Năm 560, lần đầu tiên một phái đoàn
Nhật Bản sang triều đình nhà Tùy (Trung Quốc) để giao lưu và thu thập
kinh Phật. Năm 609, Imoko trở về Nhật Bản và mang theo nhiều tư liệu
Phật giáo có giá trị từ Trung Quốc. Từ đó giao lưu về Phật giáo giữa hai
nước Trung - Nhật bắt đầu hình thành, Phật tử hai nước thường xuyên qua
lại. Các nhà sư Nhật Bản rất ngưỡng mộ trước sự phát triển của Phật
giáo ở Trung Quốc. Đến thời nhà Đường (618-907), Phật giáo Trung Quốc
rất thịnh, chùa chiền mọc lên như nấm, nhất là từ sau khi cuộc "Tây
thiên thỉnh kinh" của Đại sư Huyền Trang (Đường Tam Tạng, 600-644) thắng
lợi trở về với hơn 900 bộ kinh Phật thu thập từ Ấn Độ. Thời Đường, các
nhà sư Nhật Bản đến học tập, thăm viếng và tu hành ở Trung Quốc thường
bằng đường biển rất vất vả. Kinh đô Trường An, Lạc Dương và các trung
tâm Phật giáo lớn ở Trung Quốc thời bấy giờ có rất nhiều Phật tử đến từ
Nhật Bản.
Chính sách của Shoto Kutai Shi thiết lập quan hệ Phật
giáo giữa hai nước Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng mật thiết. Ngoài
các đoàn sứ thần, nhiều sinh viên Nhật Bản được gửi đi du học Phật pháp
và các môn văn hóa ở Trung Quốc trở về nước ngày càng đông, trong đó có
những người du học ở Trung Quốc thời gian dài từ 20 đến 30 năm. Chẳng
những họ học được nhiều kiến thức Phật pháp, văn hóa mà còn có tình cảm,
gắn bó với đất nước và con người Trung Quốc. Hai học giả Nhật Bản Thizô
và Doji xuất dương sang nhà Đường và trở về Nhật Bản truyền bá, giảng
giải làm cho Tam luận tông phát triển rộng rãi.
Năm 653, Dosho từ Nhật Bản sang nhà Đường và theo học
với Huyền Trang, rất được ông yêu mến, kính trọng. Khi trở về Nhật Bản,
Dosho đã mang bản dịch "Joyui shikinon" bằng Hán ngữ và có tác dụng
truyền bá tư tưởng mới. Ảnh hưởng của Huyền Trang ngày càng lớn ở Nhật
Bản, thu hút sự cầu học của nhiều Tăng nhân. Năm 658, phái đoàn chư Tăng
Nhật Bản là Chitsu và Chitasu cũng xuất dương sang nhà Đường để tầm sư
học đạo với Huyền Trang.
Năm 701, Doji lại sang nhà Đường và ở lại 18 năm để nghiên cứu chuyên sâu nhiều giáo lý khác ngoài Tam luận.
Doji về Nhật Bản và dày công xây dựng hệ thống giáo lý của Tam luận
tông ở Nhật Bản uyên thâm và phức tạp hơn Tam luận tông của Kichizô
thành lập ở Trung Quốc.
Năm 703, Chiyu và năm 716, Gembo sang nhà Đường học
đạo. Năm 735, Gembo trở về Nhật Bản đã mang về 5.000 quyển kinh Phật sưu
tập được ở Trung Quốc để truyền bá tư tưởng, triết học và văn hóa Phật
giáo tân tiến ở Trung Quốc thời bấy giờ. Thời nhà Đường, các nhà sư Nhật
Bản đến Trung Quốc ngày càng nhiều. Đến Trung Quốc mục đích chính của
họ là tầm sư học đạo, tiếp thu tinh hoa Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang
và sau đó tiếp thu nền văn hóa đang hưng thịnh ở đời Đường mà đỉnh cao
là thơ Đường. Các nhà sư Nhật Bản học Hán văn, học thơ Đường và tiếp xúc
với các nhà thơ Đường nổi tiếng. Sự giao lưu của các nhà thơ Đường với
các nhà sư Nhật Bản ngày càng nhiều. Giá trị sâu xa của thơ Đường, cốt
cách thanh cao, đẹp đẽ của các nhà thơ đời Đường để lại ấn tượng tốt đẹp
đối với chư Tăng Nhật Bản. Nhiều bài thơ Đường từ đó được lưu truyền và
phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản. Một trong những bài thơ Đường được người
Nhật yêu thích thời bấy giờ là bài "Trường hận ca" của Bạch Cư
Dị. Ngày nay đọc lại thơ Đường, không ít bài nói về tình cảm gắn bó,
thân thiết của các nhà thơ Đường đối với các nhà sư Nhật Bản. Một trong
số đó là bài "Tống Tăng quy Nhật Bản" (Tiễn nhà sư về Nhật Bản) của Tiền Khởi. Nguyên văn bài thơ như sau:
Thượng quốc tùy duyên trú
Lai đổ nhược mộng hành.
Phù thiên thương hải viễn
Khứ thế pháp chu khinh
Thủy nguyệt thông thiền tịch
Ngư long thích phạn thanh
Duy lân nhất đăng ảnh
Vạn lý nhãn trung minh.
Dịch nghĩa:
Ông vì cơ duyên mà đến ở Trung Quốc
Con đường đến đâynhư đi trong mơ.
Trời nổi trên biển xanh xa xa
Con thuyền chở đạo đi nhè nhẹ.
Trăng nước thông suốt theo tĩnh lặng của thiền
Rồng cá lắng nghe tiếng kinh Phật.
Duy chỉ thương ánh sáng một ngọn đèn
Muôn dặm sáng ngời trong đôi mắt của tôi.
(Hồ Sĩ Hiệp dịch)
Tiền Khởi (720-782) tự là Trọng Văn, người Ngô Hưng
(Hồ Châu, tỉnh Triết Giang ngày nay); ông rất thông minh, năm 751 đậu
tiến sĩ, làm chức Hiệu thư lang, có đi sứ vào đất Thục (nay là tỉnh
Thiểm Tây) trở về được thăng lên Khảo công lang. Giữa thời Đại Lịch
(766-779), ông làm Hàn lâm học sĩ, được coi là một "đại lịch thập tài
tử", nổi tiếng về thơ, sánh ngang hàng với Lam Sĩ Nguyên, thường gọi là
Tiền Lang. Tiền Khởi thường làm thơ tặng lúc chia tay, thù tạc với nội
dung xa hiện thực xã hội. Một số bài của ông có giá trị nghệ thuật cao,
được người đời khen ngợi.
Như tên gọi, bài thơ thuộc loại thơ "tống tặng" mà
đầu đề của nó đã nói rõ đó là tình cảm lưu luyến tiễn đưa nhà sư Nhật
Bản trở về nước sau khi đến Trung Quốc học đạo. Điều đáng nói trong bài
thơ là tác giả (người đưa tiễn) là một nhà thơ trứ danh Trung Quốc đời
Đường và người ra đi là một nhà sư khả kính của đất nước Phù Tang. Đây
là một bài thơ Đường ngũ ngôn bát cú. Bốn câu đầu tả nhà sư Nhật Bản có
cơ duyên tốt đẹp "trời nổi trên biển xanh xa xa" mà đến ở Trung Quốc để
cầu kinh học đạo. Câu thơ "trời nổi trên biển xanh xa xa" có hình ảnh
"trời" và "biển" vừa xanh thẳm vừa mênh mông, tác giả muốn nói con đường
mà nhà sư Nhật Bản đến được Trung Quốc không dễ dàng. Vì thời bấy giờ
chỉ có một con đường, đó là đường biển với một chiếc thuyền nhỏ bồng
bềnh, trôi nổi rất hiểm nguy, nhất là khi có sóng to gió lớn. Câu thơ
"con thuyền chở đạo đi nhè nhẹ" chỉ lúc nhà sư Nhật Bản từ Trung Quốc
trở về. Câu thơ diễn tả theo nghệ thuật "nhất ngữ song quan" (một lời mà
hai nghĩa), một nghĩa tả nhà sư đáp thuyền vượt biển khơi trở về nước,
nghĩa khác sâu xa hơn là "Phật pháp phổ độ chúng sinh", dùng giáo lý nhà
Phật để cứu vớt người đời. Đó là con thuyền hình tượng, mặc dù hình
dáng nhẹ tênh (chu khinh) nhưng nó làm một việc lớn là tải đạo truyền
pháp cho đời. (Từ câu thơ này liên tưởng đến câu thơ giàu hình ảnh "chở
bao nhiêu đạo thuyền không khẳm" của Nguyễn Đình Chiểu).
Liên thứ 3 (câu 5, 6), bài thơ ca ngợi phẩm cách
thanh cao, đẹp đẽ và Phật pháp cao thâm của nhà sư Nhật Bản sau nhiều
năm nghiên cứu đạo Phật ở Trung Quốc, khi trở về có thể làm kinh động cả
ngư long. Liên cuối bài thơ (câu 7, 8) cũng là thủ pháp "nhất ngữ song
quan", "ý tại ngôn ngoại", một lời hai ý và ý thơ nằm ở ngoài lời. Nghĩa
đen nói con thuyền đưa nhà sư Nhật Bản lướt trên sóng biển, ánh đèn
chiếu dài muôn dặm biển khơi. Nghĩa bóng của câu thơ sâu sắc, đầy hình
tượng ngụ ý Phật pháp như ngọn đèn sáng tỏ có thể chiếu rọi ở nơi sâu
thẳm tâm linh của mọi chúng sinh.
Tứ thơ độc đáo, đậm chất Thiền trong thơ Đường, được
đời sau truyền tụng. Bài thơ vừa tả cảnh vừa tả tình. Cảnh ở đây là trời
xanh, biển xa, trăng sáng, đèn tỏ. Tình được bộc lộ không nhiều nhưng
chân thành và cảm động. Tình cảm tác giả dành cho nhà sư Nhật Bản là sự
ngưỡng mộ, kính phục và yêu mến không nói lên lời. Bài thơ phần lớn sử
dụng ngôn ngữ của Phật giáo (tùy duyên, nhược mộng, thế pháp, thiền
tịch, phạn thanh…) nhưng được tác giả "chuyên môn hóa" nhằm chuyển tải
nội dung đời sâu sắc.
Cũng là thơ "Tống tặng", nhưng bài thơ "Tống Tăng quy
Nhật Bản" của Tiền Khởi có đặc điểm riêng, thể hiện với phong cách thơ,
mang màu sắc "Thiền" trong thơ Đường. Qua bài thơ này đời sau có thể
thấy được quan hệ gắn bó tốt đẹp giữa hai nền văn hóa Phật giáo Trung -
Nhật từ ngàn xưa.
PGS. Hồ Sĩ Hiệp (Nguyệt San Giác Ngộ 177)