19/08/2010 10:11 (GMT+7)
Số lượt xem: 29218
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bài thứ mười hai

早 起 月 落 日 出

I._Học Tiếng


âm: tảo.
bộ: 日 (nhật).
nghĩa:
1._ buổi sáng.
2._ sớm.
Chú ý: Chữ 早 gồm bộ 日 nhật và chữ 十 thập: 10.


âm: khởi
bộ: 走 (tẩu).
nghĩa:
1._ dậy, thức dậy.
2._ nổi lên (khởi bịnh), mới bắt đầu (khởi sự).
3._ đi đứng (y, thực, khởi, cư).

Chú ý: chữ khởi gồm bộ 走 tẩu và âm 己 kỷ: mình.

月 nguyệt: mặt trăng (xem bài 6).


âm: lạc.
bộ: ⺿ (thảo).
nghĩa:
1._ hoa lá rụng.
2._ rơi xuống(lưu lạc), thi rớt, thi hỏng (lạc đệ).
3._ mặt trời, mặt trăng lặn (nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên).
4._ mới làm nhà xong ăn mừng (lạc thành).
5._ chỗ ở (tọa lạc).
Chú ý: chữ 落 viết theo lối hài thanh, gồm bộ ⺿ và âm 洛 (Lạc: tên một con sông ở Thiểm tây bên Tàu).

日 nhật: mặt trời (xem bài 6).


âm: xuất.
bộ: 凵 (khảm).
nghĩa:
1._ ra (xuất hành).
2._ mặt trời, mặt trăng mọc.
3._ mở ra (xuất khẩu thành chương).
4._ hơn (xuất quần bạt chúng).
5._ đuổi, bỏ (xuất thê).
Chú ý:
1._ Chữ 出 viết theo lối hội ý, gồm hai chữ 凵 khảm chẳng khác nào như 2 cái vực sâu và chữ 丨 cổn gợi ý nhô ra.
2._ Chữ 出 không phải do 2 chữ 山 sơn tạo thành.

II._ Ghép Chữ Làm Câu

早 起 tảo khởi: 1._buổi sáng thức dậy. 2._ dậy sớm.
月 落 nguyệt lạc: trăng lặn.
日 出 nhật xuất: mặt trời mọc.
早 起 月 落 日 出 tảo khởi nguyệt lạc nhật xuất: buổi sáng (khi) thức dậy, mặt trăng lặn, mặt trời mọc.
月 出 nguyệt xuất: trăng mọc.
日 落 nhật lạc: mặt trời lặn.
我 日 日 早 起 ngã nhật nhật tảo khởi: mỗi ngày tôi dậy sớm.

III._ Nhận Ðịnh Về Văn Phạm

1._ Trong câu 我 日 日 早 起 ngã nhật nhật tảo khởi, 早 là trạng từ đứng trước 起 là động từ.
Qui tắc: Trạng từ đứng trước động từ.
2._ Cũng trong câu 我 日 日 早 起 ngã nhật nhật tảo khởi. nhật nhật là trường hợp túc từ chỉ thời gian cũng đứng trước động từ 起.
Qui tắc: Trường hợp túc từ chỉ thời gian đứng trước động từ.


-----------------------------------
Bài thứ mười ba

哥 哥 弟 弟 上 學 去
I._ Học Tiếng


âm: kha (ca).
bộ: 口 (khẩu).
nghĩa: anh (đại ca).
Chú ý:
1._ 哥 gồm hai chữ 可 khả: có thể ghép lại.
2._ 哥 哥 là tiếng gọi “người anh” dùng trong bạch thoại; trong văn ngôn, để chỉ “anh” người ta dùng chữ: 兄 âm: huynh, bộ: ⼉ (nhân đi).


âm: đệ.
bộ: 弓 (cung).
nghĩa: em trai.
Cũng có âm: đễ; nghĩa: biết giữ đạo anh em, đồng nghĩa với 悌 đễ bộ 心 tâm.
Chú ý: Trong bạch thoại, để chỉ “em trai”, người ta dùng hai chữ 弟 弟. Trong văn ngôn, người ta chỉ dùng một chữ 弟 mà thôi.


âm: thượng.
bộ: 一 (nhất).
nghĩa: ở trên, phía trên.
Cũng có âm: thướng. Nghĩa: đi lên.
Chú ý:
1._ Trong bạch thoại, 上 còn có nghĩa là rồi, trước 上 週 thượng châu: tuần rồi.
2._ Chữ 上 thượng và chữ phản nghĩa của nó là 下 hạ đều thuộc bộ 一 nhất và đều viết theo lối chỉ sự, tức là lối “trông mà biết được, xét mà rõ ý”. Thật vậy, trông vào hai chữ 上 và 下 , ta có thể hình dung hai vị trí khác nhau, lấy nét 一 coi như đường chân trời làm mốc.


âm: học.
bộ: 子 (tử).
nghĩa:
1._ học.
2._ bắt chước.
Chú ý: học được viết theo lối hội ý; giải thích lối viết này ta có thể có một ý niệm về việc học ngày xưa. Thật vậy, 學 nghĩa là gì? 學 là ông thầy cầm nơi 2 tay cây roi 爻 để uốn nắn một đứa trẻ 子 dưới mái nhà 冖


âm: khứ.
bộ: 厶 (khư).
nghĩa:
1._ đi (khứ hồi).
2._ qua.
Thôi Hộ: 去 年 今 日 此 門 中 khứ niên kim nhật thử môn trung: năm ngoái (cũng) ngày hôm nay, tại cửa này (đề tích sở xứ kiến).
3._trừ, bỏ.
4._ trợ ngữ từ.

II._ Ghép Chữ Làm Câu

哥 哥 弟 弟 kha kha đệ đệ: anh và em trai.
上 學 去 thướng học khứ: đi học.
Thực ra chữ 去 khứ ở đây không có nghĩa là đi, mà chỉ đóng vai một trợ ngữ từ, dùng để làm sống động động từ 上 mà thôi (上 ... 去). Cũng thế trong một bài từ của ông Ðào Tiềm đời Tấn, tựa là Qui khứ lai từ (歸 去 來詞) ta thấy: 歸 : trở về; 去 來 khứ lai: trợ ngữ từ; 歸 去 來 có nghĩa: về đi thôi.
我 弟 ngã đệ: em trai của tôi.
我 小 弟 ngã tiểu đệ: em trai nhỏ (của) tôi.
青 山 上 之 月thanh sơn thượng chi nguyệt: vầng trăng trên núi xanh.
卓 上 之 大 盌 trác thượng chi đại uyển (oản): cái chén lớn trên bàn.
大 卓 之 上 有 白 布 五 匹 đại trác chi thượng hữu bạch bố ngũ thất: trên chiếc bàn lớn có 5 cây vải trắng.
有 âm: hữu, bộ: 月 (nguyệt), nghĩa: có.

III._ Nhận Ðịnh Về Văn Phạm

Trong câu 哥 哥 弟 弟 上 學 去 kha kha đệ đệ thướng học khứ, ta nhận thấy 上 là một động từ.
Trong câu 大 卓 之 上 有 白 布 五 匹 đại trác chi thượng hữu bạch bố ngũ thất, ta nhận thấy 上 là một liên từ.
Trường hợp một chữ mà khi thì là tiếng này, khi thì là tiếng khác, rất thường thấy trong Hán văn.

Tỉ dụ khác:
君 君 臣 臣 父 父 子 子 (君 quân: vua, 臣 thần: bề tôi, 父 phụ: cha, 子 tử: con) có nghĩa là Vua phải giữ đạo vua, bề tôi phải giữ đạo bề tôi, cha phải giữ đạo cha, con phải giữ đạo con, tức là:
Vua phải ra vua, bề tôi ra bề tôi, cha ra cha, con ra con (mỗi người giữ bổn phận mình).

1 tỉ dụ khác:
人 其 人 nhân kỳ nhân: coi những người ấy là người { 人: người (danh từ), coi là người (động từ)}
出 吿 反 面 xuất cáo phản diện: đi thưa về trình { 面: mặt (danh từ), trình (động từ)}
Qui tắc: 1 tiếng trong Hán văn có thể thuộc nhiều tự loại khác nhau.


----------------------------
Bài thứ mười bốn

書 一 本 圖 多 字 少

I._ Học Tiếng

âm: thư.
bộ: 曰 (viết).
nghĩa:
1._sách (giáo khoa thư).
2._ghi chép, viết (thư pháp).
3._ kinh Thư (tức là kinh Thượng Thư, một trong năm kinh).
Chú ý:
Chữ cần phân biệt khi viết.
書 thư; 晝 âm: trú, bộ: 日 (nhật), nghĩa: ban ngày; 畫 âm: hoạ, bộ: 田 (điền), nghĩa: vẽ.

一 nhất: một (xem bài 5).


âm: bổn (bản).
bộ: 木 (mộc).
nghĩa:
1._ cái gốc cây.
2._ vốn, trước là (bản ý).
3._quyển, cuốn (tiếng chỉ loại).
4._vốn liếng (nhất bản vạn lợi).
Chú ý:
Chữ 本 viết theo lối chỉ sự (trông mà biết được xét mà rõ ý). Thật vậy: đây là một cái cây 木 phần ở phía dưới của 木, phải là gốc 本. Cũng thế, phần ở trên của 木, phải là ngọn 末.
末 âm: mạt, bộ: 木
勿 有 本 末, 事 有 終 始Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thuỷ. Vật (thì) có gốc có ngọn, việc (thì) có đầu có cuối – Ðại Học.


âm: đồ.
bộ: 囗 (vi).
nghĩa:
1._ vẽ, tranh (hoạ đồ, địa đồ, đồ thư quán).
2._ toan, mưu tính (mưu đồ).


âm: đa.
bộ: 夕 (tịch).
nghĩa: nhiều (da thiểu, đa số, đa mưu túc kế).


âm: tự.
bộ: 子 (tử).
nghĩa:
1._ chữ.
Phân biệt chữ 文 văn và 字 tự.
- Bắt chước hình trạng từng loài mà đạt gọi là 文 văn.
- Hình tiếng cùng hợp lại với nhau, gọi là 字 tự.
Cũng nên phân biệt 字 tự và 詞 từ.
- 詞 từ là ngữ tố căn bản, là đơn vị ý nghĩa nhỏ nhất.
- 字 tự là đơn vị hình thể và thanh âm; mỗi 字 tự có một hình thể và một thanh âm riêng.
- Mỗi 詞 đều có nghĩa của nó và có thể gồm 1hoặc 2, 3 字.
Gồm 1 字 gọi là 單 音 詞 đơn âm tự. Tỉ dụ: 人, 足, 手.
Gồm 2 字 gọi là 愎 音 詞 phức âm từ. Tỉ dụ: 咖啡 (café), 蜻蜓 thanh đình: con chuồn chuồn.
Gồm 3 字 gọi là 三 音 詞 tam âm từ. Tỉ dụ: đồ thư quán: thư viện.
- Phần nhiều mỗi tự đều có ý nghĩa của nó, nhưng cũng có khi không có ý nghĩa.
Tỉ dụ: 咖, 啡, 蜻, 蜓.
2._ tên tự. Kinh Lễ định con trai 20 tuổi làm lễ đội mũ (加 冠 gia quan: đội mũ) rồi mới đặt tên; con gái nhận lời gả chồng mới cài trâm (及 筓 cập kê: cài trâm). Vì thế con gái chưa chồng gọi là 未 字 (vị tự: chưa đặt tên tự).


âm: thiểu.
bộ: 小 (tiểu).
nghĩa:
1._ ít.
2._ chê (chê người: 少 之 thiểu chi).
Cũng có âm: thiếu.
nghĩa: 1._ trẻ; 2._kẻ giúp việc thứ hai (quan thái sư có quan thiếu sư giúp việc).

II._ Ghép Chữ Làm Câu
書 一 本 thư nhất bổn: sách 1 quyển, 1 quyển sách.
圖 多 đồ đa: hình (thì) nhiều.
字 少 tự thiểu: chữ (thì) ít.
書 一 本 圖 多 字 少 thư nhất bản đồ đa tự thiểu: (đây là) một quyển sách (có) nhiều tranh (mà) ít chữ.
山 中 有 白 鳥 sơn trung hữu bạch điểu: trong núi có chim trắng.
山 中 多 白 鳥 sơn trung đa bạch điểu: trong núi có nhiều chim trắng.
山 中 白 鳥 多 sơn trung bạch điểu đa: trong núi có nhiều chim trắng.
山 中 白 鳥 多 隻 sơn trung bạch điểu đa chích: trong núi có nhiều chim trắng.
大 卓 之 上 有 書 多 本 布 多 匹: đại trác chi thượng, hữu thư đa bổn, bố đa thất: trên chiếc bàn lớn, có nhiều quyển sách, nhiều xấp vải.

於 âm: ư, bộ: 方 (phương), nghĩa: liên từ, ở đây dùng để so sánh.
多 於 đa ư: nhiều hơn,
大 於 đại ư: lớn hơn, to hơn.
我 書 中 圖 多 於 字 ngã thư trung đồ đa ư tự: trong sách của tôi hình nhiều hơn chữ.
羊 大 於 猫 dương đại ư miêu: dê lớn hơn mèo.

III._ Nhận Ðịnh Về Văn Phạm

― Chữ 多 có nghĩa là “nhiều, có nhiều”: do đó, để chỉ “có nhiều”, không cần phải thêm chữ 有 hữu vào nữa. Nếu muốn giữ cả chữ 有 lẫn chữ 多, thì phải dùng thêm tiếng chỉ loại.
― Chữ 於 ư là một liên từ; đi liền sau tĩnh từ nó có ý so sánh.

Âm lịch

Ảnh đẹp