Quang gánh đường đời


Tác giả: Nguyễn An Khánh
11/03/2012 09:19 (GMT+7)
Số lượt xem: 73216
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi khoảng cách giàu nghèo vẫn chưa có đủ những kế hoạch khả thi để được thu hẹp , khi vẫn còn những con người không có loại phương tiện nào có tính cách cơ khí hơn, thì đôi quang và chiếc đòn gánh vẫn là công cụ đắc lực nhất giúp họ gồng gánh cuộc đời của họ .


Bộ quang gánh đã trở thành vật dụng thân thiết với người Việt không biết từ bai đời. Ngày xưa, đường sá đi lại khó khắn, thiếu sức kéo, muốn vận chuyển bất kỳ phẩm vật nào cần thiết cho việc sinh hoạt của gia đình, người bình dân chỉ có thể trông chờ vào sức vóa của mình. Bộ quang gánh ra đời đã giúp họ giải quyết vấn đề vận chuyển một cách triệt để, từ việc đi lấy nước, việc mang nông sản thu hoạch được từ đống ruộng về nhà, đến việc đưa nông sản ra chợ bán, hoặckhi cần vận chuyển bất kỳ loại hàng hóa  hay vật dụng nào. Có thể nói bộ quang gánh là vật dụng không thể thiếu trong mọi gia đình người Việt thời trước dù là ở chốn thôn dã hay nơi kẻ chợ. Ngay từ khi có đủ sức vóc để làm được việc nhà, trẻ em bình dân Việt Nam đã bắt đầu tập gánh. Nếu nguồn nước ở gần nhà hay nơi lấy nước đủ an toàn, trẻ em trên 10 tuổi đã có thể gánh nước về nhà, mỗi lần gánh 20 lít nước. Khả năng gồng gánh cứ thế mà tăng tiến từng ngày; đến lúc trưởng thành, người bình dân Việt Nam đã sử dụng quang gánh thuần thục và có khả năng gánh hơn một trăm ki- lô gam hàng hóa nếu cần. Do tính chất phân công lao động thời trước, việc gồng gánh thường được giao cho phụ nữ .

Không ít người phụ nữ Việt Nam có cả cuộc đời gắn liền với bộ quang gánh. Khi còn ở với cha mẹ nhiều cô gái từ quảng 13, 14 tuổi đã thường xuyên đảm nhận công việc gánh nước mang về dùng cho cả gia đình. Hình ảnh các cô thôn nữ tụ tập để lấy nước, quanh bờ giếng, bờ sông, bờ suối tạo ra một nét văn hóa đáng yêu. Họ trò truyện ca hát giữa buổi chiều, buổi sáng, giữa đêm trăng, làm ấm áp vùng quê thầm lặng, nghèo nàn. Khi có gia đình, đôi quang gánh lại tiếp tục theo cô gái về nhà chồng.

Ở nông thôn, họ gánh mạ, gánh phân ra ruộng, gánh rơm rạ, gánh thóc về nhà, gánh rau quả ra chợ bán. Ở miền biển, họ gánh cá gánh muối, nơi rừng núi, họ gánh củi, gánh măng. Trong lúc chờ mùa vụ, người phụ nữ lại gánh hàng hóa từ chợ này đến chợ khác đề trao đổi kiếm đồng lời thêm thắt vào việc chi dụng cho gia đình. Có những người gánh cả đứa con còn nhỏ đi theo mình, để vừa buôn bán vừa trông con. Họ yên tâm xem việc gồng gánh như vậy là công việc của cà đời người.

Ở chốn thị thành cũng không ít người suốt đời trông vào một gánh hàng rong làm phương tiện mưu sinh. Không thiếu những người mà hết thảy vốn liếng của gia đình được chất lên đôi quang gánh rồi được gánh đi khắp phố phường để từ đó tạo nên những khoản thu nhập ít ỏi đủ đem lại niềm hy vọng nhỏ nhoi cho một người mẹ già, một người chồng mất sức lao động, một đứa em cần tiền đóng tiền học, một đứa cháu bị bệnh tâm thần, hay những đứa con đang tuổi ăn tuồi lớn ...Nhiều người khi con cái đã trưởng thành, vẫn không muốn làm phiền con cái tiếp tục gánh một gánh hàng, rong ruổi khắp hang cùng ngỏ hẻm để tự trang trải mọi chi phí cho sự sinh hoạt của mình. Bên cạnh đó, không hiếm những người cô quả, buộc phải tự mưu sinh khi tuồi già vì không được ai chăm sóc, khiến bộ quang gánh tiếp tục kẽo kẹt trên vai đến sức cùng lực kiệt . Những ngày mưa gió, hình ảnh những người bán hàng trùm những tấm ni-lông che, ưa đi giữa phố thị, chỉ nói lên sự lầm than của đời người. Đi sâu vào những cuộc sống gian nan ấy, ta thấy bộ quang gánh với người phụ nữ Việt Nam không hề là một hình ảnh lãng mạn.

Gần đây, trong quá trình đô thị hóa của đất nước, vùng nông thôn ngày càng bị thu hẹp cả về diện tích lẫn vai trò kinh tế, khiến một số đông nông nhân đã phải rời bỏ làng mạc để kiếm sống ở chốn thị thành. Chưa được trang bị những khả năng và kiến thức giúp mưu sinh lập nghiệp nơi thị tứ, lại không có vốn liếng, phần lớn các bà các cô đã kiếm sống bằng cách lập một gánh hàng rong nếu muốn có một công việc mang lại thu nhập bằng chính sức lao động của mình, và đã làm tăng số lượng những gánh hàng rong trên phố. Hình ảnh nững người phụ nữ suốt ngày oằn vai gánh những bước vô định trong những khu thị tứ tấp nập, trị giá hàng hóa có khi không bằng một tô phở bò Kobe gyu 5 trong nhà hàng của một khách sạn trên đường Láng Hạ  Hà Nội, đã là một hình ảnh gây xúc động.

Một nữ sinh viên 20 tuổi đang học tại trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Miền Nam trên đường Lê văn Thọ, phường 11, quận Gò Vấp, TP HCM kể rằng, em có thể đi học được là nhờ mẹ em hằng ngày gánh một gánh đậu hũ đi bán rong khắp thành phố. Em cho biết em còn có một đứa em trai 17 tuổi đang học lớp 10 ở Quảng Ngãi;  và tuy ba em ở nhà làm ruộng nhưng thu nhập của ba em không đáng là bao, mẹ em phải gửi tiền về nuôi con trai và phụ giúp chồng nuôi mẹ chồng. Nói về m , em rưng rưng bảo rằng, mẹ em hình như không biết ngủ. Em mong sớm học xong và sớm kiếm được việc làm có thu nhập khả quan để giúp mẹ em bớt cực nhọc lúc tuổi già. Khi gặp mẹ em, tôi không nghĩ rằng đó là một người phụ nữ mới ngoài tuổi 40. Chị cho biết hằng ngày chị chỉ chợp mắt vài tiếng đồng hồ luc gần khuya. Cứ 12 giờ là chị thức dậy lo chế biến đậu hũ để bắt đầu gánh hàng đi bán từ lúc 5 giờ sáng. Chị cũng không biết mỗi ngày chị đi bao nhiêu cây số đường. Hỏi rằng chị có được cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, chị còn chưa biết có quy định về việc ấy nữa, nhưng chị khoe rằng chị luôn luôn nghĩ đến việc phải cố gắng chế biến gánh đậu hũ của chị cho thật ngon lành tinh khiết để người ăn không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị cười và nói rằng khi hàng bị ế thì chính mình ăn chứ ai ăn bay giờ? Qua câu chuyện chị cũng xác nhận những điều con gái chị nói rằng thu nhập của chị mỗi ngày cũng chỉ được vài chục ngàn đồng; và không riêng gì chị, cả một cái xã của chị ở Quảng Ngãi, hầu hết phụ nữ đều kéo nhau vào thành phố để kiếm sống bằng những gánh hàng rong đủ loại.

Đành rằng trong quá trình phát triển, những phương thức cổ truyền sẽ dần dần được thay thế bắng những phương thức mới. Trong xã hội cổ truyền của chúng ta không thiếu gì những hình ảnh lãng mạn mà nay không còn nữa. Cảnh dã gạo dưới đêm trăng với chày đôi bên câu hò nghe thân thương biết mấy; nhưng nay ai còn dã gạo? Dưới ánh trăng mà bên anh đọc sách bên nàng quay tơ? Tuy nhiên có lẽ người Việt vẫn còn phải nhờ đến quang gánh một thời gian dài nữa. Khi khoảng cách giàu nghèo vẫn chưa có đủ những kế hoạch khả thi để được thu hẹp, khi vẫn còn những con người không có loại phương tiện nào có tính cách cơ khí hơn, thì đôi quang và chiếc đòn gánh vẫn là công cụ đắc lực nhất giúp họ gồng gánh cuộc đời của họ .

Theo Tạp chí VHPG


Âm lịch

Ảnh đẹp