Đời sống Phật tử tại gia trong kinh Trường Bộ


Luận văn tốt nghiệp của Đại Đức Thích Lệ Liên
02/12/2010 19:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 10189
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

2.1 Giới thiệu sơ lược về kinh Trường bộ

          Trong suốt 45 năm hoằng pháp độ sanh, đức Phật đã du hành khắp miền Bắc Ấn để giảng dạy con đường giải thoát mà Ngài đã khám phá và chứng ngộ. Những lời dạy của Ngài được kiết tập lại thành tạng kinh Nikàya và được xem là bộ kinh căn bản và truyền thống nhất của Phật giáo. Giáo lý mang tính nhất quán, xuyên suốt là Tứ diệu đế, Duyên khởi, Vô ngã… “Này chư Tỳ kheo, bây giờ cũng như trước đây, Như Lai chỉ dạy về Khổ và con đường Diệt khổ”.

          Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn 3 tháng, một đại hội kiết tập kinh điển lần đầu tiên được triệu tập tại thành Ràjagaha. Trong đại hội này, ngài Ma-ha-ca-diếp (Mahàkassapa) được suy tôn chủ trì hội nghị. Ngài Ưu-ba-li (Upàli) lãnh trách nhiệm trùng tuyên Luật tạng. Ngài A-nan-da (Ànanda) thị giả của đức Thế Tôn được giao nhiệm vụ trùng tuyên lại Kinh tạng.

          100 năm sau đức Phật nhập diệt, đại hội lần thứ hai được triệu tập tại Vesali, do ngài Ravata chủ trì. Mục đích để minh định lại những gì đúng với lời Phật dạy và những gì không đúng lời Phật. Nguyên nhân chủ yếu là một vài vấn đề tranh cãi về giới luật. Và từ đó, giáo đoàn Phật giáo tách riêng thành hai: Thượng toạ bộ, những vị giữ gìn và hết mực trung thành theo tinh thần lời Phật dạy. Đại chúng bộ thì chấp nhận những điều mới phát sinh (Thuyết thập phi pháp sự). Đó là sự phân chia giáo đoàn lần đầu tiên. Kinh điển Nìkaya vẫn được hai bộ phái duy trì và thực hành bằng phương thức đọc tụng thuộc lòng chứ chưa hình thành văn bản.

          Lần kiết tập kinh điển thứ ba, vào khoảng năm 200 đến 234 năm sau đức Phật nhập Niết-bàn, tại Patiliputta hay còn gọi là Kusumapura, dưới sự bảo trợ của vua Asoka, do ngài Moggaliputta Tissa chủ trì. Lần kiết tập này, hai bộ phái chính sản sinh ra nhiều bộ phái khác, gồm khoảng 20 bộ phái. Giáo lý được giải thích tuỳ theo khuynh hướng của mỗi bộ phái. Trong đó, điểm nổi bật nhất là thuyết Ngũ sự của Mahadeva. Từ việc ảnh hưởng của thuyết này cũng như ảnh hưởng của giáo nghĩa Bà-la-môn lẫn lộn vào giáo lý Phật giáo, vua Asoka quyết định triệu tập và ủng hộ đại hội này, mục đích chỉ ra tất cả quan điểm sai lầm của ngoại đạo và loại bỏ chúng ra khỏi hệ thống giáo lý Phật giáo. Sau khi hội nghị kết thúc, vua Asoka đồng ý cho con Ngài là Thái tử Mahinda sang hoằng pháp ở SriLanka. Và, đất nước này xem những lời dạy của đức Phật như là bảo vật của quốc gia cho tới ngày nay. Hệ phái Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada), xuất phát từ Thượng toạ bộ không được vua Asoka ủng hộ vì họ chủ trương luận lý hơn là Kinh, Luật. Họ di chuyển dần lên Đông Bắc Ấn, đặt cứ địa tại Kasmira, dần dần họ truyền bá Chánh pháp khắp phương Bắc và sang những nước lân cận. Theo Phật giáo phương Bắc thì lần kiết tập kinh điển thứ tư dưới sự ủng hộ của vua Kaniska và truyền thống Phật giáo phương Bắc được truyền bá dựa trên nền tảng của  4 bộ A-hàm, Luật tạng và một số luận thư. Kỳ kiết tập này được chép thành văn bản bằng chữ Sanskrit. 4 Bộ A-hàm gồm:

1.     Trường A-hàm (Dirgh Àgama), với 22 phần gồm 30 kinh.

2.     Trung A-hàm (Madhyama Àgama), với 60 phần gồm 222 kinh.

3.     Tạp A-hàm (Samyukta-Àgama), được chia thành 50 chương.

4.     Tăng Nhất A-hàm (Ekottara-Àgama) gồm 51 phần.

          Ngài Mahinda sang hoằng pháp tại Srilanka vẫn giữ phong cách truyền khẩu, mãi cho đến khi một đại hội được kiết tập được tổ chức trên đất nước này ở làng Aluvihata. Tam tạng Pàli mới được chép bằng chữ trên lá Buông vào năm 83 trước Tây lịch. Lần này được xem là lần kiết tập thứ tư của Kinh tạng Nikàya. 5 Bộ Nikàya gồm:

1.     Trường bộ kinh (Dìgha-Nikàya), với 34 kinh.

2.     Trung bộ kinh (Majjhima Nikàya), với 152 kinh.

3.     Tương ưng bộ kinh (Samyutta Nikàya), với 56 chương.

4.     Tăng chi bộ kinh (Anguttara Nikàya), được chia thành 11 nhóm, gồm 169 chương.

5.     Tiểu bộ kinh (Khuddaka Nikàya) là bộ kinh chứa đựng số lượng kinh lớn nhất trong năm bộ Nikàya gồm 15 tập.

Trường bộ kinh tương đương với Trường Ahàm gồm những bài kinh dài. Nội dung của kinh gồm những bài kinh quan trong như: Kinh Phạm Võng (Brahmajàla sutta), kinh Sa Môn Quả (Sàmanna Phala sutta), kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahà parinibhàna sutta), kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda sutta)…. Kinh Trường bộ, phần lớn là đức Phật nói về những tà kiến hay những học thuyết sai lầm của ngoại đạo và Ngài đã giới thiệu lập trường về thế giới quan cũng như nhân sinh quan của Ngài. Trong đó, Ngài dạy rất rõ về đời sống như thế nào là xứng đáng của một người Phật tử tại gia trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt.

2.2. Thiết lập các mối quan hệ trong gia đình và xã hội

2.2.1. Các mối quan hệ trong gia đình

2.2.1.1. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái

          - Trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển thành một mạng lưới và các nhân tố trong xã hội không thể tách rời nhau được. Trên phương diện hẹp thì các cá nhân, các gia đình quan hệ với nhau; phương diện rộng thì xã hội quan hệ với xã hội, một quốc gia quan hệ, hợp tác với nhiều quốc gia khác. Các mối quan hệ là những lời cam kết nhiệt thành, mục đích để yểm trợ và bảo vệ chính mình và những người xung quanh. Và, trên tất cả các mối quan hệ là quan hệ giữa cha mẹ và con cái; cha mẹ và con cái là mối quan hệ mật thiết, thiêng liêng và quý giá nhất. Cha mẹ không những nuôi dưỡng và bảo vệ con cái mà còn là nơi truyền thông những giá trị tốt đẹp nhất của tổ tiên để lại cho thế hệ con cháu của họ. Có thể nói rằng, mối quan hệ này là lâu dài và bền bỉ nhất trong tất cả các mối quan hệ. Chính vì sự yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ lâu dài của cha mẹ mà con cái ngày một khôn lớn. Như vậy, trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái về những giá trị đạo đức truyền thống là nền tảng ban đầu, là cơ sở vững chắc để con cái phát sanh các mối quan hệ khác trong xã hội. Kinh Trường bộ, đức Phật dạy trong kinh Thi Ca La Việt (Singàlaka), có năm điều mà cha mẹ nên thực hiện đối với con cái:

1.     Can ngăn con cái không cho làm những việc quấy ác.

2.     Khuyên dạy con cái làm những việc thiện lành.

3.     Trang bị cho con cái nghề nghiệp và học thức.

4.     Dựng vợ, gả chồng cho con cái một cách đàng hoàng.

5.     Truyền trao gia sản thừa tự cho con cái đúng thời [2, tr. 542].

Cha mẹ phải can ngăn con cái làm việc bất thiện, những việc có hại cho chính nó hay cho những người xung quanh. Cha mẹ nên giải thích một cách rõ ràng và thích đáng những việc làm của con cái mà được cho là điều bất thiện, là điều ác. Khái niệm “điều ác” này là chỉ chung cho các hành vi, lời nói và ý nghĩ có hại cho chính bản thân, cho gia đình và xã hội. Bởi lẽ, một người dù giàu sang, khoẻ mạnh nhưng có những hành vi, ý nghĩ mang lại khổ đau cho mình, cho gia đình và xã hội thì chắc chắn người ấy không sớm thì muộn cũng sa vào con đường tội lỗi. Ví dụ: Hại người, trộm cắp, tà hạnh, nói dối và uống rượu; ý nghĩ thì tham lam, sân hận và ngu si. Như vậy, cha mẹ hãy giải thích tại sao việc làm này là bất thiện, đáng chê trách; ngược lại là thiện, đáng được khen ngợi. Cha mẹ hãy giải thích cho con cái biết từ những hành vi không tốt này sẽ dẫn đến những hậu quả như thế nào. Nếu con cái có lỡ phạm lỗi lầm nhỏ thì cha mẹ cũng nên cảm thông, thương yêu và tha thứ việc làm đó của chúng. Điều quan trọng là cha mẹ cố gắng giải thích cho con cái nhận ra việc làm sai trái đó và cho chúng biết hành động như vậy là có hại. Đồng thời, con cái cũng tự nhận biết rằng chúng đã phạm sai lầm, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng trở thành một con người xấu. Kinh Thuỷ Sám có nói: “Ở đời có hai hạng người anh dũng nhất. Một là người suốt đời không mắc sai lầm. Hai là người phạm sai lầm mà biết ăn năn sám hối” hay “Này các Tỳ-kheo, có hai loại người trí. Thế nào là hai? Người có phạm tội là thấy có phạm tội, và người chấp nhận người khác như pháp phát lộ tội của mình. Này các Tỳ-kheo, có hai loại người trí này” [3, tr. 114].  Người xấu là người đã phạm sai lầm nhưng không nhận ra sai lầm ấy và cũng không chịu sửa đổi. “Này các Tỳ-kheo, có hai loại người ngu này. Thế nào là hai? Người có phạm tội nhưng không thấy có phạm tội, và người không chấp nhận người khác như pháp phát lộ tội của mình. Này các Tỷ-kheo, có hai loại người ngu này” [3, tr. 114].

Cha mẹ không dừng lại ở hành động ngăn cản con cái làm việc bất thiện mà hãy thường xuyên tập cho con cái làm những việc thiện lành từ lúc tuổi thơ ấu. Cha mẹ dạy dỗ con cái phải biết cảm thông và thương yêu những người nghèo khổ, bệnh tật…, khích lệ con cái san sẻ những gì mà chúng có với họ và đối xử bình đẳng với mọi người. Con em được nuôi dạy trong môi trường tốt, luôn được khuyến khích làm những việc thiện thì chúng trở thành những con người hạnh phúc, có ích cho gia đình và xã hội. Ngược lại, những con em không được ngăn cản những hành vi xấu, hành vi thiếu đạo đức thì dù có lớn lên, thành công trên một phương diện nào đó nhưng chắc chắn đời sống của chúng cũng sẽ khổ đau và bất hạnh. Trước khi khuyên dạy con em mình, cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cái noi theo. Cha mẹ hãy chấm dứt quan niệm “Hãy làm theo những điều tôi nói, đừng làm theo những gì tôi làm”, cha mẹ làm những việc phi đạo đức, trái pháp luật mà dạy con cái sống phải có đạo đức là điều không hợp lý. Vì con cái sống với cha mẹ từ thuở ấu thơ đến khi lớn khôn những hành động của cha mẹ sẽ ăn sâu một cách vô thức vào trong tâm hồn của chúng. Nói cách khác, những hành động của con cái là bản sao những hành động của cha mẹ. Và, cha mẹ hãy luôn nhớ rằng “Những tiêu chuẩn đạo đức không thể dạy bằng các lời nói mà phải bằng hành động”. Những tiêu chuẩn đạo đức mà cha mẹ cần có như thương yêu giúp đỡ mọi người, chung thuỷ, thành thật và sáng suốt…sẽ là nhân tố quyết định sự thành công trong việc nuôi dạy con cái. Con cái sẽ phát triển theo những đức tính tốt đẹp mà cha mẹ chúng có. Cha mẹ như vậy là một tấm gương sáng và niềm tự hào cho con cái của họ.

Cha mẹ phải trang bị cho con cái nghề nghiệp và học thức. Nghề nghiệp và học thức là điều kiện vô cùng ý nghĩa cho sự tồn tại của một con người. Vì rằng không có học thức thì sẽ không biết đúng và sai, không nghề nghiệp thì bị nghèo đói. Nghèo đói và không biết đúng sai là nguyên nhân của tội lỗi. Kinh Chuyển Luân Pháp Vương, Phật dạy vì nghèo đói nên trộm cắp; vì trộm cắp nên đao kiếm; vì đao kiêm nên sát sanh,…Cho nên, cha mẹ phải có bổn phận định hướng cho con cái học hành và chọn nghề nghiệp. Nhớ rằng, định hướng cho con cái học hành và chọn nghề nghiệp theo sở trường cũng như sự yêu thích của chúng chứ không phải buộc con cái theo sự yêu thích hay những tham vọng của cha mẹ. “Cha mẹ là người hướng dẫn cho đứa con chọn nghề nghiệp, người hôn phối và những trò tiêu khiển thì cha mẹ phải để tâm tới những điều mà đứa trẻ ham thích chứ không phải những điều mà bản thân cha mẹ ham thích” [23, tr. 12]. Theo người viết, các bậc làm cha mẹ cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng không hợp lý vào con cái, cùng một lúc buộc con cái học nhiều thứ theo sở thích của cha mẹ, mục đích để hãnh diện với mọi người. Như vậy, vô tình những bậc làm cha mẹ lôi con cái của họ vào cuộc chạy đua kiến thức, những đứa con ngây thơ ấy trở thành món đồ để trưng bày, để hãnh diện và để khoe khoang với bạn bè, thân quyến. Điều này sẽ trở thành những gánh nặng cho con cái của họ. Ven. Thubten Chodron phát biểu rằng: “Trong xã hội hiện đại, ngay từ tuổi ấu thơ trẻ con đã phải chịu áp lực của việc học hành, chúng phải học thật nhiều và cố gắng tối đa để trở thành học sinh giỏi nhất, đạt thành tích tốt nhất. Điều này đã tạo ra nhiều vấn đề bất ổn về tâm lý vì trẻ con rất cần thời giờ để chỉ là trẻ con và để chơi đùa” [23, tr. 7]. Như vậy, cha mẹ hãy tạo điều kiện tốt nhất cho con cái học hành, hướng dẫn cho con cái chọn nghề nghiệp chính đáng mà chúng yêu thích, để chúng có thể có công ăn việc làm và theo đuổi những hoài bão và ước mơ của chúng.

Dựng vợ gả chồng cho con cái đúng thời là trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ. Ngày nay, cha mẹ không phải quan tâm quá nhiều vào việc chọn người hôn phối cho con cái. Nhưng những góp ý chính đáng cho con cái trong việc quan hệ bạn bè cũng như người yêu là điều vô cùng cần thiết. Vì cha mẹ là người ngoài cuộc sẽ sáng suốt hơn trong khi nhìn nhận người con dâu hay con rể tương lai của họ. Các bậc cha mẹ chỉ nên góp ý, đừng ngăn cấm hoặc ép buộc một cách cực đoan mà mọi người thường nói “ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên”, sẽ tạo ra sự bất hoà giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ không những là người sanh ra con cái mà còn là người thầy, người cố vấn để truyền trao những kinh nghiệm trong yêu đương. Khi con cái gặp khó khăn trong chuyện tình cảm riêng tư thì cha mẹ nên gần gũi, quan tâm như người bạn để tâm sự, giúp đỡ trong vấn đề hôn nhân của chúng.

 Khi các bậc cha mẹ già yếu mà con cái đã lớn khôn, đủ sức giữ gìn và phát triển sản nghiệp của tổ tiên để lại, thì cha mẹ nên phân chia và truyền trao gia sản cho con cái một cách công bằng, để chúng giữ gìn và phát huy sản nghiệp ấy. Truyền lại sản nghiệp cho con cái, không những là của cải vật chất mà còn truyền lại những truyền thống văn hoá tốt đẹp của gia đình. Vấn đề này, cha mẹ cũng hết sức khéo léo, đừng để khi cha mẹ vừa qua đời thì cảnh “nồi da xáo thịt”, “huynh đệ tương tàn” xảy ra.

Ngoài những bổn phận và tránh nhiệm của cha mẹ đối với con cái, còn có những nghệ thuật sống hằng ngày mà cha mẹ tạo ra cho không khí hoà thuận, thương yêu trong gia đình. Khi con cái còn nhỏ thì cha mẹ hãy quan tâm chăm sóc thật nhiều, vì lúc này chúng rất cần sự thương yêu và che chở. Khi con cái ở tuổi thanh thiếu niên thì cha mẹ là nơi tin cậy, kính trọng của chúng và còn là người bạn dễ gần gũi, dễ tâm sự về những khó khăn, gút mắt trong đời sống riêng tư của chúng. Cha mẹ cũng nên hết sức lưu ý những mong ước thật dễ thương và chính đáng của con cái về 10 điều sau:

1.     Con cái không muốn cha mẹ cãi nhau trước mặt chúng.

2.     Muốn cha mẹ đối xử công bằng như mọi thành viên khác trong gia đình.

3.     Cha mẹ là người lương thiện và thành thật.

4.     Cha mẹ là người bao dung và rộng lượng.

5.     Niềm nở với các bạn của con cái.

6.     Cha mẹ xây dựng tinh thần tập thể cho con cái.

7.     Cha mẹ là người lắng nghe và giải đáp thắc mắc của con cái.

8.     Tránh kỷ luật con cái trước mặt người ngoài.

9.     Cha mẹ nên tập trung vào ưu điểm hơn là khuyết điểm của con cái.

10.  Cha mẹ nên nhất quán và kiên định [57].

- Bổn phận của con cái đối với cha mẹ

Phận làm con cái phải luôn ghi nhớ rằng: Chúng được hiện hữu, được tồn tại và lớn khôn là nhờ công ơn to lớn của cha mẹ. Không có một đấng sáng tạo nào khác tạo ra con người, ngoại trừ cha và mẹ, “Có ông bà mới có ta, ông bà là gốc mẹ cha là cành. Thân ta như thể lá xanh, nhờ gốc tiếp nhựa nhờ cành dưỡng nuôi”. Vì thế, đức Phật dạy: “Thế nào là ngọn lửa đáng cung kính? Ở đây, này các Bà-la-môn, cha mẹ của các ngươi là các ngọn lửa đáng cung kính. Vì sao thế? Vì từ đó mà tạo ra sự sống, sự hiện hữu. Do đó cha mẹ là các ngọn lửa thiêng đáng cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường và sẽ đem lại chánh lạc” [5, tr. 340]. Cha mẹ là người trực tiếp quan tâm chăm sóc con cái từ khi còn là thai nhi; cha mẹ đã nuôi dưỡng con cái từ dòng sữa ngọt ngào, từng chén cháo, chén cơm đầu tiên của cuộc đời; rồi cha mẹ tiếp tục dạy dỗ cho con cái bập bẹ từng chữ, từng lời nói từ thuở còn nằm nôi; cha mẹ cho con cái ăn học và chu cấp những nhu cầu vật chất cần thiết suốt thời gian con cái còn thơ ấu. Ngoài những giá trị vật chất, cha mẹ còn mang lại cho con cái của họ những giá trị tinh thần: Chăm sóc, thương yêu, lo lắng vô điều kiện mà con cái của họ không thể tìm có ở một nơi nào khác được.

Đức Phật dạy cũng có năm điều con cái nên thực hiện đối với cha mẹ:

1.     Ủng hộ, bảo vệ và chu cấp cho cha mẹ những gì cha mẹ cần.

2.     Thực hiện tốt nhiệm vụ, bổn phận của con cái đối với cha mẹ.

3.     Bảo vệ truyền thống, danh thơm tiếng tốt của gia đình.

4.     Bảo vệ và phát huy gia sản mà cha mẹ trao truyền.

5.     Làm lễ tang cha mẹ đàng hoàng khi họ qua đời [2, tr. 542].

Con cái phải chăm sóc lúc cha mẹ già yếu ốm đau, chu cấp thuốc thang và lương thực khi cha mẹ cần. Đức Phật dạy những điều rất thực tiễn này, để cho con cái báo đáp công ơn sanh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Con cái chăm lo đời sống vật chất đối với cha mẹ không phải là sự trao đổi qua lại sòng phẳng hoặc là trách nhiệm bắt buộc. Ở đây, cha mẹ và con cái chăm sóc lẫn nhau về phương diện vật chất với tinh thần trách nhiệm, với tấm lòng thương yêu và tôn kính.

Con cái có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ mà cha mẹ giao phó, vui vẻ trợ giúp những công việc khi cha mẹ nhờ vả. Nếu những người con bận việc không thể làm được, thì nên nhờ người khác làm thay, đừng vì lý do nào đó mà khiến cho cha mẹ phiền lòng.

Những giá trị truyền thống của tổ tiên truyền lại, con cái phải gìn giữ và phát huy, đem lại danh thơm, tiếng tốt cho gia đình. Khái niệm “giữ gìn truyền thống” ở đây, không có nghĩa con cái phải giữ gìn tất cả những gì cha mẹ để lại. Phật giáo không chủ trương như vậy, đức Phật đã từng dạy cho bộ tộc Kàlàma về tiêu chí của một niềm tin nên giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống là phải có chánh kiến “Này Kàlàma, đừng vội tin vì nghe báo cáo, đừng vội tin vì nghe truyền thuyết; đừng vội tin vì theo truyền thống…”; “Nhưng này các Kàlàma, khi nào tự biết mình như sau: “các pháp này là thiện; các pháp này không đáng chê; các pháp này không bị người trí chỉ trích; các pháp này nên thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc” thì này Kàlàma, hãy tự đạt đến và an vui” [3, tr. 346-347].

Gia sản như nhà cửa, đất đai, xí nghiệp… mà cha mẹ giao lại, con cái phải tôn trọng, không cho thất thoát, vì đó là công sức do mồ hôi, nước mắt suốt đời của cha mẹ hoặc là ông bà đã dành dụm cho con cháu. Con cái cũng nên nhớ rằng: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”,  mỗi gia đình đều có những hoàn cảnh khác nhau, giàu sang hay nghèo khổ; hạnh phúc hay không hạnh phúc nhưng có một điểm chung là cha mẹ luôn thương yêu bảo bọc con cái của mình. Chính vì thế, con cái nên bằng lòng và quý trọng những gì cha mẹ để lại, không đòi hỏi quá đáng hay trách móc cha mẹ điều này điều nọ.

 Khi cha mẹ qua đời, con cái làm tang lễ cho cha mẹ đàng hoàng, đúng theo thuần phong mỹ tục của địa phương. Nếu là người Phật tử thì phải theo đúng tinh thần Phật giáo, không nên sát sanh, lễ nghi phức tạp; con cháu khóc than la lối làm cho thần hồn cha mẹ quyến luyến con cháu và gia đình mà không thể nào ra đi một cách bình an.

Thực hiện những điều trên cũng chưa đủ để nói lên rằng, con cái đã báo đáp được công ơn sanh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Vì công ơn to lớn khó đền đáp ấy mà đức Phật đã dạy:

          Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 100 tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỳ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này. Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho nên như vậy, này các Tỳ-kheo là làm đủ và trả ơn mẹ và cha [3, tr. 119-120].  

Cha mẹ thương yêu và lo lắng cho con cái đến nỗi có thể làm bất cứ việc gì, dù là tội lỗi và có thể hy sinh tánh mạng chỉ vì sự thành công và hạnh phúc của con cái của họ. HT. Thích Thiện Siêu đã viết rằng: “Thế mới biết công ơn cha mẹ lớn lao biết chừng nào, cha mẹ đã tận tuỵ nuôi dưỡng, chăm sóc, thương yêu người con từ khi mới lọt lòng. Tình thương đó là tình thương không toan tính, một tình thương vô điều kiện. Từ tình thương đó mà có bao nhiêu khó khăn cha mẹ đều gánh vác, những thuận lợi dành cho con để an tâm, vui vẻ học hành; để cho con khôn lớn sánh vai cùng bạn bè. Cũng có những trường hợp vì con mà cha mẹ phải làm những điều tội lỗi, vì con mà cha mẹ phải sa đoạ, nếu con không biết tới những điều đó thì người con đó thật là vô tình, thật là bất hiếu. Vô tình bất hiếu tất nhiên không xứng đáng làm một con người” [45, tr. 238]. Kinh thi viết: “Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao. Dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực.” (Cha thì sanh ta, mẹ thì dưỡng ta, Ôi! Ôi! Cha mẹ, sanh ta khổ nhọc. Muốn báo thâm ơn, trời cao lồng lộng) [35, tr. 51]. Vì thế người con Phật phải hết lòng thực hiện năm bổn phận đối với cha mẹ mới ngõ hầu đền đáp được phần nào công ơn sanh thành, nuôi dưỡng của đấng song thân.

Theo Phật giáo, người con hiếu thảo không những cung phụng vật chất mà còn phải khuyến khích cha mẹ có lòng tin Tam bảo, khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, hãy tạo điều kiện cho cha mẹ giúp đỡ những người nghèo khổ, tật bệnh, khuyên cha mẹ không theo ác tuệ, từ bỏ ác tri kiến. Mục đích để cha mẹ có cuộc sống an lạc thảnh thơi trong hiện tại, khi qua đời thì được sanh vào cảnh giới thiện. Đức Phật rất tán dương những người con hiếu thảo, nhớ công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ và những gia đình có con cái hiếu thảo:

          Có hai hạng người này, này các Tỳ-kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là hai? Người thi ân trước và người biết nhớ ơn đã làm. Hai hạng người này, này các Tỳ-kheo, khó tìm được ở đời” [3, tr. 160]; “Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, các cha mẹ được con cái đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là giống như Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là giống như bậc Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, các cha mẹ được con cái đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy, này các Tỳ-kheo, được xem là giống như chư thiên thời trước. Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, các cha mẹ được các con cái đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là đáng được cúng dường [3, tr. 684].

Như vậy, đức Phật đã đề cao những bậc làm cha, làm mẹ ngang hàng với Phạm thiên, với bậc Đạo sư khả kính đương thời, đáng được phụng dưỡng, cung kính và cúng dường.

“Mẹ cha gọi Phạm thiên,

Bậc Đạo sư thời trước,

Xứng đáng được cúng dường,

Vì thương đến con cháu,

Do vậy bậc hiền sĩ,

Đảnh lễ và tôn trọng,

Dâng đồ ăn đồ uống,

Vải mặc và giường nằm,

Thoa bóp cả thân mình,

Tắm rửa cả chân tay.

Với sở hành như vậy,

Đối với mẹ và cha,

Đời này được người hiền khen,

Đời sau hưởng thiên lạc” [3, tr. 685-686].

2.2.1.2. Quan hệ giữa vợ và chồng

- Trách nhiệm người chồng đối với người vợ

Trước những cuộc hôn nhân chân chính, những người con trai, con gái đã tìm hiểu, cảm thông và yêu thương mới quyết định kết hôn. Điều đó vẫn còn là một cuộc phiêu lưu để đi tìm hạnh phúc lứa đôi. Vì xã hội hiện nay, những nhân vật hoàn hảo, chuẩn mực và hết sức lý tưởng trong phim ảnh, âm nhạc được những bạn trẻ thần tượng và đồng hoá vào bản thân họ rất tinh tế. Trong cuộc sống, con người không phải như vậy, con người là một sinh vật, có những phẩm tính tốt đẹp lẫn những tánh xấu; có những ưu điểm và khuyết điểm. Chính điều này mà nhiều người đã vỡ mộng đối với người hôn phối sau khi kết hôn. Theo người viết, người nam và người nữ nên cẩn thận tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định tiến đến hôn nhân; thương yêu một cách sáng suốt, thấy được những ưu điểm của nhau và đồng thời phải thông cảm, chấp nhận những khuyết điểm, tật xấu của nhau; trang bị những kiến thức cơ bản về cuộc sống gia đình và quan trọng hơn, đừng xem người yêu của mình là vật sở hữu. Như vậy, những cuộc hôn nhân sẽ không có tình trạng: “Có phải anh cưới tôi vì tôi là như vậy? Không, tôi cưới em vì tôi hy vọng em trở thành người tôi mong ước.”

          Khi trở thành vợ chồng, hai người không những yêu thương nhiều hơn mà còn phải có tinh thần trách nhiệm với nhau và làm tròn bổn phận các mối quan hệ trong gia đình. Tinh thần trách nhiệm này, đức Phật dạy năm cách người chồng đối với vợ trong kinh Thi Ca La Việt (Singàlaka), mục đích nối kết, ràng buộc tình cảm cũng như trách nhiệm của vợ chồng, vì đó là khía cạnh thiết yếu để xây dựng cuộc sống hạnh phúc trong gia đình.

1.     Thương yêu và kính trọng vợ.

2.     Không được xem thường vợ.

3.     Trung thành với vợ.

4.     Giao quyền hạn cho vợ.

5.     Chăm lo nhu cầu của vợ hay mua sắm quà tặng cho vợ [2, tr. 543].

Người ta thường nói quan niệm “trọng nam, khinh nữ”; “năm thê, bảy thiếp” đã hết thời nhưng thực tế quan niệm và cách sống này vẫn tồn tại và phát triển trong xã hội được gọi là văn minh, hiện đại nhất hiện nay. Cách đây hơn 2550 năm, xã hội Ấn Độ đã ăn sâu truyền thống “trọng nam, khinh nữ”; “ năm thê, bảy thiếp” và nó vẫn còn tồn tại cho tới bây giờ. Đức Phật không đồng ý về quan niệm bất bình đẳng như vậy, đã là con người dù nam hay nữ đều có quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc và đều mong muốn được tôn trọng. Điều đó được thực thi khi đức Phật đã cho người phụ nữ xuất gia và đạt được quả vị giải thoát. Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Màha Pajàpati Gotami), người nuôi dưỡng đức Phật lúc ấu thơ, Trưởng lão ni đệ nhất. Nữ tôn giả Khemà nhan sắc tuyệt trần, là hoàng hậu của vua Tần-bà-sa-la (Bimbisàra), Trí tuệ đệ nhất. Uppalavannà, Thần thông đệ nhất…Trong khi đó, các tôn giáo lớn hiện nay, phụ nữ vẫn không được tham gia vào vấn đề phát triển tâm linh, các lễ nghi tôn giáo quan trọng. Và Ngài cũng không quên nhắc nhở hàng Phật tử tại gia phải thương yêu và kính trọng người bạn đời của mình.

Đức Phật dạy người chồng không được xem thường, đối xử tệ bạc với vợ. Vấn đề xem thường dẫn đến bạo hành gia đình là hiện tượng diễn ra hằng ngày trên thế giới hiện nay. Đức Phật không chấp nhận điều đó, đệ tử tại gia của Ngài dù vợ hoặc chồng cũng nên tôn trọng người bạn đời của mình. Vì rằng ai cũng mong muốn mình được sống, được hạnh phúc và được tôn trọng. Đức Phật chế năm giới cho người tại gia: Giới thứ nhất không sát sanh, nghĩa là tôn trọng mạng sống của con người và vật. Nho giáo cũng dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.” (Những gì mình không muốn, thì đừng làm cho người khác). Như vậy, người chồng không nên đối xử tệ bạc với người bạn đời của mình. Tình nghĩa vợ chồng phải đối xử với nhau bằng tấm lòng thương yêu và cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.

Người chồng phải thành thật, chung thuỷ với vợ. Lời dạy này của Ngài rất có giá trị cho cuộc sống vợ chồng hiện nay. Vì vấn đề xem thường, không chung thuỷ là nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực gia đình và ly hôn. Vấn đề năm thê, bảy thiếp thật là bất công đối với người phụ nữ, nhưng vẫn có những quan niệm cho rằng việc đó rất bình thường đối với người đàn ông. Đức Phật không tán đồng việc đó, sự thành thật và chung thuỷ luôn được đề cao trong Phật giáo. Người đệ tử tại gia chân chính không thể tìm hạnh phúc và lạc thú riêng; còn người vợ thì ghen tức, khổ đau vì sự phụ bạc của chồng. Giới thứ ba trong năm giới là không được tà hạnh, có nghĩa không được quan hệ tình cảm cũng như tình dục với người khác ngoài vợ hay chồng của mình. “Tất cả chúng sanh đều mong muốn được hạnh phúc; do đó người nào xây dựng hạnh phúc của mình trên sự khổ đau của kẻ khác thì nhất định sẽ gặp bất hạnh ở đời sau” (PC-131). Vì vậy, người chồng phải trung thành, chung thuỷ với vợ, điều đó sẽ xây dựng một niềm tin vững bền trong tình yêu, “Lòng trung thành là điều tốt đẹp nhất bạn có thể đem trao tặng một người: Sự thật, lòng tin cậy, tình bạn và tình yêu đều tuỳ thuộc vào điều đó cả.” (Elvis Presley).

Trong đời sống gia đình, mỗi người đều phải có trách nhiệm dù lớn hay nhỏ tuỳ theo khả năng của từng người. Chồng thì có bổn phận của chồng, vợ có bổn phận của vợ và con cái cũng có những phận sự riêng của con cái. Chính vì vậy, người chồng phải giao những quyền hạn nhất định cho người vợ, để họ thực thi và phát huy sở trường của họ. Ví dụ: Giáo dục con cái, quản lý tài sản, lo việc cúng giỗ ông bà tổ tiên .v.v. Không những vậy, người vợ cũng có quyền được tham gia những sinh hoạt bổ ích của xã hội mà người chồng phải hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ người vợ. Như vậy mới xứng đáng là một người chồng tốt và một người cha gương mẫu trong gia đình.

Và thật là kỳ diệu thay! Không có một đấng giáo chủ, đấng đạo sư nào trên hoàn vũ này, dạy những lời rất tình người, rất nhân bản là chăm lo nhu cầu của vợ và tặng quà cho vợ mỗi khi đi xa về hoặc vào những ngày lễ đặc biệt, để thể hiện sự yêu thương, chăm sóc của người chồng đối với vợ. Người chồng cũng có lúc đóng vai trò người anh trai; có lúc là người bạn; có lúc là người tình, để xây dựng niềm hạnh phúc thiết thực trong cuộc sống. Người chồng cũng nên biết những mong mỏi của người vợ ở nơi mình là sự dịu dàng, lịch sự, thân mật, an toàn, công bằng, chung thuỷ, thành thật; sự ủng hộ về tinh thần và người bạn đường tốt.

- Trách nhiệm người vợ đối với chồng

Madamedu Deffand phát biểu rằng: “Người phụ nữ chẳng bao giờ mạnh hơn khi họ trang bị cho mình bằng sự yếu đuối của họ”. Vì vậy, phần lớn sự hoà thuận, sự an vui hạnh phúc trong gia đình phụ thuộc vào người phụ nữ. Theo Nho giáo, đối với người phụ nữ phải thực thi theo quan niệm Tam tòng: “Ở nhà  theo cha; khi có chồng theo chồng; chồng chết thì theo con”; Tứ đức: “Nết na người phụ nữ (Hạnh); dáng vẻ người phụ nữ (Dung); lời nói người phụ nữ (Ngôn) và công việc người phụ nữ (Công). Quan niệm này đã ăn sâu vào văn hoá rất nhiều quốc gia Á châu. Mặt tích cực của quan niệm này là đã tạo ra một trật tự xã hội, sự gắn kết chặt chẽ các mối quan hệ của người phụ nữ với các thành viên trong gia đình và giáo dục mẫu người phụ nữ thuỳ mị, nết na và đáng yêu. Nhưng mặt tiêu cực của nó cũng không ít, người phụ nữ quá phụ thuộc vào người đàn ông, tạo ra những bi kịch trong cuộc sống. Người phụ nữ không được làm theo ý muốn của mình, họ phải cam chịu những bất hạnh xảy đến với họ. Những đức tính của họ trở nên khuôn mẫu và tài năng trong công việc bị hạn chế rất nhiều, vì quan niệm người phụ nữ chỉ làm việc nội trợ mà thôi. Phật giáo không phủ định mặt tích cực của quan niệm Nho giáo nhưng Phật giáo không chấp nhận quan niệm hạ thấp, đóng khung giá trị người phụ nữ. Đạo Phật khuyên tất cả mọi người, dù người nam hay nữ; già hay trẻ nên giữ gìn năm giới hay còn gọi là năm giá trị đạo đức căn bản của con người: Không giết người, hại vật; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối trá; không dùng các chất kích thích, làm ngu muội con người. Đạo Phật hoàn toàn không có giáo điều, không thắt buộc người nào theo một qui ước khuôn mẫu, cứng nhắc dù đó là phụ nữ. Năm cách xử sự của người vợ đối với người chồng được Phật dạy như sau:

1.     Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình.

2.     Khéo tiếp đón bà con.

3.     Trung thành với chồng.

4.     Khéo giữ gìn tài sản của chồng.

5.     Khéo léo và nhanh nhẹn trong công việc [2, tr. 543].

Người phụ nữ tuỳ theo văn hoá, phong tục tập quán của xã hội, quốc gia họ đang sống, để thực thi những bổn phận tốt đẹp của họ. Ngoài việc sanh con, nuôi nấng dạy dỗ con cái, Phật giáo không qui ước, buộc người phụ nữ phải thực thi những bổn phận nhất định. Cuộc sống vợ chồng là sự bình đẳng, tự phân chia trách nhiệm với nhau. Nếu người chồng có năng lực, có công ăn việc làm tốt thì người chồng đi làm, lo kinh tế tài chánh cho gia đình; người vợ ở nhà chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái. Ngược lại, người vợ có khả năng, có công việc tốt thì người vợ đi làm, lo kinh tế tài chánh cho gia đình; chồng ở nhà chăm lo nội trợ, nuôi dạy con cái. Cũng có khi, hai vợ chồng cùng đi làm, cùng chia sẻ việc gia đình, dạy dỗ con cái, điều đó không có vấn đề gì trong việc xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc cả. Đó là cơ sở để xây đắp tình yêu và hạnh phúc hôn nhân gia đình. Đặc biệt hơn, người phụ nữ có thiên chức làm mẹ, nuôi dưỡng con cái và khéo điều hoà cuộc sống gia đình. Vì thế mà Tagore, một triết gia Ấn Độ đã nói rằng:

“Trời không ánh sáng hoa nào nở,

Dạ vấn yêu thương dạ những sầu.

Đời vắng mẹ hiền và phụ nữ,

Anh hùng thi sĩ hỡi còn đâu!”

Người vợ khéo léo tiếp đón bà con bên chồng cũng như bên mình. Không những người vợ mà người chồng cũng vậy, phải tôn trọng gia quyến của người bạn đời của mình. Nếu người vợ hoặc chồng có những hành động không tốt với bà con của người bạn đời, điều đó sẽ làm cho vợ chồng bất hoà. Người vợ hãy xem gia quyến bên chồng như những người thân thuộc của mình thì rất tốt cho cuộc sống hoà thuận trong gia đình. Người vợ phải niềm nở, đón tiếp và quan tâm đến gia quyến bên chồng là điều kiện để gây cảm tình với bà con họ hàng bên chồng. Từ đó, người vợ sẽ trở thành một thành viên không thể thiếu trong gia tộc bên chồng. Nếu người vợ không có thiện cảm với một người nào đó bên chồng nhưng cũng phải ăn nói lễ phép và xử sự tử tế với họ, “Nếu trái tim bạn là một đoá hoa hồng, miệng bạn sẽ thốt ra những lời ngát hương.” (Ngạn ngữ Nga). Họ có những quan điểm và ý kiến riêng, người vợ nên lắng tai nghe những lời khuyên và cảm ơn họ vì lời khuyên đó nhưng làm hay không là việc của mình. Và, một điều thường hay xảy ra, khi vợ hoặc chồng đối xử tốt với người thân của họ thì người còn lại tỏ ra khó chịu, không thích. Điều đó chỉ làm cho không khí căng thẳng trong gia đình mà thôi, tốt hơn vợ hoặc chồng đều tôn trọng tình cảm thương yêu và giúp đỡ nhau của họ.

          Thành thật và chung thuỷ trong tình yêu giữa vợ và chồng là then chốt cho cuộc sống hôn nhân bền vững. Mỗi người đều tự củng cố niềm tin, sự thành thật, sự trinh tiết và lòng thuỷ chung của mình trong tình yêu. Sự dối trá không bao giờ đem lại hạnh phúc, “Nếu bạn lừa gạt một người, bạn sẽ bị người ta lừa gạt lại trong 1000 lần”. Cuộc sống không phải chỉ vì để thoả mãn ham muốn của con người mà trở nên gian xảo, dối trá. Cuộc sống còn có rất nhiều thứ con người cần phải làm: Nuôi dạy con cái, báo hiếu cha mẹ và phát triển đạo đức tâm linh của tự thân… Cho nên, người vợ hoặc chồng có ý muốn thoả mãn dục tính của mình thì chắc chắn chính họ là người bất hạnh đầu tiên rồi đến con cái, gia đình dòng họ. Vì vậy, người vợ hãy luôn thành thật với chồng, tránh những việc làm sai trái rồi sau đó phải dối trá để che giấu. Nếu người vợ phạm sai lầm thì cứ can đảm, thẳng thắn xin lỗi người chồng. Ngược lại, người chồng xin lỗi thì hãy tha thứ và cố gắng đừng nhắc lại lỗi lầm ấy của chồng, “Tha thứ đã là tốt. Quên đi lại là tốt hơn.” (Epicure).

          Khéo léo giữ gìn tài sản của chồng, thật ra đây là tài sản chung của gia đình. Người phụ nữ bao giờ cũng chu đáo, kỹ tính hơn người đàn ông. Người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc thu chi của gia đình. Tính tiết kiệm là tính đặc thù của người phụ nữ và điều đó rất tốt trong việc cân bằng thu chi hằng ngày. Đặc tính này thể hiện rất rõ trong quan niệm của nhiều gia đình Việt Nam, phụ nữ là tay hồm chìa khoá của gia đình. Việc thu chi, đức Phật đã từng đề cập như sau: Tiền kiếm được nên phân chia: 1/4  tiêu dùng hằng ngày cho gia đình; 1/4 chi cho những việc bất thường; 1/2 đầu tư thêm vào việc làm ăn.

          Trong công việc thì người vợ nên khéo léo, nhanh nhẹn từ công việc nội trợ cho đến công việc xã hội. Và đặc biệt, người vợ nên quan tâm và giúp đỡ những công việc mà cha mẹ chồng cũng như cha mẹ mình nhờ vả. Vì người phụ nữ rất tinh tế trong những mối quan hệ gia quyến hai bên. Một người vợ biết điều hoà công việc, làm tốt bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình. Đặc biệt người vợ khéo léo, nhanh nhẹn trong công việc gia đình mà người chồng đã giao phó cũng như những công việc xã hội quan trọng. Đó là một người vợ giỏi giang, tháo vát và đáng được tôn trọng. Những đức tính tích cực mà người vợ nên có: Ân cần, làm tròn bổn phận, chung thuỷ, lắng nghe, săn sóc con cái, cần kiệm, chuẩn bị bữa ăn, làm cho người chồng bình tĩnh khi nóng giận và ngọt ngào trong tình yêu.

          Có một lần, đức Phật đã dạy cho người con dâu của ông Cấp-cô-độc (Anàthapindika), tên là Sujàtà, người không biết vâng lời mọi người trong gia đình chồng, có 7 loại vợ như sau:

1. Người vợ với tâm địa độc ác, tâm không thương tưởng người, thích thú những người khác, khinh rẻ người chồng mình, bị mua chuộc bằng tiền, hăng say giết hại người. Đó là loại vợ sát nhân.

2. Người vợ hoang phí tài sản, dù ít hay nhiều do người chồng kiếm được bằng cày cấy nông nghiệp hay công nghiệp. Đó là loại vợ ăn trộm.

3. Người vợ lười biếng, không muốn làm gì hết, lại tham ăn, ác độc, thô bạo, thích nói lời ác; lấn át người chồng siêng năng cần mẫn. Đó là loại vợ chủ nhân.

4. Người vợ triều mến, thân ái bảo vệ chồng như mẹ bảo vệ con, giữ gìn tài sản của chồng. Đó là loại vợ như mẹ.

5. Người vợ kính trọng chồng, như em gái đối với anh cả, khiêm tốn, sống chiều đúng theo ý chồng. Đó là loại vợ như em út.

6. Người vợ sung sướng khi thấy chồng, như gặp người bạn cũ lâu năm mới gặp, thuộc gia đình hiền đức, có đạo đức, sống chung thuỷ. Đó là loại vợ như bạn.

7. Người vợ dù bị đối xử không tốt, nhưng không giận hờn, vẫn bình tĩnh, sống chịu thương chịu khó, sống luôn chiều theo ý chồng. Đó là loại vợ như người phục vụ.

Đức Phật dạy cho Sujàtà 3 loại vợ đầu không tốt, đáng bị chê trách và chỉ có vợ như mẹ hiền, em út, người bạn, người phục vụ mới đáng được khen ngợi. Nàng Sujàtà xin với đức Phật xem nàng là loại vợ như người phục vụ [5, tr. 404].

 

 

2.2.2. Các mối quan hệ ngoài xã hội

2.2.2.1. Quan hệ giữa thầy và trò

          - Trách nhiệm của thầy đối với trò

          Người thầy được đề cập ở đây, không giới hạn trong phạm vi của học đường hay người hướng dẫn nghề nghiệp. Người thầy là người có học thức, có kinh nghiệm về nghề nghiệp và có khả năng hướng dẫn những thế hệ con em về sở trường của mình. Phật dạy năm trách nhiệm của người thầy đối với trò như sau:

1.     Huấn luyện trò những gì mình đã được khéo huấn luyện.

2.     Dạy cho trò bảo trì những gì mình được khéo bảo trì.

3.     Dạy cho trò thuần thục các nghề nghiệp.

4.     Khích lệ và khen ngợi người trò trước mọi người.

5.     Bảo đảm nghề nghiệp cho trò [2, tr. 542].

Người Việt Nam có câu: “Muốn sang thì bắt cầu kiều, muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”, còn người phương Đông nói chung đều tôn vinh đức Không Tử là “Vạn thế sư biểu(Thầy của vạn đời) hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy). Điều đó nói lên giá trị của người thầy là vô cùng to lớn trong mọi thời đại.

 Người thầy để xứng đáng những gì mà xã hội tôn vinh thì họ cũng phải tận tâm, tận lực hoàn thành trách nhiệm của họ. Người thầy phải dạy tốt, hết lòng truyền trao kiến thức mình có, huấn luyện cho học trò thuần thục nghề nghiệp, hướng nghiệp cho học trò và giúp đỡ khi học trò gặp khó khăn. Trong quan hệ thầy trò, người thầy nên gương mẫu, chuẩn mực về đạo đức. Quan hệ xã hội, người thầy nên hướng dẫn học trò chọn bạn bè tốt.

- Trách nhiệm của học trò đối với thầy

Đức Phật dạy năm cách mà học trò nên thực thi để đền đáp công ơn của người thầy đã dạy dỗ, truyền trao kiến thức:

1.     Lễ phép với thầy.

2.     Làm những việc thầy nhờ cậy.

3.     Siêng năng học tập.

4.     Giúp đỡ thầy khi ốm đau.

5.     Chú tâm học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp [2, tr. 542-543].

Trong các mối quan hệ tình cảm, tình cảm giữa thầy cô và học trò là dễ thương nhất; dễ thương ở chỗ vừa ngây ngô, vừa mến yêu và đầy tấm lòng kính trọng. Khi ra trường, người học trò vừa vui mừng hạnh phúc, lại vừa luyến tiếc nhớ thương. Sự nhớ thương ấy được trân trọng trong từng vần thơ: “Cô là con thuyền nhỏ, đưa lữ khách sang sông. Khách đi còn ngoảnh lại trông, gửi về nơi đó tấm lòng nhớ thương.”

Người Việt nam nói riêng và phương Đông nói chung, đều rất quý trọng, kính yêu thầy cô. Sự kính yêu đó được thể hiện ở người Việt là dành riêng ngày 20-11 hàng năm, để nhớ ơn và báo ơn công lao dạy dỗ, truyền trao kiến thức cho học trò. Người ta thường ví thầy cô như là người lái đò đưa lữ khách sang sông, người lái đò cứ lần lược, lần lược đưa từng đoàn khách. Cũng vậy, thầy cô âm thầm, lặng lẽ truyền trao kiến thức, nghề nghiệp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thử nghĩ, loài người sẽ biết gì, sống như thế nào khi không có người hướng dẫn, không biết đọc, không biết viết? Tất cả chúng ta có trở thành một người hiểu biết, lễ phép và thành công hay có giá trị nào trong xã hội không? Để thể hiện tinh thần “Tôn sư trọng đạo”; “Uống nước nhớ nguồn”, người học trò phải lễ phép, chào hỏi người thầy, hoàn thành tốt công việc thầy nhờ vả, siêng năng học tập, chú tâm học hỏi kinh nghiệm của thầy cô; khi thầy cô đau ốm thì nên tận tình chăm sóc và giúp đỡ.

2.2.2.2. Quan hệ giữa bản thân và bạn bè

          - Trách nhiệm của bản thân với bạn bè

Đức Phật dạy năm trách nhiệm của bản thân đối với bạn bè như sau:

1.     Giúp đỡ (Bố thí) bạn bè khi họ gặp khó khăn.

2.     Nói lời nhã nhặn, khiêm tốn, chân thật và dễ mến (Ái ngữ) với bạn bè.

3.     Làm những việc lợi ích (Lợi hành) cho bạn bè.

4.     Cùng hợp tác, chia sẻ (Đồng sự) mọi điều trong cuộc sống với bạn bè.

5.     Không được dối trá, lường gạt bạn bè [2, tr. 543-544].

A. Monzaui đã nói rằng: “Một trong những hạnh phúc lớn nhất ở đời này là tình bạn, và một trong những hạnh phúc của tình bạn là có một người để gửi gắm những tâm sự thầm kín.” Tình bạn là gì? Tình bạn là những tâm tư, tình cảm trong các mối quan hệ cá nhân với nhau; các cá nhân đồng cảm hoặc giống nhau về những phương diện nào đó trong xã hội, không phân biệt gái trai, già trẻ. Trên tinh thần đó, đạo Phật không dừng lại ở sự đồng cảm, giống nhau và hợp tác giúp đỡ trong cuộc sống mà đạo Phật còn thể hiện sự bình đẳng, tương thân, tương ái trên tinh thần “Lục hoà” (Thân hoà đồng trú; Khẩu hoà vô tránh; Giới hoà đồng tu; Ý hoà đồng duyệt; Kiến hoà đồng giải và Lợi hoà đồng quân).

Chúng ta tìm bạn và kết bạn là điều rất dễ nhưng để thắt chặt tình bằng hữu là điều rất khó. Vì vậy, đức Phật khuyên chúng ta nên giúp đỡ tinh thần, vật chất khi bạn bè gặp khó khăn; nói năng phải khiêm tốn, chân thật; làm những việc lợi ích thiết thực cho bạn bè; chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn đối với bạn bè; không được dối trá, lường gạt tình cảm hoặc tài sản của bạn bè. Điều đó không phải dễ dàng nếu chúng ta không có tấm lòng chân thật, độ lượng và vô vụ lợi trong tình bạn hữu. “Nếu quy luật đầu tiên của tình bạn là phải vun đắp nó thì quy luật thứ hai là phải độ lượng khi quy luật thứ nhất bị sao nhãng.” (Vontaire). Và một điều không kém phần quan trọng trong tình bạn là khuyên ngăn bạn bè không làm việc sai trái, tội lỗi đưa đến khổ đau. “Nếu anh không thể nói với bạn một cách thẳng thắn, công khai, thậm chí gay gắt nữa, tất cả những gì anh nghĩ về bạn, hành vi của bạn hoặc nếu anh không thể nghe bạn nói một sự thật như thế về bản thân anh thì các anh chưa thật sự tin nhau, chưa hiểu nhau, chưa tôn trọng nhau.” (Gônsarốp). Tuy nhiên, con người thì mấy ai tránh khỏi những lỗi lầm, có điều lỗi lầm ấy là sự vô tình, có thể chấp nhận được. Chúng ta không nên mơ mộng hão huyền sẽ có một người bạn hoàn thiện, “Muốn có một người bạn hữu hoàn hảo thì chẳng ai là bạn hữu cả”, “nếu không sẵn lòng dung thứ những lỗi vặt cho nhau thì không thể bầu bạn với nhau lâu dài được.” (La Bruyere).

- Trách nhiệm của bạn hữu đối với chúng ta

Trước khi nói đến trách nhiệm bạn hữu với nhau thì sự lựa chọn bạn bè là vô cùng quan trọng. Anonymous phát biểu rằng: “Người ta thường cô đơn bởi vì người ta thường chỉ lo xây dựng tường chứ không lo xây dựng những nhịp cầu”. Phải khẳng định rằng, chúng ta không bao giờ xây những bức tường, ngăn cách giữa chúng ta với người khác. Ngược lại, những nhịp cầu mà chúng ta xây dựng với người khác cũng phải hết sức cẩn thận, khéo léo và vững chắc. Chúng ta không thể xây dựng những nhịp cầu để dẫn chúng ta đến con đường tội lỗi, khổ đau. Sự kết bạn cũng vậy, phải hết sức cẩn thận, khéo léo xây dựng tình bạn hữu thật bền vững và trong sáng. Về sự chọn bạn, đức Phật dạy:

“Chớ thân cận bạn ác,

Chớ thân cận kẻ tiểu nhân.

Hãy thân cận bạn lành,

Hãy thân cận bậc thượng nhân.”

                                                  (PC- 78)

Năm trách nhiệm mà đức Phật dạy những người bạn phải đối xử với chúng ta:

1.     Khuyên bảo, giúp đỡ khi chúng ta phúng túng.

2.     Giữ gìn tài sản khi chúng ta phúng túng.

3.     Trở thành nơi nương tựa khi chúng ta bị nguy hiểm.

4.     Không tránh xa khi chúng ta gặp khó khăn.

5.     Kính trọng gia đình của chúng ta [2, tr. 544].

Kinh Thi Ca La Việt, đức Phật dạy có bốn hạng người không nên làm bạn:

1.     Người vật gì cũng lấy: Người hay lấy vặt, cho ít xin nhiều, vì sợ mà làm, làm vì mưu lợi cho mình.

2.     Người chỉ biết nói giỏi: Tỏ lộ thân tình việc đã qua, tỏ lộ thân tình việc chưa đến, mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ, khi có việc thì tỏ ra sự bất lực.

3.     Người nịnh hót: Đồng ý các việc ác, không đồng ý các việc thiện, tán thán trước mặt, sau lưng chỉ trích.

4.     Người tiêu pha xa xỉ: Là bạn khi mình đam mê các loại rượu, là bạn khi mình du hành đường phố phi thời, là bạn khi mình la cà đình đám hý viện, là bạn khi mình đam mê cờ bạc.

Ngược lại, Phật dạy có bốn hạng người nên thân cận, xem là bạn chân thật:

1.     Người thường giúp đỡ bạn: Che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, giữ gìn tài sản của bạn khi bạn vô ý phóng dật, là chỗ nương tựa khi bạn sợ hãi, giúp đỡ tiền bạc khi bạn có công việc gấp.

2.     Người bạn có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia: Nói cho bạn biết bí mật của mình, giữ gìn kín điều bí mật mà bạn đã thổ lộ, không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn, dám hy sinh thân mạng vì bạn.

3.     Người bạn khuyên điều lợi ích: Ngăn chặn bạn không làm điều ác, khuyến khích bạn làm điều thiện, cho bạn nghe điều bạn chưa nghe, cho bạn biết con đường hướng thiện.

4.     Người bạn thương tưởng: Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn, hoan hỷ khi bạn gặp may mắn, ngăn chặn những ai nói xấu bạn, khuyến khích những ái tán thán bạn [2, tr. 536-540].

          Kinh Tăng chi II, Phật dạy cho các vị Tỳ-kheo về năm pháp không đáng được làm bạn như sau: “Thành tựu năm pháp này, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo không đáng được làm bạn. Thế nào là năm? Bảo làm việc đồng áng; ưa thích kiện tụng; chống đối các Tỳ-kheo lãnh đạo; sống đời sống không có mục đích; kéo dài đời sống như vậy; không có khả năng thỉnh thoảng trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với một bài thuyết pháp” [4, tr 589]. Ngược lại, năm pháp đáng được làm bạn như sau: “Thành tựu năm pháp này, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đáng làm bạn. Thế nào là năm? Không bảo đi làm việc đồng áng; không ưa thích kiện tụng; không chống đối các Tỳ-kheo lãnh đạo; không sống đời sống không có mục đích; không kéo dài đời sống như vậy; có khả năng thỉnh thoảng trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với một bài pháp” [4, tr. 590].

          Kinh Tăng chi III, Phật dạy bảy pháp mà Tỳ-kheo nên thân cận và kết bạn: “Thành tựu bảy pháp, này các Tỳ-kheo, là người bạn cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần phải hầu cận, dầu có bị xua đuổi. Thế nào là bảy? Khả ái, khả ý; tôn trọng; đáng được bắt chước; nhà thuyết giả; kham nhẫn lời nói; nói lời sâu kín; không có hối thúc những điều không hợp lý” [5, tr. 323-324].

2.2.2.3. Quan hệ giữa người chủ và công nhân

          - Trách nhiệm của người chủ với công nhân

          Phật dạy người chủ có năm cách xử sự với người làm công:

1.     Giao việc đúng sức lực của họ.

2.     Lo cho họ ăn uống và trả lương đúng với công sức của họ.

3.     Quan tâm, chăm sóc khi họ bệnh hoạn.

4.     Chia sẻ thức ăn hoặc tặng quà cho họ.

5.     Thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép [2, tr. 544].

Người chủ muốn thành công tốt đẹp trong việc quản lý nhân sự cũng như điều hành công việc. Trước tiên, người ấy phải “đắc nhân tâm”của mọi người trong công ty hay trụ sở của mình. Người chủ đó phải nói được thì làm được, là người đáng được người khác tin cậy trong công việc làm ăn. Thứ đến, người chủ phải thật sự tôn trọng và yêu mến những công nhân của mình. Ngược lại, người chủ không có những bản chất tốt đẹp này, dù có quản lý thứ gì cũng không thành công; những người làm công sẽ lơ là, làm lấy lệ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc mà thôi.

Ngoài sở trường và tài năng, người chủ phải đối xử với công nhân của mình theo như lời Phật dạy: Giao việc đúng sức, đúng sở trường của công nhân, không có việc “lấy râu ông này cắm cằm bà kia”; không những trả lương đúng với năng lực của công nhân mà còn quan tâm chăm sóc sức khoẻ, thỉnh thoảng tặng quà, thưởng tiền lương và cho họ nghỉ phép. Không những vậy, người chủ đã giao phó trách nhiệm cho người nào thì nên tin tưởng họ, nếu không tin tưởng thì đừng giao trách nhiệm, “Bạn hãy tin cậy mọi người, họ sẽ trung thành với bạn. Bạn cao thượng với họ, họ sẽ biểu lộ sự cao thượng với bạn” (R. Emerson). Điều đó sẽ rất tốt cho mối quan hệ giữa người chủ với những nhân công. Thực hiện được như vậy, người chủ đã thể hiện được năng lực điều hành công việc mà còn “đắc nhân tâm” của toàn bộ những người trực thuộc mình quản lý. Nói như vậy không có nghĩa là người chủ dùng chiến thuật mua chuộc lòng người, để phục vụ mục đích của mình. Người chủ quan tâm, chăm sóc nhân công phải được thể hiện trên tinh thần thương yêu, tình người với nhau, vì mục đích cùng nhau hợp tác để hoàn thành tốt công việc đã được đề ra.

- Trách nhiệm của công nhân đối với người chủ

          Phật dạy năm trách nhiệm của công nhân đối với người chủ như sau:

1.     Dậy trước khi chủ dậy.

2.     Ngủ sau khi chủ ngủ.

3.     Tự bằng lòng với các vật đã cho.

4.     Khéo làm các công việc.

5.     Đem danh thơm tiếng tốt cho người chủ [2, tr. 544-545].

Đức Phật dạy năm trách nhiệm này trong hoàn cảnh lịch sử Ấn Độ thời bấy giờ, người giàu có thường nuôi một hoặc nhiều người làm công, đày tớ trong nhà để làm những công việc mà họ sai bảo. Đức Phật dạy: Người giúp việc phải dậy trước khi chủ dậy; đi ngủ sau chủ; người chủ thưởng vật gì thì nên bằng lòng; khéo léo làm các công việc người chủ giao phó; đem danh thơm tiếng tốt cho gia đình người chủ. Tuy nhiên, những lời dạy này không hạn hẹp trong đời sống của một gia đình hay một thời kỳ nhất định. Lời dạy của Ngài có thể áp dụng cho tất cả những người công nhân ở công ty, xí nghiệp hiện nay. Ví dụ: Người công nhân phải đến xí nghiệp trước chủ; về sau chủ; tự bằng lòng với tiền lương, thành thật không nên đánh cắp tài sản của công ty; hết lòng làm các công việc; đem tiếng tốt cho công ty.

Tờ báo Philistine tại Mỹ, xuất bản vào cuối tháng hai năm 1899 có đăng tải bài “A message to Garcia” của Albert Hubbard. Ông ta viết về một con người anh hùng, người lịch sử và có một không hai trên thế giới. Người đó là Rowan, anh ta có bản tính tháo vát, sống có trách nhiệm trong công việc, dám đứng ra nhận lãnh công việc vô cùng khó khăn. Khi cuộc chiến tranh xảy ra giữa Tây Ba Nha và Hoa Kỳ, một điều rất cần thiết là phải liên lạc ngay cho lãnh tụ nổi dậy, tướng Garcia. Tổng thống Mc.Kinley trao trách nhiệm này cho Rowan, anh ta nhận nhiệm vụ, bao bọc bức thư và lên đường trong suốt bốn ngày liên tục mới đến được Cuba, trên một chiếc thuyền không mui. Rowan còn phải băng rừng vượt núi suốt ba tuần, vượt qua bao nhiêu khó khăn thử thách trong tình hình đất nước đang bị chiến tranh, cuối cùng Rowan đã trao tận tay bức mật thư cho tướng Garcia. Câu chuyện chỉ có thế, nhưng trong tình huống này thì được mấy người dũng cảm, dám nhận công việc khó khăn, có thể bị hy sinh cả tánh mạng. Tác giả Albert Hubbard liên tưởng đến thái độ bất hợp tác, vô trách nhiệm, thờ ơ lãnh đạm, nói thì nhiều, làm thì ít, làm việc thì lấy lệ, cầm chừng, lừa đảo hay âm mưu bất chánh và bằng nhiều phương tiện để đạt mục đích của các thành viên trong một tổ chức lúc bấy giờ. Ngược lại, họ luôn luôn kêu ca, phàn nàn những ông chủ bóc lột công nhân bằng cách trả tiền công ít, kéo dài thời gian làm việc, môi trường làm việc tồi tệ. Họ đấu tranh, đình công đòi ưu sách. Thử hỏi tổ chức có những người như vậy thì làm sao phát triển được. Tác giả muốn gửi đến những người giúp việc, công nhân một bức thông điệp rằng: “Không phải tất cả các ông chủ hay người lãnh đạo đều là người bóc lột, xấu xa; và cũng không phải tất cả những người công nhân, người nghèo khổ là thánh nhân, là hiền triết... Một con người tháo vát, có tinh thần trách nhiệm và làm việc bằng tất cả tâm hồn thì ở đâu và ai cũng cần họ. Họ không cần đấu tranh để tăng lương hay mánh khoé âm mưu để thoả mãn tham vọng lợi ích cá nhân. Khi họ thực sự có tinh thần trách nhiệm, tinh thần tháo vát, tinh thần như Rowan, họ sẽ có tất cả những gì họ cần” [28, tr. 173-174].

2.2.2.4. Quan hệ giữa người tại gia và xuất gia

          - Trách nhiệm của người xuất gia đối với người tại gia

          Phật dạy năm cách mà người xuất gia nên đối xử với người tại gia:

1.     Ngăn họ không làm điều ác.

2.     Khuyến khích họ làm điều thiện.

3.     Thương xót họ với tâm từ bi và dạy họ những điều chưa nghe.

4.     Làm cho thanh tịnh những điều đã được nghe.

5.     Chỉ bày con đường đưa đến cõi trời [2, tr. 545].

Như chúng ta đã biết, Giáo pháp của đức Phật dạy rất rõ ràng và thực tế, nhưng không phải ai cũng có phước duyên tiếp cận, lãnh hội một cách trọn vẹn và thực hành đúng đắn, nhất là vấn đề thực nghiệm tâm linh. Vì thế, vai trò của người xuất gia là vô cùng quan trọng. Nó quyết định sự thịnh suy của Phật pháp. Người xuất gia trước là phải trau dồi Giới-Định-Tuệ, ba môn học mà bất cứ người học đạo nào cũng lấy đó làm tiêu chí, làm sự nghiệp tu hành “Duy Tuệ Thị Nghiệp”. Thứ đến là người xuất gia có những khả năng hướng dẫn cho họ về giáo lý, về phương pháp tu tập. Đức Phật dạy người xuất gia có trách nhiệm đối với người tại gia, là phải khuyên họ không nên làm việc ác, trái với luân thường đạo lý; khuyến khích họ làm việc thiện, phải có tâm từ bi đối với họ, có khả năng làm cho họ bình an khi họ khổ đau và chỉ bày phương pháp tu hành cho họ.

- Trách nhiệm của người tại gia đối với người xuất gia

          Người tại gia có năm cách cư xử đối với người xuất gia:

1.     Có lòng thương kính trong hành động về thân.

2.     Có lòng thương kính trong hành động về khẩu.

3.     Có lòng thương kính trong ý nghĩ.

4.     Mở rộng cửa đón tiếp các vị xuất gia.

5.     Cúng dường những thứ cần thiết cho người xuất gia [2, tr. 545].

Đối lại sự quan tâm chăm sóc về phương diện học đạo, phát triển tâm linh của những vị xuất gia, các vị cư sĩ cũng phải có những hành động thiết thực đối với vị thầy của họ. Những hành động thiết thực ấy được vua A-xà-thế (Ajàtasattu) trả lời đức Phật như sau: “Chúng con kính lễ người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như y, đồ ăn khất thực, sàng toạ, thuốc men trị bệnh và chúng con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở người ấy đúng theo luật pháp” [1, tr. 117-118].

          Kinh Tăng chi I, đức Phật dạy cho ông Cấp-cô-độc là người tại gia nên thành tựu bốn pháp, vị thánh đệ tử bước vào con đường thích đáng của người gia chủ: “Này gia chủ, vị thánh hộ trì chúng Tỳ-kheo, hộ trì chúng Tỳ-kheo với y, hộ trì chúng Tỳ-kheo với đồ ăn khất thực, hộ trì chúng Tỳ-kheo với sàng toạ, hộ trì chúng Tỳ-kheo với dược phẩm trị bệnh. Thành tựu với bốn pháp này, này gia chủ, vị thánh đệ tử bước vào con đường thích đáng của người gia chủ, con đường đem lại tiếng tốt, con đường đưa đến cõi trời” [3, tr. 674].

 

 

 

Âm lịch

Ảnh đẹp