Đời sống Phật tử tại gia trong kinh Trường Bộ


Luận văn tốt nghiệp của Đại Đức Thích Lệ Liên
02/12/2010 19:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 10299
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


 

4.1. Đối với cá nhân

          Đối với cá nhân, tất cả những lời Phật dạy đều trực tiếp hay gián tiếp liên hệ đến đạo đức, mà đạo đức là nếp sống đem lại an lạc và hạnh phúc cho chính mình và mọi loài chúng sanh. Đức Phật thuyết pháp không phải để khoái khẩu biện luận và cũng không vì mục đích chỉ trích người khác, “Này các Tỳ-kheo, Ta không có tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với Ta. Này các Tỳ-kheo, người nói pháp là  không tranh chấp với một ai ở đời” [10, tr. 651]. Tất cả những lời dạy của Ngài chỉ duy nhất với hoài bão cứu độ chúng sanh: “Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và con đường diệt khổ” [7, tr. 140] và Ngài thường khuyên đệ tử của mình rằng: “Này các Tỳ-kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sanh, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người” [10, tr. 126].

          Người viết khẳng định rằng: Đạo đức Phật giáo luôn đi đôi với an lạc và hạnh phúc. Kinh Tiểu Khổ Uẩn ghi rằng, ngoại đạo Ni-kiền-tử (Nigantha) có chủ trương hành khổ thân xác để giải thoát, họ phát biểu:“Hiền giả Gotama, hạnh phúc không thể thành tựu nhờ hạnh phúc. Hạnh phúc phải thành tựu nhờ đau khổ” [7, tr. 215-216]. Đức Phật nêu lên chủ trương của Ngài là hộ trì thân, khẩu, ý cho thanh tịnh mà tiêu nghiệp, do đắc các cấp độ thiền định mà có được các cảm thọ hạnh phúc, cho đến giải thoát tri kiến là hạnh phúc tuyệt đối. Do đó, nếp sống đạo đức Phật giáo là phải hành trì, thực hiện những lời Phật dạy mà không cần lễ bái hay cầu xin bất kỳ một thần linh nào. Người Phật tử hãy tin tưởng chính mình, siêng năng học hỏi và hành trì Chánh pháp thì chắc chắn hưởng được niềm an vui, hạnh phúc thiết thực hiện tại ngay trong đời này mà không cần cảnh giới thiên đàng xa xăm trong mộng tưởng, ““Này Ànanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác” [1, tr. 584]. Vì sao? Vì toàn bộ hệ thống giáo lý của Phật giáo không ngoài mục đích xây dựng một nếp sống lành mạnh, trong sáng, thanh tịnh và an lạc hạnh phúc của mỗi cá nhân con người trong cuộc đời này.

“Không làm mọi điều ác,

Thành tựu các hạnh lành,

Tâm ý giữ trong sạch,

Chính lời chư Phật dạy.”

                                                                                            (PC-183)

Nhiều người nghĩ rằng, Phật giáo chỉ quan tâm đến cuộc sống ẩn cư, với những lý tưởng thoát tục và đạo đức siêu phàm mà không đề cập đến lợi ích xã hội và đời sống kinh tế của con người. Nhận xét như vậy thật là hồ đồ và vô cùng sai lầm. Đức Phật rất quan tâm đến hạnh phúc con người, không những cuộc sống an vui hạnh phúc về tinh thần mà Ngài còn dạy cho hàng cư sĩ Phật tử phải siêng năng trong công việc làm ăn, điều hoà cuộc sống và khéo giữ gìn tài sản. Điều ấy được thể hiện rõ nét khi đức Phật dạy hàng Phật tử tại gia là phải đầy đủ sự tháo vát, nghĩa là người Phật tử không những có nghề nghiệp ổn định mà còn phải giỏi giang, thiện xảo trong nghề nghiệp, siêng năng trong công việc. Người Phật tử tạo ra tiền bạc, tài sản đúng pháp,  do sức của chính mình, phải trải qua những giọt mồ hôi đổ ra, làm một cách hợp pháp; rồi phải biết giữ gìn, phòng hộ tài sản do mình đổ mồ hôi làm ra đó mà không để bị tịch thu, bị trộm cắp, bị lửa đốt, bị nước trôi và con cái phung phí. Người Phật tử nên thân cận với thiện tri thức, với những bạn lành có đầy đủ lòng tin, đầy đủ trí tuệ và có lòng bố thí. Người Phật tử sống phải biết thăng bằng điều hoà, có nghĩa là sống không phung phí và cũng không bỏn xẻn, keo kiết. Phật dạy về bốn nguyên tắc để có cuộc sống lành mạnh: Không đam mê sắc dục; không đam mê rượu chè; không đam mê cờ bạc; không giao du với kẻ ác. Đó là những giá trị thực tiễn và thiết thực nhất đối với người Phật tử tại gia trong cuộc sống gia đình. Đức Phật còn dạy rõ ràng và đầy đủ hơn trong Tăng chi IV, chương 8 pháp: (1). Giỏi tay nghề, siêng năng, biết điều hành công việc. (2). Biết làm ra của cải hợp pháp bằng sức lao động của mình, giữ gìn, phòng hộ và bảo vệ chúng. (3). Biết giữ gìn giới đức và làm bạn với thiện. ( 4). Biết quân bình thu chi; giữ gìn cho sổ thu lớn hơn sổ chi. (5). Đầy đủ lòng tin vào Phật. (6). Đầy đủ niềm tin vào giới, không đắm say rượu chè, trai gái, biết giữ gìn sức khoẻ. (7). Biết bố thí tiền của, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật. (8). Đầy đủ trí tuệ, có chánh kiến về cuộc đời [6, tr. 23].

Hơn thế nữa, kinh Thi Ca La Việt, đức Phật khuyên người Phật tử tại gia là phải đoạn trừ bốn nghiệp phiền não: Nghiệp phiền não sát sanh, nghiệp phiền não trộm cắp, nghiệp phiền não tà dâm, nghiệp phiền não nói láo. Hoặc đoạn trừ bốn ác nghiệp do bốn lý do: Ác nghiệp do tham dục, ác nghiệp do sân hận, ác nghiệp do ngu si, ác nghiệp do sợ hãi. Đó là những nguyên tắc thiết yếu để giữ gìn những giá trị đạo đức và phẩm hạnh cần thiết cho một cá nhân con người. Trong cuộc sống hằng ngày, đức Phật dạy mỗi người hãy tránh xa, từ bỏ sáu nguyên nhân dẫn đến đoạ lạc, phung phí tài sản của gia đình. Sáu nguyên nhân đó là: Đam mê các loại rượu là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà đình đám, hí viện là nguyên nhân phung phí tài sản. Đam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du ác hữu là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản [2, tr 533]. Kinh Tăng chi II, đức Phật còn khẳng định người giữ gìn năm giới thì sẽ không bị vua chúa, chính quyền bắt trói, tẩn xuất hay làm bất cứ việc gì có hại cho người đó [4, tr. 647-648].

Phật giáo không dừng lại ở những vấn đề của cuộc sống hiện tại, mà Phật giáo còn rất quan tâm đến hạnh phúc, an lạc cho tương lai. Đó chính là bốn pháp mà đức Phật dạy cho cư sĩ Cấp-cô-độc (Anàthapindika). Bốn pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, và bốn pháp này đưa đến hạnh phúc, an lạc cho tương lai: Thứ nhất, người Phật tử có đầy đủ lòng tin vào Tam bảo, nơi nương tựa vững chắc nhất trong thế gian; tin vào những giá trị của Giới-Định-Tuệ, con đường giải thoát khổ đau. Thứ hai, người Phật tử giữ gìn một cách nghiêm cẩn giới luật: Không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Thứ ba, người Phật tử thường xuyên thực hành hạnh bố thí, thương yêu, không tham đắm và khát khao tài sản; nuôi dưỡng lòng từ bi và tu tập hạnh xả ly. Thứ tư, người có chánh kiến về cuộc đời, biết nhân quả nghiệp báo [3, tr. 677]. Đức Phật còn nêu lên 5 sự nguy hiểm cho những ai phạm giới, sống trái pháp luật như sau: Tiêu hao tiền của, tiếng xấu đồn xa, tâm thần sợ hãi và bối rối trước đám đông, tâm hồn rối loạn trước lúc lâm chung và khi thân hoại mạng chung sẽ bị sanh vào cảnh khổ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục [1, tr. 561-562].

Tăng chi III thì ghi rằng, người Phật tử tại gia sẽ có bốn tăng thượng tâm một cách dễ dàng, “Này Sàriputta, Thầy có biết người gia chủ mặc áo trắng nào mà sở hành được bảo vệ trong năm học giới, và có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú, nếu vị ấy muốn, có thể tự đáp về mình như sau: “Ta sẽ đoạn tận địa ngục, đoạn tận loài bàng sanh, đoạn tận loài ngạ quỷ, đoạn tận cõi dữ, ác thú, đoạ xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn phải thối đoạ, quyết chắc đạt được Chánh giác”? Sở hành được bảo vệ trong năm học giới nào? Ở đây, này Sàriputta, Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu” [4, tr. 652].

“Ai thấm nhuần Chánh pháp,

Người ấy tâm được an,

Bậc trí vui Chánh pháp,

   Do thánh nhân thuyết minh.”

                                                               (PC-79)

4.2. Đối với gia đình

          Đời sống gia đình, đức Phật dạy có bốn thứ đưa đến hạnh phúc trong gia đình. Dĩ nhiên, hạnh phúc trong gia đình là kết quả tất yếu của các thành viên trong gia đình có đời sống trong sáng, lành mạnh cả về thể chất lẫn về tinh thần. Theo tinh thần Duyên khởi, thì tất cả những yếu tố tâm lý, sinh lý; về đời sống vật chất, đời sống tinh thần của các thành viên trong một gia đình quyết định cuộc sống hạnh phúc hay bất hạnh trong gia đình ấy. Và, hoàn cảnh xã hội cũng là nhân tố không kém phần quan trọng trong việc xây dựng một gia đình hạnh phúc. Chính vì thế, người viết nghĩ rằng: Hạnh phúc cá nhân là hệ quả của một gia đình đầm ấm; gia đình đầm ấm là hệ quả của một xã hội có văn hoá, có trật tự; xã hội có văn hoá, có trật tự chỉ do những cá nhân có đạo đức, có phẩm hạnh tạo nên mà thôi.

          Đức Phật dạy về bốn yếu tố để xây dựng nếp sống đầm ấm, hạnh phúc trong gia đình như sau: Thứ nhất là hưởng thọ sự an ổn về kinh tế hay của cải đầy đủ, được thu hoạch bằng những phương tiện chơn chánh. Thứ hai là tiêu xài tài sản ấy một cách rộng rãi cho chính mình, cho gia đình, cho bạn bè, cho bà con và làm việc thiện. Thứ ba là không mắc nợ ai một điều gì. Thứ tư là đời sống không lỗi lầm, không phạm những lỗi về ý, về lời và về thân.

 

 

“Được lạc không mắc nợ,

Nhớ đến lạc sở hữu,

Người hưởng lạc tài sản,

Với tuệ, thấy như thị,

Do thấy, vị ấy biết,

Sáng suốt cả hai phần,

Lạc vậy chỉ bằng được,

Bằng một phần mười sáu,

  Lạc không có phạm tội” [4, tr. 684].

          Giá trị thiết thực nhất trong đời sống gia đình mà đức Phật dạy cho cư sĩ Phật tử là tự mỗi cá nhân không phạm vào những tội lỗi, không phung phí tài sản và điều cốt yếu là xây dựng tốt đẹp sáu mối quan hệ của mình trong xã hội. Chúng ta có thể khẳng định rằng: Một gia đình có con cái hiếu thảo, vợ chồng thương yêu là một gia đình thật sự hạnh phúc rồi. Vì trong xã hội hiện nay có những gia đình đầy đủ những phương tiện sống, làm ăn chính đáng nhưng con cái ngỗ nghịch, vợ chồng bất hoà thì gia đình đó vẫn lâm vào cảnh bất hạnh khổ đau. Cho nên, mỗi một thành viên trong gia đình hãy tự nỗ lực hoàn thiện chính mình, làm tròn bổn phận trách nhiệm của mình thì việc xây dựng nếp sống đầm ấm, hạnh phúc trong gia đình là việc có thể làm được:

“Hãy tự làm cho mình,

Như điều mình dạy người.

Khéo tự điều, điều người,

Khó thay, tự điều phục.”

                                                                          (PC-159)

          Người Phật tử không những xây dựng gia đình hạnh phúc, an vui mà còn phải giữ gìn và phát huy ngày càng lớn mạnh. Tăng chi II, đức Phật dạy: “Phàm những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, đạt đến sự lớn mạnh trong các tài sản, được tồn tại lâu dài; tất cả đều do bốn điều kiện này, hay là một trong bốn sự kiện này. Thế nào là bốn? Tìm những gì đã mất; sửa lại cái gì đã già yếu; ăn và uống không quá độ; đặt nữ nhân hay nam nhân có giới trong địa vị tối thắng. Phàm những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, đạt đến sự lớn mạnh trong các tài sản, được tồn tại lâu dài, tất cả đều do bốn sự kiện này, hay là một trong những sự kiện này” [3, tr. 292].

          Như vậy, chúng ta thấy rằng xây dựng gia đình hạnh phúc đã là vấn đề khó mà giữ gìn và phát huy nó lại càng khó hơn. Trong lời dạy của Phật ở trên có câu “Tìm những gì đã mất; sửa lại cái gì đã già yếu”, chúng ta không nên hiểu điều đó chỉ thuộc về vật chất; những gì đã mất, cái gì đã già cũng có thể là tình yêu thương, lòng hiếu thảo, lòng bao dung con người. Vì tất cả những tâm lý đó có thể bị bào mòn, bị suy thoái trong quá trình sống chung đụng với nhau. Chính vì vậy mà mỗi người phải tự ý thức tìm lại, bồi dưỡng lại những tâm lý vô cùng tốt đẹp này. Một vấn đề rất nhân bản và rất đạo đức trong lời dạy của Ngài, là người có giới hạnh, dù nam hay nữ đều phải được quý trọng và đặt họ lên địa vị tối thắng. Như vậy, đạo Phật đánh giá một con người qua giới hạnh, qua hành động chứ hoàn toàn không phân biệt đối xử về giai cấp, về giới tính, “Không phải cao thượng hay thấp hèn; thành công hạnh phúc hay thất bại khổ đau có mặt khi con người được sinh ra. Cũng không phải cao thượng hay thấp hèn; thành công hạnh phúc hay thất bại khổ đau khi con người sinh ra trong một gia đình huyết thống nào đó. Cao thượng hay thấp hèn; thành công hạnh phúc hay thất bại khổ đau là do chính mình, chính hành động của mình” [28,  tr. 157].

4.3. Đối với xã hội

          Như đã đề cập ở trên, xã hội ổn định là do nhiều gia đình đầm ấm, hạnh phúc; gia đình được đầm ấm, hạnh phúc là do có những cá nhân sống có đạo đức, có tàm quý và có giới luật. Nhưng trên phương diện khách quan, thì sự ổn định và phồn thịnh của xã hội cũng có những vấn đề khác biệt của nó. Giá trị bất hủ mà đức Phật đã để lại cho nhân loại hiện nay là những phương pháp để duy trì và phát huy sự ổn định xã hội và độc lập quốc gia.

Trường bộ II, kinh Chuyển Luân Thánh Vương, đức Phật nói về nguyên nhân của các tội ác và vô luân:

Này các Tỳ-kheo, như vậy vì không cho tiền của những người nghèo, nghèo đói tăng thịnh, vì nghèo đói tăng thịnh nên trộm cắp tăng thịnh; vì trộm cắp tăng thịnh nên đao kiếm tăng thịnh; vì đao kiếm tăng thịnh nên sát sanh tăng thịnh; vì sát sanh tăng thịnh nên nói láo tăng thịnh; vì nói láo tăng thịnh nên nói xấu tăng thịnh; vì nói xấu tăng thịnh nên tà hạnh tăng thịnh; vì tà hạnh tăng thịnh nên hai pháp tăng thịnh tức là ác khẩu và nói lời phù phiếm tăng thịnh; vì hai pháp này tăng thịnh nên tham, sân tăng thịnh; vì tham, sân tăng thịnh nên tà kiến tăng thịnh; vì tà kiến tăng thịnh nên ba pháp tăng thịnh: Phi pháp dục, phi lý tham và tà kiến. Vì ba pháp này tăng thịnh nên các pháp sau đây tăng thịnh: Thiếu sự hiếu kính đối với cha mẹ, thiếu sự kính trọng đối với các vị cầm đầu trong gia đình. Vì những pháp này tăng thịnh nên tuổi thọ các loài hữu tình này giảm thiểu, sắc đẹp giảm thiểu, vì tuổi thọ giảm thiểu và sắc đẹp giảm thiểu nên loài người chỉ sống có hai trăm năm mươi năm, và những người con chỉ có một trăm năm…..Này các Tỳ-kheo, khi tuổi thọ loài người chỉ có mười tuổi, không có phân biệt mẹ hay bá mẫu hay thúc mẫu, vợ con của sư trưởng, chị dâu của cha. Thế giới rơi vào thông dâm như dê, gà, heo chó và chó rừng. Này các Tỳ-kheo, khi tuổi thọ loài người chỉ có mười tuổi, các loài hữu tình đối với nhau, hại tâm rất mãnh liệt, sân tâm rất mãnh liệt, ác ý rất mãnh liệt, sát tâm rất mãnh liệt. Mẹ đối với con, con đối với mẹ, cha đối với con, con đối với cha, anh đối với em, em đối với anh, em đối với chị, chị đối với em, hại tâm rất mãnh liệt, sân tâm rất mãnh liệt, ác ý rất mãnh liệt, sát tâm rất mãnh liệt…[2, tr. 274-276].

          Ngược lại, Này các Tỳ-kheo, rồi các loài hữu tình ấy suy nghĩ: “Chúng ta nhờ hành thiện pháp làm nhân, nên tuổi thọ được tăng thịnh, sắc đẹp được tăng thịnh. Vậy chúng ta hãy làm việc thiện nhiều hơn nữa. Chúng ta hãy giữ gìn không lấy của không cho, giữ gìn không làm các tà hạnh, giữ gìn không nói láo, giữ gìn không nói hai lưỡi, giữ gìn không ác khẩu, giữ gìn không nói lời phù phiếm, từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ tà kiến, từ bỏ ba pháp tức là phi pháp dục, phi lý tham và tà kiến. Chúng ta hãy hiếu kính mẹ, hiếu kính cha, kính lễ các vị Sa-môn, Bà-la-môn, cung kính các vị cầm đầu trong gia đình. Chúng ta hãy thực hành thiện pháp ấy.” Họ hiếu kính mẹ, hiếu kính cha, kính lễ các vị Sa-môn, Bà-la-môn, cung kính các vị cầm đầu ở trong gia đình, họ sẽ thực hành thiện pháp này. Do hành thiện pháp làm nhân, tuổi thọ tăng thịnh, sắc đẹp tăng thịnh. Vì tuổi thọ họ tăng thịnh và sắc đẹp tăng thịnh, tuổi thọ loài người đến hai mươi tuổi và các người con sẽ lên đến bốn mươi tuổi…[2, tr. 278-279].

          Như vậy, chúng ta khẳng định rằng: Đạo Phật không phải là đạo siêu thực, siêu nhiên, ngoài sức tưởng tượng của con người. Đạo Phật rất thực tế, rất tình người vì đức Phật rất chú trọng đến đời sống thường tình của con người là ăn, mặc và ở. Ngài cũng đã nêu lên một chuỗi dây chuyền nhân quả, duyên sinh của tội ác và vô luân. Đó  chính là nghèo đói dẫn đến trộm cắp, sát hại. Những người có chức trách trong xã hội giải quyết được vấn đề nghèo đói của dân chúng thì sẽ giảm thiểu phần nào tội lỗi của ác tâm, sân tâm, hại tâm của con người. Nhờ giải quyết vấn đề nghèo đói mà con người không trộm cắp, không nói láo, không tham lam, không sân hận. Tuy nhiên, nghèo đói không phải là nguyên nhân của tất cả mọi tội lỗi trên đời, mà mọi tội ác và vô luân của loài người chính là Tà kiến, không hiểu hoặc hiểu sai về nhân quả, nghiệp báo của cuộc đời.

          Hơn nữa, đức Phật còn khuyên những người có chức trách trong xã hội về việc làm lợi ích xã hội bằng cách cải thiện đời sống kinh tế của người dân. Trường bộ kinh, kinh Kutadanta ghi rằng: Khi đất nước chịu tai ương, chịu ách nạn, đầy rẫy bọn cướp làng, đầy rẫy bọn cướp ấp, cướp đường… Như vậy, người có chức trách có ý nghĩ: “Ta hãy diệt trừ bọn giặc cỏ này, hoặc bằng tử hình, hoặc bằng cấm cố, hoặc bằng phạt vạ, hoặc bằng khiển trách, hoặc bằng tẩn xuất”, thì những bọn giặc cỏ này sẽ không được diệt trừ một cách hoàn toàn. Những bọn còn lại không bị hình phạt, sau lại tiếp tục hoành hành đất nước. Và đức Phật khuyên làm theo những phương pháp sau đây thì bọn giặc sẽ được diệt trừ hoàn toàn:

1.     Cung cấp các thứ hạt giống và phương tiện canh tác cho nông dân.

2.     Cung cấp vốn và tạo điều kiện tốt cho người biết kinh doanh.

3.     Trả lương thích đáng cho công nhân, đảm bảo đời sống cho người làm công.

4.     Đại bố thí cho nhân dân thay vì cúng kiến, tế đàn [1, tr. 227].

Những lời dạy này của đức Phật, chúng ta không thể tìm thấy trong bất kỳ một hệ thống giáo lý tôn giáo nào khác. Với cương vị là giáo chủ một tôn giáo, một bậc thầy tâm linh của nhân loại mà Ngài lại quan tâm đến đời sống thường nhật của con người như vậy. Những vấn đề xưa nay vẫn thường xem là thế tục, không dính dáng gì đến việc phát triển tâm linh. Đạo Phật không phải vì chú trọng việc phát triển trí tuệ, nâng cao đời sống tâm linh mà xem thường việc cải thiện đời sống kinh tế xã hội. Đời sống vật chất hay tinh thần, Phật giáo cũng đều rất quan tâm vì đời tinh thần và vật chất là hai vấn đề không thể tách rời trong một chính thể con người.

Đối với việc quản lý xã hội, những người điều hành chính quyền như: Vua chúa, Chủ tịch, Thủ tướng, đức Phật dạy 10 điều (Thập vương tử pháp) mà họ cần phải có trong khi lãnh đạo đất nước:

1.     Độ lượng, bố thí, thương người.

2.     Không tham ái, không tham lam tiền của và tài sản.

3.     Không sát hại, không bóc lột, không trộm cắp, không tà dâm, không say sưa.

4.     Hy sinh tất cả cho lợi ích của dân chúng, sẵn sàng từ bỏ mọi tiện nghi cá nhân.

5.     Hiền từ và hoà ái.

6.     Khắc khổ, tiết kiệm trong đời sống.

7.     Không sân hận, không tư thù.

8.     Nhẫn nhục trước mọi khó khăn, trước mọi chỉ trích mà không để mất bình tĩnh.

9.     Không hại người, đề cao hoà bình, ngăn chặn chiến tranh và những bạo động phá hoại sự sống.

10. Không chống lại ý muốn chính đáng của nhân dân [47, tr. 134-135].

Một người lãnh đạo có đầy đủ 10 đức tính trên thì không có một người dân nào phiền hà, thán oán với nhà chức trách cả. Nhà nước có những người lãnh đạo như vậy mới gọi là nhà nước của nhân dân và vì nhân dân phục vụ. Chúng ta có quyền tự hào về dân tộc Việt nam đã từng có những chính quyền như vậy. Đời nhà Lý với chiến công oanh liệt trên sông Bạch Đằng, đánh đuổi giặc Tống và Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước ra đời:

“Nam quốc sơn hà nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư.”

                                                                                          (Lý Thường Kiệt)

Đời nhà Trần, ba lần đánh thắng Nguyên Mông, đội quân hùng mạnh, đã tung hoành ngang dọc trên chiến trường, từ Đông sang Tây mà lại chịu thất bại nhục nhã trên mảnh đất Đại Việt lúc bấy giờ. Và nổi bật nhất là hội nghị Diên Hồng, mục đích để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững biên cương, một nét đặc trưng mà chỉ có ở người dân Việt. Vua, quan và dân chúng cùng hội nghị, cùng quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Có thể nói rằng: Thời đại Lý-Trần là thời đại phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử đất nước phong kiến Đại Việt với những chiến công chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước oanh liệt nhất và có nhiều thành tựu lớn về mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.

Liên quan đến vấn đề độc lập và hưng thịnh của một quốc gia, Trường bộ kinh I, kinh Đại Bát Niết Bàn; kinh Tăng chi, chương 7 pháp đều ghi rằng: Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bạt-kỳ (Vajjì), tại điện thờ Sàrandada. Ngài đã giảng cho những người Licchavì về 7 pháp không làm cho suy giảm:

Này các Licchavì, thế nào là bảy pháp không làm cho suy giảm? Này các Licchavì, khi nào dân Bạt-kỳ thường hay tụ họp, và tụ hợp đông đảo với nhau, thời này các Licchavì, dân Bạt-kỳ sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân Bạt-kỳ tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, này các Licchavì, dân Bạt-kỳ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân chúng Bạt-kỳ không ban hành những luật lệ không được ban hành, không huỷ bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Bạt-kỳ như đã được ban hành thuở xưa, thời này các Licchavì, dân Bạt-kỳ sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân chúng Bạt-kỳ tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cũng dường các bậc trưởng lão Bạt-kỳ và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Bạt-kỳ sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân chúng Bạt-kỳ không bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Bạt-kỳ phải sống với mình, thời này các Licchavì, dân Bạt-kỳ sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân chúng Bạt-kỳ tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Bạt-kỳ ở thành thị và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước đúng với quy pháp, thời này các Licchavì, dân Bạt-kỳ sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. Này các Licchavì, khi nào dân Bạt-kỳ bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại xứ Bạt-kỳ, khi các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc, thời này các Licchavì, dân Bạt-kỳ sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm [5, tr. 297-298].

Khi Đức Thế Tôn trú ở thành Vương Xá (Ràjagaha), trên núi Linh Thứu (Gijjhakùta). Lúc bấy giờ, vua A-xà-thế (Ajàtasattu), muốn chinh phạt dân chúng Bạt-kỳ dù họ có uy quyền, hùng mạnh cỡ nào, vua A-xà-thế cũng quyết định chinh phạt và làm cỏ dân chúng Bạt-kỳ. Vua A-xà-thế sai Bà-la-môn Vassakàra đến vấn an sức khoẻ đức Phật và hỏi ý kiến về việc chinh phạt dân Bạt-kỳ. Đức Phật không trả lời trực tiếp Vassakàra mà Ngài hỏi người thị giả A-nan-da về dân chúng Bạt-kỳ có đầy đủ 7 Pháp bất thối này không. Điều này cho chúng ta thấy rằng: Thứ nhất là dân chúng Bạt-kỳ có đầy đủ những yếu tố trên, nên cuộc sống của người dân rất hoà hợp, rất bình an và rất là hùng cường, thì không lý do nào vua A-xà-thế đi xâm lược một quốc gia như vậy. Thứ hai là đức Phật gián tiếp hỏi người thị giả A-nan-da về 7 Pháp bất thối này là ngầm ý khuyên vua không nên phát động chiến tranh, vì chiến tranh xảy ra sẽ khiến cho cuộc sống của người dân hai nước trở nên lầm than, tang tóc. Thứ ba là Ngài dạy về 7 Pháp bất thối này để làm lớn mạnh, không bị suy giảm của một quốc gia xã hội và đặc biệt hơn nữa là làm lớn mạnh giáo đoàn Tăng sĩ Phật giáo.

Như vậy, đạo Phật không chỉ quan tâm đến đời sống tu tập và tự hoàn thiện cá nhân của mỗi người mà đạo Phật còn rất quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội và thịnh suy của đất nước. Vì đời sống cá nhân hay đời gia đình không thể tách mình ra khỏi đời sống cộng đồng và xã hội một cách hoàn toàn. Nếu quốc gia xã hội được độc lập-tự do và cuộc sống dân chúng được ấm no hạnh phúc thì đời sống cá nhân và đời sống gia đình mới có thể an vui, hạnh phúc. Từ việc ổn định đời sống của dân chúng như: Không bị nghèo đói, hạn chế trộm cắp và chém giết cho đến việc huấn luyện lương tâm của người lãnh đạo đất nước, đều được đức Phật chỉ dạy rất kỹ càng. Phật giáo hoàn toàn không tán đồng với việc phát động chiến tranh, vì chiến tranh là chết chóc và đau thương. Điều này thể hiện ở việc đức Phật đã sử dụng phương tiện thiện xảo, để ngăn chặn cuộc phát động chiến tranh của vua A-xà-thế. Người con Phật có quyền tự hào rằng, Phật giáo chưa hề tiếp tay hoặc gây ra một cuộc chiến tranh nào, vì sự truyền đạo và cũng không hề làm đổ một giọt máu của dân chúng khi Phật giáo truyền vào bất kỳ một quốc gia nào. Sự kiện này, chúng ta không thể tìm thấy ở bất kỳ một tôn giáo lớn nào trên thế giới. Giáo sư Bapat phát biểu: “Chưa có một trang sử nào của Phật giáo bị xoá nhạt bởi ảnh sáng của ngọn lửa tôn giáo hay bị bôi đen bởi làn khói dị giáo hay các nơi thị tứ vô tín ngưỡng nóng bỏng, hay bị nhuộm đỏ với máu của các nạn nhân vô tội vì hận thù tôn giáo. Phật giáo chỉ dùng một thanh gươm, đó là gươm Trí Tuệ, và chỉ thừa nhận một kẻ thù, đó là Vô Minh. Đó là chứng tích của lịch sử không thể chối cãi được” [26, tr. 101].

Âm lịch

Ảnh đẹp