Đời sống Phật tử tại gia trong kinh Trường Bộ


Luận văn tốt nghiệp của Đại Đức Thích Lệ Liên
02/12/2010 19:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 10187
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1.1. Định nghĩa về gia đình

Các nhà hoạt động xã hội đưa ra rất nhiều định nghĩa khác nhau về gia đình. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ nêu lên một vài định nghĩa có thể chấp nhận được để nghiên cứu vấn đề. Theo Từ điển tiếng Việt phổ thông của Viện ngôn ngữ định nghĩa như sau: “Gia đình là tập hợp người cùng sống chung thành một đơn vị rất nhỏ trong xã hội, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ, con cái” [14, tr.339].  Định nghĩa này chưa phản ánh hết ý nghĩa của một gia đình và nó cũng chưa nói lên sự giúp đỡ lẫn nhau, mà tinh thần giúp đỡ là tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu trong gia đình.

          Định nghĩa của hai nhà xã hội học E. Bơcgex và H. Lốccơ: “Gia đình là một nhóm người liên kết với nhau bởi những mối liên hệ hôn nhân, máu mủ hay nhận con nuôi, tạo thành một hệ riêng biệt, tác động qua lại và giao tiếp với nhau qua vai trò xã hội của từng người, là chồng, là vợ, là mẹ, là con trai, con gái, anh chị em, tạo thành một nền văn hoá chung” [33, tr.  91]. Một số nhà xã hội học khác lại định nghĩa gia đình như là một thể chế hoặc một nhóm tâm lý xã hội nhỏ. Nhà xã hội học G. Murdock định nghĩa: “Gia đình là một nhóm xã hội có đặc trưng là cùng cư trú, cùng hợp tác và tái sản xuất về mặt kinh tế. Nó gồm người lớn của hai giới và ít nhất hai người trong số đó có quan hệ tình dục với nhau mà được pháp luật tán thành và có một hoặc nhiều con cái, hoặc do họ đẻ ra hoặc là con nuôi” [33, tr. 92].

          Đó là những quan điểm chung của các nhà hoạt động xã hội thực tiễn. Còn quan niệm về gia đình thì mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá của từng quốc gia có khác nhau. Quan niệm về gia đình Việt Nam thì được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Về nghĩa rộng, gia đình liên quan đến cả gia tộc, đến những người thân cùng huyết thống (và có khi không cùng huyết thống vẫn được gọi gia đình như cả dân tộc Việt Nam là đại gia đình). Nhưng ở phương diện này, chúng ta chỉ tìm hiểu gia đình theo nghĩa hẹp, tức là xét đến vấn đề gia đình hạt nhân của xã hội. Ngoài những nhu cầu như quan hệ hôn nhân, sinh sản và các chuẩn mực đạo đức, pháp luật, tôn giáo thì gia đình truyền thống Việt Nam rất chú trọng đến vấn đề tình yêu và trách nhiệm trong gia đình. Có thể nói rằng gia đình hạt nhân theo truyền thống Việt Nam là sự yêu thương, giúp đỡ của ông bà, cha mẹ, con cái với nhau. Gia đình người Việt Nam là một tổ chức cơ sở gồm những người liên kết với nhau bằng huyết thống, bằng tình nghĩa trong sự kính trọng và thương yêu. Không những như vậy mà nó còn có chức năng thiêng liêng nhất là giáo dục đạo đức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình là nơi sản sinh và giữ gìn giá trị truyền thống văn hoá dân tộc của người Việt Nam. Điều này thể hiện sự khác biệt ít nhiều giữa gia đình Việt Nam và gia đình các nước. Rất nhiều gia đình Việt Nam gắn liền với văn hoá dân tộc, với vận mệnh của quê hương đất nước. Nếu người nào sống ích kỷ, chỉ biết gia đình mình mà không quan tâm đến vận mệnh của đất nước, làm hại dân tộc thì không được xem là gia đình gương mẫu, có truyền thống dân tộc. Theo Vũ Ngọc Khánh định nghĩa khá chính xác về gia đình Việt Nam: “Gia đình Việt Nam là một tổ chức cơ sở gắn bó với nhau bằng huyết thống, nghĩa tình, xây dựng thành một tổ ấm tinh thần và vật chất để giáo dục con cái, đóng góp và giữ gìn văn hoá dân tộc. Các gia đình gương mẫu trước đây đã làm như thế, và mãi mãi về sau cũng phải như thế” [36, tr. 15].

1.2. Những vấn đề  trong gia đình hiện nay

1.2.1. Thực trạng

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, đã kéo theo hàng loạt sự thay đổi. Những sự thay đổi như kinh tế, văn hoá, giáo dục, tôn giáo… là điều tất yếu của cuộc sống. Nhưng có những sự thay đổi đem lại lợi ích, hạnh phúc cho con người và cũng có những sự thay đổi mang lại khổ đau cho con người. Trong đó, nét nổi bật nhất là sự thay đổi về đời sống gia đình. Ngày nay, đời sống gia đình ngày càng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Vậy, thực trạng của sự thay đổi đó hiện nay như thế nào?

Hôn nhân là kết quả của một tình yêu bởi hai người khác phái thương yêu và cam kết với nhau sống trọn đời, được pháp luật bảo hộ. Hai người trải qua quá trình tìm hiểu, yêu thương rồi dẫn đến hôn nhân. Đó chỉ là một đỉnh điểm của tình yêu, nhưng đối với một tình yêu chân thành thì hôn nhân chỉ là điểm khởi đầu của tình yêu mà thôi. Vì tình yêu đúng nghĩa là sự hy sinh, hiểu biết và nhẫn nhịn lẫn nhau. “Tình yêu không phải là đam mê, tình yêu không phải là xúc động. Tình yêu là sự hiểu biết rất sâu sắc rằng ai đó, bằng cách nào đó làm hoàn chỉnh bạn” [38, tr. 93]. Điều đó hiện nay không được nhiều người quan tâm. Nhiều người ngộ nhận tình yêu là những cảm xúc nhất thời hay thoả mãn những đam mê dục vọng ích kỷ của mình, đến khi sống chung cả hai người đều không chấp nhận những khuyết điểm của nhau, dẫn đến ẩu đả, đánh đập nhau. Người chồng thì tỏ ra cộc cằn, lỗ mãng, vũ phu đối với vợ con; người vợ thì hỗn láo, không biết cách cư xử hợp lý với chồng con và những người liên hệ trong gia đình.

Thời đại gọi là văn minh, bình đẳng nhất của lịch sử nhân loại mà vấn đề hành hạ người phụ nữ một cách tàn bạo trong gia đình vẫn còn tồn tại. Người chồng đánh đập vợ bất kể lúc nào, bất kỳ một vật gì; bạo hành cả phương diện thân xác lẫn tinh thần. Trong những lần bạo hành gia đình, người vợ thường là nạn nhân vỡ đầu, gãy tay, thậm chí bị trói và làm nhục. Người vợ bị đối xử như là thú vật thì thử hỏi đây có phải là kết quả của một tình yêu chân thật không? Điều này đúng với lời nhận định của Sri. Dhammananda: “Đôi khi, dính líu với những người ta yêu còn là nguyên nhân của bao khổ đau não nề. Một số người hoàn toàn không ngó ngàng gì đến những người trong gia đình của họ sau khi lấy vợ hoặc chồng. Đó không phải là cách mà con người nên cư xử. Nói khác hơn đó là sự biểu hiện của một bản chất thú vật” [25, tr. 152].

 Vấn đề ly hôn và bạo lực gia đình hiện nay lên đến mức báo động. Các trường hợp ly hôn do bạo lực gia đình đang gia tăng. Và, nhiều trẻ em là nạn nhân đang hứng chịu khổ đau, sợ hãi vì chứng kiến cảnh bạo lực của bố mẹ. Cuộc họp của báo Lao Động về chiến dịch truyền thông phòng chống bạo lực gia đình tổ chức ngày 25 tháng 11 năm 2008. Theo điều tra quốc gia về gia đình mới đây cho biết các trường hợp ly hôn do bạo lực gia đình chiếm tỷ lệ cao: 32% ở Hà Nội, 31% ở Hải Phòng và 10% tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Trẻ em hứng chịu nỗi sợ hãi và khổ đau khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình 85,4%. Và, thậm chí 5,5% trẻ em ước muốn bỏ nhà ra đi để thoát khỏi cảnh chứng kiến bạo lực của cha mẹ [58].

Sự thay đổi một cách khó hiểu ngày nay nữa là chính những bậc cha mẹ ngược đãi con cái ruột thịt hoặc con nuôi của mình. “Loài vật không giúp đỡ lẫn nhau theo cách mà con người được trông đợi phải làm trong gia đình và xã hội, song chúng rất thường chung sống với nhau. Đôi khi chúng biết hy sinh để bảo vệ bầy đàn của chúng hay bảo vệ những đứa con của chúng tránh khỏi kẻ thù. Chúng không bao giờ tiêu diệt đồng loại của chúng, điều mà con người dám làm!” [25, tr. 152]. Điều mà những bậc cha mẹ dám làm trong thời đại ngày nay, cha mẹ lợi dụng sức lao động của con cái, buộc con em đi ăn xin, bán vé số khi tuổi các em còn rất nhỏ. Nếu những em không vâng lời thì sẽ bị đánh đập một cách dã man dẫn đến tàn tật. Những trẻ em đầu đường xó chợ thường thuộc về những gia đình nghèo khổ và gia đình có bạo hành. Nghèo khổ và bạo hành gia đình chính là nguyên nhân đẩy trẻ em vào con đường tội lỗi và bị lợi dụng sức lao động trong xã hội hiện nay. Theo Bà Pratima Kale Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNICEP phát biểu trong buổi khai mạc Hội nghị cấp cao Á châu về quyền trẻ em: “Tình trạng bất bình đẳng có thể và thường dẫn đến giận dữ, vỡ mộng và bạo động nếu những nhu cầu căn bản không được đáp ứng; nếu quyền căn bản không được thi hành; và nếu trẻ không thấy một hy vọng gì về tương lai” [24, tr. 113].

Những tệ nạn xã hội khác cũng đang làm cho nhân loại phải nhìn lại vấn đề xuống cấp đạo đức con người hiện nay. Mại dâm, bệnh AIDS, ma tuý, tự tử… xảy ra khắp nơi. Gia đình, nhà trường và các nhà hoạt động xã hội làm gì trước những vấn đề này? Vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em ngày càng gia tăng. Bà Aron Sachs, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu thế giới tại Hoa Kỳ lên tiếng về vấn đề này: “Mới có 10 tuổi đã thành một thiếu phụ rồi. Mới 20 tuổi đã là một bà già rồi. Và đến 30 tuổi là chết. Nó trở thành câu nói phổ biến tại một số quốc gia” [24, tr. 103]. Quỹ cứu trợ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEP) liệt kê những quốc gia có tỉ lệ trẻ em bị lợi dụng tình dục hàng đầu thế giới là Ấn Độ: 400.000 đến 500.000 trẻ; Hoa Kỳ: 300.000 và Thái Lan 100.000 trẻ em. Trong đó, người ta ước tính 1 triệu trẻ em tại châu Á bị lợi dụng tình dục [24, tr.105]. Kèm theo vấn đề này là căn bệnh AIDS, tại “Diễn đàn phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con”, theo báo Hà Nội điện tử đã nêu lên rằng: Đại dịch HIV/AIDS đang diễn biến phức tạp và phát triển với tốc độ nhanh chóng ở nước ta. Tổng số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện ở Việt Nam, thanh thiếu niên từ 20-29 tuổi chiếm tới 62% [54]. Và, thống kê của Thông tấn xã Việt Nam, tính đến tháng 09 năm 2008 Việt Nam đã có 129.715 người nhiễm HIV, 26.840 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 39.664 người đã tử vong và tính đến 2010 số người nhiễm HIV sẽ là 420.000 người [55]. Một vấn đề xót xa trong xã hội hiện nay nữa là con người tự kết liễu đời mình bằng nhiều phương tiện khác nhau, do vì không chịu nổi áp lực của cuộc sống. Trong vòng một năm, từ tháng 5 năm 2007 đến tháng 5 năm 2008, có 310 người tự tử được đưa vào bệnh viện Trưng Vương Thành Phố Hồ Chí Minh. Trung bình 28 tiếng đồng hồ thì có một người tự tử được đưa trực tiếp hoặc sơ cứu tại bệnh viện địa phương rồi chuyển đến bệnh viện Trưng Vương. Thống kê giới tự tử nhiều nhất là công nhân (19%), sinh viên, học sinh (16%), nông dân (4,2%); người tự tử độ tuổi 35 trở xuống và có tới 50% người tự tử dưới 25 tuổi. Nguyên nhân tình cảm gây ra tự tử là 62%, tiền bạc 15%. Theo thống kê thì 72% người tự tử là phụ nữ và có 53% vụ tự tử do những người độc thân thực hiện [56].

1.2.2. Nguyên nhân và hậu quả

          - Nguyên nhân gồm có chủ quan và khách quan:

Về phương diện chủ quan, nguyên nhân của bao phiền não, khổ đau, sanh tử luân hồi dù là trong gia đình hay ngoài xã hội theo Phật giáo cũng không ngoài thân-miệng-ý của con người. Ngược lại, gia đình an vui hạnh phúc, xã hội ổn định thì cũng từ thân-miệng-ý mà được. Cái cốt yếu của vấn đề là thiện hay ác. Thiện thì dẫn đến an vui hạnh phúc; ác thì dẫn đến hậu quả bất hạnh khổ đau.

 Thân có ba thứ: (1) Không tôn trọng mạng sống, cậy thế ỷ quyền lấn át những người thân trong gia đình. (2) Lấy tài sản chung của gia đình mà không có sự đồng ý của vợ hoặc chồng; con cái lấy tiền cha mẹ mà không được sự cho phép. (3) Người đã có vợ hoặc chồng rồi mà còn lén lút quan hệ về mặt xác thịt cũng như tình cảm với người khác; con cái quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Miệng có bốn thứ: (1) Lời nói không thành thật với mọi người cũng như những người trong gia đình. (2) Lời nói thêu dệt, trau chuốt làm người khác mê muội, vì mục đích không trong sáng; cũng có khi lời nói châm chích khiến những người thân trong gia đình sân hận, phiền não khổ đau. (3) Nói lưỡi hai chiều nghĩa là ở với người này nói xấu người kia, ở người kia nói xấu người này… “đòn xóc nhọn hai đầu”, làm cho những người thân hiểu lầm rồi chống đối, hận thù nhau. (4) Lời nói hung ác là lời nói thô tục, cộc cằn, chửi rủa… khiến những người thân trong gia đình phải buồn rầu và sợ hãi.

 Ý có ba thứ: (1) Tham dục là ưa muốn, ham mê, đắm say, thích thú, keo kiết, ưng được làm thoả mãn, mong được khoái lạc, được danh vọng. (2) Sân hận là chán ghét, giận dữ, thù hận, nóng nảy…. (3) Si mê là ngu dốt, đần độn, lầm lạc, thành kiến, giáo điều, cuồng tín, mê tín… Những ý nghiệp bất thiện này chính là nguyên nhân gây ra bất hạnh, phiền não và ưu tư cho bản thân cũng như những người thân trong gia đình.

Câu hỏi được đặt ra: Tại sao có sự hiện hữu tánh bất thiện như tham dục, sân hận và si mê? Theo Phật giáo, “Khi nào vô minh dẫn đầu, này các Tỳ-kheo, đưa đến sự thành tựu các pháp bất thiện, thì vô tàm, vô quý nối tiếp theo. Với kẻ bị vô minh chi phối, này các Tỳ-kheo, tà kiến sanh. Đối với kẻ tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định sanh” [11, tr. 9-10]. Tâm tánh con người đang bị vô minh che mờ, không thấu hiểu về bản thân mình cũng như vạn vật đang tồn tại như thế nào nên chấp thủ, tham ái vào cái “Tôi”“cái của Tôi”. Con người ảo tưởng về cái “Tôi” một cách thái quá nên sản sinh ra tâm lý bảo vệ và thoả mãn dục vọng cái “Tôi” này. Khi con người không có khả năng bảo vệ hay làm thoả mãn dục vọng cái “Tôi”  thì sân hận phát sinh, mà con người có sân hận thì tâm cố chấp, kiêu mạn, hẹp hòi, ganh tỵ phát sinh. Kết quả tất nhiên là bản thân người đó cũng như những người thân trong gia đình không bao giờ có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Trong ba nghiệp, ý là nguồn cội của mọi vấn đề khổ đau hay hạnh phúc. Thứ nhất: Ý là động cơ của lời nói và hành động hay còn gọi là nghiệp (Nghiệp là hành động có tác ý). Những hành động con người thực hiện sẽ tạo ra dấu ấn trong dòng tâm thức. Khi dấu ấn trong tâm thức chín muồi thì nó sẽ tác động lại hoàn cảnh sống của người ấy. Thứ hai: Ý là chủ nhân của mọi sự lý giải và phân tích vấn đề mà con người đang đối diện. Như vậy, cái ý điều tiết nhận thức của con người theo hướng tích cực hay tiêu cực, rồi cuối cùng nó tiếp nhận kết quả hạnh phúc hay khổ đau của chính nó gây ra. Pháp cú 1&2, đức Phật dạy:

“Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ tạo tác;

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau,

Như xe, chân vật kéo.”

“Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ tạo tác;

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động,

An lạc bước theo sau,

Như bóng không rời hình.”

          Về phương diện khách quan: Gia đình, nhà trường và xã hội

          Vấn đề gia đình có rất nhiều khía cạnh phức tạp trong cuộc sống. Một gia đình hạnh phúc cần rất nhiều yếu tố tích cực về mặt vật chất cũng như tâm tư tình cảm của mỗi con người. Ngược lại, sự đổ vỡ trong cuộc sống gia đình cũng do rất nhiều yếu tố khác nhau. Vợ chồng không chung thuỷ, con cái sa vào tệ nạn xã hội do không được giáo dục đàng hoàng. Đó là hai yếu tố đặc trưng nhất của nhiều gia đình đổ vỡ. Vợ hoặc chồng không hiểu và thông cảm nhau trong cuộc sống, không chung thuỷ với nhau và có quan hệ bất chánh với người khác là nguyên nhân dẫn đến ly hôn cao nhất trong mọi trường hợp. Từ đó, bạo lực gia đình phát sanh và cũng là nguyên nhân điển hình cho những cặp vợ chồng ly hôn. Theo số liệu được nêu ở trên, bạo lực gia đình dẫn đến ly hôn chiếm tỷ lệ rất cao (32% ở Hà Nội, 31% ở Hải Phòng và 10 % tại Thành Phố Hồ Chí Minh) [58]. Vấn đề cha mẹ bỏ quên con cái là một hiện thực trong cuộc sống hiện nay, cha mẹ khoán trắng con cái của mình cho nhà trường, cho thầy cô để dành thời gian cho cuộc sống, cho cơm áo gạo tiền, cho chức quyền. Trong khi đó, cấu trúc gia đình là nơi chứa đựng và nuôi dưỡng tình yêu thương, là điểm tựa cho nhân cách đạo đức và tài năng của một con người. Nếu như cha mẹ cứ vì đồng tiền, vì danh lợi mà bỏ quên con cái, cứ nghĩ có tiền là có tất cả thì con cái của họ sẽ bị sa đoạ vào tệ nạn xã hội hoặc sẽ bệnh tật về mặt tinh thần. Vậy, cha mẹ không muốn bỏ quên con cái của mình thì có những cách quan tâm như: Con cái sống như thế nào khi không có mình bên cạnh; thường xuyên ngồi tâm sự và trao đổi một cách bình đẳng với con cái về một vấn đề gì đó trong cuộc sống; tìm hiểu lý do tại sao con cái bỏ học, tại sao con cái thường xuyên uống rượu; cha mẹ chịu lắng nghe những gì con cái giải thích về hành động của chúng và đưa ra những ý tưởng tốt đẹp cho chúng; cha mẹ cũng nên tặng sách, hoa hay một kỷ vật mang ý nghĩa kỷ niệm cho con cái… Những điều này tạo cho cha mẹ và con cái gần gũi, dễ trao đổi những gút mắt trong cuộc sống và làm tăng thêm tình thương yêu của các thành viên trong gia đình.   

          Nhà trường là môi trường giáo dục quan trọng nhất về mặt truyền thừa kiến thức cũng như giá trị đạo đức xã hội. Nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein phát biểu rằng: “Nhà trường luôn luôn là phương tiện quan trọng nhất truyền thừa sản nghiệp truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác…”; hoặc “Đôi khi chúng ta đơn giản xem nhà trường là công cụ truyền đạt một kiến thức tối đa nào đó cho thế hệ đang lên. Điều đó là sai lầm. Kiến thức là chết chóc; nhà trường thì phục vụ sự sống. Nhà trường cần phát triển ở các người trẻ tuổi những phẩm chất và khả năng nào có giá trị cho sự an lạc của cộng đồng. Nhưng điều đó không có nghĩa là cá tính bị loại bỏ và các cá nhân trở thành công cụ cho cộng đồng, như con ong hay con kiến…” [49, tr. 191]. Lời nhận định này của nhà khoa học Albert Einstein đã cho thấy tầm quan trọng của nhà trường trong việc cung cấp kiến thức (Trí dục) và những giá trị đạo đức xã hội (Đức dục) cho thế hệ tương lai. Kiến thức mà không được định hướng bởi luân lý đạo đức, những giá trị phục vụ cho hạnh phúc của con người thì kiến thức ấy chỉ mang mầm hoạ cho nhân loại. Ngược lại, những luân lý đạo đức mà không được soi sáng bởi kiến thức thì luân lý có khi trở thành những tập tục lạc hậu, gây khổ đau cho con người và làm chậm sự tiến bộ của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng phát biểu rằng: “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, người có tài mà không có đức thì đồ vô dụng”.  Một thực tế hiện nay, môi trường giáo dục vẫn đang bị khập khiễng, chênh lệch về hai mặt này. Những câu chuyện đạo đức, những tấm gương sáng của cha ông không còn được quan tâm trong ngành giáo dục; tất cả sự quan tâm, đầu tư hiện nay là nhồi nhét kiến thức và học sinh trở thành con nợ của các thầy cô về bài vở, về thi cử. Môi trường giáo dục vô tình trở thành một gánh nặng cho con em chúng ta. Chính vì vậy, con em chúng ta tự tìm đến những môi trường mà chúng cho là yên ổn, thoả mái để giải quyết những bế tắc, khó khăn trong cuộc sống. Và không ít con em chúng ta đã đi lạc đường.

          Chúng ta có thể khẳng định rằng: Xã hội hiện nay đang trên đà phát triển theo xu hướng thoả mãn dục tính cá nhân. Những nơi ăn chơi giải trí còn nhiều hơn học đường. Quán café, quán bar, Internet mọc lên khắp nơi. Ai dám đảm bảo sự sinh hoạt của những nơi này đúng với ý nghĩa của nó. Tất cả những thị hiếu, ham muốn của con người đều được phục vụ nhiệt tình. Ma tuý, mại dâm là điển hình nhất. Không những người lớn mà thanh thiếu niên cũng có thể tham gia vào những hoạt động không lành mạnh ở những nơi này. Những hình ảnh gương mẫu, đạo đức thật hiếm hoi nhưng những cảnh tượng hành hung, dối trá, tham nhũng, hối lộ lại hiện hành khắp nơi; những hình ảnh tiêm chích xì ke ma tuý, hoạt động mại dâm xảy ra hằng ngày trong phố phường. Như vậy, người lớn có thoát khỏi những cảm giác đầy cám dỗ này không? Thanh thiếu niên có được môi trường tốt để học tập và vui chơi giải trí như ý muốn không? Các nhà lãnh đạo, các nhà hoạt động xã hội cũng như các đoàn thể tôn giáo phải thực thi trách nhiệm của mình trong vấn đề này.

          - Hậu quả: 

          Tệ nạn xã hội là căn bệnh rất khó cứu chữa của nhân loại, nó kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, không bao giờ chấm dứt. Các tổ chức chính phủ, phi chính phủ luôn kêu gọi các cấp lãnh đạo chính quyền, các nhà hoạt động xã hội, các chức sắc tôn giáo đưa ra biện pháp làm thuyên giảm các tệ nạn đang lan truyền rất nhanh trên thế giới. Nhưng nếu những người có trách nhiệm này không làm tròn bổn phận của mình thì hậu quả của nó chúng ta không thể lường được. Không những thế hệ của chúng ta sống trong bệnh hoạn, lo âu mà thế hệ con cháu của chúng ta là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Tất cả những thực trạng được đề cập ở trên là hậu quả hiện tiền do chúng ta không có đời sống lành mạnh, trong sáng. Những thực trạng đó ngày càng phát triển và di truyền cho con cháu của chúng ta. Theo chính sách một gia đình chỉ có hai con thì vấn đề bệnh hoạn, sợ hãi sẽ phát triển theo cấp số nhân trong xã hội. Như vậy, xã hội loài người sẽ như thế nào khi trải qua vài thế hệ.

1.2.3 Phương pháp giải quyết vấn đề trong xã hội hiện nay

          Từ phương diện xã hội, rất nhiều người đang sống trong lo âu sợ hãi vì bệnh tật, thất học, chiến tranh, đói kém và vô số thứ vì khác nữa nhưng để tìm ra một phương pháp giải quyết vấn đề tận gốc rễ thì loài người vẫn trong tình huống lẩn quẩn, chưa tìm ra phương pháp giải quyết. Những phương pháp được đưa ra khi sự việc đã xảy ra rồi, “mất bò rồi mới lo làm chuồng”. Những cuộc chiến tranh tàn khốc đã xảy ra, bệnh tật, thất học, đói kém đã lan tràn, con người mới đề ra phương án này, phương án kia để giải quyết. Còn phương diện gia đình thì vợ chồng không hoà thuận, không thương yêu; con cái không được giáo dục tốt dẫn đến vợ chồng ly hôn, con cái lâm vào các tệ nạn: Giết người, trộm cướp, cờ bạc, rượu chè… Lúc này, người ta mới chú ý, quan tâm đến đời sống gia đình. Nhưng những cách thức giải quyết tạm thời này cũng không chắc gì được thực thi một cách đầy đủ và đúng đắn. 

Theo tinh thần đạo Phật, chúng ta muốn giải quyết một vấn đề gì thì hãy giải quyết tận gốc rễ của chúng. Trong đời sống gia đình, Phật dạy mỗi cá nhân phải tự tu sửa lấy mình, giữ gìn những nguyên tắc đạo đức căn bản: Không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đối với những người lãnh đạo, Phật dạy: Không tham lam tiền của nhân dân, không hiếp đáp người dân mà phải cung cấp và giúp đỡ những phương tiện cho nhân dân phát triển kinh tế; luôn luôn hiền từ, hoà ái với nhân dân mà còn giúp đỡ nhân dân khi gặp khó khăn, đói rét… Tất cả những lời Phật dạy này, kinh Trường bộ đề cập rất rõ ràng, rất thực tế và đầy tính khả thi cho xã hội hiện nay.

 

Âm lịch

Ảnh đẹp