5.1. Giáo dục giáo lý Phật giáo trong gia đình
- Giáo dục về đạo
lý Vô thường cho các thành viên trong gia đình
Con người
là một chúng sanh, mà chúng sanh thì ít nhiều đều có tâm tham dục, sân hận và
ích kỷ. Tâm tham dục, sân hận và ích kỷ sẽ bám víu và ăn sâu vào tâm thức của
mỗi con người. Khi mới lọt lòng mẹ, ngoài tiếng khóc chào đời và tấm lòng bao
dung của mẹ, chúng ta không còn có một thứ gì khác đáng trân trọng và quý giá
hơn. Nhưng từ khi chúng ta được sanh ra cho đến khi trút hơi thở cuối cùng thì chúng
ta phải trải qua nhiều hoàn cảnh khó khăn, thử thách và còn đương đầu với nhiều
khổ đau. Nào là nhà cửa, vợ con, tiền tài, danh vọng, sắc đẹp…! Đó là điều kiện
thiết yếu của cuộc sống thế tục nhưng chúng ta tham vọng, sân hận và ích kỷ vì
chúng là một chuyện khác. Suốt đời, chúng ta vẫn cứ lập đi, lập lại mãi cái cử
chỉ chấp thủ dẫn đến khổ đau, khổ đau rồi trở lại chấp thủ. Vì mọi sự vật ở đời
không bao giờ chìu theo ý muốn của chúng ta, chúng luôn luôn chuyển biến, thay
đổi như dòng sông cuồn cuộn chảy, như hạt sương mai có đó rồi lại không. Đó là đạo
lý Vô thường mà mỗi chúng ta cần phải nâng cao nhận thức về thực tại của vạn
pháp trên thế gian này.
Kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật dạy: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thuý. Tứ đại khổ không, ngũ ấm vô
ngã.” Hay “Như nước sông chảy mau,
theo dòng trôi đi mãi. Mạng người cũng như vậy, qua rồi không trở lại” [12,
tr. 6]. Vậy, vô thường nghĩa là mọi sự, mọi vật thay đổi, biến chuyển không
ngừng trong từng sát na. Héraclite, một triết gia cổ đại Hy Lạp nhận định rằng:
“Chúng ta không thể tắm hai lần trong một
dòng sông.” Đức Khổng Tử thì nói: “Thệ
giả như tư phù, bất xả trú dạ!” (Ôi!
nước sông trôi ngày đêm, không bao giờ ngừng nghỉ sao!). Vô thường có ba
phương diện: Thân vô thường, tâm vô thường và hoàn cảnh vô thường.
Thân vô thường: Mọi người được sinh ra và lớn lên không
phải là điều ngẫu nhiên. Thân thể của mỗi người phải thay đổi từng ngày, từng
giờ; các tế bào này lần lược thay thế tế bào kia làm cho thân xác ngày một
chóng lớn, đồng nghĩa với việc chóng lớn là sẽ già và sẽ chết. Câu thơ sau đây
của người xưa sẽ nói lên sự thay đổi mau chóng này, “Quân bất kiến cao đường minh cảnh bi bạch phát! Triêu như thanh ti,
mộ như tuyết?” (Anh không thấy cha già soi gương buồn tóc bạc! Sớm còn như tơ
xanh, tối đã trắng như tuyết?). Lúc đức Phật còn là Thái tử, Ngài đã nói
với Da-du-đà-la rằng: “…Chúng ta sẽ già
yếu và xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! Mắt
trong của em rồi sẽ mờ đục! Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu!... Ta nghe trong ta,
trong em và trong tất cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ, dưới sức tàn phá của
búa thời gian, tất cả những gì quý giá của đời người… Chúng ta ôm giữ một cách
tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một
làn hương!” [32, tr. 221].
Tâm vô thường: Thân xác đã thay đổi, tâm thức của mỗi người
lại thay đổi gấp ngàn lần hơn. Vui đó rồi lại buồn đó, thương đó rồi lại giận
đó. Trong tích tắc của sát na thời gian, tâm niệm của con người đã biến đổi
khôn lường. Chính vì nó sinh diệt mau lẹ như thế nên chúng ta nghĩ rằng tâm con
người không thay đổi gì cả, nhưng thật sự mỗi mỗi tâm niệm của con người đều âm
thầm biến đổi một cách vô cùng vi tế. Kinh Pháp Cú Thí Dụ dạy:
“Chỗ tâm ý suy lường,
Rắc rối khó tỏ tường.
Nghĩ tưởng điều tà ác,
Là tự chuốc tai ương.” [12, tr. 113]
Hoàn cảnh vô thường: Thông thường, người ta nhìn mọi sự vật
hiện tượng bằng tâm chấp thủ nên ít khi chấp nhận được sự thật, có chấp nhận chăng
nữa cũng trong tâm trạng khổ đau và bất như ý. Đại thi hào Nguyễn Du ngậm ngùi
mà nói rằng: “Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” hoặc Ôn Như Hâu nói: “Tiêu điều nhân sự đã xong, Sơn hà cũng
huyễn, côn trùng cũng hư.” Như vậy,
không những thân, tâm của con người chịu quy luật Vô thường mà hoàn cảnh sống,
môi trường sống, sơn hà đại địa cũng phải trải qua quy luật này. Điều đó được
mọi người thường nói: “Thương hải, tang
điền” (Bãi biển nương dâu); “Vật đổi sao dời” và “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, là để nói lên sự thay
đổi của ngoại cảnh bên ngoài cũng như số phận của con người. Mỗi người chúng ta
đừng nghĩ rằng, những sinh vật mới biến đổi, chóng già, chóng chết; sự thật vật
lớn như sơn hà đại địa, nhỏ như côn trùng đều biến đổi liên tục. Và hoàn cảnh
số phận của con người cũng chịu chung số phận như vậy.
Ý
nghĩa của việc giáo dục đạo lý Vô thường cho các thành viên trong gia đình là
gì?
Giáo dục
về đạo lý Vô thường để thúc đẩy tình yêu thương và lòng hiếu thảo trong gia
đình. Bởi vì sao? Bởi vì luật Vô thường, nó sẽ cướp đi sanh mạng của bất kỳ
người nào trong gia đình vào bất cứ thời điểm nào. Chính vì vậy mà mỗi người
phải thương yêu, chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau khi những người thân còn hiện hữu
trên cuộc đời. Mọi người hãy loại bỏ ngay cái tư tưởng sai lầm rằng, giáo dục đạo
lý Vô thường sẽ khiến con người bi quan yếm thế. Bi quan yếm thế là thái độ
sống của những người không hiểu biết gì về quy luật Vô thường. Vì không có sự
biến đổi thì không có sự sống; không có sự sống thì không có ông bà, cha mẹ và
bản thân người đó. Đặc biệt hơn, nếu không có sự vô thường biến đổi thì bản
thân người đó sẽ không lớn lên và không tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Nâng cao
sự nhận thức về đạo lý Vô thường, khiến cho con người giảm bớt đau khổ khi đối
diện với những hoàn cảnh bất hạnh. Từ đó, con người mới quý trọng sự sống và
sống thật sự có ý nghĩa. Người sống có ý nghĩa tức là người biết hướng thiện,
biết tu tập và biết giúp đỡ người khác. Người biết giúp đỡ người khác là người
đã hiểu được phần nào về tính vô thường của cuộc đời. Khi một thành viên trong
gia đình gặp khó khăn, đau khổ, thì mọi người đều có trách nhiệm giúp đỡ, động
viên người ấy vượt qua. Và, khi cuộc sống trong gia đình có sự bất hoà, sự
tranh chấp thì đạo lý Vô thường cần được đề cao trong cuộc sống hằng ngày. Nó
sẽ là liều thuốc chữa lành căn bệnh bất hoà và tranh chấp một cách triệt để
trong tận tâm khảm của mỗi người.
Ý nghĩa
cuối cùng là bản chất của cuộc đời là vô thường, người ta dù chấp nhận hay
không chấp nhận thì mọi sự vật vẫn biến đổi. Tất cả mọi người, mọi vật đều bình
đẳng về sự biến đổi của luật Vô thường. Tác dụng lớn nhất của sự nhận thức vô
thường là sự buông bỏ và không ham muốn quá độ. Chính sự buông bỏ và không ham
muốn quá độ này sẽ làm cho cuộc sống của mỗi người bình an hạnh phúc hơn. Sự
buông bỏ ở đây, không có nghĩa là ghét bỏ, vì ghét bỏ là một tâm trạng đối
nghịch với sự ham muốn mà thôi và nó còn khiến con người khổ đau hơn.
- Giáo dục về luật Nhân quả, Nghiệp
báo cho mọi người trong gia đình
Người xưa
thường nói: “Nhất nhơn tác phước, thiên
nhơn hưởng. Độc thọ khai hoa, vạn thọ hương” (Một người làm phước, ngàn người đều được hưởng. Một cây trổ hoa, vạn
cây đều thơm lây). Điều đó để nói lên rằng, một người làm phước thiện không
những bản thân được an vui hạnh phúc mà cả những người sống chung, gần gũi đều
được hưởng niềm an vui đó. Minh Tâm Bửu Giám nói rằng: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì”(Việc
lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi) [35,
tr. 10], để khẳng định rằng làm việc thiện thì gặp quả thiện, làm việc ác tức
gặt quả ác có điều sớm hay muộn, chứ không thể tránh khỏi quả báo của việc mình
đã làm.
Vậy Nhân
quả là gì? Nhân là nguyên nhân, Quả là kết quả. Nhân là cái mầm, Quả là cái
hạt, cái trái do mầm phát sanh. Nhân là năng lực thúc đẩy, Quả là sự hình thành
của năng thực thúc đẩy ấy. Nhân và Quả là hai trạng thái nối tiếp nhau, tương
quan mật thiết với nhau, nương nhờ vào nhau mà có mặt. Nếu không có nhân thì
không thể có quả; nếu không có quả thì không có nhân. Có thể nói rằng, sự tương
quan mật thiết của Nhân và Quả là sự tương quan vòng xoắn ốc; mỗi hiện tượng
vừa là kết quả cũng vừa là nguyên nhân. Sự tương quan này còn được gọi là Duyên
Khởi “Do cái này có mặt nên cái kia có
mặt. Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt. Do cái này sanh nên cái
kia sanh. Do cái này diệt nên cái kia diệt” [47, tr. 168].
Nội dung giáo lý Nhân quả thì đa
diện, đa chiều. Ở đây, người viết chỉ đề cập nhân quả trên bình diện luân lý
đạo đức của con người theo tinh thần Phật giáo mà thôi. Vì mục đích của việc
giáo dục giáo lý Nhân quả là để mọi người nhận thức được hành động của bản thân
sẽ đưa đến kết quả như thế nào. Từ đó, con người tự ý thức, tự điều chỉnh hành
động của mình cho phù hợp với tinh thần sống có lợi ích cho chính mình và cho
mọi người. Nhân quả trên bình diện luân lý đạo đức của con người thì có hai
phương diện: Phương diện thể chất và phương diện tinh thần.
Về phương
diện thể chất: Thân tứ đại của mỗi người là do cha mẹ sanh ra, nuôi dưỡng ngày một lớn khôn. Như
vậy, chính bản thân của mỗi người là kết quả của tổ tiên, ông bà, cha mẹ để
lại. Đó là quy luật Nhân quả theo sự di truyền để duy trì nòi giống của loài
người. Nhưng nhân quả về phương diện thể chất thuộc về luân lý đạo đức của tự
thân mỗi người là những hành vi lành mạnh hay không lành mạnh dẫn đến thân thể
khoẻ mạnh hay ốm đau. Ví dụ: Khi một người cờ bạc, rượu chè, hút thuốc, tiêm
chích, tà dâm… sẽ khiến cho người đó ốm đau, bệnh hoạn gây khổ cho chính bản
thân, gia đình và xã hội. Hành động cờ bạc, rượu chè, hút thuốc, tiêm chích, tà
hạnh là nhân; ốm đau, bệnh hoạn gây khổ cho mình, gia đình và xã hội là quả.
Ngược lại, khi một người sống có đạo đức, có giới hạnh, không cờ bạc, không
rượu chè, không tà dâm mà còn biết làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo khổ thì
chắc chắn người ấy không những có đời sống khoẻ mạnh về thể chất mà còn hưởng
được niềm an vui hạnh phúc và được mọi người tôn kính. Sống có đạo đức, có giới
hạnh mà còn biết làm việc thiện là nhân; khoẻ mạnh, thọ hưởng niềm an vui hạnh
phúc và được mọi người tôn kính là quả.
Về phương
diện tinh thần: Khi một người nổi lòng tham lam thì sẽ đi trộm cắp, cướp đoạt
tài sản người khác; nếu bị phát hiện thì sẽ bị đánh đập, tù tội, còn không thì
cũng sống trong tâm trạng lo âu và sợ hãi. Tham lam trộm cắp, cướp đoạt tài sản
người khác là nhân; bị đánh đập, tù tội và sống trong lo âu, sợ hãi là quả. Khi
một người nổi tâm sân hận, đánh đập vợ con, phá hoại nhà cửa, giết hại bà con
làng xóm thì kết quả là vợ con bệnh tật, gia đình tan nát và bị pháp luật trừng
trị. Khi một người ngu si, say mê sắc dục, quên cả vợ con, bất hiếu cha mẹ, bất
hoà anh em là nguyên nhân dẫn đến kết quả cuộc sống vợ chồng con cái không hạnh
phúc, cha mẹ từ bỏ và bị thân hữu, bà con làng xóm khinh bỉ. Ngược lại với
những hành vi trên, con người sống có đạo đức, không tham lam trộm cắp, không
sân hận hại người và không ngu si ngỗ nghịch vì đam mê sắc dục thì cuộc sống
tinh thần của người ấy sẽ thảnh thơi, bình an và được mọi người thương yêu,
kính trọng.
Ý nghĩa
của việc giáo dục giáo lý Nhân quả là gì?
Trong vấn
đề nhân quả của con người, có một vấn đề khác được đặt ra, đó là Nghiệp. Nghiệp
là hành động có tác ý, hành động không có tác ý thì chỉ là hành động mà không
phải là nghiệp. Đề cập đến Nghiệp tức
là đề cập đến thiện và ác với tinh thần trách nhiệm cá nhân của mỗi con người.
Bởi vì con người vừa là chủ nhân của nghiệp và vừa là kẻ thừa tự của nghiệp, “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp,
là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là
điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” [9, tr. 474].
Giáo lý Nhân
quả nghiệp báo giúp mọi người đề cao tinh thần trách nhiệm với hành động của
chính mình. Mỗi người tự ý thức về việc làm của mình, không làm những điều xấu
ác hại người và hành động như vậy không phải vì sợ bị chỉ trích hay sợ hình
phạt của pháp luật. Vì sự chỉ trích và hình phạt của pháp luật chỉ là tương
đối, có thể trốn tránh được nhưng đối với nghiệp quả của những hành động mà
mình đã làm thì không thể trốn tránh được. HT. Thích Chơn Thiện phát biểu rằng: “Không có trách nhiệm cá nhân thì nhân quả
không được thành lập. Cũng vậy, không có trách nhiệm cá nhân thì luật pháp xã
hội cũng không được thành lập, hay nếu được thành lập thì cũng không có cơ sở
để thi hành. Đời không có luật pháp thì sẽ đại loạn” [47, tr. 290].
Giáo dục
giáo lý Nhân quả nghiệp báo giúp con người lánh xa các nghiệp ác và làm các
nghiệp lành. Khổ đau hay hạnh phúc của con người không phải là chuyện ngẫu
nhiên, không phải sự ban phước hay giáng hoạ của một đấng tối cao nào mà chính
là hành động thiện hay ác của mỗi người đưa đến quả báo tương ứng. Điều đó
khiến cho con người tích cực làm những việc thiện, để thọ hưởng niềm an vui
hạnh phúc trong hiện tại và tương lai; từ bỏ những hành động xấu xa, ác độc để
không bị quả báo khổ đau.
Ý nghĩa
cuối cùng của việc giáo dục giáo lý Nhân quả nghiệp báo là giúp cho con người
sống có lập trường, có định hướng về thân, khẩu và ý của mình. Tại vì sao? Vì
con người không có lập trường, không có định hướng về thân, khẩu, ý thì người
ấy đầy dẫy tham lam, sân hận, si mê, ganh ghét và hận thù; lắm lúc lâm vào
những tư tưởng sai lầm, tà kiến. Nhưng đối với những người nào nhận thức được nhân
quả nghiệp báo thì những người đó sẽ tự kiểm soát được thân, khẩu, ý. Đồng thời,
những người đó cũng sẽ có lập trường và định hướng đúng đắn về thân, khẩu, ý
của mình.
5.2. Phật giáo ảnh hưởng đến giá trị truyền thống của người
dân Việt
Trước hết, chúng ta phải khẳng định
rõ vai trò của Phật giáo đối với quốc gia và dân tộc Việt Nam. Đạo Phật đã du nhập vào Việt
Nam từ những năm đầu của Công nguyên, có bề dày lịch sử hơn 20 thế kỷ, một thời
gian rất dài để giáo lý Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào đời sống của người dân
Việt. Phật giáo đã thật sự hoà nhập và gắn bó chặt chẽ vận mệnh của mình với
vận mệnh của quốc gia và dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam được độc lập, được ấm no hạnh phúc thì Phật
giáo được hưng thịnh và phát triển rộng rãi; Dân tộc Việt Nam bị cảnh lầm than, nô lệ, đói
khát thì Phật giáo bị suy tàn và khốn đốn. Hồ Dzếnh đã nói rằng:
“Trang sử Việt,
Cũng là trang sử Phật,
Trải bao độ thịnh suy,
Có nguy mà chẳng mất.”
Như vậy, sự ảnh hưởng đậm nét nhất của Phật giáo đối với
đời sống của người dân Việt Nam
là gì? Đó là giáo lý Vô thường và Nhân quả nghiệp báo. Có thể khẳng định rằng,
đã là người Việt Nam, dù Phật tử hay không Phật tử, là người theo đạo Thiên
chúa hay đạo Cao đài, thì ít nhiều cũng hiểu biết, chịu ảnh hưởng về giáo lý Vô
thường và Nhân quả nghiệp báo. Như vậy, việc giáo dục giáo lý Vô thường và Nhân
quả nghiệp báo là một việc làm đúng đắn, vì nó đã được hình thành các khái niệm
trong tâm thức của mỗi con người, để có thể tiếp nhận một cách dễ dàng vào đời
sống của cộng đồng.
Sự tiếp nhận, ảnh hưởng giáo lý Vô thường trong đời sống
thường nhật của người dân Việt. Người dân Việt thường chứng kiến bao cảnh đổi
thay, thịnh suy của cuộc đời và họ đã thật sự bình tĩnh để nói lên rằng: “Cuộc đời khác nữa là hoa, sớm còn tối mất,
nở ra lại tàn”. Nếu người nào lười biếng, suốt ngày ngủ nghỉ, không cần cù
lao động thì được mọi người nhắc nhở: “Đời
người chỉ được gang tay, kẻ hay ngủ ngày chỉ được nửa gang”. Và khi người
dân Việt Nam
làm lụng vất vả quanh năm mà thu hoạch không được nhiều thì liền than rằng: “Dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà
chẳng ra công cán gì.”
Trên diễn đàn văn học, Nguyễn Trãi, một anh hùng dân tộc,
một danh nhân văn hoá thế giới hiểu biết về Phật giáo rất sâu sắc. Và, ông đã
bộc bạch tâm sự của mình trong bài thơ vịnh hoa râm bụt:
“Ánh nước hoa in một bóng hồng,
Vấn nhơ chẳng bén bụt là lòng,
Chiều mai nở, chiều hôm rụng,
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không.”
Nguyễn Công Trứ nói lên sự nhận thức về nhân sinh quan và
thế giới quan của mình, cũng chịu ảnh hưởng đậm nét tư tưởng Phật giáo:
“Ôi nhân thế sinh là thế ấy,
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.
Ba mươi năm thọ hưởng biết chừng nào,
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín.”
Nội
dung, ý nghĩa của bài thơ trên không khác gì với bài kệ trong kinh Kim Cang:
“Tất cả các pháp hữu vi,
Như mộng, như huyễn, như bọt nước, như ảnh,
Như sương, như chớp,
Nên quán chiếu như vậy.”
Ôn Như Hầu, tác giả của Cung Oán Ngâm Khúc, Ông đã cảm nhận
được nỗi khổ đau của cuộc đời và đặc biệt là các cung nữ được diễn tả trong tác
phẩm Cung Oán, khía cạnh khổ đau được nhấn mạnh đến nỗi có phần tiêu cực. Khi
nói đến cảnh vô thường, Ông có những vần thơ lột trần sự thật của cuộc đời như
sau:
“Tiêu điều nhân sự đã xong,
Sơn hà cũng huyễn, côn trùng cũng hư,
Cầu thệ thuỷ ngồi trơ để lộ,
Quán thu phong chốn rũ tà huy,
Phong trần đến cả sơn khuê,
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
Tuồng huyễn hoá khéo bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau,
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì.”
Người dân Việt Nam tiếp nhận những kinh nghiệm của
tổ tiên và tự thân trải qua những kinh nghiệm hằng ngày mà đã nhận thức được
cuộc đời là vô thường, biến hoại nhưng không có nghĩa là họ sống bi quan yếm
thế. Họ có đời sống rất bình dị, rất hạnh phúc và sống thật sự có ý nghĩa, “Linh đình qua cửa thần phù, khéo tu thì
nổi, vụng tu thì chìm” hay “Tu đâu
cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ cũng là chân tu.” Khi có sự tranh giành,
cướp đoạt lợi danh thì người dân Việt thản nhiên nói rằng: “Mặc ai chuốc lợi mua danh, miễn ta học được đạo lành mà thôi.” Điều
này phù hợp với tinh thần lời Phật dạy trong kinh Trung bộ III, kinh Nhất Dạ
Hiền:
“Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở
đây…”
Từ sự nhận thức cuộc đời, người dân Việt đã đề cao tình
thương yêu con người, đặc biệt là tình máu mủ ruột thịt. Vợ chồng thì hoà
thuận, chung thuỷ; con cái thì thương yêu, hiếu kính cha mẹ: “Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng
cạn” hoặc “Râu tôm nấu với ruột bầu,
chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.” Đối với việc hiếu nghĩa thì những bậc trưởng thượng trong gia đình được con
cháu thương yêu và kính trọng, đặc biệt là tâm nghĩ tưởng, nhớ ơn ông bà, cha
mẹ: “Ai về tôi gửi đôi dày, phòng khi mưa
gió để thầy mẹ đi” hay “Ai về tôi gửi
buồng cau, buồng trước kính mẹ buồng sau kính thầy.”
“Em thì đi cấy biển đông,
Anh đi mót lúa để
chung một nhà.
Đem về phụng dưỡng mẹ cha,
Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền.”
Người Việt Nam
rất chú trọng cái tâm của mỗi người, dù đôi dày, buồng cau hay hạt lúa mót
nhưng nó chứa đựng cả một tấm lòng hiếu thảo, lo lắng của người con. Do đó,
những người có một ít duyên lành nào với Phật pháp, họ thường nói rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh
Phật.”
Ông bà,
cha mẹ, con cái trong gia đình thì biết nhẫn nhịn, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc
sống. Và, tình mẫu tử của người Việt đã nâng lên một cung đàn tuyệt mỹ. Cha mẹ
hy sinh cả cuộc đời vì cơm ăn, áo mặc cho con cái; cha mẹ nhường từng miếng ăn,
chỗ nằm cho con cái, “Chỗ ướt mẹ nằm, khô
ráo phần con.” (kinh Vu Lan). Đối lại, con cái cũng dâng cả tấm lòng nhớ ơn
sâu sắc với cha mẹ. Vũ Hoàng Chương đã nói lên tấm lòng ấy cho mọi người dân
Việt Nam:
“Ngôn ngữ trần gian là túi rách,
Đựng sao đầy hai tiếng mẹ ơi!
Văn tự là chiếc xe mòn xọc xạch,
Đường về quê mẹ ngàn
trùng xa khơi.”
Hay
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,
Gánh nặng một đời không ai khổ bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ,
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Tảo tần sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn,
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn trên mắt mẹ nghe không!”
Khi những
người con tiễn đưa thân xác của cha mẹ của mình về nơi yên nghỉ cuối cùng, họ
bùi ngùi, hối tiếc, nhớ thương. Ai có thể hiểu được tâm trạng của họ lúc bấy
giờ, chỉ có họ mới thấu hiểu được sự xót xa, đau đớn khi mất cha, mất mẹ.
“Năm xưa tôi còn bé,
Mẹ tôi đã qua đời.
Lần đầu tiên tôi hiểu,
Thân phận kẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc,
Yên lặng tôi ngồi thôi.
Để dòng nước mắt chảy,
Là bớt khổ đi rồi.
Hoàng hôn phủ trên mộ,
Sương triều nhẹ nhẹ rơi.
Tôi biết tôi mất mẹ,
Là mất cả bầu trời.
Kìa nhà ai sung sướng,
Mẹ con vỗ về nhau.
Tìm mẹ tôi không thấy,
Khi buồn biết trốn đâu.”
Hay
“Còn cha, còn mẹ thì hơn,
Không cha, không mẹ như đàn đứt dây.
Đàn đứt dây còn hay nối lại,
Cha mẹ mất rồi con ở với ai.”
Thứ hai là
giáo lý Nhân quả nghiệp báo ảnh hưởng đến đời sống của người dân Việt Nam. Nhân
quả nghiệp báo là giáo lý ảnh hưởng đến văn hoá dân tộc Việt Nam đậm nét nhất. Từ đời sống cho
đến thơ ca đều mang âm hưởng của giáo lý nhân bản này. Người Việt Nam vẫn
thường nói: “Dù xây chín bậc phù đồ,
không bằng làm phước cứu cho một người”, điều đó thể hiện tình yêu thương con người, vì cuộc sống
hạnh phúc của con người chứ không vì danh lợi vật chất, đặt nặng việc làm phước
cứu người hơn việc xây dựng chùa chiền. Và người Việt cũng không quên khuyên
con người phải ăn hiền ở lành, “Ai ơi,
hãy ở cho lành. Kiếp này chẳng được để dành kiếp sau.” Đại thi hào Nguyễn
Du thì viết:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
Như vậy, giáo lý Nhân quả nghiệp báo rất đề cao cái tâm, vì
“chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” và
còn khuyến khích con người làm việc thiện, làm việc hữu ích đối với gia đình,
xã hội, quốc gia. Khi một người có dụng ý thiện hay ác để thúc đẩy hành động
nào đó, tức là đã tạo ra nghiệp thiện hay ác. Thiện thì kết quả an vui, hạnh
phúc mà ác thì hậu quả phiền não, khổ đau. Thuyết nghiệp của đạo Phật đã ăn sâu
vào tâm thức của người Việt Nam.
Lời nói cửa miệng “Tội nghiệp” đã
chứng minh điều đó; khi người Việt Nam gặp người bị tai nạn thảm khốc, họ liền
nói “Tội nghiệp”, đó là cái tâm thông
cảm với đồng loại nhưng đồng thời họ vẫn ta thán“Nghiệp quá nặng!”. Giáo lý Nhân quả nghiệp báo đã không dừng ở thi
ca hay lời răn dạy mà nó đã trở thành những lời nói quen thuộc hằng ngày. Từ
một giáo lý có triết lý sâu xa, khó hiểu đến với người Việt Nam, nó đã trở nên bình dị, dễ
hiểu. Điều đó được thể hiện trong những câu tục ngữ mà người dân Việt Nam đã tự
đúc kết thành: “Ác giả ác báo, thiện giả
thiện báo; ở hiền gặp lành, gieo gió gặp bão; quả báo nhãn tiền; nhân nào quả
nấy; nghiệp nào quả nấy…” hay “Ai làm nấy chịu; bụng làm dạ chịu.”
Trong đời sống gia đình, giáo lý Nhân quả nghiệp báo đã trở
thành một tư tưởng sống, một đường hướng mang tính giáo dục cao. Ví dụ: “Tham thì thâm, Bụt đã bảo rằng chớ có
tham”, khuyên con người không nên tham lam; “Gần chùa gọi Bụt bằng anh, thấy Bụt hiền lành cõng Bụt đi chơi”,
để nói lên sự xem thường khi con người quá gần gũi; “Phật ở trong nhà, lại đi tìm Thích Ca ngoài đường”, nhằm giáo dục
lòng hiếu thảo của con cháu; ông bà, cha mẹ chính là Phật, con cháu cần phải
chăm lo hiếu thảo với họ mà không cần tìm ở đâu xa. Quy luật Nhân quả trong
cuộc sống hiếu để được người Việt nhắc nhở hằng ngày: “Hiếu thuận hoàn sanh hiếu thuận tử, ngỗ nghịch hoàn sanh ngỗ nghịch
nhi. Bất tín đản kháng thềm đầu thuỷ, điểm
điểm đích đích bất sai di.”(Hiếu thuận sanh con hiếu thuận, ngỗ nghịch thì sanh
con ngỗ nghịch. Không tin thì hãy nhìn vào giọt nước trên thềm, giọt trước thế
nào thì giọt sau không sai khác).
Như vậy, giáo lý Nhân quả đã được người Việt hiểu và áp
dụng không còn là một triết lý, mà nó đã trở thành một đạo lý luân thường của
cuộc đời. Từ một đạo lý hết sức bình dị này, đã huân tập cho dân tộc Việt Nam
sống có tình, có nghĩa; đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì hết mực kính trọng,
hiếu thảo. Sự hiểu biết về đạo lý Vô thường và giáo lý Nhân quả của cuộc đời đã
làm cho tất cả những người Việt gần gũi nhau hơn, biết cảm thông và chia sẻ
những khó khăn thử thách, và hơn hết là cùng nhau giữ gìn những giá trị văn hoá
tốt đẹp của dân tộc. Để làm rõ vấn đề này, HT. Minh Châu đã viết rằng: “Chúng tôi nêu các luận đề Phật giáo trong
mối liên hệ với di sản của tổ tiên để lưu ý với mọi người về ý chí và trí tuệ
Việt Nam
mà chúng ta được thừa hưởng. Dân tộc Việt Nam chúng ta tiếp thu đạo Phật từ
rất sớm và đã khéo vận dụng giáo lý của đức Phật vào sự nghiệp dựng nước và giữ
nước rất thành công. Đó là một thực tế lịch sử mà mỗi thế hệ Việt Nam
cần phải trân trọng và tự hào. Sức mạnh gì đã khiến dân tộc Việt Nam
đứng vững và vượt qua mọi gian nan thử thách hoạ xâm lăng quân sự và văn hoá
hơn 1000 năm của các thế lực phương Bắc? Đó chính là ý chí độc lập, tự lực, tự
cường và khả năng vận dụng giáo lý đạo Phật một cách đầy sáng tạo và tài tình
của người Việt Nam
và đó chính là di sản văn hoá mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta. Các thế hệ tổ
tiên Việt Nam đã sớm nhận ra giá trị của đạo Phật và đã khéo vận dụng giáo lý
ấy vào cuộc sống, một mặt để chống lại ý thức hệ xâm lăng phương Bắc, mặt khác
để bảo vệ và làm giàu thêm vốn văn hoá của chính mình” [21, tr. 49-50].