Hai vị đại đệ tử có bổn
phận xin đức Phật đi ra ngoài,
một số tỳ-khưu trẻ và Nam cư sĩ bước theo. Lát
sau, đèn đuốc khắp nơi, trong ngoài đều quang rạng...
Đức Phật nghỉ ngơi, uống nước. Mọi người kinh hành, thư
giãn... Chư tăng các nơi
và hai
hàng cư sĩ lại tìm đến... Đức Phật lại phải tiếp tục thời pháp.
- Hiện nay – ngài nói – giáo pháp của Như Lai đang từng hồi từng bước phát triển; và còn phát
triển nữa, chừng bảy nước lớn quanh lưu vực sông Gaṅgā và chừng
ba mươi tiểu quốc, bộ tộc rải rác đó
đây. Sau khi Như
Lai nhập diệt, giáo pháp sẽ
được phát triển xa rộng hơn nữa; và tuổi
thọ của giáo pháp chỉ
tồn tại mười ngàn năm trên thế
gian này. Bắt đầu từ thời điểm ấy, ác pháp
phát triển, thiện tâm của con người ngày càng lu mờ; do vậy, cứ trăm năm thì tuổi thọ con người giảm một tuổi. Với cái đà suy
giảm như vậy, lúc tuổi thọ con người chỉ còn mười tuổi, thì năm sáu tuổi
họ đã lấy vợ lấy chồng – lúc này thì
con người không còn biết thiện pháp
là gì,
nhường
cho ác
pháp
lên ngôi chúa tể: Người ta sống với nhau chỉ biết ác độc,
bạo tàn, hung dữ, thù hận...;
tìm cách chém giết nhau, đọa đày nhau. Ở
đâu cũng bạo loạn, điên cuồng, lo sợ. Thành phố đổ
nát, điêu tàn; làng mạc,
ruộng đồng
bị thiêu cháy. Toàn bộ trái đất chỉ còn một đống
gạch vụn, âm ỉ lửa khói. Nhân loại trở lại thời kỳ đồ đá... Lúc sắp diệt vong thì có
một số người do sợ hãi quá, tìm
trốn trong rừng sâu, trong các hang động, sống đời ăn
lông ở lỗ... Những kẻ sống sót tìm đến nhau, bảo với nhau rằng, ai cũng sợ hãi - vậy đừng chém giết nhau nữa! Vậy là một chút thiện pháp như mầm
cải phát sanh, nó lớn
dần dần.
Vậy là cứ một
trăm năm thì tuổi thọ con người được thêm một tuổi. Đến khi tuổi thọ của con người lên chừng năm sáu mươi
tuổi là họ đã có lại làng
mạc, thị thành, đời sống bắt đầu phát triển, thịnh vượng theo
với thiện pháp và thiện
tâm... Rồi từ đấy, thiện pháp cùng với sự phồn vinh tăng trưởng mãi, tăng trưởng mãi cho đến
khi tuổi thọ con người lên đến tám mươi bốn ngàn tuổi. Đến đây thì thiện
pháp và
thiện
tâm đến hồi cực thịnh; đời sống vật chất, tiện nghi sinh hoạt
đạt được
sự toàn mãn như thế
giới chư
thiên. Vì sung sướng quá, muốn gì có
nấy, biến mục đích đời người là để mà thỏa mãn
dục lạc; thế rồi, do đời sống hưởng thụ vị kỷ, một vài tâm
niệm giãi đãi, xấu ác bắt đầu
sinh mầm – vậy là cứ
hễ một trăm năm là con người lại giảm mất một tuổi. Đến khi tuổi thọ giảm xuống chừng tám vạn tuổi
– lúc ấy đức Phật Metteya mới xuất hiện...
Thuở đương lai ấy, có một
quốc độ cường thịnh đệ nhất, tên là
Ketumatī-mahānagara
– nằm tại xứ Bārāṇasī
bây giờ. Kinh đô của
nước này dài mười hai do-tuần, rộng bảy do-tuần - tất cả đều tiện nghi, sạch đẹp, xa hoa, tráng
lệ cùng cực. Tại cung điện
có một tòa lầu bằng
ngọc - là y báo của một
vị thiên tử Jeṭṭhanāla
vừa từ cung trời Đao-lợi hạ sanh làm thái
tử con vua nước Ketumatī – tên là Sankha.
Sau khi
nối
ngôi, đức vua Sankha có
một đời sống nghiêm minh, mẫu mực; chính ngài
thường
thọ trì bát quan trai
và giáo dục
muôn dân sống theo
thiện pháp.
Đức vua
Sankha
có một vị quốc sư hiền thiện, tài đức vẹn toàn, sở học thâm uyên – tên là
Subrāhm – thường
cố vấn, tham mưu trong
trướng và là thầy phụ
đạo, dạy dỗ đức vua. Đại bồ-tát lúc
ấy từ cung trời Đẩu-xuất, giáng sanh vào lòng
phu nhân vị quốc sư - bà
Candramukhī
– tên là Vaṭṭhana. Lớn lên, vì là kiếp cuối
cùng, nên Vaṭṭhana
xuất gia, ngồi dưới cội cây
Nāgarukkha
(Long
hoa - chính là cây mù
u) bảy ngày rồi đắc quả Chánh Đẳng Giác. Từ đó,
ngài thuyết pháp độ đời, giúp chúng sanh giác
ngộ, giải thoát nhiều không xiết kể. Đức Chánh Đẳng Giác Metteyya (Di Lặc) đương
lai ấy, chính là vị
tân tỳ-khưu Ajita trước mặt chư vị, vừa thọ nhận bộ tam y quý giá rồi phát
lời đại nguyện vô thượng làm cho cái bát
của Như Lai phải rơi vào tay của
ông ta
vậy.
Thời pháp vén mở bức
màn bí
mật
tương lai của đức Phật đã xác định nhân, duyên và
quả rất rõ ràng nên
chẳng còn ai thắc mắc
gì nữa. Còn lệnh bà Gotamī nghe đến đây thì tâm
tư đã hỷ mãn trọn
vẹn