       Kinh Trường Bộ II, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN 1996

3.       Kinh Tăng Chi I, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN 1996

4.       Kinh Tăng Chi II, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN 1996

5.       Kinh Tăng Chi III, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN 1996

6.       Kinh Tăng Chi IV, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN 1996

7.       Kinh Trung Bộ I, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN 1996

8.       Kinh Trung Bộ II, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN 1996

9.       Kinh Trung Bộ III, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN 1996

10.   Kinh Tương Ưng I, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN 1996

11.   Kinh Tương Ưng V, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN 1996

12.   Kinh Pháp Cú Thí Dụ, Thích Minh Quang dịch, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1998

13.   Kinh Trường A Hàm, HT.Thích Trí Đức tuyển dịch, Nxb Tôn giáo 2003

14.   Viện Ngôn Ngữ Học, Từ điển tiếng việt phổ thông, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 2002

15.        Achaan Chah, Tâm tĩnh lặng, Minh Vi dịch, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh 2005

16.   Bhadantacariya Buddhaghosa, Thanh tịnh đạo luận, Thích Nữ Trí Hải dịch, tập I

17.        HT. Thích Minh Châu, Tâm từ mở ra khổ đau khép lại, Nxb Tôn giáo Hà Nội 2006

18.        HT. Thích Minh Châu, Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Nxb Tôn giáo 2002

19.   HT. Thích Minh Châu, Hiểu và hành Chánh pháp, Nxb Văn hoá Sài Gòn 2008

20.        HT. Thích Minh Châu, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1999

21.   HT. Thích Minh Châu, Những gì đức Phật đã dạy, Nxb Tôn giáo 2007

22.   Minh Chi, Truyền thống văn hoá và Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2003

23.   Ven. Thubten Chodron, Thuần hoá tâm hồn, Thích Minh Thành dịch, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh 2003

24.    Dr. K. Sri Dhammanda, Chúng ta phải làm gì trước những tệ nạn xã hội, Thích Tâm Quang dịch, Nxb Tôn giáo 2005

25.   Dr. K. Sri Dhammanda, Những vấn đề của con người, Tỳ-kheo Pháp Thông dịch, Nxb Tôn giáo 2008

26.   Dr. K. Sri Dhammanda, Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh 1996

27.   Tuệ Đăng, Báo đáp công ơn cha mẹ, Nxb Văn hoá thông tin 2008

28.   Huyền Diệu, Khi hồng hạc bay về, Nxb Văn nghệ 2008

29.   Lê Minh Hạnh, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Khoa học và kỹ thuật 2006

30.        Thích Trung Hậu, Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 2002

31.   Chu Hi, Tứ thư tập chú, Nxb Văn hoá thông tin 1998

32.   HT. Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, quyển I. Nxb Tôn giáo Hà Nội 2002

33.   Nguyễn Duy Hới, Giáo trình nhập môn xã hội học, Huế- 2004

34.   Đỗ Trinh Huệ, Văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Thuận Hoá 2006

35.   Mạnh Huy, Minh tâm bửu giám, Trí Đức thư xã, Sài Gòn

36.   Vũ Ngọc Khánh, Văn hoá gia đình Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin 2008

37.        Nàrada Thera, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dich, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1998

38.   Osho, Trưởng thành trách nhiệm là chính mình, Nxb Văn hoá thông tin 2007

39.   Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội 1998

40.   Tỳ Kheo Hộ Pháp, Nền tảng Phật giáo, quyển I, II,III. Nxb Tôn giáo 2005

41.   Nguyễn Ngọc Phương, Những sai lầm thường gặp trong việc giáo dục con cái, Nxb Phụ nữ 2006

42.   Thích Giác Quả, Giáo án kinh A-hàm, Huế - 2005

43.   Rurtrand Russell, Chinh phục hạnh phúc, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb Ca dao 1971

44.   HT. Thích Thiện Siêu, Chữ nghiệp trong đạo Phật, Nxb Tôn giáo 2002

45.   HT. Thích Thiện Siêu, Phật ở trong lòng, Nxb Tôn giáo 2003

46.   HT. Thích Thiền Tâm, Phật học tinh yếu, tập III, Nxb Tôn giáo 2005

47.   HT. Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1999

48.   HT. Thích Chơn Thiện, Những hạt sương, Nxb Tôn giáo Hà Nội 2004

49.   Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tính, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 2004

50.   Viên Trí, Ý nghĩa giới luật, Nxb Tôn giáo Hà Nội 2004

51.   Nhiều Tác Giả, Chuỗi ngọc trai, Hương Vân dịch, Nxb Phương Đông 2006

52.   Nhiều Tác Giả, Phật giáo trong thế kỷ mới, tuyển tập I, Hoa Kỳ 1996

53.        Will Durant, Câu chuyện triết học, Trí Hải và Bửu Đích dịch, Đại học Vạn Hạnh 1971

54.    http://www. Hanoinews.com.vn

55.    http://www. Vietnamplus.vn

56.    http://www. Nguoi-viet.com

57.    http://www. Vnexpress.net

58.    http://www. Baonguoilaodong.com

 

Âm lịch

Ảnh đẹp