17/12/2010 20:34 (GMT+7)
Số lượt xem: 2854
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khoảng cách giữa người và người, hoặc giữa người với các loài vật khác đối đãi qua lại với nhau tất cả đều có sự hỗ tương cho đi và đáp lại. Nếu không phải là trực tiếp để nhận, thì cũng sẽ có nhân quả tuần hoàn, kết cuộc rồi chúng ta cũng sẽ nhận lại những gì mình đã từng gây ra.


Ở núi Nam có một ngôi chùa, bên trong chánh điện thờ một pho tượng Phật Tổ. Nhiều người kể lại rằng pho tượng Phật Tổ này rất là linh ứng, nếu có tín đồ nào có lòng thành cầu nguyện thì Phật tổ phát quảng đại bi tâm cứu giúp, khiến người cầu nguyện đạt được nguyện vọng của mình.

Có một người tín đồ nghe được tin này, anh ta liền bày tỏ lòng thành của mình bằng cách sắm thật nhiều lễ vật, tự mình leo từng cấp núi rồi lên tận núi Nam để cúng dường cầu nguyện. Hôm đó nhằm ngày lễ 19/6 âm lịch, tức là ngày vía của Bồ tát Quán Thế Âm. Anh ta gánh nhiều phẩm vật lên non để cúng dường, mong cầu hi vọng toại nguyện điều một gì đó. Trước chánh điện nguy nga với pho tượng Phật vô cùng linh thiêng, anh ta bày phẩm vật dâng lên bàn cúng dường Phật Tổ, rồi quỳ xuống chắp tay, thành tâm mắt đối mắt nhìn chăm chú vào pho tượng Phật tổ, thành tâm cầu nguyện rằng:

-“Kính lạy Đức Phật linh thiêng nhiệm mầu! Trên đường công danh của con đã mười lần đi thi nhưng đều không được trúng tuyển. Nghe tin Ngài có vô lượng vô biên pháp lực, xin Ngài đoái thương đến lòng thành của con và giúp con lần này được có tên trên bảng vàng”.

Người tín thí thành tâm cúng dường và khấn vái xong rồi, liền thâu dọn phẩm vật để chuẩn bị đem về nhà.Vừa mới gánh đồ đạc bước ra khỏi cổng chùa thì thấy một người ăn xin đưa tay hướng về anh ta và nói:

-“Anh thí chủ rộng lượng ơi! Tôi đã chịu đói ba ngày ba đêm rồi, xin anh thương tình bố thí cho tôi một ít phẩm vật mà anh vừa mới cúng trong chùa xong, để cho tôi nhờ thức ăn đó mà được no lòng.”

Người thí chủ nhìn thấy kẻ hành khất vừa rách vừa dơ, trong lòng anh ta tỏ vẻ khinh chê đưa tay xua xua nói rằng:

- “Cút đi, cút đi! Nhìn coi ngươi kìa, vừa rách vừa dơ, đừng có đụng vào phẩm vật của ta, đồ đã cúng xong ta sẽ đem về cho vợ con ta ăn! Làm gì mà có phần cho ngươi?”

 Người hành khất vẫn quỳ như vậy và nói rằng:

-“Anh thí chủ rộng lòng ơi! Tôi đói sắp chết mất, chỉ cần một ít phẩm vật mà anh đã cúng xong là đủ rồi, tôi van xin anh đó!”

Người thí chủ sợ người hành khất giành giựt đồ vật cúng xong của mình liền tức tốc gánh phẩm vật một mạch cắm cúi chạy xuống núi mà đầu không ngoảnh lại.

Người hành khất đói khát kiệt lực, quấn chặt tấm thảm rách nát vào thân của mình rồi ngồi co ro ở một góc trước cổng chùa.

Trời càng lúc càng tối dần, đêm càng về khuya càng lạnh, người hành khất vỏn vẹn chỉ có một tấm thảm rách bao gọn tấm thân mình và trú lạnh qua từng đêm đông.

Không biết từ nơi nào bỗng nhiên xuất hiện một chú chó con toàn thân đầy ghẻ lác, khập khiển với 3 chân, khó nhọc với từng bước từng bước đến bên người ăn xin, rồi giành một góc tấm thảm để chui vào tìm một chút hơi ấm cho thân thể ghẻ lác của mình. Trên thân của chó con ghẻ lác lở lói đầy mình, máu mủ chảy ra thấm vào làm dơ và hôi tanh tấm thảm của người hành khất. Thấy vậy người hành khất liền sanh tâm sân giận nói với chó con rằng:

-“Cút đi, cút đi chỗ khác! Coi kìa, trên thân của ngươi toàn là ghẻ lác, máu mủ tanh hôi chảy đầy, ngươi đừng làm dơ tấm thảm của ta chứ, ở đây không phải là cái ổ của ngươi đâu!”

Chó con không nhịn được sự đau đớn, mắt nhuốm đầy lệ và từ từ từng bước rời khỏi tấm thảm rách của người hành khất. Ngay trong đêm đó chó con ghẻ lác tội nghiệp kia liền bị chết cóng trong cơn lạnh buốt da ở trước cổng chùa. Qua ngày hôm sau, tuy là người hành khất có tấm thảm lông kia che thân không bị chết cống, nhưng cũng vì không có thức ăn nên cũng bị đói meo mà chết rồi.

Nửa năm sau, người thí chủ thành tâm cúng dường lễ vật để cầu nguyện ngày nào lại thêm một lần nữa đi thi bị trượt.

Anh ta sân si, sồng sộc chạy lên chùa Nam Sơn, hướng về pho tượng Phật tổ mà oán trách rằng:

-“Không phải Ngài có pháp lực vô biên nhiệm mầu sao? Thì ra là lừa dối mọi người! Nếu Ngài quả thật là linh thiêng mầu nhiệm, tại sao chỉ cần giúp cho tôi thi đậu có tên trên bảng vàng thôi thế Ngài cũng không tìm cách giúp tôi được, mà để cho tôi thi trượt nhiều lần thế này?”

Phật tổ đưa lên tờ giấy báo trúng tuyển của anh rồi hỏi rằng:

-“Vì sao phải giúp đỡ anh?”

Người thí chủ đáp rằng:

-“Tôi lòng thành mang phẩm vật lên núi cúng dường, vì vội vàng để lên chùa cho kịp vào ngày vía 19/6, một giờ một khắc cũng không dám nghỉ mệt, đây tất cả đều là sự thành tâm thành ý của tôi thì Ngài phải nên giúp đỡ tôi chứ!”

Phật tổ liền gọi linh hồn của người hành khất đến, linh hồn hành khất hướng về người thí chủ than van nói rằng:

-“Tôi chỉ cầu xin anh bố thí một chút thức ăn mà anh đã cúng xong, để tôi ăn vào cho đỡ đói lòng, vậy mà lúc đó mà anh cũng không cho. Đến nỗi một chút tâm thí xả của anh cũng không có, Phật tổ làm sao mà giúp đỡ anh được chứ? Nhưng mà Phật tổ ơi! Ngài cũng tàn nhẫn nhìn tôi chết đói, không cho tôi một chút gì để ăn, chẳng lẽ Ngài không có một chút thương tình sao?”

Phật tổ lại kêu linh hồn của chó con đến, linh hồn chó con hướng về linh hồn người hành khất sủa gâu gâu để than rằng:

-“Tôi chỉ cầu xin anh nhường cho tôi nằm một bên nơi tấm thảm của anh thôi , để cho tôi nhờ tấm thảm ấy mà kiếm chút hơi ấm, đối với anh một chút tổn hao cũng không ảnh hưởng gì, mà anh lại không cho, thế thì người thí chủ làm sao thí xả thức ăn cho anh? Phật tổ làm sao thương xót đến anh?”

Cuối cùng Phật tổ chỉ người thí chủ và nói rằng:

-“Để cho ngươi có tên trên bảng vàng”, rồi lại chỉ vào người hành khất nói thêm: “Làm cho ngươi đầy đủ cơm ăn áo mặc đối với ta thì chuyện đó chỉ làm cho ta nhọc công một chút thôi.”

Nhưng mà, các ngươi một chút từ bi tâm nghĩ đến người khác cũng không có, chỉ là một phân một tấc giúp đỡ người khác cũng không chịu nghĩ đến mà biểu hiện , thì các ngươi có chỗ nào xứng đáng để cho ta ra tay giúp đỡ không?

Nói xong Phật tổ thuận tay ném tờ trúng tuyển của người thí chủ vào góc núi, xem như là con đường công danh của người thí chủ kia không có duyên.

Lời bàn:

Ngụ ngôn dụ rằng: Có một người bạn nói với tôi rằng: Con người bây giờ thiệt là bỏn xẻn, đến nỗi chỉ một nụ cười hàm tiếu cũng không cho được người khác, chẳng lẽ cứ âu sầu ủ dột, nhăn nhó mặt mày, khiến cho người khác có cảm giác diện mạo đáng ghét khó coi.

Câu nói này làm cho tôi (tác giả) khởi tâm viết nên câu chuyện này.

Chúng ta lúc nào cũng dễ dàng đem tất cả tâm trí đặt vào nơi mà chúng ta mong đợi để “đạt được”, trong tâm trí từng giờ từng khắc không lúc nào mà không tính toán, chúng ta làm những việc này thì đạt được những ích lợi gì nào? Có thể thọ hưởng thâu lượm được thành quả gì?

Nhưng mà rất ít khi chúng ta đem tâm trí của mình đặt vào nơi “Hỉ xả”. (Hoan hỉ ban tặng niềm vui cho người, bỏ qua những điều mà mình đã giúp đỡ và nguời khác hại mình). Nếu nghĩ lại xem chúng ta làm như vậy, đem tâm hỉ xả, một mặt trên thì cầu Phật gia hộ, dưới thì giúp đỡ quan tâm đến mọi người, nhất là những người có duyên đến gợi ý cầu mình giúp đỡ. Như vậy có phải là đối với người khác họ sẽ có cảm giác rất là dễ chịu, hay là có thể cảm thất nhẹ nhàng hay sao?

Song, giả sử chúng ta dù một ít đồ vật cũng không muốn cho người khác, thì có tư cách gì để đòi người khác phải cho lại chúng ta? Những lúc mà chúng ta có đồ vật và quyền năng để biếu tặng người khác, mà chúng ta không chịu thí xả và giúp đỡ họ. Rồi đến lúc chúng ta cần sự giúp đỡ thì làm sao có tư cách để yêu cầu người khác ra tay giúp mình?

Khoảng cách giữa người và người, hoặc giữa người với các loài vật khác đối đãi qua lại với nhau tất cả đều có sự hỗ tương cho đi và đáp lại. Nếu không phải là trực tiếp để nhận, thì cũng sẽ có nhân quả tuần hoàn, kết cuộc rồi chúng ta cũng sẽ nhận lại những gì mình đã từng gây ra.

Autumn Lotus dịch từ Tạp chí Văn học Ye Putao

Nguon: http://www.hoalinhthoai.com/?option=ban_tin&view=ban_tin_chitiet&dm_id=12&post_id=2939&lang=vn


Âm lịch

Ảnh đẹp