Tiếng chuông chùa


Quảng Thông
18/03/2012 20:35 (GMT+7)
Số lượt xem: 105385
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tiếng chuông làm thức tỉnh bao người còn mãi đắm chìm trong giấc mộng. Khách tang hải tuy sống trong cõi vô thường mà không hay biết về vô thường, không ý thức về sự thật vô thường của vạn thể, nên đang sống đấy mà như mộng.


 Lũy tre làng, lời mẹ ru, dù người ta có thể quên, quên vì sự lãng quên, quên trong những cuộc rong ruỗi kiếm tìm trong cuộc đời. Nhưng âm hưởng của lời ru, hình ảnh lũy tre làng sẽ còn mãi đó trong lòng người. Đó là những hình ảnh êm đềm, nhẹ nhàng sau những tháng năm miệt mài lao đao. Những hình ảnh ấy đã đi vào thi ca và sống mãi. Tất nhiên những gì đã đi vào thi ca thì sẽ tồn tại với thời gian và giá trị của nó sẽ được thời gian gạn lọc. Âm hưởng của tiếng chuông chùa cũng đã đi vào thi ca tạo nên một nét đẹp nhân văn rất đáng quý.

Tự bao đời, mái chùa đã trở nên nơi quy thú tâm linh của con người. Đạo Phật từ khi sáng ngời ở phía trời Tây Vức đã lan toả khắp cả miền Đông Á. Đó là đạo lý của sự tĩnh thức. Tất nhiên những sinh hoạt của những ai đi theo con đường ấy đều phản ánh tinh thần tĩnh thức; một mái chùa cong cong, không khí thanh tịnh an nhàn, một tiếng chuông ngân là tiếng trầm hùng gọi con người về trong thực tại. Ấy vậy khi tìm đến một cảnh chùa, người ta đã cảm nhận được một sự an vui nhẹ nhõm mà trong cuộc sống đời thường không thể nào tìm thấy được:

“Nhân quá trúc viện phùng tăng thoại

Hữu đắc phù sinh bán nhật nhàn”

(Nhân qua chùa gặp vị Tăng cùng đàm luận

Bất giác thấy đời mình mới có được nửa ngày nhàn)

Sống trong cuộc thế lắm bon chen, nhiều toan tính, người ta khó có được một phút lắng yên để sống thật với chính mình. Người ta bận rộn bởi nhiều cách, bởi sinh nhai, bởi danh vọng, bởi tiền tài…, họ cố tìm cho mình một vị trí, một ý nghĩa nào đó trong cuộc đời để sống và thoả mãn. Nhưng tất cả những mối bận tâm ấy trở nên mong manh hay không còn một ý nghĩa đích thực nào nữa khi người ta đã tìm được những phút giây yên tĩnh của nội tâm mình, để cảm nhận được mình, ý thức thật rõ về mình. “Phút nông nổi để ngàn đời ân hận, hạnh phúc nào hơn sự yên tĩnh của tâm hồn”.

Sự yên tĩnh của tâm hồn là một điều thật sự đáng quý, mà khi có được, người ta cảm nhận như một sự trở về với quê hương rất thực của mình. Bởi ai cũng có một tuổi thơ thần tiên, không bận rộn lo toan, hồn nhiên và đẹp đẽ. Chính ở tuổi thơ ấy, con người đã sống rất thực với những hiện hữu chung quanh, với một tờ lá xanh non, với hòn đá nhỏ, với chú bướm vàng, với bông bí đỏ… với tất cả những gì yêu thương nhất. Âm vang tiếng chuông là tiếng gọi thiết tha đưa người về với quê hương, xua tan đi tất cả những vấn vương tục luỵ, những nỗi trần tâm:

“Đánh tan tục lụy hồi chuông sớm

Gõ nát trần tâm tiếng mõ trưa”

Trong cảm hứng về thiên nhiên, đất nước, con người một cách sâu sắc lắng đọng, người ta đã cảm nhận trọn vẹn một tiếng chuông ngân dài trong màn sương êm như hơi thở:

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Sương

Mịt mù khói toả ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ. ”

Khung cảnh thiên nhiên, nhịp sống con người hài hoà và tinh tế, tiếng chuông nghe thật ấm áp và cảnh bỗng trở nên rất có hồn. Phải chăng đó là tiếng của hồn thiêng dân tộc:

“Mái chùa che chở hồn Dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông”

Ở đây, đời sống tâm linh và đời sống xã hội đã hoà quyện vào nhau thành một thực thể. Cùng một lúc, ta tiếp xúc được với cả hai cội nguồn tâm linh và huyết thống; chẳng phải tổ tông đã tiếp nhận một cách thông minh và hài hoà đời sống tâm linh đạo Phật đó sao; chẳng phải đạo Phật đã làm cho dân tộc ta trở nên một dân tộc thuần từ văn minh, có thuỷ, có chung, có nhân, có hậu đó sao. Nét đẹp nhân văn nhân bản ấy là nếp sống ngàn đời của tổ tông, của cuộc sống hiện tại và cả của thế hệ tương lai.

Ta cũng lại nghe một âm điệu tương tự của tiếng chuông ở một phong cảnh khác:

Gió đưa cành trúc là đà

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Khương

Chiều về trên bến sông Hương…

Có nhiều người thắc mắc có phải ai đó đã nhại lại khúc ca dao trước mà đặt và đó tiếng chuông Thiên Mụ và dòng Sông Hương. Điều ấy có lẽ chẳng quan trọng gì mấy. Ở đây, chuông Thiên Mụ và dòng Hương Giang đã thành một giai điệu thi ca trong lòng người dân xứ Huế. Bên dòng Hương lững lờ thơ mộng, tiếng chuông cứ ngân dài lan tỏa trong không gian. Không gian càng rộng, càng yên tĩnh, tiếng chuông nghe càng sâu lắng.

Cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều cũng đã có hai câu thơ nói đến tiếng chuông:

“Sớm khuya lá bối phiến mây

Ngọn đèn khiêu nguyệt, tiếng chày nện sương”

Chày là chiếc dùi thỉnh chuông có chạm hình con cá Kình tượng trưng cho sự tĩnh thức. Tiếng chuông luôn dóng lên để thức tỉnh lòng người. Đây là đoạn miêu tả về sự hạ thủ công phu của Kiều sau những năm đầy lưu lạc với những chán chường đau khổ. Ai trong chúng ta là Kiều. Ai đâu đó còn miệt mài trong danh lợi, còn sầu rũ ruột vì quyến luyến những gì đã mất, hay đuổi theo những hình bóng của hạnh phúc hy vọng xa xăm, có nghe chăng tiếng chuông, tiếng chuông chùa văng vẳng gọi trở về.

Cũng tiếng chày kình, Chu Mạnh Trinh viết:

“…Vẳng bên tai một tiếng chày kình

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”

Khách tang hải là người trong cõi vô thường. Tiếng chuông làm thức tỉnh bao người còn mãi đắm chìm trong giấc mộng. Khách tang hải tuy sống trong cõi vô thường mà không hay biết về vô thường, không ý thức về sự thật vô thường của vạn thể, nên đang sống đấy mà như mộng. Tiếng chuông đã làm họ giật mình tỉnh thức, tỉnh thức để thấy cho rõ sự thật vô thường của cuộc đời. Ý thức được sự vô thường là thấy được đích thực cuộc sống, bởi vô thường là sự sống, không có vô thường thì không có sự sống. Nhờ ý thức như vậy mà con người sống có ý thức hơn, bình an hơn, minh triết hơn.

Một thi sĩ người Hoa cũng đã làm cho tiếng chuông vang mãi cùng bài thơ bất hủ của mình:

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hoả đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”

Tản Đà dịch:

Trăng tà tiếng quạ kêu sương

Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Có rất nhiều giai thoại về bài thơ này. Thi sĩ Trương Kế là một vị quan coi sóc việc buôn bán, sống vào cuối thế kỷ thứ tám. Thi sĩ đã lưu danh thiên cổ chỉ với một vài bài thơ. Người đời sau có nhiều thắc mắc về bài thơ này, nhất là thắc mắc chùa làm gì mà đánh chuông giữa khuya, nhưng như vậy mới ra thơ. Nếu sáng ra ông còn phải coi sóc hợp đồng thì còn đâu tiếng chuông chùa Hàn San còn lưu mãi đến ngày nay. Ngày nay, chùa Hàn San đã nổi tiếng vì tiếng chuông ấy nên du khách đến nhiều và không khí không còn như xưa nữa và tiếng chuông cũng không còn thiêng liêng như thuở nào. Người ta đã ghi nhận được một tiếng thở dài nhưng cũng rất tự tin của Thầy trụ trì ở đó: “Chùa Hàn San chỉ là một chùa nhỏ, nó chỉ lưu danh nhờ một tiếng chuông, thế nhưng chúng ta là Phật tử, chùa nhỏ chùa lớn không quan trọng, chúng chỉ là danh tự. ” (Nguyễn Tường Bách, - Mùi hương trầm).

Vâng, tất cả chỉ là danh tự, chỉ có tiếng chuông đưa người về trong tĩnh thức, với chánh niệm mới thật sự là đáng kể. Như sự thức tỉnh của Trương Kế đã làm sống mãi ngôi chùa và làm vang mãi tiếng chuông từ ngày ấy.

Tiếng chuông ngân vang trong không khí thanh u tĩnh mịch của trời khuya thức tỉnh bao người. Nhưng  trong hoàn cảnh ấy, có người cũng “thức” dậy để làm những công việc ác nghiệp như bác đồ tể. Nhưng đến lúc nào đó đủ duyên lành, bác đồ tể của chúng ta cũng được thức tỉnh (nhưng ở đây không còn là tiếng chuông thường nhật mà là ‘không’ tiếng chuông). Và từ đó, người ta thấy, đêm đêm khi nghe tiếng chuông thong thả ngân vang, bác trở dậy, lạy Phật, tụng kinh, sám hối những ác nghiệp cũ. Bác không cần phải trách móc mình, chẳng cần bận tâm về những hành nghiệp cũ của mình. Bác ý thức được đời sống của mình ngay trong hiện tại, về quá khứ và vững bước trên con đường hướng thiện của mình về tương lai. Tiếng chuông sẽ giúp bác trở về với nếp sống hiền từ giải thoát, đánh thức những hạt giống từ bi bấy lâu còn ngủ yên trong tiềm thức.

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe!

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.

Tiếng chuông chùa đã đi vào trong thi ca, trong truyện kể một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng, bình dị mà thiêng liêng. Nó như là tiếng gọi của đức Phật đưa chúng ta về trong hiện tại của chính mình. Trong cuộc đời, chúng ta sẽ rất dễ bị cuốn theo những quay cuồng của nhịp sống thời đại. Chúng ta rất dễ bị lạc bước bởi những tập khí của mình. Có những lúc chúng ta thương đau, buồn giận, oán thù, thì xin hãy lắng lòng nghe một tiếng chuông để còn kịp thời dừng lại, để mỉm cười và để thương nhau: “Những ai lạc bước xin dừng lại,Tĩnh giấc hôn mê thấy nẻo về…

Và để nghe lời chuông nhắn nhủ:

Boong boong… tôi là chuông đại hồng…

Boong boong… nghe tiếng tôi xin người nở nụ cười

Boong boong … nghe tiếng tôi xin người đem mắt thương nhìn cuộc đời…

Nguồn: Tập san nghiên cứu

http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoc/tuy-but/10430-Tieng-chuong-chua.html


Âm lịch

Ảnh đẹp