07/03/2012 16:19 (GMT+7)
Số lượt xem: 43525
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nắng tháng giêng, tháng hai với nhiều người là vạt lụa óng ánh vàng nên thơ. Người ta thi vị nắng là hạt nắng, giọt nắng, chẳng hạn “giọt nắng bên thềm” (Nguyễn Ngọc Thiện).



Nắng tháng giêng, hai ở Hà Nội nhẹ nhàng lắm, khi ẩn khi hiện. Những ngày có hanh nắng người già ra ngồi phơi nắng mà vẫn mặc áo bông, áo len. Nắng để những người làm đồng khoát cái áo trên vai và khen trời ấm. Nắng phía ngoài đèo Cả tuy không có mưa nhưng trời vẫn còn lạnh và nắng thực sự ấm khi mặt trời lên cao khoảng hơn chín giờ. Nắng phía trong đèo Cả thật sự hồng hào. Nắng thể hiện khí hậu miền cận nhiệt đới.


Nắng, diêm dân và muối mặn - Ảnh minh họa

Nắng dòn dã rong chơi khắp vùng. Nắng cưỡi gió đi khắp vùng biển cho đến đất liền. Và mùa này người thành phố bắt đầu trốn nắng về vùng biển nghỉ ngơi bằng những ngày nghỉ ngắn cuối tuần hay kết hợp những ngày nghỉ lễ thành chuỗi ngày du lịch. Nhưng nắng vẫn đuổi theo dân thành phố: người đi đến đâu, nắng đi theo đến đó. Vâng người ta né nắng bằng những chiếc nón rơm xanh đỏ khắp nẻo đường du lịch.

Nhờ du lịch tôi mới biết mỗi tỉnh đều có con đường huyết mạch mang tên Trần Hưng Đạo: như Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Tuy Hoà…Ngày xưa công ty Thiết kế và Quy hoạch của tôi cũng nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Hồi ấy chúng tôi lăn lộn với giấy can, viết, gôm và cả mực tàu têlin cho ra những bản vẽ khổ A0, A2, A3, A4…

Vì vẽ tay chúng tôi hay nhìn ra khung cửa sổ: con đường nhựa nóng hổi với cái nắng ghê hồn. Nắng có thể khô tất cả mọi thứ. Nắng cong vênh cả mặt đất này thì phải. Nói đến nắng tháng giêng, hai này ai cũng nheo nheo mắt lại và tất nhiên miệng cũng không ở dạng bình thường. Có nghĩa nắng ghê lắm.

Với nắng ghê gớm ấy cứ hơn hai giờ có một cụ già mặc bộ quần áo đen đội nón lá không còn lành gánh gánh muối và thằng bé níu gióng theo sau. Hai bà cháu đen nhẻm với gánh muối hột ngày nào cũng đi ngang qua cơ quan tôi và tôi cũng có ý đợi để thấy bà cháu rồi mới tiếp tục công việc. Tôi ghé tai hỏi người bạn dân địa phương thì họ cho biết đó là người đi mót muối. Mót lúa chẳng thua đủ, mót muối bấy nhiêu đó có đủ bữa cơm chiều cho bà cháu? Thời bao cấp lương chúng tôi cũng nhỏ xíu chẳng đủ sinh hoạt nên lòng từ cũng teo nhỏ.

Rồi một ngày Chủ nhật tôi và người bạn rủ nhau lên ruộng muối để thử cái nắng tháng giêng, hai này. Ruộng muối cách cơ quan không xa nên chỉ cần xe đạp cũng đủ đến nơi. Bạn tôi nhăn nhó: “Nắng gió, hơi nước tanh tanh, mặn chát có chi mà cũng đòi đi”. Những người diêm dân ngạc nhiên hỏi chúng tôi muốn mua muối. Tôi trả lời : “Đi cho biết”.

Họ cười: “Có chi mà biết chớ. Xứ nước mặn này gì cũng mục. Khăn mặt một tuần một cái, còn quần áo te tua rách hết vì muối”. Chúng tôi chẳng thể làm gì ở ruộng muối này, kể cả cào muối, xúc muối. Nặng lắm đối với dân văn phòng như chúng tôi. Nắng càng to thì công việc của họ càng thuận lợi. Người dân vất vả lắm mới có muối thế mà giá muối rẻ mạt. Đổi bao nhiêu muối mới được ký gạo? Người ta vẫn nhập khẩu muối… Những hạt mồ hôi của diêm dân sao mà mặn! Chúng tôi chết lặng bên ruộng muối.

Tôi về nấu cơm mới thấy mình đang dùng từng hạt mồ hôi của người diêm dân. Nghe ai than nắng nóng hai đứa lại nhìn nhau. Nắng cứ nóng chúng tôi chỉ cần cái dù, cái áo khoác nhưng nắng với diêm dân mới quan trọng. Không có nắng họ chẳng thể làm gì được. Hôm nay, vừa hết tháng giêng đã có những trận mưa lớn. Không biết ruộng muối họ ra sao? Muối khô rồi có tái thành nước biển. Mong cho mưa đừng đến ruộng muối nhé.

Dù gì nắng tháng giêng, tháng hai vẫn đẹp với mọi người. Nắng vẫn ẻo lả nơi này nơi kia, vẫn đùa dai với người đi du lịch, mạnh mẽ trên đồng ruộng…Nắng tháng giêng, hai là thế đó. Ai có trách nắng vẫn đẹp mọi nơi mọi chỗ…

Diệu Hòa - GNO


Âm lịch

Ảnh đẹp