Cái khoảng cha đã xa rồi, hình tượng ngày xưa của
cha cũng sắp phai dần, thì cảnh chung quanh lại không mấy tốt. Quanh tôi là
những con người với những lời nói bùi tai, nhưng dạ thì hay lòng vòng. Dịu dàng
chỉ là lớp áo che đậy những việc rối ren. Tôi ghét sự giả dối kinh hồn. Ghét
luôn những lời nói ngọt ngào và những con người có tướng dịu êm. Ghét rồi lại
chồng thêm dại. Sống ngược lại hết cho đời biết tay. Thế là hết cha lại đến
Trương Phi đổi làm thần tượng trong kiếp nhân sinh. Những kẻ dịu dàng liệt
chung vào đám vô lại.
Mẹ hết phương dạy dỗ, chỉ biết tìm chọn chàng rể có
sức chịu đựng Trương Phi. Sư gặp rồi, nhẹ nhàng tới lui cũng chỉ mấy lời nhắn
nhủ: “Mật ngọt chết ruồi. Ăn hiếp chồng hết phước đa con”. |
Cái đầu vô minh quá dày, làm sao lời nói có thể đâm
thủng qua tai mà ngoáy cho tới cái chỗ biết phải, biết trái, biết thiệt, biết
hơn. Chỉ có trực nhận bản thân như ngựa thấm đòn… mới hiểu ít nhiều những điều
mẹ muốn cũng như những gì Sư đã dạy cho.
Sự chân thành cần thiết
Tôi ghét sự ngọt ngào vì bọc trong đó là sự giả
dối. Có thể vì lợi, cũng có thể vì danh hoặc vì một thứ gì khác mà người ta đã
lồng gai góc vào trong lớp bọc láng trơn, khiến lời nói dễ thương trở thành
phản cảm. Tôi đã không phân biệt rõ được cái gì là tánh và cái gì là tướng của
một vấn đề. Tôi đồng hóa sự ngọt ngào với lòng giả dối, nên tôi ghét lời ngọt
ngào mà không nhận ra giá trị của sự dịu dàng bắt nguồn từ tấm chân tình. Cho đến
ngày Sư mất đi. Tôi mới nhận ra sự nương tựa của mình và lời nói nhẹ nhàng xuất
phát từ tấm chân tình giá trị biết bao!
Dù tôi có nói về nó bao nhiêu, bạn cũng chẳng nhận
ra nếu bạn chưa từng một lần trải nghiệm qua nó. Khi bạn nhận ra hung hăng mang
lại thất bại đau khổ, còn lời nói dịu dàng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng
bạn, nó khiến bạn phấn chấn và có thể giúp bạn vượt thoát những hạn chế của
chính mình, bạn sẽ từ bỏ hung hăng và bắt đầu tập tành những gì mà bạn thấy
thích ở người khác.
Kinh luận sách vở chỉ là những lời nhắc nhở. Người
chung quanh mới là bậc thầy vĩ đại. Dù tốt hay xấu, đều là tấm gương để ta soi
rõ những gì nên làm và không nên làm.
Có điều…
Vì là duyên khởi, nên tánh không đổi nhưng tướng
theo duyên mà thành có khác. Lời nói dễ thương rất có giá trị khi lồng trong đó
là tấm chân tình, nhưng không vì thế, những gì người đời cho là thô cứng, lại
không có sự chân tình trong đó.
Một vị lãnh chúa mời Thiền sư Daigu và Gudo đến để
hỏi về thiền.
Gudo nói:
- Ngài thông minh, có khả năng bẩm sinh để học
thiền.
Daigu thì ngược lại:
- Thật vô lý! Vì sao ông đi nịnh cái đầu bò này.
Ông ta có thể làm một lãnh chúa nhưng về thiền thì mù tịt.
Thay vì theo thói đời là ưa thích người khen ngợi
mình, vị lãnh chúa đã xây cho Daigu một ngôi chùa và theo học thiền với Daigu.
Một lời nói thô cứng vẫn trở thành có giá trị, nếu
nó xuất ra từ tấm chân tình và nhất là được sử dụng đúng duyên. Gudo nói đúng.
Lãnh chúa là một người thông minh và có khả năng bẩm sinh để học thiền. Ông
không theo thói thường là dính mắc vào lời tán thán ngọt ngào. Ông chỉ biết mục
tiêu mà ông đang nhắm đến.
Tuy vậy, những lời nói mang tính nhẹ nhàng vẫn có
giá trị lớn lao, bởi ta chưa phải là thiền sư để tâm đủ “không” mà có thể tùy
duyên ứng pháp. Lời dịu dàng vẫn có giá trị với ta thì lời dịu dàng của ta cũng
sẽ có giá trị với người nhiều hơn là lời nghịch tai. Đó là cái nhân để ta có
được những mối quan hệ tốt đẹp trong hiện đời, cũng là tiền đề cho những thuận
duyên về sau. Thuận duyên rồi, nghịch tai vài lời cũng theo thế thuận mà đi ...
Những gì tôi đã tạo ra do tật nóng nảy, để lại cho
tôi khá nhiều nghịch duyên, phiền não. Để thấy gieo nhân thì dễ, gặt quả không
phải là việc dễ dàng. Nhân quả hiện tiền góp phần cho mình bớt si.
Lực của thói quen…
Kinh nghiệm đã dạy tôi rằng: Hiểu là một chuyện mà
làm được hay không là một chuyện khác. Thói quen không phải nói bỏ là nó liền
ngưng. Tôi nhận ra mình có tính hay quên kinh khủng. Một thế lực ngầm nào đó cứ
dẫn mình đi đến khi mọi việc đã rồi. Lực của thói quen…
Cứ theo cái trớn bực bội phát ra những lời giận dữ
khi có những việc không theo ý mình.
Không thể ôn hòa khi phải đối diện với những bộ mặt
nhăn nhó.
Không thể bình thản khi bị từ chối hay là chà đạp.
Không khỏi bực bội khi đầu đầy ắp căng thẳng, lo
âu.
Thật khó dịu dàng khi chung quanh mình chất đầy
những thứ không thuận.
Không giải pháp nào có thể giải quyết việc đó ngoài
sự hiểu biết và sức định tỉnh trong mình. Khi có trí tuệ và sức định tỉnh soi
đường, tâm thành trôi chảy, không bị tham sân làm trệ mà có điều kiện phát hỏa.
Định tỉnh
Định tỉnh, là trạng thái làm chủ được những xúc cảm
trong mình. Nhận ra được những xúc cảm đó và dừng chúng lại. Định tỉnh được,
cũng có nghĩa là ta không để duyên bên ngoài tác động vào mình. Một thái độ
suồng sã hay một lời nói giận dữ chỉ là… một thái độ suồng sã và một lời nói
giận dữ. Ta có thể nhìn pháp đúng như chính nó mà không bị nó làm động. Nhưng
thường thì ta bỏ đi sát-na tự do ấy để “quên mình theo vật”. Người ngu ta ngu,
người dại ta dại, người nổi sân ta cũng nổi sân... Duyên nghiệp cứ thế mà trôi
theo chiều oan nghiệt.
Bạn có tin “định tỉnh” hay “không định tỉnh” đều từ
thói quen mà ra?
Không tập định tỉnh, ta sẽ không bao giờ có định
tỉnh. Cứ tiếp tục giận dữ, giận dữ sẽ có lực đẩy ta đi ngày càng xa.
Ngày nay chúng ta rất dễ giận dữ, vì mình không ý
thức được sự huân tập của giận dữ, không ý thức rằng thói quen giận dữ có lực
che mờ mọi tỉnh táo và sáng suốt của mình. Và để giận dữ trở thành thói
quen.
Khi ta nhận ra sự giận dữ làm ảnh hưởng đến công
việc, tình cảm, cũng như các vấn đề khác trong đời sống của mình, ta sẽ tự nhủ
mình phải định tỉnh. Đó là bước đầu để sự định tỉnh được tái lập. Nếu định tỉnh
được tái lập ngày một ít, thì tương lai định tỉnh sẽ thành thói quen. Giận dữ
không thể có mặt khi định tỉnh hiện tiền.
Hiểu biết
Muốn có định tỉnh ta cần có trí tuệ. Trí tuệ là sự
hiểu biết đúng đắn, mang lại lợi ích cho mình và người. Không có sự hiểu biết
đúng đắn, ta khó định tỉnh được khi cái tôi bị đụng chạm. Nhận ra giá trị của
sự định tỉnh trong công việc và giao tiếp là một trong các biểu hiện của trí
tuệ. Không có trí tuệ ta không thể thấy được điều đó.
Khi tôi nói với bà, tức giận và chửi bới không chỉ
làm ảnh hưởng đến công việc mua bán hiện tại, nó còn làm tổn hại đến sức khỏe
của chính bà, bà đã gạt qua. Với bàn tay đang tươm máu, bà vẫn la hét và làm nó
thêm tươm máu, trong khi người khách khiến bà giận dữ đã đi thật xa. Bà nói bà
không cần khách, chửi cho sướng miệng, cho chúng biết tay. Lực của sân giận
thật kinh hoàng! Chỉ khiến mình muốn tàn phá.
Trong cơn tức giận, con người chỉ biết làm sao thỏa
mãn tức giận, không còn suy nghĩ việc đó là lợi hay hại cho mình, huống là cho
người khác. Có người nhận ra cái điên của mình khi việc đã rồi. Có người bằng
lòng với những mất mát mình đã tạo ra trong cơn tức giận. Không rút được chút
kinh nghiệm nào hết. Bởi lực vô minh quá dày, che khuất tất cả. Phật nói chúng
sinh điên đảo. Đúng là điên đảo khi mình bảo vệ cái tôi của mình bằng cách tàn
phá và làm tổn hại đến nó.
Không phải chỉ bà mà hình như tôi và cả người khác
cũng vậy. Không còn biết gì khi cơn thịnh nộ hiện hành. Cho nên, làm sao đừng
để sân giận bộc phát. Phải dừng nó ngay khi nó hiện hình. Không thì có khi
thành muộn.
Biết đâu rồi…
Phải tự vật vã với sự thiêu đốt của địa ngục, phải
trả giá thật đắt cho những cơn sân, phải rút kinh nghiệm thật nhiều… mới hy
vọng tự nhắn nhủ, tự phấn đấu để dừng nổi những cơn sân.
Cuộc đời là một chuỗi dài những kinh nghiệm, lưu
dấu về sau.
Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ biết mới là
sống. Phải biết sân giận là nguy hại. Phải biết sân giận sắp hiện hình hay đang
hiện hình trong tâm. Cuối cùng là phải biết dừng nó lại kịp thời và thải nó ra,
không để nó lưu dấu. Thiền sư Sessan nói: “Giận dữ là biểu lộ sự ngu si của
tâm và phô bày lầm lỗi của mình”. Và ông lặp lại lời dạy của Đại sư Bạch
Ẩn: “Người được thắp sáng bởi chân lý thì không sân. Khi chân lý tối tăm,
sân hận nổi lên. Trên thế gian, mọi vật đã đâu vào đấy, nếu có người làm tôi
giận đó là lỗi của chính tôi. Khi tôi nổi giận, lỗi tôi tăng gấp đôi”. Mọi
vật đã đâu vào đấy, bởi có nhân, đủ duyên mới có quả. Tất cả đều là những gì
chúng ta đã tạo ra trong quá khứ. Giờ đủ duyên thì hiện hình. Sân giận với
những gì mình đã tạo ra thì thật vô lý!
Cũng cần biết rằng, sân giận dù kinh khủng bao
nhiêu, một khi ta đã ý thức để từ bỏ và tập từ bỏ thì sân giận sẽ ra đi. Bởi
sân giận không phải là ta, cũng không phải là của ta, chỉ do tập quen mà nó
thành có. Đừng cho nó ăn quen, nó sẽ bỏ mình mà đi.
Biết ơn cuộc sống
Khi tôi nói với bạn “Ta hãy biết ơn về những gì mà
cuộc sống mang lại”, bạn sẽ bảo tôi điên khi nó chỉ mang lại toàn bất hạnh cho
bạn. Nhưng nếu bạn nhận được từ sự bất hạnh ấy một món quà đầy ý nghĩa thì mọi
việc sẽ khác đi. Thay vì buồn phiền và tức giận, bạn sẽ thấy biết ơn về những gì
mà bạn đã nhận được.
Nữ tu Rengetsu khi hành hương đến một ngôi chùa thì
trời cũng vừa sụp tối. Bà xin chỗ trú qua đêm nhưng dân ở đó đóng sầm cửa lại.
Bà phải trú nơi cây anh đào ngoài đồng. Giữa khuya, dưới bầu trời đêm xuân, bà
tỉnh giấc và nhìn hoa anh đào nở rộ cười đón ánh trăng mờ sương. Ngây ngất
trước vẻ đẹp của thiên nhiên, bà đứng lên kính cẩn hướng về ngôi làng: “Nhờ
lòng tốt đã từ chối cho tôi tá túc. Tôi ngồi đây, dưới những đóa hoa nở rộ
trong đêm mờ”. Rengetsu sẽ chẳng thốt lên lời cảm ân chân tình nếu bà không
nhận ra món quà mà thiên nhiên trao tặng nhờ sự bất hạnh.
Con trai nói với tôi: “Ngày xưa mẹ thật khó
chịu, khi nào cũng nhăn nhó và nói dai như đỉa”. Tôi nói với nó về mặt tích
cực mà nó cần thấy: “Không phải nhờ vậy mà bây giờ khi sếp mắng con, con đã
bình chân như vại, trong khi mọi người lại thấy tổn thương nghiêm trọng”.
Thằng bé như chợt tỉnh ra: “Oh, thứ gì cũng có hai mặt của nó. Ăn thua là ở
mình…”.
Nói như thế, không phải để biện minh cho những sai
trái của tôi trong quá khứ. Rất nhiều trẻ con đã đánh mất phương hướng đời mình
khi không nhận được bàn tay dịu dàng của người mẹ. May là thằng bé nhà tôi tự
có phương chống đỡ mà trưởng thành trong tình thương của bà và dì. Tôi cũng đã
phải mất một thời gian khá dài không thể gần con và gặp không ít khó khăn do
cái tật khó chịu của mình. Giận dữ và nhăn nhó không phải là một việc tốt đẹp
để biện minh. Kinh điển đã cảnh tỉnh: “Một ngọn lửa sân đốt cháy cả rừng
công đức”. Những gì tôi nói với con chỉ là những gì tôi đã cảm nhận được từ
cuộc sống. Trong cái rủi có cái may. Trong cái xấu có cái tốt. Một sự từ chối
có khi là mở đường cho một sự may mắn. Một sự khó khăn có khi là nền tảng cho
một sự vững vàng…
Đại sư Bạch Ẩn, một lần nhìn thấy con ve lột da
trong bóng tối. Nó xoay sở cho cái đầu thoát ra rồi lần lượt đến các chân nhỏ.
Chỉ có cánh bên trái còn kẹt ở bên trong và giữ nguyên lớp da cũ. Hình như nó
không thể nào làm chiếc cánh bong ra. Thấy nó vật lộn để tự giải thoát, ông
động lòng trắc ẩn khều giùm. Ông nghĩ nó sẽ tự do và bay đi tùy thích. Nhưng
cánh nó vẫn dính chặt và ve sầu không thể bay lên. Ông cảm thấy xấu hổ và hối
hận về việc mình vừa làm(2).
Không ai ngờ chính nhờ sự đánh vật đó, ve sầu mới đủ khả năng bay lên...
Ta quen nhìn thế giới chung quanh theo một chiều
nhất định mà không nhận ra tính duyên khởi của vạn pháp. Chính sự cứng nhắc đó
của tâm khiến mọi thứ trở thành đình trệ. Tâm không thể thông thoát là đầu mối
của phiền não và bất an. Thế giới và con người chung quanh sẽ không thoát được
cái nhìn chứa đầy sở tri và phiền não của mình. Mọi thứ trở nên tồi tệ dù thực
tế không hẳn như thế.
Khi nhận ra được ít nhiều sự tương tác tương duyên
của những thế đối nghịch, cũng thường xuyên nhận được những món quà giá trị ở
thế nghịch duyên, tôi thấy mình dễ bình thản hơn khi phải đối diện với những
thứ không vừa lòng. Và rất nhiều lần, tôi thật sự thấy biết ơn về những gì tôi
từng cho là bất hạnh.
Với cái nhìn của thiền gia, đó là món quà quý giá
giúp thiền sinh hình thành nên sự vững vàng và lòng nhẫn nại. Cũng là những thứ
rất cần để người Phật tử hình thành nên nhẫn lực của chính mình, là điều kiện
cần thiết để chúng ta tìm thấy hạnh phúc trong kiếp nhân sinh ở cõi Ta-bà.
Khi có lòng biết ơn với cuộc sống, mọi thứ trở nên
nhẹ nhàng. Khi tâm nhẹ nhàng, lời nói chứa đựng yêu thương.
Cảm thông
Khi chúng ta đủ định lực và trí tuệ thì không có
một lời nói hay thái độ nào của người đối diện làm ảnh hưởng đến mình. Kết quả
của định, tuệ là tình thương và lòng khoan dung. Là kết quả của trí và bi, nên
mọi hành động, dù thuận hay nghịch, đều là hoạt dụng của tự tâm.
Buổi chiều từ thiền viện về, một chiếc xe máy đã
đâm vào hông xe tôi. Người đàn ông đang bận nhìn trời, không thấy chiếc xe đang
quẹo vào hẻm trước mắt nên vẫn cho xe phóng tới. Chúng tôi thấy đó mà đành chịu
trận. May người đàn ông kịp tỉnh, nên không xảy ra sự cố nghiêm trọng. Xém
chết, ông giận dữ văng tục và đánh đạp loạn xạ. Tôi xin lỗi và xin cho tôi giải
thích vài lời. Rằng xe chúng tôi đã qua quá sát lề trái, chỉ là vì ông không
thấy. Chúng tôi không thể làm gì ngoài việc chờ ông… nhìn lại. Có lẽ do lòng
thành khẩn và bộ nâu sồng đang mặc trên người, ông liền hạ hỏa, nhận ra lý lẽ
mà tôi vừa nói. Thấy lỗi ở mình, ông vội bỏ đi.
Cũng phải dùng ít lý lẽ để mà gỡ rối, nhưng không
y lý hoàn toàn, sừng sộ đúng sai với người, vì tôi từng là… ma sân. Khi sân,
không có lý lẽ đúng sai, chỉ như con điên, phá tung tất cả đến khi mọi sự đã
rồi. Để bảo vệ mình, tôi phải y kinh hành động. Lấy nước từ tẩm ướt lòng sân.
Nếu không xong nữa thì… chuồn, từ từ hạ hồi phân giải. Tôi không chủ ý đối đầu
với kẻ đang sân dù lý nằm về phía mình.
Thật ra không phải chỉ sợ thiệt thân, trong đó còn
sự thương cảm. Thương mình những phút si dại, biết nghiệp trói lôi sai sử thế
nào, hiểu người phản ứng gay gắt chỉ vì kề cận cái chết quá sát mà thương.
Thương rồi, làm sao có thể gay gắt với người. Trong lý còn có cái tình, đâu thể
lý không, như trí đi liền với bi mới thành đạo nghiệp.
Khi tôi làm việc quá mức, sức khỏe suy giảm, đầu óc
căng thẳng, tôi thấy mình dễ nổi nóng vô cùng. Không ai động tới cũng thấy bực
bội. Mặt mày tự động nhăn nhó. Lời nói tự động gay gắt. Nếu không, cũng là một
sự chịu đựng. Chịu đựng quá rồi có lúc xì ra.
Thấy mình mà thông cảm người ...
Cuộc sống thời nay, nhịp sống quá nhanh, tiếng động
quá nhiều, không khí ô nhiễm, chưa kể công việc thành bại vô chừng… rất nhiều
nhân duyên không thuận dễ khiến tâm người thêm tán, đánh mất đi sự định tỉnh
vốn có của mình. Người này không tỉnh kéo theo người kia không tỉnh. Không tỉnh
mất định là chuyện thường tình. Nếu không có người tỉnh, hiểu biết cảm thông
những cơn giận dữ, không có tình thương chịu đựng tha thứ cho nhau, khó mà có
hạnh phúc trong sự giàu sang quyền quý, nghèo khó lại còn khổ hơn một bực. Chưa
kể oan nghiệt kéo dài kéo dọc theo những cơn sân. Đường nào cũng khổ nếu không
có Đạo dẫn đường.
Mục đích và lý tưởng
Tập định tỉnh với một người quen nhăn nhó và bực
bội, phải hành xử thương yêu với những người trái tính, bội ân… không phải là
việc dễ làm, nếu ta không có mục đích hướng đến. Định tỉnh khiến việc giao tiếp
và công việc làm ăn của bạn được tốt đẹp, định tỉnh sẽ được tái lập vì mục đích
kiếm tiền. Mọi thứ trở thành dễ dàng khi ta có mục đích cho nó. Nhưng khi mục
đích hướng đến mang tính quy ngã thì vẫn chứa nhiều hạn chế.
Một thời gian dài, dù đã phát tâm Bồ-đề, tôi vẫn
thấy bực với những chướng ngại quanh mình. Cho đến cái ngày, một câu trong đầu
bật ra: “Có lẽ không cần có mặt ở cõi đời này, chỉ để vinh thân hay gặp
những người khiến mình vừa lòng”. Câu nói phá tan phiền não. Bởi nó xác định
những gì mà tôi phải làm và phải đối mặt, như lẽ tự nhiên.
Tôi đã đặt cho mình một lý tưởng để hướng đến,
nhưng trong mọi hành xử, tiếp duyên, tôi lại quên mất lý tưởng đó của mình. Đó
là lý do khiến tôi muộn phiền và thấy ngăn ngại với những khó khăn. Tôi đã quên
mất những gì mà kinh đã dạy: “Dù là oán hay thân đều dùng các thiện căn hồi
hướng bình đẳng, không có sai biệt. Chúng sinh có vô lượng xấu ác, nhưng không
vì chúng sinh xấu ác mà hiềm giận, thối thất, không hành hồi hướng, không vì
chúng sinh khó điều phục mà thối bỏ thiện căn, không hành hồi hướng. Dù chúng
sinh có tà kiến, sân trọc, đối với đại trang nghiêm tâm vẫn không chuyển, không
bỏ đại nguyện cứu hộ chúng sinh. Nếu thấy chúng sinh trọc ác, vô tín, không
biết báo ân, tu tập Bồ-đề chưa từng giải đãi. Nếu cùng kẻ đồng mông ngu si đồng
sự, tâm không phiền não”(3). Đại nguyện cứu độ chúng sinh lớn lao vô ngần, nên
với tôi, nó vẫn còn trên bình diện nguyện cầu. Nhưng một khi tôi đã xác định
được đường tôi đi, tập thương yêu với những nghịch duyên của mình, cũng có
nghĩa là tôi đang từng bước “tu tập Bồ-đề chưa từng
giải đãi”, cũng là đang hành “đại nguyện cứu hộ chúng sinh” của mình.
Mọi thứ trở nên dễ hơn
khi ta có mục đích và một lý tưởng để hướng đến.
Hạnh nghiệp chúng sinh
ở cõi Ta-bà phải nói là khổ. Không phải chỉ có hiện đời là xong. Chết đi mọi
thứ để lại, chỉ nghiệp là không. Nó
đeo cho tới khi nào chính mình tự ngán, tự dừng. Tu thiền, niệm Phật, trì chú…
chẳng qua là giúp chúng ta phá đi nghiệp tập ở cõi Ta-bà. Đường đi tuy khác mà chỗ
ta về nào có khác nhau. Không phải tự mình tìm đường thoát ra thì ai cứu mình
bây giờ? Thôi thì cố gắng cùng biết cùng tỉnh để đời an vui.
(1) Bùi Giáng; (2) Trích tác phẩm “Bạch Ẩn huệ
hạc, Cuộc đời Ngữ lục thư pháp và Họa phẩm” - Thuần Bạch và Ngọc Bảo
soạn dịch; (3) Kinh Hoa Nghiêm, bản 60 cuốn. Phẩm “Bồ tát Kim Cang tràng
thập hồi hướng”.