Đời sống Phật tử tại gia trong kinh Trường Bộ


Luận văn tốt nghiệp của Đại Đức Thích Lệ Liên
02/12/2010 19:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 10188
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1. Lý do chọn đề tài

     Người Việt Nam ta thường nói rằng: “Cây có cội mới đơm hoa kết trái, nước có nguồn mới toả khắp rạch sông.” Cũng vậy, mỗi người chúng ta đều có tổ tiên, ông bà, cha mẹ và sống trong một mái ấm gia đình. Nơi đó là suối nguồn của yêu thương và cũng là điểm khởi đầu hình thành mọi nhân cách, vì có lời giáo huấn của ông bà, cha mẹ. Chúng ta dù có đi đến tận chân trời góc bể, hết một kiếp người thì mái ấm gia đình vẫn là nơi thiêng liêng nhất trong cuộc đời. Điều gì đã khiến người ta cảm nhận, khắc sâu về hình ảnh gia đình, về quê hương đất nước? Phải chăng đó là tình thương trong gia đình. Một thứ tình yêu thương không vụ lợi, chỉ cho đi mà không cần nhận lại bao giờ. Cha mẹ, vợ chồng và con cái tự nguyện yêu thương nhau mà không cần nhắc nhở hay bảo ban. Tình yêu gia đình là một sức mạnh vô hình nối kết tất cả những thành viên trong gia đình thành một khối, để vượt qua những khó khăn thử thách và cùng nhau chia sẻ những niềm vui nỗi buồn.

          Gia đình không những là khoảng không gian riêng của mỗi con người mà còn là tế bào của xã hội. Giá trị truyền thống văn hoá của gia đình quyết định giá trị truyền thống văn hoá của một dân tộc. Tình yêu thương gia đình sẽ đưa đến tình yêu thương quê hương đất nước. Chính vì thế mà P. Bokentanô nói rằng: “Tình yêu gia đình là mầm mống duy nhất của tình yêu quê hương và của các nhân cách xã hội khác”. Chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả những tâm tư tình cảm, những nhân cách của nhân loại đều bắt nguồn từ tình thương trong gia đình. Có thể nói rằng: Gia đình là nhân tố duy nhất nuôi dưỡng mọi thứ tình yêu trên cuộc đời.

          Vấn đề đời sống gia đình hiện nay như thế nào? Đó là một câu hỏi khó có câu trả lời hoàn chỉnh. Đời sống gia đình là một thách thức thật sự khó khăn đối với con người hiện nay. Cha mẹ, vợ chồng, con cái không ít thì nhiều cũng có những vấn đề khó khăn riêng. Ngày nay đã qua cái thời “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” hay “Tam tòng tứ đức” của Nho giáo. Nếu xét một mặt nào đó thì nó là cổ hủ, bất công nhưng cũng không phải là vô ích đối với những người biết chọn lọc cái tinh tuý của nó. Ngày nay, cha mẹ gương mẫu, vợ chồng thương yêu, con cái hiếu thuận là một niềm mơ ước rất khó thực hiện của đại đa số. Ở đây, chúng ta không đổ lỗi hay chỉ trích một ai cả mà chỉ nói lên hiện thực cuộc sống hiện nay. Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, nhu cầu đời sống vật chất là một gánh nặng đối với con người. Cái nghèo vốn nó không có tội nhưng nghèo là nguy cơ gây ra tội lỗi, “bần cùng sanh đạo tặc.” Giàu sang cũng không có lỗi nhưng cách làm giàu bất chánh để thoả mãn, “lòng tham không đáy” của mình là một điều phi nhân bản. Đó là chưa nói đến người lắm tiền, nhiều của nên tìm những thú vui không làm mạnh, để rồi trở thành những gánh nặng cho gia đình và xã hội.

          Giá trị văn hoá dân tộc sẽ đi về đâu khi những giá trị truyền thống trong mỗi gia đình dần dần bị đổ vỡ? Tất cả những vấn đề xã hội hiện nay đều xuất phát từ đời sống gia đình. Chính vì tình trạng xuống cấp, xói mòn nền đạo đức trong gia đình mà cơ quan lớn nhất thế giới Liên Hợp Quốc chọn ngày 15 tháng 5 hằng năm là ngày quốc tế gia đình. Tổng thư ký đã phát biểu rằng: “Chúng ta quay trở lại những yếu tố cơ bản của xã hội loài người, nhằm hướng đến một chương trình rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn cho công bằng xã hội” [36, tr. 263]. Yếu tố cơ bản nhất của loài người vẫn là gia đình. Nếu chúng ta giải quyết được giữa các mối quan hệ trong gia đình một cách hài hoà, phát huy truyền thống yêu thương trong gia đình thì mọi vấn đề xã hội đều được giải quyết.

          Trước những vấn đề đó, Phật giáo đóng góp gì để giúp ổn định đời sống gia đình của tín đồ và góp phần an sinh xã hội? Vấn đề này, chúng ta hy vọng mọi người, mọi tổ chức tôn giáo hay phi tôn giáo hãy gỡ bỏ những thành kiến để tìm hiểu những lời dạy của đức Phật về đời sống gia đình. Không riêng gì những lời dạy của Ngài mà tất cả những giá trị chân lý của các bậc vĩ nhân đáng được nêu ra để giải quyết vấn đề.

          Đối với Phật giáo thì quần chúng Phật tử là vô cùng quan trọng trong việc duy trì và phát huy Đạo pháp. Phật giáo có hưng thịnh, vững chắc hay không, chúng ta không nên đánh giá qua số lượng chư Tăng-ni hay số lượng chùa chiền mà hãy nhìn thẳng vào đời sống của quần chúng ở tại xứ sở đó. Quần chúng không những là nền tảng của Phật giáo mà còn là nền tảng của quốc gia xã hội. Mạnh tử đã nói rằng: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” [31, tr. 1346]. Nguyễn Trãi đề xướng  “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” cho chúng ta thấy quần chúng ở nơi nào thì quyết định sự tồn vong, hưng thịnh của quốc gia xã hội nơi ấy. Phật giáo cũng không ngoại lệ, đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy đi vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh do lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người” [20, tr. 21]. Như vậy, đạo Phật xuất hiện ở đời vì mục đích đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông chứ không riêng một tầng lớp, một chế độ nào. Chính vì thế, quần chúng Phật tử cũng là một trong những yếu tố quan trọng cho sự tồn vong của Đạo pháp. Vậy, đời sống tại gia của người Phật tử như thế nào? Đức Phật đã dạy gì cho họ? Tâm tư nguyện vọng của họ là gì?  Đó là trọng trách những người tu sĩ chúng ta phải trả lời.

Ngày nay, chúng ta có phần quan tâm đến đời sống Phật tử tại gia nhưng chưa đúng mức, để điền vào khoảng trống mà bấy lâu đã bị bỏ quên. Những buổi lễ thọ Tam quy, Ngũ giới được tổ chức trong các chùa trên khắp cả nước; các buổi thuyết giảng thường diễn ra ở các thành thị, còn nông thôn thì xem Phật giáo như là tín ngưỡng dân gian. Những người Phật tử thọ Tam quy, Ngũ giới như là một thủ tục để thuận lợi khi có ma chay, cúng giỗ. Sự thật không được mấy người tiếp xúc với những lời dạy chân tình, đầy lòng bi mẫn mà đức Phật dành riêng cho đời sống Phật tử tại gia. Cho nên, người viết chọn đề tài “Đời sống Phật tử tại gia trong kinh Trường bộ” làm Luận văn tốt nghiệp, để góp một phần nhỏ giới thiệu những lời Phật dạy đến những người Phật tử tại gia. Thứ nhất để họ hiểu biết và tu tập theo đúng Chánh pháp, kế đến người viết muốn khẳng định đời sống Phật tử tại gia là vô cùng quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ Đạo pháp.

2. Mục đích nghiên cứu 

          Giới thiệu những lời Phật dạy về nghệ thuật sống trong gia đình cho người Phật tử tại gia.

          Hệ thống phương pháp tu tập cho người Phật tử tại gia để nuôi dưỡng tinh thần hoà thuận, yêu thương trong gia đình.

          Giáo dục đời sống đạo đức trong gia đình, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống văn hoá dân tộc.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

 Đối tượng nghiên cứu là đời sống gia đình. Phạm vi kinh Trường bộ và một vài kinh Nikàya có liên hệ với đề tài.

4. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn được dùng theo phương pháp phân tích vấn đề đã được nêu ra và bình luận vấn đề đó có hợp lý và lợi ích như thế nào trong thời đại ngày nay.

5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

          Tất cả tư liệu được trích dẫn một cách chính xác, nhận định vấn đề một cách khách quan và những quan điểm phải được hiểu và áp dụng một cách linh động tuỳ theo phong tục tập quán của mỗi vùng.

Những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc về đời sống gia đình dần dần bị đổ vỡ, đề tài giới thiệu những lời Phật dạy về đời sống gia đình cho mọi người, dù Phật tử hay không Phật tử thì vẫn có lợi ích thiết thực hiện tại trong đời sống gia đình và ngoài xã hội, nếu mọi người sống đúng theo tinh thần lời Phật dạy.

6. Cấu trúc của luận văn

          Luận văn gồm ba phần:

Phần một: Giới thiệu tổng quan đề tài: Nêu lên lý do chọn đề tài và ý nghĩa thực tiễn của đề tài.

Phần hai: Nội dung

Chương một: Nói lên thực trạng của đời sống gia đình hiện nay. Tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả của nó. Những phương pháp giải quyết vấn đề theo lẽ thường của mọi người. Và, nêu lên một vài hướng giải quyết theo tinh thần của Phật giáo.

Chương hai: Giới thiệu sơ lược về kinh Trường bộ, xây dựng các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội một cách hài hoà.

Chương ba: Ứng dụng những lời Phật dạy trong kinh Trường bộ vào đời sống hằng ngày.

Chương bốn: Giá trị thực tiễn của lời Phật dạy đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Lời Phật dạy sẽ đóng góp gì cho đời sống gia đình và xã hội hiện nay.

Chương năm: Giáo dục truyền thống tốt đẹp trong gia đình đã và đang ảnh hưởng đến giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam.

Phần ba kết luận: Tóm tắc nội dung của luận văn và đánh giá một cách khách quan về giá trị thực tiễn của đề tài đối với cuộc sống gia đình. Và, đề tài sẽ mở ra một hướng đi mới cho cuộc sống nhân sinh trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay.

Âm lịch

Ảnh đẹp