Đời sống Phật tử tại gia trong kinh Trường Bộ


Luận văn tốt nghiệp của Đại Đức Thích Lệ Liên
02/12/2010 19:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 10190
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

3.1. Thọ Tam quy, trì Ngũ giới

3.1.1.Ý nghĩa quy y Tam bảo

Cuộc nói chuyện giữa đức Phật và vua A-xà-thế (Ajàtasattu) trong kinh Sa Môn Quả, Trường bộ kinh. Đức Phật dạy cho vua A-xà-thế về công hạnh của bốn quả vị Sa-môn, vua A-xà-thế đã thốt lên rằng: “Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, Bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Và nay con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tỳ-kheo-tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng” [1, tr. 156-157].

Quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tỳ-kheo-tăng là nương tựa ba ngôi quý báu hay còn gọi là Tam bảo trong đạo Phật. Vậy, ba ngôi quý báu ấy là gì? Tại sao mỗi người cần phải quy y ba ngôi quý báu ấy? Đó là những câu hỏi mà mọi người thường hay đặt ra. Chúng ta biết rằng, đã là một con người thì không thể sống một cách đơn độc, trơ trọi trên trần thế này. Con người thì có ông bà, cha mẹ, có tình làng nghĩa xóm, quê hương đất nước để thương yêu, để nương tựa. Trong cuộc sống thì mỗi người phải có niềm tin vào bản thân, tin vào nhân quả nghiệp báo, vào những luân lý đạo đức trong đời sống bình thường. Mỗi người phải tự chọn lấy cho mình nơi nương tựa hay một con đường đáng tin cậy để hướng đến tương lai. Nhưng con đường ấy có vững chắc, có đủ khả năng dẫn đến an lạc hạnh phúc hay bất hạnh khổ đau còn tuỳ thuộc vào nhận thức và sự lựa chọn của mỗi người. Người hiểu biết không nên phó mặc cuộc đời mình cho số phận và cũng đừng bao giờ phó thác cuộc đời cho thượng đế hay thần linh. Tam bảo là nơi nương tựa vững chắc, là con đường duy nhất có khả năng đưa mọi người đến an lạc hạnh phúc một cách viên mãn.

          Quy y là tiếng Trung Hoa, Pàli ngữ là Sarana, dịch ra tiếng Việt là trở về, nương tựa. Quy y Tam bảo là trở về nương tựa vào ba ngôi quý báu: Quy y Phật bảo (Buddhasarana), quy y Pháp bảo (Dhammasarana). Quy y Tăng bảo (Sanghasarana).

          Phật bảo là gì?

Phật gọi đủ là Phật-đà, được phiên âm từ chữ Buddha, có nghĩa là người giác ngộ, người tỉnh thức. Phật-đà là chỉ cho những bậc giác ngộ viên mãn trên ba phương diện: Tự giác, giác tha và giác hạnh. Tự giác viên mãn là tự mình giác ngộ đến chỗ cứu cánh. Giác tha viên mãn là khéo dùng các phương tiện thiện xảo để giáo hoá chúng sanh giải thoát sanh tử khổ đau. Giác hạnh viên mãn là tròn đầy những công hạnh Tự lợi và Lợi tha, Phước và Tuệ.

Tại sao chúng ta phải quy y Phật bảo?

Đức Phật là người duy nhất, không có hai, không có so sánh, không có ngang hàng trong thế gian này. Sự xuất hiện của Ngài như hoa Ưu đàm ngát hương ngàn năm mới nở, ít có khó gặp như rùa mù ngàn năm mới nhô lên mặt biển mà gặp được bộng cây. Bởi vậy mới gọi là Phật bảo. Kinh Tăng chi I, Phẩm một người. Đức Phật dạy: “Một người, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Chính một người này, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người” [3, tr. 46].

Đức Phật được gọi là quý báu, đáng được tôn kính và quy ngưỡng vì Ngài có 5 điều sau: Thứ nhất: Đức Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Thứ hai: Ngài có đầy đủ 10 đức tính cao thượng, không một thứ gì sánh bằng trong cuộc đời, “Đây là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn” [11, tr. 502]. Thứ ba: Ngài có năm đặc tính mà không còn có một người thứ hai: Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến. Thứ tư: Chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi, thật không dễ gì nghe được danh hiệu của một vị Phật, huống hồ được gặp, được chiêm ngưỡng và nghe lời Phật dạy. Thứ năm: Ngài là nơi nương tựa vững chắc cho chúng sanh, người đủ phước duyên, tích luỹ công đức từ nhiều đời, nhiều kiếp mới đủ duyên lành gặp và nương tựa Ngài.

          Chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử, tử sanh từ vô lượng kiếp; phiền não khổ đau vì tham lam, sân hận và si mê là một thực trạng của cuộc sống hiện tại. Nó đã kéo dài từ vô lượng kiếp cho đến tương lai vô cùng, vô tận. Chỉ có chư Phật là những vị đã hoàn toàn đoạn trừ sanh tử, xả ly tâm tham lam, tâm sân hận và tâm si mê. Các Ngài đã thật sự đoạn tận sức mạnh của nghiệp và những u mê trong dòng chảy tâm thức để phát triển tâm linh đến những phẩm tính tốt đẹp và thù thắng nhất. Chư Phật là những bậc Đạo sư có đầy đủ tư cách nhất về phương diện Trí tuệ giải thoát và lòng Từ vô lượng đối với chúng sanh. Chúng ta muốn đoạn trừ phiền não khổ đau của sanh tử luân hồi, không gì bằng quy y Phật bảo. Khi đức Phật còn tại thế, tất cả chúng sanh từ vua, quan, dân chúng cho Phạm thiên đều quy ngưỡng Ngài, không những về phương diện chứng đạt Trí tuệ giải thoát mà còn cảm mến từ tướng tốt và vẻ đẹp của Ngài. Trong thế gian, không có một trân châu, bảo bối nào, ngoại trừ đức Phật đã khiến chúng sanh được an lành, hạnh phúc và phát khởi đức tin trong sạch. Trưởng giả Cấp-cô-độc mua khu vườn Thái tử Kỳ-đà, để xây dựng tịnh xá cúng dường đức Phật với điều kiện mà Thái tử Kỳ-đà đặt ra, là phải lót vàng hết vườn. Phú hộ Jatila vàng bạc không thiếu, mọi điều kiện sống không thiếu nhưng khi gặp đức Phật liền xin xuất gia thành một Tỳ-kheo, sống cuộc đời thanh bần giải thoát. Vua A-xà-thế, một người giết cha để chiếm ngôi vua, đã từng hãm hại Phật nhưng cũng được đức Phật hoá độ trở thành một Phật tử thuần thành.

Kinh Tự Hoan Hỷ, Trường bộ kinh. Tôn giả Xá-lợi-phất (Sàriputta) thưa với đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại, không thể có một vị Sa-môn, một vị Bà-la-môn nào khác có thể vĩ đại hơn Thế Tôn, sáng suốt hơn Thế Tôn, về phương diện giác ngộ” [2, tr 415]. Vì sao? “Bạch Thế Tôn, tất cả những vị A-la-hán, Chánh đẳng giác trong tương lai, tất cả những vị Thế Tôn ấy đã diệt trừ năm triền cái (tham, sân, hôn trầm thuỵ miên, trạo hối, nghi). Đã khéo an trú tâm vào bốn niệm xứ, đã tu tập bảy giác chi, đã chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác. Và nay Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác đã diệt trừ năm triền cái, đã khéo an trú tâm vào bốn niệm xứ, đã tu tập bảy giác chi, đã chứng Vô thượng Chánh đẳng giác” [2, tr. 418].

          Pháp bảo là gì?

Pháp được dịch từ Pàli ngữ là Dhamma. Chữ Dhamma có rất nhiều nghĩa như là bản thể, là nguyên lý, là hiện tượng và những lời dạy của đức Phật cũng gọi là Dhamma. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến Dhamma như là những lời dạy của đức Phật mà thôi. Đức Phật hoá độ chúng sanh bằng nhiều phương tiện thiện xảo khác nhau, tuỳ theo căn cơ của mỗi người mà Ngài dạy Pháp phù hợp giống như vị lương y tuỳ theo người bệnh mà cho thuốc. Tuy nhiên, lời dạy của Ngài thì nhiều nhưng không ngoài mục đích giải thoát phiền não, khổ đau: “Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ.” Nói cách khác, chữ Pháp là nội dung chứng ngộ, con đường dẫn đến sự đoạn tận nguồn gốc, ngọn ngành của khổ đau. Vì nó có công năng diệt trừ phiền não, khổ đau, chứng đạt quả vị giải thoát nên gọi là bảo. Nội dung chứng ngộ là pháp Duyên khởi, Tứ đế, Nhân quả, Nghiệp báo…. Và con đường chứng ngộ là 37 phẩm trợ đạo, nói gọn là Bát thánh đạo hay Giới-Định-Tuệ.

          Tại sao chúng ta phải quy y Pháp bảo?

          Kinh Ví Dụ Tấm Vải [7, tr. 87], Trung bộ I; Thanh Tịnh Đạo Luận của Buddhaghosa phần Niệm Pháp [15, tr 362-364]; Tương ưng V, Phẩm Veludvàra đều nêu lên 6 đặc tính của giáo lý Phật giáo như sau: “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.”[11, tr 502]

1.     Pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng: Tất cả những lời dạy của đức Phật đúng với sự thật, khế lý, khế cơ, và dẫn đến giải thoát. Giáo pháp của Ngài đều đem đến an lạc, hạnh phúc ở chặng đầu, chặng giữa cho đến chặng cuối.

2.     Thiết thực hiện tại: Pháp là mỗi người tự tu tập và thể nghiệm nơi bản thân. Pháp có công năng đoạn tận nguyên nhân của sanh tử luân hồi là tham dục, sân hận và si mê.

3.     Vượt thời gian: Pháp là vượt thời gian, đúng từ quá khứ, hiện tại cho đến vị lai.

4.     Đến để mà thấy: Pháp là đến để mà thấy rồi thực hành, chứng hiểu diệu dụng của nó chứ không phải tin một cách mù mờ.

5.     Có khả năng hướng thượng: Pháp là con đường phát triển tâm linh, có khả năng dẫn dắt chúng sanh hướng đến quả vị tốt đẹp.

6.     Được người trí chứng hiểu: Người có trí tuệ, có thực hành thì mới có thể giải thoát.

Giáo pháp của Phật luôn luôn có đầy đủ 6 đặc tính trên. Điều đó thể hiện nét khác biệt giữa giáo lý Phật giáo với giáo lý các tôn giáo khác. Giáo lý Duyên khởi, Nhân quả, Nghiệp báo là nguyên lý, là sự thật của cuộc đời nên chúng sanh phải tin tưởng, nương tựa “Pháp Duyên khởi ấy, dù Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt định lý ấy. Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, khai triển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị” [47, tr. 167]. Quy y Pháp bảo là chúng sanh nương tựa, thực hành những lời dạy của Phật, có nghĩa là mỗi người phải tự thực hành Bát thánh đạo, Tứ nhiếp pháp…. Có thể nói rằng, Pháp mới là chỗ quy y thật sự đối với tứ chúng đệ tử Phật. Điều này có nghĩa là mỗi chúng sanh hiểu biết đúng như thật về sự bất toàn, sự khổ đau của cuộc đời. Tham ái là nguyên nhân gây ra khổ đau và Bát thánh đạo là con đường thực hành duy nhất đoạn trừ Tham ái, sanh tử luân hồi. Chính vì thế, đức Phật dạy cho A-nan-da rằng:  “Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác” [1, tr. 584].

          Tăng bảo là gì?

          Tăng gọi đủ là Tăng-già, được phiên âm từ Pàli ngữ là Sangha. Tăng-già là cộng đồng các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, những người đã dành hết cuộc đời cho việc tu tập, thực hành Chánh pháp và giáo hoá chúng sanh. Tăng-già là phải đủ bốn vị tu sĩ trở lên, sống thanh tịnh và hoà hợp với nhau mới đúng nghĩa là Tăng-già. Những vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không được gọi là Tăng-già mà chỉ được gọi là thành viên của Tăng-già mà thôi.

          Tại sao chúng ta phải quy y Tăng bảo? Tăng có đầy đủ các hạnh sau: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chơn lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.” [11, tr502-503]. Kế đến, người Phật tử quy y Tăng bảo vì những lý do sau: Thứ nhất: Phật và Pháp có quý báu chừng nào đi nữa mà không có Tăng-già hay các vị tu sĩ hành trì Phật pháp, giáo hoá chúng sanh thì Phật và Pháp cũng không tồn tại lâu dài; và chúng sanh cũng không có cơ hội tiếp xúc học hỏi và tu tập theo Phật pháp. Thứ hai: Tăng-già là cộng đồng các vị tu sĩ sống thanh tịnh và hoà hợp như nước với sữa. Có thể nói rằng: Thanh tịnh và hoà hợp là bản thể của Tăng-già. Thứ ba: Các vị tu sĩ sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày trên tinh thần lục hoà:

1.     Thân hoà đồng trú: Có sự hoà hợp, hợp lý về chỗ ăn, chỗ ở, khéo an trú thân nghiệp.

2.     Khẩu hoà vô tránh: Lời nói hoà hợp, không tranh cãi, khéo an trú khẩu nghiệp.

3.     Giới hoà đồng tu: Cùng nhau giữ gìn một giới luật chung, an trú giới, giữ giới thanh tịnh.

4.     Ý hoà đồng duyệt: An trú ý nghiệp, hoà hợp thống nhất.

5.     Kiến hoà đồng giải: Cùng với các vị đồng tu nuôi dưỡng những tri kiến thánh thiện đưa đến xuất ly khổ.

6.     Lợi hoà đồng quân: Cùng san sẻ các lợi dưỡng [47, tr. 102-103].

Tăng-già là cộng đồng duy nhất có bản thể là thanh tịnh và hoà hợp, luôn luôn sống với tinh thần lục hoà. Vì thế, Tăng-già xứng đáng là nơi nương tựa cho chúng sanh trong ba cõi. Tuy nhiên, Tăng-già gồm những vị đạo cao đức trọng và cũng có những người mới tu tập, cho nên không thể không có pháp hữu lậu phát sinh nhưng điều đó chỉ mang tính cách cá nhân, còn bản chất của Tăng-già là phải thanh tịnh và hoà hợp. Giá trị cao quý của Tăng-già là truyền dạy Chánh pháp cho chúng sanh, nhờ Tăng mà Chánh pháp tồn tại và chúng sanh được tu học. Chính vì Tăng-già là nơi nương tựa, học hỏi gần gũi nhất và là tấm gương sáng về đạo hạnh, làm tròn sứ mạng người con Phật, cho nên Tăng-già là quý báu, là nơi đáng tin cậy cho hàng cư sĩ Phật tử tại gia nương tựa.

3.1.2. Ý nghĩa thọ trì Ngũ giới

          Kinh Tứ Thập Nhị Chương, chương 37. Phật dạy: “Người Phật tử dù cách Ta ngàn dặm, nhưng luôn luôn hành trì Giới-luật, tất nhiên sẽ chứng đạo quả. Trái lại, người Phật tử ở cạnh Ta, thường thấy Ta, nhưng không giữ giới, kết quả rốt cuộc cũng không đắc được đạo quả.” Người Phật tử tại gia phát tâm quy y Tam bảo, là đã đặt niềm tin vững chắc vào con đường giải thoát, giác ngộ nhưng nếu người Phật tử không giữ gìn năm giới thì chỉ dừng chân tại chỗ, không thể tiến đến chân trời giải thoát thật sự. Năm giới không những là nền tảng cho con đường dẫn đến an lạc hạnh phúc cá nhân mà nó còn là giềng mối chắc thật đem lại trật tự, an vui và hoà bình cho gia đình, quốc gia, xã hội. Có thể nói rằng năm giới là đạo lý luân thường, là nguyên tắc đạo đức căn bản mà ai ai cũng cần phải giữ gìn.

          Năm giới là năm điều ngăn cấm mà đức Phật chế ra để ngăn chặn những tư tưởng, những hành động, những lời nói có hại cho chính bản thân và những người xung quanh. Năm giới gồm: Không được giết hại; không được trộm cướp; không được tà dâm; không được vọng ngữ và không được uống rượu. Năm điều này được căn cứ trên tinh thần từ bi và bình đẳng của nhà Phật. Giữ giới là sự tự nguyện của mỗi người, đức Phật không bắt buộc một ai phải triệt để tuân theo và cũng không hăm doạ sẽ trừng phạt nếu không giữ gìn năm giới. Tuy nhiên, luật Nhân quả là cán cân công lý công bằng nhất đối với người giữ giới hay không giữ giới. Người làm ác thì nhận lãnh quả xấu, người làm thiện chắc chắn được quả lành.

1. Không được giết hại: Pháp cú số 129, Phật dạy: “Tất cả mọi người đều sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quí mạng sống; hãy lấy mình làm ví dụ để không giết hại hay khiến người khác giết hại.” Đức Phật khuyên người Phật tử không được giết hại, không những loài người mà những loài hữu tình khác cũng nên tôn trọng sanh mạng của chúng. Đạo Phật khuyên người Phật tử không được giết hại vì những lý do sau: (1). Tôn trọng Phật tánh bình đẳng: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.” Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh bình đẳng như nhau nhưng vì vô minh mà trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi, có muôn hình, vạn dạng khác nhau. Và, những chúng sanh ấy cũng có khi đã từng là thân bằng quyết thuộc của chúng ta. (2). Tôn trọng sự công bằng: Mọi loài đều ham sống sợ chết, người thì có kẻ cao người thấp, kẻ đen người trắng; con vật thì con mạnh, con yếu nhưng tất cả đều sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quý mạng sống của mình. (3). Nuôi dưỡng lòng Từ bi: Đạo Phật là đạo Từ bi và Trí tuệ. Người Phật tử muốn đi trên con đường thánh thiện, con đường giác ngộ giải thoát và thực hành hạnh lợi tha thì không thể không nuôi dưỡng lòng Từ bi. (4). Tránh nhân quả xấu ác: “Gieo nhân nào thì gặt quả nấy.” Khi người ta giết hại một sanh mạng, vì trong lúc thế cô sức yếu, nó không chống cự lại được nhưng lòng căm thù, oán hận không bao giờ mất. Kẻ bị giết hại ôm lòng hận thù từ đời này sang đời khác, luôn luôn rình rập chờ cơ hội để báo thù lúc người giết hại lâm vào cảnh khốn cùng. Cứ như thế mà chúng sanh vay trả xoay vần trong sáu nẻo luân hồi, không biết ngày nào ra khỏi.

Trái lại, người Phật tử không những giữ giới không giết hại loài người và loài vật mà còn giúp đỡ người nghèo khổ, phóng sanh, thì sẽ được quả lành như: Sức khoẻ dồi dào, ít hay đau bệnh, thân tâm an lạc, mọi người yêu kính, mạng sống lâu dài, thường hưởng phước đức ở cõi trời, cõi người. Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo nói: “Tất cả chúng sanh đều kính mến; lòng từ bi mở rộng đối với tất cả chúng sanh; trừ sạch thói quen giận hờn; thân thể thường được khoẻ mạnh; tuổi thọ được lâu dài; thường được thiên thần hộ trợ; ngủ ngon giấc và không chiêm bao dữ; trừ hết các mối oán thù; khỏi bị đoạ vào ba đường ác và sau khi chết được sanh lên cõi trời” [32, tr. 278-279].

          2. Không được trộm cướp: Đức Phật dạy người Phật tử không được lấy tài sản của người khác khi chưa có sự đồng ý của họ. Hành động “lấy tài sản” ở đây rất nhiều khía cạnh như: Lén lấy, cướp giật, gian lận, lường gạt, ép buộc hay cậy quyền thế làm tiền kẻ yếu, cho vay nặng lãi đều là trộm cướp cả. Chúng ta có sở hữu tài sản riêng, luôn giữ gìn một cách cẩn thận mà lại muốn chiếm đoạt tài sản của người khác là một việc làm trái lẽ công bằng. Thử nghĩ, khi chúng ta vô ý đánh mất tiền bạc hoặc một vật gì đáng giá thì chúng ta hối tiếc đến nỗi ăn không ngon, ngủ không yên. Vậy, tại sao chúng ta nhẫn tâm lấy tài sản của người khác, để họ than khóc, khổ đau và có khi những bi kịch xảy đến với họ. Chỉ có những người thiếu đạo đức, kém văn hoá mới hành động như vậy. Giới không được trộm cướp giúp người Phật tử có cuộc sống trong sạch, chơn chánh và không gây khổ đau cho người khác. 

“Khoét vách đào tường chí những đâu,

Ngàn mưu trăm kế luống tham cầu.

Của người dù có đời này được,

Đời khác luôn mang kiếp ngựa trâu.”

                                        (Trần Thái Tông)

          Người Phật tử vì lẽ công bằng, vì lòng từ bi và giữ gìn nhân cách của mình mà không được trộm cướp. Người Phật tử giữ gìn giới không trộm cướp tài sản của người khác mà còn thương xót, giúp đỡ, bố thí cho kẻ nghèo, người đói, thì sẽ được mọi người kính yêu, đạo hạnh tăng trưởng và có cuộc sống sung túc.  Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy: “Tiền của có dư, không bị nạn giặc giã cướp mất, chính quyền không tịch thu, không bị nạn lụt trôi, không bị lửa cháy và con cái phung phí; được nhiều người tin cậy, không bị lừa dối gạt gẫm; xa gần đều khen ngợi lòng ngay thẳng của mình, lòng được an ổn, không lo sợ về sự tổn hại gì cả; khi chết rồi được sanh lên cõi trời” [32, tr 280-281].

          3. Giới không tà dâm: Giới không tà dâm hay còn gọi là không tà hạnh, có nghĩa là không được ngoại tình. Ngoại trừ vợ chồng đã được cưới hỏi, còn lại những hành động chung chạ với người khác hay làm những việc tư tình phá hoại hạnh phúc gia đình người khác đều là tà dâm. Tuy nhiên, vợ chồng mà ăn nằm không phải chỗ, sống không biết chừng mực, không biết liêm sỉ cũng được xem như tà dâm. Đức Phật sở dĩ chế giới không được tà dâm là muốn cho người Phật tử có cuộc sống an lành, hạnh phúc của gia đình mình và gia đình người khác.

“Ai sống trong đời này,

Bị ái dục buộc ràng,

Sầu khổ sẽ tăng trưởng,

Như cỏ Bi gặp mưa.

Ai sống trong đời này,

Ái dục được hàng phục,

Sầu rơi khỏi người ấy,

Như giọt nước lá sen.”

                                                                   (PC-335-336)

          Kinh Thập Thiệp Nghiệp Đạo nói: “Người không tà dục và giữ gìn tịnh hạnh sẽ được bốn điều lợi: Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) được vẹn toàn; đoạn trừ hết những sự phiền não, quấy nhiễu; không ai dám xâm phạm vợ chồng con cái; được tiếng tốt và người đời khen ngợi” [32, tr. 281-282].

          4. Không được vọng ngữ: Vọng ngữ có bốn cách khác nhau: Nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác. Nói dối là chuyện không nói có, chuyện có nói không; chuyện nghe nói không nghe, chuyện không nghe, nói nghe hoặc khen trước mặt, chê sau lưng. Tóm lại, những lời nói không đúng sự thật đều thuộc về nói dối cả. Nói lời thêu dệt là việc ít xít ra nhiều, trau chuốt lời nói, nói lời ngọt ngào êm tai để dụ dỗ người khác làm lợi cho mình, đôi khi nói lời châm biếm khiến người khác sân hận. Nói lưỡi hai chiều là trước mặt khen sau lưng chê, cùng một sự kiện nhưng tới người này khen, tới người kia lại chê, khiến đôi bên bất hoà, giận hờn thù oán nhau. Nói lời thô ác là lời nói độc ác, chửi mắng, thề nguyền làm người khác sợ hãi, buồn rầu khổ đau. Đạo Phật là đạo như thật, người Phật tử thì phải tôn trọng sự thật, y theo lời Phật dạy không được nói dối. Vì động lực của mọi sự dối trá đều bắt nguồn từ lòng tham lam, ích kỷ và ganh tỵ muốn hại người để thoả mãn dục vọng của mình. Bên cạnh đó, người nói dối còn đánh mất niềm tin với mọi người xung quanh.

          Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo nói: Người Phật tử không nên nói vọng ngữ mà phải nói lời chơn thật thì được những lợi ích như sau: “Miệng thường thơm sạch; thế gian và nhân, thiên đều kính mến; lời nói không nhầm lẫn và vui vẻ; trí tuệ thù thắng; được hưởng phước lạc như ý nguyện và ba nghiệp đều trong sạch” [32, tr. 283].

5. Không được uống rượu hoặc tất cả các loại men làm say nghiện: Đạo Phật là con đường sáng, con đường của trí tuệ. Cho nên, đức Phật khuyên hàng Phật tử không được uống rượu hoặc ép người khác uống. Vì rượu khiến cho thân thể bệnh hoạn, yếu ớt; tâm thần hôn muội, làm cho hạt giống trí tuệ ngày càng mai một. Hơn nữa, nếu người uống rượu tâm thần bất định, không làm chủ được bản thân, sẽ dẫn đến những hành động vô cùng nguy hiểm cho mình và mọi người như: Giết người, trộm cướp, tà dâm .v.v. Như vậy, người uống rượu không những tự mình chuốc lấy bệnh tật, tai ương mà còn gây cho người khác phiền não khổ đau, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người thân trong gia đình và dòng họ.

 Tóm lại, bất cứ người nào không tôn trọng, không giữ gìn năm nguyên tắc đạo đức căn bản này thì họ tự làm hại chính mình, tự đánh mất nhân cách chính mình và cũng tự đào mồ chôn chính mình.

“Ai ở đời sát sanh,

Nói láo không chân thật,

Ở đời lấy không cho,

Qua lại với vợ người.

Uống rượu men, rượu nấu,

Người sống đam mê vậy,

Chính ngay tại đời này,

Tự đào bới gốc mình.”

                                                                       (PC-246-247)

3.2. Phương pháp tu tập trong đời sống gia đình

3.2.1. Tu tập Tứ Nhiếp Pháp

          Người Phật tử thực hành theo lời Phật dạy, thứ nhất là đạt được an lạc hạnh phúc cho bản thân (Tự lợi), thứ hai là làm lợi ích cho gia đình và xã hội (Lợi tha). Pháp môn tu tập cụ thể, thiết thực và vô cùng lợi ích trong khi thực hành công hạnh lợi tha, không gì bằng Tứ nhiếp pháp. Đặc biệt Tứ nhiếp pháp là nguyên tắc ứng dụng thành công nhất trong việc lãnh đạo, cho dù là ở trong gia đình hay quần chúng tập thể ngoài xã hội. Có một lần đức Phật hỏi gia chủ Hatthaka rằng: “Này Hatthaka, hội chúng này thật lớn. Làm sao, này Hatthaka, Ông thâu nhiếp được hội chúng này?”

          Cư sĩ Hatthaka trả lời rằng: “Bạch Thế Tôn, có bốn nhiếp pháp này được Thế Tôn thuyết giảng. Con thâu nhiếp hội chúng này với những nhiếp pháp ấy. Bạch Thế Tôn, khi con biết rằng: Người này cần phải thâu nhiếp nhờ bố thí, thì con thâu nhiếp người ấy với bố thí. Khi con biết rằng: Người này cần phải thâu nhiếp nhờ ái ngữ, thì con thâu nhiếp người ấy với ái ngữ. Khi con biết rằng: Người này cần phải thâu nhiếp nhờ lợi hành, thì con thâu nhiếp người ấy với lợi hành. Khi con biết rằng: Người này cần thâu nhiếp nhờ đồng sự, thì con thâu nhiếp người ấy với đồng sự. Vả lại, bạch Thế Tôn, trong gia đình con có tài sản, họ nghĩ rằng như vậy không thể được nghe là một người bần cùng” [5, tr 582-583].

          Vậy Tứ Nhiếp Pháp là gì? Đó là bốn phương pháp làm lợi lạc chúng sanh, nhiếp hoá chúng sanh quay về nương tựa Tam bảo, tu tập theo Giáo pháp của Phật-đà.

          1. Bố thí nhiếp: Nỗi khổ lớn nhất của loài người hiện nay là gì? Không ngoài hai lý do: Thứ nhất là thiếu thốn về mặt vật chất, điều kiện sống cần thiết nhất của con người. Thứ hai là sự ngu muội về tinh thần, luôn luôn sợ hãi, lo lắng và ích kỷ với đồng loại; đặc biệt là tà kiến về các pháp. Đạo Phật là đạo Từ bi, luôn mong muốn cứu giúp chúng sanh thoát ra khỏi cảnh khổ đau thì Bố thí là phương tiện tối ưu nhất.

Bố thí về vật chất (Tài thí), là người Phật tử nếu có điều kiện thì nên cung cấp lương thực, thuốc thang, áo quần, nhà cửa cho người nghèo khổ, người thiếu thốn. Như vậy, người Phật tử không những nuôi dưỡng lòng Từ bi mà còn tu tập công hạnh xả ly, làm lợi ích cho mọi người. Người Phật tử không thể làm ngơ, an nhiên hưởng thọ vui sướng của riêng mình trước sự khó khăn, thiếu thốn của những người xung quanh. “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, người Phật tử nên chia sẻ với đồng loại của mình, dù là một chén cơm, một mảnh áo cũng đã thể hiện tấm lòng thương người của người con Phật.

Bố thí Pháp (Pháp thí), là người Phật tử phải có bổn phận tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người chưa hiểu biết về Phật pháp, tiếp xúc được với những lời Phật dạy, nếu có khả năng thì tự mình hướng dẫn họ tu tập, còn không thì giới thiệu họ đến chùa chiền, thiền viện gặp chư Tăng để được hướng dẫn.

Bố thí sự vô uý (Vô uý thí), là người Phật tử tu tập theo Chánh pháp thì phải thể hiện tinh thần Bi-Trí-Dũng của đạo Phật. Người Phật tử luôn luôn bình tĩnh, can đảm, bảo vệ mọi người; giúp họ không sợ hãi, lo lắng khi đối diện với những tà pháp, ác pháp và những thế lực hung tàn.

          2. Ái ngữ nhiếp: Tục ngữ có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Người Phật tử, dù ở địa vị nào cũng phải nói lời tao nhã, dịu dàng, dễ nghe không nên nói lời cộc cằn, thô tục. Người Phật tử sống có gia đình thì phải luôn luôn tạo hoà khí giữa các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, để tạo niềm hạnh phúc an vui cho mình và mọi người. Điều đó khiến mọi người cảm phục, yêu mến phẩm hạnh, nhân cách của một người Phật tử chân chánh.

“Nói lên lời ôn hoà,

Lợi ích và chân thật,

Không mất lòng một ai,

Ta gọi là Bà-la-môn.”

                                                            (PC- 408)

          3. Lợi hành nhiếp: Người Phật tử nên làm những việc đem đến lợi ích thiết thực cho mọi người bằng ý nghĩ, lời nói và hành động. Vì vậy, người Phật tử phải siêng năng làm những công việc có ích lợi cho mọi người tuỳ theo khả năng của mình, không đòi hỏi người Phật tử phải có nhiều vật chất và tiền tài mới làm được. Điều đó sẽ khiến cho mọi người sanh lòng kính phục, tin tưởng và yêu mến người Phật tử hơn. Từ đó, người Phật tử dần dần hướng dẫn họ học đạo, tu tập theo con đường giải thoát, giác ngộ của đạo Phật.

          4. Đồng sự nhiếp: Đồng sự có nghĩa là cùng làm việc, cùng chí hướng và cùng mục đích với mọi người. Nói đúng hơn, đồng sự nhiếp là tuỳ theo căn cơ, hoài bão, địa vị, nghề nghiệp của chúng sanh mà người Phật tử nên dấn thân vào, cộng tác với họ, để giúp đỡ họ trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp. Một mặt là người Phật tử nêu tấm gương sáng về đạo hạnh trong cuộc đời, mặt khác thuyết phục họ rời xa những tà kiến, tà đạo mà tu hành theo con đường Chánh pháp của đức Phật.

3.2.2. Tu tập Bát Thánh Đạo

          Đức Đạt-lai-lạt-ma nói rằng: “Trong thế gian, đôi khi người ta nhân danh tôn giáo để tiến hành một cuộc chiến tranh. Điều này xảy ra khi ta dùng tôn giáo như là một nhãn hiệu chứ thật sự không sử dụng ý nghĩa của nó cho sự tu tập.” Là một người Phật tử thì phải hiểu biết về lời Phật dạy và tu tập theo đúng tinh thần đạo Phật dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Như chúng ta đã biết, sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật ngày nay như là một sự kết tinh trí tuệ của con người, chúng đang phô diễn, biểu lộ tất cả những gì đẹp đẽ nhất, văn minh nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng trong nền văn minh hiện đại mà chúng ta đang thừa hưởng thì cũng không ít cảnh đau thương tang tóc xảy ra hằng ngày. Chúng ta có thể nói rằng, cuộc sống ngày càng văn minh bao nhiêu thì tình trạng suy đồi đạo đức, gia tăng bạo động, chiến tranh khủng bố, thiên tai lũ lụt xảy ra càng nặng nề bấy nhiêu. Trước thảm cảnh đau thương trên khắp hành tinh, người có lương tri, có trái tim nhân hậu không thể không bùi ngùi xúc động và trầm tư về thân phận con người.

          Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện cách đây hơn 2550 năm, Ngài tuyên bố rất nhiều trong các Kinh tạng Nikàya và A-hàm rằng: “Này các Tỳ-kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và con đường diệt khổ” [7, tr. 140] hay “Một người, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác” [3, tr. 46]. Chính vì vậy, cuộc đời còn phiền não khổ đau thì đạo Phật còn có giá trị, những lời Phật dạy còn giúp ích cho đời. Kim ngôn của Ngài là kim chỉ nam, là thuyền Bát Nhã đưa chúng sanh vượt thoát sanh tử luân hồi và đạt được an lạc hạnh phúc chân thật.

          Khổ là chân lý phổ biến và bao quát trong đời ở bất cứ thời gian và không gian nào. Cuộc sống của chúng ta là hiện thân của khổ đau mà ai ai cũng hơn một lần là nạn nhân hoặc là cảm nhận từ cuộc đời. Điều cốt yếu là con người có chấp nhận sự thật này hay là chạy trốn thân phận như kẻ tội phạm đang bị bao vây, truy lùng của pháp luật. Pháp luật ấy không đâu khác chính là luật Nhân quả, Nghiệp báo, sanh, già, bệnh, chết...

          Con đường mà đức Thích Ca để lại cho nhân loại là linh dược cho người bệnh, là ngọn đèn sáng cho kẻ đi đêm, là khuôn vàng thước ngọc cho mọi luân lý đạo đức, giúp con người đạt được một lẽ sống cao đẹp Chân-Thiện-Mỹ. Phương pháp ấy là con đường Trung đạo, là phương thức thực hành để đạt được an lạc hạnh phúc thiết thực trong đời sống hiện tại và cao hơn là hạnh phúc tuyệt đối Niết-bàn. Con đường này được gọi là Trung đạo bởi vì nó tránh xa hai cực đoan: Cực đoan thứ nhất là chạy theo hạnh phúc qua khoái lạc giác quan, vốn thấp kém tầm thường và không lợi ích. Cực đoan thứ hai là sự tìm cầu hạnh phúc qua sự ép xác khổ hạnh, vốn đau khổ, không giải thoát sanh tử. Đức Phật quan sát kỹ cuộc đời, Ngài thấy rõ khổ đau đang hiện hữu trong mỗi chúng sanh, đang thống trị trên tâm tư tình cảm con người. Và chỉ có con đường Trung đạo mới có khả năng giúp con người dập tắt khổ đau, giải thoát khỏi ách thống trị của ngã chấp. Con đường Trung đạo, Bát thánh đạo còn được gọi là con đường Thánh gồm tám chi: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

          Chánh kiến: Thấy và hiểu đúng đắn, sáng suốt hợp với đạo đức xã hội và nguyên lý cuộc đời. Nhận thức đúng về thiện ác, về bản chất của sự vật là vô thường, vô ngã, duyên sinh. Phật dạy: “Khi vị Thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện và căn bản của bất thiện, tuệ tri được thiện và căn bản của thiện, này chư Hiền, khi ấy vị Thánh đệ tử có chánh kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Chánh pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này” [7, tr. 112]; “ Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri Khổ, tuệ tri Tập khởi của khổ, tuệ tri Đoạn diệt khổ, tuệ tri được Con đường đưa đến đoạn diệt khổ, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Chánh pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp” [7, tr. 116].

Chánh kiến có hai loại: “Chánh kiến hữu lậu có sanh y là thấy có bố thí, có cúng dường, có lễ hy sinh, có quả báo các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời khác, có mẹ, có cha, có các loại hoá sanh, ở đời có các bậc Sa-môn, như vậy là chánh kiến hữu lậu. Ngược lại là tà kiến. Chánh kiến vô lậu, siêu thế, không sanh y là phàm cái gì thuộc tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến, đạo chi của một vị thành thục Thánh đạo A-la-hán, có vô lậu tâm, chánh kiến như vậy là chánh kiến vô lậu, siêu thế” [9, tr. 207].

          Chánh tư duy: Là suy nghĩ chân chánh, đầu óc không suy nghĩ điều bất thiện như: Tham dục, sân hận, si mê hay hại tâm... chánh tư duy là hướng tâm về Chánh pháp, tư duy về Tứ đế, Bát Thánh đạo, Duyên khởi, Vô ngã...Pháp cú 21& 22, Phật dạy:

“Không phóng dật đường sống

Phóng dật là đường chết.

Không phóng dật không chết,

Phóng dật như chết rồi.”

“Biết rõ sai biệt ấy,

Người trí không phóng dật,

Hoan hỷ không phóng dật,

An vui hạnh bậc thánh.”

Tư duy có hai loại: “Tư duy hữu lậu thì rơi vào phước báo, đưa đến quả sanh y (có nhân để tái sanh), gồm có tư duy xuất ly (xuất ly tư duy), tư duy để vô sân (vô sân tư duy), tư duy để vô hại (vô hại tư duy). Tư duy để rơi vào tham ái, sân hận và tác hại là tà tư duy. Tư duy vô lậu là phàm cái gì thuộc tư duy, tầm cầu tư duy, một ngữ hạnh nào đó hoàn toàn chú tâm, có Thánh tâm, chánh tư duy như vậy gọi là chánh tư duy vô lậu, siêu thế” [9, tr. 208].

          Chánh ngữ: Là lời nói chân chánh, đúng sự thật, không nói những lời đưa đến khổ đau, chia rẽ tình người; phải nói những lời yêu thương, đưa đến tin tưởng, đoàn kết và lợi ích. Phật dạy: “Chánh ngữ hữu lậu thì thuộc về phước báo sanh y gồm những lời viễn ly vọng ngữ, viễn ly ác khẩu, viễn ly nói hai lưỡi, viễn ly lời phù phiến. Chánh ngữ vô lậu thuộc về từ bỏ, từ khước bốn ngữ hạnh ác hành trên thuộc bậc thánh, thuần thục trong chánh đạo có vô lậu tâm” [9, tr. 208].

          Chánh nghiệp: Là hành vi, việc làm chân chánh, nghĩa là nghề nghiệp chơn chánh, không có hành vi giết hại, trộm cướp, hành dâm phi pháp. Thực hành sự thương yêu, cứu giúp, không có ham muốn thú vui bất thiện. Phật dạy:  “Chánh nghiệp hữu lậu thuộc phước báo sanh y gồm từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục; chánh kiến vô lậu là cái gì thuộc từ bỏ, đoạn trừ, khước từ ba thân ác hạnh của một vị Thánh thuần thục trong thánh đạo” [9, tr. 210].

          Chánh mạng: Là sự sống chân chánh, nghĩa là sinh sống lương thiện, không vì mạng sống mà sống bằng những phương tiện thiếu lương tâm, thiếu đạo lý như xem bói, đoán số, buôn người, bán thánh... gây tổn hại cho mình và người. Đức Phật dạy: “Chánh mạng hữu lậu thuộc phước báo sanh y, gồm từ bỏ tà mạng, từ bỏ nuôi sống với tà mạng, sống với chánh mạng. Ngược lại là tà mạng; cái gì thuộc từ bỏ, từ đoạn, từ khước tà mạng của bậc thánh thuần thục trong Thánh đạo có vô lậu tâm gọi là chánh mạng vô lậu” [9, tr. 210].

Chánh tinh tấn: Là sự cố gắng chân chánh, sự chuyên cần không thối chuyển để thực hành những thiện pháp. Tinh tấn nỗ lực đoạn trừ tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà niệm, tà định để thực hành chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm và chánh định; gọi là chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn cũng có hữu lậu và vô lậu.

“Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn

Không gì bằng trí tuệ của đời ta

Sống điêu linh trong kiếp sống Ta Bà

Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả.”

Chánh niệm: Là nhớ tưởng chân chánh, không nhớ nghĩ điều bất thiện, không để cho các pháp bất thiện dẫn dắt, nghĩa là dùng các niệm tưởng đoạn trừ tà kiến, tà ngữ, tà mạng, tà nghiệp, đạt được sự an trú vào chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp. Chánh niệm cũng có hai loại: Hữu lậu và vô lậu.

“Nỗ lực, giữ chánh niệm

Tịnh hạnh hành thận trọng

Tự điều, sống theo pháp

 

Ai sống không phóng dật

Tiếng lành ngày tăng trưởng.”

                                                 (PC-24)

          Chánh định: Là sự tập trung chân chánh, tâm thức không bị rối loạn, dao động mà luôn luôn tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất để quán sát đối tượng ấy, làm cho tâm thức an tịnh và phát triển trí tuệ.

“Người hằng tu thiền định

Thường kiên trì tinh tấn

Bậc trí hưởng Niết-bàn

Tức an tịnh vô thượng.”

                                               (PC-23)

Chánh định là phải có cận duyên và tư trợ. “Thế nào là Thánh chánh định với các cận duyên và tư trợ? Chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm. Này các Tỳ-kheo, phàm có nhất tâm nào được tư trợ với bảy chi phần này, như vậy, gọi là Thánh chánh định cùng với các cận duyên và tư trợ” [9, tr. 205].

          Tam tạng Thánh điển của đạo Phật là một lộ trình giải thoát khổ đau. Lộ trình ấy được khái quát thành 37 phẩm trợ đạo. Kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, đây là những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy, các con phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập, truyền bá rộng rãi để Chánh pháp được trường tồn, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Đó là Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần và Bát thánh đạo”. Trong 37 phẩm trợ đạo thì Bát thánh đạo được xem là căn bản nhất của con đường giải thoát khổ đau. Trong Bát thánh đạo, chánh kiến được xem là khởi đầu cho lộ trình giải thoát sanh tử luân hồi và đạt được an vui hạnh phúc. Phật dạy: “Do có chánh kiến, chánh tư duy khởi lên; do có chánh tư duy, chánh ngữ khởi lên; do có chánh ngữ, chánh nghiệp khởi lên; do có chánh nghiệp, chánh mạng khởi lên; do có chánh mạng, chánh tinh tấn khởi lên; do có chánh tinh tấn, chánh niệm khởi lên; do có chánh niệm, chánh định khởi lên; do có chánh định, chánh trí khởi lên. Như vậy, này các Tỳ-kheo, đạo lộ của vị hữu học gồm có tám chi phần, và đạo lộ của vị A-la-hán gồm có mười chi phần” [9, tr. 211].

          Bát thánh đạo cũng có thể trình bày dưới hình thức Tam vô lậu học, giáo lý cốt tuỷ của đạo Phật, nói đến đạo Phật là nói đến Giới-Đinh-Tuệ. Chỉ có Giới-Định-Tuệ mới có khả năng đoạn trừ phiền não khổ đau, giải thoát sinh tử, chứng đạt Niết-bàn. Chánh kiến, chánh tư duy thuộc về Tuệ; chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về Giới; chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc về Định. Đó là sự thống nhất xuyên suốt của Chánh pháp. Giáo lý Phật-đà trước sau như một, không có trái nghịch nhau. Đức Phật dạy: “Này Pahàràda, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật này cũng chỉ có một vị là vị giải thoát” [5, tr. 563] hoặc Luật tạng, Đại Phẩm (Mahavagga) có viết rằng: “Này các Tỳ-kheo, Chánh pháp toàn thiện ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, trong cả ý tứ và lời văn. Hãy tuyên bố về cuộc sống toàn thiện và thanh tịnh”.

          Chúng ta thực hành Bát thánh đạo là chúng ta đang đi trên con đường Trung đạo, thực hành Trung đạo nghĩa là đang thể hiện lối sống lành mạnh an vui, tránh xa hai cực đoan: Tham đắm dục lạc thấp kém và tu hành khổ hạnh. Lối sống ấy không dành riêng cho một tầng lớp nào hay một thành phần nào; dù là Phật tử hay không là Phật tử nếu thực hành Pháp này, đi trên lộ trình này đều có an lạc giải thoát. Giáo sư sử học Dhys Davids phát biểu: “Là Phật tử hay không Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra rằng không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt của Bát thánh đạo và Tứ Diệu đế của đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó” [26, tr. 51]. Và Giám Mục Milman nói rằng: “Tôi càng ngày càng cảm thấy đức Thích Ca Mâu Ni gần gũi nhất trong tính cách và ảnh hưởng của Ngài; Ngài là đường lối, là chân lý, là lẽ sống” [26, tr. 43].

          Một câu hỏi được đặt ra: Thực trạng cuộc sống ngày nay như thế nào? Chúng ta có thể cảm nhận sự khổ đau, sự bế tắc của con người hiện hữu trong bài thơ của Ôn Như Hầu:

“Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán

Chết đuối người trên cạn mà chơi

Lò cừ nung nấu sự đời

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”.

Cuộc sống nội tại của con người thì khổ đau, lo lắng, bất an luôn luôn hiện hữu trong ý thức của mình. Khổ vì sanh, già, bệnh, chết, sầu bi, ưu não, oán gặp nhau, ái biệt ly, cầu không được và khổ đau vì loài người đang tự huỷ diệt chính mình “Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán, chết đuối người trên cạn mà chơi”. Nhà thơ ngán ngẫm sự đời, ngán với sự tinh nghịch của“Trẻ tạo hoá”; con người không những chết đuối ở biển khơi mà còn chết đuối ngay trên cạn, là môi trường sống của con người. Phải chăng sự đời bị nung nấu bởi lò lửa tham lam, sân hận đến nỗi hình ảnh đám mây “vân cẩu” cũng vẽ lên một bức tranh tang thương của con người. Đó là chân lý về khổ trong Tứ diệu đế, “Đây là Thánh đế về khổ, này các Tỳ-kheo, sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi ưu não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại năm thủ uẩn là khổ” [20, tr. 184].

Những vấn đề này, nguyên nhân do đâu? Do vì không hiểu rõ bản chất duyên sinh, vô ngã của vạn vật nên tham ái, chấp thủ sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Ta và của Ta. Chính vì chấp thủ như vậy mà con người tự gây khổ đau cho chính mình, chứ không có thượng đế hay thần linh nào ở thế giới bên ngoài gây cho con người đau khổ. Đây là chân lý về Tập đế trong Tứ diệu đế, “Đây là Thánh đế về khổ tập, này các Tỳ-kheo, chính là ái này, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, vô hữu ái” [20, tr. 184].

Sự an lạc, giải thoát khổ đau ở đâu? Ở nơi mà nguyên nhân gây ra khổ đau được đoạn diệt (Ái diệt tức Niết bàn). Nguyên nhân khổ đau là do tham ái, chấp thủ thì đoạn tận tham ái chấp thủ tức có an lạc, giải thoát ngay trong cuộc đời, trong chính bản thân mình, chứ không ở một phương trời nào khác. Đây là chơn lý về Khổ diệt trong Tứ diệu đế, “Đây là Thánh đế về khổ diệt, này các Tỳ-kheo, chính là sự đoạn diệt, ly tham không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước” [20, tr. 184].

Đạo đế là con đường Trung đạo, giúp con người chuyển hoá căn nguyên cội nguồn gây ra khổ đau cho chính mình là tham ái và chấp thủ; chuyển hoá tâm tham lam, sân hận và si mê, khởi nguyên của sự hiện hữu một chúng sanh, là nguyên nhân gây ra không biết bao cuộc đẫm máu trên trần thế này thành sự hiểu biết chân chánh về cuộc đời, về Giới-Đinh-Tuệ. Con người bị vô minh hay nói rõ hơn là tham ái, chấp thủ về “Ta” và “cái của Ta” thống trị trong từng tâm niệm nên không hiểu được việc làm nào là thiện, việc làm nào là bất thiện; không hiểu được giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo, Duyên khởi, Tứ đế… nên có những hành động điên rồ tự làm khổ cho mình và người. Đây là con đường đoạn diệt khổ đau, “Đây là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt, này các Tỳ-kheo, chính là con đường Thánh đạo tám ngành. Tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định” [20, tr. 185].

           Từ xưa cho đến nay, con người vẫn đã và đang giết đồng loại của mình chỉ vì bất đồng tư tưởng, bất đồng chính kiến, bất đồng tôn giáo…Điều này được thể hiện rõ qua sự căng thẳng giữa các nước khác tôn giáo với nhau; giữa những nhà cầm quyền độc tài với những người khát khao tự do hạnh phúc. Có những người tự cho rằng tư tưởng, chính kiến, tôn giáo của mình đang theo là chân lý, còn của người khác là tà kiến, điều đó cần phải được xem xét lại. Vì tôn giáo hiện nay cần phải thuyết minh bằng khoa học và không thành kiến. Đức Phật dạy hàng Phật tử nhìn nhận giáo lý của Ngài như sau: “Này chư Tỳ-kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỳ-kheo, các Ông cần phải hiểu ví dụ cái bè…Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống hồ nữa là phi pháp” [7, tr. 307]. Vua Asoka là một Phật tử thuần thành của Phật giáo, đã thấm nhuần tư tưởng từ bi, khoan dung đối với mọi tôn giáo và có nhiều lời phát biểu bất hủ mà cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị: “Ta không nên chỉ tôn vinh tôn giáo riêng của mình và chỉ trích các tôn giáo khác. Ta nên kính trọng tôn giáo của người khác vì lý do này hay lý do nọ. Làm như vậy, ta đã giúp đỡ tôn giáo của chính mình phát triển và cũng là giúp ích tôn giáo khác. Hành động ngược lại, ta đã đào huyệt cho tôn giáo của chính mình và cũng làm hại cho tôn giáo khác” [26, tr. 87]. Với những căn bệnh Vô minh của chúng sanh mới nhầm lẫn giữa chiếc bè với bờ, phương tiện với cứu cánh. Nguyệt San số 5 báo Liên Hoa, trong bài Bệnh Cuồng Tín của Tịnh Như viết rằng: “Chân lý là chân lý không phải của riêng ai. Tại sao muốn qua sông, ta phải ép buộc người khác dùng thuyền, trong lúc đó, còn có bao nhiêu phương tiện khác. Ta nhân danh gì, thượng đế, giáo hội hay đức Phật mà phá hoại mọi phương tiện chuyên chở của đồng loại cùng hướng đến chân lý để chỉ độc quyền có mỗi một phương tiện của riêng ta. Xã hội tự do và văn minh đâu phải là một thị trường để tiêu thụ tín ngưỡng như tiêu thụ một món hàng”. Chính vì loài người không có chánh kiến về thế giới, về con người là vô thường, vô ngã, duyên sinh nên chấp thủ dẫn đến khổ đau, “Này các Tỳ kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt bốn pháp mà ta và các ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Thế nào là bốn? Này các Tỳ kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt thánh giới...không chứng đạt thánh định...không chứng đạt thánh tuệ...không chứng đạt thánh giải thoát mà ta và các ngươi phải trôi lăn trong biển sanh tử” [1, tr. 615].

 Chánh kiến, chánh tư duy....chánh định hay Giới-Định-Tuệ là suối nguồn của an lạc giải thoát, là bến bờ của đời sống cao đẹp Chân-Thiện-Mỹ. Chúng ta hiểu biết chân chánh, suy nghĩ chân chánh và hành động chân chánh thì thế giới này sẽ được thanh bình biết bao! Nói đúng hơn, Bát thánh đạo là con đường thực hành giới hạnh, luân lý đạo đức tự thân của mỗi người. Một người có chánh kiến, chánh tư duy thì sẽ hành trì giới luật: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối (chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng) đưa đến đời sống có giới hạnh, “Này Bà-la-môn, Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh. Giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Ở đâu có giới luật ở đó có trí tuệ. Ở đâu có trí tuệ ở đó có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ. Người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời” [1, tr. 222].

          Người Phật tử thực hành Bát thánh đạo tức là đang đi trên lộ trình Giới-Định-Tuệ. Người có Giới (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng), tức có Định và Tuệ. Người có Định (chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định), tức có Giới và Tuệ. Người có Tuệ (chánh kiến, chánh tư duy), tức có Giới và Định. Chính vì vậy, người tu tập Giới-Định-Tuệ chắc chắn sẽ giải thoát sanh tử, chứng đạt Niết-bàn,“Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu” [1, tr. 570].

               Như vậy, Bát thánh đạo là lộ trình đưa đến Thánh hạnh gồm tám chi phần, con người muốn có đời sống thánh thiện, giải thoát phiền não thì phải đi trên con đường chân chánh này, chứ Bát thánh đạo không phải là một học thuyết mang tính giáo điều, ân sủng cần phải được tôn thờ. Người nào có thực hành Bát thánh đạo tức người đó có lợi ích, xã hội nào thực hành Bát thánh đạo tức xã hội đó được bình an. Hiện nay, Bát thánh đạo là phương pháp hữu hiệu nhất để giải quyết những vấn đề khó khăn mà con người đang đối diện. Một xã hội thấy được thiện, ác; thấy được nhân quả nghiệp báo, con người trong xã hội ấy cùng nhau chỉ giữ năm giới của Phật giáo được trọn vẹn thì đã trở thành thiên đường hiện thực trên trần gian này. Chúng ta có thể khẳng định rằng: Bát thánh đạo không phá vỡ bất cứ một phong tục tập quán, văn hoá, tôn giáo nào của nhân loại mà Bát thánh đạo chỉ là phương pháp thực hành giúp con người gần gũi, hiểu biết và tôn trọng nhau mà thôi. Mọi người hãy cùng nhau tháo bỏ những nhãn hiệu vô ích đã gắn vào thân thể, ăn sâu vào tâm thức của mỗi người, để cùng thực hành những lời Thánh nhân, không chỉ đức Phật mà tất cả những lời dạy hữu ích cho an sinh xã hội. Từ đó, con người cảm thông và thương yêu nhau hơn trong đời sống gia đình; giữa các quốc gia, tôn giáo, đảng phái có tiếng nói chung cho nền hoà bình của thế giới.

Âm lịch

Ảnh đẹp