Bài thứ nhất
Khái niệm về chữ nho
1. Ðịnh nghĩa
Chữ Nho, hoặc chữ Hán, hoặc Hán tự là thứ chữ do người Trung Hoa sáng
chế ra. Ðược gọi là chữ Nho, vì đó là một công cụ để truyền bá Khổng
Giáo tức Ðạo Nho. Ðối với chúng ta, chữ Nho là chữ Hán đọc theo âm Việt.
Và chữ Hán chính là chữ của Hán tộc, tức giống dân Trung Hoa.
2. Nguồn gốc và sự tiến triển
A._ Những chữ cổ nhất còn truyền lại thấy khắc ở các đồ đồng thời nhà
Hạ, nghĩa là cách đây 4000 năm. Tuy nhiên, trước đó mấy thế kỷ, đã có
chữ bát quái của Phục Hy, chữ kết thằng (kết: thắt; thằng: dây; kết
thằng: thắt nút lại để ghi việc lớn nhỏ) của Thần Nông và chữ do sử quan
Thương Hiệt đời Hoàng Ðế (2697 tr, TL) sáng chế theo hình dấu chân chim
thú.
B._ 1). Ðến đời Tần Thuỷ Hoàng (213 tr.TL) vì nhận thấy cuối đời Chu, sự
học ngày càng suy vi, các nhà chép sử càng ngày càng cẩu thả, chữ nào
quên, họ tự tiện bày đặt ra chữ mới (kỳ tự: chữ lạ), nên thừa tướng Lý
Tư đã làm ra bộ Tam Thương, có 3.300 chữ, qui định các lối viết nhằm
thống nhất văn tự.
2). Sau Lý Tư, chữ viết được phổ cập trong dân chúng, được sáng chế thêm
– dĩ nhiên là một cách không được thận trọng cho lắm – hầu thoả mãn nhu
cầu của quảng đại quần chúng. Số chữ do đó tăng lên một cách nhanh
chóng.
–Thời Lý Tư: 3300 chữ.
–200 năm sau: 7380 chữ.
–200 năm sau nữa : 10000 chữ
–Năm 1716, Khang Hi tự điển ra đời với trên 40000 chữ (gồm 4000 chữ
thường dùng, 2000 tên họ và trên 30000 chữ không dùng vào đâu).
3) Và 1 lần nữa, để thống nhất lối viết, Hứa Thận soạn bộ tự điển Thuyết
Văn Giải Tự gồm 10.516 chữ, vào đời Hậu Hán (120 sau TL).
4) Gần đây, sau khi tiếp xúc với Tây Phương, trước những đòi hỏi của
thời thế, nhiều chữ mới, nhất là về danh từ khoa học, được sáng chế.
Ðồng thời cũng có một số chữ không ít đi dần vào trong quên lãng, vì văn
bạch thoại đã được thông dụng, thay thế cho cổ văn hoặc văn ngôn, chỉ
thấy trong sách xưa mà thôi, (để ý, ngoài hai thể văn ngôn và bạch
thoại, người Trung Hoa còn dùng để viết báo, thể “ngữ thể văn”, thể này
tham bác cả hai thể văn nói trên).
3. Hình thể
A._ Chữ nho vốn là một thứ chữ tượng hình, nghĩa là dựa theo hình của sự vật mà đặt ra.
Hai chữ “văn tự” cũng thường được định nghĩa:
– Bắt chước hình tượng các loài mà đặt ra chữ gọi là văn.
– Góp cả hình với tiếng gọi là tự.
B._ Vì hình thể của sự vật không nhất định nên hình của chữ cũng thay
đổi dần dần, từ hình tròn đến hình dẹp, hình vuông, hình dài, hình tam
giác và gần đây, trở nên cố định với hình vuông.
Ngoài ra, theo cuộc tiến hoá chung, lối viết cũng thay đổi. Ta có:
– Lối chữ khoa đẩu, loăn quăn như hình con nòng nọc của Thương Hiệt.
– Lối chữ triện, nét tròn, gồm đại triện và tiểu triện, viết bằng sơn trên gỗ tre.
– Lối chữ lệ, nét vuông, cũng viết bằng sơn, trên vải lụa.
– Lối chữ chân, khải, viết ngay ngắn bằng bút lông với mực đen giấy trắng.
– Lối chữ bát phân, gồm tám phần lệ, hai phần chân.
– Lối hành, tức bán thảo, bán chân.
– Lối thảo, viết nhanh như gió lướt trên cỏ.
– Lối giản thể, tức lối viết cho giản tiện, rút bớt đi số nét của chữ .
4. Cách cấu tạo
Dù hình thể có thay đổi ra sao, các chữ Nho đều được cấu tạo theo 6 phép
gọi là “lục thư” (Lục: 6, thư: tả đúng trạng thái của sự vật, chép vào
tre, lụa).
A._ Tượng hình:
Thấy vật gì vẽ vật ấy. Tỉ dụ: θ 日Nhựt: mặt trời.
B._ Chỉ sự (hay tượng sự, xử sự):
Trông mà biết được, xét mà rõ ý.
Tỉ dụ: 上, thượng: ở trên. 下, hạ: ở dưới – lấy nét ngang (一) làm mốc, phần đứng ở trên là 上, phần đứng ở dưới là 下.
C._ Hội ý (hay tượng ý):
Mỗi chữ có nhiều phần, mỗi phần có một nghĩa, hợp các nghĩa từng phần sẽ có nghĩa của toàn chữ.
Tỉ dụ: 古 cổ: xưa – điều gì mà 10 (十 thập) miệng (口 khẩu) đã nói đến là cũ, xưa rồi.
D._ Hình thanh (hay tượng thanh, hài thanh):
Dùng một một chữ cũ mà âm thanh tương tự với âm thanh của chữ định đặt
ra để định âm thanh, rồi ghép vào một bộ để chỉ ý nghĩa của chữ mới.
Tỉ dụ: 江 giang: sông, gồm bộ 氵thuỷ để chỉ vật gì có liên quan đến nước (ý) và chữ 工 công, chữ này tạo cho ta âm “giang”.
Lối tạo chữ này rất được thông dụng.
E._ Chuyển chú:
Dùng một chữ có sẵn, thay đổi hình dạng đi đôi chút, để đặt ra một chữ khác có nghĩa tương tự.
Tỉ dụ: từ chữ 老 lão: già ta có 考 khảo: sống lâu.
F._ Giả tá:
Mượn sai.
1._ Hoặc lầm với chữ khác.
Tỉ dụ: 說 thuyết dùng lầm cho chữ 悅 duyệt trong Luận ngữ.
2._ Hoặc dùng chữ sẵn mà đọc khác thanh âm, để dùng vào nghĩa khác.
Tỉ dụ: 長 trường: dài, 長 trưởng: lớn.
3._ Hoặc giữ nguyên thanh âm của một chữ nào đó, rồi gán cho nó một nghĩa mới.
Tỉ dụ: 萬 vốn có nghĩa là con bò cạp (萬 tượng hình con vật ấy) nhưng lại dùng theo nghĩa
10000.
----------------------------------------
Bài thứ hai
Cách học chữ Nho
I. Những khó khăn trong việc học chữ Nho
Ai cũng nhìn nhận rằng chữ Nho là một thứ chữ rất khó học. Ðiều này rất
đúng, vì khi học chữ Nho, ta thường vấp phải những khó khăn sau đây:
A._ Khó nhớ:
Số chữ quá nhiều: quyển Khang Hi tự điển có tất cả đến 47.021 chữ. Ngoài
những chữ đồng âm, còn có một số chữ đặt theo lối giả tá, khiến cho câu
văn nhiều khi tối tăm khó hiểu.
B._ Khó nhận mặt chữ:
Có những chữ gồm nhiều nét phiền phức. Tỉ dụ: chữ 豔 diễm 28 nét, chữ 鬱 uất 29 nét.
Có những chữ na ná giống nhau, rất dễ nhầm lẫn.
Tỉ dụ: các chữ:
己 kỷ, 已 dĩ, 巳 tị.
戊 mậu, 戍 thú, 戌 tuất, 戎 nhung.
C._ Khó viết.
Vì khó nhận được mặt chữ, nên lúc viết, ta hay bối rối hoặc bỏ sót nét,
hoặc quên hẳn không biết phải hạ bút ra sao. Trường hợp “đọc chữ làu
làu, nghĩa nhớ vanh vách, nhưng khi cầm bút thì không biết phải viết thế
nào” là một trường hợp rất thông thường, không riêng gì đối với người
mới học.
II. Làm sao để khắc phụ những khó khăn ấy?
A._ Về điểm khó nhớ.
Ðây không phải là một khó khăn thực sự, vì với chí kiên nhẫn, với lòng
ham học, với phương pháp tiệm tiến đi lần từ dễ đến khó, từ cụ thể đến
trừu tượng, ta có thể học được tất cả. Huống chi, trong số mấy vạn chữ
kia, chỉ cần vài ngàn chữ là ta đọc thông được sách vở; ngay bộ Khang Hi
tự điển, chỉ có lối 4000 chữ thường dùng mà thôi. Vấn đề đặt ra là phải
biết học thế nào để có thể nhớ được mặt chữ, đồng thời hiểu được cách
sử dụng các chữ ấy.
B._ Về điểm khó nhận mặt chữ.
Thực ra khó khăn này chỉ có đối với những ai chưa quen với chữ Nho, hay
nói rõ hơn, chưa nắm vững được 6 phép tạo chữ, tức lục thư. Thật vậy,
khi ta hiểu được cách cấu tạo của mỗi chữ, khi ta biết rằng mỗi chữ được
xếp theo bộ tuỳ theo ý nghĩa của nó (tỉ dụ: những chữ chỉ sông, biển
thuộc bộ 水 (thuỷ: nước); những chữ chỉ đồ vật thuộc bộ 木 (mộc), bộ 皿
(mãnh), bộ 金 (kim)..., tuỳ theo nó được làm bằng gỗ, làm bằng đất nung,
hay bằng kim loại.), khi ta nhìn ra được thành phần của mỗi chữ, ta sẽ
không còn cảm thấy khó khăn trong việc nhận tự dạng nữa.
C._ Về điểm khó viết.
Ðến như việc cầm bút quên chữ, ta sẽ khắc phục được dễ dàng nếu ta chịu
khó viết thường, nhìn luôn, nghe mãi và không ngừng tìm cách sử dụng
những chữ coi như dễ quên ấy. Ðức Khổng Tử có dạy: Học nhi thời tập chi 學
而 時 習 之 (học rồi phải luyện lại luôn); việc học chỉ có kết quả – nhất
là đối với việc học chữ Nho – khi nào ta biết chịu khó làm công việc ôn
tập thường xuyên.
Tóm lại, với phương pháp tiệm tiến, ôn tập, phân tích, ta có thể khắc phục được mọi khó khăn đã nêu trên.
III Cách viết chữ Nho
A._ Các loại nét.
1._ Nét ngang: hoành 一
2._ Nét sổ thẳng: trực 丨
3._ Nét phẩy: phiệt 丿
4._ Nét ấn, mác: phật乀
5._ Nét móc: câu
6._ Gãy: chiết
7._ Xốc: khiêu冫
8._ Chấm: điểm 灬
B._ Phép viết (thư pháp).
1._Cách cầm bút (chấp bút pháp)
Thường ta cầm bút theo lối song câu (song: hai, câu: móc), nghĩa là hai ngó trỏ và giữa nằm ở phía trước cán bút.
Khi ta viết, cầm bút phải cho thẳng, cho chắc, nhưng ngón tay phải mềm mại uyển chuyển.
2._ Cách viết
a) Viết cho thuận
– Nét trên trước, dưới sau.
二 五 字
– Nét trái trước, phải sau.
川 大 仁
ngoại lệ: phải trước trái sau.
刁 刀 力
– Nét ngang trước, sổ sau.
十 千 羊
– Nét giữa trước, hai bên sau nếu cân xứng.
小 山 水
– Nét ngoài trước, trong sau.
月 曰 同
ngoại lệ: nếu phần bên ngoài là khẩu 口hoặc vi 囗 thì nét thứ ba (gạch
ngang đóng ở dưới cùng 一) của chữ này viết sau cùng, sau khi đã viết
xong phần bên trong. tỉ dụ: 日 因
nếu phần ngoài là 辶 xước hoặc dẫn 廴 thì phần trong viết trước
tỉ dụ: 道 廷
Viết cho đẹp.
– Nét ngang phải ngay.
– Nét sổ phải thẳng.
– Chữ viết phải đều.
– Các phần của chữ phải sắp xếp cho nghiêm mật, không để hở, trống, chỗ nối tiếp phải gọn gàng.
VI Cách tra Tự Ðiển
A._ Các loại tự điển.
Tự điển có thể chia là ba loại:
1._ Loại tra bằng cách đếm nét chữ.
Tỉ dụ: Hán Việt tự điển của Ðào Duy Anh.
2._ Loại tra theo bộ.
Tỉ dụ: Khang Hi tự điển, Từ Nguyên, Từ Hải (cho ta âm của chữ bằng lối phiên thiết).
3._ Loại tra theo số tính bốn góc của chữ.
Tỉ dụ: Tự điển của Vương Vân Ngũ (phiên âm theo lối quan thoại tức Quốc Ngữ Tàu).
B._ Cách sử dụnng các loại tự điển.
1._ Loại tra bằng cách đếm nét chữ.
Muốn tìm một chữ nào đó, cần đếm số nét của nó rồi dựa theo bản kê khai
các chữ theo thứ tự số nét, tìm âm của chữ ấy. Bấy giờ mới theo âm mà
tra, như khi ta tra một tự điển Anh, Pháp vậy.
2._Loại tra theo bộ.
Ðây là loại tự điển phổ thông nhất. Muốn tra loại tự điển này, cần phải
biết chữ ta muốn tìm thuộc bộ nào. Tìm được số trang bộ ấy xong, ta phải
đếm số nét chữ còn lại, để theo đó mà tra ra chữ.
Tỉ dụ: Muốn tra chữ 打 tôi phải biết:
– Chữ 打 thuộc bộ 扌thủ . Tôi tìm đến bộ 扌 trong tự điển.
– Số nét còn lại (丁: 2 nét). Trong phần bộ 扌 tôi tìm đến chữ có 2 nét.
Chú ý:
Ở đây việc nhận thức được các bộ của chữ rất là cần thiết. Ta không nên
quên rằng lúc đầu, trong bộ Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận đời Hậu Hán
có đến 540 bộ, nhưng về sau đến đời Thanh, số bộ ấy trong Khang Hi Tự
Ðiển chỉ còn 214 Bộ mà thôi. Phải biết rằng mỗi chữ Nho đều thuộc một bộ
và chỉ một bộ mà thôi. Ta có thể coi bộ là phần chỉ ý nghĩa của chữ ,
và tuỳ theo ý nghĩa riêng, mỗi chữ được xếp vào một bộ khác nhau. Tuy
nhiên, cùng thường có những chữ mà sự liên hệ giữa ý nghĩa và bộ cơ hồ
như không có.
Tỉ dụ: hai chữ 咫 (chỉ) 尺 (xích) tuy cùng chỉ những đơn vị về chiều dài
(chỉ xích: gang tấc), nhưng thuộc hai bộ khác nhau. 咫 thuộc bộ 口 (khẩu:
miệng) còn 尺 thuộc bộ 尸(thi: thây).
3._ Loại tra theo số tính ở bốn góc của chữ.
Ðây là loại tự điển mới nhất, có chua thêm phần phiên âm Quan Thoại.
Mỗi góc có 1 số riêng, tuỳ theo nét chữ: số tính từ 0 đến 9 gồm có:
亠 0
一 1
丨 2
、 3
十 4
扌 5
口 6
フ 7
八 8
小 9
Mỗi chữ có 4 số, tính bắt đầu từ góc trái phía trên A, rồi qua góc mặt
phía trên B, kế xuống góc trái phía dưới C và sau cùng là góc mặt phía
dưới D.
Tỉ dụ: chữ vị: 謂
A = 亠 = 0
B = 口 = 6
C = 口 = 6
D = 丨 = 2
Vậy muốn tra chữ 謂 ta phải tìm đến số 0662
Chữ hà: 何
A = 丿= 2
B = 一 = 1
C = 丨 = 2
D = 丨 = 2
Chữ 何 thuộc số 2122